BỘ THƯƠNG MẠI
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
2899/1999/BTM-CV
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 7 năm 1999
|
CÔNG VĂN
CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 2899/1999/BTM-CV
NGÀY 07 THÁNG 7 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 21/1999/TTLT
BTM-BCA-BGTVT-TCHQ VỀ VIỆC TỔ CHỨC, PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH CHỐNG VẬN
CHUYỂN HÀNG LẬU TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG SẮT
Để triển khai thực
hiện Thông tư liên tịch số 21/1999/TTLT của liên Bộ Thương mại, Công an, Giao
thông vận tải và Tổng cục Hải quan ngày 23/6/1999 về tổ chức, phối hợp đấu
tranh chống vận chuyển hàng nhập lậu trên các tuyến đường sắt, Bộ Thương mại
yêu cầu các Chi cục Quản lý thị trường nơi có đường sắt chạy qua thực hiện một
số điểm như sau:
1-
Trách nhiệm của lực lượng Quản lý thị trường trong việc tổ chức đấu tranh chống
buôn lậu trên tuyến đường sắt.
- Cần tổ chức cho
các lực lượng được phân công kiểm tra, kiểm soát trên tuyến đường sắt nghiên cứu
kỹ các nội dung được quy định trong Thông tư đã đề cập.
- Theo quy định tại
điểm 2 phần A mục II của Thông tư liên tịch quy định Quản lý thị trường chịu
trách nhiệm chính về việc kiểm tra, kiểm soát hàng hoá buôn lậu và buôn bán
hàng nhập lậu trên tuyến đường sắt, xử lý các vi phạm, các Chi cục Quản lý thị
trường cần lưu ý một số điểm sau đây:
Lập kế hoạch đấu
tranh ngăn chặn vận chuyển hàng hoá trái pháp luật trên đường sắt:
+ Căn cứ tình hình
vận chuyển hàng hoá trái pháp luật trên tuyến đường sắt ở địa phương trong từng
thời gian để tổ chức lực lượng điều tra, nắm tình hình, tổ chức tốt thông tin,
nắm chắc các đối tượng, loại hàng hoá và mức độ hoạt động của các đối tượng.
+ Liên hệ mật thiết
với các ngành có liên quan như: các nhà ga, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát bảo vệ
trật tự an toàn trên các đoàn tàu để nắm tình hình, và tổ chức phối hợp giữa
các lực lượng.
+ Tranh thủ sự chỉ
đạo của Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức sự phối hợp và tổ chức kiểm
tra kiểm soát có hiệu quả. Chi cục lập kế hoạch kiểm tra và báo cáo Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố. Nếu mức độ nghiêm trọng cần phải có lực lượng mạnh và để
khắc phục tình trạng một địa bàn có nhiều lực lượng kiểm tra, kiểm soát thì đề
nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố lập lực lượng liên ngành (do lực lượng Quản
lý thị trường chủ trì) để thực hiện.
2-
Hàng hoá kiểm tra:
- Các mặt hàng nhà
nước cấm kinh doanh, cấm nhập khẩu.
- Các loại hàng nhập
khẩu đã quy định dán tem mà không có tem dán.
- Các mặt hàng
kinh doanh có điều kiện, như trứng gia cầm, đường, thịt lợn, gạo.
- Các loại hàng hoá
nhập lậu khác như vải... tuỳ theo yêu cầu tập trung chỉ đạo của Chính phủ và
các bộ, ngành trong từng thời gian.
3-
Tổ chức hoạt động kiểm tra và phối hợp lực lượng:
- Đặc điểm ngành
đường sắt là một ngành kinh tế kỹ thuật có tổ chức thành một hệ thống từ Trung
ương đến cơ sở và được chia 3 khu vực: Tại các ga có lực lượng cán bộ công nhân
viên làm việc cố định. Các đoàn tàu chạy theo các tuyến hoạt động suốt ngày
đêm. Ngành đường sắt có lực lượng bảo vệ hoạt động thường xuyên, ngoài ra trên
các đoàn tầu có các Đội CSBV thường xuyên đi theo các đoàn tầu để làm nhiệm vụ
bảo vệ an toàn trật tự. Từ đặc điểm nói trên, các Chi cục Quản lý thị trường phải
lưu ý:
- Trước hết phải
có sự thống nhất về phương pháp hoạt động giữa các lực lượng, phương án tiến
hành cụ thể, phải tổ chức tốt các kênh thông tin. Tổ chức điều tra nắm chắc
tình hình, kịp thời phát hiện hàng nhập lậu được cất dấu trên tầu, các thủ đoạn
buôn lậu.
3.2- Khi phát hiện
hàng hoá được vận chuyển trên tầu có dấu hiệu vi phạm phối hợp với người có trách
nhiệm làm nhiệm vụ trên tầu tạo điều kiện để kiểm tra, phối hợp với Cảnh sát
trên tầu để hỗ trợ công tác kiểm tra, tuyệt đối không để xẩy ra mất trật tự và ảnh
hưởng đến lịch trình của tầu.
3.3- Hàng hoá trên
sân ga, trong nhà ga, trong kho ga, ở bãi hàng thì liên hệ với các bộ phận có
trách nhiệm của ngành đường sắt công tác tại đó để họ tạo điều kiện giúp đỡ và
phải có đại diện của ngành đường sắt tham gia.
3.4- Nếu phát hiện
có nhiều hàng hoá trái pháp luật chở trên tầu, cần phải dừng tầu, cắt toa để kiểm
tra. Trước hết phải nắm chắc: số hiệu tầu, số hiệu toa xe, hàng hoá và tuyến tầu
chạy để kịp thời xin lệnh và thông báo với Trưởng ga cần dừng tầu. Trước khi
đưa văn bản yêu cầu phải tổ chức tiếp cận toa tầu để sơ bộ nắm chắc có hàng lậu
mới yêu cầu dừng tầu, cắt toa để kiểm tra.
3.5- Khi làm nhiệm
vụ trên tầu phải tuân thủ các quy định của ngành đường sắt.
4
- Lập hồ sơ và xử lý vi phạm:
- Mỗi vụ việc đều
dùng ấn chỉ của Cục ban hành để lập hồ sơ theo quy định.
- Hồ sơ lập phải đầy
đủ, rõ ràng, nếu có cơ quan phối hợp yêu cầu cùng ký vào biên bản.
- Xử lý theo thẩm
quyền quy định của pháp luật, trường hợp vượt quá thẩm quyền, ngoài thẩm quyền
báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý.
5-
Tổ chức thực hiện:
- Chi cục Quản lý
thị trường và các lực lượng phối hợp cần bố trí những cán bộ tinh thông nghiệp
vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có
sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ,
- Việc kiểm tra phải
có kế hoạch, có trọng tâm trọng điểm, không tràn lan và không ảnh hưởng đến hoạt
động của nhà ga và đoàn tầu.
- Định kỳ theo từng
thời gian thích hợp cần tổ chức hội ý, giao ban với đại diện các cơ quan liên
quan để kiểm điểm rút kinh nghiệm, lập kế hoạch hoạt động cho thời gian tiếp
theo.
- Thường xuyên
liên hệ với Cục Quản lý thị trường, báo cáo những trường hợp đột xuất, hàng
tháng tổng hợp tình hình báo cáo gửi về Cục Quản lý thị trường, trong báo cáo
các Chi cục lập 1 mục chuyên đề về đường sắt để Cục tổng hợp thành mục riêng để
định kỳ kiểm điểm rút kinh nghiệm giữa các Bộ ngành có liên quan. Nêu rõ mặt
làm được, những mặt chưa làm được còn có hạn chế, mối quan hệ phối giữa các
ngành, đề xuất kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác để các Bộ
nghiên cứu giải quyết.
6-
Khen thưởng, kỷ luật:
- Trong quá trình
hoạt động cần theo dõi, tổng kết để khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực,
động viên kịp thời, đồng thời xử lý nghiêm những kiểm soát viên của các lực lượng
có hành vi sách nhiễu, phiền hà, hối lộ và các vi phạm pháp luật khác.
- Trích thưởng các
vụ xử lý vi phạm hành chính theo quy định của nhà nước tại Thông tư số
09/1998/TT-BTC ngày 20 tháng 01 năm 1998 và Thông tư số 47/TT-BTC ngày 09 tháng
4 năm 1998 phải được tiến hành kịp thời. Trường hợp đặc biệt trực tiếp báo cáo
xin ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân các cấp.