BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
05/2002/QĐ-BGDĐT
|
Hà
Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 05/2002/QĐ-BGD&ĐT
NGÀY 11 THÁNG 03 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
CHUYÊN
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 15/ CP
ngày 02 /3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà
nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/ CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn
và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 43/2000/NĐ - CP ngày 30/8/2000 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy chế
trường trung học phổ thông chuyên".
Điều 2:
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký;
các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Vụ Trung học phổ thông có trách
nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
Điều 3:
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông,
Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hiệu
trưởng trường đại học có trường, khối lớp trung học phổ thông chuyên; Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo và Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2002/QĐ-BGD&ĐT, ngày 11/ 03/2002 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vị điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về tổ chức,
hoạt động giáo dục và công tác quản lý của trường trung học phổ thông chuyên.
2. Trường trung học phổ thông
chuyên có trách nhiệm tuân theo Điều lệ trường trung học và các quy định trong
bản Quy chế này.
3. Các khối lớp trung học phổ
thông chuyên thuộc các đại học, các trường đại học có trách nhiệm tuân theo những
quy định tương ứng trong Quy chế này.
Điều 2. Vị
trí, nhiệm vụ
1. Trường trung học phổ thông
chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông, dành cho những học sinh đạt kết
quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu của học sinh về một số
môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện.
2. Ngoài nhiệm vụ đã quy định
trong Điều lệ trường trung học, trường trung học phổ thông chuyên còn có các
nhiệm vụ :
a) Bồi dưỡng và phát triển năng
khiếu của học sinh về một môn học nhất định gọi là môn chuyên; đồng thời đảm bảo
thực hiện đầy đủ kế hoạch và chương trình giáo dục toàn diện của trung học phổ
thông.
b) Tổ chức các hoạt động tập dượt
nghiên cứu khoa học phù hợp với trình độ và tâm sinh lý học sinh.
Điều 3.
Nguyên tắc tổ chức
1.Trường trung học phổ thông
chuyên được tổ chức theo những nguyên tắc chung đã được quy định trong Điều lệ
trường trung học.
2. Hằng năm trường trung học phổ
thông chuyên được tuyển bổ sung những học sinh mới xuất sắc và chuyển những học
sinh không còn đạt yêu cầu sang học tại các trường, lớp trung học phổ thông
bình thường.
Điều 4. Hình
thức tổ chức
Trường trung học phổ thông
chuyên được thành lập theo các hình thức sau:
1. Trường trung học phổ thông
chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là trường
trung học phổ thông chuyên thuộc tỉnh).
2. Trường trung học phổ thông
chuyên thuộc đại học quốc gia, đại học khu vực, các trường đại học sư phạm (sau
đây gọi chung là trường trung học phổ thông chuyên thuộc trường đại học).
Điều 5.
Chính sách ưu tiên
1. Giáo viên, cán bộ quản lý nhà
trường được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số
35/2001/NĐ-CP ngày 09/07/2001 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán
bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế
xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Trường trung học phổ thông
chuyên được ưu tiên về bố trí cán bộ, giáo viên đủ phẩm chất và năng lực, về
trang bị cơ sở vật chất và thiết bị theo tiêu chuẩn trường trung học chuẩn quốc
gia; được tiếp nhận sự giúp đỡ của các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài
nước.
3. Tuỳ điều kiện và hoàn cảnh địa
phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thể có chính sách ưu đãi thêm nhằm khuyến
khích động viên giáo viên, học sinh trường trung học phổ thông chuyên.
4. Ngoài những quy định ưu tiên
trong Quy chế này, trường trung học phổ thông chuyên thực hiện theo chế độ tài
chính hiện hành như các trường trung học phổ thông bình thường.
Chương 2:
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ NHÀ
TRƯỜNG
Điều 6.
Thành lập và giải thể
1. Trường trung học phổ thông
chuyên thuộc tỉnh do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị; Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập sau khi đã thoả thuận với Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
2. Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại
học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học sư phạm Hà Nội, Trường đại học
sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, đại học khu vực, Trường đại học Vinh được phép mở
trường trung học phổ thông chuyên theo quy định sau đây:
Giám đốc đại học, Hiệu trưởng
trường đại học (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) đề nghị; Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân cấp tỉnh (nơi đặt trụ sở của trường đại học) quyết định thành lập sau khi
thoả thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Cấp có thẩm quyền ra quyết định
thành lập cũng là cấp có thẩm quyền quyết định đình chỉ hoạt động, giải thể nhà
trường theo thủ tục quy định tại Nghị định số 43/2000/NĐ- CP ngày 30/8/2000 của
Chính phủ.
Điều 7. Điều
kiện, thủ tục thành lập
Ngoài những điều kiện và thủ tục
quy định tại Điều lệ trường trung học, việc thành lập trường trung học phổ
thông chuyên phải có thêm các điều kiện sau:
1. Có đội ngũ cán bộ quản lý và
giáo viên đủ trình độ giảng dạy theo
chương trình trung học phổ thông
chuyên;
2. Có cơ sở vật chất, thiết bị cần
thiết theo quy định đối với trường trung học đạt chuẩn quốc gia;
3. Có nguồn tuyển sinh ổn định,
có chỗ ở nội trú cho học sinh ở xa.
Điều 8. Lớp
trong trường trung học phổ thông chuyên
1. Chỉ được thành lập một lớp
cho mỗi môn chuyên trong từng khối lớp 10, 11, 12.
2. Mỗi lớp chuyên có từ 30 đến
35 học sinh, học theo chương trình một môn chuyên.
3. Tuỳ điều kiện cụ thể của địa
phương hoặc trường đại học, trường trung học phổ thông chuyên có thể có một số
hoặc tất cả các lớp chuyên sau:
a) Chuyên Toán ,
b) Chuyên Tin học,
c) Chuyên Vật lý,
d) Chuyên Hoá học,
đ) Chuyên Sinh học,
e) Chuyên Văn,
g) Chuyên Lịch sử,
h) Chuyên Địa lý,
i) Chuyên tiếng Anh,
k) Chuyên tiếng Nga,
l) Chuyên tiếng Pháp.
3. Trong trường trung học phổ
thông chuyên có thể có một số lớp không chuyên. Số lớp không chuyên chiếm không
quá 30% so với tổng số lớp chuyên toàn trường. Lớp không chuyên được tổ chức
theo quy định trong Điều lệ trường trung học.
Điều 9. Quản
lý và chỉ đạo
1. Trường trung học phổ thông
chuyên thuộc tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và chỉ đạo trực tiếp.
2. Trường trung học phổ thông
chuyên thuộc trường đại học chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng
trường đại học về tổ chức, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính và chịu
sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương về thực hiện chương trình, kế
hoạch dạy học, tổ chức thi tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp và tuyển sinh vào
các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Chương 3:
NHỮNG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN
Điều 10.
Tuyển sinh vào lớp đầu cấp
1. Kế hoạch tuyển sinh:
a) Đối với trường trung học phổ
thông chuyên thuộc tỉnh:
Sở Giáo dục và Đào tạo chịu
trách nhiệm lập kế hoạch, phương án tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh và dự kiến
ngày thi tuyển trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
b) Đối với các trường trung học
phổ thông chuyên thuộc trường đại học: Hiệu trưởng trường đại học phê duyệt kế
hoạch tuyển sinh, ấn định ngày thi tuyển.
2. Chỉ tiêu tuyển sinh:
a) Đối với trường trung học phổ
thông chuyên thuộc tỉnh: do UBND cấp tỉnh giao chỉ tiêu hằng năm.
b) Đối với trường trung học phổ
thông chuyên thuộc trường đại học (hoặc các khối lớp trung học phổ thông chuyên
hiện có): do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định sau khi đã thoả thuận với UBND cấp
tỉnh nơi trường đóng.
3. Hình thức tuyển sinh: Thi tuyển.
Chậm nhất trước ngày thi tuyển 2
tháng, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học có trường trung học phổ
thông chuyên phải có thông báo tuyển sinh rộng rãi bằng văn bản và qua các
phương tiện thông tin đại chúng.
4. Môn thi:
Toán, Văn - Tiếng Việt, Môn
chuyên.
Nếu môn chuyên là môn Toán hoặc
Văn - Tiếng Việt, thì ở mỗi môn học này học sinh phải dự thi hai bài: một bài
thi bình thường và một bài thi theo quy định cho môn chuyên.
5. Hệ số môn thi :
Toán, Văn - Tiếng Việt : Hệ số
1.
Môn chuyên : Hệ số 2.
6. Thời gian thi:
Thời gian làm bài của mỗi môn
thi là 150 phút, không kể thời gian giao đề.
7. Điều kiện dự tuyển: Ngoài các
quy định chung về tuyển sinh, học sinh dự tuyển vào trung học phổ thông chuyên
phải có thêm 2 điều kiện:
a) Môn đăng ký vào lớp chuyên phải
có điểm trung bình cả năm lớp 9 từ 8,0 trở lên đối với các môn Toán, Vật lý,
Hoá học, Sinh học, Tin học và từ 7,0 trở lên đối với các môn Văn, Lịch sử, Địa
lý, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp.
b) Xếp loại tốt nghiệp trung học
cơ sở từ loại khá trở lên.
8. Điểm khuyến khích cộng thêm
(chỉ thực hiện đối với tuyển sinh vào trường trung học phổ thông chuyên thuộc tỉnh):
Học sinh đạt giải trong kỳ thi
chọn học sinh giỏi bộ môn lớp 9 cấp tỉnh được cộng thêm điểm khi tuyển vào lớp
10 trung học phổ thông chuyên nếu môn đạt giải là môn chuyên đăng ký dự thi. Mức
điểm được cộng thêm như sau:
+ Giải nhất: 2 điểm.
+ Giải nhì : 1,5 điểm.
+ Giải ba : 1 điểm .
9. Điều kiện
trúng tuyển:
a) Điểm xét tuyển vào lớp 10
trung học phổ thông chuyên là tổng số
điểm của điểm bình quân các bài
thi tuyển (đã tính hệ số) và điểm khuyến khích (nếu có).
Tổng điểm các bài thi tuyển (đã
tính hệ số)
Điểm xét tuyển =
---------------------------------------------- + Điểm KK (nếu có)
Tổng các hệ số
Điểm xét tuyển lấy đến hai chữ số
thập phân và không làm tròn.
b) Được đưa vào danh sách xét
tuyển vào trường trung học phổ thông chuyên những học sinh dự thi đầy đủ 3 bài
thi, không vi phạm quy chế thi, không có bài thi nào bị điểm dưới 2, điểm thi
môn chuyên phải đạt từ 6,5 trở lên, điểm bình quân các bài thi tuyển đạt từ 5,0
trở lên
c) Số lượng học sinh được tuyển
phải theo đúng chỉ tiêu của từng lớp chuyên.
10. Nguyên tắc
xét tuyển:
a) Lấy theo điểm xét tuyển từ
cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh cho từng lớp chuyên.
b) Nếu học sinh có tổng số điểm
ngang nhau thì diện ưu tiên lấy trước, hạnh kiểm tốt lấy trước.
c) Khi xét tuyển theo nguyên tắc
trên, nếu chưa đủ chỉ tiêu, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên có
trách nhiệm báo cáo các cấp có thẩm quyền để xin chủ trương giải quyết.
11. Duyệt danh
sách trúng tuyển:
a) Sở Giáo dục và Đào tạo xét
duyệt danh sách trúng tuyển vào trường trung học phổ thông chuyên thuộc tỉnh.
b) Hiệu trưởng trường đại học
xét duyệt danh sách trúng tuyển vào trường trung học phổ thông chuyên thuộc trường
đại học.
12. Phúc khảo:
Trong kỳ thi tuyển sinh vào trường trung học phổ thông chuyên thuộc tỉnh và trường
trung học phổ thông chuyên thuộc các trường đại học, tất cả học sinh dự thi đều
được xin phúc khảo điểm bài thi. Học sinh xin phúc khảo phải có đơn gửi đến cơ
quan có thẩm quyền tiếp nhận theo quy định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
hoặc Hiệu trưởng trường đại học.
13. Tuyển vào
lớp 10 không chuyên:
Học sinh đạt điểm gần với điểm
xét tuyển thấp nhất vào lớp 10 chuyên được xét tuyển vào các lớp 10 không
chuyên trong trường trung học phổ thông chuyên, theo thứ tự xếp từ cao xuống thấp
cho đến hết chỉ tiêu.
14. Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng trường đại học quyết định thành lập các Hội đồng
ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và tổ chức kỳ thi theo Quy chế thi tốt
nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
15. Sau khi
hoàn thành việc tuyển sinh, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học có
trường trung học phổ thông chuyên lập hồ sơ báo cáo gửi về Bộ (Vụ Trung học phổ
thông) gồm:
a) Báo cáo tổng kết kỳ thi tuyển
sinh,
b) Danh sách học sinh trúng tuyển.
Điều 11.
Tuyển bổ sung và chuyển ra khỏi lớp chuyên
1. Điều kiện tổ chức tuyển bổ
sung: Chỉ tuyển bổ sung khi có học sinh phải chuyển ra khỏi lớp chuyên và khi
thấy cần thiết cho lớp 11, lớp 12.
2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
(đối với trường trung học phổ thông chuyên thuộc tỉnh), Hiệu trưởng trường đại
học (đối với trường trung học phổ thông chuyên thuộc trường đại học) quyết định
việc tuyển bổ sung hoặc không tuyển bổ sung hằng năm căn cứ vào đề nghị của Hiệu
trưởng trường trung học phổ thông chuyên.
3. Đối tượng và điều kiện dự tuyển:
a) Đối tượng: Những học sinh
đang học lớp 10 hoặc lớp 11 không chuyên trong trường, khối lớp chuyên.
b) Điều kiện: Đảm bảo đủ hai điều
kiện sau đây
- Được xếp loại cả năm lớp 10
(hoặc lớp 11): hạnh kiểm tốt, học lực giỏi,
- Môn dự thi vào chuyên đạt điểm
trung bình cả năm từ 8,0 trở lên.
4. Môn thi tuyển là môn chuyên.
5. Học sinh được đưa vào danh
sách xét tuyển bổ sung nếu điểm thi tuyển đạt từ 6,5 trở lên.
6. Nguyên tắc tuyển từ điểm cao
xuống thấp đến số cần tuyển thêm. Nếu điểm thi tuyển ngang nhau thi xem xét đến
điểm trung bình môn dự thi vào chuyên, điểm trung bình các môn học (điểm cao xếp
trước, thấp xếp sau).
7. Ngày thi tuyển bổ sung, các
quy định về làm đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi do Giám đốc Sở Giáo dục và
Đào tạo, Hiệu trưởng trường đại học quy định căn cứ vào Quy chế này.
8. Tuyển bổ sung không có phúc
khảo.
9. Học sinh phải
chuyển ra khỏi lớp chuyên để sang học lớp không chuyên nếu phạm vào một trong
hai điều kiện dưới đây:
- Học lực xếp loại yếu,
- Môn chuyên có điểm trung bình
dưới 3,5.
Điều 12. Kế
hoạch và chương trình học tập
1. Cùng với việc thực hiện kế hoạch,
chương trình dạy học chung đối với các môn không chuyên ở trung học phổ thông,
các trường trung học phổ thông chuyên phải thực hiện kế hoạch, chương trình dạy
học riêng cho từng môn chuyên, lớp chuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Ngoài các hoạt động quy định
trong Điều lệ trường trung học, trường trung học phổ thông chuyên phải tổ chức
cho học sinh tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hội thảo, thực
nghiệm khoa học theo môn chuyên.
Thời gian thực hiện các hoạt động
tập dượt nghiên cứu khoa học không quá 2 buổi/1 tuần.
Điều 13.
Đánh giá, xếp loại và xét lên lớp
Việc kiểm tra cho điểm, xếp loại
học lực, xếp loại hạnh kiểm, xét cho lên lớp đối với học sinh trung học phổ
thông chuyên thực hiện như quy định đối với học sinh trung học phổ thông bình
thường và một số quy định riêng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 14.
Thi tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp
Điều kiện dự thi tốt nghiệp, nội
dung thi và bằng tốt nghiệp đối với học sinh trung học phổ thông chuyên thực hiện
như đối với học sinh trung học phổ thông bình thường.
Điều 15.
Chuyển trường
Học sinh các trường trung học phổ
thông chuyên thuộc tỉnh hoặc thuộc trường đại học có nguyện vọng chuyển đến học
tập ở một tỉnh, thành phố, trường đại học khác, chỉ được xét tiếp nhận vào học ở
các trường trung học phổ thông bình thường hoặc lớp không chuyên trong trường
chuyên. Nếu muốn được học ở các lớp chuyên của trường trung học phổ thông
chuyên thì phải dự thi tuyển theo quy định của Quy chế này và của địa phương, của
trường đại học.
Chương 4:
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA
CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH
Điều 16.
Nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
1. Sử dụng có hiệu quả kinh phí,
tài sản, cơ sở vật chất, thiết bị; phát huy tốt năng lực và trí tuệ của giáo
viên, học sinh trong giảng dạy, học tập và các hoạt động, đặc biệt đối với môn
chuyên.
2. Được hưởng các chế độ theo
quy định hiện hành cho cán bộ quản lý trường trung học phổ thông chuyên và các
chế độ ưu tiên khác (nếu có) của địa phương hoặc trường đại học.
3. Được tuyển chọn giáo viên về
giảng dạy tại trường và đề nghị thuyên chuyển đối với những giáo viên không đáp
ứng yêu cầu giảng dạy ở trường trung học phổ thông chuyên.
Điều 17.
Nhiệm vụ và quyền của giáo viên
1. Giáo viên môn chuyên trường
trung học phổ thông chuyên ngoài việc thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền của
giáo viên quy định tại các Điều 29, 30 của Điều lệ trường trung học hiện hành
còn có các nhiệm vụ:
a) Trực tiếp bồi dưỡng và phát
triển năng khiếu của học sinh về môn chuyên;
b) Tổ chức và hướng dẫn học sinh
môn chuyên tập dượt nghiên cứu khoa học phù hợp với trình độ và tâm sinh lý học
sinh.
2. Giáo viên các bộ môn khác thực
hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 29, 30 Điều lệ trường trung học.
3. Giáo viên trường trung học phổ
thông chuyên được hưởng chế độ phụ cấp, các chính sách hiện hành đối với giáo
viên và các chế độ ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều 5 của Quy chế này.
4. Hằng năm, những giáo viên
không đủ điều kiện để giảng dạy tại trường chuyên được Sở Giáo dục và Đào tạo
(hoặc trường đại học quản lý trường trung học phổ thông chuyên) tạo điều kiện để
được chuyển sang giảng dạy các lớp không chuyên hoặc giảng dạy ở các trường
trung học phổ thông khác.
Điều 18.
Nhiệm vụ và quyền của học sinh
1. Thực hiện tốt các yêu cầu về
giáo dục toàn diện của học sinh phổ thông.
2. Tích cực, chủ động trong học
tập, phấn đấu học giỏi môn chuyên.
3. Tích cực tham gia các hoạt động
ngoài giờ lên lớp, các hoạt động chính trị xã hội chung của nhà trường; tham
gia các hoạt động khoa học do nhà trường tổ chức hoặc theo sự phân công của
giáo viên, phù hợp với năng lực cá nhân đối với từng môn chuyên.
4. Được tạo các điều kiện về: ở
nội trú, sử dụng cơ sở vật chất thiết bị và thư viện phục vụ cho học tập.
5. Học sinh thuộc diện được hưởng
chính sách ưu tiên, ưu đãi theo quy định tại Điều 32 của Nghị định số
43/2000/NĐ-CP ngày 30/8/2000 của Chính phủ được xét miễn giảm học phí; học sinh
đạt kết quả giỏi được xét cấp học bổng, được khen thưởng theo quy định của nhà
nước, của địa phương và của trường đại học.