ỦY BAN NHÂN DÂNTỈNH YÊN BÁI
*****
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số:1338/2007/QĐ-UBND
|
Yên Bái, ngày 05 tháng 9 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH THU HÚT, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN
ĐỘI NGŨ CÁN BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT, CÁN BỘ QUẢN LÝ VÀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ DÂN TỘC THIỂU
SỐ TỈNH YÊN BÁI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn
cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội
đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm
2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm
2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà
nước;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2007/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7
năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về chính sách thu hút, khuyến khích
phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ
dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số
160/TTr-SNV ngày 23 tháng 8 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành chính sách thu hút, khuyến
khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo
cán bộ dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái.
Điều 2. Phạm vi, đối tượng thu hút và khuyến
khích
1. Đối tượng thu hút
a) Cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đang công tác ở
ngoài tỉnh, và con em các dân tộc trong tỉnh có trình độ chuyên môn giỏi, có
trình độ học vấn từ thạc sỹ trở lên phù hợp với nhu cầu sử dụng của địa phương;
b) Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi, xuất
sắc thuộc các chuyên ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp,
Thương mại và Du lịch, Xây dựng, Giao thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Bưu
chính viễn thông, Phát thanh - Truyền hình, Tài nguyên và Môi trường phù hợp với
nhu cầu sử dụng của tỉnh;
c) Cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đang công tác tại
các sở, ban, ngành, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hệ chính quy loại
khá, tự nguyện và cam kết đến công tác tại các xã vùng cao, huyện vùng cao,
vùng đặc biệt khó khăn.
2. Đối tượng khuyến khích
a) Những chuyên gia giỏi, có năng lực chuyên môn, có khả
năng tư vấn (không kể trong và ngoài tỉnh) làm việc trong một thời gian nhất định,
cho một công việc cụ thể hoặc cho đề tài nghiên cứu theo yêu cầu của tỉnh, đề
xuất các ý tưởng, sáng kiến hoặc kêu gọi được đầu tư có hiệu quả cho tỉnh thì
được thưởng hoặc chi trả thù lao theo thoả thuận hoặc theo hiệu quả đem lại;
b) Cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ đại
học đang công tác tại tỉnh đi học nâng cao sau đại học, trên đại học, học ngoại
ngữ từ chứng chỉ C trở lên, học tiếng dân tộc thiểu số.
Điều 3. Lĩnh vực tập trung thu hút
1. Về lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các
chuyên ngành cần thu hút gồm: Kỹ sư Trồng trọt, Kỹ sư chuyên ngành Giống, Kỹ sư
Lâm nghiệp, Kỹ sư Thuỷ lợi, Kỹ sư Chăn nuôi thú y, Kỹ sư thuỷ sản.
2. Về lĩnh vực Công nghiệp, các chuyên ngành cần thu hút gồm:
Kỹ sư Chế biến, Kỹ sư Cơ khí, Kỹ sư Điện, Kỹ sư Thuỷ công.
3. Về lĩnh vực Thương mại và Du lịch, các chuyên ngành cần
thu hút gồm: Đại học Ngoại thương, Đại học chuyên nghành Kinh tế du lịch, Kinh
tế thương mại, Kinh tế đối ngoại.
4. Về lĩnh vực Xây dựng - Giao thông, các chuyên ngành cần
thu hút gồm: Kiến trúc sư, Kỹ sư Si Li Cát, Kỹ sư Vật liệu xây dựng, Kỹ sư Kết
cấu xây dựng, Kỹ sư Cầu đường bộ, Kỹ sư Kinh tế vận tải, Kỹ sư Kinh tế giao
thông.
5. Về lĩnh vực Y tế, các chuyên ngành cần thu hút gồm: Bác
sỹ, Dược sỹ Đại học, Dược sỹ chuyên khoa cấp I, Dược sỹ chuyên khoa cấp II, Bác
sỹ chuyên khoa cấp I, Bác sỹ chuyên khoa cấp II, Thạc sỹ, Tiến sỹ y, dược.
6. Về lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo, đối tượng cần thu hút:
Tiến sỹ Khoa học, Thạc sỹ, Đại học tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp.
7. Về lĩnh vực Bưu chính viễn thông, Phát thanh - Truyền
hình, chuyên ngành cần thu hút: Kỹ sư chuyên ngành bưu chính viễn thông, Kỹ sư
Điện tử, Kỹ sư Công nghệ thông tin, Đại học Báo chí.
8. Về lĩnh vực
Tài nguyên và Môi trường, các chuyên ngành cần thu hút gồm: Kỹ sư Khai thác mỏ,
Kỹ sư Khí tượng thủy văn, Kỹ sư chuyên ngành Xử lý môi trường, Môi sinh, Kỹ sư
Địa chất.
Điều 4. Đối tượng đào tạo nâng cao trình độ
cho cán bộ
1. Cán bộ dân tộc thiểu số bao gồm: Cán bộ khoa học kỹ thuật,
cán bộ quản lý, cán bộ nguồn quy hoạch là dân tộc thiểu số ở tất cả các cấp,
các ngành, các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ xã, phường, thị trấn;
2. Các chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý đang công tác tại
các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Điều 5. Cơ chế thực hiện
1. Cơ chế tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp
Sinh viên là
con em cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và ngoài tỉnh tốt nghiệp các trường
đại học hệ chính quy loại khá trở lên thuộc các chuyên ngành: Nông nghiệp, Lâm
nghiệp, Công nghiệp, Thương mại và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng,
Giao thông, Y tế, Giáo dục, Bưu chính viễn thông được ưu tiên xem xét, tuyển dụng
vào các cơ quan, đơn vị có nhu cầu và bố trí đúng trình độ ngành nghề đào tạo.
Được bổ sung biên chế ngoài biên chế tỉnh giao hàng năm (nếu đơn vị không còn
biên chế).
Nếu có đơn tình nguyện
và cam kết phục vụ lâu dài tại các xã vùng cao, huyện vùng cao, vùng đặc biệt
khó khăn được xét tuyển dụng vào biên chế của những cơ quan, đơn vị đang có nhu
cầu sử dụng (không phải thực hiện chế độ thi tuyển). Được bố trí đúng trình độ,
ngành nghề đào tạo, được hưởng mọi quyền lợi theo chính sách thu hút của tỉnh.
2. Cơ chế tiếp nhận cán bộ tỉnh ngoài về tỉnh Yên Bái công
tác
Đối với cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ
Thạc sỹ, Tiến sỹ là người tỉnh ngoài có trình độ chuyên môn giỏi, phù hợp với
nhu cầu sử dụng của tỉnh, được xem xét, bố trí vào các cơ quan, đơn vị đang có
nhu cầu theo đúng trình độ và ngành nghề đào tạo, được hưởng mọi quyền lợi theo
chính sách thu hút của tỉnh. Nếu có khả năng phát triển sẽ được ưu tiên quy hoạch,
bổ nhiệm vào các chức danh khi có nhu cầu.
Điều 6. Chính sách thu hút và khuyến khích
1. Chính sách thu hút
a) Đối với cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có
trình độ đào tạo sau Đại học, trên Đại học (Thạc sỹ, Tiến sỹ chuyên môn giỏi)
thuộc các ngành cần thu hút từ tỉnh ngoài và con em các dân tộc trong tỉnh
tình nguyện về Yên Bái công tác từ 5 năm trở lên được trợ cấp một lần ban đầu bằng
tiền:
Tiến sỹ: 50 triệu đồng;
Thạc sỹ: 45 triệu đồng;
Chuyên khoa cấp II: 40 triệu đồng;
Chuyên khoa cấp I: 30 triệu đồng;
Được mua đất ở không phải đấu giá ở nơi đến công tác và được
trả chậm, trả dần trong thời gian từ 5 năm đến 7 năm; được bố trí công tác cho
vợ hoặc chồng (nếu người đó đang công tác và có nhu cầu chuyển vùng đến nơi cần
thu hút); được hỗ trợ kinh phí khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình
độ như chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số.
b) Đối với cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đang
công tác tại các sở, ban, ngành (thuộc vùng thấp) trong tỉnh có trình độ chuyên
môn từ Đại học loại khá trở lên thuộc các lĩnh vực cần thu hút, tự nguyện cam kết
đến công tác từ 5 năm trở lên tại các huyện, xã vùng cao, vùng đặc biệt khó
khăn được hưởng trợ cấp một lần ban đầu, cụ thể như sau:
Tiến sỹ: 50 triệu đồng;
Thạc sỹ: 40 triệu đồng;
Bác sỹ chuyên khoa II: 40 triệu đồng;
Bác sỹ chuyên khoa I: 30 triệu đồng;
Đại học: 25 triệu;
Được mua đất ở không phải đấu giá ở nơi đến công tác, được
trả chậm, trả dần trong thời gian từ 5 năm đến 7 năm; được bố trí công tác cho
vợ hoặc chồng (nếu người đó đang công tác và có nhu cầu chuyển vùng đến nơi cần
thu hút); được hỗ trợ kinh phí khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình
độ như chính sách hộ trợ kinh phí đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số.
c) Đối với sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi,
xuất sắc, được hỗ trợ một lần khi mới nhận công tác, cụ thể như sau:
Loại xuất sắc: 20 triệu đồng;
Loại giỏi: 15 triệu đồng;
Ngoài mức hỗ trợ trên, nếu tình nguyện lên công tác tại các
xã vùng cao, các huyện vùng cao từ 5 năm trở lên được hưởng thêm 10 triệu đồng.
Nếu được cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ,
được hỗ trợ một lần như chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cán bộ dân tộc thiểu
số.
Đối với sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại khá,
tình nguyện đến công tác tại các huyện, các xã vùng cao của tỉnh từ 5 năm trở
lên được hỗ trợ một lần ban đầu là 10 triệu.
Được cộng điểm ưu tiên khi thi tuyển hoặc được xét tuyển
công chức và được hưởng 100% lương theo ngạch, bậc trong thời gian tập sự. Nếu
được cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ thì được hỗ trợ một lần
theo chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số.
2. Chính sách khuyến khích
a) Đối với cán bộ làm hợp đồng, tư vấn theo công việc, yêu
cầu trình độ cao theo nhu cầu của tỉnh, của cơ quan, đơn vị, được trả lương,
thưởng hoặc trả công theo thoả thuận khi ký kết hợp đồng. Nếu có các công trình
khoa học đem lại hiệu quả cao cho tỉnh thì tuỳ theo hiệu quả đem lại sẽ được
khen thưởng.
b) Đối với cán bộ có trình độ Đại học đi học nâng cao trình
độ sau Đại học, trên Đại học, học ngoại ngữ, học tiếng dân tộc thiểu số, được
trợ cấp một lần như chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số,
được nâng bậc lương trước thời hạn sau khi tốt nghiệp.
Các chính sách này không áp dụng đối với cán bộ đi học để
tiêu chuẩn hoá, cán bộ thuộc điện luân chuyển, điều động.
3. Chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo
cán bộ dân tộc thiểu số
Đối với cán bộ dân tộc thiểu số khi được cử đi đào tạo, bồi
dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoài việc được hưởng trợ cấp
chính sách theo quy định của Nhà nước còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp ưu
đãi trong thời gian đi học, cụ thể như sau:
Bồi dưỡng ngắn hạn hưởng mức: 150.000 đ/tháng;
Đào tạo Đại học cử tuyển: 300.000 đ/tháng;
Chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, Thạc Sỹ, Tiến sỹ mức:
450.000 đ/tháng.
Điều 7. Nguồn
kinh phí để thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ
khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số
Hàng năm tỉnh giành một phần ngân sách để chi trả cho việc
thực hiện chính sách thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh.
Điều 8. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ
quan, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ
vào nhu cầu của cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thu hút và bố trí cán bộ khoa
học kỹ thuật; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định. Tổ chức thông tin rộng rãi nhu cầu thu hút, khuyến khích
phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý trên các phương tiện
thông tin đại chúng và thực hiện các biện pháp thu hút.
Giao Sở Nội vụ tổng hợp nhu cầu bố trí cán bộ khoa học kỹ
thuật của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố; có kế hoạch tạo nguồn
(thông qua các cơ sở đào tạo của Trung ương) để phục vụ nhu cầu bố trí cán bộ
khoa học kỹ thuật của tỉnh; đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính trình Uỷ ban
nhân dân tỉnh quyết định dự toán nguồn kinh phí thu hút và quyết định việc chi
trả cho các đối tượng thu hút, đào tạo nâng cao và đào tạo cán bộ người dân tộc
thiểu số của tỉnh.
Điều 9. Quyết định này có hiệu lực sau 10
ngày kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ,
Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng
các cơ quan, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố,
các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan
căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 9 QĐ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tài chính;
- TT-Tỉnh uỷ;
- TT-HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch
UBND tỉnh;
- TT-MTTQ
tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban Pháp chế
HĐND tỉnh;
- Website
Chính phủ;
- Cục Kiểm tra Văn bản, Bộ
Tư pháp;
- Sở Tư pháp, Sở Nội vụ;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Các Phó VPUBNĐ tỉnh;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Hoàng Xuân Lộc
|