BỘ
GIÁO DỤC-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
13-TT/LB
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 09 năm 1968
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
VỀ VIỆC CHUYỂN GIÁO VIÊN DÂN LẬP CẤP I VÀO BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC
Kính gửi: Ủy
ban hành chính khu, thành, tỉnh
Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định
số 36-CP ngày 9-3-1968 và quyết định số 131-CP ngày 17-8-1968 cho chuyển toàn bộ
đội ngũ giáo viên dân lập cấp I vào biên chế Nhà nước trong thời gian 2 năm từ
1968 đến 1969. Những giáo viên dân lập còn tạm thời chưa chuyển vào biên chế,
được hưởng toàn bộ chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể như giáo viên quốc
lập.
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA VIỆC CHUYỂN GIÁO VIÊN DÂN LẬP CẤP I
VÀO BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC.
Ngành giáo dục có trách nhiệm lớn
đối với yêu cầu đào tạo thế hệ trẻ trở thành những người có đủ tiêu chuẩn đức,
tài, sức khỏe để kế tục sự nghiệp cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội và
chủ nghĩa cộng sản.
Cấp I là cấp học cơ sở, kết quả
giáo dục và giảng dạy có ảnh hưởng lớn đến chất lượng ở cấp II, III,
trung học và đại học, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng con người cộng sản, trong
đó thày giáo, cô giáo là người phải đảm đương trách nhiệm rất lớn lao.
thày giáo, cô giáo là người cán
bộ của Đảng, của Nhà nước hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Vì lợi ích
học tập của con em nhân dân, vì thế hệ tương lai của Tổ quốc, Nhà nước cần chăm
lo đầy đủ về mọi mặt để tạo điều kiện tốt cho thày giáo, cô giáo không ngừng phấn
đấu, nâng cao chất lượng giảng dạy để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà Đảng và
Nhà nước giao phó.
Việc chuyển giáo viên dân lập cấp
I vào biên chế còn ổn định đội ngũ giáo viên cấp I, nâng cao lòng yêu nghề mến
trẻ, làm cho đội ngũ giáo viên ngày càng vững mạnh, đủ sức đáp ứng yêu cầu phát
triển sự nghiệp giáo dục phổ thông hiện nay và phổ cập cấp I trong những năm tới.
Để thực hiện chủ trương, sau khi
thảo luận nhất trí với Bộ Lao động, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Liên bộ Giáo dục
- Nội vụ - Tài chính và Tổng công đoàn thống nhất hướng dẫn một số vấn đề cụ thể
sau đây để các địa phương tiến hành tốt việc chuyển toàn bộ đội ngũ giáo viên
dân lập cấp I vào biên chế Nhà nước.
II. QUÁN TRIỆT VÀ TÍCH CỰC THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ QUYẾT ĐỊNH CỦA
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ CHUYỂN TOÀN BỘ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN DÂN LẬP CẤP I VÀO BIÊN CHẾ
NHÀ NƯỚC.
Sau khi nghiên cứu quyết định của
Hội đồng Chính phủ, căn cứ vào khả năng của Nhà nước, Liên bộ thống nhất hướng
dẫn các địa phương chuyển giáo viên dân lập cấp I vào biên chế trong 2 năm từ
1968 đến 1969:
- Năm 1968 chuyển trên 50% tổng
số giáo viên dân lập hiện có trên toàn miền Bắc;
- Năm 1969 chuyển toàn bộ giáo
viên dân lập còn lại trên toàn miền Bắc.
Các địa phương cần có kế hoạch về
mọi mặt để việc chuyển lần thứ hai bắt đầu từ tháng 1 năm 1969 và đến đầu tháng
9 năm 1969 thì chuyển xong toàn bộ đội ngũ giáo viên dân lập cấp I vào biên chế
Nhà nước. Từ cuối tháng 9 năm 1969 trở đi không còn chế độ dân lập trong ngành
giáo dục phổ thông nữa.
III. ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN, XẾP LƯƠNG, THỦ TỤC CHUYỂN
GIÁO VIÊN DÂN LẬP CẤP I VÀO BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC NĂM 1968.
1. Đối tượng.
Năm 1968 chuyển trên 50% tổng số
giáo viên dân lập hiện có trên toàn miền Bắc:
a) Ưu tiên chuyển vào biên chế
Nhà nước những giáo viên công tác ở miền núi, hải đảo, vùng có chiến sự ác liệt,
các thành phố lớn, khu vực công nhân ở tập trung, vùng có nhiều đồng bào thiên
chúa giáo.
Ngoài ra cần chú ý những trường
lá cờ đầu của tỉnh, thành, những tổ lao động xã hội chủ nghĩa được quan tâm xét
chuyển với tỷ lệ cao hơn các trường khác. (Căn cứ vào tiêu chuẩn trên, tỷ lệ
phân phối cho mỗi tỉnh có bản kèm theo.
b) Vì điều kiện chuyển dần trong
2 năm nên có người chuyển trước, có người chuyển sau.
Năm 1968 ưu tiên xét chuyển vào
biên chế Nhà nước các đối tượng theo quyết định của Hội đồng Chính phủ: giáo
viên đang làm hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên được công nhận là chiến sĩ thi
đua, giáo viên dạy giỏi, lao động tiên tiến liên tục, giáo viên sắp đến tuổi về
hưu, giáo viên lâu năm trong ngành không mắc sai lầm nghiêm trọng, giáo viên là
thương binh (1), nữ giáo viên đông con, hoàn cảnh kinh tế có khó khăn.
Các đối tượng kể trên cần đựơc
ưu tiên xét chuyển vào biên chế trước.
2. Điều kiện xét tuyển
Các địa phương cần chú ý những
giáo viên có tiêu chuẩn sau đây:
- Một là lập trường tư tưởng, đạo
đức, tác phong và tinh thần công tác không có sai sót lớn;
- Hai là đảm bảo được yêu cầu
công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong khi xét chuyển, các địa
phương không được coi đây là một đợt tuyển dụng người mới vào biên chế. Giáo
viên dân lập cấp I trước khi vào ngành đã được xét chọn. Vì vậy, thủ tục xét
chuyển có khác thủ tục tuyển dụng người mới vào biên chế, tránh khắt khe, máy
móc.
Cá biệt có người thực sự không đủ
tiêu chuẩn làm cô giáo, thày giáo thì giải quyết theo thông tư số 26-TT/LB ngày
21-9-1967 của Liên bộ Giáo dục – Nội vụ.
3. Xếp lương.
Các địa phương cần tiến hành xếp
lại lương cho các đối tượng được chuyển theo chế độ tiền lương giáo viên quốc lập.
Để việc chuyển lương được thống nhất giữa các địa phương, Liên bộ hướng dẫn một
số nguyên tắc sau đây:
a) Lấy thang, bậc lương của giáo
viên cấp I làm cơ sở;
b) Đảm bảo tương quan tốt về tiền
lương giữa giáo viên quốc lập cấp I cũ với giáo viên dân lập cấp I mới được
chuyển vào biên chế. Cụ thể là: nếu kết quả công tác và thâm niên, chức vụ
ngang nhau thì xếp lương ngang nhau (lấy giáo viên quốc lập cấp I sau khi đã được
nâng bậc lương, làm mốc để so sánh). Nếu có trường hợp lương cũ cao hơn lương mới
thì được bảo lưu cho đến khi được xếp theo mức lương cao hơn hoặc bằng;
c) Giáo viên dân lập đang còn
trong thời gian tập sự nếu được tuyển vào biên chế thì hưởng 85% của bậc 1
thang lương giáo viên quốc lập cấp I;
d) Giáo viên dân lập được chuyển
vào biên chế được hưởng lương mới kể từ ngày 01-9-1968.
Căn cứ vào những nguyên tắc
trên, các địa phương sắp xếp giáo viên vào các bậc lương giáo viên quốc lập cấp
I cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đảm bảo đoàn kết, phấn khởi
chung trong nội bộ giáo viên, tránh khắt khe, chặt chẽ không cần thiết.
Nếu giáo viên có thành tích
trong giảng dạy hay liên tục được công nhận là chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy
giỏi…thì được xếp thỏa đáng hơn (xếp cao hơn đồng nghiệp cùng cấp, cùng thâm
niên).
Bộ Giáo dục hướng dẫn cụ thể
thêm để các sở, ty giáo dục, Ủy ban hành chính vận dụng việc xếp lương cho sát
hợp với địa phương mình.
4. Thủ tục chuyển.
Sở, ty giáo dục chịu trách nhiệm
trước Ủy ban hành chính thành, tỉnh, tổ chức nghiên cứu quyết định của Hội đồng
Chính phủ và thông tư liên bộ, hướng dẫn các phòng giáo dục huyện, khu phố thi
hành, và giúp Ủy ban hành chính thành, tỉnh xét, duyệt và đề nghị chuyển giáo
viên dân lập vào biên chế Nhà nước.
Các sở, ty giáo dục cần phối hợp
chặt chẽ với công đoàn giáo dục, tổ chức dân chỉnh, sở, ty tài chính, sở, ty
lao động đảm bảo chấp hành đúng các quy định trên.
Sau đợt chuyển năm 1968, các sở,
ty giáo dục phải lập kế hoạch biên chế giáo viên cấp I năm 1969, có tính số
giáo viên dân lập sẽ tiếp tục chuyển vào biên chế để báo cáo lên Ủy ban hành
chính tỉnh, thành phố ghi vào kế hoạch biên chế của địa phương. Căn cứ vào kế
hoạch đó, địa phương tiến hành chuyển, đảm bảo đến ngày 01-9-1969 hoàn thành việc
chuyển giáo viên dân lập cấp I vào biên chế Nhà nước.
IV. THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ PHÚC LỢI TẬP
THỂ ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN DÂN LẬP CHƯA CHUYỂN VÀO BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC 1968.
Những giáo viên dân lập còn tạm
thời chưa chuyển vào biên chế Nhà nước năm 1968 được hưởng toàn bộ chế độ bảo
hiểm xã hội đã quy định trong điều lệ tạm thời bảo hiểm xã hội đối với công
nhân, viên chức Nhà nước và các quyền lợi về phúc lợi tập thể, kể cả trợ cấp
gia đình đông con (con thứ ba trở lên); chế độ nhà trẻ, trợ cấp gửi trẻ,
trợ cấp cho các cháu đi sơ tán, trợ cấp khó khăn như giáo viên quốc lập.
Thời gian làm giáo viên dân lập
được tính là thời gian công tác liên tục, để áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội.
Để thực hiện chế độ bảo hiểm xã
hội và phúc lợi tập thể cho giáo viên dân lập còn tạm thời chưa chuyển vào quốc
lập, các cơ quan quản lý quỹ học phí phải trích nộp 3,7% quỹ lương lên Tổng công
đoàn và 1% quỹ lương lên Bộ Nội vụ để thống nhất quản lý. Tổng công đoàn, Bộ Nội
vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thi hành.
Những giáo viên dân lập đã nghỉ
việc trước khi có quyết định số 36-CP ngày 09-3-1968 của Hội đồng Chính phủ, được
giải quyết như thông tư số 11-NV ngày 20-6-1966 của Bộ Nội vụ.
Việc thi hành chế độ bảo hiểm xã
hội đối với giáo viên dân lập tạm thời chưa chuyển vào biên chế năm nay, cụ thể
những vấn đề: trợ cấp mất sức lao động, hưu trí, tiền tuất do Bộ Nội vụ quản lý
thì thi hành theo thông tư số 06-NV ngày 06-4-1968 của Bộ Nội vụ về việc thi
hành các chế độ hưu trí, trợ cấp mất sức lao động, tiền tuất đối với giáo viên
dân lập cấp I theo quyết định số 36-CP ngày 09-3-1968 của Hội đồng Chính phủ.
Còn các quyền lợi khác được hưởng
bắt đầu từ ngày thực hiện việc chuyển giáo viên dân lập cấp I vào biên chế Nhà
nước tức là ngày 01-9-1968.
V. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC
1. Những giáo viên dân lập cấp I
mới đi nằm bệnh viện hay mới đi điều dưỡng năm 1968 do cơ quan cũ vẫn trả
lương, nếu thuộc các loại đối tượng chuyển năm 1968 thì vẫn được xét chuyển vào
biên chế Nhà nước.
2. Các địa phương cần có kế hoạch
tuyên truyền vị trí, vai trò của thày giáo, cô giáo, sự quan tâm của Đảng và
Chính phủ đối với thày giáo, cô giáo trong ngành, trong nhân dân một cách rộng
rãi, sâu sắc làm cho toàn ngành, toàn dân và đặc biệt trong đội ngũ giáo viên
dân lập cấp I làm cho anh chị em phấn khởi, ra sức thi đua nâng cao chất lượng
giảng dạy và góp phần xây dựng ngành ngày càng lớn mạnh.
Việc chuyển giáo viên dân lập cấp
I vào biên chế Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, Liên bộ
yêu cầu các địa phương cần nghiên cứu và tổ chức học tập nội dung quyết định,
thông tư liên bộ hướng dẫn để thi hành chu đáo, nghiêm túc và có kết quả tốt.
Để Bộ Giáo dục kịp thời nắm được
tình hình và hướng dẫn các địa phương thực hiện, yêu cầu các Ủy ban hành chính
tỉnh, thành phố mỗi năm, tháng 11-1968 làm báo cáo sơ kết và tháng 10-1969 làm
báo cáo tổng kết gửi về Bộ Giáo dục để Bộ báo cáo kết quả việc chuyển giáo viên
dân lập vào biên chế Nhà nước lên Hội đồng Chính phủ.
Trong khi thực hiện, nếu có vướng
mắc hay khó khăn, các địa phương cần phản ánh kịp thời về Bộ Giáo dục để nghiên
cứu bàn bạc với các Bộ góp ý kiến giải quyết.
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
THỨ TRƯỞNG
Lê Liêm
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Lê Tất Đắc
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Trịnh Văn Bính
|
TM.
BAN THƯ KÝ TỔNG CÔNG ĐOÀN
ỦY VIÊN
Nguyễn Văn Bút
|
(1) Không đăng bản tỷ lệ phân phối cho các tỉnh.