ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số: 10/2009/CT-UBND
|
Buôn Ma Thuột, ngày 08 tháng 12
năm 2009
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN
PHÁP BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
Đắk Lắk là một trong những tỉnh có diện tích đất có rừng khá
lớn. Trong những năm qua, chính quyền các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã
tích cực tuyên truyền, giáo dục, tổ chức, thực hiện việc bảo vệ và gây nuôi
phát triển động vật hoang dã nên đã hạn chế việc săn bắt, trong các vườn Quốc
gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng và khu rừng phòng hộ. Trên địa
bàn tỉnh đã có nhiều cơ sở gây nuôi động vật hoang dã như nuôi hươu, nai, rắn,
kỳ đà, ba ba, nhím, heo rừng… mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho
người lao động, có sản phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, góp phần chuyển đổi
cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông hộ.
Tuy nhiên, việc săn bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt và
chế biến trái phép động vật hoang dã; vận chuyển các bộ phận cơ thể, sản phẩm
động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trên
một số tuyến đường giao thông, các chợ và các trung tâm thị tứ, thị trấn, thị
xã và thành phố; việc tàng trữ buôn bán trái phép động vật hoang dã tại nhiều
khu dân cư; nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã để làm cảnh ở một số hộ dân;
giết mổ động vật hoang dã trái phép làm món ăn ở các nhà hàng, quán ăn; nhiều
cơ sở gây nuôi động vật hoang dã một cách tự phát, không đăng ký với cơ quan
chức năng, để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt, giết mổ, mua bán, vận chuyển
trái phép động vật hoang dã; quản lý tốt hoạt động gây nuôi, phát triển động
vật hoang dã, thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước
quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES);
đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gây nuôi, sản
xuất kinh doanh ổn định tránh những vướng mắc trong tiêu thụ sản phẩm. Ủy ban
nhân dân (UBND) tỉnh Chỉ thị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và
thành phố, tổ chức thực hiện các biện pháp sau đây:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo UBND
các xã, phường, thị trấn chủ động tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng
lớp nhân dân về vai trò, lợi ích của động vật hoang dã; các chủ trương, chính
sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã; sử dụng hợp pháp
các loài động vật hoang dã; các chế tài xử lý của Nhà nước đối với các hành vi
vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã. Hình thức tuyên
truyền, phổ biến phải phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, có hiệu
quả cao.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tại các quán ăn, nhà hàng,
các chợ, các địa điểm kinh doanh, các trục đường giao thông, các khu dân cư,
các hộ đang nuôi nhốt động vật hoang dã và các tụ điểm khác để phát hiện, ngăn
chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về mua, bán, vận chuyển,
nuôi nhốt, chế biến, trưng bày, quảng cáo trái phép động vật hoang dã và sản
phẩm của chúng.
Nghiêm cấm mọi hình thức quảng cáo việc kinh doanh động vật
hoang dã hoặc sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc từ tự nhiên.
Địa phương, đơn vị quản lý rừng nào để xảy ra tình trạng
mua, bán, tàng trữ, nuôi nhốt, chế biến, trưng bày, quảng cáo động vật hoang dã
và sản phẩm động vật hoang dã trái phép trên địa bàn quản lý của mình mà không
phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố
phải có hình thức xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các xã, phường, thị
trấn, đơn vị quản lý rừng tại địa bàn để xảy ra vi phạm; đồng thời Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã và thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách
nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, tăng cường công
tác quản lý trại nuôi đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm
quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý
thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Chỉ thị số 1284/CT-BNN-KL
ngày 11/4/2007 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc
tăng cường công tác quản lý các trại nuôi sinh sản, sinh trưởng và các cơ sở
trồng cấy nhân tạo động, thực vật hoang dã và Quyết định số 74/2008/QĐ-BNN ngày
20/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh
mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công
ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Phối hợp với các ngành có liên quan rà soát, lập danh sách
các đối tượng đã nhiều lần vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển động
vật hoang dã, có biện pháp đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các đối
tượng này. Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chính quyền
địa phương, các ngành có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra chấn chỉnh các
sai phạm trong hoạt động bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.
b) Phối hợp với Hội Nông dân và các ngành có liên quan, tăng
cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, cung cấp tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật,
khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gây nuôi phát triển các loài
động vật hoang dã trong môi trường có kiểm soát.
Tổ chức, quản lý việc gây nuôi phát triển động vật hoang dã
phải theo đúng các quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của
Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ
biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài
động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và Công văn số 515/KL-VPCITES
ngày 14/5/2007 của Cục Kiểm lâm về việc đăng ký trại nuôi sinh sản, sinh trưởng
động vật hoang dã thông thường.
Xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu thực
hiện đúng các quy định tại Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28/8/2008 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn xử lý tang vật là động
vật rừng sau khi xử lý tịch thu.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và thực hiện
phương án quản lý, bảo vệ và phát triển động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên
diện tích rừng, đất rừng được giao. Các chủ rừng phải chịu trách nhiệm về việc
để xảy ra săn bắt động vật hoang dã trong lâm phần mình quản lý.
3. Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo
các đồn Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt người và phương
tiện ra vào khu vực biên giới. Quản lý, phối hợp các lực lượng chức năng triển
khai các biện pháp ngăn chặn và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra săn bắt, mua,
bán, vận chuyển động vật hoang dã trong khu vực vùng cấm và vành đai biên giới.
4. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã và thành phố có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền cho cán bộ, công
chức, viên chức và nhân dân chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo vệ và
phát triển động vật hoang dã. Nếu vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm theo quy
định của pháp luật; đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm còn bị xử lý
theo quy định của Luật cán bộ, công chức.
5. Sở Giao thông vận tải thông báo cho các doanh nghiệp, hợp
tác xã vận tải hành khách, hàng hóa, dịch vụ, bến xe, trong việc phối hợp ngăn
chặn các hành vi vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Yêu cầu các lái xe
phải ký cam kết không vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép. Mọi đối
tượng vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
6. Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị
nghiệp vụ tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường
hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; thu hồi và cấm sử dụng các
loại súng độ chế, các loại bẫy tự chế có khả năng đánh bắt động vật hoang dã,
ngừng cấp giấy phép sử dụng súng săn; những giấy phép sử dụng súng săn đã cấp
trước đây phải thu hồi, không được phép lưu hành.
7. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động kinh
doanh, mua bán, nuôi nhốt, vận chuyển, chế biến, sử dụng động vật hoang dã có
nguồn gốc gây nuôi hoặc sản phẩm của chúng phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng
minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo an toàn, vệ
sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.
8. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp tuyên truyền, vận động các tầng
lớp nhân dân trong tỉnh chấp hành nghiêm túc Chỉ thị này.
Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng
hợp và đưa nội dung tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này vào nội dung tổng kết
công tác quản lý bảo vệ rừng hàng năm.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký
ban hành./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và
PTNT (báo cáo);
- Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh; (đã ký)
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh;
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- Báo Đắk Lắk;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- Website tỉnh;
- Vườn Quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin;
- Các CT lâm nghiệp, Ban QLR đặc dụng, phòng hộ;
- Lưu:VT, NC, TH, NN.MT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Y Dhăm Ênuôl
|