BỘ
LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
01/LĐTBXH-TT
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 3 năm 1992
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 01/LĐTBXH-TT NGÀY
06 THÁNG 3 NĂM 1992 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN LAO ĐỘNG
- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP Ở ĐỊA PHƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 196/HĐBT
ngày 01 tháng 12 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn
và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ;
Căn cứ Nghị quyết số 109/HĐBT và Văn bản số 203/TCCP ngày 17-4-1991 của Ban
Tổ chức cán bộ của Chính phủ hướng dẫn thực hiện sắp xếp tổ chức biên chế các
cơ quan hành chính sự nghiệp. Sau khi thống nhất với Ban Tổ chức cán bộ Chính
phủ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ của cơ
quan Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp ở địa
phương như sau:
Phần 1:
CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA
CƠ QUAN BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP Ở ĐỊA
PHƯƠNG
A- SỞ LAO ĐỘNG
- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH, THÀNH PHỐ (GỌI CHUNG LÀ TỈNH)
Sở Lao động - Thương binh và xã
hội là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, có chức năng quản lý Nhà nước
và phụ trách một số mặt công tác sự nghiệp về lĩnh vực lao động - thương binh
và xã hội trên địa bàn tỉnh theo luật pháp, chính sách của Nhà nước; sự hướng dẫn
về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
a) Chức năng quản lý nhà nước của
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có các nhiệm vụ chủ yếu như sau:
1. Căn cứ đường lối, luật pháp,
chính sách của Nhà nước, phương hướng, nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội, đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh, phối hợp với các cơ quan có liên
quan nghiên cứu, xây dựng phương hướng, mục tiêu, các giải pháp lớn trong kế hoạch
dài hạn, hàng năm của tỉnh thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội;
giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức và chỉ đạo các ngành, các cấp, thực hiện
phương hướng nhiệm vụ đó.
2. Chủ trì phối hợp với các cơ
quan quản lý ngành có liên quan để tổ chức thực hiện các luật pháp, chính sách
về lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội; tổ chức nghiên cứu, cụ thể hoá
các chính sách của Nhà nước; soạn thảo các văn bản của tỉnh để nghị sửa đổi, bổ
sung các chính sách, chế độ đối với người lao động và các đối tượng xã hội phù
hợp với đặc điểm, sát tình hình thực tế của tỉnh và luật pháp của Nhà nước.
3. Hướng dẫn các ngành, các cấp,
các đơn vị cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế trong tỉnh (kể cả các cơ quan
Trung ương đóng ở địa phương) thực hiện:
- Tổ chức quản lý và sử dụng có
hiệu quả nguồn lao động.
- Cơ chế, chính sách khuyến
khích cơ sở sản xuất kinh doanh của tập thể, cá nhân tạo việc làm cho lao động
xã hội;
- Bảo đảm an toàn và cải thiện
điều kiện lao động cho người lao động;
- Các chính sách, chế độ về tiền
lương, tiền công, phụ cấp, trợ cấp và các hình thức trả lương, trả công lao động,
các chế độ đãi ngộ vật chất khác đối với người lao động, người đi xây dựng vùng
kinh tế mới, lao động nghĩa vụ, người đi lao động ở nước ngoài.
- Các chính sách của Nhà nước,
chủ trương, nhiệm vụ của tỉnh đối với: cán bộ lão thành cách mạng, người và gia
đình có công giúp đỡ cách mạng; người nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thương bệnh
binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, quân nhân phục viên chuyển ngành; người tàn tật,
trẻ mồ côi, người già yếu cô đơn, người gặp khó khăn hiểm nghèo và các đối tượng
xã hội khác cần có sự cứu tế, trợ giúp của Nhà nước và xã hội.
4. Phối hợp với các ngành, các cấp,
các đoàn thể xây dựng, phát triển các hình thức bảo trợ xã hội, hoạt động nhân
đạo, từ thiện của tổ chức và cá nhân nhằm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần
các đối tượng bảo trợ xã hội; giúp đỡ các hội (hoạt động nhân đạo về đối tượng
của ngành) và các tổ chức quần chúng của các đối tượng hoạt động đúng mục đích,
điều lệ của Hội và luật pháp của Nhà nước; tổ chức thường xuyên đột xuất đối với
các đối tượng khi gặp nhiều khó khăn hiểm nghèo do thiên tai, địch hoạ, bệnh tật....
5. Điều tra, sưu tầm, tổng hợp
tư liệu, xây dựng hồ sơ tội ác chiến tranh xâm lược của kẻ thù ở địa phương, phối
hợp với các cơ quan liên quan bảo vệ, tôn tạo các chứng tích, di tích chiến
tranh để phục vụ công tác tuyên truyền đối nội, đối ngoại của tỉnh.
6. Thực hiện kiểm tra, thanh tra
Nhà nước đối với các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở thuộc mọi thành phần kinh
tế trong tỉnh về việc chấp hành luật pháp, chính sách thuộc lĩnh vực lao động -
thương binh và xã hội.
Xem xét và giải quyết theo thẩm
quyền các khiếu nại, tố cáo của công dân về lĩnh vực lao động - thương binh và
xã hội; cùng các cơ quan có liên quan giải quyết những tranh chấp liên quan đến
các mặt công tác của ngành.
7. Xây dựng kế hoạch tài chính,
vật tư của ngành ở địa phương, thống nhất quản lý các nguồn ngân sách, kinh phí
về lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội trên địa bàn tỉnh, kể cả nguồn viện
trợ, tài trợ (tiền, hàng) của nước ngoài.
8. Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội
ngũ cán bộ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác lao động
- thương binh và xã hội ở địa phương.
a) Sơ kết, tổng kết các mặt công
tác của ngành trên địa bàn tỉnh, thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ hoặc
đột xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tổng hợp
và đề nghị khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công
tác lao động - thương binh và xã hội.
b) Chức năng hoạt động sự nghiệp
của Sở có các nhiệm vụ:
9. Phối hợp với các cơ quan liên
quan tổ chức đào tạo lại nghề, nâng cao tay nghề cho công nhân trong sản xuất;
tham gia sắp xếp lại lao động và giới thiệu việc làm cho người lao động và các
đối tượng bảo trợ xã hội còn khả năng lao động, có nhu cầu việc làm.
Tổ chức quản lý chỉ đạo thực hiện
chương trình nước sạch sinh hoạt nông thôn.
10. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện
các mặt công tác bảo trợ xã hội bao gồm:
- Xác định người được hưởng
chính sách, mức trợ cấp, cấp giấy chứng nhận:
+ Người nghỉ hưu trí, người nghỉ
mất sức lao động, người hưởng trợ cấp tuất từ trần;
+ Thương binh, bệnh binh và những
người bị thương khác được hưởng chính sách như thương binh;
+ Liệt sỹ, thân nhân chủ yếu của
liệt sỹ;
+ Người và gia đình có công giúp
đỡ cách mạng;
+ Đối tượng xã hội được hưởng trợ
cấp (người tàn tật, trẻ mồ côi, người già yếu không còn người thân chăm lo,...)
+ Người hưởng trợ cấp thương tật
do tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã nghỉ việc.
+ Thực hiện chế độ trợ cấp và những
việc làm liên quan đến giải quyết chế độ.
+ Hướng dẫn cơ quan Lao động -
Thương binh và Xã hội huyện thực hiện điều chỉnh tăng hay giảm trợ cấp, định suất
đối với các đối tượng bảo trợ xã hội;
+ Xét và quyết định cho lên hạng,
xuống hạng, tước danh hiệu, cắt chế độ hay phục hồi quyền lợi đối với các đối
tượng bảo trợ xã hội (tước danh hiệu, cắt chế độ hoặc phục hồi quyền lợi thương
binh do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định);
+ Xét và đề nghị cấp bằng Tổ quốc
ghi công liệt sỹ.
11. Phối hợp với các ngành, các
cấp chính quyền thực hiện chính sách của Nhà nước, chủ trương, quyết định của Uỷ
ban nhân dân;
- Quản lý, nuôi dưỡng thương bệnh
binh nặng bố mẹ liệt sỹ, cán bộ lão thành cách mạng già yếu không còn người
thân nhân chăm lo tại các cơ sở tập trung và gia đình;
- Trợ giúp xã hội đối với trẻ mồ
côi, người tàn tật, người già cả cô đơn;
- Tổ chức, hướng dẫn lao động, học
nghề cho thương binh và người tàn tật có khả năng lao động;
- Hướng dẫn thủ tục, các quy định
về trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phương tiện chuyên dùng trong lao động, sinh
hoạt cho thương binh, người già và người tàn tật.
12. Hướng dẫn thực hiện và tổ chức
lễ truy điệu liệt sỹ; thăm viếng các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có
công giúp đõ cách mạng;
Quản lý nghĩa trang liệt sỹ và
các công trình ghi công liệt sỹ ở địa phương.
13. Phối hợp với ngành y tế tổ
chức thực hiện giám định y khoa về thương tật, khả năng lao động cho người lao
động và các đối tượng xã hội.
14. Tổ chức thực hiện chỉ tiêu kế
hoạch tài chính, vật tư của ngành ở địa phương (kể cả các chương trình, dự án
tài trợ của quốc tế). Hướng dẫn thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội, các quỹ xã
hội khác; chi trả lương hưu và các khoản trợ cấp, phụ cấp cho các đối tượng hưởng
chính sách lao động thương binh và xã hội.
B- NHIỆM VỤ
CÔNG TÁC LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Ở HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC
TỈNH (QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH GỌI CHUNG LÀ HUYỆN)
1. Căn cứ phương hướng, nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện và nghiệp vụ của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội trong từng thời gian mà xây dựng phương hướng, nhiệm vụ về
công tác lao động - thông báo và xã hội trên địa bàn huyện để trình Uỷ ban nhân
dân huyện; đồng thời giúp Uỷ ban nhân dân huyện triển khai thực hiện phương hướng
nhiệm vụ đó.
2. Hướng dẫn các xã, phường, đơn
vị cơ sở trên địa bàn huyện (kể cả các cơ quan, xí nghiệp, của tỉnh, Trung ương
đóng trên địa bàn huyện) thực hiện:
- Quản lý, sử dụng có hiệu quả
nguồn lao động và giải quyết việc làm cho người lao động; pháp lệnh hợp đồng
lao động; chế độ kỷ luật lao động, các chế độ tiêu chuẩn về điều kiện lao động,
bảo hộ, an toàn lao động.....
- Ứng dụng chức danh nghề, chức
dạn tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước;
- Luật pháp chính sách về lao động
việc làm, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, phụ cấp, trợ cấp và đãi ngộ vật
chất khác đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế;
- Chính sách chế độ bảo trợ xã hội
đối với các đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước và người
lao động ở các thành phần kinh tế.
3. Phối hợp với các ngành, các
đoàn thể ở huyện chỉ đạo, xây dựng phong trào quần chúng chấp hành chính sách,
chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với các đối tượng được hưởng chính
sách lao động - thương binh và xã hội bằng các hình thức thăm hỏi động viên, tổ
chức bảo trợ xã hội... Hướng dẫn giúp đỡ các đối tượng bảo trợ xã hội phát huy
ý thức tự lực tự cường trong cuộc sống, gương mẫu chấp hành luật pháp, chính
sách của Nhà nước.
4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra
các xã, phường, các đơn vị cơ sở trên địa bàn về việc chấp hành luật pháp chính
sách của Nhà nước, các chỉ thị, quyết định của Uỷ ban nhân dân địa phương về
công tác lao động - thương binh và xã hội.
Giải quyết kịp thời về các thư
đơn khiếu tố của công dân trong lĩnh vực lao động thương binh và xã hội.
5. Tổ chức thực hiện chính sách
của Nhà nước đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện:
- Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đề
nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết lương hưu, trợ cấp tiền
tuất...
Tính toán chế độ và làm đầy đủ
thủ tục để Uỷ ban nhân dân huyện ký giấy chứng nhận hưu trí, tuất từ trần (nếu
huyện được phân cấp) hoặc đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký giấy
chứng nhận nói trên (nếu huyện chưa được phân cấp);
- Tiếp nhận hồ sơ của các xã,
phường, cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện đề nghj giải quyết chính sách chế độ
cho những người đủ điều kiện là thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, thân nhân chủ
yếu của liệt sỹ; đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết chính
sách, chế độ cho các đối tượng đó.
- Xét đề nghị đổi sổ cũ, cấp lại
sổ, giấy chứng nhận hưu trí, trợ cấp tiền tuất, thương biinh, bệnh binh, gia
đình liệt sỹ...
- Tiếp nhận hồ sơ, đăng ký quản
lý các đối tượng hưởng chính sách, chế độ bảo trợ xã hội từ địa phương khác về
cư trú ở huyện và làm thủ tục di chuyển trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội
đến nơi cư trú mới.
- Thực hiện điều chỉnh, tăng giảm
trợ cấp, phụ cấp cho các đối tượng hưởng chính sách, chế độ bảo trợ xã hội, khi
có sự thay đổi về chính sách, chế độ hoặc điều kiện được hưởng.
- Tạm ngừng các khoản trợ cấp và
báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết kịp thời đối với những
trường hợp hưởng không đúng chính sách, chế độ, những trường hợp can án có khả
năng tước danh hiệu, quyền lợi.
- Hướng dẫn giới thiệu thương bệnh
binh, người mất sức lao động, người tàn tật đến Hội đồng giám định y khoa để
giám định thương tật, khả năng lao động hoặc đến các trung tâm chỉnh hình, phục
hồi chức nănglàm dụng cụ chỉnh hình, phương tiện trợ giúp sản xuất và sinh hoạt.
6. Xét và đề nghị trợ cấp khó
khăn, cứu trợ thường xuyên, đột xuất đối với nhân dân và các đối tượng bảo trợ
xã hội gặp nhiều khó khăn hiểm nghèo do thiên tai, địch hoạ, bệnh tật không còn
khả năng lao động...
Hướng dẫn và kiểm tra cấp xã, phường
thực hiện chính sách của Nhà nước, quy định của Uỷ ban nhân dân địa phương về
công tác cứu trợ xã hội;
Xét và đề nghị Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội xét cấp chế độ phụ cấp nuôi dưỡng ở xã và cơ sở ở huyện.
7. Tổ chức và hướng dẫn các xã,
phường, các đơn vị cơ sở trong huyện thực hiện:
- Các dự án di dân đi xây dựng
vùng kinh tế mới;
- Quản lý và huy động lao động
nghĩa vụ công ích, lao động phục vụ nhu cầu của Nhà nước, địa phương; tuyển chọn
người đi lao động ở nước ngoài;
- Giới thiệu việc làm cho người
lao động tham gia sắp xếp việc làm thích hợp cho các đối tượng bảo trợ xã hội
có nhu cầu việc làm;
- Quản lý và chỉ đạo các cơ sở sự
nghiệp, nhà bảo trợ xã hội của huyện, xã, cơ sở dạy nghề, sản xuất của các đối
tượng bảo trợ xã hội...
8. Hướng dẫn tổ chức lễ truy điệu
liệt sỹ, cất bốc quy tập mộ liệt sỹ, quản lý nghĩa trang liệt sỹ và các công
trình ghi công liệt sỹ ở địa phương.
9. Thực hiện thu, chi, dự toán,
thanh quyết toán và quản lý thống nhất các nguồn kinh phí lao động - thương
binh và xã hội của đơn vị dự toán cấp III kinh phí Trung ương.
Phối hợp với ngành tài chính,
ngân hàng và các ngành có liên quan tổ chức hướng dẫn trả lương hưu, các khoản
trợ cấp, phụ cấp, duyệt và cấp các khoản tiền mai táng, đi làm dụng cụ chỉnh
hình... cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
10. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ
chuyên môn cho cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội trên địa
bàn huyện.
- Tổ chức sơ kết tổng kết các mặt
công tác của ngành; phát hiện đề xuất với huyện cơ quan ngành dọc cấp trên những
điều cần bổ sung sửa đổi chính sách, chế độ thuộc lĩnh vực lao động - thương
binh và xã hội; theo dõi tổng hợp đề nghị khen thưởng những cá nhân, đơn vị có
thành tích trong công tác lao động - thương binh và xã hội.
- Thực hiện thông tin báo cáo định
kỳ, đột xuất với Uỷ ban nhân dân huyện và các cơ quan ngành dọc cấp trên về các
mặt công tác của ngành ở địa phương.
C. NHIỆM VỤ
CÔNG TÁC LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Ở CẤP XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN: (PHƯỜNG,
THỊ TRẤN GỌI CHUNG LÀ XÃ)
1. Căn cứ phương hướng, kế hoạch
nhiệm vụ của xã và hướng dẫn về công tác lao động - thương binh và xã hội huyện,
xây dựng trình Uỷ ban nhân dân xã duyệt chương trình, kế hoạch về các mặt công
tác lao động - thương binh và xã hội hàng quý, năm và tổ chức thực hiện.
2. Phổ biến, hướng dẫn kiểm tra
đôn đốc các tổ chức và công dân trong xã thực hiện kế hoạch nhiệm vụ về các mặt
công tác lao động - thương binh và xã hội.
- Luật pháp, chính sách của Nhà
nước về lao động, việc làm, tiền công, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động...
- Luật pháp chính sách của Nhà
nước đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.
3. Thường xuyên nắm chắc nguồn
lao động của xã để giúp Uỷ ban nhân dân xã cân đối lao động, cung cấp cho các
nhu cầu: Nghĩa vụ quân sự, dân công, lao động phục vụ các công trình trọng điểm
của Nhà nước, địa phương, lao động hợp tác với nước ngoài, tiếp nhận và vận động
dân cư xây dựng vùng kinh tế mới; giới thiệu việc làm, tham gia sắp xếp việc
làm cho người lao động và các thành viên bảo trợ xã hội còn sức lao động có nhu
cầu việc làm.
4. Đăng ký quản lý các đối tượng
bảo trợ xã hội (nắm chắc số lượng, hoàn cảnh của người nghỉ hưu, mất sức lao động,
thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công giúp đỡ cách mạng, đối tượng
chính sách xã hội khác...) theo dõi và đề nghị giải quyết chế độ chính sách lao
động - thương binh và xã hội cho những người đủ điều kiện; kiến nghị để xử lý
những trường hợp hưởng không đúng chính sách, chế độ.
5. Thực hiện việc trả lương hưu
và các khoản trợ cấp, phụ cấp cho các đối tượng hưởng chính sách lao động -
thương binh và xã hội;
Xét và đề nghị cứu trợ thường
xuyên, đột xuất cho các đối tượng bảo trợ xã hội và nhân dân gặp khó khăn hiểm
nghèo trong cuộc sống phải dựa vào sự trợ giúp của nhà nước và xã hội.
6. Chủ trì phối hợp với các tổ
chức, đoàn thể, thôn bản... xây dựng phong trào quần chúng chấp hành chính sách
chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.
- Hướng dẫn, giúp đỡ các đối tượng
bảo trợ xã hội phát huy ý thức tự lực tự cường trong cuộc sống, gương mẫu chấp
hành luật pháp, chính sách của Nhà nước.
- Hướng dẫn, tổ chức các hình thức
chăm sóc thương bệnh binh, cán bộ lão thành cách mạng, con liệt sỹ mồ côi cả
cha lẫn mẹ, bố mẹ liệt sỹ và người có công cô đơn không còn người thân chăm
sóc;
- Quản lý nhà bảo trợ xã hội của
xã và tổ chức các hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng được nuôi dưỡng;
- Xây dựng, quản lý và sử dụng
có hiệu quả quỹ bảo trợ xã hội của xã;
- Giúp đỡ các tổ chức hội quần
chúng của các đối tượng bảo trợ xã hội và các hội quần chúng khác (hoạt động
nhân đạo về các đối tượng của ngành) hoạt động theo luật pháp của Nhà nước và mục
đích điều lệ của các tổ chức đó;
- Thực hiện việc tổ chức lễ truy
điệu liệt sỹ, tổ chức việc cất bốc quy tập mộ liệt sỹ, quản lý tu bổ nghĩa
trang liệt sỹ, đài ghi công liệt sỹ ở xã.
7. Quản lý sổ sách, tài liệu vật
tư, tài chính của công tác lao động - thương binh và xã hội ở xã, thực hiện chế
độ thanh quyết toán theo quy định.
8. Thực hiện chế độ thông tin
báo cáo, sơ, tổng kết về công tác lao động - thương binh và xã hội ở xã theo
quy định, theo dõi tổng hợp đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích
về công tác lao động - thương binh và xã hội ở xã.
Những nơi đủ điều kiện theo sự
chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chế độ ghi chép ban đầu
sổ sách và báo cáo thống kê lao động - thương binh và xã hội theo Quyết định số
37/QĐLB ngày 29-01-1992 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục
Thống kê.
Phần 2:
TỔ CHỨC, CÁN BỘ, BIÊN CHẾ
CỦA CƠ QUAN LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI CÁC CẤP Ở ĐỊA PHƯƠNG
1. Về tổ chức, biên chế của cơ
quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp ở địa phương: đề nghị Uỷ ban nhân
dân căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, đặc điểm địa lý, dân số, đối tượng
lao động - thương binh và xã hội, tình hình kinh tế - xã hội, kinh nghiệm quản
lý, trình độ nghiệp vụ của cán bộ... mà quyết định tổ chức bộ máy, biên chế phù
hợp có hiệu lực.
2. Về cán bộ: để đảm bảo cho cơ
quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp ở địa phương làm đúng chức năng,
nhiệm vụ của ngành, cần bố trí đúng chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức
cho từng tổ chức, ở từng cấp và bảo đảm chuyên môn hoá đội ngũ cán bộ, vừa giỏi
nghiệp vụ, vừa có trách nhiệm, phẩm chất, lương tâm, tình nghĩa với các đối tượng
lao động - thương binh và xã hội.
Việc giao chỉ tiêu biên chế hàng
năm của bộ máy văn phòng Sở và các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện,
quận trong toàn tỉnh, bổ nhiệm Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
các huyện, cần có sự thảo luận giữa Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện.
III- TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh có quy định cụ thể về chức năng nhiệm vụ,
quyền hạn tổ chức biên chế của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp
ở địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ rộng lớn và phức tạp của ngành ở địa
phương.
2. Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức và hướng dẫn
các ngành, các cấp thực hiện những nội dung của Thông tư này, tổ chức và xây dựng
quy chế làm việc mối quan hệ công tác giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
với các ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp.
3. Trong quá trình thực hiện có
khó khăn vướng mắc đề nghị Uỷ ban nhân dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
các tỉnh, thành phố, phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để cùng phối
hợp giải quyết.
- Thông tư này có hiệu lực từ
ngày ký và thay thế cho Thông tư số 03/LĐTBXH-TT ngày 30-01-1989 của Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan
Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp.