HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*****
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******
|
Số:
302-CP
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1978
|
NGHỊ ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ LIÊN HIỆP CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào Điều lệ về tổ chức
và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và
trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế, ban hành kèm theo Nghị định
của Hội đồng Chính phủ số 172-CP ngày 01/11/1973;
Căn cứ vào quyết định của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 08 tháng 11
năm 1978;
Để thực hiện một bước chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý liên hiệp các
xí nghiệp, tiến tới xây dựng một chế độ quản lý mới đối với ngành kinh tế - kỹ
thuật.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1: Nay
ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh.
Điều 2:
Các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất, các Bộ quản lý chức năng và Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm;
- Tổ chức việc thi hành bản Điều
lệ này trong phạm vi trách nhiệm của mình;
- Chỉ đạo việc xây dựng và thực
hiện điều lệ riêng của từng liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh thuộc quyền quản
lý, theo đúng tinh thần và nội dung cơ bản của Điều lệ liên hiệp các xí nghiệp
quốc doanh;
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền
hạn và trách nhiệm của mình, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc đề nghị Thủ tướng
Chính phủ ban hành những chính sách, chế độ, thể lệ quản lý mới thuộc phạm vi
trách nhiệm của mình cho phù hợp với những nguyên tắc của bản điều lệ này.
Điều 3:
Điều lệ này được thi hành kể từ ngày ký; bãi bỏ những điều quy định trước đây
trái với điều lệ này.
Điều 4:
Các đồng chí Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh và
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.
|
TM.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thanh Nghị
|
ĐIỀU LỆ
LIÊN HIỆP CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH
(ban hành kèm theo nghị định số 302-CP ngày 01/12/1978 của Hội đồng
Chính phủ)
Chương 1:
VỊ TRÍ, NHIỆM VỤ, QUYỀN
HẠN CỦA LIÊN HIỆP CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH
Điều 1:
Liên Hiệp Các Xí Nghiệp Quốc Doanh (1) là một tổ chức sản xuất –
kinh doanh gồm các xí nghiệp có mối liên hệ mật thiết với nhau trong một ngành
kinh tế - kỹ thuật, và là một cơ quan quản lý sản xuất – kinh doanh. Liên hiệp
hoạt động theo chế độ hoạch toán kinh tế và có tư cách pháp nhân.
Liên hiệp thực hiện việc tổ chức
và phân công sản xuất hợp lý theo hướng chuyên môn hóa kết hợp với hợp tác sản
xuất; đẩy mạnh việc tiến hành cách mạng khoa học - kỹ thuật, thúc đẩy quá trình
tích tụ sản xuất, đổi mới kỹ thuật, sử dụng hợp lý các năng lực sản xuất trong
toàn liên hiệp nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, phát triển
ngành kinh tế - kỹ thuật, theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Điều 2:
Trực thuộc liên hiệp có:
- Các cơ sở sản xuất chính (xí
nghiệp, xí nghiệp liên hợp, liên hợp công – nông nghiệp hay nông – công nghiệp…);
- Các cơ sở nghiên cứu khoa học
- kỹ thuật;
- Các tổ chức cung ứng, bảo quản,
vận tải, tiêu thụ và các cơ sở khác phục vụ sản xuất – kinh doanh;
- Các trường, lớp đào tạo và bồi
dưỡng cán bộ, công nhân;
- Các cơ sở khác do liên hiệp quản
lý.
Các xí nghiệp trực thuộc liên hiệp
có tư cách pháp nhân, có những nhiệm vụ và quyền hạn như trong Điều lệ xí
nghiệp công nghiệp quốc doanh (ban hành kem theo Nghị định số 93-CP ngày
08/04/1977), được bổ sung, điều chỉnh theo các quy định của điều lệ này.
Điều 3:
Liên hiệp chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của Bộ, Tổng cục chủ quản (2),
cơ quan cấp trên trực tiếp của liên hiệp.
Liên hiệp được giao nhiệm vụ,
quyền hạn quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật theo những quy định chung của Nhà nước
và những quy định cụ thể của Bộ chủ quản.
Liên hiệp chỉ đạo các xí nghiệp
trực thuộc thi hành đầy đủ trách nhiệm của mình trong quan hệ với chính quyền địa
phương, nơi xí nghiệp hoạt động, như các Nghị định số 172-CP ngày 01/11/1973 và
số 24-CP ngày 02/02/1976 của Hội đồng Chính phủ đã quy định.
Điều 4:
Liên hiệp có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Giúp Bộ chủ quản xây dựng quy
hoạch, kế hoach ngành, xây dựng danh mục sản phẩm và bảng cân đối sản phẩm toàn
ngành.
Xây dựng quy hoạch và phương hướng
phát triển dài hạn, kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm của liên hiệp nhằm đáp ứng
ngày càng tốt những nhu cầu của nền kinh tế quốc dân về sản phẩm của ngành.
Hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ
kế hoạch được Nhà nước giao, chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước Bộ về kết
quả sản xuất – kinh doanh của liên hiệp.
2. Giúp Bộ chủ quản lập phương
án đầu tư xây dựng cơ bản của ngành; tố chức chỉ đạo công tác xây dựng cơ bản của
liên hiệp, bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong liên hiệp.
Thực hiện chức năng đầu tư xây dựng
các công trình mới của liên hiệp.
3. Tổ chức sản xuất, bố trí thiết
bị, máy móc, phân bố lao động hợp lý theo hướng chuyên môn hóa kết hợp với hợp
tác sản xuất trong liên hiệp; tổ chức việc trang bị đồng bộ về thiết bị, giải
quyết tốt và kịp thời về phụ tùng, phụ kiện…trong liên hiệp (bằng việc tổ chức
chế tạo trong nội bộ liên hiệp và hợp tác với các ngành khác, hoặc nhập của nước
ngoài) nhằm mau chóng hoàn chỉnh và phát triển toàn diện cơ sở vật chất - kỹ
thuật, tăng nhanh năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
Kiến nghị sự phân công và hợp
tác sản xuất hợp lý giữa xí nghiệp Trung ương và xí nghiệp địa phương, giữa xí
nghiệp quốc doanh, hợp tác xã sản xuất và các tổ chức thuộc hình thức sở hữu
khác cùng ngành; kiến nghị các hình thức, phương pháp hợp tác và liên hiệp sản
xuất trong ngành với các ngành khác, hoặc trên phạm vi lãnh thổ.
Không ngừng cải tiến công tác quản
lý nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất và kinh doanh; tổ chức bộ máy quản lý
liên hiệp hợp lý, thích ứng với cơ cấu và hoạt động sản xuất – kinh doanh của
liên hiệp.
4. Tổ chức việc nghiên cứu khoa
học - kỹ thuật và việc ứng dụng nhanh chóng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào
sản xuất của ngành và của liên hiệp. Không ngừng đổi mới kỹ thuật, cải tiến
công nghệ phát triển mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành.
5. Lập bảng cân đối những vật tư
chủ yếu và cân đối sản phẩm của ngành trình Bộ chủ quản; tổ chức việc cung ứng
vật tư – kỹ thuật cho các cơ sở trong liên hiệp; chỉ đạo các xí nghiệp thực hiện
đúng đắn kế hoạch cung ứng vật tư và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm.
6. Quản lý và sử dụng các loại tài
sản, vốn và quỹ chung của liên hiệp theo đúng chế độ của Nhà nước; kiểm tra việc
sử dụng các loại vốn của các xí nghiệp trực thuộc.
Điều hòa thiết bị, vật tư, vốn
giữa các xí nghiệp trong nội bộ liên hiệp để đáp ứng nhu cầu sản xuất – khinh
doanh một cách có hiệu quả, bảo đảm hoàn thành toàn điện kế hoạch của liên hiệp.
7. Tổ chức lao động một cách
khoa học nhằm tăng nhanh năng suất lao động; chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc lựa
chọn những hình thức trả lương thích hợp với điều kiện cụ thể và theo đúng chế
độ tiền lương của Nhà nước. Có quyền điều hòa công nhân, viên chức trong liên
hiệp.
Tổ chức việc bồi dưỡng, đào tạo
và xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý cho toàn ngành.
Quản lý cán bộ trong liên hiệp
theo sự phân cấp của Nhà nước; thực hiện các chính sách, chế độ, pháp luật về
lao động và tiền lương trong phạm vi được phân cấp.
8. Ký các hợp đồng kinh tế, hợp
đồng hợp tác sản xuất – kinh doanh, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật… có liên
quan đến liên hiệp với các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác; nghiêm chỉnh
chấp hành và chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc nghiêm chỉnh chấp hành các hợp đồng
đã ký kết.
9. Tổ chức sự hợp tác giữa các
đơn vị thuộc các cấp quản lý và thuộc các hình thức sở hữu khác trong ngành; hướng
dẫn, giúp đỡ các cơ sở trong ngành hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch; đôn
đốc việc thực hiện các chế độ quản lý kinh tế, các tiêu chuẩn và định mức kinh
tế - kỹ thuật chung của ngành trong phạm vi được Bộ chủ quản uỷ quyền.
10. Giúp Bộ chủ quản trong việc
nghiên cứu các chính sách, kế hoạch, biện pháp hợp tác kinh tế với nước ngoài
có liên quan đến ngành.
Được trực tiếp giao dịch với các
tổ chức kinh tế của nước ngoài trong việc mua thiết bị, vật tư và tiêu thụ sản
phẩm, theo đúng chính sách, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước về quan hệ quốc
tế và ngoại thương.
Chương 2:
CÁC MẶT QUẢN LÝ VÀ HOẠT
ĐỘNG SẢN XUẤT – KINH DOANH CỦA LIÊN HIỆP CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH
A. KẾ HOẠCH
HÓA.
Điều 5: Liên
hiệp có nhiệm vụ giúp Bộ chủ quản trong việc lập quy hoạch và kế hoạch của toàn
ngành, thực hiện sự phân công và hợp tác, sản xuất hợp lý giữa kinh tế Trung
ương và kinh tế địa phương, giữa xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã và các đơn vị
thuộc hình thức sở hữu khác.
Điều 6:
Liên hiệp phải xây dựng quy hoạch và phương hướng phát triển dài hạn, kế
hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm của liên hiệp, nêu rõ những yêu cầu phải
đạt được trong từng thời kỳ về tăng năng suất lao động, tăng sản lượng, đổi mới
kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Căn cứ vào sổ kiểm tra của Nhà
nước, liên hiệp phải tính toán, xây dựng và chọn phương án kế hoạch có hiệu quả
cao, bảo đảm thực hiện những mục tiêu cơ bản của liên hiệp.
Điều 7:
Căn cứ vào sổ kiểm tra của Nhà nước và phương án kế hoạch nói trên, liên hiệp
phân bổ và giao sổ kiểm tra kế hoạch cho các xí nghiệp trực thuộc.
Liên hiệp phải chỉ đạo và hướng
dẫn các xí nghiệp phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công
nhân, viên chức, xây dựng kế hoạch theo những tiêu chuẩn và định mức kinh tế -
kỹ thuật tiến bộ, huy động và sử dụng có hiệu quả các năng lực sản xuất hiện có
và tiềm tàng của mình có tính đến khả năng hợp tác với các đơn vị khác trong
liên hiệp và ngoài liên hiệp.
Điều 8:
Tổng giám đốc liên hiệp tổng hợp dự án kế hoạch của các xí nghiệp trực thuộc
thành dự án kế hoạch của liên hiệp, bảo vệ dự án kế hoạch ấy trước Bộ chủ quản,
kèm theo những biện pháp bảo đảm hoàn thành kế hoạch. Bộ chủ quản và các cơ
quan nhà nước khác có trách nhiệm giải quyết những yêu cầu về vật tư, vốn, và
những điều kiện cần thiết khác để bảo đảm cho liên hiệp thực hiện được kế hoạch.
Sau khi kế hoạch của liên hiệp
đã được duyệt, Tổng giám đốc liên hiệp giao kế hoạch chính thức cho các xí nghiệp
trực thuộc theo đúng hệ thống chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh của Nhà nước.
Điều 9:
Liên hiệp chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc phấn đấu hoàn thành kế hoạch, phát
hiện và giải quyết kịp thời những sự mất cân đối trong quá trình thực hiện kế
hoạch, nắm vững các biến đổi về khả năng và nhu cầu của nền kinh tế quốc dân để
sớm có quyết định điều hòa, phối hợp, sử dụng có hiệu quả các năng lực sản xuất
trong nội bộ liên hiệp, kề cả việc sử dụng các khả năng hợp tác với các cơ sở
ngoài liên hiệp.
Trong trường hợp cần thiết, liên
hiệp được điều chỉnh kế hoạch của các xí nghiệp trực thuộc, trên cơ sở bảo đảm
hoàn thành toàn diện và vượt mức các nhiệm vụ kế hoạch của liên hiệp.
Điều 10:
Việc xét duyệt kế hoạch và việc công nhận hoàn thành kế hoạch của liên hiệp do
Bộ chủ quản và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền thực hiện theo chế độ của
Nhà nước.
Liên hiệp kiểm tra, đánh giá mức
độ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của từng xí nghiệp trực thuộc, làm cơ sở
cho việc thi hành các chế độ thưởng, phạt đối với từng xí nghiệp, theo chế độ của
Nhà nước.
B. HOẠT ĐỘNG
KHOA HỌC – KỸ THUẬT VÀ QUẢN LÝ KỸ THUẬT
Điều 11: Liên
hiệp các xí nghiệp phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học - kỹ thuật đổi mới
kỹ thuật cho toàn ngành, bảo đảm đạt được những mục tiêu về tiến bộ kỹ thuật
trong từng thời kỳ; xây dựng, chỉ đạo và kiểm tra kế hoạch hoạt động khoa học -
kỹ thuật trong liên hiệp; tổ chức lực lượng nghiên cứu và tạo điều kiện thuận lợi
cho việc hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, thiết kế, chế thử sản phẩm thí nghiệm,
các cơ sở sản xuất … trong liên hiệp và ngoài liên hiệp.
Điều 12:
Liên hiệp có trách nhiệm bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật
cấp Nhà nước đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý sản xuất kinh doanh của
liên hiệp; nghiên cứu xây dựng và trình Bộ chủ quản ban hành các tiêu chuẩn kỹ
thuật cấp ngành và hướng dẫn, kiểm tra các xí nghiệp nghiêm chỉnh thực hiện các
tiêu chuẩn ấy.
Điều 13:
Liên hiệp các nhiệm vụ chỉ đạo thống nhất đo lường và trang bị các phương tiện,
dụng cụ đo lường chính xác cho các xí nghiệp trực thuộc.
Liên hiệp các xí nghiệp phải kiểm
tra chất lượng sản phẩm đối với các xí nghiệp trực thuộc và chịu trách nhiệm về
chất lượng sản phẩm do liên hiệp sản xuất. Đối với sản phẩm sản xuất thử, liên
hiệp có nhiệm vụ tổ chức việc xét duyệt và chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc thực
hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật khi đi vào sản xuất hàng loạt.
Điều 14:
Liên hiệp có nhiệm vụ phối hợp với công đoàn tổ chức, chỉ đạo phong trào phát
huy sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật; kịp thời xét duyệt, khen
thưởng và phổ biến rộng rãi những sáng kiến cải tiến có giá trị.
C. QUẢN LÝ
LAO ĐỘNG - TIỀN LƯƠNG
Điều 15:
Liên hiệp phải xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức lao động khoa học, hướng
dẫn các xí nghiệp trực thuộc tổ chức, sắp xếp, phân công lao động hợp lý; điều
chỉnh lao động giữa các xí nghiệp trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch;
quyết định việc điều động và sử dụng lực lượng lao động dôi ra do cải tiến kỹ
thuật, cải tiến tổ chức sản xuất và tổ chức lao động; phân phối, bổ sung lao động
kỹ thuật do liên hiệp đào tạo cho các xí nghiệp và cơ sở sản xuất trong ngành.
Xây dựng, đề nghị Bộ chủ quản và
Nhà nước xét duyệt các tiêu chuẩn, định mức lao động thống nhất của ngành; hướng
dẫn và kiểm tra các xí nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn, định mức ấy; xét duyệt
và ban hành các định mức lao động theo sự phân cấp quản lý của Nhà nước.
Điều 16:
Liên hiệp phân bổ tổng quỹ lương đã được duyệt cho các xí nghiệp trực thuộc,
tương ứng với kế hoạch sản lượng và chỉ tiêu tăng năng suất lao động; hướng dẫn
và kiểm tra các xí nghiệp áp dụng các hình thức trả lương thích hợp, thi hành
đúng đắn các chế độ tiền lương và tiền thưởng của Nhà nước.
Điều 17:
Liên hiệp tổ chức việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật
để đáp ứng kịp yêu cầu của phát triển sản xuất – kinh doanh và yêu cầu của cách
mạng khoa học - kỹ thuật trong ngành; nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn về cấp
bậc kỹ thuật, cấp bậc công việc, tiêu chuẩn về xếp hạng các xí nghiệp và phân
loại các danh mục nghề nghiệp cho những loại công việc chung của toàn ngành để
cấp trên xét duyệt.
Điều 18:
Liên hiệp nghiên cứu và xây dựng quy phạm kỹ thuật, an toàn lao động, trình cấp
trên xét duyệt; xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, kế hoạch cải thiện điều kiện
làm việc và đời sống của công nhân, viên chức trong liên hiệp; thường xuyên kiểm
tra công tác kỹ thuật , an toàn lao động, bảo hộ lao động, vệ sinh công nghiệp;
tổ chức việc xây dựng và quản lý các sự nghiệp phúc lợi xã hội chung của liên
hiệp.
Điều 19:
Liên hiệp phải phối hợp với công đoàn phát động và tổ chức phong trào thi đua
xã hội chủ nghĩa, tăng năng suất lao động, phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội
chủ nghĩa của công nhân, viên chức trong mọi mặt hoạt động của liên hiệp; thực
hiện và chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc thực hiện các biện pháp thiết thực về
phát triển phúc lợi tập thể và cải thiện đời sống của công nhân, viên chức
trong liên hiệp như xây dựng nhà ở, nhà gửi trẻ, lớp mẫu giáo, câu lạc bộ, hoạt
động thể dục thể thao, tổ chức giải trí, nghỉ mát…
D. CUNG ỨNG VẬT
TƯ, TIÊU THỤ SẢN PHẨM.
Điều 20: Liên
hiệp có trách nhiệm tổ chức việc cung ứng vật tư - kỹ thuật cho các xí nghiệp
trực thuộc, từ các nguồn khác nhau: Vật tư - kỹ thuật sản xuất trong nước,
vật tư - kỹ thuật nhập, vật tư - kỹ thuật do liên hiệp tự sản xuất, phế
liệu của các xí nghiệp trực thuộc; phối hợp với các cơ quan cung ứng của Nhà nước
để tổ chức việc cung ứng vật tư cho các xí nghiệp trực thuộc; tổ chức hệ thống
cung ứng nội bộ liên hiệp để bảo đảm cung ứng đến tận cơ sở một cách nhanh
chóng, thuận tiện và chi phí ít nhất. Liên hiệp phải chỉ đạo, kiểm tra các xí
nghiệp trực thuộc xây dựng và thực hiện các định mức vật tư tiến bộ và các chế
độ sử dụng, bảo quản, dự trữ vật tư.
Đối với vật tư thông dụng, phụ
tùng thiết bị, liên hiệp phải tìm nguồn cung ứng và chỉ đạo các xí nghiệp trực
thuộc ký hợp đồng với các tổ chức cung ứng.
Đối với vật tư chuyên dùng, liên
hiệp tổng hợp nhu cầu, lập kế hoạch chung, nghiên cứu nguồn vật tư và tổ chức
việc cung ứng cho tất cả các cơ sở sản xuất của ngành.
Đối với nguyên vật liệu trong nước
(sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp…), liên hiệp phải phối hợp với
chính quyền địa phương nơi có trách nhiệm cung ứng để chỉ đạo các xí nghiệp trực
thuộc ký hợp đồng thu mua với các tổ chức sản xuất và cung ứng theo chỉ tiêu kế
hoạch Nhà nước.
Đối với các loại vật tư khác
không do Nhà nước thống nhất quản lý, liên hiệp phải hướng dẫn, giúp đỡ
các xí nghiệp tìm nguồn cung ứng và hướng dẫn các xí nghiệp trực thuộc ký hợp đồng
với các tổ chức sản xuất và cung ứng.
Điều 21:
Liên hiệp có trách nhiệm tổ chức việc tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở trong
liên hiệp; dựa trên chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước và yêu cầu cụ thể của các
khách hàng, liên hiệp lập kế hoạch tiêu thụ chung, và tổ chức, chỉ đạo các xí
nghiệp trực thuộc lập và thực hiện kế hoạch tiêu thụ sản phẩm của xí nghiệp một
cách nhanh chóng.
Căn cứ vào kế hoạch phân phối của
Nhà nước, với sự thỏa thuận của tổ chức thương nghiệp, liên hiệp được trực tiếp
tổ chức việc tiêu thụ (bán buôn) các sản phẩm của ngành nếu xét thấy hợp lý và
thuận tiện.
Liên hiệp phải thường xuyên điều
tra, nghiên cứu thị trường trong nước và ngoài nước, có kế hoạch mở rộng thị
trường tiêu thụ, cải tiến mặt hàng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng;
xác định ký hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm, và tổ chức việc quảng cáo, giới thiệu
mặt hàng; tổ chức những hình thức thích hợp để thu thập ý kiến của người tiêu
dùng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến tổ chức tiêu thụ.
Điều 22:
Để cho kế hoạch cung ứng và tiêu thụ được tiến hành vững chắc, liên hiệp phải
trực tiếp ký hoặc chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc ký các hợp đồng kinh tế ngắn
hạn hoặc dài hạn với những đơn vị cung ứng, đơn vị tiêu thụ. Liên hiệp chịu
trách nhiệm về các hợp đồng mà mình đã ký kết, theo đúng chế độ hợp đồng kinh tế
của Nhà nước.
Liên hiệp phải thực hiện các biện
pháp thích hợp như mở hội nghị khách hàng cung ứng, khách hàng tiêu thụ để lấy
được nhiều ý kiến của nhân dân và của khách hàng nhằm không ngừng nâng cao chất
lượng cung ứng và tiêu thụ.
Điều 23:
Liên hiệp được đặt quan hệ và giao dịch với các tổ chức kinh doanh của nước
ngoài để giải quyết các vấn đề cung ứng vật tư - kỹ thuật hoặc tiêu thụ sản phẩm,
theo đúng chính sách, kế hoạch, pháp luật của Nhà nước về hợp tác kinh tế quốc
tế và ngoại thương.
E. TÀI CHÍNH,
TÍN DỤNG, GIÁ CẢ.
Điều 24:
Liên hiệp chịu trách nhiệm trước nhà nước và trước Bộ chủ quản về tình hình bảo
vệ và sử dụng tài sản trong liên hiệp (kể cả tài sản do Nhà nước giao và tài sản
do liên hiệp tự làm) theo đúng pháp luật, và bảo đảm có hiệu quả nhất; kiểm tra
các xí nghiệp và cơ sở trong liên hiệp thực hiện các biện pháp có hiệu lực
trong việc bảo vệ và sử dụng tài sản.
Liên hiệp có quyền điều hòa, phối
hợp việc sử dụng tài sản cố định (sản xuất và phi sản xuất), vốn lưu động
trong phạm vi của liên hiệp.
Mọi việc chuyển nhượng, cho thuê
tài sản thừa hoặc tạm thời chưa dùng đến của liên hiệp và của các xí nghiệp trực
thuộc đều do liên hiệp quyết định theo trình tự pháp chế hiện hành.
Điều 25:
Liên hiệp có nhiệm vụ thực hiên và không ngừng củng cố chế độ hạch toán kinh tế
trong toàn liên hiệp; trong từng kỳ kế hoạch, liên hiệp phải tính toán và chọn
phương án sản xuất – kinh doanh tốt nhất cho toàn liên hiệp nhằm với chi phí ít
mà đạt hiệu quả kinh tế cao. Đối với xí nghiệp trực thuộc, liên hiệp có trách
nhiệm chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện đúng đắn chế độ hạch toán kinh tế.
Điều 26:
Liên hiệp có nhiệm vụ hướng dẫn việc xây dựng và xét duyệt kế hoạch tài chính của
xí nghiệp, bảo đảm không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong toàn liên hiệp;
xét duyệt kế hoạch tín dụng của xí nghiệp và kiểm tra các xí nghiệp sử dụng vốn
tín dụng có hiệu quả; thúc đẩy các tổ chức tài chính và ngân hàng bảo đảm việc
cấp phát vốn ngân sách và vốn tín dụng cho xí nghiệp được kịp thời.
Liên hiệp phải quyết toán và
phân tích hoạt động kinh tế định kỳ theo đúng các quy định của Nhà nước; phải lập
bảng tổng kết tài sản chung của liên hiệp, bao gồm phần cơ quan liên hiệp trực
tiếp sản xuất – kinh doanh phục vụ cho toàn liên hiệp và phần của các xí nghiệp
trực thuộc.
Điều 27:
Liên hiệp có một quỹ để hoạt động như quỹ đầu tư xây dựng cơ bản mới, quỹ
nghiên cứu khoa học – kỹ thuật và ứng dụng kỹ thuật mới, quỹ quản lý phí của cơ
quan liên hiệp, quỹ phúc lợi chung của toàn liên hiệp và những quỹ khác do pháp
luật định.
Các liên hiệp làm hàng xuất, nếu
hoàn thành kế hoạch giao nộp hàng xuất, được thưởng một tỷ lệ phần trăm số kim
ngạch ngoại tệ; liên hiệp được sử dụng quỹ ngoại tệ này để mua thiết bị, vật tư
cần thiết.
Căn cứ vào mức độ hoàn thành kế
hoạch của liên hiệp, cơ quan liên hiệp được hưởng chế độ phân phối lợi nhuận,
được trích lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo mức trích lập bình quân
chung của các xí nghiệp và theo quy định của Nhà nước.
Nguồn và cách sử dụng các quỹ của
liên hiệp do pháp luật định.
Điều 28:
Liên hiệp có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng giá và việc chấp hành
chính sách giá trong liên hiệp, theo đúng chế độ và thể lệ của Nhà nước. Liên
hiệp có trách nhiệm cùng với các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng và kiến
nghị với các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt giá thành kế hoạch và giá bán buôn
xí nghiệp các sản phẩm chủ yếu. Liên hiệp được quyền xét duyệt giá thành, giá
bán buôn xí nghiệp đối với một số sản phẩm theo quy định phân cấp quản lý giá của
Nhà nước.
Đối với các nửa thành phẩm, dịch
vụ, sửa chữa trong nội bộ liên hiệp, liên hiệp căn cứ vào chế độ quản lý giá
thành và lãi định mức của Nhà nước mà quy định các giá thanh toán nội bộ.
Đối với mặt hàng mới, liên hiệp
được quy định giá tạm thanh toán nếu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyển chưa kịp
xác định giá chính thức cho các mặt hàng đó theo thời hạn quy định. Đối với
những sản phẩm chế thử, những sản phẩm ngoài kế hoạch, liên hiệp căn cứ vào
nguyên tắc định giá và giá chuẩn, để định giá.
Chương 3:
TỔ CHỨC QUẢN LÝ CỦA LIÊN
HIỆP CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH
Điều 29:
Tổng giám đốc liên hiệp quản lý liên hiệp các xí nghiệp theo chế độ thủ trưởng.
Tổng giám đốc có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra toàn bộ hoạt động của liên
hiệp, chịu trách nhiệm trước Nhà nước và Bộ chủ quản về việc bảo đảm thực hiện
mọi nhiệm vụ của liên hiệp phù hợp với chính sách, chế độ, pháp luật của Nhà nước
và các chỉ thị, nghị quyết của Bộ chủ quản.
Tổng giám đốc do Thủ tướng Chính
phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ chủ quản. Giúp Tổng giám đốc trong
công tác quản lý có các Phó tổng giám đốc,kế toán trưởng và cán bộ pháp lý của
liên hiệp .
Các Phó tổng giám đốc phụ trách
từng lĩnh vực công tác như sản xuất, khoa học – kỹ thuật, kinh tế - tài chính,
xây dựng cơ bản, tổ chức đời sống vật chất và văn hóa…
Căn cứ vào yêu cầu và điều kiện
cụ thể của liên hiệp, Bộ trưởng Bộ chủ quản quyết định số phó tổng giám đốc cần
có và bổ nhiệm các phó tổng giám đốc.
Khi vắng mặt, Tổng giám đốc ủy
quyền cho một phó tổng giám đốc thay mặt trong công tác chỉ đạo chung.
Kế toán trưởng
liên hiệp giúp tổng giám đốc thực hiện đúng đắn chế độ hạch toán kinh tế, chỉ đạo
công tác thống kê - kế toán của liên hiệp, và kiểm tra tài chính trong liên hiệp
theo đúng chế độ kế toán trưởng hiện hành.
Cán bộ pháp lý giúp tổng giám đốc
bảo đảm mọi hoạt động của liên hiệp được tiến hành theo đúng pháp chế; giúp tổng
giám đốc giải quyết các vấn đề tranh chấp hoặc vi phạm pháp luật.
Bộ máy và biên chế của cơ quan
liên hiệp do tổng giám đốc liên hiệp đề nghị và do Bộ trưởng Bộ chủ quản quyết
định.
Tổng giám đốc liên hiệp xét duyệt
cơ cấu bộ máy quản lý của các xí nghiệp và quản lý cán bộ trong toàn liên hiệp,
theo sự phân cấp quản lý của Nhà nước.
Điều 30:
Liên hiệp có một hội đồng kinh tế - kỹ thuật làm chức năng tư vấn cho tổng giám
đốc, Hội đồng này có nhiệm vụ bàn tập thể các vấn đề chủ yếu có liên quan đến tổ
chức và hoạt động của liên hiệp.
Hội đồng kinh tế - kỹ thuật gồm
tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng của liên hiệp, các giám đốc
xí nghiệp và thủ trưởng các đơn vị khác trong liên hiệp, thư ký công đoàn của
liên hiệp. Chủ tịch hội đồng là tổng giám đốc liên hiệp. Tùy theo trường hợp cần
thiết, hội đồng có thể mời chuyên gia giỏi về kỹ thuật, về quản lý và những
công nhân tiên tiến tham gia cuộc họp của hội đồng.
Tổng giám đốc có trách nhiệm đưa
ra hội đồng của liên hiệp bàn tập thể các vấn để chủ yếu sau đây:
- Các phương án và dự án quy hoạch
phát triển sản xuất dài hạn, 5 năm và hàng năm;
- Các phương án, dự án đầu tư
xây dựng cơ bản và cải tiến trang bị kỹ thuật;
- Các dự án, chương trình hoạt động
khoa học - kỹ thuật, thiết kế chế tạo sản phẩm mới, các tiêu chuẩn, định mức
kinh tế - kỹ thuật chủ yếu;
- Các dự án cải tiến tổ chức sản
xuất, tổ chức lao động, đào tạo, sử dụng cán bộ, công nhân;
- Các chủ trương và biện pháp lớn
về tăng cường chế độ hạch toán kinh tế, cải tiến tổ chức cung ứng vật tư và
tiêu thụ sản phẩm. giá thành và giá cả…;
- Kế hoạch sử dụng các quỹ chung
của liên hiệp;
- Các kiến nghị với nhà nước về
hợp tác kinh tế và giao dịch mua bán với nước ngoài, v.v…
Những kết quả thảo luận của hội
đồng được thực hiện bằng các quyết định của tổng giám đốc. Tổng giám đốc
chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước Bộ chủ quản về quyết định của mình.
Điều 31:
Tổng giám đốc liên hiệp phải báo cáo đầy đủ, chính xác tình hình hoạt động sản
xuất – kinh doanh lên cấp trên trực tiếp theo đúng quy định về nội dung và thời
gian.
Hàng năm, liên hiệp phải chuẩn bị
đầy đủ các số liệu, tài liệu và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có
trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đến kiểm tra và xác nhận kết quả sản xuất –
kinh doanh của liên hiệp.
Chương 4:
NHÓM SẢN PHẨM VÀ HỘI ĐỒNG
SẢN XUẤT NGÀNH
Điều 32:
Nhóm sản phẩm là một tổ chức hiệp tác theo nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng
giũa các xí nghiệp quốc doanh Trung ương, quốc doanh địa phương, hợp tác xã sản
xuất và các cơ sở sản xuất thuộc các hình thức sở hữu khác, cùng tiến
hành sản xuất một loại sản phẩm giống nhau, hoặc có quan hệ hợp tác với nhau để
sản xuất một loại sản phẩm, hoặc để đáp ứng một nhu cầu cần thiết của nền kinh
tế quốc dân.
Các cơ sở sản xuất trong nhóm sản
phầm cùng nhau tiến hành việc nghiên cứu nhu cầu thị trường; thực hiện sự phân
công và hợp tác sản xuất,cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh
nghiệm và giúp nhau về công tác quản lý, về nghiên cứu khoa học – kỹ thuật, áp
dụng kỹ thuật mới: thực hiện thống nhất các chế độ quản lý kinh tế và kỹ thuật
của ngành… nhằm tận dụng mọi năng lực sản xuất, tăng nhanh năng suất lao động,
nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, hạ chi phí sản xuất…
Tổng giám đốc liên hiệp có nhiệm
vụ tổ chức và chỉ đạo công tác của nhóm sản phẩm trong ngành; bàn bạc và thỏa
thuận với các ngành, các địa phương về việc sắp xếp các xí nghiệp và cơ sở sản
xuất vào nhóm sản phẩm; chỉ định xí nghiệp chủ đạo của nhóm sản phẩm; xây dựng
chương trình hoạt động chung cho các nhóm sản phẩm của ngành. Giám đốc xí nghiệp
chủ đạo là chủ tịch nhóm sản phẩm, nhận chỉ thị của tổng giám đốc và có nhiệm vụ
báo cáo trước tổng giám đốc về công tác của nhóm sản phẩm.
Điều 33:
Đối với những ngành có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp địa phương, có thể tổ
chức hội đồng sản xuất ngành gồm tổng giám đốc liên hiệp, một số giám đốc xí
nghiệp của liên hiệp, các giám đốc của các xí nghiệp liên hợp cùng ngành của địa
phương đại diện của một số sở, ty công nghiệp, chủ tịch nhóm sản phẩm, để bàn về
các vấn đề sau đây:
- Quy hoạch và kế hoạch phát triển
dài hạn, kế hoạch 5 năm, kế hoạch đầu tư mới của toàn ngành;
- Kế hoạch sản xuất hàng năm;
cân đối vật tư và cân đối sản phẩm ngành;
- Tổ chức nghiên cứu khoa học -
kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới;
- Phân công và hợp tác sản xuất
các mặt hàng;
- Cung ứng vật tư - kỹ thuật;
- Tiêu thụ sản phẩm;
- Kế hoạch và tổ chức đào tạo
công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý.
Chương 5:
THÀNH LẬP, PHÂN CHIA,
SÁP NHẬP GIẢI THỂ LIÊN HIÊP CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH
Điều 34:
Liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh được thành lập theo quyết định của Thủ tướng
Chính phủ, Trong quyết định, có ghi rõ tên liên hiệp các xí nghiệp, đối tượng sản
xuất – kinh doanh của liên hiệp, các xí nghiệp và cơ sở cấu thành liên hiệp, trụ
sở của liên hiệp, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của liên hiệp, ngày liên
hiệp bắt đầu hoạt động.
Điều 35:
Việc phân chia, sáp nhập, giải thể liên hiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định,
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập liên hiệp mới do sự phân
chia hoặc sáp nhập đó cũng ghi rõ các điểm nói ở Điều 34.
Điều 36:
Khi phân chia, sáp nhập hoặc giải thể liên hiệp các xí nghiệp, Bộ chủ quản có
trách nhiệm tiến hành các công việc và thủ tục cần thiết để giải quyết hợp lý
và theo đúng pháp luật các vấn đề về tài sản, cán bộ, công nhân, nghĩa vụ thực
hiện kế hoạch và thực hiện hợp đồng kinh tế, cùng các vấn đề khác có liên quan
đến việc biến đổi về tồ chức nói trên.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 37:
Điều lệ này được áp dụng cho tất cả các liên hiệp, các xí nghiệp quốc doanh sản
xuất công nghiệp, nông nghiệp, vận tải xây dựng.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan Trực thuộc hội đồng Chính phủ quản lý các ngành kinh tế
- Kỹ thuật, có trách nhiệm
nghiên cứu việc thành lập các liên hiệp thuộc các ngành do mình quản lý, đề nghị
lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Căn cứ vào điều lệ này, các Bộ
chủ quản xét duyệt điều lệ riêng của từng liên hiệp trực thuộc; chỉ đạo và kiểm
tra các liên hiệp trực thuộc thực hiện đúng đắn điều lệ và tiến hành hoạt động
sản xuất – kinh doanh có hiệu quả./.
|
TM.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ
THỦ TƯỚNG
Lê
Thanh Nghị
|