BỘ
CÔNG NGHIỆP NHẸ
******
|
VIỆT
NAM
DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
02-BCNN/KH
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 03 năm 1961
|
THÔNG
TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ HÀNG THIẾU TIÊU CHUẨN, PHẾ
PHẨM, PHẾ LIỆU THEO QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 63-CP NGÀY 14-11-1960
Kính gửi:
|
Các ông Giám đốc Cục, Vụ, Viện,
Trường,
Các xí nghiệp quốc doanh sản xuất trung ương,
Các công trường xây dựng cơ bản,
Các Ty Công nghiệp địa phương và Ban Vận động hợp tác xã trung ương
|
Bộ gửi kèm sao lục Thông tư số
63-CP ngày 14-11-1960 của Hội đồng Chính phủ để thi hành.
Bộ giải thích cụ thể và nêu lên
mấy nét lớn dưới đây:
I. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HÀNG
THIẾU TIÊU CHUẨN, PHẾ PHẨM, PHẾ LIỆU TRONG CÁC XÍ NGHIỆP, CÔNG TRƯỜNG
1. Tình hình quản lý những
hàng thiếu tiêu chuẩn phế phẩm và phế liệu trong các xí nghiệp, công trường thuộc
Bộ từ trước đến nay nói chung có nhiều thiếu sót đã gây lãng phí nghiêm trọng
thiệt hại đến tài sản và ngân sách Nhà nước:
- Hoặc là sử dụng không hợp lý.
- Hoặc là bán lẻ trong nội bộ xí
nghiệp, công trường hay bán ra ngoài cho các cơ quan, xí nghiệp, công trường bạn.
- Hoặc là thiếu bảo quản, để hư
hỏng trong kho lâu ngày, không sử dụng được nữa, phải huỷ bỏ.
Trong các xí nghiệp đều có tình
trạng này ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Các đoàn kiểm tra phát hiện nhiều
tài liệu đối với nhà máy thuốc lá Thăng Long, nhà máy dệt Nam Định, nhà máy tơ
Nam Định, nhà máy xà phòng, nhà máy cá hộp Hải Phòng, nhà máy cao su, dệt kim
Đông Xuân, sắt tráng men, rượu, bia, v.v… Trong các xí nghiệp và công trường tổng
số hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu khá lớn.
2. Tình hình trên đã gây nhiều tác hại:
- Một là tỷ lệ hàng thiếu tiêu
chuẩn, phế phẩm và phế liệu cao, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành còn cao, giá
trị tổng sản lượng có bị giảm sút, kế hoạch lợi nhuận của một số xí nghiệp
không đạt được gây thiệt hại nhất định đến tích luỹ vốn nhà nước và thất thu về
thuế, v.v…
- Hai là: Ở một số xí nghiệp,
tình trạng sử dụng phế phẩm, phế liệu và hàng thiếu tiêu chuẩn đã gây ra tham
ô, có vụ nghiêm trọng đã được phát hiện ở nhà máy thuốc lá Thăng Long.
- Ba là: Mất đoàn kết nội bộ
trong một số người: suy bì, ghen tị lẫn nhau giữa người được mua và người không
được mua; giữa người được mua nhiều và người được mua ít, giữa một bộ phận anh
em ở cơ quan được mua với cơ quan khác không được mua.
3. Nguyên nhân của
tình trạng này có nhiều nhưng đến nay cán bộ ta chưa quán triệt ý nghĩa quan trọng
của việc quản lý hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu. Chưa phân biệt được
rành mạch phế liệu, phế phẩm và hàng thiếu tiêu chuẩn, thiếu ý thức đấu tranh
giảm bớt tỷ lệ phế phẩm, phế liệu và thiếu kế hoạch sử dụng hợp lý.
II. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HÀNG
THIẾU TIÊU CHUẨN, PHẾ PHẨM VÀ PHẾ LIỆU TỪ THÁNG 01-1961
A. NHIỆM VỤ VÀ
TRÁCH NHIỆM CỦA XÍ NGHIỆP, CÔNG TRƯỜNG VÀ CƠ QUAN THU MUA:
a) Nhiệm vụ:
1. Nhiệm vụ của các xí
nghiệp, công trường được Nhà nước quy định từ 1961 như sau: “Trong nhiệm vụ
hoàn thành kế hoạch Nhà nước bao gồm cả nhiệm vụ về quản lý những hàng thiếu
tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu”.
(mục II, trang 2 trong Thông tư
của Hội đồng Chính phủ số 63-CP ngày 14-11-1960)
2. Bộ quy định nhiệm vụ
của tất cả các xí nghiệp, công trường, các đơn vị cung tiêu và các cơ quan thuộc
Bộ: “Phải ra sức phấn đấu hạ thấp tỷ lệ hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế
liệu, bằng cách không những nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế đến mức tối
thiểu sự sinh ra hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu.
Việc nâng cao chất lượng sản phẩm,
giảm dần tỷ lệ hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu là một trong những
chỉ tiêu mà các xí nghiệp, công trường phải phấn đấu hoàn thành, và từng xí
nghiệp một sẽ đặt mức cụ thể cho đơn vị mình.
b) Trách nhiệm:
Tất cả các xí nghiệp, công trường,
các tổ chức cung tiêu, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các Cục quản lý sản xuất,
kiến thiết cơ bản và các cơ quan thuộc Bộ đều có trách nhiệm:
1. Quán triệt chế độ
tiết kiệm, nâng cao việc sử dụng phế phẩm, phế liệu sinh ra trong quá trình sản
xuất và xây dựng cơ bản, bảo quản tốt nguyên, nhiên vật liệu, thành phẩm, v.v…
2. Khắc phục những thiếu
sót có thể gây ra hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm, phế liệu bằng cách:
- Cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản
xuất;
- Tăng cường tổ chức kiểm nghiệm
chất lượng;
- Tiến hành kiểm tra thường
xuyên phẩm chất sản phẩm trong quá trình sản xuất và bảo quản, kiểm tra sự chấp
hành chế độ kỹ thuật trong từng giai đoạn sản xuất.
3. Tìm mọi cách ngăn
ngừa, hoặc hạn chế phế phẩm, phế liệu phát sinh, chủ yếu là nâng cao tinh thần
trách nhiệm của công nhân tránh làm ẩu để phát sinh ra hàng thiếu tiêu chuẩn,
phế phẩm và phế liệu và tăng cường giáo dục toàn thể cán bộ công nhân viên của
toàn xí nghiệp, công trường nâng cao ý thức đấu tranh ngày càng hạ thấp tỷ lệ
hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu.
4. Khi đã phát sinh rồi
thì phải sử dụng hợp lý:
- Hoặc là sửa chữa những hàng
thiếu tiêu chuẩn để làm cho nó có giá trị sử dụng hoàn toàn như một sản phẩm
thương phẩm có đầy đủ tiêu chuẩn quy cách, phẩm chất và mặt hàng để có thể bán
được với giá trị của thành phẩm thông thường và kinh doanh có lợi.
- Hoặc là đưa ra tiêu thụ thông
qua Mậu dịch quốc doanh quản lý.
5. Bản thân xí nghiệp,
công trường không có trách nhiệm bán và không thể vin vào lý do vì Mậu dịch
không tiêu thụ cho nên phải bán rẻ trong nội bộ xí nghiệp, công trường những
hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu như Chính phủ đã quy định.
6. Đối với các cơ quan
thương nghiệp, trong Thông tư số 63-CP, mục III điểm 5 của Hội đồng Chính phủ
đã quy định rõ: “Bộ Nội thương có trách nhiệm thu mua, hoặc quản lý việc tiêu
thụ tất cả những hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu. Mậu dịch quốc
doanh có trách nhiệm ký hợp đồng tiêu thụ những hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm
và phế liệu sinh ra thường xuyên trong các xí nghiệp, công trường và coi như hợp
đồng tiêu thụ sản phẩm chính”.
Bộ có trách nhiệm liên hệ với Bộ
Nội thương tiến hành ký hợp đồng nguyên tắc về tiêu thụ và định giá cả hàng thiếu
tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu của các xí nghiệp, công trường trên cơ sở các
xí nghiệp, công trường thuộc Bộ, phải cung cấp đầy đủ mọi tài liệu và đề nghị cần
thiết về hai Bộ để việc duyệt giá cả được chính xác và hợp lý.
B. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ
VÀ CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG KỶ LUẬT TỪ 1961.
Kể từ ngày ban hành thông tư
này, Bộ Quyết định:
Điều 1. – Nhiệm vụ hoàn thành
kế hoạch Nhà nước bao gồm cả nhiệm vụ về quản lý những hàng thiếu tiêu chuẩn,
phế phẩm và phế liệu.
Điều 2. – Việc nâng cao chất
lượng sản phẩm, giảm dần tỷ lệ hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu là một
trong những chỉ tiêu mà các xí nghiệp phải phấn đấu hoàn thành để có thể được
trích quỹ xí nghiệp.
Vụ Kế hoạch, Vụ Kỹ thuật, Vụ Tài
vụ và các Cục quản lý sản xuất có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn sử dụng hợp
lý theo tinh thần Thông tư số 63-CP của Hội đồng Chính phủ và nội dung chỉ thị
này của Bộ. Cụ thể là: các Vụ kiểm tra, giúp đỡ biện pháp. Các Cục quản lý sản
xuất đôn đốc thực hiện. Các cơ sở xây dựng quy chế, phân loại, đánh giá và đề
nghị giải quyết những hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu trong xí nghiệp
mình.
Điều 3. - Những phế phẩm
có thể sửa chữa được thì cần sửa chữa thành hàng để đưa đi tiêu thụ. Cũng có
trường hợp nếu xét sửa chữa quá tốn phí thì giải quyết theo phế phẩm, phế liệu.
Những phế phẩm khác và phế liệu
cần phải tận dụng để sản xuất ra những mặt hàng chính hoặc để sản xuất ra các mặt
hàng phụ theo yêu cầu của kế hoạch Nhà nước và của Bộ.
Khi dùng phế phẩm và phế liệu để
sản xuất ra những mặt hàng phụ, cần chú ý sử dụng phế phẩm, phế liệu một cách hợp
lý nhất.
Điều 4. – Các xí nghiệp, công
trường không được để sinh ra hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu vượt
quá tỷ lệ do Bộ quy định, trước khi Bộ ký văn bản quy định tỷ lệ phế phẩm, phế
liệu và hàng thiếu tiêu chuẩn, Bộ uỷ nhiệm: Vụ Kế hoạch xét duyệt tỷ lệ phế phẩm,
phế liệu cho từng loại hàng của từng xí nghiệp, nhất là đối với những xí nghiệp
mới bước vào sản xuất. Vụ Kế hoạch cần phối hợp với Vụ Kỹ thuật và Viện Nghiên
cứu công nghiệp nhẹ, các Cục quản lý sản xuất xây dựng cơ bản cung cấp để quy định
cho các xí nghiệp, công trường những chỉ tiêu tiên tiến về nâng cao chất lượng
sản phẩm và giảm dần tỷ lệ hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu.
Vụ Kỹ thuật và Viện Nghiên cứu
công nghiệp nhẹ nghiên cứu tiêu chuẩn kỹ thuật trong đó bao gồm cả việc quy định
tỷ lệ hao hụt về phế phẩm, phế liệu theo công thức chế biến từng loại sản phẩm
và tiêu chuẩn sử dụng từng thứ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu hiện có và
đang dùng trong các xí nghiệp, công trường và phải phối hợp với các Cục quản lý
sản xuất tiến hành chỉ đạo điển hình, hướng dẫn các xí nghiệp sản xuất thử những
sản phẩm chế tạo bằng phế phẩm, phế liệu để có kế hoạch tận dụng phế phẩm, phế
liệu vào sản xuất và liên hệ với các xí nghiệp công nghiệp địa phương các cơ sở
thủ công nghiệp để sử dụng triệt để những phế phẩm, phế liệu vào sản xuất những
mặt hàng thích hợp như tôn vụn (tôle) có thể làm cùi đìa, cặp tóc. Tơ rối có thể
dệt nơ (noeuds). Bã lạc ép dầu có thể làm bánh, hoặc chăn nuôi. Thuốc lá vụn có
thể ngâm ra làm thuốc trừ sâu. Đầu cá, ruột cá dùng để nấu nước mắm, v.v… Các
việc trên phải kịp thời.
Điều 5. – Bộ sẽ khen
thưởng tất cả những sáng kiến phát minh nhằm hạn chế việc sinh ra hàng thiếu
tiêu chuẩn, phế phẩm, phế liệu và sẽ thi hành kỷ luật đối với những cán bộ lãnh
đạo, cán bộ kỹ thuật và công nhân, vì thiếu tinh thần trách nhiệm, vì làm ẩu để
sinh ra những hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu.
Vụ Lao động tiền lương và Vụ tổ
chức giáo dục sẽ nghiên cứu mức độ và hình thức khen thưởng cụ thể từng trường
hợp của từng xí nghiệp, công trường và các hình thức kỷ luật trình Bộ duyệt cho
ban hành.
Điều 6. – Các xí nghiệp, công
trường thuộc Bộ phải triệt để ngăn cấm những hành động giấu phế phẩm, phế liệu
và hàng thiếu tiêu chuẩn.
C. NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG,
TIÊU THỤ, ĐỊNH GIÁ VÀ QUẢN LÝ TÀI VỤ ĐỐI VỚI HÀNG THIẾU TIÊU CHUẨN, PHẾ PHẨM VÀ
PHẾ LIỆU.
a) Nguyên tắc về phạm vi sử dụng
và tiêu thụ:
1. Đối với hàng thiếu tiêu chuẩn:
Trước hết, cần thống nhất quan
niệm thế nào là hàng thiếu tiêu chuẩn:
Thông tư số 63-CP của Hội đồng
Chính phủ, mục I, điểm 1 định nghĩa: hàng thiếu tiêu chuẩn gồm:
“Những hàng sản xuất ra mà chưa
đạt quy cách và phẩm chất quy định cho những mặt hàng đó.
Những hàng mà phẩm chất bị kém
đi, nhưng vẫn còn giá trị thương phẩm do các đơn vị thương nghiệp quản lý”.
Như vậy có nghĩa là:
- Đối với các xí nghiệp sản xuất,
hàng thiếu tiêu chuẩn là những sản phẩm hoàn thành (thành phẩm) xuất xưởng mà
chưa đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn về quy cách và phẩm chất của mặt hàng đó đã
quy định trong kế hoạch sản phẩm và hợp đồng tiêu thụ.
- Đối với các đơn vị thương nghiệp,
hàng thiếu tiêu chuẩn cụ thể là hàng kém phẩm chất, những vẫn còn có giá trị sử
dụng như một sản phẩm thương phẩm có thể bán ra thị trường tiêu thụ.
Thí dụ:
Bát bị xây xát men một vài chỗ
nhỏ. Bút máy bị xây xát một chút, hoặc nhãn hiệu in lệch hoặc in mờ. Xà phòng bẹp
hoặc méo một chút. Vải nhuộm hoen ố một vài chỗ, v.v…
Phân biệt hàng thiếu tiêu chuẩn
với hàng đủ tiêu chuẩn ở chỗ:
- Hàng đủ tiêu chuẩn phải đạt
100% tiêu chuẩn sản phẩm quy định cho xí nghiệp sản xuất mặt hàng đó được Bộ
duyệt y. Về quy cách và phẩm chất bao gồm: quy cách, mật độ (thí dụ tích cỡ vải
sợi ngang bao nhiêu, sợi dọc bao nhiêu), kích thước (khổ rộng), độ bền màu, và
các lỗi do quá trình sản xuất gây ra (hàng đủ tiêu chuẩn phải dệt đúng, không lỗi
sợi, không dây dầu, không loang ố, v.v…). Hàng đủ tiêu chuẩn tức là hàng loại I
của mặt hàng đó.
- Hàng thiếu tiêu chuẩn tuy
không đạt được đầy đủ 100% các tiêu chuẩn sản phẩm quy định, nhưng về quy cách
và phẩm chất thì tương đối đạt được 90% hoặc trên 90% hay dưới 90% so với hàng
đủ tiêu chuẩn và vẫn đảm bảo giá trị sử dụng theo công dụng chính của nó là một
sản phẩm thương phẩm thông thường. Hàng thiếu tiêu chuẩn tức là hàng loại 2 hay
loại 3 của mặt hàng đó.
Nguyên tắc quản lý hàng thiếu
tiêu chuẩn: Thông tư 63-CP quy định: “Tất cả hàng thiếu tiêu chuẩn đều phải
giao cho ngành Mậu dịch quốc doanh tiêu thụ” (mục III, điểm I, trang 2).
2. Đối với phế phẩm và phế liệu:
- Về phế phẩm: Thông tư 63-CP của
Hội đồng Chính phủ định nghĩa: “Phế phẩm là những sản phẩm không đúng với quy
cách và phẩm chất quy định và không thể sử dụng theo công dụng chính của sản phẩm
đó…”
Phân biệt phế phẩm và hàng thiếu
tiêu chuẩn:
Phế phẩm
|
Hàng thiếu tiêu chuẩn
|
1. Không đúng
– quy cách
– phẩm chất
tức là không đạt được các tiêu
chuẩn sản phẩm quy định.
2. Không thể sử dụng đúng theo
công dụng chính của sản phẩm đó.
3. Có thể sửa chữa được thành
sản phẩm có đủ tiêu chuẩn (thành phẩm).
4. Hoặc không thể sửa chữa được
thì loại ra là phế phẩm.
|
1. Chưa đạt
– quy cách
– phẩm chất
tức là căn bản đạt được các
tiêu chuẩn sản phẩm quy định cho mặt hàng đó, nhưng chưa đạt đầy đủ hoàn toàn
cả 100% tiêu chuẩn sản phẩm quy định.
2. Vẫn còn có giá trị sử dụng
của sản phẩm thương phẩm theo đúng công dụng chính của sản phẩm đó.
|
Nói một cách khác, phế phẩm là
những sản phẩm khi sản xuất ra kiểm nghiệm thấy không đúng quy cách, phẩm chất
và không có giá trị sử dụng của thương phẩm.
Có thể hiểu đơn giản “phế phẩm
là sản phẩm hư hỏng do sản xuất loại ra. Có thứ phế phẩm có thể sửa chữa được
thành thành phẩm. Có thứ phế phẩm không thể sửa chữa được”. Thí dụ: bát bị lồi
lõm, vỡ một vài quãng men của nhà máy sắt tráng men. Bút máy bị vỡ cổ, bị nứt rạn
của nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà, Xà phòng bị rỗng giữa, thiếu acide béo của
nhà máy Xà phòng, v.v…
- Những phế phẩm có thể sửa chữa
được thành hàng đủ tiêu chuẩn thì phải cố gắng sửa chữa để đưa đi tiêu thụ. Thí
dụ: Lốp xe đạp của nhà máy cao su, nếu chỉ cần đắp thêm một ít cao su vào thì lốp
đó trở thành hàng đủ tiêu chuẩn và có thể bán được nguyên giá của nó (từ trước
đến nay có tình trạng bán ra những hàng thiếu tiêu chuẩn về lốp xe đạp với quan
niệm hễ không đủ quy cách một chút thì coi ngay là phế phẩm và bán hạ giá 75%
như là 1 lốp xe đạp thành phẩm bán 16 đồng, nhưng khi là phế phẩm thì chỉ bán có
4 đồng).
- Về phế liệu: Thông tư 63-CP định
nghĩa: “Phế liệu là những nguyên liệu vật liệu, loại ra trong quá trình sản xuất,
nhưng vì đã mất hoàn toàn hoặc một phần phẩm chất ban đầu của nó, nên hoàn toàn
không thể sử dụng đúng với giá trị sử dụng ban đầu của nguyên vật liệu đó”.
Nói một cách khác, phế liệu là
những nguyên vật liệu đã mất hoàn toàn phẩm chất, hoặc đã mất một phần phẩm chất
ban đầu của nó, cho nên nó không thể sử dụng được hoàn toàn đúng với giá trị sử
dụng ban đầu như khi mới mua về còn nguyên chất.
Thí dụ: Sợi rối, tơ rối, bông
cán, bông quét nhà do sản xuất loại ra của nhà máy dệt và nhà máy tơ Nam Định.
Các đầu mẫu gỗ (bìa, bắp, đầu thừa, đuôi thẹo), bao, thùng, hòm, đai sắt, tài sản
cố định sa thải hoàn toàn và đưa ra thanh toán hoặc sa thải từng bộ phận hư hỏng
loại ra, huỷ bỏ để lấy đồng, gang, sắt, v.v… (máy móc già cỗi và hư hỏng toàn bộ,
bánh xe mòn hết răng khế, những dụng cụ không dùng được nữa).
Phế liệu gồm có nhiều loại khác
nhau:
- Nguyên liệu và vật liệu chính,
vật liệu phụ, nhiên liệu loại ra trong quá trình sản xuất.
- Vật dụng đóng bao và đóng gói
sau khi đã bốc dỡ hết hàng (vật bao bì).
- Dụng cụ đồ nghề và những bộ phận
hoặc toàn bộ tài sản cố định sa thải, không thể sử dụng được nữa.
- Những thứ linh tinh thu nhặt
được (như sắt vụn, đồng vụn, v.v…).
Nguyên tắc sử dụng phế phẩm phế
liệu:
- Tất cả những phế phẩm, phế liệu
đều phải được sử dụng hợp lý và có lợi về mặt kinh tế cũng như về mặt tài
chính, nghĩa là phải tận dụng đến mức tối đa vào sản xuất để có thể sản xuất ra
những mặt hàng chính, hoặc để sản xuất ra các mặt hàng phụ theo yêu cầu của kế
hoạch Nhà nước.
- Khi dùng phế phẩm và phế liệu
để sản xuất ra những mặt hàng phụ, cần phải chú ý sử dụng phế phẩm và phế liệu
một cách hợp lý nhất.
Phạm vi sử dụng:
- Bộ và các Cục quản lý sản xuất
và xây dựng cơ bản có thể phân phối thẳng phế phẩm, phế liệu của xí nghiệp này
cho xí nghiệp khác, hay của công trường này cho công trường khác (trừ những loại
thuộc về vật tự do nhà nước quản lý).
- Các xí nghiệp, công trường
cũng có thể giao thẳng phế phẩm, phế liệu của xí nghiệp, công trường mình cho
xí nghiệp công trường khác để dùng vào sản xuất và xây dựng cơ bản. Nhưng theo
kế hoạch của Bộ.
- Nguyên tắc giao dịch theo chế
độ hợp đồng: nhất là đối với những phế phẩm phế liệu thường xuyên.
- Ngoài trường hợp sử dụng vào sản
xuất và xây dựng cơ bản, tất cả những phế phẩm và phế liệu còn có giá trị một
phần nào đều phải giao cho ngành Mậu dịch quốc doanh tiêu thụ hoặc xử lý việc
tiêu thụ.
b) Nguyên tắc định giá:
Việc định giá cần nhằm khuyến
khích nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế việc phát sinh ra hàng thiếu tiêu
chuẩn, phế phẩm và phế liệu và tận dụng vào sản xuất.
Hội đồng Chính phủ quy định
nguyên tắc định giá theo Thông tư số 63-CP ngày 14-11-1960 như sau:
1. Đối với hàng thiếu
tiêu chuẩn nguyên tắc định giá là để cho xí nghiệp có thể được hưởng một mức
lãi nhỏ nhất định hoặc không có lãi.
2. Đối với phế phẩm và
phế liệu thì nguyên tắc định giá là xí nghiệp không được tính lãi.
Nhà nước sẽ ấn định giá thu mua
thích đáng cho xí nghiệp.
3. Đối với phế liệu là
tài sản cố định sa thải đưa ra thanh toán thì nguyên tắc định giá là căn cứ vào
giá trị đào thải của tài sản cố định sa thải đó và chi phí thanh toán mà định
giá thu mua.
4. Đối với một số phế
phẩm coi như sản phẩm phụ thì nguyên tắc định giá là sẽ để cho xí nghiệp được
hưởng một mức lãi nhất định.
5. Đối với những phế
phẩm và phế liệu của xí nghiệp này giao cho xí nghiệp khác thì:
- Bộ và Cục quản lý sẽ định giá
đối với những thứ có giá trị lớn.
- Các đơn vị hữu quan cuàng nhau
thương lượng định giá đối với những trường hợp thông thường, nhưng phải căn cứ
vào nguyên tắc đã quy định ở trên.
6. Nhà nước định giá
thông qua Bộ Thương nghiệp:
Trong Thông tư số 63-CP, Hội đồng
Chính phủ quy định:
- Bộ Nội thương chỉ đạo giá bán
lẻ những hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu.
- Bộ Nội thương Quyết định giá
bán lẻ sau khi thống nhất ý kiến với Bộ (Vụ Kế hoạch) và Cục quản lý đối với những
thứ sinh ra thường xuyên và có giá trị lớn.
- Bộ Nội thương có thể ủy quyền
cho Ủy ban hành chính tỉnh lập một Hội đồng hoá giá gồm có đại biểu của Tài
chính - Mậu dịch – và xí nghiệp để xét định giá bán lẻ những thứ không quan trọng.
- Các công ty Mậu dịch sẽ căn cứ
vào các nguyên tắc định giá do Bộ Nội thương quy định mà cùng với các xí nghiệp,
công trường thương lượng định giá thu mua phế phẩm và phế liệu.
c) Nguyên tắc quản lý tài vụ:
1. Nguyên tắc kinh
doanh các sản phẩm chế biến bằng phế phẩm và phế liệu, nếu có lãi thì được giữ
số lãi ấy làm vốn để mở rộng sản xuất (kể cả xí nghiệp Quốc doanh, xí nghiệp địa
phương và công tư hợp doanh đã quy định ở mục V, trang 4 trong Thông tư số
63-CP ngày 14-11-1960 của Hội đồng Chính phủ do Phủ Thủ tướng ban hành).
2. Vụ Tài vụ có nhiệm
vụ hướng dẫn các xí nghiệp, công trường tổ chức chứng từ sổ sách và hạch toán kế
toán về phế phẩm, phế liệu vào tài khoản riêng để có thể theo dõi nhằm phấn đấu
giảm tỷ lệ phế phẩm:
- Sau khi Bộ thống nhất ý kiến với
Bộ Tài chính, hàng thiếu tiêu chuẩn trong hoàn cảnh cụ thể của các xí nghiệp nước
ta hiện nay vẫn được coi như thành phẩm loại 2, loại 3, v.v… được tính trong kế
hoạch sản lượng với giá thành toàn bộ của nó như các thành phẩm khác do xí nghiệp
sản xuất ra và hạch toán vào tài khoản 060 – “kho thành phẩm” đối với xí nghiệp
đã thi hành chế độ lệnh nhật ký của Bộ, hoặc hạch toán vào tài khoản 059 – “sản
phẩm làm ra” đối với xí nghiệp chưa thi hành chế độ lệnh nhật ký. Nhưng lãnh đạo
phải hết sức hạn chế sự sinh ra hàng thiếu tiêu chuẩn.
- Riêng về phế phẩm và phế liệu
thì hạch toán chung vào tài khoản 030. Không mở thêm tài khoản riêng về phế phẩm
nữa cho thêm phức tạp khiến việc theo dõi bị phân tán. Do đó tài khoản
030 theo Bộ Tài chính quy định là tài khoản hạch toán phế liệu, nay thay đổi
danh từ là “phế phẩm và phế liệu” chia ra 2 tài khoản phụ:
030.0 – Kho phế phẩm
030.1 – Kho phế liệu
Vụ Tài vụ của Bộ sẽ liên hệ với
Vụ chế độ kế toán Bộ Tài chính để thống nhất danh từ tài khoản chính 030 kể
trên ban hành từ 1957 trong lúc chưa có chế độ quản lý tài vụ đối với phế phẩm
và phế liệu như hiện nay.
- Những hàng thiếu tiêu chuẩn,
phế phẩm và phế liệu nếu có lãi thì coi như vốn hoàn trả Nhà nước, hoặc nếu lỗ
thì giảm giá thành sản phẩm theo đúng nguyên tắc định giá đã giải thích ở đoạn
“b” kể trên, nghĩa là:
Hàng thiếu tiêu chuẩn có thể được
hưởng một mức lãi nhỏ hoặc không có lãi.
Phế phẩm và phế liệu thì nguyên
tắc là không được tính lãi.
III. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VỀ HÀNG THIẾU TIÊU
CHUẨN PHẾ PHẨM VÀ PHẾ LIỆU CỦA XÍ NGHIỆP, CÔNG TRƯỜNG VÀ CÁC CƠ QUAN THUỘC BỘ
CÔNG NGHIỆP NHẸ
Để Bộ có thể xét duyệt lại các
chỉ tiêu kế hoạch 1961 về nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ thấp tỷ lệ hàng
thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu một cách chính xác, Bộ yêu cầu các xí
nghiệp, công trường và các cơ quan cung tiêu, sự nghiệp thuộc Bộ gửi về Bộ các
báo cáo dưới đây kèm theo các mẫu hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu.
1. Báo cáo tổng kết tình hình quản
lý, sử dụng và tồn kho hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu từ trước đến
nay (từ ngày bắt đầu sản xuất, xây dựng cơ bản, cung cấp đến hết ngày
31-12-1960). Nội dung báo cáo nêu rõ 3 phần:
I. Tình hình quản lý –
Sử dụng - Tồn kho đến 31-12-1960.
II. Ưu khuyết điểm – Ảnh
hưởng và tác hại – Nguyên nhân.
III. Đề nghị biện pháp
giải quyết cho năm 1961.
2. Bảng tổng kiểm kê tất cả những
hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu. Nội dung chia ra 3 cột:
I. Hàng thiếu tiêu chuẩn (số lượng,
giá thành đơn vị, thành tiền, đề nghị giá bán hay đề nghị sửa chữa lại thành
hàng đủ tiêu chuẩn, chi phí sửa chữa).
II. Phế phẩm (số lượng, giá
thành đơn vị, tổng giá thành đề nghị sửa chữa, chi phí sửa chữa, giá bán, hay đề
nghị đưa ra tiêu thụ).
III. Phế liệu (số lượng, giá đơn
vị, trị giá tổng số, đề nghị sử dụng hoặc đề nghị giá bán. Nếu đề nghị sử dụng
thì nói rõ có thể sản xuất mặt hàng gì).
3. Bảng thống kê tổng hợp các tỷ
lệ phế phẩm, phế liệu của từng đơn vị sản phẩm đã sản xuất ra trong năm 1960, dự
kiến tỷ lệ đề nghị áp dụng cho năm 1961, phân tích lý do vì sao dự kiến tỷ lệ
đó và nêu rõ mức phấn đấu của xí nghiệp, công trường hạ thấp tỷ lệ đó bao
nhiêu.
4. Bảng tiêu chuẩn sử dụng
nguyên nhiên vật liệu và động lực, vật dụng đóng bao, đóng gói (bao bì), dụng cụ
đồ nghề, v.v… (tức là bảng tiêu chuẩn kỹ thuật kinh tế thực tế đã thực hiện năm
1960 và đề nghị tiêu chuẩn sử dụng cho năm 1961, nói rõ lý do đề nghị).
5. Các báo cáo trên gửi về cơ
quan thuộc Bộ mỗi nơi một bản: Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch, Vụ Kỹ thuật, Viện
nghiên cứu Công nghiệp nhẹ, Vụ Tài vụ, các Cục quản lý sản xuất.
Thời hạn báo cáo chậm nhất đến hết
ngày 20-3-1961.
6. Ngoài ra, từ nay,
hàng tháng các xí nghiệp, công trường gửi báo cáo về Bộ (Vụ Kế hoạch và Vụ Tài
vụ):
1. Báo cáo những thiệt
hại về hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm, phế liệu trong tháng (báo cáo tổng giá
trị bằng tiền có tỷ lệ so sánh với giá trị tổng sản lượng. So sánh mức chỉ tiêu
của Bộ quy định với mức thực tế phát sinh trong tháng báo cáo).
2. Báo cáo về những
chi phí sửa chữa phế phẩm.
IV. KẾT LUẬN
Nói chung tình hình quản lý và sử
dụng hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu trong các xí nghiệp, công trường
thuộc Bộ từ trước đến nay có nhiều thiếu sót tác hại không ít đến tài sản và
ngân sách Nhà nước do nguyên nhân:
- Hoặc là chưa quan tâm đúng mức;
- Hoặc là thiếu tinh thần trách
nhiệm;
- Hoặc là nhận thức còn thiếu
sót;
- Hoặc là chưa có chế độ quản lý
và chế độ trách nhiệm thu thập và sử dụng hợp lý những hàng thiếu tiêu chuẩn,
phế phẩm và phế liệu.
Trên tinh thần cần kiệm xây dựng
công nghiệp, chúng ta cần quán triệt chế độ tiết kiệm và ý nghĩa quan trọng của
việc quản lý hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu đã có kế hoạch sử dụng
hợp lý và động viên toàn thể cán bộ công nhân viên trong xí nghiệp, công trường
mình ra sức đấu tranh giảm dần tỷ lệ hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu;
ngăn chặn kịp thời những hiện tượng tham ô, lãng phí và hạn chế đến mức tối thiểu
sự sinh ra hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu trong quá trình sản xuất
và xây dựng cơ bản.
Bởi vậy, từ nay Bộ yêu cầu các
xí nghiệp, công trường và các cơ quan thuộc Bộ thi hành tốt chỉ thị này và xem
đây là một mặt hoạt động cần chú trọng đầy đủ để bố trí thì giờ, cán bộ và tổ
chức cho thích hợp.
Các ông Giám đốc có trách nhiệm
tổ chức phổ biến, giải thích rộng rãi thông tư này của Bộ cho toàn thể cán bộ
công nhân và nhân viên trong đơn vị xí nghiệp, công trường và cơ quan thuộc Bộ
để việc quản lý và sử dụng hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu từ nay về
sau sẽ thu được kết quả tốt đẹp như mong muốn.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ
Kha Vạn Cân
|