BỘ
Y TẾ - BỘ GIÁO DỤC
******
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
|
Số:
21-TT/LB
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 07 năm 1977
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC THUỐC NAM TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG
CÁC CẤP
Nước ta là một nước nhiệt đới,
quanh năm cây cối xanh tươi, trong đó rất nhiều loại từ xưa cha ông ta đã sử dụng
để làm thuốc phòng chữa bệnh và chống dịch. Trải qua bao thế kỷ, nguồn dược liệu
thiên nhiên đó đã là nguồn thuốc chủ yếu để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho
nhân dân ta.
Kế tục truyền thống tốt đẹp đó của
cha ông và thực hiện đường lối phát triển y tế của Đảng, “kết hợp y học hiện đại
với y học cổ truyền của dân tộc, xây dựng nền y học Việt Nam”, những năm gần
đây công tác trồng, thu hái, sử dụng thuốc nam trong các cơ sở y tế và trong
nhân dân đã có những bước phát triển tốt, đóng góp một phần quan trọng trong việc
phòng, chữa bệnh và phòng dịch, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Trường phổ thông các cấp là nơi
tập trung một lực lượng lớn lao động ở nhiều lứa tuổi. Các em học sinh có lòng
hăng say học tập và lao động, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thường xuyên được
sự chỉ bảo dạy dỗ của thầy, cô giáo, gia đình và xã hội. Nếu biết tổ chức, biết
hướng dẫn các em sẽ là lực lượng to lớn, có tác dụng tốt đóng góp cho phong
trào trồng, thu hái, chế biến và sử dụng thuốc nam, tạo ra nguồn dược liệu và
xây dựng khóm thuốc gia đình. Trong thực tế tại các địa phương, có nhiều trường
đã có phong trào tốt: trường phổ thông cấp II xã Nhân Hậu ( Hà Nam Ninh), trường
phổ thông cấp II xã Bình Nguyên (Thái Bình), trường phổ thông cấp II xã Bình
Nguyên (Thái Bình), trường phổ thông cấp II Tân Phương (Hà Sơn Bình), v.v..
Năm 1976 Bộ Y tế và Bộ Giáo dục
đã chỉ đạo thí điểm tại trường cấp II xã Nhân hậu (Hà Nam Ninh); sau đó Bộ Y tế
đã có công văn số 2390-BYT/DC ngày 05-07-1976 hướng dẫn các Sở, Ty y tế triển
khai công tác thuốc nam trong các trường phổ thông; Bộ Giáo dục đã có công văn
số 1285-GD ngày 02-06-1976 hướng dẫn các Sở, Ty giáo dục việc phát triển công
tác thuốc nam trong trường học. Tới nay nhiều tỉnh, thành đã triển khai tốt và
đã đạt một số kết quả bước đầu như sau:
- Nhà trường đã cung cấp được
cho trạm y tế một phần dược liệu quan trọng bằng trồng trọt, thu hái và thu nhặt
dư phẩm làm thuốc;
- Giáo viên và học sinh tiếp thu
được những kiến thức cơ bản về phòng, chữa bệnh, biết dùng thuốc nam để chữa những
bệnh thường gặp;
- Nhà trường là lực lượng tham
gia có hiệu quả vào công việc vận động trồng khóm thuốc gia đình, vận động
phong trào thể dục vệ sinh ở từng địa phương;
- Về lâu dài, từ những kiến thức
và tập quán dùng thuốc nam tiếp thu được khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ có
nhiều tác dụng tốt khi các em lớn lên tham gia các công tác xã hội.
Để đẩy mạnh công tác thuốc nam
trong các trường học phát triển vững chắc, đều khắp và đúng hướng, nhằm thực hiện
tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ, liên Bộ Y tế - Giáo dục đề
ra một số phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, Ty y tế và giáo dục như
sau.
I. MỤC ĐÍCH,
Ý NGHĨA
Công tác thuốc nam trong trường
học là một việc làm có tính chất lâu dài. Nó phục vụ cho việc thực hiện phương
châm giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, gắn liền nhà trường với đời
sống xã hội; góp phần trang bị cho giáo viên và học sinh những kiến thức cơ bản
về y tế, sử dụng thuốc nam chữa bệnh, đồng thời góp phần đem lại một số hiệu quả
kinh tế thiết thực qua việc trồng, thu hái cây thuốc. Vì vậy cần:
1. Làm cho giáo viên và học sinh
thấy được truyền thống dùng cây thuốc nam của cha ông ta từ ngàn xưa, thấy được
tác dụng của cây thuốc nam trong việc phòng chống dịch bệnh và bồi dưỡng sức khỏe.
Từ đó càng nâng cao lòng tự hào, tinh thần độc lập tự chủ, yêu quý và bảo vệ
cây thuốc thiên nhiên.
2. Làm cho giáo viên, học sinh nắm
được đặc điểm, tác dụng của một số loại cây thuốc và bài thuốc nam đơn giản để
có thể tự cứu, tự chữa khi mắc những bệnh thường gặp.
3. Làm cho giáo viên và học sinh
nhận thức được vai trò của mình trong công tác phát triển thuốc nam trong trường
học, tạo ra nguồn dược liệu cung cấp cho y tế bào chế thuốc, góp phần xây dựng
nhà trường xã hội chủ nghĩa, gắn liền nhà trường với thực tế xã hội, làm cho mối
quan hệ giữa hợp tác xã, trường học và trạm y tế ngày càng phát triển tốt đẹp.
Đồng thời thông qua giáo viên và học sinh để tuyên truyền sâu rộng phong trào
trồng, hái, sử dụng thuốc nam, phong trào thể dục vệ sinh trong quần chúng nhân
dân, làm cho từng người dân đều có ý thức trong việc phát triển khóm thuốc gia
đình và sử dụng cây thuốc để chữa bệnh.
II. MỤC TIÊU
PHẤN ĐẤU (từ nay đến năm 1980)
Công tác thuốc nam phải được coi
là một trong những nội dung lao động sản xuất ở trong các trường phổ thông. Để
làm tốt công tác này các Sở, Ty giáo dục và các trường phổ thông cần phối hợp
chặt chẽ với Sở, Ty y tế trong việc xây dựng kế hoạch và hướng dẫn chỉ đạo các
trường phổ thông các lớp phải cố gắng tận dụng đất đai để trồng cây thuốc, và
phát triển công tác thuốc nam tốt.
- 100% số vườn sinh vật của các
trường phổ thông cần bố trí hợp lý trồng tối thiểu 35 loại cây thuốc do Bộ Y tế
quy định, để phục vụ tốt cho các công tác giảng dạy sinh vật và giới thiệu cây
thuốc phòng chữa bệnh và chống dịch.
- Mỗi trường phổ thông cấp I và
II ngoài vườn sinh vật có vườn trồng một số loại cây thuốc thích hợp với điều
kiện của địa phương, hoặc nhận gia công việc trồng cây thuốc trên đất của trạm
y tế hay của hợp tác xã nhằm thu hoạch dược liệu cung cấp cho cơ sở y tế bào chế,
chế biến thuốc. Dựa vào sự hướng dẫn của cơ sở y tế, nhà trường có kế hoạch sử
dụng thuốc nam phòng và điều trị bệnh cho giáo viên và học sinh.
- Đối với các trường phổ thông cấp
III, ngoài việc tận dụng đất của trường có thể nhận đất của các cơ sở y tế huyện
để tổ chức trồng dược liệu cung cấp cho y tế bào chế, chế biến thuốc.
Ngoài ra trường phổ thông các cấp
có thể phát động phong trào thu nhặt các dư phẩm dùng làm thuốc như hạt táo, vỏ
cam, vỏ quýt, hoặc thu hái dược liệu thiên nhiên cung cấp cho các cơ sở y tế để
bào chế thuốc theo kế hoạch.
III. CHỈ ĐẠO
THỰC HIỆN
Công tác thuốc nam trong trường
học là một việc làm mới mẻ đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa hai ngành giáo dục
và y tế trong các khâu chỉ đạo thực hiện.
Về phía ngành y tế: cần
nhận thức rõ là có phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, dựa vào lực lượng cô
giáo, thầy giáo, học sinh ở các trường phổ thông thì mới có thể đưa phong trào
thuốc nam, châm cứu phát triển sâu rộng trong nhân dân đặc biệt là phát triển
khóm thuốc gia đình và bảo vệ tái sinh nguồn dược liệu thiên nhiên. Do đó ngành
y tế phải:
- Cung cấp các tài liệu chuyên
môn và hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, thu hái, chế biến sơ bộ, bảo vệ tái
sinh nguồn dược liệu, bồi dưỡng kiến thức y học thông thường cho giáo viên và học
sinh;
- Cung cấp cây giống tốt để các
trường trồng trọt đúng thời vụ, đúng kế hoạch;
- Triển khai công tác điều tra sức
khỏe trong nhà trường, có kế hoạch hướng dẫn sử dụng thuốc nam cho nhà trường,
tập trung vào một số bệnh mà giáo viên và học sinh thường gặp: bệnh ngoài da,
viêm họng, cảm sốt, đau bụng, v.v…;
- Hướng dẫn các trường bào chế một
số loại chè thuốc đơn giản: chè giải nhiệt, chè chống lạnh, chè tăng lực, v.v…
để các trường có thể tự bào chế những loại thuốc đó trực tiếp phục vụ cho việc
giải quyết nước uống hàng ngày;
- Cơ sở y tế phải có kế hoạch cụ
thể với nhà trường trồng những loại dược liệu, tiêu chuẩn chất lượng ra sao, số
lượng bao nhiêu và phải có trách nhiệm thu mua đúng chất lượng, số lượng bằng
những hợp đồng cụ thể.
Về phía ngành giáo dục:
trên cơ sở nhận thực được tầm quan trọng của công tác phát triển thuốc nam, các
trường cần coi đó là một trong những nội dung lao động sản xuất của nhà trường,
triệt để khai thác mục đích giáo dục của công tác này. Các trường có kế hoạch cụ
thể trong việc chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đã đề ra: đưa cây thuốc nam vào
vườn sinh vật, tận dụng đất đai để trồng dược liệu, thu hái dược liệu thiên
nhiên, đảm bảo cung cấp các loại dược liệu đúng chất lượng, số lượng cho cơ sở
y tế bào chế, chế biến thuốc theo hợp đồng giữa các trường và cơ sở y tế ở địa
phương.
Phối hợp giữa y tế và giáo dục:
Sở, Ty y tế và Sở, Ty giáo dục cần phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ thuật trồng,
trọt, chăm sóc, thu hái và chế biến sơ bộ các loại dược liệu cho giáo viên được
cử phụ trách đội trồng cây thuốc của các trường.
Các Sở, Ty y tế và Sở, Ty giáo dục
cần chỉ đạo sát sao các cơ sở trực thuộc trong việc thực hiện tốt các hợp đồng
đã được ký kết về dược liệu.
Tùy tình hình đất đai ở địa
phương, nhà trường phối hợp với cơ sở y tế vận động giáo viên và học sinh phát
triển khóm thuốc gia đình và tham gia các phong trào vệ sinh yêu nước.
Về đất đai, dụng cụ, phân bón,
thuốc trừ sâu, hai bên y tế - giáo dục cần phải phối hợp chặt chẽ và có kế hoạch
làm việc cụ thể để xin Ủy ban nhân dân xã và hợp tác xã cung cấp để đảm bảo việc
trồng trọt và chăm sóc đúng thời vụ, đúng kế hoạch.
Nhận được thông tư này, các Sở,
Ty y tế và Sở, Ty giáo dục cần phổ biến rộng rãi đến tận cơ sở và phối hợp chỉ
đạo thật vững chắc từng thời kỳ sáu tháng, một năm, có sơ kết, tổng kết, báo
cáo về Bộ chủ quản những kết quả đạt được, những thành tích của tập thể, cá
nhân, những mắc mớ khó khăn, những điều chưa phù hợp để hai Bộ có kế hoạch
giải quyết uốn nắn kịp thời.
K.T.
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
THỨ TRƯỞNG
Hồ Trúc
|
K.T.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
Bác sĩ Hoàng Đình Cầu
|