ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số: 905/1998/QĐ-UB-NCVX
|
TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 02
năm 1998
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI
BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
- Căn cứ Luật Báo chí ngày 28/12/1989 ;
- Căn cứ Nghị định 133/HĐBT ngày 20/4/1992 ;
- Căn cứ quyết định số 1143/UBND-TP ngày 28/07/1993 ;
- Căn cứ Nghị quyết Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh : “Về công tác báo chí trên
địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2000” ;
Nhằm tăng cường vai trò, chức năng quản lý nhà nước đối với báo chí trên địa
bàn, tạo điều kiện, cơ sở pháp lý cho các cơ quan báo chí phát triển và hoạt
động đúng luật định trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
ban hành quyết định quy định “Về quản lý nhà nước đối với báo chí trên địa bàn
thành phố Hồ Chí Minh”. Quyết định này có bổ sung thay cho quyết định số
1143/QĐ-UB-VX ngày 28/07/1993 của Ủy ban nhân dân thành phố “Về việc thực hiện
Luật Báo chí và Nghị định 133/HĐBT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.
Phần Một
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
ĐỐI VỚI BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA BÀN
Điều 1.- Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý nhà nước về
báo chí trên địa bàn bao gồm : báo chí của thành phố, báo chí trung ương và địa
phương khác trú đóng và hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh.
Sở Văn hóa thông tin là cơ quan được Ủy ban nhân dân thành
phố ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí tại thành phố.
Sở Ngoại vụ được Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm thực
hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (có phối hợp với Sở Văn bóa thông tin) đối với
các hoạt động báo chí của nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Điều 2.- Công tác quản lý nhà nước về báo chí bao gồm :
1- Xây dựng qui hoạch báo chí của thành phố và kiến nghị sắp
xếp hoạt động báo chí của các cơ quan báo chí đang hoạt động tại địa bàn thành
phố.
2- Quản lý nhà nước và giúp đỡ việc đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ báo chí.
3- Kiến nghị các chính sách, chế độ về hoạt động báo chí.
4- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực
hiện pháp luật, chính sách, chế độ về báo chí.
5- Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm
người đứng đầu cơ quan báo chí thành phố theo đúng luật báo chí và Nghị định
133/HĐBT.
6- Xem xét, đề nghị Bộ Văn hóa thông tin cấp thẻ nhà báo.
7- Tổ chức kiểm tra, hoặc phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm
trong hoạt động báo chí theo pháp luật. Kiểm tra việc nộp lưu chiếu, quản lý
kho lưu chiếu báo chí của thành phố.
8- Nhắc nhở và kiểm tra các tổ chức, người có chức vụ và cơ
quan báo chí trả lời hoặc cải chính trên báo chí.
9- Tổ chức thông tin cho báo chí và quản lý thông tin của
báo chí.
Điều 3.- Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác có yêu cầu hoạt động
tại thành phố phải làm thủ tục xin phép trú đóng văn phòng đại diện, liên lạc,
phát hành. Hồ sơ xin phép phải được thông qua Sở Văn hóa và thông tin thành phố
và có quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố mới được phép hoạt động.
Điều 4.- Các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và liên doanh với nước ngoài có
hoạt động thông tin, xuất bản, phát hành các ấn phẩm mang tính báo chí phải
chấp hành đúng Luật Báo chí, Nghị định 133/HĐBT, phải xin phép cơ quan quản lý
báo chí thành phố và Bộ Văn hóa thông tin; phải nộp lưu chiểu tại Sở Văn hóa và
Thông tin thành phố theo qui định.
Điều 5.- Tổng biên tập các báo, trưởng văn phòng đại diện, liên lạc, phát hành
chịu trách nhiệm về đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên do báo giới thiệu
hoạt động nghiệp vụ hoặc sử dụng tin bài; chịu trách nhiệm toàn bộ về hình
thức, nội dung thông tin và quảng cáo trên báo, đài.
Điều 6.- Khi cơ quan chủ quản đề xuất bổ nhiệm Tổng Biên tập, các Phó Tổng Biên
tập và các chức danh khác của Tòa soạn khi có thay đổi đối với các báo thành
phố phải có thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý báo chí.
Điều 7.- Công tác quản lý phóng viên và cộng tác viên của các báo :
1- Phóng viên đang viết bài cho các cơ quan báo chí phải hội
đủ các tiêu chuẩn chức danh về phóng viên.
2- Những người làm phóng viên là những người đang hoạt động
hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo. Việc cấp thẻ nhà báo do cơ quan báo chí thông qua cơ quan chủ
quản đề nghị, Sở Văn hóa thông tin duyệt danh sách để chuyển Bộ Văn hóa thông
tin xem xét cấp thẻ.
3- Người đứng đầu cơ quan báo chí có trách nhiệm quy hoạch,
tổ chức và quản lý, chăm lo bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ phóng viên và
cán bộ, nhân viên nghiệp vụ ngày một trưởng thành về mọi mặt.
4- Mỗi báo phải nộp danh sách cộng tác viên thường xuyên của
báo mình cho Sở Văn hóa thông tin, đồng thời báo cáo với cơ quan chủ quản.
Các cộng tác viên muốn đến các cơ quan, đơn vị lấy tin phải
có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm
về việc giới thiệu cộng tác viên của mình.
5- Báo chí chọn cộng tác viên là người Việt Nam đang ở nước
ngoài hoặc người có quốc tịch nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ, lập danh sách báo
cáo và được cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đồng ý
mới thực hiện.
Điều 8.- Về việc phát hành báo chí tại thành phố.
1- Đối với các báo phát hành trong nước :
a) Các báo thành phố có thể tự tổ chức mạng lưới phát hành
riêng hoặc thông qua Bưu điện. Mạng lưới tự phát hành riêng phải thực hiện đúng
điều 16 trong Nghị định 133/HĐBT.
b) Các báo trung ương và địa phương khác có giấy phép hoạt
động hợp pháp muốn phát hành tại thành phố phải thông báo cho Sở Văn hóa thông
tin về số lượng, số kỳ phát hành và điểm phát hành. Mỗi số báo phải nộp cho Sở
Văn hóa thông tin thành phố 1 bản và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố 1 bản.
2- Đối với báo chí xuất bản ở nước ngoài :
Ngoài Công ty xuất nhập khẩu sách báo (thuộc Bộ Văn hóa
thông tin) và Công ty phát hành sách thành phố có chức năng cung cấp các báo
chí nước ngoài cho các đối tượng cần thiết theo quy định, các tổ chức và cơ
quan khác muốn phát hành báo chí nước ngoài tại thành phố phải được phép của Ủy
ban nhân dân thành phố, thông qua Sở Văn hóa thông tin.
Điều 9.- Nguyên tắc phát tin.
1- Báo chí đưa tin về chủ trương, chính sách, quyết định của
lãnh đạo thành phố phải căn cứ vào nguồn tin chính thức của cơ quan lãnh đạo
thành phố.
Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Văn hóa thông tin có chế độ
thông tin thường xuyên và trong trường hợp cần thiết có thông tin chính thức
bằng văn bản về các sự kiện đối nội và đối ngoại của thành phố.
2- Những bài vở có nội dung liên quan đến các sở ban ngành
và quan hệ công tác giữa các Tổng biên tập với thủ trưởng các sở ban ngành được
thực hiện theo đúng điều 7 khoản 1 của Luật báo chí.
3- Khi đưa tin về các vụ án đã có quyết định khởi tố và đang
điều tra, báo chí cần phải thực hiện theo đúng điều 7 khoản 2 của Luật báo chí.
4- Thực hiện nghiêm chỉnh điều 10 Luật báo chí về những điều
không được thông tin trên báo chí không đăng phát những tin, bài, hình ảnh kích
dâm, bạo lực, tuyên truyền mê tín dị đoan.
Điều 10.- Họp báo.
Tất cả các tổ chức, công dân muốn tổ chức họp báo tại thành
phố Hồ Chí Minh phải thông báo với Sở Văn hóa thông tin trước 12 giờ để trình
Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận. Các cuộc họp báo có người nước ngoài tham
dự, phải xin phép Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Văn hóa thông tin) trước 24
giờ. Các cuộc họp báo ở thành phố có giấy phép của Bộ Văn hóa thông tin phải
đăng ký giấy phép tại Sở Văn hóa thông tin. Nội dung xin phép phải ghi rõ : họ
tên người xin phép, chức vụ (nếu có), mục đích, nội dung, đối tượng, thời gian
và địa điểm.
Phần hai
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11.- Cơ quan quản lý báo chí phối hợp với các cơ quan hữu quan định kỳ hai
năm xem xét kiến nghị Thành phố và Nhà nước khen thưởng đối với báo chí. Trong
trường hợp đột xuất xem xét khen thưởng các báo, tác phẩm báo chí xuất sắc, có
tác dụng tích cực phục vụ công cuộc đổi mới đất nước.
Điều 12.- Cơ quan quản lý báo chí chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện pháp
luật của cơ quan báo chí trên địa bàn. Ủy ban nhân dân thành phố quyết định xử
lý kỷ luật các báo vi phạm về tôn chỉ mục đích, vi phạm điều 10 Luật Báo chí –
Điều 4 và Điều 22 Nghị định 133/HĐBT. Hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến đề nghị
Bộ Văn hóa thông tin đình chỉ, rút giấy phép xuất bản báo chí, phạt tiền theo
luật định.
Điều 13.- Trong các trường hợp quyết định xử lý kỷ luật đối với báo chí, cần
thiết, Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Hội đồng tư vấn gồm cơ quan quản lý
báo chí và các cơ quan hữu quan để xem xét khách quan, chính xác, đúng mức.
Điều 14.- Khi có khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân đối với báo chí, cơ quan
quản lý báo chí giám sát việc xử lý theo Luật Báo chí và Pháp lệnh khiếu nại tố
cáo của công dân. Các báo và cơ quan chủ quản báo chí có trách nhiệm giải quyết
khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân đối với báo chí và thông báo kết quả cho
cơ quan quản lý báo chí.
Điều 15.- Quyết định xử lý kỷ luật đối với báo chí được thông báo đến cơ quan
chủ quản báo chí. Cơ quan chủ quản báo chí, các báo tiếp thu và có hình thức
kiểm điểm xử lý kỷ luật cá nhân khi cần. Mọi khiếu nại Thường trực Ủy ban nhân
dân thành phố và Bộ Văn hóa thông tin sẽ xem xét và quyết định .
Điều 16.- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Những
qui định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.-
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Phương Thảo
|