CHÍNH
PHỦ
*****
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số:
191/2007/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2007
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU
CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 113/2003/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 10 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC
QUẢN LÝ SẢN XUẤT, KINH DOANH PHÂN BÓN
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10
năm 2003 của Chính phủ về việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón.
1. Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 1. Nghị định này quy định
việc đăng ký khảo nghiệm và công nhận phân bón, đặt tên và đổi tên phân bón, sản
xuất, gia công, nhập khẩu, kinh doanh và quản lý nhà nước về phân bón nhằm bảo
hộ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân
bón; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, bảo vệ độ phì nhiêu của
đất và môi trường sinh thái”.
2. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều
2. Các loại phân bón thuộc Nghị định này bao gồm: phân vô cơ, phân bón rễ, phân
bón lá, phân đơn, phân đa yếu tố, phân hữu cơ, phân hữu cơ sinh học, phân hữu
cơ truyền thống, phân trung lượng, phân vi lượng, phân đa lượng, phân
phức hợp, phân trộn, phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng,
phân có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng, chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng
phân bón, phân bón đất hiếm, giá thể cây trồng, chất phụ gia phân bón, chất giữ
ẩm trong phân bón và chất cải tạo đất".
3. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều 4. Trong Nghị định
này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.
Phân bón rễ là các loại phân bón được bón trực tiếp vào đất hoặc vào nước để
cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ;
2.
Phân bón lá là các loại phân bón được tưới hoặc phun trực tiếp vào lá, thân hoặc
tưới gốc để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân lá;
3.
Phân vô cơ là phân khoáng thiên nhiên hoặc phân hoá học được sản xuất theo phương pháp công nghiệp có
chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng;
4.
Phân đơn (phân khoáng đơn) là loại phân vô cơ thành phần chỉ chứa một yếu tố
dinh dưỡng đa lượng;
5.
Phân đa yếu tố là loại phân vô cơ trong thành phần có chứa chủ yếu từ 2 yếu tố
dinh dưỡng đa lượng trở lên, không kể các yếu tố trung lượng, vi lượng;
6.
Phân phức hợp là loại phân đa yếu tố được sản xuất trên cơ sở hóa hợp các
nguyên liệu;
7.
Phân trộn là loại phân đa yếu tố được sản xuất bằng cách trộn cơ học nhiều loại
phân đơn;
8.
Phân đa lượng là phân trong thành phần chủ yếu có chứa ít nhất một trong ba yếu
tố dinh dưỡng gồm: đạm ký hiệu là N, lân ký hiệu là P (tính bằng P2O5
hữu hiệu) và kali ký hiệu là K (tính bằng K2O hoà tan);
9.
Phân trung lượng là phân trong thành phần chủ yếu có chứa một hay một số các yếu
tố dinh dưỡng gồm: Canxi (Ca), Magiê (Mg), Lưu huỳnh (S) và Silic (Si);
10.
Phân vi lượng là phân trong thành phần chủ yếu có chứa một hay một số các yếu tố
dinh dưỡng vi lượng sau: Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Bo (B), Môlipđen (Mo),
Mangan (Mn) và Clo (Cl) và Co ban (Co);
11.
Phân bón đất hiếm là loại phân trong thành phần chủ yếu có ít nhất một trong số
17 nguyên tố sau: Scandium (số thứ tự 21), Yttrium (số thứ tự 39) và các nguyên
tố trong dãy Lanthanides (số thứ tự từ số 57-71: Lanthanum, Cerium,
Praseodymium, Neodymium, Promethium, Samarium, Europium, Gadolinium, Terbium,
Dysprosium, Holmium, Erbium, Thulium, Ytterbium, lutetium) trong bảng tuần hoàn
Mendêleép;
12.
Phân bón hữu cơ là loại phân bón được sản xuất chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu
hữu cơ với hàm lượng chất hữu cơ đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
13.
Phân hữu cơ vi sinh là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có chứa ít
nhất một chủng vi sinh vật sống có ích với mật độ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật
đã ban hành;
14.
Phân hữu cơ sinh học là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ theo quy
trình lên men có sự tham gia của vi sinh vật sống có ích hoặc các tác nhân sinh
học khác;
15.
Phân vi sinh là loại phân trong thành phần chủ yếu có chứa một hay nhiều loại
vi sinh vật sống có ích bao gồm: nhóm vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân,
phân giải ka li, phân giải xenlulo, vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật tăng khả
năng quang hợp và các vi sinh vật có ích khác với mật độ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành;
16.
Phân hữu cơ khoáng là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ được trộn
thêm một hoặc một số yếu tố dinh dưỡng khoáng, trong đó có ít nhất một yếu tố
dinh dưỡng khoáng đa lượng;
17.
Phân hữu cơ truyền thống là loại phân có nguồn gốc từ chất thải của người, động
vật hoặc từ các phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thuỷ sản,
phân xanh, rác thải hữu cơ, các loại than bùn được chế biến theo phương pháp ủ
truyền thống;
18.
Phân bón có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng là loại phân bón vô cơ hoặc hữu
cơ được bổ sung một lượng các vitamin, các enzim, các axit hữu cơ hoặc các chất
điều hoà sinh trưởng khác với hàm lượng không vượt quá 0,5% khối lượng hoặc thể
tích;
19. Chất cải tạo đất là chất khi bón vào đất có tác dụng nâng cao độ phì,
cải thiện đặc điểm lý tính, hoá tính, sinh học đất;
20.
Giá thể cây trồng là những chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo không phải
là đất được dùng làm nền để trồng cây;
21.
Chất giữ ẩm trong phân bón là những chất tự nhiên hay nhân tạo có khả năng hút và
giữ nước mạnh, có tác dụng cung cấp nước vào đất khi đất khô hạn và có thể phối trộn với các yếu tố dinh dưỡng của cây
trồng;
22.
Chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón là những chất khi phối trộn hoặc
bón cùng với phân bón có tác dụng làm tăng hiệu suất sử dụng các chất dinh dưỡng
có trong phân bón;
23.
Chất phụ gia phân bón là các chất vô cơ hoặc hữu cơ được phối trộn với các chất
dinh dưỡng trong quá trình sản xuất phân bón;
24.
Hàm lượng các chất dinh dưỡng là lượng các chất dinh dưỡng có trong phân bón được
biểu thị bằng các đơn vị: tỷ lệ phần trăm (%), g/kg hoặc mg/kg so với khối lượng
đối với phân thể rắn, nếu là phân thể lỏng được biểu thị bằng các đơn vị: %,
mg/lít, g/lít hoặc phần triệu (ppm);
25.
Hàm lượng các chất hữu hiệu (hoặc các chất hoà tan đối với phân bón dạng lỏng)
là lượng các chất dinh dưỡng hoà tan trong nước hoặc trong a xít yếu mà cây trồng
có thể hấp phụ và được xác định bằng các phương pháp phân tích theo quy chuẩn kỹ thuật quy định;
26.
Hàm lượng độc tố cho phép là mức giới hạn tối đa cho phép hàm lượng các kim loại
nặng, các vi sinh vật có hại, Biuret và axit tự do có trong phân bón;
27.
Các kim loại nặng trong phân bón gồm những loại sau: Thuỷ ngân (Hg), Chì (Pb),
Cadimi (Cd) và Asen (As);
28.
Vi sinh vật gây hại gồm các chủng vi khuẩn E.coli, Salmonella, Coliform và trứng
giun đũa (Acaris);
29.
Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam (sau đây
gọi là Danh mục phân bón) là bản liệt kê các loại phân bón được phép sản xuất,
kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam;
30.
Phân bón giả là loại phân bón được sản xuất ra trái pháp luật có hình dáng giống
như các loại phân bón được Nhà nước cho phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hoặc
những loại phân bón không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự
nhiên, tên gọi và công dụng của nó”.
4. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều
5.
1.
Tổ chức, cá nhân sản xuất các loại phân bón (trừ phân hữu cơ truyền thống) phải có các điều kiện sau:
a)
Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư sản xuất,
kinh doanh mặt hàng phân bón do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
b)
Có máy móc, thiết bị phù hợp để sản xuất phân bón đạt tiêu chuẩn chất lượng
theo quy định;
c)
Có hoặc thuê phòng phân tích kiểm nghiệm chất lượng có đủ điều kiện theo quy định
của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
d)
Có hệ thống xử lý chất thải khi sản xuất để không gây ô nhiễm môi trường và đảm
bảo các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường theo
quy định của pháp luật về môi trường và pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh
lao động;
đ)
Có hoặc thuê ít nhất 01 cán bộ kỹ thuật chuyên môn đạt trình độ từ đại học trở
lên đáp ứng công nghệ sản xuất loại phân bón đó”.
2.
Tổ chức, cá nhân gia công phân bón (trừ phân
hữu cơ truyền thống) phải có đủ điều
kiện quy định tại điểm a, b, d, đ khoản 1 Điều này.
5. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều
10.
1. Tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu các loại phân bón,
nguyên liệu để sản xuất các loại phân bón đã có tên trong Danh mục phân bón.
2. Tổ chức, cá
nhân nhập khẩu phân bón, nguyên liệu để sản xuất các loại phân bón chưa có tên
trong Danh mục phân bón phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn".
6. Điều 17 được sửa
đổi, bổ sung như sau:
"Điều 17.
1.
Các loại phân bón phải qua khảo nghiệm bao gồm:
a)
Các loại phân bón chưa có tên trong Danh mục phân bón; các loại phân bón không
thuộc quy định tại Điều 18 Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày
07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân
bón;
b)
Các loại phân bón có tên trong Danh mục phân bón, nhưng thay đổi về thành phần,
hàm lượng các chất dinh dưỡng chính có trong phân bón thấp hơn mức quy định của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều
kiện, thủ tục, trình tự, quy phạm khảo nghiệm phân bón".
7.
Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như
sau:
"Điều 19.
1. Công nhận phân bón
a) Các loại phân bón phải khảo nghiệm và đã qua khảo nghiệm,
được Hội đồng khoa học chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
thẩm định và đề nghị công nhận để bổ sung vào Danh mục phân bón.
b) Phân bón mới được công nhận có tên gọi phù hợp theo quy
định tại khoản 2 Điều này và các văn bản có liên quan khác.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện,
trình tự thủ tục công nhận phân bón mới.
2. Đặt tên và đổi tên phân bón
a)
Mỗi loại phân bón khi được đưa vào Danh mục phân bón chỉ có một tên gọi duy nhất
phù hợp theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 về
nhãn hàng hoá và Nghị định này.
b)
Các kiểu đặt tên dưới đây không được chấp nhận:
-
Chỉ bao gồm các chữ số;
-
Vi phạm đạo đức xã hội;
- Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên được ghi
trên nhãn hiệu hàng hoá phân bón đang được bảo hộ;
- Gây hiểu lầm với bản chất, công dụng của phân bón.
- Phân bón sản xuất để lưu thông ở Việt Nam nhưng chỉ đặt
tên bằng tiếng nước ngoài, trừ các loại phân bón sản xuất ở Việt Nam theo hợp đồng
của nước ngoài hoặc sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài.
c) Đối với phân bón nhập khẩu mang tên bằng tiếng nước
ngoài có kèm theo tên bằng tiếng Việt thì tên tiếng Việt phải thực hiện theo
quy định tại điểm a, b khoản này.
d) Tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất phân bón được
quyền đổi tên phân bón, nếu có đủ điều kiện quy định tại điểm đ khoản này.
đ)
Điều kiện đổi tên phân bón:
-
Áp dụng đối với các loại phân bón khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng;
-
Việc đổi tên phân bón phải phù hợp quy định tại điểm a, b, khoản 2 Điều này.
e)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện, trình tự, thủ tục đặt
tên và đổi tên phân bón".
8.
Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như
sau:
"Điều 21. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có
trách nhiệm:
1. Chủ trì, phối
hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và chính
sách, dự báo nhu cầu và định hướng sử dụng các loại
phân bón và sản xuất các loại phân bón trừ sản xuất phân bón vô cơ.
2. Soạn thảo,
ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản
quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật và chính sách về sử dụng các loại phân bón và sản xuất các loại phân bón trừ sản xuất
phân bón vô cơ.
3. Tổ chức khảo
nghiệm và công nhận phân bón mới.
4. Quy định đặt tên và đổi tên phân bón mới.
5. Quy định về việc thẩm định và công nhận phòng kiểm nghiệm,
người kiểm định và người lấy mẫu phân bón.
6. Thu thập và
quản lý các thông tin, tư liệu về phân bón.
7. Phối hợp với
các Bộ, ngành trong việc tổ chức nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên
tiến vào các hoạt động về sử dụng các loại phân bón
và sản xuất các loại phân bón trừ sản xuất phân bón vô cơ.
8. Kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về chất lượng
trong việc sản xuất và sử dụng phân bón; trừ sản xuất phân bón vô cơ.
9. Tuyên truyền,
phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất và sử dụng phân bón.
10. Hợp tác quốc
tế trong lĩnh vực sử dụng các loại phân bón và sản xuất
các loại phân bón trừ sản xuất phân bón vô cơ".
9. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như
sau:
“Điều
22. Bộ Công thương có trách nhiệm:
1.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành
có liên quan xây dựng kế hoạch và chính sách về sản xuất phân bón vô cơ.
2.
Soạn thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện
các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật và chính sách hỗ trợ phát
triển sản xuất phân bón vô cơ.
3.
Thu thập và quản lý các thông tin, tư liệu về sản xuất phân bón vô cơ;
4.
Tổ chức nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào các hoạt động
trong lĩnh vực sản xuất phân bón vô cơ.
5.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất phân bón vô cơ.
6.
Kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón vô
cơ.
7.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất phân bón vô cơ".
10. Điều 24 được sửa đổi, bổ
sung như sau:
“Điều 24. Phí và lệ phí phân bón
1. Tổ chức, cá
nhân sản xuất, kinh doanh phân bón phải nộp phí và lệ phí về khảo nghiệm, công
nhận, đổi tên phân bón mới, giám định chất lượng phân bón theo quy định của
pháp luật về phí và lệ phí.
2. Bộ Tài chính
quy định mức thu, nộp phí và lệ phí trong lĩnh vực phân bón".
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này
có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có
trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NN (5b).Hà
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|