HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******
|
VIỆT NAM DÂN CHỦ
CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
|
Số:
03-CP
|
Hà
Nội ngày 27 tháng 02 năm 1960
|
NGHỊ ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ HẢI QUAN
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng
Bộ Ngoại thương;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ của
Hội đồng Chính phủ ngày 20 tháng 1 người năm 1960,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.
- Để đảm bảo thực hiện chính sách quản lý ngoại
thương, quản lý ngoại hối của Việt nam dân chủ cộng hòa, góp phần phục vụ đường
lối ngoại giao, bảo vệ tài sản của Nhà nước, nay ban hành bản điều lệ hải quan
kèm theo Nghị định này.
Điều 2.
- Những quy định cũ trái với điều lệ này đều bãi bỏ.
Điều 3.
– Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại thương chịu trách nhiệm giải
thích và quy định chi tiết thi hành điều lệ này.
Điều 4.
- Điều lệ này thi hành kể từ ngày 1 tháng 3 năm 1960.
|
TM.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phạm Văn Đồng
|
ĐIỀU LỆ HẢI
QUAN
Chương 1:
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1.
- Tất cả hàng hóa, hành lý, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai, bưu phẩm,
bưu kiện khi xuất hay nhập khẩu, và tất cả công cụ vận tải khi xuất hay nhập cảnh,
đều phải khai báo và chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan theo những
quy định trong điều này.
Hàng hóa, hành lý, tiền tệ, kim
khí quý, đá quý, ngọc trai, bưu phẩm, bưu kiện, công cụ vận tải đã nhập rồi,
nhưng chưa làm xong thủ tục hải quan, vẫn phải chịu sự giám sát, quản lý của cơ
quan Hải quan.
Chương 2:
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN HẢI QUAN VÀ TRÁCH NHIỆM
CỦA CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN
Điều 2.
- Để đảm bảo thực hiện đúng chính sách quản lý ngoại thương, quản lý ngoại hối
của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cơ quan Hải quan có nhiệm vụ:
1. Giám sát, quản lý hàng hóa,
hành lý, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai, bưu phẩm, bưu kiện, công cụ vận
tải khi xuất hay nhập.
2. Thi hành chính sách thuế xuất
nhập khẩu và thu các loại thuế khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
3. Ngăn ngừa và chống những hành
vi phạm luật lệ hải quan.
4. Phát hiện và ngăn ngừa các
thiếu sót trong việc bốc dỡ, chuyển vận, sắp xếp, bảo quản hàng hóa xuất nhập
khẩu.
Điều 3.
- Để ngăn ngừa và chống buôn lậu, cơ quan hải quan có quyền khám người, công cụ
vận tải, nhà ở.
Chỉ có Giám đốc và Phó giám đốc
Sở Hải quan Trung ương, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Phân sở Hải quan, Chi sở trưởng
và Chi sở phó Chi sở Hải quan, hay cán bộ hải quan cầm lệnh viết của các cấp
nói trên mới có quyền khám nhà.
Thủ tục khám nhà phải theo đúng
điều 12 luật số 103-SL/L5 ngày 20 tháng 5 năm 1957, điều 19 Nghị định số
301-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1957 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4.
– Cơ quan Hải quan có quyền tạm giữ hàng phạm pháp, công cụ vận tải chuyên chở
hàng phạm pháp, tang vật che giấu hàng phạm pháp.
Trường hợp phạm pháp quả tang
buôn lậu lớn, có tổ chức, cơ quan Hải quan có thể tạm giữ người phạm pháp tại
trụ sở cơ quan Hải quan trong thời gian lâu nhất là hai mươi bốn giờ (24
giờ).
Điều 5.
- Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính địa phương, cơ quan Hải quan xử lý các
vụ phạm pháp về hải quan.
Những vụ phạm pháp về xuất nhập
khẩu muối, rượu, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai cũng do cơ quan Hải
quan xử lý, sau khi thống nhất ý kiến với cơ quan sở quan.
Điều 6.
– Trong khi thi hành nhiệm vụ, nhân viên hải quan phải mặc trang phục hải quan,
đeo phù hiệu, mang giấy chứng minh và có thể được mang vũ khí để tự vệ.
Nhân viên hải quan có thái độ
hòa nhã, tôn trọng hành khách, giữ gìn hàng hóa, nêu cao đạo đức cần kiệm liêm
chính, chí công vô tư.
Điều 7.
- Ở những bến tàu, nhà ga, bưu cục ngoại dịch có đặt tổ chức Hải quan, các
ngành sở quan có nhiệm vụ hợp tác và giúp đỡ phương tiện cần thiết cho cơ quan
Hải quan.
Ở những nơi không có tổ chức
Hải quan, công an và dân quân tự vệ có trách nhiệm ngăn ngừa và chống những
hành vi phạm luật lệ hải quan.
Điều 8.
– Các đơn vị công an vũ trang và dân quân tự vệ có trách nhiệm giúp đỡ cơ quan
Hải quan làm tròn nhiệm vụ trong những trường hợp đặc biệt cần dùng lực lượng
vũ trang.
Chương 3:
GIÁM SÁT, QUẢN LÝ CÔNG CỤ VẬN TẢI XUẤT NHẬP CẢNH VÀ
HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU
Mục 1. Giám
sát, quản lý công cụ vận tải xuất nhập cảnh.
Điều 9.
– Công cụ vận tải, khi xuất hay nhập cảnh, phải qua những cửa khẩu có tổ chức Hải
quan, phải đi theo những đường nhất định do Bộ Ngoại thương quy định.
Cơ quan Giao thông vận tải phải
báo trước cho cơ quan Hải quan ngày, giờ công cụ vận tải xuất nhập cảnh đi, đến.
Điều 10.
– Khi tàu, thuyền đi lại trong phạm vi hải phận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa,
nhân viên hải quan có quyền lên tàu, thuyền để kiểm soát, thuyền trưởng hay người
thay mặt phải xuất trình những giấy tờ cần thiết liên quan đến việc xuất nhập
khẩu theo yêu cầu của nhân viên hải quan; thuyền trưởng hay người thay mặt
không được tự tiện cho bốc dỡ hàng hóa lên xuống, sửa chữa những giấy tờ đã có
chữ ký của nhân viên hải quan.
Điều 11.
– Sau khi công cụ vận tải nhập cảnh tới cửa khẩu đầu tiên và trước khi
công cụ vận tải xuất cảnh qua cửa khẩu cuối cùng, người phụ trách công cụ vận tải
hay người thay mặt phải nộp ngay cho cơ quan Hải quan ở cửa khẩu những giấy tờ
cần thiết do Bộ Ngoại thương quy định; đối với tàu, thuyền nhập cảnh, thuyền
trưởng hay người thay mặt có thể nộp các giấy tờ nói trên trong khoản thời gian
hai mươi bốn giờ (24 giờ), kể từ khi tàu, thuyền cập bến.
Điều 12.
– Nhân viên hải quan phải kiểm soát công cụ vận tải và hàng hóa chuyên chở trên
công cụ vận tải xuất nhập cảnh trước mặt người phụ trách công cụ vận tải
hay người thay mặt.
Người phụ trách công cụ vận tải
hay người thay mặt phải có mặt trong khi nhân viên hải quan kiểm soát và phải mở
các bộ phận của công cụ vận tải, kể cả bộ phận máy, để nhân viên hải quan kiểm
soát, nếu nhân viên hải quan yêu cầu.
Điều 13.
- Việc bốc dỡ hàng hóa, hành lý lên xuống công cụ vận tải xuất nhập cảnh phải
được cơ quan Hải quan cho phép và phải có nhân viên hải quan giám sát. Đối với
xe lửa liên vận, trường hợp ở xa cửa khẩu, nhân viên đường sắt có thể chuyển
hàng hóa từ toa này sang toa khác hay cắt toa để lại, rồi báo cáo sau với cơ
quan Hải quan; nhưng phải làm thủ tục niêm phong và ghi vào giấy gửi hàng ngày,
giờ, địa điểm, lý do chuyển toa, cắt toa.
Điều 14.
– Công cụ vận tải nhập cảnh chỉ được khởi hành từ cửa khẩu đầu tiên vào trong
nước và công cụ vận tải xuất cảnh chỉ được khởi hành từ cửa khẩu cuối cùng ra
nước ngoài sau khi đã làm xong thủ tục hải quan.
Cơ quan Giao thông vận tải ở cửa
khẩu chỉ được cho phép công cụ vận tải khởi hành sau khi cơ quan Hải quan chứng
nhận đã làm xong thủ tục hải quan.
Điều 15.
- Đối với nhiên vật liệu cần thiết cho công cụ vận tải nhập cảnh, lương thực cần
thiết cho nhân viên phục vụ trên công cụ vận tải và hành khách, cơ quan Hải
quan phải ấn định số lượng đủ dùng trong thời gian công cụ vận tải đậu lại,
niêm phong số còn lại nếu xét cần.
Điều 16.
- Nếu vì muốn tránh tai nạn hay vì gặp tai nạn mà công cụ vận tải xuất nhập cảnh
phải đậu lại ở một nơi không có tổ chức Hải quan, người phụ trách công cụ vận tải
hay người thay mặt phải báo ngay cho Ủy ban hành chính địa phương để tổ chức
giám sát. Người phụ trách công cụ vận tải hay người thay mặt không được Ủy ban
hành chính địa phương cho phép; trường hợp cấp bách, để hạn chế thiệt hại về
người và của, người phụ trách công tác vận tải hay người thay mặt cũng có thể
cho bốc dỡ hàng hóa và hành lý, nhưng đồng thời phải báo cáo với Ủy ban hành
chính địa phương.
Trong tất cả các trường hợp trên
đây, Ủy ban hành chính địa phương cần báo ngay cho cơ quan Hải quan nơi gần nhất
tới làm thủ tục hải quan.
Mục 2. Giám
sát, quản lý hàng hóa mậu dịch xuất nhập khẩu.
Điều 17.
– Các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu có nhiệm vụ xuất hàng, nhập hàng theo
đúng hợp đồng đã ký kết và giấy phép xuất nhập hàng.
Cơ quan Hải quan chỉ cho xuất
hay nhập hàng theo đúng những điều đã ghi trong hợp đồng hay giấy phép về số lượng,
trọng lượng, quy cách, phẩm chất, bao bì, vv…
Điều 18.
– Cơ quan Hải quan có nhiệm vụ báo cho cơ quan sở quan biết những thiếu sót về
bốc dỡ, chuyển vận, sắp xếp, bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu để cơ quan sở
quan kịp thời có biện pháp ngăn ngừa thiệt hại có thể xảy ra.
Cơ quan sở quan phải coi trọng ý
kiến của cơ quan Hải quan. Nếu xét thấy cần thiết, cơ quan Hải quan có thể báo
cáo với Ủy ban hành chính cùng cấp hoặc với cơ quan Hải quan và cơ quan cấp
trên để giải quyết.
Điều 19.
– Ngay sau khi hàng hóa xuất khẩu hay nhập khẩu tới cửa khẩu, tổ chức kinh
doanh xuất nhập khẩu phải:
1. Nộp cho cơ quan Hải quan giấy
phép xuất nhập hàng hay giấy tờ thế, tờ khai hàng, hợp đồng vận tải, hóa đơn, bảng
kê chi tiết hàng, giấy chứng nhận quy cách, phẩm chất.
2. Xuất trình hàng để cơ quan Hải
quan kiểm hóa.
Điều 20.
– Nơi, ngày, giờ và phương pháp kiểm hóa do Bộ Ngoại thương quy định.
Tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu
phải chịu mọi phí tổn về chuyển vận, đóng, mở các kiện hàng để kiểm hóa.
Điều 21.
– Hàng hóa xuất nhập khẩu chịu thuế xuất nhập khẩu theo thuế biểu áp dụng trong
ngày đăng ký tờ khai.
Tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu
phải nộp thuế đúng thời hạn do cơ quan Hải quan quy định; nếu quá hạn thì mỗi
ngày nộp chậm phải nộp thêm năm phần nghìn (0,5%) số thuế thiếu.
Điều 22.
- Hàng hóa xuất nhập khẩu được miễn hay giảm thuế xuất nhập khẩu trong những
trường hợp sau đây:
1. Hàng hóa bị mất, hư hỏng, thiếu,
được cơ quan Hải quan công nhận;
2. Trường hợp đặc biệt do Bộ Ngoại
thương quy định.
Tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu
được hoàn lại thuế xuất nhập khẩu trong những trường hợp sau đây:
1. Hàng hóa nhập khẩu đương ở dưới
sự giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan mà tái xuất;
2. Hàng hóa xuất khẩu nộp thuế rồi
mà không xuất được, có lý do chính đáng, được cơ quan Hải quan công nhận.
Mục 3. Giám
sát, quản lý hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu.
Điều 23.
– Người có hàng phi mậu dịch xuất nhập khẩu (hành lý, quà biếu, mẫu hàng, vv…)
phải khai báo với cơ quan Hải quan và làm thủ tục hải quan.
Đối với hàng phi mậu dịch nhập khẩu,
trong thời hạn lâu nhất là sáu tháng, kể từ khi hàng tới cửa khẩu, nếu người có
hàng không tới làm thủ tục hải quan thì cơ quan Hải quan đem bán. Nếu để quá hạn
sáu tháng mà có lý do chính đáng, được cơ quan Hải quan công nhận, thì người có
hàng có thể được trả lại tiền bán hàng, sau khi trừ các khoản thuế và phí tổn;
nếu không có lý do chính đáng thì tiền bán hàng bỏ vào quỹ công.
Điều 24.
- Mẫu hàng hay vật phẩm quảng cáo xuất nhập khẩu phải được Sở Hải quan Trung
ương cho phép.
Mẫu hàng hay vật phẩm quảng cáo
không có giá trị hàng hóa được miễn thuế. Mẫu hàng hay vật phẩm quảng cáo có
giá trị hàng hóa, nếu chỉ dùng để giới thiệu mặt hàng thì được miễn thuế; nếu
sau lại đem bán hay sử dụng thì phải chịu thuế.
Điều 25.
– Hàng xuất nhập khẩu để triển lãm phải được Bộ Ngoại thương cho phép.
Hàng triển lãm, sau khi trưng
bày, nếu tái nhập hay tái xuất thì được miễn thuế.
Hàng nhập khẩu để triển lãm, trừ
số dùng làm tặng phẩm, nếu không tái xuất, phải bán cho Mậu dịch quốc doanh và
chịu thuế.
Điều 26.
– Quà biếu xuất nhập khẩu trị giá dưới mức do Thủ tướng Chính phủ ấn định thì
không phải xin phép và được miễn thuế; nếu trị giá cao hơn mức do Thủ tướng
Chính phủ ấn định, thì phải được Sở Hải quan Trung ương cho phép và phải chịu
thuế.
Quà biếu xuất nhập khẩu của những
người lãnh đạo Nhà nước, của các cơ quan, đoàn thể, đoàn ngoại giao được miễn
giấy phép và miễn thuế.
Điều 27.
– Hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, nếu là đồ dùng cá nhân của hành khách
và gia đình cùng đi theo, được miễn giấy phép và miễn thuế.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ
đồng ý, liên Bộ Ngoại thương, Tài chính quy định tiêu chuẩn hành lý, bảng kê những
đồ dùng cấm xuất nhập dưới hình thức hành lý, bảng kê những đồ dùng được xuất
nhập dưới hình thức hành lý nhưng phải có điều kiện.
Điều 28.
- Việc di chuyển tài sản bằng hàng hóa từ ngoài nước về hoặc từ trong nước ra
phải được Bộ Ngoại thương cho phép.
Tài sản di chuyển về nước bằng
hàng hóa, trừ phần được sử dụng miễn thuế, phải bán cho Mậu dịch quốc doanh và
chịu thuế.
Mục 4. Giám
sát, quản lý bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu.
Điều 29.
– Bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu phải qua các Bưu cục ngoại dịch có tổ chức
Hải quan.
Bưu cục ngoại dịch chỉ được giao
và chuyển những bưu phẩm, bưu kiện đã làm xong thủ tục hải quan.
Ở những nơi không có tổ chức Hải
quan, việc thu thuế vào bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu do cơ quan Bưu điện
phụ trách.
Điều 30.
– Nhân viên hải quan chỉ được mở bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu trước mặt
nhân viên bưu điện.
Trường hợp nghi ngờ trong phong
bì thư có dấu hàng lậu, hàng cấm, cơ quan Bưu điện có trách nhiệm mời người có
thư đến mở thư để cơ quan Hải quan kiểm soát.
Nhân viên bưu điện chỉ được
đóng, mở các bao, túi đựng bưu phẩm, bưu điện xuất nhập khẩu trước mặt nhân
viên hải quan.
Điều 31.
– Hàng hóa và vật phẩm cấm xuất nhập khẩu gửi dưới hình thức bưu phẩm, bưu kiện,
cơ quan Hải quan có thể tịch thu.
Chương 4:
CÁC CHẾ ĐỘ RIÊNG
Mục 1. Chế
độ tạm xuất, tạm nhập hàng hóa.
Điều 32.
– Hàng hóa tạm xuất, tạm nhập phải được Bộ Ngoại thương cho phép và phải chịu sự
giám sát của cơ quan Hải quan.
Hàng hóa tạm xuất, tạm nhập được
miễn thuế trong những trường hợp sau đây:
1. Tạm xuất, tạm nhập máy móc, dụng
cụ, vật liệu, vv… để sửa chữa, thí nghiệm, khảo cứu, phân chất.
2. Tạm nhập, tạm xuất các bao bì
để đóng gói hàng hóa xuất nhập.
3. Trường hợp đặc biệt do Bộ Ngoại
thương quy định, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Hàng hóa được phép tạm xuất, tạm
nhập miễn thuế, nếu sau không tái nhập, tái xuất, thì phải chịu thuế.
Mục 2. Chế
độ miễn khám.
Điều 33. -
Những người sau đây, mỗi khi xuất, nhập cảnh, được hưởng chế độ miễn khám về
hành lý:
1. Những người lãnh đạo và đoàn
viên các đoàn đại biểu Chính phủ, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đi nước
ngoài.
2. Những người lãnh đạo và đoàn
viên các đoàn đại biểu Chính phủ, Quốc hội nước ngoài đến thăm nước Việt Nam
dân chủ cộng hòa hoặc qua nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để đi nước khác.
3. Những người lãnh đạo và đoàn
viên các phái đoàn nước ngoài đến đàm phán hoặc dự các hội nghị ngoại giao,
kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
4. Đại sứ, Công sứ, Đại diện,
Tham tán, Chuyên viên, Bí thư, Tùy viên của các cơ quan ngoại giao nước ngoài đặt
tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
5. Tổng lãnh sự, Lãnh sự, Phó
lãnh sự của các cơ quan lãnh sự nước ngoài đặt ở nước Việt Nam dân chủ cộng
hòa.
6. Gia đình những người nói
trong các điểm 1, 2, 3, 4, và 5 trên đây, gồm vợ, các con chưa đến tuổi trưởng
thành cùng đi.
7. Những người có hộ chiếu ngoại
giao do Bộ Ngoại giao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hay do Bộ Ngoại giao những
nước đã công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cấp.
8. Những người được Sở Hải quan
Trung ương và các cơ quan Ngoại giao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại nước
ngoài cấp giấy miễn khám.
Điều 34.
- Những túi thư ngoại giao của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, và những túi thư
ngoại giao của những nước đã công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được miễn
khám, nếu có đầy đủ dấu hiệu, niêm phong và giấy chứng nhận của cơ quan ngoại
giao gửi túi thư ấy.
Điều 35.
- Nếu chưa có lệnh của Giám đốc Sở Hải quan Trung ương, cơ quan Hải quan có quyền
kiểm soát hành lý và túi thư ngoại giao quy định ở các điều 33 và 34 trên đây.
Mục 3. Hàng
hóa thông qua và quá cảnh.
Điều 36.
– Hàng hóa từ một nước ngoài qua nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để chuyển về nước
đó (hàng thông qua), hoặc để chuyển sang nước thứ ba (hàng quá cảnh) phải được
Bộ Ngoại thương cho phép và chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan.
Hàng hóa của nước Việt nam dân
chủ cộng hòa chuyển qua nước ngoài để rồi lại chuyển về nước phải được Sở Hải
quan trung ương cho phép và chịu giám sát của cơ quan Hải quan.
Điều 37.
– Hàng hóa thông qua, quá cảnh phải chuyển vận theo đường đi và qua những cửa
khẩu do Bộ Ngoại thương quy định.
Trong quá trình chuyển vận, nếu
thay đổi công cụ vận tải, phải được cơ quan Hải quan cho phép; nếu cần tạm gửi
hàng ở kho riêng, cơ quan vận tải phải báo cho cơ quan Hải quan.
Cơ quan có hàng hay cơ quan Vận
tải phải nộp cho cơ quan Hải quan những giấy tờ do Bộ Ngoại thương quy định.
Điều 38.
– Hàng hóa thông qua, quá cảnh được miễn thuế xuất nhập khẩu, nhưng phải nộp thủ
tục phí hải quan.
Mục 4. Hàng
hóa xuất nhập khẩu trôi dạt và hàng hóa do công cụ vận tải xuất nhập cảnh bị
tai nạn vứt bỏ.
Điều 39.
- Nếu phát hiện có hàng hóa xuất nhập khẩu trôi dạt, hoặc hàng hóa do công cụ vận
tải xuất nhập cảnh bị tai nạn vứt bỏ, Ủy ban hành chính địa phương có
trách nhiệm tổ chức thu nhặt, bảo quản, đồng thời báo cho cơ quan Hải quan nơi
gần nhất đến làm thủ tục hải quan. Sau khi làm xong thủ tục hải quan và thanh
toán mọi phí tổn, chủ hàng được nhận hàng.
Quá hạn sáu tháng, kể từ ngày
thu nhặt, nếu không có người đến nhận hàng, cơ quan Hải quan đem bán. Số tiền
bán hàng bỏ vào quỹ công, sau khi trừ các khoản thuế và phí tổn.
Chương 5:
THƯỞNG, PHẠT
Điều 40.
- Nguyên tắc xử lý các vụ phạm pháp về hải quan quy định như sau:
1. Đối với những vi phạm thủ tục
hải quan không có dụng ý buôn lậu, và đối với những vụ phạm pháp nhỏ, cơ quan Hải
quan giải thích, phê bình, cảnh cáo, bắt nộp thuế.
Trường hợp người phạm pháp cố ý
không chấp hành đúng thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan có thể phạt tiền tối đa
là một nghìn đồng (1.000).
2. Đối với những hành vi buôn lậu
quan trọng, hoặc những vụ tái phạm, cơ quan Hải quan phạt tiền tối đa bằng hai
lần trị giá hàng phạm pháp; có thể tịch thu một phần hay toàn bộ tang vật, công
cụ vận tải chuyên chở hàng phạm pháp.
3. Đối với những vụ buôn lậu lớn,
có tổ chức, cơ quan Hải quan phạt tiền tối đa bằng ba lần trị giá hàng phạm
pháp; có thể tịch thu toàn bộ tang vật, công cụ vận tải chuyên chở hàng phạm
pháp.
Trường hợp cần thiết, cơ quan Hải
quan có thể đề nghị cơ quan Công tố truy tố trước Tòa án.
Điều 41.
- Thẩm quyền xử lý các vụ phạm pháp về hải quan thuộc các cấp sau đây:
- Trưởng phòng Hải quan: phê bình,
cảnh cáo, bắt nộp thuế.
- Chủ nhiệm Phân sở Hải quan,Chi
sở trưởng Chi sở Hải quan: phạt tiền, tịch thu hàng từ một nghìn đồng (1.000đ)
trở xuống; nếu phạt tiền, tịch thu hàng từ trên một nghìn đồng (1.000đ) thì phải
thỉnh thị Giám đốc Sở Hải quan Trung ương.
Điều 42.
– Sau khi cơ quan Hải quan xử lý, người phạm pháp có quyền khiếu nại. Các đơn
khiếu nại cần được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết nhanh chóng. Nhưng
trong khi chờ đợi giải quyết, người phạm pháp vẫn phải chấp hành quyết định xử
lý của cơ quan Hải quan.
Sở Hải quan Trung ương là cơ
quan quyết định cuối cùng.
Điều 43.
- Những người có công tố giác, giúp đỡ cơ quan Hải quan trong việc tìm ra những
vụ phạm pháp, tùy theo tính chất quan trọng của từng vụ, có thể được tuyên
dương, cấp giấy khen, bằng khen, huân chương theo chế độ chung về khen thưởng.
Ngoài ra, để chiếu cố công lao
khó nhọc trong việc tìm ra những vụ phạm pháp quan trọng, cơ quan Hải quan có
thể thưởng tiền cho người có công; số tiền thưởng không quá mức tối đa do Bộ
Ngoại thương quy định.