BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO
TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------
|
Số: 461/BC-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 10 năm 2008
|
BÁO CÁO
TÌNH
HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIÊN CỐ HÓA TRƯỜNG, LỚP HỌC VÀ NHÀ CÔNG VỤ GIÁO
VIÊN
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày
01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiên cố hoá trường lớp học
và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã
tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên toàn quốc.
Sau đây là tình hình triển khai thực hiện Đề
án từ khi tổ chức Hội nghị triển khai Đề án ngày 2-4-2008 đến cuối tháng
9-2008:
I/. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Đối với Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành ở Trung
ương:
Đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án ở Trung ương
theo Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 18-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ,
ngành liên quan đã cử người tham gia Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc Ban Chỉ
đạo.
1.1. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã:
- Ban hành công văn 2096/BGDĐT-KHTC ngày
14-3-2008 hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học
và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012; Công văn số 5313/BGDĐT-CSVCTBĐCTE
ngày 17-6-2008 về việc thông báo kế hoạch thực hiện Đề án cả giai đoạn
2008-2012 và số vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ năm 2008 cho các địa phương; Công
văn số 7602/BGDĐT-CSVCTBĐCTE ngày 20-8-2008 về việc đẩy nhanh tiên độ thực hiện
Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên; Công văn số 7827/BGDĐT-CSVCTBĐCTE
ngày 25-8-2008 gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Khuyến học
Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, và công văn 8893/BGDĐT-CSVCTBĐCTE ngày 25-9-2008
gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố về việc phối hợp với Bộ Giáo dục
và Đào tạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án tại các địa phương.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ
chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà
công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 vào ngày 02-4-2008;
- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư xây dựng phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008 hỗ
trợ các địa phương thực hiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
(Ngày 28-5-2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký
Quyết định 68/2008/QĐ-TTg về việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008 để
thực hiện Đề án với kinh phí là: 3.775,600 tỷ đồng)
- Cùng với các Bộ, ngành liên quan biên soạn
tài liệu và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện Đề
án của các địa phương theo 3 khu vực (Bắc, Trung, Nam): Tại tỉnh Bắc Giang, tỉnh
Thừa Thiên Huế và thành phố Cần thơ;
- Phối hợp với Bộ Tài chính biên soạn Sổ tay
hướng dẫn quản lý dự án đầu tư xây dựng áp dụng cho Đề án Kiên cố hóa trường,
lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012;
- Cùng với những văn bản hướng dẫn, Bộ Giáo
dục và Đào tạo đã có công văn giải đáp kịp thời những vấn đề liên quan đến việc
triển khai thực hiện Đề án của một số địa phương, giúp các địa phương triển
khai đúng theo tinh thần Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của Thủ
tướng Chính phủ;
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm
tra thí điểm tại 3 tỉnh (Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang), tiếp đó tổ chức nhiều
đoàn kiểm tra tại 23 tỉnh về tình hình tổ chức triển khai thực hiện, danh mục,
số lượng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên các địa phương đã báo cáo tại
thời điểm cuối năm 2007.
1.2. Bộ Tài chính đã:
- Ban hành thông tư 46/2008/TT-BTC ngày
06-6-2008 về hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn thực hiện Đề án Kiên
cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012;
- Cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn
tài liệu và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện Đề
án của các địa phương;
- Phối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư xây dựng phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm
2008 hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án;
- Tham gia kiểm tra, đánh giá kết quả triển
khai thực hiện Đề án của một số địa phương.
1.3. Bộ Xây dựng đã:
- Ban hành công văn số 24/BXD-KHCN ngày
07-3-2008 về việc hướng dẫn áp dụng thiết kế mẫu trường, lớp học và các tiêu
chí xây dựng nhà công vụ giáo viên phục vụ Đề án;
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện Đề án của các địa
phương;
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây
dựng bộ thiết kế mẫu nhà công vụ cho giáo viên (sử dụng cho các xã miền núi,
vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn), đã tổ chức nghiệm thu ngày 24-9-2008 và ban
hành trong tháng 10-2008;
- Tham gia kiểm tra, đánh giá kết quả triển
khai thực hiện Đề án của một số địa phương.
1.4. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã:
- Ban hành công văn số
1153/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 31-3-2008 về việc bảo đảm quỹ đất để thực hiện Đề án
Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012;
- Phối hợp với Bộ Giáo
dục và Đào tạo tổ
chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện Đề án của các địa
phương;
- Tham gia kiểm tra, đánh giá kết quả triển
khai thực hiện Đề án của một số địa phương.
2. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc TW:
2.1. Thành lập Ban Chỉ đạo Đề án của địa
phương: Đến ngày 30-9-2008 các tỉnh, thành phố thuộc đối tường thực hiện Đề án
đã thành lập Ban Chỉ đạo (59/59); có 48/59 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế
hoạt động, phân công nhiệm vụ của các thành viên trong Ban Chỉ đạo Đề án.
2.2. Tổ chức quán triệt Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án của các Bộ, ngành liên
quan đối với cán bộ chủ chốt của địa phương một cách nghiêm túc.
2.3. Tiến hành kiểm tra, rà soát lại danh mục,
số lượng phòng học 3 ca, phòng học tạm thời các loại (theo mục tiêu ghi trong
Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ) đã báo
cáo theo yêu cầu và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2.4. Đến nay đã có 46/59 tỉnh, thành phố đã
hoàn thành việc lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể giai đoạn
2008-2012 và năm 2008.
2.5. Các tỉnh, thành phố thuộc đối tường thực
hiện Đề án (59/59) đã có Quyết định phê duyệt phương án phân bổ nguồn vốn Trung
ương hỗ trợ năm 2008 cho các chủ đầu tư, các dự án, với số vốn là 3.581,3 tỷ
đồng/ 3.775,6 tỷ đồng. Số vốn còn lại sẽ Điều tiết phân bổ vào cuối năm.
II/. TÌNH HÌNH TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG:
Theo báo cáo (chưa đầy đủ) của các tỉnh,
thành phố, tình hình triển khai thực hiện Đề án tính đến ngày 30-9-2008 như
sau:
1. Về khối lượng công trình năm 2008:
- Kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình trường
học và nhà công vụ giáo viên trong năm 2008 khoảng 10.000 công trình (với hơn
25.600 phòng học và 67.000 m2 nhà công vụ giáo viên). Trong đó:
+ Đến nay mới có 372 công trình hoàn thành
thủ tục đầu tư và đã khởi công xây dựng (khoảng 1.600 phòng học).
+ Số công trình đang làm thủ tục đầu tư xây
dựng là 9.650 công trình (với hơn 23.000 phòng học và 50.000m2 nhà công vụ giáo
viên). Trong tháng 10 và 11-2008 dự kiến khởi công xây dựng khoảng 80% số công
trình trên (với 18,400 phòng học và 40.000 m2 nhà công vụ giáo viên).
+ Đến cuối năm 2008 dự kiến sẽ khởi công xây
dựng được khoảng 20.000 phòng học và 40.000m2 nhà công vụ giáo viên.
(có phụ lục về tình hình thực hiện Đề án của
các địa phương kèm theo)
2. Giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ:
Theo Quyết định 68/2008/QĐ-TTg ngày 28-5-2008
của Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008, với tổng số
vốn là 3.775,6 tỷ đồng; Các địa phương đã phân bổ 3.581,3 tỷ đồng cho các dự án.
Đến 31-12-2008 dự kiến khoảng 3.229 tỷ đồng được giải ngân, đạt tỷ lệ 86% so
với kế hoạch.
III/. MỘT SỐ NHẬN
XÉT, ĐÁNH GIÁ:
Qua kiểm tra cụ thể tại 26 tỉnh, thành phố và
báo cáo nhanh của các địa phương tại thời điểm tháng 9-2008, tiến độ triển khai
thực hiện Đề án ở các địa phương nhìn chung là chậm và không đồng đều:
- Các tỉnh triển khai nhanh là: Bắc Ninh, Bắc
Giang, Thanh Hóa, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, .. .
- Các tỉnh triển khai chậm là: Cao Bằng, Bắc
Kạn, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Phú
Yên, Khánh Hòa, ..
1. Về công tác tổ chức, chuẩn bị:
- Nhiều địa phương khẩn trương thành lập Ban
chỉ đạo Đề án, xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành
viên trong Ban Chỉ đạo Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo
viên; Tổ chức kiểm tra rà soát lại danh mục, xây dựng kế hoach thực hiện Đề án
tổng thể và từng năm; Lập phương án phân bổ vốn Trung ương hỗ trợ năm 2008; Chuẩn
bị mặt bằng và làm các thủ tục đầu tư xây dựng đối với các công trình xây dựng
năm 2008.
- Việc phân bổ vốn Trung ương hỗ trợ thực
hiện Đề án năm 2008 chậm, do nguyên nhân:
+ Ngày 28-5-2008 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết
định 68/2008/QĐ-TTg về việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008 hỗ trợ
các địa phương thực hiện Đề án.
+ Các tỉnh, thành phố phải kiện toàn Ban Chỉ
đạo, tổ chức kiểm tra rà soát lại danh mục đã báo cáo, sự phối hợp giữa các Sở,
ngành liên quan còn hạn chế; Phương án phân bổ vốn phải trình Hội đồng nhân dân
thông qua sau đó Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố mới phê duyệt.
2. Về số lượng công trình đã được triển khai:
Về cơ bản, Số liệu báo cáo của các tỉnh,
thành phố cuối năm 2007 là đúng và phù hợp với thực tế kiểm tra, tuy nhiên cũng
còn một số địa phương có những điểm chưa thống nhất, do đó báo cáo chưa đúng
với mục tiêu, đối tượng của Đề án ghi trong Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày
01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ và tiêu chí hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào
tạo.
Một số địa phương báo cáo cả số phòng học còn
thiếu để đáp ứng yêu cầu phát triển và các phòng học chức năng, có địa phương
báo cáo cả những phòng học bán kiên cố mới xây dựng, còn sử dụng tốt, có tỉnh
báo cáo cả nhà công vụ giáo viên cho các trường thuộc thị trấn, thị xã, .. .
3. Về phân bổ và giải ngân vốn:
Thực hiện Quyết định số
68/2008/QĐ-TTg ngày 28-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ vốn trái phiếu
Chính phủ hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án, hầu hết các địa phương phân bổ
đúng mục tiêu, đối tượng. Tuy nhiên có một số tỉnh, thành phố khi phân bổ nguồn
vốn này còn những điểm chưa phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
(phân bổ chưa đúng danh mục báo cáo, phân bổ mang tính bình quân, không căn cứ
vào số phòng học cần xây dựng).
Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ giải ngân còn
thấp do mất nhiều thời gian chuẩn bị các thủ tục đầu tư, đấu thầu, chọn lựa nhà
thầu xây dựng, nên chủ yếu các công trình mới được khởi công xây dựng từ tháng
6 đến tháng 9-2008.
IV/. NHỮNG KHÓ KHĂN,
VƯỚNG MẮC VÀ KIẾN NGHỊ:
Qua kiểm tra thực tế 26 tỉnh, thành phố, các
địa phương đều phản ánh những khó khăn và kiến nghị như sau:
1. Khó khăn, vướng mắc:
1.1. Về thủ tục đầu tư, các công trình xây dựng
trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên thuộc Đề án phải thực hiện theo những
quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng. Những quy định này
trong thời gian gần đây Nhà nước có nhiều văn bản bổ sung, Điều chỉnh, các Bộ,
ngành có nhiều văn bản hướng dẫn, các địa phương phải nghiên cứu nhiều văn bản
để vận dụng cho phù hợp với thực tế. Thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều, mất
nhiều thời gian chuẩn bị.
1.2. Giá cả nguyên vật liệu xây dựng biến
động liên tục, gây nhiều khó khăn trong việc lập dự toán, xác định giá dự thầu
và quyết định giá trúng thầu, khi thực hiện phải bổ sung, Điều chỉnh với nhiều
thủ tục phức tạp.
1.3. Đề án được thực hiện bằng nhiều nguồn
vốn (trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ là hỗ trợ), các địa phương có Điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn việc huy động các nguồn vốn của địa phương để bù
vào phần còn thiếu rất khó khăn.
1.4. Đề án triển khai đồng thời trên phạm vị
rộng với quy mô lớn, nhiều địa phương thiếu đơn vị tư vấn làm các thủ tục đầu
tư, thiếu những đơn vị thi công có đủ năng lực về tài chính và cán bộ kỹ thuật
(đặc biệt là cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ giám sát thi công), các đơn vị thi
công không tích cực tham gia dự thầu các công trình ở các xã vùng sâu, vùng xa,
Điều kiện thi công khó khăn.
Những khó khăn, vướng mắc trên đây đồng thời
cũng là nguyên nhân làm cho tiến độ triển khai thực hiện Đề án chậm của các địa
phương.
2. Kiên nghị:
2.1. Với Chính phủ:
- Đề nghị được Thủ tướng Chính phủ cho phép
lựa chọn nhà thầu xây dựng theo hình thức chỉ định thầu đối với các công trình
có số vốn lớn hơn 1 tỷ đồng, xây dựng ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt
khó khăn (khó khăn về Điều kiện kinh tế - xã hội, về vận chuyển nguyên vật liệu
xây dựng và về Điều kiện thi công).
- Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm thống
nhất nguyên tắc, lập phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ
các địa phương thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo
viên cả giai đoạn 2008-2012, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào
cuối năm 2009.
2.2. Với các địa phương:
- Khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư, tổ
chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đối với các đơn vị tư vấn, đơn vị xây dựng,
giải quyết đất đai và khởi công xây dựng hết các công trình được duyệt năm
2008.
- Chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ
với các nhà thầu, đơn vị tư vấn, kho Bạc để làm các thủ tục tạm ứng, nghiệm thu
thanh toán khối lượng thực hiện (các địa phương phải bằng nhiều biện pháp để
giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ năm 2008 từ 70% trở lên).
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cộng
đồng về tiến độ, chất lượng công trình và quản lý sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt
là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ).
- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tình
hình và kết quả thực hiện Đề án với Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào
tạo theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và hàng năm đã ghi trong Quyết định
số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ và công văn hướng dẫn
của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo.
Nơi nhận:
- Như
kính gửi;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT. Cục CSVCTBĐCTE.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Vũ Luận
|