ỦY
BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
09/2009/PL-UBTVQH12
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2009
|
PHÁP LỆNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH TỔ CHỨC ĐIỀU TRA
HÌNH SỰ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều
theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11;
Căn cứ Nghị quyết số 27/2008/NQ-QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ
khóa XII (2007-2011);
Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của
Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự.
Điều 1.
Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự:
1. Điều 19
được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều 19. Quyền hạn điều
tra của Bộ đội biên phòng
1. Bộ đội biên phòng khi thực hiện
nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại
Chương XI và các điều 119, 120, 153, 154, 172, 180, 181, 188, 192, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 236, 263, 264, 273, 274 và 275 của Bộ luật hình sự xảy ra trong khu vực biên giới trên đất
liền, bờ biển, hải đảo và trên các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý thì
những người quy định tại khoản 2 Điều này có quyền:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng
trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng
thì ra quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời
khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến
vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện
pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra
và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn hai mươi
ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng,
rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức
tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời
khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến
vụ án; khi xét thấy cần ngăn chặn ngay người có hành vi phạm tội chạy trốn,
tiêu hủy chứng cứ hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm thì giải ngay người đó đến
cơ quan Công an và xin ngay lệnh bắt khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền; chuyển
hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ
ngày ra quyết định khởi tố vụ án;
c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn
theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Cục trưởng Cục trinh sát biên
phòng có quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với các tội phạm quy định
tại Chương XI và các điều 119, 120, 153, 154, 172, 180, 181, 188, 230, 232, 236, 263, 264, 273, 274 và 275 của Bộ luật hình sự.
Cục trưởng Cục phòng, chống tội
phạm ma túy Bộ đội biên phòng có quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này đối với
các tội phạm quy định tại các điều 192, 193,
194, 195 và 196 của
Bộ luật hình sự.
Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng đồn biên phòng có quyền hạn quy định
tại khoản 1 Điều này đối với các tội phạm quy định tại Chương XI và các điều 119, 120, 153, 154, 172, 180, 181, 188, 192, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 236, 263, 264, 273, 274 và 275 của Bộ
luật hình sự.
3. Cục trưởng Cục trinh sát biên
phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội biên phòng, Chỉ huy
trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng đồn biên
phòng trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra theo thẩm quyền, quyết
định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm
tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định
không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết tố cáo theo quy định
của Bộ luật tố tụng hình sự.
Khi Cục trưởng Cục trinh sát
biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội biên phòng, Chỉ
huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng đồn
biên phòng vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp
trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng về nhiệm
vụ được giao.
4. Khi được phân công điều tra vụ
án hình sự, Phó Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng, Phó Cục trưởng Cục phòng,
chống tội phạm ma túy Bộ đội biên phòng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương, Phó Trưởng đồn biên phòng có quyền áp dụng các
biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục
trinh sát biên phòng, Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tội phạm ma
túy Bộ đội biên phòng, Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng đồn, Phó Trưởng đồn biên phòng phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình."
2. Điều 22
được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều 22. Quyền hạn điều
tra của lực lượng Cảnh sát biển
1. Các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh
sát biển khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội
phạm quy định tại Chương XI và các điều 153, 154,
172, 183, 188, 194, 195, 196, 212, 213, 221, 223, 230, 231, 232, 236, 238, 273 và 274 của Bộ luật hình sự xảy ra trên
các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do lực
lượng Cảnh sát biển quản lý thì những người quy định tại khoản 2 Điều này có
quyền:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng
trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng
thì ra quyết định khởi tố vụ án, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời
khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến
vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện
pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc điều tra
và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn hai mươi
ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng,
rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức
tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám
xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan
trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền
trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;
c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn
theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Cục trưởng, Chỉ huy trưởng
Vùng, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Cảnh sát biển có quyền hạn
quy định tại khoản 1 Điều này đối với các tội phạm quy định tại Chương XI và
các điều 153, 154, 172,
183, 188, 194, 195, 196, 212, 213, 221, 223, 230, 231, 232, 236, 238, 273 và 274 của Bộ luật hình sự.
Trưởng phòng phòng, chống tội phạm
ma túy, Cụm trưởng Cụm đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy có quyền hạn quy
định tại khoản 1 Điều này đối với các tội phạm quy định tại các điều 194, 195 và 196 của
Bộ luật hình sự.
3. Cục trưởng, Chỉ huy trưởng
Vùng, Trưởng phòng phòng, chống tội phạm ma túy, Cụm trưởng Cụm đặc nhiệm
phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Cảnh
sát biển trực tiếp tổ chức, chỉ đạo các hoạt động điều tra theo thẩm quyền, quyết
định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm
tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định
không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết tố cáo theo quy định
của Bộ luật tố tụng hình sự.
Khi Cục trưởng, Chỉ huy trưởng
Vùng, Trưởng phòng phòng, chống tội phạm ma túy, Cụm trưởng Cụm đặc nhiệm
phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Cảnh
sát biển vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp
trưởng quy định tại khoản này và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng về nhiệm
vụ được giao.
4. Khi được phân công điều tra vụ
án hình sự, Phó Cục trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Vùng, Phó Trưởng phòng phòng, chống
tội phạm ma túy, Phó Cụm trưởng Cụm đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Phó
Hải đoàn trưởng, Phó Hải đội trưởng và Phó Đội trưởng Cảnh sát biển có quyền áp
dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Cục trưởng, Phó Cục trưởng,
Chỉ huy trưởng Vùng, Phó Chỉ huy trưởng Vùng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng
phòng, chống tội phạm ma túy, Cụm trưởng, Phó Cụm trưởng Cụm đặc nhiệm phòng,
chống tội phạm ma túy, Hải đoàn trưởng, Phó Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng,
Phó Hải đội trưởng, Đội trưởng và Phó Đội trưởng Cảnh sát biển phải chịu trách
nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình."
3. Điều 23
được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều
23. Quyền hạn điều tra của các cơ quan khác của lực lượng Cảnh sát trong Công
an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
1. Cục Cảnh sát giao thông đường
bộ - đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa
cháy, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát bảo vệ và
hỗ trợ tư pháp, Cục Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ -
đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa
cháy, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát bảo vệ
và hỗ trợ tư pháp, Phòng Cảnh sát môi trường, Trại tạm giam, Trại giam trong
khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm
quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh
này thì Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục trưởng Cục
Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy,
Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh
sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Trưởng Phòng
Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường
thuỷ, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Trưởng Phòng Cảnh sát quản
lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư
pháp, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Giám thị trại tạm giam, Giám thị trại
giam ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám
xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ
án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn
bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
2. Cục trưởng, Trưởng phòng quy
định tại khoản 1 Điều này, Giám thị trại tạm giam, Giám thị trại giam trực tiếp
tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp
phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định
thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp
phó, giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Khi Cục trưởng, Trưởng phòng,
Giám thị trại tạm giam, Giám thị trại giam vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm
thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản này và phải chịu
trách nhiệm trước cấp trưởng về nhiệm vụ được giao.
3. Khi được phân công điều tra vụ
án hình sự, Phó Cục trưởng, Phó Trưởng phòng, Phó Giám thị trại tạm giam, Phó
Giám thị trại giam có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1
Điều này.
4. Cục trưởng, Phó Cục trưởng,
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Giám thị, Phó Giám thị trại tạm giam, Giám thị,
Phó Giám thị trại giam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi
và quyết định của mình."
Điều 2.
1. Pháp lệnh
này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2009.
2. Chính phủ, Viện kiểm sát nhân
dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn
thi hành Pháp lệnh này.
|
TM.
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Nguyễn Phú Trọng
|