CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
48/1999/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 7 năm 1999
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 48/1999/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 7 NĂM 1999 QUY ĐỊNH
VỀ VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH CỦA THƯƠNG NHÂN VÀ CỦA DOANH NGHIỆP DU LỊCH VIỆT
NAM
Ở TRONG NƯỚC, Ở NƯỚC NGOÀI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997;
Căn cứ Pháp lệnh Du lịch ngày 08 tháng 2 năm 1999;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về Văn
phòng đại diện, Chi nhánh ở trong nước, ở nước ngoài của thương nhân Việt Nam
(theo quy định của Luật Thương mại) và doanh nghiệp du lịch Việt Nam (theo quy
định của Pháp lệnh Du lịch), sau đây gọi tắt là Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
Thương nhân Việt Nam và doanh nghiệp du lịch Việt Nam sau đây gọi chung là
thương nhân.
Điều 2.
Văn phòng đại diện, Chi nhánh
1. Văn phòng đại diện là đơn vị
phụ thuộc của thương nhân được thành lập ở trong nước, ở nước ngoài để xúc tiến
thương mại hoặc xúc tiến du lịch, nhưng không được hoạt động thương mại hoặc
kinh doanh du lịch sinh lợi trực tiếp.
2. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc
của thương nhân được thành lập ở trong nước, ở nước ngoài để hoạt động thương mại
hoặc kinh doanh du lịch.
3. Văn phòng đại diện, Chi nhánh
ở nước ngoài không trực thuộc Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam ở nước tiếp nhận, nhưng phải báo cáo công việc với người đứng đầu của
Cơ quan này.
4. Một thương nhân có thể thành
lập một hoặc nhiều Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở trong nước, ở nước ngoài.
Trưởng Văn phòng đại diện này có thể kiêm làm Trưởng Văn phòng đại diện khác,
nhưng Trưởng Chi nhánh này không được kiêm làm Trưởng Chi nhánh khác hoặc kiêm
làm Trưởng Văn phòng đại diện.
Điều 3.
Quản lý Nhà nước về hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh
1. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm
quản lý Nhà nước đối với mọi hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của
thương nhân theo quy định của Luật Thương mại.
2. Tổng cục Du lịch chịu trách
nhiệm quản lý Nhà nước đối với mọi hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh
về du lịch.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch
và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi thương nhân đặt
trụ sở chính, thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động của Văn phòng đại
diện, Chi nhánh ở nước ngoài thuộc lĩnh vực mình quản lý.
4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động của
Văn phòng đại diện, Chi nhánh trong phạm vi địa phương mình.
Chương 2:
VIỆC THÀNH LẬP VĂN PHÒNG
ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH
Điều 4.
Điều kiện thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh
Thương nhân là doanh nghiệp thuộc
mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật, có nhu cầu thành lập Văn
phòng đại diện, Chi nhánh ở trong nước, ở nước ngoài đều được phép thành lập
theo các quy định tại Nghị định này.
Đối với doanh nghiệp Du lịch, chỉ
có doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế được lập Văn phòng đại diện, Chi
nhánh ở nước ngoài.
Điều 5.
Cơ quan đăng ký thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh
1. Sở Thương mại,
nơi Văn phòng đại diện, Chi nhánh đặt trụ sở, chịu trách nhiệm đăng ký thành lập
Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở trong nước, trừ Văn phòng đại diện, Chi nhánh của
doanh nghiệp du lịch.
Sở Du lịch,
nơi Văn phòng đại diện, Chi nhánh đặt trụ sở, chịu trách nhiệm đăng ký thành lập
Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở trong nước của doanh nghiệp du lịch.
2. Sở Thương mại,
nơi thương nhân đặt trụ sở chính, chịu trách nhiệm đăng ký thành lập Văn phòng
đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài, trừ Văn phòng đại diện, Chi nhánh của doanh
nghiệp du lịch.
Sở Du lịch,
nơi doanh nghiệp du lịch đặt trụ sở chính, chịu trách nhiệm đăng ký thành lập
Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài của doanh nghiệp du lịch.
3. Tại các địa phương có Sở
Thương mại và Du lịch thì Sở Thương mại và Du lịch làm các nhiệm vụ quy định tại
khoản 1, khoản 2 của Điều này.
Điều 6.
Thủ tục đăng ký thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở trong nước
1. Thương nhân đăng ký thành lập
Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở trong nước gửi cho Cơ quan đăng ký, quy định tại
khoản 1, khoản 3 Điều 5 của Nghị định này, một bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị được đăng ký
thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở trong nước, trong đó nêu rõ tên, địa
chỉ của thương nhân, mục đích thành lập, nội dung hoạt động, thời gian dự kiến
thành lập, địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh có chứng nhận của cơ quan công chứng.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của thương nhân, Cơ quan đăng ký chịu trách nhiệm cấp
cho thương nhân 01 bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Văn phòng đại diện,
Chi nhánh của thương nhân ở trong nước, đồng thời gửi bản sao cho Sở Tài chính,
nơi Văn phòng đại diện, Chi nhánh đặt trụ sở và Bộ Thương mại hoặc Tổng cục Du
lịch (nếu Văn phòng đại diện, Chi nhánh thuộc doanh nghiệp du lịch).
Trường hợp đề nghị của thương
nhân không được chấp thuận, Cơ quan đăng ký phải có văn bản thông báo cho
thương nhân biết lý do trong thời hạn quy định tại khoản này.
Điều 7.
Thủ tục đăng ký thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài
1. Thương nhân đăng ký thành lập
Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài gửi cho Cơ quan đăng ký, quy định tại
khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Nghị định này, một bộ hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị được đăng ký
thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài trong đó nêu rõ tên, địa
chỉ của thương nhân, mục đích thành lập, nội dung hoạt động, thời gian dự kiến
thành lập, địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh có chứng nhận của cơ quan công chứng.
c) Đối với thương nhân là doanh
nghiệp Nhà nước, ngoài các văn bản quy định tại điểm a, điểm b của khoản này,
thương nhân còn phải gửi cho Cơ quan đăng ký văn bản chấp thuận của Bộ, cơ quan
quản lý ngành ở Trung ương hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chủ quản.
d) Đối với doanh nghiệp Du lịch
thuộc mọi thành phần kinh tế, ngoài các văn bản quy định tại điểm a, điểm b của
khoản này, doanh nghiệp còn phải gửi cho Cơ quan đăng ký văn bản chấp thuận của
Tổng cục Du lịch.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký có trách nhiệm cấp cho thương nhân
01 bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của
thương nhân ở nước ngoài và gửi bản sao cho Sở Tài chính, nơi thương nhân đặt
trụ sở chính và Bộ Thương mại hoặc Tổng cục Du lịch (nếu Văn phòng đại diện,
Chi nhánh thuộc doanh nghiệp du lịch).
Trường hợp đề nghị của thương
nhân không được chấp thuận, Cơ quan đăng ký phải có văn bản thông báo cho
thương nhân biết lý do trong thời hạn quy định tại khoản này.
Điều 8.
Báo cáo việc thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài
1. Thương nhân được cấp Giấy chứng
nhận đăng ký thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài phải báo cáo
với Cơ quan đăng ký việc đã lập hay chưa lập được Văn phòng đại diện, Chi nhánh
theo Giấy chứng nhận đăng ký thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh đã được cấp
trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập
Văn phòng đại diện, Chi nhánh và phải báo cáo với Cơ quan đại diện nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước tiếp nhận về việc lập Văn phòng đại diện,
Chi nhánh ở nước tiếp nhận trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được nước tiếp nhận
cho phép lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
2. Trường hợp sau 60 ngày, kể từ
ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký, thương nhân chưa lập được Văn phòng đại
diện, Chi nhánh thì phải báo cáo rõ lý do bằng văn bản với Cơ quan đăng ký. Nếu
sau 60 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo về lý do chưa thành lập được Văn
phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân mà thương nhân vẫn chưa lập được Văn
phòng đại diện, Chi nhánh thì Cơ quan đăng ký phải có quyết định huỷ bỏ và trực
tiếp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đã cấp.
Chương 3:
TRÁCH NHIỆM CỦA THƯƠNG
NHÂN VÀ VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH
Điều 9.
Trách nhiệm của thương nhân
1. Thương nhân có Văn phòng đại
diện, Chi nhánh ở trong nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động
của Văn phòng đại diện, Chi nhánh; định kỳ hàng năm báo cáo bằng văn bản với Cơ
quan đăng ký về hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
2. Thương nhân có Văn phòng đại
diện, Chi nhánh ở nước ngoài phải:
a) Tuân thủ pháp luật Việt Nam
và pháp luật của nước tiếp nhận; chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về mọi
hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài.
b) Không được uỷ nhiệm cho viên
chức, nhân viên Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước
ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện, Chi nhánh dưới bất kỳ
hình thức nào.
c) Việc chuyển ngoại tệ ra Văn
phòng đại diện, Chi nhánh ở nước ngoài phải tuân theo đúng quy chế quản lý ngoại
hối hiện hành.
d) Định kỳ hàng năm báo cáo bằng
văn bản với Cơ quan đăng ký về hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.
Điều 10.
Trách nhiệm của Văn phòng đại diện, Chi nhánh
1. Văn phòng đại diện, Chi nhánh
ở trong nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước
thương nhân về mọi hoạt động của mình.
2. Văn phòng đại diện, Chi nhánh
ở nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận;
chịu trách nhiệm trước thương nhân về mọi hoạt động của mình.
Chương 4:
CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG CỦA
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11. Chấm
dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh
Văn phòng đại diện, Chi nhánh chấm
dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
1. Theo đề nghị của thương nhân
có Văn phòng đại diện, Chi nhánh;
2. Thương nhân bị tuyên bố phá sản
hoặc giải thể;
3. Văn phòng đại diện, Chi nhánh
bị buộc phải chấm dứt hoạt động do vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của
nước tiếp nhận.
Điều 12.
Thủ tục chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh
Trong các trường hợp quy định tại
Điều 11 của Nghị định này, thủ tục chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện,
Chi nhánh như sau:
1. Báo cáo tình hình:
a) Trường hợp tự đề nghị chấm dứt
hoạt động, thương nhân phải báo cáo Cơ quan đăng ký biết việc này trước ngày dự
định chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh ít nhất là 15 ngày.
b) Trường hợp thương nhân bị giải
thể hoặc tuyên bố phá sản, Cơ quan có trách nhiệm thông báo quyết định giải thể
hoặc tuyên bố phá sản thương nhân đó phải thông báo cho Cơ quan đăng ký biết chậm
nhất là 15 ngày, kể từ ngày tuyên bố phá sản hoặc ngày quyết định giải thể.
c) Trường hợp Văn phòng đại diện,
Chi nhánh bị buộc chấm dứt hoạt động, thương nhân phải báo cáo cho Cơ quan đăng
ký biết chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày Văn phòng đại diện, Chi nhánh bị buộc
chấm dứt hoạt động.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được báo cáo của thương nhân hoặc thông báo của cơ quan có trách nhiệm,
Cơ quan đăng ký phải có quyết định huỷ bỏ và trực tiếp thu hồi Giấy chứng nhận
đăng ký thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh đã cấp. Văn bản này được gửi
cho thương nhân, đồng gửi cho Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, nơi Văn phòng đại
diện, Chi nhánh đặt trụ sở (trong trường hợp Văn phòng đại diện, Chi nhánh ở
trong nước) hoặc nơi thương nhân đặt trụ sở chính (trong trường hợp Văn phòng đại
diện, Chi nhánh ở nước ngoài), Bộ Thương mại và Bộ, cơ quan quản lý ngành ở
Trung ương hoặc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ quản
biết để xử lý các vấn đề có liên quan.
Điều 13.
Xử lý vi phạm
Trưởng Văn phòng đại diện, Trưởng
Chi nhánh và những người làm việc tại Văn phòng đại diện, Chi nhánh vi phạm
pháp luật, tuỳ theo mức độ vi phạm, bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14.
Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi
hành sau 30 ngày, kể từ ngày được ký ban hành. Bãi bỏ Nghị định số 40/CP, ngày
19 tháng 5 năm 1994 của Chính phủ ban hành Quy chế đặt Văn phòng đại diện
thương nhân Việt Nam ở nước ngoài.
2. Bộ Thương mại
chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch và các cơ quan có liên quan hướng dẫn
thi hành Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thương nhân có Văn phòng đại diện, Chi
nhánh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.