ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
127/2001/QĐ-UB
|
Bắc
Ninh, ngày 29 tháng 11 năm 2001
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI
CÁC KHU CÔNG NGHIỆP BẮC NINH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21/6/1994;
Căn cứ vào Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12/11/1996; Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 9/6/2000;
Căn cứ vào Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH 10 ngày
25/5//1998;
Căn cứ vào Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 về ban hành Quy chế KCN, KCX,
KCNC; Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 về Quy định chi tiết thi hành
Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 về
Quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số
03/1998/QH10 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành;
Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh tại Tờ
trình số 90/TT-BQL ngày 17/8/2001,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1:
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản
lý Nhà nước đối với các Khu công nghiệp Bắc Ninh.
Điều 2:
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3:
Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh,
Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh, các Sở, Ban ngành có liên quan, UBND
các huyện có Khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp Bắc
Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UBND TỈNH BẮC NINH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thế Thảo
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP BẮC
NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 127/2001/QĐ-UB ngày 29/11/2001 của Uỷ ban
nhân dân tỉnh Bắc Ninh
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:
Quy chế này quy định một số nội dung hoạt động phối hợp
quản lý Nhà nước đối với các Khu công nghiệp Bắc Ninh, giữa Ban quản lý các Khu
công nghiệp Bắc Ninh (viết tắt là Ban quản lý) với các cơ quan chuyên môn của Uỷ
ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, các tổ chức chính trị-xã hội và UBND các huyện có
Khu công nghiệp.
Điều 2:
Nguyên tắc phối hợp quản lý Nhà nước đối với các Khu
công nghiệp Bắc Ninh:
1. Ban quản lý là cơ quan trực
tiếp quản lý các Khu công nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành; đồng thời
là đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, các tổ chức chính
trị-xã hội và UBND các huyện có Khu công nghiệp, để giải quyết những vấn đề
phát sinh trong việc quản lý Nhà nước đối với các Khu công nghiệp Bắc Ninh.
2. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban quản lý, các
tổ chức chính trị - xã hội và Uỷ ban nhân dân các huyện có Khu công nghiệp.
3. Thực hiện các văn bản quy phạm
pháp luật hiện hành, Điều lệ quản lý các Khu công nghiệp, Điều lệ quản lý xây dựng
theo quy hoạch chi tiết các Khu công nghiệp và trách nhiệm của các cơ quan để
tham gia phối hợp quản lý Nhà nước đối với các Khu công nghiệp Bắc Ninh.
Điều 3:
Trong Quy chế này các cụm từ "Khu công nghiệp",
"Ban quản lý các Khu công nghiệp", "Doanh nghiệp khu công nghiệp,
"Doanh nghiệp chế xuất", "Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu
công nghiệp" được hiểu theo quy định của Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế
xuất, Khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của
Chính phủ (sau đây viết tắt là Quy chế KCN, KCX, KCNC).
Cụm từ "Cơ quan chuyên môn
của Uỷ ban nhân dân tỉnh" được hiểu theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân nhân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994.
Chương II
PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRONG CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ
Điều 4:
Việc giới thiệu địa điểm cho các dự án đầu tư vào các Khu
công nghiệp Bắc Ninh:
1. Ban quản lý chịu trách nhiệm
chính trong việc vận động kêu gọi đầu tư và giới thiệu địa điểm cho các dự án đầu
tư vào các Khu công nghiệp Bắc Ninh.
2. Khuyến khích các cơ quan, đơn
vị, tổ chức, cá nhân tham gia vận động đầu tư, phối hợp với Ban quản lý để hướng
dẫn đầu tư vào các Khu công nghiệp Bắc Ninh.
Điều 5:
Trong trường hợp nhà đầu tư trong nước có nhu cầu đăng ký
kinh doanh, thành lập doanh nghiệp trước khi lập hồ sơ dự án đăng ký đầu tư, được
thực hiện như sau:
1. Đối với việc đăng ký kinh
doanh, thành lập doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư
theo quy định của Nghị định số 50/CP ngày 28/8/1996 của Chính phủ về thành lập,
tổ chức, giải thể và phá sản doanh nghiệp Nhà nước (Nghị định 50/CP) và Nghị định
số 38/CP ngày 28/4/1997 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 50/CP của
Chính phủ.
2. Đối với việc đăng ký kinh
doanh, thành lập doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp số 13/1999/QH10
được thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu
tư theo quy định của Nghị định số 02/2000/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký kinh
doanh.
Điều 6:
Việc phối hợp thẩm định hồ sơ dự án để cấp Giấy phép đầu
tư giữa Ban quản lý và các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh được thực
hiện theo Quy định thủ tục hồ sơ, quy chế phối hợp thẩm định dự án cấp Giấy
phép đầu tư vào các Khu công nghiệp Bắc Ninh ban hành kèm theo Quyết định số
117/2000/QĐ-UB ngày 20/11/2000 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Điều 7:
Việc cấp Giấy phép đầu tư vào các Khu công nghiệp Bắc
Ninh:
Ban quản lý thực hiện việc cấp
và điều chỉnh Giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư trong nước và các dự án có
vốn đầu tư nước ngoài vào các Khu công nghiệp Bắc Ninh theo uỷ quyền của Chủ tịch
UBND tỉnh Bắc Ninh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chương III
PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
SAU CẤP GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ
Điều 8:
Cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài trong các Khu
công nghiệp Bắc Ninh:
1. Cấp Giấy phép lao động cho
người nước ngoài trong các Khu công nghiệp Bắc Ninh được thực hiện theo Nghị định
số 58/CP ngày 03/10/1996 về cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc
tại các doanh nghiệp, các tổ chức ở Việt Nam (viết tắt là Nghị định 58/CP); Nghị
định số 169/1999/NĐ-CP ngày 03/12/1999 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định
số 58/CP của Chính phủ và Thông tư số 08/2000/TT-BLĐTBXH ngày 29/9/2000 của Bộ
Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện việc cấp Giấy phép lao động
cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, các tổ chức ở Việt Nam.
2. Theo uỷ quyền của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội, Ban quản lý phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện việc
cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài theo đúng quy định hiện hành.
Điều 9:
Việc phê duyệt kế hoạch nhập khẩu và cấp Giấy phép nhập
khẩu máy móc, thiết bị, vật tư:
1. Đối với việc nhập khẩu máy
móc, thiết bị, vật tư Ban quản lý có trách nhiệm hướng dẫn và giải quyết thủ tục
theo nội dung uỷ quyền của Bộ Thương mại và các Bộ ngành có liên quan; đồng thời
trực tiếp xét duyệt kế hoạch nhập khẩu hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nội
dung nhập khẩu của doanh nghiệp theo quy định của Pháp luật.
2. Đối với việc nhập khẩu các loại
máy móc, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động,
Ban quản lý trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp về thủ tục hồ sơ xin cấp Giấy
phép nhập khẩu và Giấy phép sử dụng theo quy định pháp luật hiện hành; đồng thời
tiếp nhận hồ sơ đó, gửi Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động để xin cấp Giấy
phép nhập khẩu và sử dụng các loại máy móc, thiết bị này.
3. Trong quá trình thực hiện Ban
quản lý thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan để tạo điều
kiện giải quyết thuận lợi nhất cho Nhà đầu tư.
Điều 10:
Về việc cấp Sổ lao động:
Việc cấp Sổ lao động cho người
lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Ban quản lý phối
hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để thực hiện theo quy định sau:
1. Ban quản lý có trách nhiệm hướng
dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ xin cấp sổ lao động. Trong thời hạn 05 ngày, sau
khi nhận đủ hồ sơ của các Doanh nghiệp Khu công nghiệp, Ban quản lý có trách
nhiệm chuyển hồ sơ đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để thực hiện việc cấp
sổ lao động.
2. Sở Lao động, Thương binh và
Xã hội có trách nhiệm cấp sổ lao động cho người lao động trong thời hạn 30 ngày
kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; Ban quản lý tiếp nhận sổ lao động đã cấp để
trả cho Doanh nghiệp Khu công nghiệp.
3. Sở Lao động, Thương binh và
Xã hội thông báo cho Ban quản lý về các trường hợp không đủ điều kiện cấp sổ
lao động để điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Điều 11:
Việc thực hiện các chế độ cho người lao động:
Ban quản lý có trách nhiệm thông
báo tới cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện Chế độ bảo hiểm xã hội, Bảo
hiểm y tế và các chế độ khác cho người lao động. Các cơ quan chức năng sau khi
nhận được thông báo của Ban quản lý có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra
các Doanh nghiệp Khu công nghiệp thực hiện các chế độ cho người lao động theo
quy định của Pháp luật.
Điều 12:
Việc đăng ký tạm trú hoặc thường trú:
1. Công an tỉnh có trách nhiệm
phối hợp với Ban quản lý, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài được
đăng ký tạm trú hoặc thường trú để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của
Pháp luật hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt
Nam.
2. Khi các Doanh nghiệp Khu công
nghiệp có nhu cầu để một số chuyên gia nước ngoài tạm trú trong Khu công nghiệp,
phải liên hệ với Ban quản lý để nộp hồ sơ xin xác nhận nhu cầu tạm trú. Ban quản
lý có trách nhiệm xác nhận nhu cầu tạm trú của các chuyên gia nước ngoài; đồng
thời thông báo với Công an tỉnh để quản lý tạm trú ở Khu công nghiệp theo đúng
quy định hiện hành.
Điều 13:
Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và môi trường:
1. Căn cứ vào Quy hoạch chi tiết
Khu công nghiệp được duyệt, Ban quản lý xem xét, thoả thuận địa điểm và cấp Chứng
chỉ quy hoạch cho Chủ đầu tư theo quy hoạch và dự án đã được phê duyệt; đồng thời
đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài
Khu công nghiệp để đảm bảo việc xây dựng và đưa vào hoạt động đồng bộ theo đúng
quy hoạch và tiến độ được duyệt.
Thủ tục, nội dung cấp Chứng chỉ
quy hoạch theo quy định tại Thông tư số 04/BXD-KTQH ngày 30/7/1997 của Bộ Xây dựng.
2. Sở Xây dựng có trách nhiệm quản
lý kỹ thuật các công trình xây dựng trong Khu công nghiệp:
Thẩm định thiết kế kỹ thuật đối
với các dự án có vốn đầu tư trong nước và các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài theo quy định hiện hành:
Đối với các dự án có vốn đầu tư
trực tiếp nước ngoài thuộc nhóm B và nhóm A có quy mô nhỏ, theo quy định tại
Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ và Thông tư số
16/2000/TT-BXD ngày 11/12/2000 của Bộ Xây dựng.
Đối với các dự án đầu tư trong nước
thuộc nhóm B và C, theo quy định tại Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của
Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.
3. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi
trường có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý hướng dẫn và đôn đốc các Doanh
nghiệp Khu công nghiệp lập Đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Thời hạn xem xét
"Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường" và cấp "Phiếu xác nhận"
không quá 07 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu
cầu, chậm nhất 03 ngày phải thông báo cho chủ dự án biết để điều chỉnh, bổ
sung.
Điều 14:
Việc quản lý, thực hiện các ưu đãi đầu tư trong Khu công
nghiệp:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì
phối hợp với Ban quản lý giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng, quản lý
Nhà nước về ưu đãi đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số
03/1998/QH 10 ngày 20/5/1998; đồng thời hướng dẫn, tiếp nhận và xem xét hồ sơ của
các Nhà đầu tư, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư
để quyết định theo quy định phân cấp hiện hành.
Ban quản lý chủ trì, phối hợp với
Cục thuế, Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn, tiếp nhận, xem xét hồ sơ của Nhà đầu
tư có dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
để giải quyết các ưu đãi khuyến khích đầu tư theo Quyết định số 60/2001/QĐ-UB
ngày 26/6/2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Trình tự, thủ tục thực hiện theo
quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 18/7/1999 của Chính phủ Quy định
chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số
03/1998/QH10.
2. Cục Thuế căn cứ vào các văn bản
quy phạm pháp luật hiện hành, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư của cấp có thẩm quyền
cấp cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi khuyến khích đầu tư để thực hiện việc quản
lý về thuế đối với Doanh nghiệp Khu công nghiệp.
3. Ban quản lý có trách nhiệm phối
hợp với Cục Thuế đôn đốc Doanh nghiệp Khu công nghiệp thực hiện các nghĩa vụ
thuế và tài chính khác theo quy định; đồng thời nắm bắt các thông tin về thực
hiện nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp để tiến hành điều chỉnh Giấy phép đầu
tư (đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài) hoặc đề nghị Cục Thuế xem xét về
mức thuế suất, thời hạn miễn, giảm thuế khi cần thiết theo quy định của pháp luật.
Điều 15:
Về việc huỷ sản phẩm, vật tư, nguyên liệu hư hỏng:
1. Trên cơ sở đề nghị của Doanh
nghiệp Khu công nghiệp, trong thời hạn 03 ngày Ban quản lý chủ trì thông báo với
Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục thuế, Hải quan Bắc Ninh và các cơ
quan liên quan tổ chức, giám sát việc huỷ sản phẩm, vật tư, nguyên liệu hư hỏng
bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường.
2. Kết quả việc huỷ được viết
thành biên bản có chữ ký của các thành viên tham dự, làm căn cứ giải quyết các
chính sách liên quan.
Điều 16:
An ninh, trật tự, an toàn trong các Khu công nghiệp:
1. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp
với Ban quản lý và các cơ quan có liên quan để thực hiện giữ gìn an ninh, trật
tự, an toàn phòng chống cháy, nổ trong các Khu công nghiệp; đồng thời thường
xuyên hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, Doanh nghiệp Khu công nghiệp triển khai
tốt công tác an ninh, trật tự và an toàn phòng cháy, chữa cháy.
2. Khi nhận được thông tin từ
Doanh nghiệp Khu công nghiệp hoặc thông báo của Ban quản lý về tình trạng mất
an ninh trật tự hoặc sự cố trong các Khu công nghiệp, Công an tỉnh Bắc Ninh có
trách nhiệm khẩn trương triển khai công tác nghiệp vụ để nhanh chóng lập lại an
ninh, trật tự và an toàn trong các Khu công nghiệp.
3. Trong trường hợp cần thiết,
theo đề nghị của Ban quản lý và được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Công
an tỉnh tổ chức bảo vệ các đoàn khách tham quan hoặc làm việc tại các Khu công
nghiệp.
Điều 17:
Giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công:
1. Ban quản lý có trách nhiệm hướng
dẫn các doanh nghiệp thành lập Hội đồng hoà giải cơ sở theo quy định của Bộ Luật
Lao động và Thông tư số 10/LĐTBXH -TT ngày 25/3/1997 của Bộ Lao động,Thương
binh và Xã hội; cử hoà giải viên để hoà giải các tranh chấp lao động ở những
nơi chưa có Hội đồng hoà giải.
2. Khi có tranh chấp lao động tập
thể, đình công xảy ra tại các Doanh nghiệp Khu công nghiệp, Ban quản lý có
trách nhiệm hướng dẫn các bên tranh chấp thực hiện đúng thủ tục theo luật định
và kịp thời thông báo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên
quan để phối hợp giải quyết.
Điều 18:
Việc giải quyết hậu quả tai nạn lao động:
Khi nhận được thông báo của Ban
quản lý có tai nạn lao động nghiêm trọng (chết người, thương tích nặng...) xảy
ra ở các Doanh nghiệp Khu công nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có
trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các cơ quan có chức năng liên quan để giải
quyết hậu quả tại nạn lao động theo quy định của Pháp luật hiện hành.
Điều 19:
Tổ chức và hoạt động Công đoàn cơ sở:
Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh
chủ trì, phối hợp với Ban quản lý tổ chức vận động thành lập công đoàn cơ sở tại
các Doanh nghiệp Khu công nghiệp; lãnh đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở làm tốt
công tác vận động thi đua, tham gia quản lý, chăm lo đời sống vật chất tinh thần
và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trong các Doanh nghiệp Khu công
nghiệp.
Điều 20:
Việc thanh tra, kiểm tra các Doanh nghiệp Khu công nghiệp:
1. Việc thanh tra, kiểm tra hoạt
động của các Doanh nghiệp Khu công nghiệp phải đảm bảo thực hiện đúng chức
năng, đúng thẩm quyền, tuân thủ quy định pháp luật Nhà nước hiện hành và phải đảm
bảo tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ.
2. Các cơ quan có chức năng về
thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và gửi Ban quản lý các Khu công nghiệp để phối
hợp thực hiện việc thanh tra, kiểm tra.
3. Việc thanh tra, kiểm tra
doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của Thủ trưởng cơ quan nhà nước
có thẩm quyền; Không được tiến hành trùng lặp. Kiểm tra định kỳ, kiểm tra
chuyên ngành được thực hiện không quá 01 lần trong 01 năm đối với một doanh
nghiệp.
Kiểm tra định kỳ do Ban quản lý
chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên ngành thực hiện;
Kiểm tra chuyên ngành do cơ quan
chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Ban quản lý để thực hiện.
4. Khi quyết định thanh tra phải
thông báo trước cho doanh nghiệp ít nhất 07 ngày, trừ trường hợp thanh tra bất
thường. Thời hạn thanh tra tối đa không quá 30 ngày, trong trường hợp cần thiết
thời hạn thanh tra có thể gia hạn nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm
quyền.
5. Khi quyết định kiểm tra phải
thông báo trước cho doanh nghiệp ít nhất 03 ngày, trừ trường hợp kiểm tra bất
thường. Thời hạn kiểm tra trực tiếp của mỗi cuộc tối đa là 05 ngày. Khi cần thiết
thời hạn kiểm tra có thể được gia hạn nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan có
thẩm quyền.
6. Khi kết thúc việc thanh tra,
kiểm tra tại doanh nghiệp phải có kết luận bằng văn bản về nội dung thanh tra,
kiểm tra; người được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phải chịu trách nhiệm
trước pháp luật về kết luận của mình. Kết luận về nội dung thanh tra, kiểm tra
phải gửi cho Ban quản lý và các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra, đồng thời
báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
7. Thanh tra, kiểm tra bất thường
khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có sự cố được thực hiện
theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
8. Trình tự, thủ tục thanh tra,
kiểm tra được thực hiện theo quy định tại Nghị định 61/1998/NĐ-CP ngày
15/8/1998 của Chính phủ về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Điều 21:
Việc phối hợp thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng
các KCN:
1. Hội đồng đền bù giải phóng mặt
bằng Khu công nghiệp chịu trách nhiệm triển khai vận động, giải thích chủ
trương chính sách liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, đề xuất biện pháp
tháo gỡ khó khăn, thẩm định phương án đền bù giải phóng mặt bằng trình Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Căn cứ vào quyết định phê duyệt
phương án đền bù của các cơ quan có thẩm quyền, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị
có Khu công nghiệp phối hợp với Ban quản lý, Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng,
Sở Địa chính để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng đáp ứng kịp thời
nhu cầu thuê đất cho Nhà đầu tư xây dựng nhà máy và phát triển Khu công nghiệp;
đồng thời là đầu mối tổng hợp tình hình đề xuất các biện pháp thực hiện báo cáo
Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết.
Điều 22:
Về quản lý đất đai:
1. Sở Địa chính có trách nhiệm:
Hướng dẫn các nhà đầu tư thủ tục
lập hồ sơ thuê đất; thẩm tra hồ sơ thuê đất, trình cơ quan có thẩm quyền quyết
định; phối hợp với các cơ quan liên quan để bàn giao đất ngoài thực địa theo
quyết định cho thuê đất hoặc giao đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
Thực hiện ký hợp đồng thuê đất đối
với các nhà đầu tư;
Trình UBND tỉnh cấp Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư, và hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đăng
ký thuê đất hoặc thuê lại đất theo quy định về quản lý đất đai.
2. Công ty đầu tư phát triển hạ
tầng Khu công nghiệp có trách nhiệm:
Hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ
sơ và thực hiện cho các nhà đầu tư thuê lại đất trong Khu công nghiệp có sự
giám sát của Ban quản lý để đảm bảo đúng quy hoạch, ngành nghề và giá thuê đất
có hạ tầng hợp lý;
Thực hiện đăng ký thuê đất, cho
thuê lại đất tại Sở Địa chính theo đúng quy định hiện hành.
Điều 23:
Phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh khác:
Khi có các vấn đề phát sinh khác
trong Khu công nghiệp, Ban quản lý là đầu mối tổng hợp tình hình và thông báo đến
các cơ quan liên quan để phối hợp giải quyết. Trường hợp vượt quá thẩm quyền,
Ban quản lý và các cơ quan báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và cơ quan chuyên ngành
cấp trên để xem xét giải quyết.
Điều 24:
Chế độ báo cáo đối với Ban quản lý:
1. Hàng tháng Ban quản lý báo
cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về tình hình thu hút vốn đầu tư; tình hình xây dựng hạ
tầng Khu công nghiệp; tình hình quản lý Nhà nước về các Khu công nghiệp trong địa
bàn tỉnh.
2. Định kỳ lập báo cáo thống kê
theo quy định của Pháp lệnh Kế toán Thống kê về các nội dung chuyên ngành gửi đến
các cơ quan liên quan trong tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại,
Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, Bộ Công nghiệp.
Chương IV
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 25:
Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức
thực hiện Quy chế phối hợp này, Ban quản lý tổng hợp, trình Hội đồng thi đua
khen thưởng tỉnh để khen thưởng kịp thời.
Điều 26:
Các tổ chức và cá nhân vi phạm Quy chế phối hợp này, tuỳ
theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 27:
1. Ban quản
lý, các thành viên Ban quản lý, các tổ chức và các cơ quan có liên quan, các
Doanh nghiệp Khu công nghiệp, UBND các huyện có Khu công nghiệp chịu trách nhiệm
thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc cần sửa đổi bổ sung, Ban quản lý tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh
xem xét Quyết định./.