BỘ
TƯ PHÁP
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
10/1999/TT-BTP
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 4 năm 1999
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 10/1999/TT-TP NGÀY 10 THÁNG 4 NĂM 1999 HƯỚNG
DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HỢP TÁC VỚI NƯỚC NGOÀI VỀ PHÁP LUẬT
Căn cứ Nghị định 38/CP ngày 4
tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ
chức bộ máy của Bộ Tư Pháp;
Căn cứ Nghị định số 103/1998/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 1998 của Chính phủ về
quản lý hợp tác với nước ngoài về Pháp luật (sau đây gọi là Nghị định);
Bộ Tư Pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định như sau:
I. PHẠM VI ÁP
DỤNG CỦA NGHỊ ĐỊNH
1.1. Theo quy định tại Điều 1 của
Nghị định, cơ quan, tổ chức được hợp tác với nước ngoài về pháp luật là các Bộ,
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cơ quan khác (sau đây gọi là Cơ quan,
Tổ chức Việt Nam). Đơn vị trực thuộc cơ quan, Tổ chức Việt Nam nói trên hợp tác
với nước ngoài về pháp luật phải làm thủ tục thẩm định, xin phép qua Cơ quan, Tổ
chức Việt Nam.
1.2. Hoạt động hợp tác của cơ
quan, Tổ chức Việt Nam với Cơ quan, Tổ chức nước ngoài thuộc phạm vi điều chỉnh
của Nghị định là tất cả những hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật được
quy định tại Điều 3 của Nghị định bao gồm:
a. Nghiên cứu, thu thập thông
tin, kinh nghiệm cần thiết trong việc soạn thảo, sửa đổi các văn bản quy phạm
pháp luật;
b. Nghiên cứu, thu thập thông
tin, kinh nghiệm cần thiết trong việc kiện toàn, nâng cao hoạt động của cơ quan
tư pháp và bổ trợ tư pháp;
c. Đào tạo nghề nghiệp, nâng cao
trình độ của cán bộ, công chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, thẩm phán,
thư ký toà án, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, cán bộ thi hành án
hình sự, trọng tài viên, công chứng viên, luật sư và các chức danh tư pháp
khác;
d. Giảng dạy pháp luật ở các bậc
đại học và sau đại học;
đ. Tổ chức hội nghị, hội thảo,
toạ đàm về pháp luật mà không gắn với các hoạt động hợp tác quy định tại các điểm
a, b, c và d nói trên;
e. Trao đổi thường xuyên tài liệu
pháp luật, bao gồm giáo trình, sách giáo khoa, bài giảng, văn bản pháp luật và
sách chuyên khảo về pháp luật.
2. Thẩm định của
Bộ Tư pháp
2.1. Cơ quan, Tổ chức Việt Nam
sau khi hình thành chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác gửi công văn yêu cầu Bộ
Tư pháp thẩm định.
Kèm theo công văn yêu cầu thẩm định
có các tài liệu sau:
a) Dự thảo chương trình, kế hoạch,
dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Đối với chương trình, kế hoạch, dự
án hợp tác thuộc lĩnh vực khác có phần nội dung hợp tác với nước ngoài về pháp
luật, thì gửi Bản tóm tắt chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác đó và phần nội
dung hợp tác về pháp luật;
b) Bản thuyết minh về chương
trình, kế hoạch, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật hoặc phần nội dung hợp
tác với nước ngoài về pháp luật, trong đó cần nêu rõ những điểm chính sau đây:
* Sự cần thiết, yêu cầu, mục
đích và nội dung cơ bản của hoạt động hợp tác;
* Các thông tin cần thiết về tư
cách pháp lý, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm hợp tác, thái độ với Nhà nước Việt
Nam của Cơ quan, Tổ chức nước ngoài;
* Dự báo hiệu quả kinh tế - xã hội
của việc thực hiện hoạt động hợp tác;
* Quyền và nghĩa vụ của cơ quan,
Tổ chức Việt Nam và Cơ quan, Tổ chức nước ngoài;
* Dự kiến thời gian, tiến độ thực
hiện, kết quả, sản phẩm hợp tác và kinh phí;
* Dự báo về những nhân tố bất lợi
có thể có trong quá trình thực hiện hoạt động hợp tác.
c) Tài liệu chứng minh sự cam kết
của Cơ quan, Tổ chức nước ngoài;
d) Ý kiến bằng văn bản của các Bộ,
ngành có liên quan đến nội dung hợp tác;
Tài liệu bằng tiếng nước ngoài
phải được dịch ra tiếng Việt.
Công văn yêu cầu thẩm định và
các tài liệu nêu trên được lập thành 3 bộ hồ sơ.
2.2. Trong thời hạn 15 ngày, kể
từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Tư pháp thực hiện thẩm định và gửi văn bản thẩm định
cho Cơ quan, Tổ chức Việt Nam đã yêu cầu.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ
Tư pháp có thể mời Cơ quan, Tổ chức Việt Nam yêu cầu thẩm định cung cấp thêm
thông tin hoặc làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chương trình, kế
hoạch, dự án hợp tác.
Trong trường hợp nhận được không
đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này, Bộ Tư pháp thông báo cho Cơ quan, Tổ
chức Việt Nam hoàn thiện hồ sơ. Thời hạn này không tính vào thời hạn 15 ngày thẩm
định của Bộ Tư pháp.
2.3. Cơ quan, Tổ chức Việt Nam
có nhu cầu hợp tác với nước ngoài về pháp luật mà chưa có đối tác cần gửi công
văn cho Bộ Tư pháp yêu cầu hỗ trợ trong việc tìm kiếm đối tác. Kèm theo công
văn, phải gửi Đề cương yêu cầu về chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, trong
đó cần nêu những điểm sau đây:
- Sự cần thiết, yêu cầu, mục
đích;
- Nội dung vấn đề hợp tác;
- Hình thức hoạt động hợp tác
(theo quy định tại Điều 3 của Nghị định);
- Khả năng hợp tác của phía Việt
Nam;
- Đối tác nước ngoài mong muốn hợp
tác;
- Thời gian dự kiến;
3. SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH, DỰ ÁN HỢP TÁC
3.1. Những chương trình, kế hoạch,
dự án hợp tác đã được Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép thực hiện mà
cần phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, nội dung các hoạt động hợp tác
về pháp luật, thì cơ quan, Tổ chức Việt Nam gửi Bộ Tư pháp hồ sơ để thẩm định.
Trình tự, thủ tục thẩm định các hồ sơ này được thực hiện theo quy định chung áp
dụng cho các chương trình, kế hoạch, dự án mới quy định tại Nghị định và Thông
tư này.
Trong trường hợp có nhu cầu bức
xúc cần thiết phải nghiên cứu, thu thập thông tin, kinh nghiệm của nước ngoài
hoặc của các tổ chức quốc tế hỗ trợ việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật
hoặc nâng cao hiệu quả hoạt động tác nghiệp của cơ quan Tư pháp và bổ trợ pháp
luật, thì Cơ quan, Tổ chức Việt Nam phải gửi hồ sơ thuyết tình cho Bộ Tư pháp.
3.2. Nếu có yêu cầu sửa đổi, bổ
sung, điều chỉnh chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác đã được phép thực hiện
nhưng không làm thay đổi mục tiêu, nội dung của chương trình, kế hoạch, dự án hợp
tác, thì cơ quan, Tổ chức Việt Nam phải gửi hồ sơ cho Bộ Tư pháp thuyết trình
rõ lý do phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có văn bản nêu rõ ý kiến của mình về việc sửa
đổi, bổ sung, điều chỉnh nói trên gửi Cơ quan, Tổ chức Việt Nam đã yêu cầu.
4. CHẾ ĐỘ
BÁO CÁO VÀ KIỂM TRA
4.1. Trước ngày 15 tháng 5 Cơ
quan, Tổ chức Việt Nam có trách nhiệm gửi báo cáo định kỳ 6 tháng và trước ngày
15 tháng 11 gửi báo cáo hàng năm cho Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp về tình
hình thực hiện hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật và dự kiến thực hiện
chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác cho thời kỳ tiếp theo theo mẫu ban hành
kèm theo Thông tư này (Phụ lục 1).
Trong thời hạn 3 tháng kể từ
ngày kết thúc chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, Cơ quan, Tổ chức Việt Nam
phải gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp báo cáo về kết quả thực hiện chương
trình, kế hoạch, dự án hợp tác đó theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này (Phụ
lục 2).
Việc đánh giá, nghiệm thu kết quả
chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật được tiến
hành theo quy định chung của Nhà nước về vấn đề này. Cơ quan, Tổ chức Việt Nam
phải gửi Bộ Tư pháp một bộ hồ sơ đầy đủ về kết quả thực hiện chương trình, kế
hoạch, dự án hợp tác đó.
4.2. Việc kiểm tra của Bộ Tư
Pháp được thực hiện căn cứ vào Báo cáo định kỳ 6 tháng và Báo cáo hàng năm của
Cơ quan, Tổ chức Việt Nam.
Trong thời hạn không ít hơn 10
ngày trước ngày kiểm tra, Bộ Tư pháp thông báo cho Cơ quan, Tổ chức Việt Nam thời
gian và nội dung yêu cầu kiểm tra. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày
kết thúc việc kiểm tra, Bộ Tư pháp có văn bản thông báo kết quả việc kiểm tra gửi
Cơ quan, Tổ chức Việt Nam liên quan.
5. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
5.1. Cơ quan, Tổ chức Việt Nam
đang thực hiện các hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật theo các
chương trình, kế hoạch, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho
phép trước ngày Nghị định có hiệu lực, thì không phải làm các thủ tục thẩm định
theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng phải gửi báo cáo hoạt động hợp tác pháp
luật thời gian qua cho Bộ Tư Pháp trước ngày 15 tháng 6 năm 1999 để tổng hợp,
theo dõi chung.
5.2. Thông tư này có hiệu lực
thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, Cơ quan, Tổ chức Việt Nam cần phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp để
tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh thông tư hướng dẫn này.
PHỤ LỤC 1
Tên Cơ quan, Tổ chức Việt Nam
Tên đối tác nước ngoài
Tên chương trình, kế hoạch, dự
án hợp tác
Hà nội, ngày,... tháng... năm
199
BÁO CÁO 06 THÁNG (HÀNG NĂM) VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH, DỰ ÁN HỢP TÁC VỚI NƯỚC NGOÀI VỀ PHÁP LUẬT
I. NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÃ THỰC HIỆN
1. Những hoạt động cụ thể đã thực
hiện và kết quả thực hiện
2. Những hoạt động theo dự kiến,
nhưng chưa thực hiện; nguyên nhân.
3. Đánh giá chung tình hình thực
hiện, tác động và hiệu quả hợp tác.
4. Những vướng mắc trong quá
trình thực hiện.
II.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG DỰ KIẾN CHO THLỜI KỲ 6 THÁNG (HÀNG NĂM) TIẾP THEO
1. Những hoạt động cụ thể
2. Kết quả dự kiến
III. KIẾN NGHỊ VỚI CHÍNH PHỦ,
BỘ TƯ PHÁP, CÁC BỘ, NGÀNH CHỨC NĂNG
Thủ
trưởng Cơ quan, Tổ chức Việt Nam
(Ký tên, đóng dấu)
PHỤ LỤC 2
Tên cơ quan, Tổ chức Việt Nam
Tên đối tác nước ngoài
Tên chương trình, kế hoạch, dự
án hợp tác
Hà Nội, ngày... tháng... năm 19
BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH,DỰ
ÁN HỢP TÁC VỚI NƯỚC NGOÀI VỀ PHÁP LUẬT
I. ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH, DỰ ÁN HỢP TÁC:
1. Những hoạt động cụ thể đã thực
hiện theo dự kiến và kết quả.
2. Những hoạt động cụ thể chưa
thực hiện được hoặc còn đang thực hiện, nguyên nhân.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
1. Tác động và hiệu quả hợp tác
2. Những vướng mắc trong quá
trình thực hiện đã được khắc phục
3. Những vướng mắc trong quá
trình thực hiện không khắc phục được
4. Những vấn đề khác.
III. KIẾN NGHỊ:
1. Kiến nghị với Chính phủ, Bộ
Tư pháp, các Bộ, ngành chức năng hỗ trợ hoặc/và sử dụng kết quả của chương
trình, kế hoạch, dự án hợp tác.
2. Những kiến nghị khác.
Thủ
trưởng cơ quan, Tổ chức Việt Nam
(Ký tên, đóng dấu)