BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG
BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
17/2006/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BYT
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 11 năm 2006
|
THÔNG TƯ LIÊN
TỊCH
HƯỚNG
DẪN CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
Căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26
tháng 5 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu
đãi người có công với cách mạng;
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Bộ Tài
chính - Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Điều 30 của Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày
26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ như sau:
Phần
1:
CHẾ ĐỘ
BẢO HIỂM Y TẾ
Chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người có
công với cách mạng và thân nhân của họ thực hiện theo qui định tại Thông tư liên
tịch số 21/2005/TTLT/BYT-BTC ngày 27 tháng 7 năm 2005 của Liên Bộ Y tế-Tài
chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc và được sửa đổi, bổ sung một
số nội dung như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC BẢO HIỂM Y TẾ
1. Đối tượng qui định
tại tiết a điểm 6 mục I phần I của Thông tư liên tịch số 21/2005/TTLT/BYT-BTC
được sửa đổi như sau:
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01
tháng 01 năm 1945;
- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng
01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945.
2. Đối tượng qui định
tại tiết h điểm 6 mục I phần I của Thông tư liên tịch số 21/2005/TTLT/BYT-BTC
được sửa đổi như sau:
- Người được hưởng trợ cấp phục vụ thương
binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy
giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Con của: thương binh, người hưởng chính
sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động
từ 81% trở lên từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học
hoặc bị bệnh tật nặng khi hết thời hạn hưởng BHYT vẫn bị suy giảm khả năng lao
động từ 61% trở lên.
3. Đối tượng qui định
tại điểm 6 mục I phần I của Thông tư liên tịch số 21/2005/TTLT/BYT-BTC được bổ
sung như sau:
Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân
tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được Nhà nước tặng Huân chương
Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến.
II. QUYỀN LỢI BẢO
HIỂM Y TẾ
Sửa đổi tiết a điểm 3.2 khoản 3 mục I phần II
của Thông tư liên tịch số 21/2005/TTLT/BYT-BTC:
Đối với người hoạt động cách mạng trước ngày
01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945
đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng,
thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh
binh điều trị vết thương, bệnh tật tái phát tại các cơ sở khám chữa bệnh do
BHYT qui định, người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên: Quĩ BHYT thanh toán 100% chi
phí của dịch vụ.
Phần 2:
CHẾ ĐỘ
ĐIỀU DƯỠNG
I. ĐỐI TƯỢNG
1. Điều dưỡng mỗi năm một lần
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01
tháng 01 năm 1945.
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng
01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945.
c) Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
d) Thương binh, người hưởng chính sách như
thương binh, thương binh loại B (gọi chung là thương binh), bệnh binh có tỷ lệ
suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên đang sống tại
gia đình.
đ) Người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà
nước tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”.
2. Điều dưỡng luân phiên 05 năm một lần
a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ,
người có công nuôi dưỡng liệt sĩ;
b) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh
hùng Lao động trong kháng chiến;
c) Người có công giúp đỡ cách mạng trong
kháng chiến;
d) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc
hoá học;
đ) Thương binh, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm
khả năng lao động do thương tật, bệnh tật dưới 81% đang sống tại gia đình;
e) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng
chiến bị địch bắt tù đày.
II. CHẾ ĐỘ ĐIỀU DƯỠNG
1. Phương thức điều dưỡng
a) Điều dưỡng tại các cơ sở điều dưỡng:
- Điều dưỡng một lần, tối đa là 10 ngày
(không kể thời gian đi và về).
- Mức chi điều dưỡng: 1.000.000 đồng/
người/lần, bao gồm:
+ Tiền ăn sáng và 2 bữa chính: 650.000 đồng
+ Thuốc bổ và thuốc chữa bệnh thông thường:
50.000 đồng
+ Chi khác (quà tặng, tiền điện, nước cho nhà
nghỉ, khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, nghe chuyện thời sự, văn
nghệ, tham quan, chụp ảnh, báo chí, phục hồi chức năng,...): 300.000 đồng.
Trong thời gian điều dưỡng tập trung nếu bị
ốm đau đột xuất thì được giới thiệu đi điều trị tại bệnh viện gần nhất theo chế
độ BHYT hiện hành.
b) Điều dưỡng tại gia đình:
- Điều dưỡng một lần.
- Mức chi điều dưỡng 700.000 đồng/người/lần.
2. Thực hiện
a) Hàng năm, căn cứ dự toán chi ưu đãi người
có công và thực tế đối tượng thuộc diện điều dưỡng của từng địa phương, Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính phân bổ kinh phí ngay từ
đầu năm cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội quyết định số lượng và lập danh
sách đối tượng được điều dưỡng (mẫu số 01-CSSK) theo quy định tại mục I phần II
của Thông tư này.
b) Việc điều dưỡng thực hiện chủ yếu tại các
cơ sở điều dưỡng và tại gia đình; tuỳ theo tình trạng thương tật, bệnh tật và
sức khoẻ của đối tượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định
số lượng điều dưỡng tại gia đình cho phù hợp (mẫu số 02a, 02b-CSSK). Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế thực hiện thăm khám sức khoẻ
cho đối tượng điều dưỡng tại gia đình.
c) Mức chi quy định tại điểm 1 mục II phần II
của Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.
Phần
3:
CHẾ ĐỘ
CẤP TIỀN MUA PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
I. ĐỐI TƯỢNG
1. Đối tượng được cấp tiền mua phương tiện
trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01
tháng 01 năm 1945;
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng
01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945;
c) Thân nhân của liệt sĩ đang hưởng trợ cấp
hàng tháng;
d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh
hùng Lao động trong kháng chiến;
e) Thương binh;
g) Bệnh binh;
h) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất
độc hoá học đang hưởng trợ cấp hàng tháng;
i) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng
chiến bị địch bắt tù, đày được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến, Huy
chương Kháng chiến;
k) Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng
Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước” ;
l) Con đẻ bị dị dạng, dị tật của người tham
gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.
2. Đối tượng được phục hồi chức năng
a) Thương binh;
b) Bệnh binh;
c) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất
độc hoá học đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
II. CHẾ ĐỘ CẤP TIỀN MUA PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP,
DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
1- Chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp,
dụng cụ chỉnh hình
Tuỳ theo tình trạng thương tật hoặc bệnh tật,
người có công với cách mạng theo qui định tại điểm 1 mục I phần III của Thông
tư này được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình theo
chỉ định của các cơ sở chỉnh hình phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động -
Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh trở lên (gọi tắt là cơ sở y
tế) như sau:
a) Chế độ đối với người bị cụt chân, cụt tay:
- Người bị cụt chân được cấp tiền để mua chân
giả sử dụng trong ba năm (nếu cư trú ở miền núi, vùng cao thì sử dụng trong hai
năm); mỗi năm được cấp thêm 170.000 đồng để mua các vật phẩm phụ.
- Người bị cụt tay được cấp tiền để mua tay
giả sử dụng trong ba năm; mỗi năm còn được cấp 60.000 đồng để mua các vật phẩm
phụ.
- Người bị mất cả bàn chân hoặc nửa bàn chân
không có khả năng lắp chân giả, hoặc bị ngắn chân, bàn chân bị lệch vẹo được
cấp tiền để mua một đôi giầy chỉnh hình hoặc một đôi dép chỉnh hình sử dụng
trong một năm.
b) Người bị liệt:
- Người bị liệt nửa người, liệt 2 chi dưới,
liệt hoàn toàn, người bị cụt 2 chân không còn khả năng tự di chuyển được cấp
tiền để mua xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế sử dụng trong bốn năm;
ngoài ra còn được cấp thêm 300.000 đồng/năm để bảo trì phương tiện.
Riêng thương binh, bệnh binh bị liệt nửa
người, liệt hoàn toàn được cấp thêm 1.000.000 đồng/năm để mua các đồ dùng phục
vụ sinh hoạt.
- Người bị liệt chân nhưng vẫn còn khả năng
tự di chuyển được cấp tiền mua nẹp atten để sử dụng trong hai năm; mỗi năm được
cấp tiền mua 01 đôi giầy chỉnh hình hoặc 01 đôi dép chỉnh hình và cấp thêm
60.000 đồng/năm để mua các vật phẩm phụ.
c) Người bị cứng khớp gối được cấp 60.000
đồng/năm để mua nạng và các vật phẩm phụ.
d) Thương binh, bệnh binh bị điếc do thương
tật, bệnh tật ( căn cứ biên bản giám định y khoa và chỉ định của bệnh viện cấp
tỉnh trở lên) mỗi năm được cấp 200.000 đồng để mua máy trợ thính.
e) Thương binh bị gãy răng, hỏng hàm do
thương tật (căn cứ biên bản giám định y khoa và chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh
trở lên) được cấp tiền 5 năm 1 lần để làm răng giả, hàm giả với mức giá 1 triệu
đồng/1răng.
g) Thương binh, bệnh binh bị hỏng mắt do
thương tật, bệnh tật (căn cứ biên bản giám định y khoa và chỉ định của bệnh
viện cấp tỉnh trở lên) được cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội thanh toán
tiền lắp mắt giả theo chứng từ thực tế của cơ sở y tế nơi điều trị; ngoài ra
còn được cấp 100.000 đồng/năm để mua kính râm, gậy dò đường.
h) Thương binh, bệnh binh bị thể tâm thần
kích động được cấp thêm một khoản tiền là 1.000.000 đồng/năm để mua các đồ dùng
phục vụ sinh hoạt (không trùng cấp khoản tiền này nếu đồng thời là thương binh,
bệnh binh bị liệt nửa người, liệt hoàn toàn).
2- Chế độ phục hồi chức năng và thanh toán
tiền lưu trú, tiền tàu xe khi đi làm dụng cụ chỉnh hình:
a) Người có công với cách mạng theo qui định
tại điểm 2 Mục I Phần III của Thông tư này khi đi điều trị phục hồi chức năng
theo chỉ định của các cơ sở y tế được:
- Thanh toán tiền tàu, xe theo giá quy định
của Nhà nước với phương tiện thông thường như xe khách, tàu hoả, tàu thuỷ từ
nơi cư trú đến cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng gần nhất đủ điều kiện về
chuyên môn kỹ thuật gần nhất.
- Hỗ trợ tiền ăn mức 30.000 đồng/ngày trong
thời gian điều trị, tập luyện tại cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng.
Việc thanh toán tiền tàu xe, hỗ trợ tiền ăn
chỉ được thực hiện nếu có đủ vé tàu, xe; Giấy ra viện và xác nhận của cơ sở
cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng vào Sổ theo dõi).
b) Người có công với cách mạng theo qui định
tại Mục I Phần III của Thông tư này khi đi làm chân giả, tay giả, nẹp chỉnh
hình, giày chỉnh hình, dép chỉnh hình, răng giả, mắt giả (gọi tắt là dụng cụ
chỉnh hình) được hỗ trợ kinh phí mỗi niên hạn 2 lần, cụ thể như sau:
- Thanh toán tiền tàu, xe theo giá quy định
của Nhà nước với phương tiện thông thường như xe khách, tàu hoả, tàu thuỷ từ
nơi cư trú đến cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện về chuyên môn kỹ thuật cung cấp
dụng cụ chỉnh hình.
- Hỗ trợ tiền lưu trú mức 30.000 đồng/ngày
(tối đa không quá 5 ngày cho một lần, kể cả thời gian đi và về) khi đi làm dụng
cụ chỉnh hình.
Việc thanh toán tiền tàu xe, hỗ trợ lưu trú
được thực hiện đồng thời trong một lần thanh toán (phải có vé tàu, xe; xác nhận
của cơ sở cung cấp dụng cụ chỉnh hình vào Sổ theo dõi).
III. THỦ TỤC, QUI
TRÌNH, TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, CẤP PHÁT KINH PHÍ
1. Thủ tục cấp và đổi Sổ theo dõi trợ cấp
phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình ( gọi tắt là Sổ theo dõi):
a) Người có công với cách mạng thuộc diện
được hưởng chế độ trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình:
- Người được chỉ định sử dụng phương tiện trợ
giúp, dụng cụ chỉnh hình lần đầu làm tờ khai (mẫu số 03-CSSK) kèm chỉ định của
cơ sở y tế. Trường hợp đang thường trú tại địa phương thì UBND cấp xã xác nhận
tờ khai và gửi toàn bộ giấy tờ về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng
Nội vụ-Lao động Xã hội cấp huyện (gọi chung là Phòng Lao động - Thương binh và
Xã hội). Trường hợp đang được nuôi dưỡng tại các đơn vị nuôi dưỡng thương bệnh
binh và người có công (sau đây gọi tắt là Trung tâm) thì Giám đốc Trung tâm xác
nhận tờ khai này.
- Người đã được cấp Sổ theo dõi theo mẫu cũ
thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thường trú hoặc Trung tâm làm
thủ tục báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hộiđổi Sổ theo dõi.
b) Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội và
Trung tâm:
- Kiểm tra, đối chiếu danh sách chi trả; lập
danh sách người có công với cách mạng được trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng
cụ chỉnh hình (mẫu số 04-CSSK, sau đây gọi tắt là danh sách) kèm theo bản kê
khai, giấy chỉ định của cơ sở y tế, Sổ theo dõi cũ gửi về Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội.
- Giao Sổ theo dõi do Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội chuyển về cho người hưởng chính sách.
- Lập sổ quản lý người có công với cách mạng
được trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình (mẫu số 05-CSSK, sau đây
gọi tắt là Sổ quản lý).
c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đang quản lý để
xét duyệt danh sách;
- Quyết định trợ cấp phương tiện trợ giúp,
dụng cụ chỉnh hình (mẫu số 06a, 06b-CSSK), cấp Sổ theo dõi (mẫu số 07-CSSK) gửi
về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm.
- Mở sổ quản lý (mẫu số 05-CSSK).
2. Quy trình, trách nhiệm quản lý, cấp phát
kinh phí:
a) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội,
các Trung tâm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hàng năm lập danh sách
(mẫu số 04-CSSK) cùng với dự toán kinh phí ưu đãi người có công gửi Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội theo qui định.
b) Sở Lao động-Thương binh và Xã hội lập bảng
tổng hợp dự toán (mẫu số 07-CSSK) cùng với dự toán kinh phí ưu đãi người có
công của địa phương; thực hiện cấp phát, quản lý, thanh quyết toán theo qui
định tại Thông tư số 84/2005/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 23 tháng 9 năm 2005 của Liên
tịch Bộ Tài chính-Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
c) Các Trung tâm trực thuộc Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội hàng năm lập danh sách (mẫu số 04-CSSK) cùng với dự toán
kinh phí ưu đãi người có công gửi Cục Thương binh-Liệt sỹ và Người có công để
tổng hợp vào dự toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thực hiện cấp
phát, quản lý, thanh quyết toán theo qui định.
3. Các khoản chi phục vụ cho việc tổ chức đổi
và cấp Sổ theo dõi; cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình do
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm chi theo qui định hiện
hành.
Việc cấp phát trợ cấp mua phương tiện trợ
giúp, dụng cụ chỉnh hình và tiền mua vật phẩm phụ cho cả niên hạn sử dụng được
thực hiện cùng một lần.
4. Mức trợ cấp phương tiện trợ giúp và dụng
cụ chỉnh hình theo phụ lục đính kèm.
Trong quá trình thực hiện, nếu có biến động
về giá cả thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi với Bộ Tài chính để
điều chỉnh phù hợp với thực tế.
5. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp
với Sở Y tế, Sở Tài chính hướng dẫn việc thực hiện cấp tiền mua phương tiện trợ
giúp, dụng cụ chỉnh hình; đồng thời phối hợp với cơ quan y tế địa phương hướng
dẫn người có công đến các cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện về chuyên môn kỹ
thuật để được cung cấp dịch vụ về chỉnh hình, phục hồi chức năng và các phương
tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình.
Phần
4:
NGUỒN
KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện chế độ qui định tại
Thông tư này do ngân sách Trung ương đảm bảo từ nguồn kinh phí thực hiện Pháp
lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Kinh phí đưa đón và chi khác (nếu có) để
đi điều dưỡng tập trung do ngân sách địa phương chi từ nguồn đảm bảo xã hội
được giao hàng năm.
3. Việc cấp phát, sử dụng, quyết toán kinh
phí thực hiện theo qui định hiện hành của Nhà nước.
Phần 5:
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chỉ đạo việc tổ chức triển khai, thực hiện đầy đủ các nội dung
qui định tại Thông tư này.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn, dự
toán kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh
hình, phục hồi chức năng theo qui định tại Thông tư này đối với người có công
do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15
ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các Thông tư số 07/1999/TT-BLĐTBXH
ngày 11 tháng 3 năm 1999 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực
hiện chế độ trang cấp đối với thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách
như thương binh; Thông tư liên tịch số 17/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 9 tháng 5
năm 2005 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện chế độ điều dưỡng đối với người có công với cách mạng; tiết a, tiết h
điểm 6 Mục I Phần I và tiết a điểm 3.2 khoản 3 mục I phần II của Thông tư liên
tịch số 21/2005/TTLT/BYT-BTC ngày 27 tháng 7 năm 2005 của Liên Bộ Y tế-Tài
chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc
cần phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính -
Bộ Y tế để xem xét, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Xuyên
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
Huỳnh Thị Nhân
|
Nơi nhận:
-
Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Các Cục, Vụ thuộc Bộ LĐTBXH, Bộ TC. Bộ YT;
- Lưu: VT Bộ LĐTBXH, Bộ TC, Bộ YT.
BẢNG
GIÁ PHƯƠNG TIỆN TRỢ GIÚP VÀ DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH
(Phụ lục kèm
theo Thông tư liên tịch số 17/2006/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 21 tháng 11 năm
2006)
Số TT
|
Loại dụng
cụ
|
Số tiền
(đ)/1 niên hạn được cấp
|
1
|
Chân tháo khớp hông
|
3.186.000
|
2
|
Chân trên
|
1.488.000
|
3
|
Chân tháo khớp gối
|
1.864.000
|
4
|
Chân tháo khớp bàn
|
1.165.000
|
5
|
Chân dưới dây đeo
số 8
|
1.088.000
|
6
|
Chân dưới có bao da
đùi
|
1.115.000
|
7
|
Nẹp hông
|
1.047.000
|
8
|
Nẹp đùi
|
603.000
|
9
|
Nẹp cẳng chân
|
476.000
|
10
|
Giày chỉnh hình
|
862.000
|
11
|
Dép chỉnh hình
|
504.000
|
12
|
Tay tháo khớp vai
|
1.884.000
|
13
|
Tay trên
|
1.733.000
|
14
|
Tay dưới
|
1.314.000
|
15
|
Xe lắc
|
2.738.000
|
16
|
Xe lăn tay gấp
|
1.945.000
|