BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
*****
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số: 26/2007/QĐ-BKHCN
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng
06 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 05 năm 2003 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ
và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2007 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định
này “Quy định về tổ chức và hoạt động của Tổ chức công nhận”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ,
Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Thủ trưởng các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.
Nơi nhận:
- Thủ tướng CP (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng CP (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Sở KHCN các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Lưu VT, TĐC.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quốc Thắng
|
QUY ĐỊNH
VỀ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG NHẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số:26/2007/QĐ-KHCN ngày 31 tháng 10 năm 2007 của
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ )
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức công
nhận.
Điều 2. Đối tượng của hoạt động công nhận
1. Phòng thử nghiệm;
2. Phòng hiệu chuẩn;
3. Tổ chức giám định;
4. Tổ chức chứng nhận sự phù hợp.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như
sau:
1. Tổ chức công nhận là tổ chức thực hiện việc đánh
giá, xác nhận phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp,
tổ chức giám định có năng lực phù hợp với các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn
tương ứng.
2. Phòng thử nghiệm là đơn vị kỹ thuật thực hiện việc
xác định đặc tính của sản phẩm, hàng hoá, vật liệu, thiết bị, kết cấu, hiện tượng
vật lý, quá trình hoặc dịch vụ cụ thể theo một quy trình xác định.
3. Phòng hiệu chuẩn là đơn vị kỹ thuật thực hiện việc
so sánh giá trị của đại lượng thể hiện bằng phương tiện đo với giá trị tương ứng
thể hiện bằng chuẩn đo lường.
4. Tổ chức giám định là tổ chức thực hiện việc xem xét,
xác định mức độ phù hợp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường
và các đối tượng khác với các yêu cầu quy định trong hợp đồng, tiêu chuẩn hoặc
quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
5. Tổ chức chứng nhận sự phù hợp là tổ chức thực hiện
việc đánh giá, xác nhận sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và
các đối tượng khác phù hợp với các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn hoặc quy
chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Chương II
TỔ CHỨC CỦA TỔ CHỨC CÔNG NHẬN
Điều 4. Thành lập tổ chức công nhận
Tổ chức công nhận được thành lập để phục vụ yêu cầu quản lý
nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Trong trường hợp cần thiết, sau khi thống nhất với Bộ Khoa học
và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành quyết định thành lập tổ chức
công nhận.
Tổ chức công nhận phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật và Điều
11 của Quy định này.
Điều 5. Cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm
vụ của tổ chức công nhận
1. Cơ cấu tổ chức:
Tổ chức công nhận bao gồm Hội đồng công nhậnT, Ban giám đốc,
các Ban kỹ thuật chuyên ngành, Ban giải quyết khiếu nại và các phòng, ban, bộ
phận khác tuỳ theo quy mô, phạm vi hoạt động của tổ chức công nhận.
2. Chức năng, nhiệm vụ:
a) Tham gia xây dựng chính sách, chiến lược, các văn bản quy
phạm pháp luật và các quy định khác liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp;
b) Tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá, công nhận đối với các
đối tượng công nhận phù hợp với điều lệ tổ chức và hoạt động đã được Bộ trưởng
Bộ quản lý chuyên ngành phê duyệt;
c) Ký kết và thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật, đào tạo,
đánh giá, công nhận (trừ hợp đồng dịch vụ tư vấn để được công nhận cho tổ chức
đề nghị công nhận) với các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài theo quy định
của pháp luật hiện hành có liên quan;
d) Tham gia các hoạt động liên kết đánh giá, công nhận, hợp
tác quốc tế song phương và đa phương về công nhận phù hợp với quy định của pháp
luật hiện hành có liên quan;
đ) Thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ liên quan đến
hoạt động công nhận cho các tổ chức, cá nhân;
e) Tiến hành hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá về hoạt
động công nhận.
Điều 6. Hội đồng công nhận
1. Cơ cấu tổ chức:
Hội đồng công nhận gồm Chủ tịchH, một hoặc một số Phó Chủ tịch
và các thành viên. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng do Thủ
trưởng cơ quan quản lý trực tiếp tổ chức công nhận chỉ định.
Thành viên Hội đồng công nhận là các chuyên gia am hiểu về hoạt
động công nhận của các cơ quan quản lý, các tổ chức có liên quan đến hoạt động
công nhận trên cơ sở đảm bảo sự cân bằng giữa các thành phần tham gia. Hội đồng
công nhận hoạt động theo điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức công nhận đã
được Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành phê duyệt.
2. Chức năng, nhiệm vụ:
a) Thông qua các chính sách, phương hướng, kế hoạch, nguyên tắc
và thủ tục hoạt động của tổ chức công nhận nhằm bảo đảm cho hoạt động công nhận
được thực hiện theo nguyên tắc độc lập, khách quan, minh bạch và không phân biệt
đối xử;
b) Giám sát việc thực hiện các chính sách, phương hướng, kế hoạch,
nguyên tắc và thủ tục hoạt động của tổ chức công nhận;
c) Thành lập và chỉ định các thành viên Ban giải quyết khiếu nại.
Điều 7. Ban giải quyết khiếu nại
1. Cơ cấu tổ chức:
Ban giải quyết khiếu nại do Hội đồng công nhận thành lập để giải
quyết khiếu nại. Ban giải quyết khiếu nại có ít nhất 3 thành viên bao gồm Trưởng
ban và các thành viên khác là thành viên của Hội đồng công nhận. Thành viên được
Hội đồng công nhận chỉ định vào Ban giải quyết khiếu nại phải bảo đảm độc lậpB,
khách quan và không thuộc nhóm đối tượng được công nhận.
2. Chức năng, nhiệm vụ:
Ban giải quyết khiếu nại có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại liên
quan đến quyết định của tổ chức công nhận đối với đối tượng được công nhận theo
thủ tục giải quyết khiếu nại của tổ chức công nhận.
Điều 8. Ban giám đốc
1. Cơ cấu tổ chức:
Ban giám đốc gồm Giám đốc và một hoặc một số Phó giám đốc do
Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp tổ chức công nhận bổ nhiệm.
2. Trách nhiệm, quyền hạn:
a) Trách nhiệm, quyền hạn của Giám đốc:
- Tổ chức, điều hành hoạt động của tổ chức công nhận;
- Định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo về hoạt động của
tổ chức công nhận với Hội đồng công nhận và các cơ quan chức năng liên quan;
- Bảo đảm điều kiện hoạt động và tổ chức công tác thư ký cho Hội
đồng công nhận;
- Ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương về hoạt động
công nhận với tổ chức công nhận khác về hoạt động công nhận;
- Quyết định việc công nhận, tạm thời đình chỉ, hủy bỏ, mở rộng,
thu hẹp phạm vi công nhận theo quy định của tổ chức công nhận;
- Ký kết các hợp đồng về dịch vụ kỹ thuật, đào tạo, đánh giá,
công nhận với các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài theo quy định của
pháp luật hiện hành có liên quan.
b) Trách nhiệm, quyền hạn của Phó Giám đốc:
Phó Giám đốc thực hiện chức trách theo phân công và ủy quyền của
Giám đốc.
Điều 9. Ban kỹ thuật chuyên ngành
1. Cơ cấu tổ chức:
Ban kỹ thuật chuyên ngành gồm các chuyên gia hoạt động trong
lĩnh vực công nhận cụ thể của tổ chức công nhận. Ban kỹ thuật chuyên ngành được
thành lập và hoạt động theo quy chế do Giám đốc tổ chức công nhận quy định.
2. Chức năng, nhiệm vụ:
a) Soạn thảo các tài liệu kỹ thuật chuyên ngành phục vụ hoạt động
đánh giá, công nhận trong phạm vi lĩnh vực công nhận được giao;
b) Góp ý cho các văn bản kỹ thuật chuyên ngành phục vụ hoạt động
đánh giá, công nhận do các tổ chức khác biên soạn;
c) Tư vấn về các vấn đề kỹ thuật theo yêu cầu của Hội đồng
công nhận, Giám đốc tổ chức công nhận, Ban giải quyết khiếu nại;
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc tổ chức công nhận
giao.
Chương III
HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG NHẬN
Điều 10. Nguyên tắc hoạt động
Tổ chức công nhận hoạt động theo nguyên tắc:
1. Độc lập, khách quan và không phân biệt đối xử;
2. Bảo mật mọi thông tin liên quan đến tổ chức đề nghị công nhận;
3. Không thực hiện tư vấn về công nhận cho các tổ chức đề nghị
công nhận.
Điều 11. Điều kiện hoạt động
Tổ chức công nhận phải đáp ứng các điều kiện hoạt động sau:
1. Phù hợp với các yêu cầu quy định tại TCVN ISO /IEC 17011:
2007 “Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu chung đối với tổ chức công nhận các tổ chức
đánh giá sự phù hợp”. Trong trường hợp tiêu chuẩn này có sự sửa đổi, bổ sung hoặc
được thay thế thì sử dụng tiêu chuẩn đã sửa đổi, bổ sung hoặc công bố mới;
2. Đáp ứng yêu cầu và điều kiện do các tổ chức công nhận khu vực
hoặc quốc tế quy định về hoạt động công nhận và là thành viên
ký kết tham gia thoả thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp của
các tổ chức công nhận khu vực hoặc quốc tế, cụ thể như sau:
a) Tổ chức công nhận tiến hành hoạt động công nhận các tổ chức
chứng nhận phải đáp ứng yêu cầu quy định của Hiệp hội Công nhận Châu á - Thái
Bình Dương (PAC) hoặc Diễn đàn Công nhận Quốc tế (IAF) và là thành viên ký kết
tham gia thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ
chức đó;
b) Tổ chức công nhận tiến hành hoạt động công nhận phòng thử
nghiệm, phòng hiệu chuẩn và tổ chức giám định phải đáp ứng yêu cầu quy định của
Hiệp hội Công nhận phòng thí nghiệm Châu á - Thái Bình Dương (APLAC) hoặc Hiệp
hội Công nhận phòng thí nghiệm Quốc tế (ILAC) và là thành viên ký kết tham gia
thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đó.
Điều 12. Tiêu chuẩn sử dụng để đánh giá,
công nhận
Việc đánh giá, công nhận năng lực của các đối tượng công nhận
được tiến hành theo các tiêu chuẩn tương ứng sau đây:
1. TCVN ISO/IEC 17025: 2005 đối với phòng thử nghiệm và hiệu
chuẩn;
2. ISO 15189: 2003 đối với phòng thử nghiệm y tế;
3. TCVN ISO/IEC 17020: 2001 đối với tổ chức giám định;
4. TCVN 5956: 1995 hoặc ISO/IEC 17021: 2006 đối với tổ chức chứng
nhận hệ thống chất lượng;
5. TCVN 7457: 2004 đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm phù hợp
tiêu chuẩn;
6. TCVN 7459: 2004 hoặc ISO/IEC 17021: 2006 đối với tổ chức chứng
nhận hệ thống quản lý môi trường;
7. ISO/TS 22003: 2007 đối với tổ chức chứng nhận hệ thống quản
lý an toàn thực phẩm.
Trong trường hợp tiêu chuẩn sử dụng để đánh giá, công nhận có
sự bổ sung, sửa đổi, thay thế, công bố mới thì sử dụng tiêu chuẩn được bổ sung,
sửa đổi, thay thế, công bố mới.
Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức công nhận
1. Công bố quy trình, thủ tục đánh giá, công nhận và các yêu cầu
liên quan khác.
2. Tiến hành đánh giá, công nhận theo quy trình, thủ tục đã
công bố và theo các tiêu chuẩn tương ứng quy định tại Điều 12 của Quy định này.
3. Cấp chứng chỉ công nhận có hiệu lực không quá năm năm và thực
hiện giám sát định kỳ đối với tổ chức được công nhận.
4. Kịp thời phổ biến cho các tổ chức được công nhận và các tổ
chức có liên quan khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn sử dụng để đánh giá, công nhận.
5. Lưu trữ hồ sơ công nhận trong thời gian ít nhất sáu năm kể
từ ngày cấp chứng chỉ công nhận. Hồ sơ công nhận phải được bảo mật, trừ trường
hợp khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
6. Cập nhật thông tin và công bố rộng rãi về các tổ chức được
công nhận; các thông tin được công bố ít nhất phải bao gồm: tên, địa chỉ, hiệu
lực và phạm vi được công nhận.
7. Định kỳ sáu tháng, đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo kết quả
hoạt động công nhận cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Điều 14. Kinh phí cho hoạt động công nhận
Nguồn kinh phí cho hoạt động công nhận bao gồm:
1. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
2. Nguồn thu từ hoạt động công nhận của tổ chức công nhận.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan quản
lý
1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan giúp Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động công nhận.
2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm:
a) Xem xét, đề xuất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ về việc thành lập tổ chức công nhận trong lĩnh vực chuyên ngành theo yêu cầu
của các Bộ quản lý chuyên ngành;
b) Tổng hợp, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình hoạt
động công nhận;
c) Tổ chức việc kiểm tra và hướng dẫn tổ chức công nhận thực
hiện hoạt động công nhận theo đúng quy định của văn bản này và các văn bản có
liên quan.
3. Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm thống nhất với Bộ
Khoa học và Công nghệ về việc thành lập tổ chức công nhận trong lĩnh vực chuyên
ngành mình quản lý.
Điều 16. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm
1. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc kiểm
tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động của tổ chức công nhận theo
Quy định này và các quy định khác có liên quan.
2. Tổ chức công nhận vi phạm các quy định của văn bản này, tuỳ
theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. /.