BỘ
Y TẾ
CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
VÀ MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
1826/TB-DPMT
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 09 năm 2009
|
THÔNG BÁO
NỘI
DUNG CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI NGÀY 23/9/2009,
TẠI BỘ Y TẾ
Ngày 23/9/2009, Bộ Y tế - Thường
trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người tổ chức họp Ban chỉ đạo
quốc gia về công tác phòng chống đại dịch cúm A (H1N1). Cuộc họp do TS. Nguyễn
Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường. Trưởng Tiểu ban giám sát
chủ trì. Theo báo cáo của các Tiểu ban, tình hình dịch cúm A (H1N1) diễn biến
như sau:
I. TÌNH HÌNH DỊCH TRÊN THẾ
GIỚI
Theo thông báo số 66 của Tổ chức
Y tế thế giới (WHO), đến ngày 13/9/2009, toàn thế giới đã ghi nhận 296.471
trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), trong đó có 3.486 trường hợp tử vong.
Tại khu vực nam bán cầu, một số nước
ghi nhận số ca tử vong như Australia (172), Chi Lê (132), Argentina (514),
Brazil (899), Peru (121).
Tại khu vực Đông Á và Đông Nam
Á, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp: Ấn Độ đã ghi nhận 240 trường hợp
tử vong do cúm A(H1N1); Nhật Bản (tử vong: 10); Hàn Quốc (tử vong: 08);
Philippine (tử vong: 28); Singapore (tử vong: 18); Malaysia (tử vong: 76);
Indonesia (tử vong: 10), Thái Lan (tử vong: 153).
II. TÌNH HÌNH DỊCH TẠI VIỆT
NAM
Ngày 22/9/2009, Việt Nam đã ghi nhận
thêm 167 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) (khu vực phía Nam: 84 ca, khu
vực miền Bắc: 47 ca, khu vực miền Trung: 25 ca, khu vực Tây Nguyên: 11 ca) và
01 ca tử vong.
Như vậy, tính đến 17h00 ngày 22/9/2009,
Việt Nam đã ghi nhận 7.362 trường hợp dương tính, 10 ca tử vong.
Số bệnh nhân đã khỏi ra viện là
4.877, các trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh
viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Trường hợp tử vong thứ 8 do
cúm A(H1N1):
- Bệnh nhân nữ, 42 tuổi.
- Địa chỉ cư trú: Ấp 6, xã Đồng Tâm,
huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
- Quê quán: Ấp Phú An, xã Phú
Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
- Bệnh nhân có tiền sử điều trị bệnh
tim mạch trong khoảng 2-3 năm nay, khởi bệnh ngày 15/9/2009 với triệu chứng
sốt, ho, sổ mũi, đi ngoài phân lỏng, điều trị tại nhà 02 ngày nhưng không đỡ,
9h30 ngày 18/9/2009 bệnh nhân nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước với chẩn
đoán viêm phổi nặng, theo dõi suy tim độ 2. Bệnh nhân được điều trị hồi sức
tích cực, trợ tim mạch, kháng sinh nhưng không đỡ và tử vong lúc 10h30 phút ngày
19/09/2009 với chẩn đoán: viêm phổi nặng nghi do vi rút cúm A(H1N1)/suy hô hấp.
Ngày 20/9/2009 Viện Pasteur TP.
Hồ Chí Minh trả lời kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H1N1).
Trường hợp tử vong thứ 9 do
cúm A(H1N1):
- Bệnh nhân nữ, 46 tuổi
- Địa chỉ: Thôn 6, xã Hòa An,
huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk
- Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh
tim bẩm sinh (thông liên nhĩ) đã mổ tim cách đây 2 năm.
- Ngày 10/9/2009 bệnh nhân vào
điều trị tại khoa Tai mũi họng bệnh viện đa khoa tỉnh với chẩn đoán Viêm tai
xương chũm; điều trị đến ngày thứ 5 (15/09/2009) bệnh ổn định, bệnh nhân xin
xuất viện về nhà. 16h10 ngày 16/9/2009, bệnh nhân đến nhập viện huyện Krông Pắk
với triệu chứng sốt cao, khó thở được chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp độ 3
và điều trị hồi sức tích cực, kháng sinh nhưng không đỡ, chuyển đến khoa hồi
sức tích cực – Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk vào hồi 17h30 ngày 17/9/2009. Tại
đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, kháng sinh, trợ tim mạch, Tamiflu
theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Ngày 19/9/2009, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên
trả lời kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H1N1).
- Trong quá trình điều trị bệnh nhân
giảm sốt, đỡ khó thở. Tuy nhiên tình trạng tim mạch không cải thiện và tử vong
hồi 8h15 ngày 20/9/2009 với chẩn đoán Viêm phổi nặng/có kết quả xét nghiệm dương
tính với cúm A(H1N1)/bệnh nhân mổ tim bẩm sinh.
Trường hợp tử vong thứ 10 do
cúm A(H1N1):
- Bệnh nhân nữ, 59 tuổi
- Địa chỉ: Ấp 2, An Bình Tây,
Bến Tre
- Diễn biến: Khởi bệnh ngày 16/9/2009
với triệu chứng ho, khó thở, đến khám tại Bệnh viện huyện với biểu hiệu co kéo
cơ hô hấp, ral nổ, huyết áp 160/90. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện
tỉnh ngày 17/9/2009 với biểu hiện khó thở, môi tím, số 3807, được
chẩn đoán: Suy hô hấp/bệnh nhân viêm phổi nặng, suy thận giai đoạn cuối + đái
tháo đường giai đoạn II. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, lợi tiểu, sau đó được
chuyển tiếp đến bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM và thực hiện chạy thận nhân tạo từ
17-21/9/2009.
- Ngày 21/9/2009, bệnh nhân có
biểu hiện mệt, khó thở nặng hơn, gia đình xin về. Bệnh nhân tử vong lúc 19h45
ngày 21/9/2009.
- Ngày 21/9/2009, Viện Pasteur
TP. Hồ Chí Minh khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H1N1).
III. CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG
CHỐNG DỊCH ĐÃ TRIỂN KHAI
- Triển khai thực hiện Công điện
số 1245/CĐ-TTg ngày 25/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Phó Thủ
tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Công văn số 5535/VPCP-KGVX ngày 12/8/2009; đến nay
Bộ Y tế đã nhận được:
+ Kế hoạch hành động phòng chống
đại dịch cúm A(H1N1) của 52/63 tỉnh/thành phố và 13/19 Bộ, ngành.
+ Báo cáo đánh giá công tác
phòng chống dịch cúm A(H1N1) của 35 tỉnh/thành phố và 22/30 Bộ và cơ quan ngang
Bộ của Chính phủ.
- Hội thảo triển khai kế hoạch
Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người dành cho đại biểu từ Ủy ban nhân dân
tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức
khỏe các tỉnh khu vực miền Nam.
- Tổng hợp các phòng xét nghiệm
có hệ thống PCR trên toàn quốc (đến nay đã tổng hợp được 46 đơn vị có hệ thống
PCR).
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá các
phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn chẩn đoán cúm A(H1N1) để mở rộng các điểm xét nghiệm
cúm A(H1N1) giảm tải cho các phòng xét nghiệm hiện nay và đáp ứng nhu cầu người
dân. Đến nay Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đánh giá được 03 đơn vị (TTYTDP
Thái Bình, Đại học Y Thái Bình, TTYTDP Thanh Hóa) kết quả đạt tiêu chuẩn; Viện
Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã đánh giá 08 đơn vị kết quả không đạt.
- Bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch
sử dụng vắc xin cúm A(H1N1) đến năm 2010 theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
- Ngày 22/09/2009, Bộ Y tế đã tổ
chức cuộc họp Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế thảo luận về việc
sử dụng vắc xin cúm A(H1N1) tại Việt Nam, thống nhất việc sử dụng vắc xin cúm
A(H1N1) để phòng chống dịch cúm A(H1N1) trong giai đoạn hiện nay là cần thiết,
tập trung vào một số đối tượng ưu tiên.
- Ngày 23/9/2009, Tiểu ban giám
sát đã tổ chức cuộc họp do Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn chủ trì thống nhất cần
phải sửa đổi hướng dẫn giám sát và xét nghiệm để phù hợp với tình hình dịch.
- Hàng ngày Bộ Y tế thông báo
tình hình dịch và các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch trên các
phương tiện thông tin đại chúng. Đăng tải các tin, bài, thông điệp phòng chống
cúm trên đài truyền thanh, truyền hình vào các giờ cao điểm.
- Đoàn công tác thường trực tại
khu vực phía Nam do Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và Môi trường làm trưởng đoàn
tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm A(H1N1) tại một số tỉnh/thành
phố khu vực phía Nam.
- Tăng cường giám sát các trường
hợp cúm tại cộng đồng, tại 15 điểm giám sát cúm quốc gia để phát hiện sớm, xử lý
kịp thời các ổ dịch và theo dõi sự biến đổi của vi rút cúm A(H1N1); chủ động điều
chỉnh các biện pháp phòng chống dịch; tiếp tục chỉ đạo tăng cường các hoạt động
kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều
trị bệnh nhân, phân tuyến điều trị; thành lập các bệnh viện dã chiến khi cần
thiết.
- Triển khai việc mua sắm các
trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch theo quyết định bổ sung kinh phí chống
dịch và triển khai các chính sách áp dụng cho các đối tượng tham gia phòng
chống dịch theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng cuốn cẩm nang phòng chống
dịch cúm A(H1N1) cho cán bộ y tế tuyến cơ sở; thực hiện in ấn và phát cho các
đơn vị các tài liệu truyền thông, phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông cung
cấp thông tin tình hình dịch và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống
đại dịch cúm ở người cho các cơ quan truyền thông.
IV. Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA BAN
CHỈ ĐẠO QUỐC GIA
Sau khi nghe các Trưởng Tiểu Ban
và đại diện các thành viên Ban chỉ đạo báo cáo TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng
Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Trưởng Tiểu ban giám sát thay mặt Ban chỉ đạo
đã một số kết luận như sau:
1. Tiểu ban giám sát:
- Tiếp tục thực hiện giám sát
các ca bệnh mới, các chùm ca bệnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch
tại các địa phương, tổng hợp các địa phương đã qua 15 ngày không ghi nhận
trường hợp mắc mới.
- Phối hợp với các thành viên
trong Tiểu ban tổ chức họp sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn giám sát và phòng chống
cúm A(H1N1).
- Tổng hợp các phòng xét nghiệm
đạt tiêu chuẩn chẩn đoán cúm A(H1N1) trình Bộ Y tế phê duyệt.
2. Tiểu ban điều trị:
- Phân tích kỹ các trường hợp tử
vong đầu tiên tại Việt Nam cả về yếu tố dịch tễ, điều trị, nguyên nhân và bài học
kinh nghiệm tổ chức tập huấn cho các đơn vị điều trị tuyến huyện, xã để có thể
thực hiện điều trị bệnh nhân sớm.
- Tổ chức kiểm tra việc sử dụng Tamiflu
tại các cơ sở điều trị để có thể luân chuyển thuốc, không để nơi thừa, nơi
thiếu thuốc điều trị cúm A(H1N1), đặc biệt tại các địa phương chưa ghi nhận ca
bệnh.
3. Tiểu ban Tuyên truyền:
- Phối hợp với Tiểu ban Điều trị
tóm tắt phác đồ điều trị để phổ biến cho các cơ sở y tế tuyến huyện, xã áp dụng
trong điều trị sớm cho bệnh nhân nghi cúm A(H1N1).
- Tiếp tục hoàn thiện các tài
liệu truyền thông về phòng chống cúm A(H1N1), tổ chức in ấn, phân phối tới các
đơn vị.
4. Tiểu ban hậu cần:
- Tiếp tục đẩy nhanh việc mua
vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác điều trị.
- Khẩn trương tổng hợp nhu cầu
kinh phí, việc triển khai Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 22/7/2009 của Thủ
tướng Chính phủ về chế độ áp dụng cho phòng, chống dịch cúm A(H1N1) của các địa
phương và Bộ/ngành để trình Lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ.
5. Đối với tất cả các tiểu
ban và các đơn vị thành viên:
- Các đơn vị theo sự phân công
của Lãnh đạo Bộ khẩn trương thu thập thông tin và xây dựng các bài học kinh
nghiệm trong phòng chống cúm A(H1N1) để chuẩn bị cho Hội nghị khoa học rút kinh
nghiệm về công tác phòng, chống dịch cúm A(H1N1).
- Các Bộ, ngành, địa phương chủ động
sử dụng các nguồn kinh phí của đơn vị mình để triển khai các hoạt động truyền
thông, phòng chống dịch cúm A(H1N1).
- Tham dự họp Ban chỉ đạo vào
lúc 16h00 ngày thứ tư hàng tuần.
Cục Y tế dự phòng và Môi trường
– Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế thông báo ý kiến chỉ đạo của Ban
chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người để các đơn vị biết và thực
hiện.
Nơi nhận:
- PTT Nguyễn Thiện Nhân (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- BT. Nguyễn Quốc Triệu (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Thành viên BCĐQGPCĐDC ở người;
- Các Trưởng Tiểu ban (để thực hiện);
- Cục DPMT; KCB, Vụ PC, KH-TC;
- Văn phòng Bộ;
- Lưu: VT, DPMT.
|
CỤC
TRƯỞNG
TRƯỞNG TIỂU BAN GIÁM SÁT
BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI
Nguyễn Huy Nga
|