BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
139/1999/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1999
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 139/1999/TT-BTC NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM
1999 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN, HÀNG CỨU TRỢ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LŨ LỤT VÀ
MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM TIẾP TỤC HỖ TRỢ CÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO LŨ Ở CÁC TỈNH
MIỀN TRUNG
Thực hiện Quyết định số
1073/QĐ-TTg ngày17/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả lũ
lụt tại các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng,
Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng và quản
lý các nguồn kinh phí và các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả bão lũ ở các tỉnh
miền Trung như sau:
I. ĐỐI VỚI TIỀN,
HÀNG CỨU TRỢ
Toàn bộ nguồn cứu trợ (tiền và
hàng) từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, ủng hộ của các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước đảm bảo thống nhất tập trung vào một đầu mối do Uỷ ban
nhân dân tỉnh quyết định có sự tham gia của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn
thể xã hội và các cơ quan chuyên môn.
Cơ quan tài chính ở các địa
phương có trách nhiệm hướng dẫn mở sổ sách, tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động
cân đối các nguồn và phối hợp với các ngành để có phương án phân phối mức hỗ trợ
cho hợp lý giữa các vùng, các đơn vị, trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định.
Huyện, xã nào đã nhận được nguồn ủng hộ, trợ giúp từ bên ngoài lớn thì cần có sự
điều chỉnh cho các đợt cứu trợ tiếp theo cho phù hợp, đảm bảo hợp lý giữa các
vùng trên cơ sở phân loại mức độ thiệt hại và nghèo đói của các gia đình theo
hướng vùng nào, gia đình nào thiệt hại nhiều thì hỗ trợ nhiều và ngược lại. Ưu
tiên giải quyết đối với các gia đình chính sách và diện đói nghèo có nhiều khó
khăn, nhân dân các vùng sâu, vùng xa. Việc phân phối hàng và tiền cần phải đảm
bảo công minh, công bằng xã hội và phải công khai cho dân biết, có sự tham gia
giám sát của đại diện nhân dân (thanh tra nhân dân), không để xẩy ra tiêu cực,
thất thoát trong việc phân phối, sử dụng tiền hàng cứu trợ cũng như kinh phí
cho các nhu cầu sửa chữa, khôi phục sản xuất.
- Mức hỗ trợ theo hướng dẫn của
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 3745/LĐTBXH-TBXH ngày
3/11/1999 là mức qui định chung, địa phương cần căn cứ vào thực tế để có quyết
định cho phù hợp. Việc cứu trợ đến dân cần có qui định chặt chẽ, cụ thể và giao
cho cơ sở chịu trách nhiệm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra nhằm đảm bảo hàng,
tiền cứu trợ đến tay người dân. Mức phân bổ nguồn hỗ trợ dân sinh (theo Quyết định
số 1073/QĐ-TTg ngày 17/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ) ở từng tỉnh theo phụ lục
đính kèm.
- Đối với các nhu cầu về sửa chữa,
khôi phục, xây dựng các công trình thuỷ lợi, giao thông, khôi phục sản xuất nhất
là sản xuất nông nghiệp; sửa chữa, xây dựng trường học, trạm y tế,... do nguồn
vốn có hạn, các địa phương cần căn cứ vào tính chất cấp bách và mức độ thiệt hại
của từng loại công trình để xác định các công trình cần phải khôi phục ngay, những
việc có thể làm dần. Về nguồn, ngoài nguồn vốn xây dựng cơ bản của Chính phủ bổ
sung cho khắc phục hậu quả lũ lụt, địa phương cần chủ động rà soát sắp xếp từ
nguồn vốn xây dựng cơ bản còn lại của năm 1999 của địa phương (kể cả nguồn vốn
bổ sung của Chính phủ theo biện pháp kích cầu), vốn ủng hộ của các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước để có thể điều chỉnh mục tiêu thực hiện được các công
việc cấp bách để phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Về cơ chế quản lý, về nguyên tắc
vẫn phải theo yêu cầu về quản lý vốn đầu tư và vốn sự nghiệp hiện hành. Tuy
nhiên, đối với những công trình có tính chất cấp bách, để đảm bảo việc thi công
kịp thời, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cụ thể việc thực hiện chỉ định thầu nhưng
việc cấp phát vốn, kiểm soát chi, thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn
thành vẫn phải thực hiện theo các qui định hiện hành của Nhà nước.
II. THỰC HIỆN
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI VÙNG BỊ LŨ LỤT
1. Về thuế sử dụng đất nông nghiệp:
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ theo mức độ thiệt hại về sản xuất nông
nghiệp của từng vùng để quyết định việc miễn, giảm theo chế độ.
2. Về thuế nhà đất:
- Đối với hộ gia đình ở nông
thôn bị trôi, mất hoặc sập nhà được miễn thuế nhà đất 1 năm.
- Đối với hộ gia đình ở nông
thôn hoặc thành thị nhà bị hư hỏng cần phải sửa chữa được giảm 50% số thuế nhà
đất phải nộp cả năm.
Việc xác định mức độ thiệt hại
và qui định việc miễn hoặc giảm thuế nhà đất giao Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương qui định.
3. Về tiền thuê đất:
Đối với các cơ sở kinh doanh hiện
đang đăng ký hợp đồng thuê đất và nộp tiền thuê đất cho Nhà nước tuỳ theo mức độ
thiệt hại có thể xem xét để miễn, giảm thuế như sau:
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh
thiệt hại lớn trên 50% giá trị tài sản, hậu quả khắc phục kéo dài mới ổn định
được sản xuất, kinh doanh được miễn tiền thuê đất 1 năm.
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh
thiệt hại dưới 50% giá trị tài sản xem xét cụ thể để giảm khoảng 50% tiền thuê
đất 1 năm.
4. Thuế giá trị gia tăng
a) Đối với các cơ sở kinh doanh
nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế vận dụng chính sách hiện hành xử lý như
sau:
- Hàng hoá có thuế giá trị gia
tăng đầu vào được cơ quan thuế xác định kịp thời và cho khấu trừ đầy đủ. Thuế
giá trị gia tăng đầu ra kê khai theo đúng số hàng hoá thực tế đã bán. Nếu không
có thuế đầu ra thì được hoàn thuế theo tháng.
- Các doanh nghiệp bị thiệt hại
do lũ lụt thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng dẫn đến lỗ thì cơ quan thuế sẽ
xem xét cụ thể và vận dụng Điều 28 của Luật Thuế giá trị gia tăng cho giảm thuế.
b) Đối với hộ kinh doanh nộp thuế
theo phương pháp trực tiếp và khoán thuế thì căn cứ vào mức độ thiệt hại do lũ
lụt từng hộ kinh doanh, xem xét cho miễn thuế hoặc giảm 50% số thuế phải nộp 1
hoặc 2 tháng. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định
mức độ thiệt hại và quy định việc miễn, giảm thuế.
5. Về thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Đối với các doanh nghiệp chi
phí khắc phục hậu quả sau lũ lụt được công nhận là khoản chi phí hợp lý để xác
định thu nhập chịu thuế. Nếu đưa khoản chi phí hợp lý này vào mà không còn thu
nhập chịu thuế thì không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp đã
tính đủ chi phí mà doanh nghiệp bị lỗ thì được chuyển số lỗ này vào thu nhập chịu
thuế các năm sau (thời hạn 3 năm).
- Đối với các hộ kinh doanh nộp
thuế thu nhập doanh nghiệp ấn định hàng tháng, tuỳ theo mức độ thiệt hại được
miễn, giảm thuế từ 1 đến 2 tháng cùng với việc miễn, giảm thuế giá trị gia
tăng.
6. Về bù giảm thu ngân sách địa
phương năm 1999:
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ, đối với những tỉnh, thành phố do lũ lụt làm giảm thu sẽ được cấp bù
để thực hiện các nhiệm vụ chi về đầu tư xây dựng cơ bản tập trung và chi thường
xuyên theo dự toán Chính phủ giao. Vì vậy, cuối năm khi kết thúc niên độ ngân
sách, các tỉnh, thành phố cần có báo cáo gấp kết quả thu đã thực hiện để Bộ Tài
chính xem xét giải quyết. Trong quá trình điều hành nếu do thu hụt lớn tỉnh
không đảm bảo kịp thời các khoản chi Bộ Tài chính sẽ xử lý tạm ứng qua Kho bạc
nhà nước.
7. Đối với những tỉnh có thuế
giá trị gia tăng thu vượt dự toán giao năm 1999, theo qui định tại Thông tư số
58/1999/TT-BTC ngày 20/5/1999 của Bộ Tài chính sẽ khấu trừ vào các khoản bổ
sung từ ngân sách trung ương, nay do bị lũ lụt nên Bộ Tài chính sẽ chuyển đủ số
bổ sung theo dự toán giao và phần thuế giá trị gia tăng (phần ngân sách địa
phương được hưởng) vượt trên 5% cũng để lại cho ngân sách địa phương để góp phần
khắc phục hậu quả lũ lụt.
8. Về ngân sách năm 2000: Trên
cơ sở số chi ngân sách nhà nước Bộ Tài chính đã thoả thuận khi làm việc với địa
phương vừa qua, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng
Chính phủ bổ sung thêm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp cho các tỉnh, thành phố để
có nguồn tiếp tục xử lý các nhu cầu khắc phục hậu quả lũ lụt.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp
khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố nói trên căn cứ vào Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 17/11/1999 của Thủ tướng
Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này chỉ đạo các ngành liên quan, các đơn vị
thực hiện.