CHÍNH
PHỦ
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số:
08/2009/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2009
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT
PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
NGHỊ ĐỊNH
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi Điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình về:
chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; tư vấn, góp ý, phê
bình trong cộng đồng dân cư về phòng ngừa bạo lực gia đình; biện pháp cấm tiếp
xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây
gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã); cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình.
2. Nghị định này áp dụng đối với
cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài
hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân).
Điều 2.
Chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng
Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt.
2. Hàng năm, căn cứ vào Chương
trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình đã được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch phòng, chống bạo
lực gia đình trong phạm vi cả nước; Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ vào Chương
trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình đã được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt và kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, xây dựng kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình trong phạm vi
địa phương và tổ chức thực hiện kế hoạch đó.
3. Chương trình, kế hoạch phòng,
chống bạo lực gia đình bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a. Đánh giá thực trạng bạo lực
gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình;
b. Xác định Mục tiêu tổng quát
và Mục tiêu cụ thể của chương trình, kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình;
c. Xác định các giải pháp và nhiệm
vụ thực hiện các Mục tiêu phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với Điều kiện
kinh tế - xã hội của cả nước hoặc của địa phương;
d. Phân công trách nhiệm của các
cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình;
đ. Thống kê số liệu về phòng, chống
bạo lực gia đình;
e. Dự toán kinh phí cho công tác
phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Trước
ngày 15 tháng 12 hàng năm, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổng kết,
đánh giá tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình
tại địa phương và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có
trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình
tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
có trách nhiệm tổng kết, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực
hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.
Chương 2.
CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC
VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Điều 3. Nguồn
kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình
1. Nguồn kinh phí thực hiện công
tác phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm ngân sách nhà nước và tài trợ của các
tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
2. Việc bố trí kinh phí từ ngân
sách nhà nước cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như sau:
a. Hàng năm, Nhà nước bố trí
kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo
quy định của pháp Luật về ngân sách nhà nước.
b. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ
phòng, chống bạo lực gia đình của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội được bố trí trong dự
toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của các cơ quan, tổ chức này.
c. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ
phòng, chống bạo lực gia đình của các địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm
và được bố trí trong dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm của các cấp
ngân sách ở địa phương.
Điều 4. Khuyến
khích các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình
1. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực
gia đình, cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình hoặc các mô hình khác về
phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình ngoài công lập
được thành lập và có đủ Điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền thì được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa như đối với các
cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể
thao, môi trường theo quy định hiện hành.
2. Nhà nước khuyến khích và hỗ
trợ kinh phí nghiên cứu, sáng tác, công bố, phổ biến đối với những tác phẩm văn
học, nghệ thuật có giá trị và chất lượng cao về phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 5.
Chính sách đối với người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình
1. Người trực
tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà có thành tích thì được khen thưởng
theo quy định của pháp Luật về thi đua, khen thưởng;
2. Người có hành vi dũng cảm cứu
người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân khi trực tiếp thực hiện việc ngăn
chặn hành vi bạo lực gia đình, nếu bị chết thì được xem xét để công nhận là liệt
sĩ, nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được xem
xét để được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp Luật;
3. Người trực
tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà bị thiệt hại về tài sản thì được
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra bạo lực gia đình hoàn trả thiệt hại trong
trường hợp người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thiệt hại; kinh phí
hoàn trả được lấy từ ngân sách của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dành cho thực hiện
nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.
4. Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định tại Điều
này.
Chương 3.
TƯ VẤN, GÓP Ý, PHÊ BÌNH TRONG
CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ VỀ PHÒNG NGỪA BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Điều 6. Tư vấn
về gia đình ở cơ sở
1. Ủy ban nhân dân cấp xã xác định
và lập danh sách đối tượng để thực hiện hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở
theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Phòng, chống bạo lực gia
đình.
2. Căn cứ vào kế hoạch phòng, chống
bạo lực gia đình của địa phương và danh sách đối tượng quy định tại khoản 1 Điều
này, Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, cộng đồng dân cư tổ chức
thực hiện tư vấn về gia đình ở cơ sở.
3. Việc tư vấn về gia đình ở cơ
sở được thực hiện thông qua các hình thức:
a. Tư vấn trực tiếp;
b. Tư vấn thông qua các phương
tiện thông tin đại chúng;
c. Tư vấn thông qua các loại hình
khác.
4. Công chức làm công tác tư
pháp phối hợp với công chức làm công tác văn hóa - xã hội cấp xã cung cấp, phổ
biến tài liệu, thông tin, kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình cho người
chuẩn bị kết hôn trước khi được cấp Giấy chứng nhận kết hôn; cung cấp nội dung
tư vấn về gia đình ở cơ sở cho cơ quan thông tin đại chúng.
5. Công chức làm công tác văn
hóa - xã hội, công chức làm công tác tư pháp, cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi cấp xã, tổ viên của
Tổ hòa giải ở cơ sở, nhân viên y tế ở cấp xã đã được tập huấn về tư vấn là người
thực hiện tư vấn trực tiếp về gia đình ở cơ sở.
6. Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu về
phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng nội dung tập huấn, tổ chức tập huấn cho
người làm công tác tư vấn về gia đình ở cơ sở trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực
gia đình.
Điều 7. Góp
ý, phê bình trong cộng đồng dân cư
1. Góp ý, phê bình trong cộng đồng
dân cư được áp dụng đối với người có hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nếu thời
gian giữa hai lần thực hiện hành vi bạo lực không quá 12 tháng.
2. Thẩm quyền quyết định và tổ
chức việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, thành phần tham gia góp ý,
phê bình được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật
Phòng, chống bạo lực gia đình. Việc tổ chức góp ý, phê bình người có hành
vi bạo lực gia đình được bố trí bằng một cuộc họp riêng và vào thời gian thích
hợp để các thành phần tham gia cuộc họp có thể tham dự được đông đủ.
3. Sau khi góp ý, phê bình trong
cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình, người đứng đầu cộng
đồng dân cư phải lập biên bản cuộc họp và gửi tới công chức làm công tác tư
pháp, công chức làm công tác văn hóa - xã hội ở cấp xã để lưu trữ, làm cơ sở
cho việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm trong trường hợp người đã bị góp
ý, phê bình tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình.
4. Trường hợp người có hành vi bạo
lực gia đình cố tình vắng mặt thì cuộc họp góp ý, phê bình vẫn tiến hành. Trong
trường hợp này, biên bản góp ý, phê bình được gửi tới người có hành vi bạo lực
gia đình và các cá nhân được quy định tại khoản 3 Điều này.
Chương 4.
BIỆN PHÁP CẤM TIẾP XÚC
THEO QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ
Điều 8. Biện
pháp cấm tiếp xúc
Biện pháp cấm tiếp xúc với nạn
nhân bạo lực gia đình là việc không cho phép người có hành vi bạo lực gia đình
thực hiện các hành vi sau đây:
1. Đến gần nạn nhân trong khoảng
cách dưới 30m; trừ trường hợp giữa người có hành vi bạo lực gia đình và nạn
nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ
an toàn cho nạn nhân.
2. Sử dụng điện thoại, fax, thư
điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn
nhân.
Điều 9. Điều
kiện để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định cấm người gây bạo lực gia đình tiếp
xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong thời hạn không quá 03 ngày khi có đủ
các Điều kiện sau đây:
a. Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo
lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải
có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
b. Đã có hành vi bạo lực gia
đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của
nạn nhân bạo lực gia đình;
c. Người có hành vi bạo lực gia
đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp
xúc.
2. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
quy định tại điểm a khoản 1 Điều này là cơ quan Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội; cơ quan Công an; cơ quan nơi làm việc
của nạn nhân hoặc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội mà nạn nhân là
thành viên.
3. Hành vi bạo lực gia đình quy
định tại điểm b khoản 1 Điều này được xác định khi có một trong các căn cứ sau
đây:
a. Có giấy xác nhận của cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và Điều trị thương tích do hành vi bạo lực
gia đình gây ra;
b. Có dấu vết thương tích trên
cơ thể nạn nhân có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường hoặc có dấu hiệu rõ ràng về
hoảng loạn tinh thần của nạn nhân bạo lực gia đình;
c. Có chứng cứ chứng minh có sự
đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình.
4. Nơi ở khác nhau quy định tại
điểm c khoản 1 Điều này bao gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc
nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở.
5. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp
xúc phải ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người cao
tuổi, người tàn tật.
6. Các trường hợp đặc biệt mà
người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình
sau khi báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo
lực gia đình, bao gồm:
a. Gia đình có việc tang lễ, cưới
hỏi;
b. Gia đình có người bị tai nạn,
bị bệnh nặng;
c. Tài sản của gia đình bị thiệt
hại nặng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;
d. Những trường hợp khác mà phải
tiếp xúc theo phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Điều 10. Nội
dung quyết định cấm tiếp xúc
1. Quyết định cấm tiếp xúc phải
ghi rõ:
a. Ngày, tháng, năm ra quyết định;
họ, tên, chức vụ của người ra quyết định.
b. Họ, tên, địa chỉ của người bị
áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc;
c. Căn cứ áp dụng biện pháp cấm
tiếp xúc;
d. Lý do áp dụng biện pháp cấm
tiếp xúc;
đ. Thời gian áp dụng biện pháp cấm
tiếp xúc;
e. Người được phân công giám sát
việc thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc.
2. Quyết định cấm tiếp xúc phải
có chữ ký của người ra quyết định và phải được đóng dấu.
Điều 11.
Hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã
1. Biện pháp cấm tiếp xúc được hủy
bỏ trong các trường hợp sau đây:
a. Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo
lực gia đình;
b. Biện pháp này không còn cần
thiết;
c. Phát hiện những thông tin sai
lệch làm căn cứ ra quyết định.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là người có thẩm quyền ra
quyết định hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc.
3. Quyết định hủy bỏ biện pháp cấm
tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi ngay tới người có hành vi bạo
lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư
trú của nạn nhân bạo lực gia đình.
Điều 12. Xử
lý hành vi vi phạm quyết định cấm tiếp xúc
1. Người có hành vi bạo lực gia
đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ người
theo thủ tục hành chính trong các trường hợp sau đây:
a. Có đơn đề nghị của nạn nhân bạo
lực gia đình;
b. Người vi phạm quyết định cấm
tiếp xúc đã bị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn cố
tình vi phạm.
2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục
tạm giữ người theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của pháp Luật
về xử lý vi phạm hành chính.
3. Người có hành vi bạo lực gia
đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy
định của pháp Luật.
Chương 5.
CƠ SỞ TRỢ GIÚP NẠN NHÂN
BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Điều 13. Hoạt
động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình
1. Hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo
lực gia đình là hoạt động nhân đạo, không vì Mục đích lợi nhuận nhằm giúp đỡ nạn
nhân bạo lực gia đình, bao gồm:
a. Chăm sóc
sức khoẻ; chăm sóc y tế;
b. Tư vấn pháp Luật; tư vấn tâm
lý;
c. Cung cấp nơi tạm lánh trong
trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không có chỗ ở khác, nhằm tránh những hành
vi bạo lực tiếp theo của người gây bạo lực gia đình;
d. Hỗ trợ một số nhu cầu thiết yếu
cho nạn nhân bạo lực gia đình trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không
tự lo được hoặc không có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè. Hỗ trợ nhu cầu thiết
yếu bao gồm cung cấp đồ ăn, nước uống, cung cấp hoặc cho mượn quần áo, chăn màn
và các đồ dùng thiết yếu khác.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có
trách nhiệm tạo Điều kiện cho các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình hoạt
động.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã có
trách nhiệm tổ chức việc bảo vệ cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình trong
trường hợp cần thiết.
Điều 14. Điều
kiện thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng,
chống bạo lực gia đình
1. Điều kiện thành lập cơ sở tư
vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, bao gồm:
a. Có nơi làm việc cố định, có
nguồn kinh phí để đảm bảo hoạt động của cơ sở;
b. Người đứng
đầu cơ sở phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc trường
hợp đang trong thời gian chấp hành bản án, quyết định hình sự của Toà án hoặc
quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở
chữa bệnh, đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của pháp Luật về xử lý vi phạm
hành chính;
c. Có nhân
viên tư vấn và người làm việc tại cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 15
Nghị định này.
2. Điều kiện thành lập cơ sở hỗ
trợ nạn nhân bạo lực gia đình, bao gồm:
a. Các Điều kiện quy định tại
khoản 1 Điều này;
b. Cơ sở có diện tích tối thiểu
là 30m2, có phòng được bố trí là nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực
gia đình và phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, môi trường;
Điều 15.
Tiêu chuẩn đối với nhân viên tư vấn, người làm việc tại cơ quan hỗ trợ nạn nhân
bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Nhân viên
tư vấn phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a. Có năng lực hành vi dân sự đầy
đủ; có phẩm chất đạo đức tốt;
b. Có kiến thức và kinh nghiệm
phù hợp với lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ nạn nhân;
c. Có chứng chỉ nghiệp vụ chăm
sóc, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Người làm
việc tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo
lực gia đình phải được tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch quy định cụ thể về tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; việc cấp
thẻ nhân viên tư vấn, chứng chỉ nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn về phòng, chống bạo lực
gia đình; việc tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 16. Thủ
tục đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn
về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực
gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình chỉ được hoạt động sau
khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
2. Hồ sơ đăng
ký hoạt động gồm có:
a. Đơn đăng ký hoạt động của cơ
sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia
đình;
b. Dự thảo quy chế hoạt động của
cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực
gia đình;
c. Giấy tờ, tài liệu chứng minh
bảo đảm đủ Điều kiện thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư
vấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 14 Nghị định này;
d. Xác nhận bằng văn bản của Ủy
ban nhân dân cấp xã về địa chỉ trụ sở hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực
gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Trong thời
hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn
nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định
tại khoản 2 Điều này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải cấp Giấy chứng nhận
đăng ký hoạt động; trường hợp từ chối thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
4. Cơ sở hỗ trợ
nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình chỉ hoạt
động theo đúng nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Khi thay đổi
tên gọi, địa chỉ đặt trụ sở, người đứng đầu, nội dung hoạt động của cơ sở hỗ trợ
nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình thì tổ
chức, cá nhân đã thành lập cơ sở đó phải làm thủ tục đổi Giấy chứng nhận đăng
ký hoạt động.
5. Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ
trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 17. Thẩm
quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực
gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình,
cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường hợp sau đây:
a. Cơ sở có trụ sở chính đặt tại
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội thành lập;
b. Cơ sở có trụ sở chính đặt tại
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do các tổ chức, cá nhân nước ngoài thành
lập;
c. Cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh thành lập.
2. Ủy ban nhân dân huyện, quận,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở hỗ
trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình do
các tổ chức, cá nhân trong nước thành lập mà không thuộc các trường hợp quy định
tại khoản 1 Điều này.
Điều 18. Tạm
đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo
lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực
gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình trong quá trình hoạt động
không còn bảo đảm đủ Điều kiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định này thì bị tạm
đình chỉ hoạt động cho đến khi bảo đảm đủ Điều kiện hoạt động.
2. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực
gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình bị thu hồi Giấy chứng
nhận đăng ký hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt
động được cấp cho cơ sở không đúng thẩm quyền hoặc không đúng quy định của pháp
Luật;
b. Sau 12 tháng, kể từ ngày được
cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, cơ sở không hoạt động;
c. Cơ sở thay đổi Mục đích hoạt
động;
d. Cơ sở bị giải thể.
3. Cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận
đăng ký hoạt động cho cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về
phòng, chống bạo lực gia đình là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình
chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở đó.
Điều 19. Hỗ
trợ kinh phí cho cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng,
chống bạo lực gia đình ngoài công lập
1. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực
gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập được Nhà
nước hỗ trợ kinh phí trong các trường hợp sau đây:
a. Cơ sở được thành lập tại địa
bàn có nhiều nạn nhân bạo lực gia đình theo xác định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b. Cơ sở được thành lập ở vùng
sâu, vùng xa, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có Điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Việc hỗ trợ kinh phí cho cơ sở
quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo kế hoạch về phòng, chống bạo
lực gia đình do Ủy ban nhân dân các cấp lập; kinh phí hỗ trợ được bố trí trong
dự toán ngân sách hàng năm của các cấp dành cho công tác phòng, chống bạo lực
gia đình.
3. Kinh phí hỗ trợ cho cơ sở quy
định tại khoản 1 Điều này được xác định căn cứ vào quy mô, hiệu quả hoạt động của
cơ sở, số nạn nhân bạo lực gia đình được trợ giúp hàng năm.
4. Bộ Tài chính chủ trì, thống
nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể các trường hợp được hỗ
trợ kinh phí, mức hỗ trợ kinh phí quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Áp
dụng pháp Luật đối với các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn
về phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu
lực thi hành
1. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực
gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập trước
ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, có đủ Điều kiện quy định tại Điều 14
Nghị định này thì vẫn được tiếp xúc hoạt động.
2. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ
ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này có
trách nhiệm làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định
này để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Trường hợp cơ sở không làm
đơn gửi cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn nói trên để được cấp Giấy chứng nhận
đăng ký hoạt động thì không được tiếp tục hoạt động.
3. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực
gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập trước
ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, không có đủ Điều kiện quy định tại Điều
14 Nghị định này thì phải làm thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều
16 Nghị định này để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
Điều 21. Hiệu
lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi
hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 22.
Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|