ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------
|
Số:
123/2009/QĐ-UBND
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO KINH DOANH ĐỐI VỚI
CÁC MẶT HÀNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, đã được sửa đổi, bổ sung
các năm 2007, 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh
địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007
của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng; số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6
năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm
kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; số 88/2006/NĐ-CP
ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh; số 23/2009/NĐ-CP
ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng;
Kinh doanh bất động sản; Khai thác; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; Quản
lý công trình hạ tầng kỹ thuật; Quản lý phát triển nhà và công sở;
Căn cứ Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực
hiện một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về
quản lý vật liệu xây dựng;
Căn cứ Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy
hoạch chi tiết của từng địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội tại tờ trình số 8754/TTr-SXD ngày
05 tháng 11 năm 2009 và văn bản chỉnh sửa dự thảo số 10086/SXD-KHTH ngày 09
tháng 12 năm 2009; Kết quả thẩm định văn bản pháp quy của Sở Tư pháp Hà Nội tại
văn bản số 834/STP-VBPQ ngày 15/5/2009 và số 1625/STP-VBPQ ngày 25/9/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định Điều kiện
đảm bảo kinh doanh đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện
trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ
ngày ký và thay thế các Quyết định: số 133/QĐ-UB ngày 29/8/2005, số
167/2005/QĐ-UBND ngày 31/10/2005 của UBND Thành phố Hà Nội (cũ); Các quy định
trước đây của: UBND tỉnh Hà Tây (cũ); của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (áp dụng đối với
huyện Mê Linh); của UBND tỉnh Hòa Bình (áp dụng đối với các xã Đông Xuân, Tiến
Xuân, Yên Bình, Yên Trung) liên quan đến quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh
đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện đều bãi bỏ.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Xây
dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải,
Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, đơn vị có
liên quan, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện, Thị xã, Phường, Xã, Thị trấn, các tổ
chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện
trên địa bàn thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy; Thường trực
HĐND TP;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Như điều 3;
- Văn phòng Thành ủy; Văn phòng Đoàn ĐBQH; Văn phòng HĐND Thành phố;
- VPUB: CVP, các Phó Văn phòng, các phòng CV; XD, XDoanh (2 bản);
- Trung tâm Công báo ;
- Lưu VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phí Thái Bình
|
QUY ĐỊNH
ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC MẶT HÀNG VẬT LIỆU
XÂY DỰNG KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 123/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 của Ủy ban
nhân dân thành phố Hà Nội)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích quản lý.
Quy định này là cơ sở để thực hiện
công tác quản lý Nhà nước về điều kiện đảm bảo kinh doanh đối với các mặt hàng
vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố, nhằm hạn chế
những ảnh hưởng có hại đến môi trường, bảo đảm vệ sinh, giữ gìn cảnh quan đô thị,
đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội và góp phần bảo vệ lợi
ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng
và người tiêu dùng.
Điều 2. Phạm
vi và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định các điều
kiện đảm bảo kinh doanh đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều
kiện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
2. Quy định này áp dụng đối với
các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh
doanh có điều kiện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 3.
Nguyên tắc áp dụng pháp luật.
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh
các loại vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện phải đồng thời thực hiện đầy
đủ các quy định của pháp luật có liên quan và bản quy định này.
2. Đối với các hành vi vi phạm
hành chính được quy định cụ thể trong các văn bản luật của Quốc hội, Pháp lệnh
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ, đồng thời vi phạm ở
nhiều quy định quản lý khác nhau thì hình thức, mức xử phạt phải được thực hiện
theo vi phạm hành chính có mức xử phạt cao nhất được quy định trong Nghị định
tương ứng của Chính phủ.
Điều 4. Danh
mục các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện.
Danh mục các mặt hàng vật liệu
xây dựng kinh doanh có điều kiện gồm có:
a) Vật liệu xây dựng cồng kềnh,
khối lượng lớn, dễ gây bụi gồm: gạch xây, cát, đá, sỏi, vôi cục, vôi tôi, tấm lợp,
kết cấu thép xây dựng, bê tông thương phẩm, bê tông đúc sẵn, tre, nứa, lá, đà
giáo, cốp pha, cừ tràm, kính tấm xây dựng, đá ốp lát có tạo hình cắt, mài cạnh;
b) Các loại vật liệu xây dựng dễ
cháy gồm: gỗ xây dựng, tre, nứa, lá, vật liệu nhựa, các loại sơn dầu, giấy dầu,
cót, cót ép;
c) Vật liệu xây dựng có mùi, hóa
chất độc hại, gây bụi: sơn dầu, giấy dầu, cót ép, hắc ín, vôi tôi, vôi cục, vôi
tôi trong bể.
Điều 5. Địa
điểm kinh doanh vật liệu xây dựng.
Địa điểm kinh doanh vật liệu xây
dựng bao gồm: các trạm tiếp nhận, kho, bãi tồn trữ; trung tâm, siêu thị, chợ, cửa
hàng buôn bán vật liệu xây dựng.
Quy hoạch mạng lưới kinh doanh vật
liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục 1.
Chương 2.
QUY ĐỊNH HƯỚNG DẪN VỀ
KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC MẶT HÀNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN
Điều 6. Quy
định chung
1. Những sản phẩm vật liệu xây dựng
kinh doanh có điều kiện không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo
quy định tại khoản 4, Điều 7 và điểm 10, mục 2, Phụ lục III – Nghị định số
59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch
vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và Mục II –
Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng, hướng dẫn thực hiện
một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản
lý vật liệu xây dựng.
2. Có cơ sở vật chất – kỹ thuật
và trang thiết bị kinh doanh theo quy định cụ thể tại Điều 8 của Bản quy định
này.
3. Có địa điểm kinh doanh phù hợp
với Quy hoạch mạng lưới kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện
trên địa bàn Thành phố. Đảm bảo các yêu cầu, quy định về bảo vệ môi trường, cảnh
quan, phòng chống cháy nổ; Đảm bảo trật tự an toàn giao thông; không xâm phạm
chỉ giới giao thông, không xâm lấn vỉa hè, lòng đường, đảm bảo các quy định về
hành lang bảo vệ đê, hành lang bảo vệ công trình đường bộ, đường sông, đường sắt
và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, vùng bảo vệ di tích lịch sử văn
hóa.
4. Phải có biển hiệu ghi rõ tên
cửa hàng và tên doanh nghiệp hoặc họ tên cá nhân kinh doanh, giấy phép kinh
doanh, cơ quan cấp phép kinh doanh. Phải niêm yết công khai và bán đúng giá các
chủng loại vật liệu xây dựng được phép kinh doanh. Cấm kinh doanh các vật liệu
xây dựng nhập khẩu không có tiêu chuẩn chất lượng và xuất xứ không rõ ràng,
cung cấp thông tin sai sự thật về chất lượng, xuất xứ sản phẩm vật liệu xây dựng.
5. Không được phép tổ chức kho,
bãi tồn trữ, trung chuyển các loại vật liệu xây dựng gây bụi bẩn, cồng kềnh, dễ
cháy, có mùi tại các Quận nội thành; các đường, phố trung tâm quận Hà Đông, thị
xã Sơn Tây; các khu vực tập trung dân cư của các Thị trấn, Thị tứ.
6. Việc bán và xuất hàng lên các
phương tiện vận chuyển phải đảm bảo che đậy kín, không gây bụi bẩn, vương vãi.
Riêng đối với vận chuyển xi măng, vôi cục, vôi bột việc che đậy kín còn phải đảm
bảo không bị ảnh hưởng của nước mưa; không vận chuyển quá kích thước và trọng
lượng so với quy định về an toàn giao thông và phải tuân thủ theo quy định về
thời gian được phép vận chuyển của Thành phố.
Điều 7. Quy
định cụ thể đối với việc kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh
có điều kiện
1. Đối với nhóm vật liệu xây dựng
cồng kềnh, khối lượng lớn, dễ gây bụi gồm: gạch xây, cát, đá, sỏi, vôi cục, vôi
tôi, tấm lợp, kết cấu thép xây dựng, bê tông thương phẩm, bê tông đúc sẵn, tre,
nứa, lá, đà giáo, cốp pha, cọc cừ, kính tấm xây dựng, đá ốp lát có tạo hình cắt,
mài cạnh:
a. Vôi xây dựng (vôi tôi, vôi cục,
vôi bột): Địa điểm kinh doanh vôi xây dựng không được đặt ở các khu vực dân cư,
xung quanh trường học, các trung tâm văn hóa thể thao, bệnh viện, chợ. Việc tồn
trữ vôi cục phải có kho kín hoặc bao bì chống ẩm, đặt nơi cao ráo. Việc tôi vôi
và dự trữ vôi phải bằng thùng, bể xây có nắp đậy hoặc hố đào có hàng rào che chắn
cao ít nhất 1,5 m, đặt ở nơi có ít người qua lại, có biển cấm và ban đêm phải
có đèn báo hiệu khu vực nguy hiểm.
b. Các vật liệu xây dựng cồng kềnh
như: Gạch xây, gạch ốp lát, cát, đá, sỏi, xi măng các loại, vôi cục, vôi tôi, tấm
lợp, kết cấu thép xây dựng, bê tông thương phẩm, bê tông đúc sẵn, tre, nứa, lá,
đà giáo, cốp pha, cọc cừ, kính tấm xây dựng, đá ốp lát có tạo hình cắt, mài cạnh:
địa điểm kinh doanh phải có đủ bến bãi để tập kết thuận lợi cho các phương tiện
vận tải ra vào, nơi kê xếp sản phẩm phải ngăn nắp, gọn gàng, tránh đổ vỡ gây
tai nạn. Không lấn chiếm ngoài diện tích được phép kinh doanh, riêng đá, cát, sỏi
phải xây ô chứa, rào chắn kín tránh tràn trôi. Hệ thống thoát nước của địa điểm
kinh doanh phải có hố thu, lắng đọng vật liệu bị tràn trôi, thường xuyên nạo
vét thu gom và vận chuyển đến nơi quy định của Thành phố, không để ảnh hưởng tới
hệ thống thoát nước chung của khu vực và môi trường xung quanh. Đối với gạch,
đá ốp lát: Không được cắt, mài ở vỉa hè đường phố, không để nước, bụi bẩn bắn
vương vãi ra nơi công cộng.
2. Đối với nhóm vật liệu xây dựng
dễ cháy gồm: gỗ xây dựng, tre, nứa, lá, vật liệu nhựa, các loại sơn dầu, giấy dầu,
cót, cót ép: Địa điểm kinh doanh các loại vật liệu thuộc nhóm này phải đảm bảo
những quy định như đối với nhóm vật liệu tại Khoản 1 – Điều 8 của Quy định này.
Đồng thời nơi tồn trữ, kinh doanh các loại vật liệu này phải đặt xa nơi sinh lửa,
phải có các thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của luật phòng cháy chữa
cháy và các quy định của Công an Thành phố.
3. Vật liệu xây dựng có mùi, hóa
chất độc hại, gây bụi: sơn dầu, giấy dầu, cót ép, hắc ín, vôi tôi, vôi cục, vôi
tôi trong bể: Phải có ngăn cách đảm bảo an toàn cho người tại nơi bán hàng. Việc
tồn trữ và vận chuyển đối với những loại vật liệu này phải có bao bì đóng gói đối
với dạng bột; thùng, hộp, téc chứa kín đối với dạng lỏng. Có dụng cụ cân đong
an toàn khi mua bán. Không được để các dung môi, phụ gia và sơn ở nơi gần nguồn
nước, giếng ăn, ao hồ, nơi có nhiệt độ cao, có khả năng phát cháy. Phải có các
thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật. Có biện pháp bảo vệ
môi trường và tính mạng, tài sản của nhân dân.
4. Các loại vật liệu xây dựng bị
hư hỏng, kém phẩm chất, phế thải trong quá trình vận chuyển, lưu chứa, kinh
doanh phải được chở về nơi sản xuất hoặc đổ đúng nơi quy định của Thành phố.
Chương 3.
KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 8. Kiểm
tra, thanh tra các hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện.
1. Nội dung: Kiểm tra, thanh tra
sự tuân thủ các điều kiện kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện; công tác đảm
bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường của các cơ sở kinh doanh vật liệu
xây dựng.
2. Hình thức kiểm tra: Kiểm tra
định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất khi có khiếu nại, tố cáo.
3. Hình thức thanh tra: Thanh
tra theo kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm
hoặc có khiếu nại, tố cáo.
4. Cơ quan kiểm tra, thanh tra:
Tất cả các cơ sở kinh doanh vật
liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố đều phải chịu sự thanh, kiểm tra của chính
quyền các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và theo quy định
này.
Điều 9. Xử
lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân khi có
hành vi vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt
vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì
phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Người lợi dụng chức vụ, quyền
hạn cản trở các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực kinh doanh vật
liệu xây dựng có điều kiện hoặc trục lợi cá nhân sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định
của pháp luật.
3. Mức xử phạt và thẩm quyền xử
phạt thực hiện theo quy định tại các Điều 36, 56, 57, 58, 59, 60, 61 của Nghị định
số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính
trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh
doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển
nhà và công sở.
Chương 4.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP,
NGÀNH, CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG QUẢN LÝ, KINH DOANH CÁC MẶT HÀNG VẬT LIỆU XÂY
DỰNG KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN
Điều 10.
Trách nhiệm của UBND các cấp.
1. Ủy ban nhân dân Quận, Huyện,
Thị xã trực thuộc.
a) Chỉ đạo các phòng chuyên môn,
Thanh tra Xây dựng cấp Quận, Huyện, Thị xã, Ủy ban nhân dân Phường, Xã, Thị trấn
tổ chức phổ biến, hướng dẫn, giám sát, lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ,
đột xuất việc thực hiện các quy định điều kiện kinh doanh các mặt hàng vật liệu
xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố, xử lý các vi phạm hoặc
kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
b) Định kỳ hàng quý, 6 tháng,
hàng năm báo cáo tình hình thực hiện quy định điều kiện kinh doanh các mặt hàng
vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn về Sở Xây dựng để tổng hợp
chung báo cáo UBND Thành phố và Bộ Xây dựng.
c) Đề xuất việc xây dựng quy hoạch,
bổ sung quy hoạch các địa điểm được phép kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng
kinh doanh có điều kiện đảm bảo phù hợp với các quy định của Thành phố và điều
kiện thực tế trên địa bàn.
2. Ủy ban nhân dân Phường,
Xã, Thị trấn.
a) Quản lý Nhà nước các hoạt động
của tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên
địa bàn.
b) Tổ chức phổ biến hoặc chỉ đạo
Thanh tra xây dựng cấp xã tổ chức phổ biến, hướng dẫn các quy định của nhà nước
và Thành phố về quản lý kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện đến
các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. Kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm
điều kiện kinh doanh theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo UBND cấp huyện hoặc
Thanh tra xây dựng cấp Quận, Huyện để xử lý các trường hợp vượt quá thẩm quyền.
Điều 11.
Trách nhiệm của các Sở, Ngành Thành phố
1. Sở Xây dựng Hà Nội: Là
cơ quan chuyên môn của UBND Thành phố, chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành
có liên quan, Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, Thị xã thực hiện việc quản lý
Nhà nước về Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng
kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố.
a) Phối hợp cùng với các Sở,
Ngành: Công an Thành phố, Giao thông Vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư,
các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân cấp Quận, Huyện tổ chức thực hiện công
tác quản lý kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn
Thành phố.
b) Định kỳ hàng năm thực hiện việc
báo cáo UBND Thành phố và Bộ Xây dựng tình hình kinh doanh các mặt hàng vật liệu
xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố; Nghiên cứu đề nghị
UBND Thành phố cho phép điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch các địa điểm được phép
kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện, các điều kiện
kinh doanh đảm bảo phù hợp với các quy định của Nhà nước và điều kiện thực tế tại
Hà Nội.
2. Sở Quy hoạch Kiến trúc
Tham gia, phối hợp cùng với Sở
Xây dựng về quy hoạch các địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng trong quá trình
triển khai thực hiện để đưa ra kết luận báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hướng dẫn các tổ chức đăng ký
kinh doanh ngành nghề kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện phải đảm bảo
tuân thủ Quy định này. Địa điểm kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch các địa
điểm được phép kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh có điều kiện trên địa
bàn Hà Nội.
4. Sở Công Thương.
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị
trường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng có điều
kiện vi phạm trong hoạt động thương mại.
5. Sở Giao thông vận tải.
Thực hiện kiểm tra và xử lý các
tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa
bàn vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; lấn chiếm vỉa
hè, lòng lề đường; gây bụi bẩn, mất mỹ quan đường phố.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường.
Thực hiện kiểm tra và xử lý các
tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa
bàn vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
7. Công an Thành phố.
Chỉ đạo các lực lượng công an phối
hợp với Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Giao thông Công chính, Quản lý thị trường,
Chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt
hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn vi phạm hành chính
về điều kiện kinh doanh tại Quy định này trong lĩnh vực trật tự an toàn giao
thông, trật tự an toàn xã hội. Chỉ đạo phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hướng
dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật phòng cháy chữa cháy.
Điều 12.
Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng
kinh doanh có điều kiện.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh
các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện phải thực hiện nghiêm chỉnh
các điều kiện kinh doanh quy định tại các Điều 6,7 của bản quy định này và các
quy định pháp luật khác có liên quan.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Xử
lý chuyển tiếp
Tổ chức, cá nhân đang kinh doanh
các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện đảm bảo các điều kiện
quy định tại Điều 6, 7 và 8 bản quy định này được tiếp tục kinh doanh theo quy
định. Trường hợp tổ chức, cá nhân có địa điểm kinh doanh không phù hợp với quy
hoạch, không đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 7 và Điều 8 bản quy định
này thì chỉ được sử dụng làm cửa hàng giao dịch, giới thiệu mẫu sản phẩm; không
được bán hàng trực tiếp.
Điều 14. Điều
khoản thi hành
Chủ tịch UBND các Quận, Huyện,
Thị xã, Phường, Xã, Thị trấn, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc,
Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường,
Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, đơn vị có
liên quan, các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng kinh
doanh có điều kiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện Quy
định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Sở, Ban, Ngành, UBND
các Quận, Huyện, Thị xã kịp thời phản ánh, đề xuất bổ sung, gửi Sở Xây dựng Hà
Nội để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực
tế quản lý trên địa bàn./.