THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
08/2006/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2006
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG
CHẶT PHÁ, ĐỐT RỪNG, KHAI THÁC RỪNG TRÁI PHÉP
Trong những tháng cuối năm 2005, tình trạng chặt
phá rừng tiếp tục diễn ra nghiêm trọng tại nhiều vùng rừng nguyên sinh, rừng đặc
dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh Miền
Đông Nam Bộ. Tại các khu vực này, bọn lâm tặc ngang nhiên tổ chức chặt phá rừng,
săn bắn, buôn bán các loài động vật hoang dã, quý hiếm; các cơ sở kinh doanh gỗ,
lâm sản quảng cáo, tiêu thụ gỗ, động vật hoang dã bất hợp pháp diễn ra phổ biến.
Nguyên nhân của tình trạng trên là:
Các ngành, các cấp chính quyền từ xã, huyện, tỉnh
chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số
245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà
nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp và Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16
tháng 5 năm 2003 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát
triển rừng; chưa thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền đối
với việc trấn áp bọn tội phạm phá rừng.
Để chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, yếu
kém trong công tác tổ chức quản lý bảo vệ rừng nêu trên, lập lại trật tự kỷ
cương, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện còn, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị
các cấp, các ngành, các địa phương phải khẩn trương thực hiện nghiêm túc các biện
pháp sau đây:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng; huy động các lực lượng thích hợp
của địa phương tham gia vào công tác bảo vệ rừng, trấn áp bọn lâm tặc; tổ chức
chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, Bộ đội biên phòng, dân quân, bảo
vệ lâm trường, khẩn trương tổ chức truy quét những cá nhân, tổ chức phá rừng
thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
- Tổ chức kiểm tra, di chuyển số dân di cư tự do
đang cư trú phá rừng trái phép tại các khu rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng
phòng hộ đầu nguồn, đến những khu đã được quy hoạch; bố trí đất đai, thực hiện
các chính sách hỗ trợ của nhà nước để số dân này có điều kiện làm ăn sinh sống.
- Thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước
của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định tại Quyết định số
245/1998/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp quản lý rừng và chịu
trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tài nguyên rừng của quốc gia thuộc địa
phương quản lý.
Các cấp chính quyền cơ sở (xã, huyện) phải chịu
trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp về tài nguyên rừng trên địa
bàn. Kể từ khi triển khai chỉ thị này nếu còn để xảy ra tình trạng lâm tặc khai
phá rừng, đốt rừng trái phép trên địa bàn xã, huyện nào thì Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân xã, huyện đó phải kiểm điểm trước cấp uỷ Đảng và bị xử lý kỷ luật về
trách nhiệm quản lý rừng. Những tỉnh để xảy ra chặt phá rừng trái phép, cháy rừng
nghiêm trọng thì chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phải kiểm điểm trước cấp uỷ và
báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất hình thức kỷ luật về trách nhiệm quản lý
nhà nước đổi với rừng và đất lâm nghiệp.
- Chỉ đạo kiểm tra, thu gom và xử lý theo quy định
hết số gỗ rừng bị chặt phá khai thác trái phép; xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép
kinh doanh của các cơ sở mua bán, tiêu thụ gỗ, các loại động vật hoang dã trái
phép. Nghiêm cấm việc quảng cáo mua bán các mặt hàng động vật hoang dã, quý, hiếm.
Lập danh sánh những đối tượng "chuyên nghiệp",
thường xuyên khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản và động vật rừng ở
các địa phương, có biện pháp theo dõi, quản lý và đấu tranh ngăn chặn.
- Đôn đốc, kiểm tra thực hiện hoàn thành trong
năm 2006 việc sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh theo quy định
tại Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.
- Khẩn trương triển khai thực hiện có kết quả chỉ
thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về rà
soát, quy hoạch 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất)
trên địa bàn của tỉnh. Sau khi đã quy hoạch xác định 3 loại rừng phải tiến hành
xác định ranh giới trên bản đồ và trên thực địa và đẩy mạnh việc giao đất, cho
thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để khuyến khích các thành
phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất lâm nghiệp, đầu tư kinh doanh, bảo vệ
và phát triển rừng.
- Phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng,
các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia bảo vệ
rừng và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Đắk Nông, Đắk
Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng, Kon Tum chỉ đạo rà soát, kiểm tra những trường hợp
mua bán chuyển nhượng đất không hợp pháp từ khi có Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg
ngày 16 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp
bách để bảo vệ và phát triển rừng, phải thu hồi lại đất, cấp cho các hộ đồng
bào dân tộc tại chỗ thiếu đất ở và đất sản xuất.
Những hộ đồng bào thuộc diện của Quyết định số
132/2002/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2002 và số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7
năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, khi được cấp đất ở, đất sản xuất phải thực hiện
quản lý sử dụng đất theo đúng quy định của các quyết định này, không được sử dụng
đất để đổi, bán, chuyển nhượng.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các việc sau đây:
- Chỉ đạo chính quyền địa phương kiểm tra, phát
hiện các trường hợp xâm nhập vào rừng trái phép, ngăn chặn kịp thời không để rừng
bị phá. Cương quyết phá bỏ các loại cây trồng, các công trình xây dựng trái
phép trên diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh. Ngăn chặn nạn
đốt phá rừng, không để lan rộng. Những khu rừng đã bị đốt, phải bắt buộc khoanh
lại để rừng tái sinh phục hồi và trồng dặm, tạo lại thảm rừng.
Đối với những kẻ chống đối, tiếp tục phá rừng
thì phải cương quyết xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
- Kiểm tra việc quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp
và đất lâm nghiệp, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc quy hoạch sử dụng
đất đã được phê duyệt; khẩn trương thực hiện việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng,
cắm mốc, xác định địa giới các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên
(báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả đã cắm mốc, xác định địa giới các loại rừng
theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ)
và có phương án bảo vệ khoanh nuôi, trồng rừng, nhất là các khu rừng đặc dụng,
rừng phòng hộ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Trước mắt, chỉ đạo các địa
phương tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động canh tác nương rẫy, xây dựng Chương
trình chuyển đổi canh tác nương rẫy quảng canh sang thâm canh gắn với chuyển đổi
cơ cấu cây trồng.
- Lập kế hoạch hiệp đồng tổ chức kiểm tra, truy
quét bọn lâm tặc phá rừng tại những vùng rừng giáp ranh địa giới giữa các tỉnh
và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, kể cả người cho phép khai
thác rừng và cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp không đúng thẩm quyền,
trái pháp luật; trường hợp nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự; trường
hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý trách nhiệm hành chính
và yêu cầu bồi thường những thiệt hại về rừng do họ gây ra, theo quy định của
pháp luật.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ
tướng Chính phủ ban hành các chính sách bảo đảm các quyền lợi cho cán bộ công
chức Kiểm lâm bị thương, bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, đấu
tranh với bọn lâm tặc bảo vệ rừng; chế độ lương, phụ cấp lương cho Kiểm lâm
theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004.
- Giao Cục Kiểm lâm chỉ đạo, sử dụng nguồn kinh
phí thu từ xử lý vi phạm hành chính và xử lý tang vật tịch thu trong lĩnh vực
quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo Nghị định số 139/2004/NĐ-CP
ngày 25 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ để tổ chức nuôi, huấn luyện, trang bị
chó nghiệp vụ cho các đơn vị Kiểm lâm cơ sở làm công tác bảo vệ rừng.
Tăng cường kiện toàn tổ chức lực lượng Kiểm lâm
theo hướng gắn với địa bàn để bảo vệ rừng là chính, các đơn vị kiểm lâm ở cấp
huyện phải hình thành các đội gắn với địa bàn xã làm tham mưu cho chính quyền cấp
xã, phối hợp hướng dẫn lực lượng dân quân tự vệ của xã trong việc tuần tra bảo
vệ rừng và phòng chống cháy rừng.
Chỉ được thực hiện việc chốt chặn, tuần tra cơ động
để ngăn chặn vận chuyển, buôn bán lâm sản ở những tuyến xung yếu và do Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
3. Bộ Công an có trách nhiệm phối
hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo lực lượng công an các
tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng chuyên trách của địa phương tham gia
truy quét bọn phá rừng, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng. Các cơ quan Công an ngừng
cấp giấy phép sử dụng súng săn bắn chim thú hoang dã, thú rừng tự nhiên; những
giấy phép sử dụng súng săn bắn chim thú hoang đã cấp trước đây phải thu hồi,
không được phép lưu hành.
4. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các
quân khu, quân đoàn, ban chỉ huy quân sự địa phương, bộ đội biên phòng phối hợp
với các lực lượng truy quét bọn phá rừng; tổ chức kết hợp các đợt hành quân dã
ngoại để hỗ trợ lực lượng đang truy quét và tham gia bảo vệ rừng trong phạm vi
đóng quân.
5. Các cơ quan thông tin đại
chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện báo chí, truyền thông
các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng để các cấp, các ngành và nhân dân nhận
thức đúng và chấp hành nghiêm chỉnh.
6. Tổ chức thực hiện:
- Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Chỉ thị số
12/2003/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển
khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này, trước mắt ưu tiên tập trung triển khai
thực hiện dứt điểm ngay tại các tỉnh Tây Nguyên, Miền Trung, Miền núi phía Bắc
sau đó mở rộng ra các vùng rừng trọng điểm cần bảo vệ trong cả nước.
- Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số
12/2003/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh phải
tiếp tục huy động các lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Công an triển khai thực hiện
nghiêm túc chỉ thị này.
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính bảo đảm
kinh phí cho việc tổ chức thực hiện các nội dung công việc nêu trên.
7. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an,
Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Văn hoá-Thông tin và
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức
năng của mình có kế hoạch triển khai, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội
dung chỉ thị này.
Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chủ trì sơ kết việc thực hiện Chỉ thị này và Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16
tháng 5 năm 2003 báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ.
- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư,
Tài chính, Tài nguyên và Môi trường,
Lao động - Thương binh và Xã hội;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ban chỉ đạo TW thực hiện CT số 12/2003/CT-TTg;
- VPCP : BTCN, các PCN, các Vụ, Cục,
TTBC, Website CP;
- Công báo;
- Người phát ngôn của Thủ tướng CP;
- Lưu : NN (5b), VT.
|
THỦ
TƯỚNG
Phan Văn Khải
|