BỘ
QUỐC PHÒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
95/2003/QĐ-BQP
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 08 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY TRÌNH KỸ THUẬT THĂM DÒ TÌM, XỬ LÝ
BOM-MÌN-VẬT NỔ”
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ vào Luật tổ chức Chính
phủ ngày 25/12/2001;
Căn cứ vào Nghị định số 41/CP ngày 5/7/1996 của Chính phủ về chức năng, quyền hạn
và tổ chức bộ máy của Bộ Quốc phòng;
Để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ, giải phóng mặt bằng
phục vụ thi công các công trình quốc phòng và phát triển kinh tế;
Xét đề nghị của Bộ Tư lệnh Công binh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành “Quy trình kỹ thuật dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ”.
Quy trình kỹ thuật này là cơ sở
để các cơ quan quản lý và đơn vị có chức năng dò tìm, xử lý bom-mìn, vật nổ áp
dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 8 năm 2003, Bộ
Tổng tham mưu, BTL Công binh và các cơ quan, đơn vị có liên quan thi hành Quyết
định này.
Nơi nhận:
- Các Bộ: Xây dựng, KH&ĐT, Công nghiệp, Giao thông – vận tải,
- BTTM, TCKT, TC CNQP,
- BTL Công binh,
- Các QK: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9, Thủ đô,
- Các Quân đoàn: 1, 2, 3, 4,
- QC: HQ, PK-KQ,
- Các BC: PB, TT, HH, Tăng – TG;
- Các binh đoàn: 11, 12, 15, 16,
- Các Cục: KH&ĐT Tài chính, Kinh tế, Tác chiến, Quân lực, Chính sách,
XD-QLNĐ,
- Các DN được cấp giấy phép rà phá bom mìn,
- Lưu
(m3)
|
K/T
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG
Phùng Quang Thanh
|
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
CHƯƠNG I: ĐẶC ĐIỂM, YÊU CẦU VÀ
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Địa điểm của công tác dò
tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ.
Điều 2: Yêu cầu của công tác dò
tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ.
Điều 3: Tiêu chuẩn phân đội dò
tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ.
Điều 4: Phân loại mật độ tín hiệu
bom-mìn-vật nổ.
Điều 5: Diện tích, độ sâu, hành
lang an toàn trong dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ.
CHƯƠNG II: CÔNG TÁC CHUẨN BỊ
Điều 6: Khảo sát, thu thập các số
liệu, đánh dấu phạm vi dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
Điều 7: Lập phương án, tổ chức
thi công dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
CHƯƠNG III: DÒ TÌM, XỬ LÝ
BOM–MÌN–VẬT NỔ TRÊN CẠN.
Điều 8. Khoanh khu vực dò tìm, xử
lý bom-mìn-vật nổ.
Điều 9: Thứ tự các bước khi dò
tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ trên cạn.
Điều 10: Dọn mặt bằng.
Điều 11: Dò tìm, xử lý bom-mìn-vật
nổ bằng thủ công đến độ sâu 7cm.
Điều 12: Kiểm tra, phá hủy tại
chỗ bom-mìn-vật nổ đến độ sâu 7cm.
Điều 13: Dò tìm bằng máy dò mìn
đến độ sâu 30 cm.
Điều 14: Đào kiểm tra, xử lý tín
hiệu đến độ sâu 30 cm.
Điều 15: Dò tìm bằng máy dò bom ở
độ sâu từ 0,3m đến 3m hoặc đến 5m.
Điều 16: Đào đất kiểm tra, xử lý
tín hiệu đến độ sâu 3m.
Điều 17: Đào đất kiểm tra, xử lý
tín hiệu đến độ sâu 5m.
Điều 18: Dò tìm, xử lý bom-mìn-vật
nổ ở các độ sâu lớn hơn 5m.
CHƯƠNG IV: DÒ TÌM, XỬ LÝ
BOM–MÌN–VẬT NỔ DƯỚI NƯỚC
Điều 19: Thứ tự các bước khi dò
tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ dưới nước.
Điều 20: Chuẩn bị mặt bằng.
Điều 21: Dò tìm ở độ sâu đến
0,5m tính từ đáy nước.
Điều 22: Đánh dấu tín hiệu ở độ
sâu đến 0,5m tính từ đáy nước.
Điều 23: Lặn kiểm tra, đào xử lý
tín hiệu ở độ sâu đến 0,5m tính từ đáy nước.
Điều 24: Dò tìm ở độ sâu từ 0,5m
đến 3m hoặc đến 5m tính từ đáy nước.
Điều 25: Đánh dấu tín hiệu ở độ
sâu từ 0,5m đến 3m hoặc đến 5m tính từ đáy nước.
Điều 26: Lặn kiểm tra, đào xử lý
tín hiệu ở độ sâu từ lớn hơn 0,5 m đến 1m tính từ đáy nước.
Điều 27: Lập phương án và tổ chức
thi công đào, xử lý tín hiệu dưới nước ở độ sâu từ lớn hơn 1m đến 3m hoặc đến
5m tính từ đáy nước.
CHƯƠNG V: THU GOM, PHÂN LOẠI, QUẢN
LÝ, VẬN CHUYỂN VÀ HỦY BOM–MÌN–VẬT NỔ DÒ TÌM ĐƯỢC
Điều 28: Thu gom, phân loại bom–mìn–vật
nổ dò tìm được.
Điều 29: Vận chuyển bom–mìn–vật
nổ dò tìm được.
Điều 30: Cất giữ, bảo quản
bom–mìn–vật nổ dò tìm được.
Điều 31: Hủy bom-mìn-vật nổ dò
tìm được.
CHƯƠNG VI: CÔNG TÁC KIỂM TRA,
GIÁM SÁT KỸ THUẬT NGHIỆM THU BÀN GIAO
Điều 32: Kiểm tra chất lượng
công trình.
Điều 33: Giám sát kỹ thuật.
Điều 34: Nghiệm thu, bàn giao.
CHƯƠNG VII: QUY TẮC AN TOÀN
Điều 35: Quy tắc an toàn chung.
Điều 36: Quy tắc an toàn trong
dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ.
Điều 37: Quy tác an toàn khi thu
gom, phân loại, vận chuyển và hủy bom-mìn-vật nổ dò tìm được.
CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO
MỞ ĐẦU
Trong gần nửa thế kỷ đất nước ta
đã phải chịu nhiều cuộc chiến tranh như: năm kháng chiến chống thực dân Pháp,
chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam; đất
đai và con người Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng lớn bom, đạn do
các bên sử dụng. Theo số liệu thống kê được chỉ tính riêng cuộc kháng chiến chống
Mỹ số bom, đạn do Hoa Kỳ sử dụng ở Việt Nam đã là 15.350 triệu tấn. Như vậy số
lượng bom, đạn ước tính bình quân lên tới 46 tấn/km2 hoặc 280 kg/đầu
người.
Theo các tài liệu tổng kết của
ta tỷ lệ bom-mìn-vật nổ chưa nổ chiếm từ 2% đến 5% số lượng bom-mìn-vật nổ đã sử
dụng, thì hiện còn khoảng 350 đến 800 nghìn tấn chưa nổ. Theo các tài liệu nước
ngoài tỷ lệ này khoảng 10% thì số lượng bom-mìn-vật nổ đã được sử dụng nhưng
chưa nổ còn sót lại sẽ lớn hơn nhiều. Sau khi chiến tranh kết thúc, hàng ngày vẫn
thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn đau thương do bom-mìn-vật nổ gây ra.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa
và hiện đại hóa đất nước, việc khắc phục bom-mìn-vật nổ chưa nổ còn nằm sâu
trong lòng đất trên khắp mọi miền đất nước, phục vụ cho các dự án đầu tư xây dựng
cơ bản, khai hoang phục hóa, góp phần ổn định đời sống nhân dân là một trong những
nhiệm vụ quan trọng cấp bách phải làm liên tục và lâu dài nhằm bảo đảm an toàn
tuyệt đối cho nhân dân và các công trình kinh tế, quốc phòng của đất nước.
Khắc phục bom-mìn-vật nổ còn lại
sau chiến tranh là một công việc vô cùng khó khăn và nguy hiểm phải do các lực
lượng, chuyên trách, được đào tạo cơ bản, có chuyên môn kỹ thuật giỏi, có đầy đủ
trang, thiết bị đúng tiêu chuẩn và được tổ chức một cách khoa học, chặt chẽ thì
công việc mới có thể tiến hành có hiệu quả và bảo đảm an toàn.
Nhằm đáp ứng được nhiệm vụ dò
tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ phục vụ cho nhu cầu dân sinh và xây dựng đất nước,
vào từng thời điểm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn nhất định,
Bộ Quốc phòng đã ban hành một số quy trình dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ; nhưng
đến nay do nhiều yếu tố và điều kiện thay đổi nên một số nội dung của các quy
trình đã ban hành không còn phù hợp với thực tế.
Trên cơ sở các văn bản đã ban
hành cùng những kinh nghiệm thực tế tổng kết được sau nhiều năm thực hiện công
việc dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ cộng với sự phát triển không ngừng của thiết
bị công nghệ phục vụ nhiệm vụ dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ trong nước và trên
thế giới.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
trong giai đoạn hiện nay Bộ Quốc phòng ban hành tập “Quy trình kỹ thuật
dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ” này thay thế cho các văn bản đã
ban hành trước đây. Đây là văn bản pháp lý quy định những nội dung công việc
cũng như thứ tự các bước trong việc tổ chức thực hiện công tác này để áp dụng
thống nhất trong các nhiệm vụ An ninh – Quốc phòng – Kinh tế.
Chương
1.
ĐẶC ĐIỂM, YÊU CẦU VÀ
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đặc
điểm của công tác dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
1. Dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
sau chiến tranh (sau đây sẽ viết tắt là DTXLBMVN) là một công việc đặc
biệt nguy hiểm có tính đặc thù riêng mang tính trách nhiệm cao, đây là nhiệm vụ
chính trị có ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội, không đơn thuần
như các hoạt động kinh tế xã hội khác, chỉ có các lực lượng Công binh chuyên
trách có đủ năng lực (về con người và trang thiết bị) mới được giao thực
hiện nhiệm vụ này.
2. DTXLBMVN là nhiệm vụ đặc biệt
khó khăn, nguy hiểm, độc hại có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của
những người làm nhiệm vụ nên yêu cầu phải có chế độ đãi ngộ riêng.
3. Công việc DTXLBMVN được thực hiện
trên phạm vi cả nước ở tất cả các loại địa hình khác nhau (trên cạn hoặc dưới
nước, vùng biển hoặc hồ ao sông ngòi, trung du, miển núi hoặc đồng bằng, ở những
khu dân cư thưa thớt hoặc thành thị …) tại tất cả những nơi có ảnh hưởng của
chiến tranh.
4. Kết quả của công việc
DTXLBMVN và quá trình tổ chức thực hiện có quan hệ trực tiếp đến an toàn tính mạng
con người, tài sản, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Điều 2.
Yêu cầu của công tác dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
1. Những người làm nhiệm vụ
DTXLBMVN phải có tinh thần trách nhiệm cao, tuyệt đối chống tư tưởng chủ quan
đơn giản, triệt để tuân thủ Quy trình kỹ thuật, không được làm tắt hoặc bỏ qua
các bước. Không được chạy theo năng suất đơn thuần dẫn tới làm dối, làm ẩu, để
sót bom-mìn-vật nổ; xảy ra mất an toàn trong khi thi công DTXLBMVN, trong suốt
quá trình xây dựng và sử dụng lâu dài của công trình sau này.
2. Các loại máy, khí tài, trang
bị dùng cho nhiệm vụ DTXLBMVN phải đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Phải thường
xuyên kiểm tra, kiểm định tình trạng kỹ thuật, phải thay thế ngay các chi tiết
và bộ phận không bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật và thiếu đồng bộ (việc kiểm định
sẽ do đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thực hiện).
3. Trong quá trình thực hiện nhiệm
vụ phải thường xuyên kiểm tra chất lượng các trang thiết bị dò tìm, kiểm tra
trình độ chuyên môn của các nhân viên kỹ thuật kiểm tra chất lượng công trình,
kiểm tra việc chấp hành các quy tắc an toàn để kịp thời loại trừ những sai sót.
Phải định kỳ kiểm tra theo phương pháp xác suất, thông thường diện tích kiểm
tra không ít hơn 1% tổng số diện tích đã DTXLBMVN.
Điều 3. Tiêu
chuẩn phân đội dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
1. Người chỉ huy phân đội
DTXLBMVN:
a) Phải là người có năng lực, có
hiểu biết sâu về lĩnh vực bom-mìn-vật nổ, được đào tạo cơ bản để chuyên môn kỹ
thuật tại Trường sỹ quan Công binh hoặc đã qua lớp đào tạo đội trưởng tại các
đơn vị, nhà trường và được Binh chủng Công binh cấp chứng chỉ.
b) Phải là người có kinh nghiệm
thực tiễn ít nhất 2 năm trực tiếp làm công tác tổ chức, chỉ huy thi công dò
tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ; nắm chắc quy trình kỹ thuật, tính năng cấu tạo và
nguyên lý hoạt động của các loại bom-mìn-vật nổ quy tắc an toàn; hiểu biết và sử
dụng thành thạo các thiết bị dò tìm.
c) Phải là người nghiêm khắc,
quyết đoán, thận trọng, có tinh thần trách nhiệm cao, có bản lĩnh vững vàng
trong tổ chức, chỉ huy và xử lý các tình huống.
d) Chịu trách nhiệm trước cấp
trên và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động DTXLBMVN của đơn vị mình.
2. Nhân viên chuyên môn kỹ thuật
làm nhiệm vụ DTXLBMVN phải:
a) Là nam giới, được tuyển chọn
chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần
dũng cảm, tâm lý vững vàng, ổn định, ý thức tổ chức, kỷ luật tốt, có tinh thần
trách nhiệm cao, có sức khỏe tốt và tác phong công tác thận trọng tỷ mỷ.
b) Được huấn luyện thành thạo về
chuyên môn kỹ thuật: nắm chắc về tính năng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của
các loại bom-mìn-vật nổ thông thường; nắm chắc quy trình kỹ thuật, quy tắc an
toàn trong DTXLBMVN; nắm chắc tính năng kỹ thuật, sử dụng thành thạo các loại
máy, trang bị chuyên dùng; được cấp chứng chỉ đã qua lớp huấn luyện chuyên môn
kỹ thuật DTXLBMVN do Binh chủng Công binh hoặc đơn vị được Binh chủng Công binh
ủy quyền cấp.
3. Phân đội làm nhiệm vụ
DTXLBMVN phải:
a) Được tổ chức biên chế chặt chẽ,
đủ quân số, đủ trang bị kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ (biên chế,
trang bị có quy định riêng).
b) Có đủ các trang bị bảo hộ lao
động và trang bị phòng chống cháy, nổ.
4. Nếu đơn vị làm nhiệm vụ
DTXLBMVN nào vi phạm các tiêu chuẩn trên mà cơ quan hoặc đơn vị được Bộ Quốc
phòng giao nhiệm vụ kiểm tra phát hiện được sẽ bị đình chỉ thi công. Nếu phát
hiện đơn vị nào vi phạm từ 3 lần trở lên khi có đề nghị của Bộ Tư lệnh Công
binh, Bộ sẽ thu hồi giấy phép hành nghề DTXLBMVN.
Điều 4. Phân
loại mật độ tín hiệu bom-mìn-vật nổ
1. Các khái niệm:
a) Tín hiệu: Là tất cả các loại
vật thể nhiễm từ (hoặc không nhiễm từ) nằm trong đất hoặc dưới nước gồm
sắt, thép, mảnh bom đạn, các loại bom-mìn-vật nổ … mà con người hoặc các loại
máy đò đang dùng hiện nay có thể phát hiện được (thể hiện bằng sự thay đổi
âm thanh, làm lệch kim đồng hồ chỉ thị, bằng các loại vạch hoặc số trên màn
hình tinh thể lỏng bất kể ở mức độ lớn hay nhỏ …) phải tiến hành xử lý. Tín
hiệu để tính toán lập phương án thi công và dự toán (sau khi đã tiến hành khảo
sát thực địa) phải là các loại bom-mìn-vật nổ hoặc vật nhiễm từ … có kích
thước từ (30 x 30)mm trở lên nằm dưới mặt đất.
b) Mật độ tín hiệu: Là số lượng
tín hiệu phải đào và xác định chủng loại để tiến hành xử lý, được tính trung
bình trên một đơn vị diện tích nhất định (mật độ tín hiệu các loại có quan hệ
trực tiếp đến phương án, kế hoạch tổ chức thi công và dự toán chi phí cho việc
DTXLBMVN).
2. Các khu vực là bãi mìn:
a) Là các khu vực có bố trí nhiều
mìn theo một quy cách nhất định. Các khu vực là bãi mìn chủ yếu đều nằm ở vành
đai biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, quanh các kho, các căn cứ quân sự cũ của
Mỹ ngụy.
b) Bảng phân loại bãi mìn:
Đơn
vị tính: 10.000m2
STT
|
Phân
loại bãi mìn
|
Số
lượng tín hiệu
|
Số
lượng bom-mìn-vật nổ
|
1
|
Bãi
loại 1
|
Từ
0 > đến 150
|
Từ
1 > quả đến ≤ 50 quả
|
2
|
Bãi
loại 2
|
Từ
> 150 đến 300
|
Từ
> 50 quả đến ≤ 100 quả
|
3
|
Bãi
loại 3
|
Từ
> 300 đến 450
|
Từ
> 100 quả đến ≤ 150 quả
|
4
|
Bãi
loại 4
|
Từ
> 450 đến 600
|
Từ
> 150 quả đến ≤ 200 quả
|
5
|
Bãi
loại đặc biệt
|
Từ
> 600
|
Từ
> 200 quả
|
3. Các khu vực không phải là bãi
mìn:
a) Là các khu vực hiện có các loại
bom-mìn-vật nổ chưa nổ ở các mức độ khác nhau còn sót lại sau chiến tranh, trong
đó có lẫn cả các mảnh bom đạn hoặc sắt thép vụn. Khi tiến hành xây dựng các
công trình hạ tầng cơ sở, khôi phục sản xuất, phải tiến hành việc DTXLBMVN. Các
loại bom-mìn-vật nổ thường nằm ở độ sâu tới 5m dưới mặt đất tự nhiên, cá biệt
có nơi tới 10 đến 15m.
b) Bảng phân loại mật độ tín hiệu
(khu vực không phải là bãi mìn):
Đơn
vị tính: 10.000m2
TT
|
Mật
độ tín hiệu
|
Số
lượng tín hiệu
|
Tỷ
lệ bom-mìn-vật nổ
|
1
|
Loại
1
|
Từ
> 0 đến 100 tín hiệu
|
Từ
> 0 đến ≤ 3% tổng số tín hiệu
|
2
|
Loại
2
|
Từ
> 100 đến 200 tín hiệu
|
Từ
> 3 đến ≤ 5% tổng số tín hiệu
|
3
|
Loại
3
|
Từ
> 200 đến 300 tín hiệu
|
Từ
> 5 đến ≤ 7% tổng số tín hiệu
|
4
|
Loại
4
|
Từ
> 300 đến 400 tín hiệu
|
Từ
> 7 đến ≤ 9% tổng số tín hiệu
|
5
|
Loại
đặc biệt
|
Từ
> 400 tín hiệu
|
>
9% tổng số tín hiệu
|
c) Phân loại mật độ tín hiệu áp
dụng đối với từng khu vực:
- Dò tìm và xử lý bom-mìn-vật nổ
trên cạn
Đơn
vị tính: 10.000m2
STT
|
Phân
loại khu vực
|
Số
lượng tín hiệu (tín hiệu)
|
Đến
độ sâu 0,3m
|
Từ
> 0,3 đến 3m
|
Từ
> 3m đến 5m
|
1
|
Khu
vực 1
|
Từ
> 0 đến 95
|
Từ
> 0 đến 4
|
Từ
> 0 đến 1
|
2
|
Khu
vực 2
|
Từ
> 0 đến 190
|
Từ
> 0 đến 8
|
Từ
> 0 đến 2
|
3
|
Khu
vực 3
|
Từ
> 0 đến 285
|
Từ
> 0 đến 12
|
Từ
> 0 đến 3
|
4
|
Khu
vực 4
|
Từ
> 0 đến 380
|
Từ
> 0 đến 16
|
Từ
> 0 đến 4
|
5
|
Đặc
biệt
|
Từ
> 380 trở lên
|
Từ
> 16 trở lên
|
Từ
> 4 trở lên
|
- Dò tìm và xử lý bom-mìn-vật nổ
dưới nước.
Đơn
vị tính: 10.000m2
STT
|
Phân
loại khu vực
|
Số
lượng tín hiệu (tín hiệu)
|
Đến
độ sâu 0,5m
|
Từ
> 0,5 đến 1m
|
Độ
sâu > 1m
|
1
|
Khu
vực 1
|
Từ
> 0 đến 48
|
Từ
> 0 đến 2
|
Từ
> 0 đến 0,2
|
2
|
Khu
vực 2
|
Từ
> 0 đến 96
|
Từ
> 0 đến 4
|
Từ
> 0 đến 0,5
|
3
|
Khu
vực 3
|
Từ
> 0 đến 143
|
Từ
> 0 đến 6
|
Từ
> 0 đến 1
|
4
|
Khu
vực 4
|
Từ
> 0 đến 190
|
Từ
> 0 đến 8
|
Từ
> 0 đến 2
|
5
|
Đặc
biệt
|
Từ
> 190 trở lên
|
Từ
> 8 trở lên
|
Từ
> 2 trở lên
|
d) Phân loại các khu vực mật độ
tín hiệu
STT
|
Phân
loại
|
Tên
địa phương (từ huyện, thị xã trở lên)
|
1
|
Khu
vực 4
|
Vùng ven biên giới Việt –
Trung (5km tính từ mép biên giới vào nội địa nước ta); tỉnh Quảng
Trị: tất cả các huyện, thị xã thuộc tỉnh; tỉnh Thừa Thiên Huế: huyện
Phong Điền và Hương Thủy.
|
2
|
Khu
vực 3
|
Tỉnh Nghệ An: Kỳ Sơn,
Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TP Vinh; tỉnh Hà Tĩnh: tất cả
các huyện và thị xã trừ huyện Thạch Hà; tỉnh Quảng Bình: tất cả các
huyện trừ thị xã Đồng Hới; tỉnh Thừa Thiên Huế: tất cả các huyện và
thành phố còn lại.
|
3
|
Khu
vực 2
|
Nội thành các thành phố, thị
xã: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa; tỉnh Nghệ
An: tất cả các huyện, thị xã còn lại; tỉnh Hà Tĩnh: huyện Thạch
Hà; tỉnh Quảng Bình: thị xã Đồng Hới; TP Đà Nẵng: tất cả các quận,
huyện trừ quận Ngũ Hành Sơn; tỉnh Quảng Nam: tất cả các huyện, thị xã
trừ thị xã Hội An và huyện Trà My; tỉnh Quảng Ngãi: tất cả các huyện
và thị xã; tỉnh Ninh Thuận: tất cả các huyện và thị xã trừ huyện Ninh
Hải; tỉnh Kon Tum: tất cả các huyện và thị xã; tỉnh Đắc Lắc:
các huyện MaĐrăk, Đắk RLấp, Krông Bông, Buôn Đôn; tỉnh Gia Lai: Thành
phố Pleiku, huyện IaGrai, Chư Prông; tỉnh Đồng Nai: huyện Nhơn Trạch; TP
Hồ Chí Minh: huyện Củ Chi, Cần Giờ; tỉnh Long An: tất cả các huyện
trừ thị xã Tân An, huyện Cần Giuộc và Thạnh Hóa; tỉnh Bình Thuận: huyện
Tuy Phong, Tánh Linh, Hàm Tân; tỉnh Bình Dương: huyện Bến Cát;
tỉnh Tây Ninh: huyện Bến Cầu, Tân Biên và Tân Châu; tỉnh Cần Thơ:
huyện Châu Thành, Thốt Nốt, TP Cần Thơ, TX Vị Thanh; tỉnh Tiền Giang: huyện
Gò Công, Chợ Gạo, Mỹ Tho, Châu Thành, TX Gò Công; tỉnh Sóc Trăng: TX
Sóc Trăng, huyện Mỹ Tú, Long Phú, Kế Sách; tỉnh Kiên Giang: huyện Châu
Thành; tỉnh Cà Mau: TX Cà Mau. huyện Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Đầm
Dơi, Cái Nước; tỉnh Trà Vinh: TX Trà Vinh; tỉnh Vĩnh Long: huyện
Mang Thít, Long Hồ, Vũng Liêm, TX Vĩnh Long; tỉnh Đồng Tháp: TX Sa
Đéc; tỉnh Bạc Liêu: TX Bạc Liêu.
|
4
|
Khu
vực 1
|
Tất cả các khu vực còn lại
ngoài các địa phương thuộc các khu vực 2, 3, 4 trên địa bàn cả nước.
|
4. Các khu vực đặc biệt:
a) Là các khu vực dùng làm bãi hủy
bom, đạn: các kho bom, đạn đã từng bị nổ nhiều lần; quanh các căn cứ, đồn bốt,
trận địa cũ của Mỹ ngụy; một số khu vực thuộc vành đai biên giới phía Bắc có bố
trí chồng lấn nhiều lớp mìn.
b) Đối với các khu vực đặc biệt
phải tiến hành lập phương án và dự toán DTXLBMVN riêng cho từng khu vực cụ thể.
Điều 5. Diện
tích, độ sâu và hành lang an toàn trong dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
1. Diện tích phải dò tìm
bom-mìn-vật nổ: căn cứ vào yêu cầu của từng công trình cụ thể, vào tính năng của
máy và yêu cầu bảo đảm an toàn cho các công trình, sẽ bao gồm các diện tích
sau:
a) Diện tích mặt bằng sử dụng của
công trình bao gồm toàn bộ hoặc một phần diện tích được giao quyền sử dụng (căn
cứ vào số liệu khảo sát và các tài liệu được cung cấp về tình hình ô nhiễm
bom-mìn-vật nổ).
b) Diện tích hành lang an toàn
được quy định cụ thể của từng công trình có xét đến tầm quan trọng của công
trình.
c) Đối với các khu vực địa hình
không bằng phẳng (có độ dốc) thì diện tích cần dò tìm, xử lý bom-mìn-vật
nổ thì được tính theo mặt dốc của địa hình.
2. Độ sâu cần dò tìm, xử lý
bom-mìn-vật nổ: căn cứ vào tính năng tác dụng và khả năng xuyên sâu của các loại
bom-mìn-vật nổ, mục đích sử dụng để xác định độ sâu cần DTXLBMVN.
a) Dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
đến độ sâu 30 cm, áp dụng cho tất cả các dự án phục vụ việc khai hoang, phục
hóa đất canh tác, bảo đảm an toàn trước mắt cho nhân dân.
b) Dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
đến độ sâu 3m, áp dụng cho các dự án tái định cư, xây dựng nhà ở cao dưới 10m,
kênh mương thủy lợi, hồ chứa nước, nạo vét luồng lạch có độ sâu nạo vét dưới
3m. Các dự án giao thông cấp thấp như đường giao thông đến cấp 3, các tuyến huyện
lộ, giao thông nông thôn.
c) Dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
đến độ sâu 5m, áp dụng cho các dự án xây dựng dân dụng có chiều cao lớn hơn
10m, xây dựng công nghiệp, xây dựng giao thông cấp cao như Quốc lộ, tỉnh lộ …
d) Dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
đến độ sâu lớn hơn 5m, áp dụng cho các công trình có tầm quan trọng đặc biệt,
những nơi có đánh dấu bom chưa nổ nhưng không phát hiện được khi đã dò tìm đến
độ sâu 5m.
3. Hành lang an toàn phải
DTXLBMVN để bảo đảm an toàn cho thi công xây dựng công trình (bằng thủ cổng
và các thiết bị cơ giới) sau khi kết thúc công việc DTXLBMVN: là khoảng
cách trên bề mặt tính từ mép ngoài công trình đến mép ngoài của khu vực cần
DTXLBMVN. Mục đích là bảo đảm không làm nổ bom-mìn-vật nổ còn sót lại sau chiến
tranh nằm ngoài khu vực này do tác động của các thiết bị, máy móc khi đang tiến
hành thi công công trình. Chiều rộng của dải hành lang an toàn xác định căn cứ
vào loại, tầm quan trọng cũng như quy mô của công trình. Cụ thể:
a) Các dự án khai hoang, phục
hóa, tái định cư: 5m tính từ mép chu vi đường biên ra phía ngoài.
b) Các dự án XD dân dụng, công
nghiệp: 7m (công trình đặc biệt đến 10m) tính từ mép chu vi đường biên ra
phía ngoài.
c) Đường giao thông cấp thấp (từ
cấp 5 trở xuống): 5m tính từ mép trên ta luy đào, chân ta luy đắp hoặc mép
ngoài rãnh dọc ra phía ngoài về mỗi bên.
d) Đường giao thông cấp trung
bình (từ cấp 2 đến cấp 4): 7m tính từ mép trên ta luy đào, chân ta luy đắp
hoặc mép ngoài rãnh dọc ra phía ngoài về mỗi bên.
e) Đường giao thông cấp cao, đường
ra vào các cầu lớn: 10m tính từ mép trên ta luy đào, chân ta luy đắp hoặc mép
ngoài rãnh dọc ra phía ngoài về mỗi bên
f) Cầu, cửa hầm giao thông, bến
cảng: 50m; cầu nhỏ, cống qua đường: 20m; công trình đặc biệt: 100m (tính từ
mép công trình ra phía ngoài về 4 phía).
g) Luồng đường biển: 25m (với
luồng đặc biệt: 50m) tính từ mép trên ta luy đào của luồng ra phía ngoài về
mỗi bên.
h) Luồng đường sông, kênh mương
thủy lợi: 15m (đặc biệt: 30m) tính từ mép trên ta luy đào của luồng hoặc
kênh ra phía ngoài về mỗi bên.
i) Tuyến đường cáp quang, cáp
thông tin, cáp điện ngầm: 3m (trường hợp thi công bằng máy), 1,5m (trường
hợp thi công bằng thủ công) tính từ tim tuyến ra phía ngoài về mỗi bên.
k) Tuyến đường ống dẫn nước, dầu,
khí Ø < 20cm: 5m tính từ mép trên ta luy đào, chân ta luy đắp ra phía ngoài
về mỗi bên.
m) Tuyến đường ống dẫn nước, dầu,
khí Ø ≥ 20cm: 10m tính từ mép trên ta luy đào, chân ta luy đắp ra phía ngoài về
mỗi bên.
n) Kè bờ sông, biển: 5m tính từ
mép ngoài cùng hố móng ra phía ngoài về mỗi bên.
p) Lỗ khoan khảo sát địa chất:
bán kính là 20m tính từ tim lỗ ra xung quanh.
q) Lỗ khoan khai thác nước, khai
thác dầu mỏ: bán kính là 50m tính từ tim lỗ ra xung quanh.
4. Hành lang cần DTXLBMVN để bảo
đảm an toàn cho sử dụng sau này của công trình: là khoảng cách trên bề mặt tính
từ mép ngoài, công trình đến mép ngoài của khu vực cần DTXLBMVN. Mục đích bảo đảm
an toàn tuyệt đối cho thi công xây dựng và sử dụng lâu dài sau này của công
trình, khi có bom-mìn-vật nổ chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh ngoài phạm vi
này bị nổ do các nguyên nhân tự nhiên hay có sự tác động bên ngoài sẽ không làm
hư hỏng công trình hoặc gây thương vong cho người trong công trình. Chiều rộng
của dải hành lang an toàn được xác định căn cứ vào loại tầm quan trọng cũng như
quy mô của công trình.
a) Bảng tính sẵn dải hành lang
an toàn cho sử dụng sau này của công trình.
Số
TT
|
Loại
bom, đạn hiện có tại khu vực lân cận
|
Hành
lang an toàn (m)
|
Ghi
chú
|
Nổ trên mặt đất
|
Nổ dưới mặt đất
|
1
|
> 0 đến 250 bảng
|
994
|
331
|
Cửa kính của công trình sẽ XD
không bị vỡ khi bom nổ
|
2
|
> 250 đến 1000 bảng
|
2.810
|
937
|
3
|
> 1000 đến 3000 bảng
|
4.332
|
1.441
|
b) Phạm vi áp dụng: việc áp dụng
phạm vi dải hành lang an toàn phải căn cứ vào tầm quan trọng của từng công
trình cụ thể, căn cứ vào chủng loại bom-mìn-vật nổ có trong khu vực qua số liệu
khảo sát. Chủ đầu tư và đơn vị chịu trách nhiệm khảo sát lập phương án và dự
toán thi công DTXLBMVN sẽ bàn bạc và thống nhất để quyết định.
Chương
2.
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ
Điều 6. Khảo
sát, thu thập các số liệu, đánh dấu phạm vi dò tìm xử lý bom-mìn-vật nổ
1. Điều tra thu thập qua các tài
liệu hồ sơ lưu trữ, qua chính quyền và lực lượng vũ trang quản lý địa bàn, qua
nhân dân địa phương, về đặc điểm tình hình bom-mìn-vật nổ như: việc bố trí, thủ
đoạn bố trí, mức độ đánh phá, chủng loại, tính chất bom-mìn-vật nổ mà các lực
lượng (cả ta và địch) đã sử dụng trong khu vực sẽ thi công DTXLBMVN.
2. Từ các tài liệu được cung cấp
hoặc giao nhận trên thực địa, trên bản đồ tiến hành đóng một số cọc mốc bằng bê
tông cốt thép đánh dấu ranh giới. Vẽ sơ đồ khu vực.
3. Tiến hành khảo sát tại thực địa:
a) Khảo sát xác định mật độ tín
hiệu toàn khu vực bằng cách tiến hành DTXLBMVN theo đúng các bước của quy trình
tại một số vị trí thường có kích thước (20 x 20)m mang tính chất đại diện
cho từng loại địa hình với tổng diện tích các điểm khảo sát phải chiếm ít nhất
1% tổng diện tích toàn bộ khu vực cần DTXLBMVN.
b) Khảo sát xác định cấp rừng, địa
hình, cấp đất, độ nhiễm từ của đất, thời tiết, khí hậu, thủy văn; tình hình An
ninh – chính trị, tình hình dân cư khu vực, tìm vị trí trú quân làm nhiệm vụ …
Điều 7. Lập
phương án thi công dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
1. Phương án thi công phải thể
hiện rõ: nhiệm vụ chung, địa điểm tình hình có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ:
khối lượng thi công cụ thể, biện pháp tổ chức thi công, giải pháp kỹ thuật, tiến
độ thi công; công tác bảo đảm; kiến nghị.
2. Biện pháp thi công phải căn cứ
vào tình hình thực tế của khu vực, địa hình, mật độ tín hiệu, yêu cầu nhiệm vụ
để xác định sẽ tiến hành tất cả các bước hay chỉ tiến hành một số bước hoặc
DTXLBMVN thành nhiều lớp trên cùng một diện tích (với các loại bãi đặc biệt)
của quy trình này.
3. Phương án thi công phải kèm
theo: thông báo tình hình bom-mìn-vật nổ của cơ quan quân sự cấp tỉnh trở lên,
các văn bản khảo sát, các bản vẽ mặt bằng thi công DTXLBMVN, thể hiện rõ ranh
giới thi công, diện tích và độ sâu DTXLBMVN tương ứng.
4. Đối với các khu vực có địa
hình và mật độ tín hiệu bom-mìn-vật nổ thuộc diện đặc biệt như: vùng đất bị nhiễm
từ, vùng có kho bom, đạn bị đánh phá nhiều lần, khu vực trước kia là bãi chôn tạm
thời bom-mìn-vật nổ của địa phương khi tiến hành dò tìm bom-mìn-vật nổ để khai
hoang phục hóa sau giải phóng, khu vực có các loại bom đạn chứa các chất hóa học,
chất độc … thì phương án thi công phải có giải pháp kỹ thuật phù hợp, sát thực.
5. Phương án DTXLBMVN phải có chữ
ký của người lập phương án, chỉ huy đơn vị. Phương án sau khi được cấp có thẩm
quyền phê duyệt mới được triển khai thực hiện.
Chương 3.
DÒ TÌM, XỬ LÝ BOM–MÌN–VẬT
NỔ TRÊN CẠN
Điều 8.
Khoanh khu vực dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
1. Căn cứ vào các mốc đã đánh dấu
khi khảo sát, tiến hành mở đường bao rộng 4 đến 6m chạy xung quanh toàn bộ khu
vực để triển khai dò tìm, đi lại, vận chuyển vật tư khí tài và cách ly khu vực
DTXLBMVN với xung quanh để chống cháy lan khi phải dùng biện pháp dọn mặt bằng
phương pháp đốt.
2. Kiểm tra, phát dọn mặt bằng
và tiến hành DTXLBMVN tại phạm vi đường bao theo đúng kỹ thuật được ghi trong
các điều từ 9 đến 13 của quy trình này nhằm bảo đảm an toàn cho tiến hành các
bước tiếp theo.
Điều 9. Thứ
tự các bước khi dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ trên cạn
1. Khu vực có bãi mìn:
a) Dọn mặt bằng bằng thủ công hoặc
bằng thủ công kết hợp đốt bằng xăng dầu hoặc phá hàng rào thép gai bằng thuốc nổ.
b) Dò tìm, xử lý bằng thủ công đến
độ sâu 7cm.
c) Kiểm tra, phá hủy tại chỗ
bom-mìn-vật nổ đến độ sâu 7cm (nếu có).
d) Dò tìm bằng máy dò mìn đến độ
sâu 30 cm.
e) Đào kiểm tra, xử lý tín hiệu
đến độ sâu 30 cm.
f) Dò tìm bằng máy dò bom ở độ
sâu từ 0,3m đến 3m hoặc đến 5 m.
g) Đào đất kiểm tra, xử lý tín
hiệu đến độ sâu 3m.
h) Đào đất kiểm tra, xử lý tín
hiệu đến độ sâu 5m.
i) Dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ ở
các độ sâu lớn hơn 5m.
2. Khu vực không phải là bãi
mìn:
a) Dọn mặt bằng bằng thủ công hoặc
thủ công kết hợp đốt bằng xăng dầu.
b) Dò tìm bằng máy dò mìn đến độ
sâu 30 cm.
c) Đào kiểm tra, xử lý tín hiệu
đến độ sâu 30 m.
d) Dò tìm bằng máy dò bom ở độ
sâu từ 0,3m đến 3m hoặc đến 5 m.
e) Đào đất kiểm tra, xử lý tín
hiệu đến độ sâu 3m.
f) Đào đất kiểm tra, xử lý tín
hiệu đến độ sâu 5m.
g) Dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ ở
các độ sâu lớn hơn 5m.
Điều 10. Dọn
mặt bằng
1. Nội dung công việc: phát dọn
sạch dây leo, cỏ rác, cây cối nhỏ có đường kính từ 10cm trở xuống, gốc cây còn
lại không cao quá 5cm (với cây có đường kính > 10cm chỉ được chặt phá khi
có tín hiệu phải xử lý nằm dưới gốc cây), các chướng ngại vật trên toàn bộ
mặt bằng và đưa ra khỏi phạm vi thi công DTXLBMVN. Kiểm tra, xử lý thu dọn sạch
tín hiệu trên mặt đất.
2. Dọn mặt bằng bằng thủ công:
a) Phạm vi áp dụng: tất cả các
loại địa hình như: đồng bằng, trung du, rừng núi, đầm lầy và rừng ngập mặn ven
biển.
b) Trang bị gồm: dao phát và các
loại dụng cụ làm tay khác, các loại khí tài kiểm tra bom-mìn-vật nổ, cọc tiêu,
biển báo.
c) Thứ tự công việc:
- Đóng cọc chia nhỏ khu vực
thành các ô có các kích thước (25x25)m hoặc (50x50)m tùy theo địa
hình khu vực (hoặc chiều dài 25m, chiều rộng tùy theo chiều rộng của khu vực
dò tìm khi thi công DTXLBMVN những dải hẹp).
- Phát dọn sạch cây cối, các chướng
ngại vật theo đúng yêu cầu kỹ thuật và đưa ra khỏi phạm vi khu vực DTXLBMVN (khu
vực là bãi mìn thì việc phát dọn bề mặt được thực hiện đồng thời với việc dò
tìm đến độ sâu 7cm).
3. Dọn mặt bằng bằng thủ công kết
hợp đốt bằng xăng, dầu:
a) Phạm vi áp dụng: chỉ áp dụng
cho các khu vực có hoặc không có bãi mìn nhưng có cây cối, lau lách và dây leo
rất rậm rạp khi được cơ quan có thẩm quyền quản lý rừng cho phép.
b) Trang bị gồm: dao phát và các
loại dụng cụ làm tay khác, các loại khí tài kiểm tra bom-mìn-vật nổ, cọc tiêu,
biển báo, xăng dầu và các dụng cụ phun xăng dầu.
c) Thứ tự công việc:
- Phát dọn cây cối mở các đường
có chiều rộng từ 2 đến 3m để chia các ô có các kích thước (25x25)m hoặc (50x50)m
tùy theo địa hình khu vực (hoặc chiều dài 25m hay 50m còn chiều rộng tùy
theo bề ngang tối đa của khu vực dò tìm khi thi công DTXLBMVN tại những dải
hành lang hẹp).
- Phun xăng, dầu đốt hết cây cối
rậm rạp trong từng ô vào các thời điểm thích hợp.
- Phát dọn cây cối, chứng ngại vật
và đưa ra ngoài khu vực cần DTXLBMVN trong từng ô (công việc này được tiến
hành đồng thời với bước DTXLBMVN đến độ sâu 7cm hoặc 30cm). Động tác dò tìm
bằng thuốn và bằng máy theo đúng kỹ thuật được quy định trong điều 10, 11, 12
và 13 của Quy trình này.
3. Dọn mặt bằng bằng thủ công kết
hợp với thuốc nổ:
a) Áp dụng cho các khu vực là
bãi mìn, có hàng rào dây thép gai và cây cối, lau lách, dây leo rậm rạp.
b) Trang bị và vật tư chủ yếu gồm:
dao phát và các loại dụng cụ làm tay, các loại khí tài kiểm tra bom-mìn-vật nổ,
cọc tiêu, biển báo, thuốc nổ, hóa cụ, khí tài gây nổ và các vật tư khác.
c) Thứ tự công việc:
- Quan sát, kiểm tra, dùng lượng
nổ dài để phá hàng rào; mở đường phụ có chiều rộng từ 2 đến 3m làm đường công vụ,
đóng cọc chia nhỏ khu vực thành các ô có các kích thước (25x25)m hoặc (50x50)m
tùy theo địa hình khu vực (hoặc chiều dài 25m hay 50m còn chiều rộng tùy
theo bề ngang tối đa của khu vực dò tìm khi thi công DTXLBMVN tại những dải
hành lang hẹp).
- Phát dọn hết cây cối, chướng
ngại vật sau khi đốt và đưa ra ngoài khu vực cần DTXLBMVN trong từng ô (công
việc này được tiến hành đồng thời với bước DTXLBMVN đến độ sâu 7cm hoặc 30 cm tại
cùng một thời điểm đứng). Động tác dò tìm bằng thuốn và bằng máy theo đúng
kỹ thuật được quy định trong điều 11, 12, 13, và 14 của Quy trình này.
Điều 11. Dò
tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ bằng thủ công đến độ sâu 7cm
1. Phạm vi áp dụng: các khu vực
là bãi mìn, có các loại mìn nhạy nổ, mìn vướng nổ, các loại mìn nhựa mà các loại
máy dò hiện nay khó phát hiện được và các khu vực là bãi mìn có lẫn nhiều vật
nhiễm từ mà không sử dụng máy được.
2. Trang bị: các loại dây chuyên
dùng đánh dấu đường dò, thuốn, dao phát, dao găm, xẻng, các loại chốt an toàn,
cờ đuôi nheo nhỏ màu đỏ và trắng, dụng cụ thu gom …
3. Thứ tự công việc:
a) Từ đường chia ô dò, dùng cờ
đuôi nheo trắng đánh dấu phạm vi đường dò (rộng từ 1 đến 1,5m), DTXLBMVN
đến đâu đánh dấu đến đấy (cứ 1,5m đánh dấu một cờ). Chỉ cần cắm cờ đánh
dấu đường biên dải dò thứ nhất, đến các dải dò sau thì được phép rút cờ của
biên dải dò thứ nhất tiếp giáp cắm tiếp sang biên phía chưa dò theo kiểu cuốn
chiếu.
b) Dùng thuốn kết hợp với quan
sát bằng mắt thường, thuốn theo đúng yêu cầu kỹ thuật từ trái qua phải từ gần đến
xa và ngược lại. Động tác thuốn phải đúng kỹ thuật cơ bản (mũi thuốn nghiên
một góc 300 đến 400 so với mặt đất tự nhiên, thuốc
theo hình hoa mai các mũi thuốn cách nhau 3 đến 5cm, sâu từ 7 đến 10cm).
c) Khi phát hiện tín hiệu tiến
hành thuốn kiểm tra xác định tín hiệu, sau đó tiến hành đào kiểm tra tín hiệu
theo đúng kỹ thuật cơ bản. Nếu tín hiệu không phải là bom-mìn-vật nổ thì thu
gom về nơi quy định; nếu tín hiệu là bom-mìn-vật nổ thì xử lý an toàn, thu gom
về nơi quy định; nếu tín hiệu là bom-mìn-vật nổ không an toàn hoặc vật nổ lạ
thì đánh dấu bằng cờ đỏ chờ xử lý riêng.
d) Nếu có nhiều người cùng dò
tìm trong một khu vực diện tích thì khoảng cách giữa 2 người gần nhau nhất phải
≥ 15m (lớn hơn bán kính nguy hiểm lớn nhất của các loại bom-mìn-vật nổ có
trong khu vực căn cứ vào kết quả khảo sát).
Điều 12. Kiểm
tra, phá hủy bom-mìn-vật nổ tại chỗ đến độ sâu 7cm
1. Phạm vi áp dụng: bom-mìn-vật
nổ phát hiện được nhưng không an toàn cho thu gom, vận chuyển.
2. Trang bị: thuốn, dao găm, xẻng,
thuốc nổ, hỏa cụ và khí tài gây nổ.
3. Thứ tự công việc:
a) Dùng lượng nổ tập trung đặt
trực tiếp vào vật nổ cần hủy, lượng nổ để hủy phải căn cứ vào từng loại
bom-mìn-vật nổ để tính toán theo công thức do Binh chủng Công binh quy định
trong Điều lệ công tác nổ.
b) Sau khi đã hủy xong, phải kiểm
tra lại để bảo đảm hết bom-mìn-vật nổ. Trường hợp còn sót bom-mìn-vật nổ thì phải
tiến hành xử lý tiếp như thứ tự đã nêu trên.
c) Kiểm tra, thu gom các loại
khí tài gây nổ và các mảnh vụn (nếu có) ra khỏi khu vực thi công
DTXLBMVN.
Điều 13. Dò
tìm bằng máy dò mìn đến độ sâu 30 cm
1. Phạm vi áp dụng: đối với các
bãi mìn, sau khi đã DTXLBMVN đến độ sâu 7cm. Đối với các khu vực không phải là
bãi mìn.
2. Trang bị: máy dò mìn, thuốn,
cờ đuôi nheo nhỏ màu đỏ và trắng, cọc gỗ, dây chuyên dùng để đánh dấu đường dò.
3. Thứ tự công việc:
a) Cắm cọc căng dây đánh dấu dải
dò, mỗi dải dò rộng từ 1 đến 1,5m.
b) Dùng máy dò mìn tiến hành dò
theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Dò từ trái sang phải và ngược lại, vệt dò sau phải
trùm lên 1/3 vệt dò trước, đường dò sau phải lấn sang đường dò trước từ 10 đến
20cm.
c) Khi máy dò chỉ thị có tín hiệu,
người dò phải dò thành vệt chữ thập để xác định vị trí tâm tín hiệu, dùng cờ đỏ
đánh dấu sát bên cạnh tâm tín hiệu.
d) Khi có nhiều máy dò cùng hoạt
động trên một khu vực thì các máy phải cách nhau ít nhất 7m để tránh gây nhiễu
lẫn nhau.
Điều 14.
Đào kiểm tra, xử lý tín hiệu đến độ sâu 30cm
1. Phạm vi áp dụng: đối với tất
cả các tín hiệu đã đánh dấu.
2. Trang bị: máy dò, thuốn, xẻng
nhỏ, dao găm, các loại chốt an toàn, thuốc nổ, hỏa cụ và khí tài gây nổ, dụng cụ
thu gom.
3. Thứ tự công việc:
a) Dùng máy dò mìn, thuốn kiểm
tra lại vị trí đã đánh dấu tín hiệu. Dùng xẻng nhỏ đào hố có miệng rộng khoảng
0,5 đến 0,6m (tùy theo độ lớn của tín hiệu), thận trọng bóc dần từng lớp
đất từ trên xuống và từ mép vào tim hố, vừa đào vừa kiểm tra. Khi thấy tín hiệu
thì dùng dao găm để bới đất xung quanh cho lộ hẳn vật gây tín hiệu.
b) Kiểm tra xác định vật gây tín
hiệu: nếu không phải là bom-mìn-vật nổ thì thu gom về nơi quy định; nếu là
bom-mìn-vật nổ thì xử lý an toàn, thu gom về nơi quy định; nếu là bom-mìn-vật nổ
không an toàn cho thu gom, vận chuyển hoặc vật nổ lạ thì đánh dấu bằng cờ đỏ chờ
xử lý riêng.
c) Sau khi đã xử lý xong tín hiệu
cần phải dùng máy kiểm tra lại xung quanh và phía dưới tín hiệu vừa xử lý để đảm
bảo sạch hết tín hiệu. Nếu còn tín hiệu thì phải tiến hành xử lý như thứ tự đã
nêu trên.
Điều 15. Dò
tìm bằng máy dò bom ở độ sâu từ 0,3m đến 3m hoặc đến 5m
1. Căn cứ vào yêu cầu về độ sâu
cần dò tìm để đặt máy ở các nấc độ nhạy khác nhau. Nếu chỉ dò đến độ sâu 3m thì
đặt máy làm việc ở nấc độ nhậy thấp, nếu dò đến độ sâu 5m thì đặt máy làm việc ở
nấc độ nhậy cao. Dải dò nên chia theo hướng Bắc – Nam.
2. Phạm vi áp dụng: tất cả các
khu vực có bom-mìn-vật nổ nằm ở độ sâu lớn hơn 0,3m sau khi đã DTXLBMVN ở độ
sâu đến 0,3m tính từ mặt đất tự nhiên hiện tại trở xuống.
3. Trang bị: máy dò bom, cờ đỏ
đánh dấu tín hiệu, cọc và dây chuyên dùng để đánh dấu đường dò (dây thừng).
4. Thứ tự công việc:
a) Chuẩn bị máy dò, kiểm tra xác
định độ nhiễm từ của đất trong khu vực để điều chỉnh máy dò cho phù hợp.
b) Đóng cọc căng dây đánh dấu đường
dò, mỗi đường dò cách nhau 1m.
c) Dùng máy dò bom tiến hành dò
theo đúng yêu cầu kỹ thuật để phát hiện hết các tín hiệu đến độ sâu yêu cầu.
Khi máy dò phát tín hiệu (bằng cách lệch kim đồng hồ hay thay đổi âm thanh
…) để chỉ thị có tín hiệu nghi ngờ ở phía dưới, tiến hành dò rộng ra xung
quanh vị trí nghi ngờ để xác định chính xác tâm tín hiệu, sau đó dùng cờ đỏ to
cắm sát bên cạnh vị trí tâm tín hiệu đánh dấu để chờ đào và xử lý.
d) Nếu có trên 2 máy cùng dò tìm
trong một khu vực diện tích thì khoảng cách giữa 2 máy gần nhau nhất phải ≥ 7m
để tránh các máy gây nhiễu lẫn nhau.
Điều 16.
Đào đất kiểm tra, xử lý tín hiệu đến độ sâu 3m (áp dụng cho yêu cầu DTXLBMVN
tới các độ sâu đến 3m hoặc đến 5m)
1. Phạm vi áp dụng: đối với tất
cả các tín hiệu đã đánh dấu.
2. Trang bị: máy dò bom, thuốn,
xẻng nhỏ Công binh, dao găm, các loại chốt an toàn, thuốc nổ, hỏa cụ và khí tài
gây nổ, dụng cụ thu gom. Khi làm tại các nơi có nước ngầm thì có thêm máy bơm
nước.
3. Thứ tự công việc:
a) Chuẩn bị, kiểm tra và dùng dụng
cụ làm tay thận trọng đào bới tại xung quanh vị trí tâm tín hiệu đã đánh dấu.
Đào từ ngoài vào trong, kích thước hố đào rộng hẹp tùy theo độ lớn và độ sâu của
tín hiệu (thông qua phán đoán khi kiểm tra bằng máy dò) để quyết định;
khi gần tới vật gây tín hiệu phải đào thành từng lớp có độ dày nhỏ hơn 10cm, kết
hợp máy dò và thuốn kiểm tra xung quanh vị trí tâm tín hiệu trước khi đào lớp
tiếp theo cho đến khi lộ hẳn vật gây tín hiệu ra.
b) Kiểm tra xác định vật gây tín
hiệu: nếu không phải là bom-mìn-vật nổ thì thu gom về nơi quy định; nếu là
bom-mìn-vật nổ thì xử lý an toàn, thu gom về nơi quy định; nếu là bom-mìn-vật nổ
không an toàn cho thu gom, vận chuyển hoặc vật nổ lạ thì đánh dấu bằng cờ đỏ chờ
xử lý riêng.
c) Sau khi đã xử lý xong tín hiệu
cần phải dùng máy kiểm tra lại xung quanh và phía dưới tín hiệu vừa để xử lý để
đảm bảo sạch hết tín hiệu. Nếu còn tín hiệu thì phải tiến hành xử lý như thứ tự
đã nêu trên.
Điều 17.
Đào đất kiểm tra, xử lý tín hiệu đến độ sâu 5m
1. Đào đất kiểm tra, xử lý tín
hiệu đến độ sâu 5m được thực hiện khi có yêu cầu DTXLBMVN đến độ sâu 5m và sau
khi đã thực hiện xong bước đào đất kiểm tra, xử lý tín hiệu đến độ sâu 3m mà vẫn
chưa đến vật gây tín hiệu.
2. Phạm vi áp dụng: đối với tất
cả các tín hiệu đã đánh dấu sau khi đã thực hiện đào đất kiểm tra, xử lý xong
các tín hiệu ở độ sâu từ 0,3m đến 3m.
3. Trang bị: máy dò bom, thuốn,
xẻng nhỏ Công binh, dao găm, thuốc nổ, hỏa cụ và khí tài gây nổ, dụng cụ thu
gom. Khi làm tại các nơi có nước ngầm thì có thêm máy bơm nước cùng các loại vật
tư làm kè chắn sạt lở.
4. Thứ tự công việc:
a) Chuẩn bị, kiểm tra và dùng dụng
cụ làm tay thận trọng đào bới tại xung quanh vị trí tâm tín hiệu đã đánh dấu.
Đào từ ngoài vào trong, kích thước hố đào rộng hẹp tùy theo độ lớn và độ nằm
sâu của tín hiệu (thông qua phán đoán khi kiểm tra bằng máy dò) để quyết
định: khi gần tới vật gây tín hiệu phải đào thành từng lớp có độ dày nhỏ hơn
10cm, kết hợp máy dò và thuốn kiểm tra xung quanh vị trí tâm tín hiệu trước khi
đào lớp tiếp theo cho đến khi lộ hẳn vật gây tín ra.
b) Kiểm tra xác định vật gây tín
hiệu: nếu không phải là bom-mìn-vật nổ thì thu gom về nơi quy định; nếu là
bom-mìn-vật nổ thì xử lý an toàn, thu gom về nơi quy định; nếu là bom-mìn-vật nổ
không an toàn cho thu gom, vận chuyển hoặc vật nổ lạ thì đánh dấu bằng cờ đỏ chờ
xử lý riêng.
c) Sau khi đã xử lý xong tín hiệu
cần phải dùng máy kiểm tra lại xung quanh và phía dưới tín hiệu vừa xử lý để đảm
bảo sạch hết tín hiệu. Nếu còn tín hiệu thì phải tiến hành xử lý như thứ tự đã
nêu trên.
d) Căn cứ vào tình hình địa chất
khu vực để có các biện pháp đánh bậc thang theo mái ta luy hay kè thành hố đào
bằng gỗ để đề phòng đất sụt lở. Khi trời có mưa hoặc hố đào có nước ngầm phải
dùng máy bơm để hút nước tạo điều kiện thuận lợi cho đào xử lý tín hiệu.
Điều 18. Dò
tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ ở các độ sâu lớn hơn 5m
1. Căn cứ vào tính năng của đa số
các loại máy dò hiện đang được sử dụng, việc DTXLBMVN ở các độ sâu lớn hơn 5m sẽ
chỉ được tiến hành sau khi đã thực hiện DTXLBMVN xong ở các độ sâu 0,3m và 5m.
Phải khoan lỗ để dò, mỗi lần khoan sẽ dò được độ sâu là 5m, mỗi lớp diện tích để
tính dự toán và quyết toán có độ sâu là 5m, tùy theo yêu cầu để quyết định độ
sâu khoan và số lần khoan.
2. Khi thực hiện DTXLBMVN ở độ
sâu lớn hơn 5m thì phải lập phương án thi công riêng biệt và cụ thể đối với từng
công trình (bằng phương pháp khoan lỗ để dò), phương án thi công phải
phù hợp với yêu cầu và thực tế địa hình khu vực.
3. Các lỗ khoan được sắp xếp
theo hình hoa mai với khoản cách giữa các lỗ khoan là 2m; chiều sâu lỗ khoan của
mỗi lần khoan bằng độ sâu yêu cầu DTXLBMVN trừ đi độ sâu của một hoặc nhiều lần
đã khoan lỗ và dò là 5m (số lớp khoan và số lần dò căn cứ vào độ sâu cần
DTXLBMVN để quyết định). Đường kính lỗ khoan ≥ 105mm, thành lỗ khoan được bảo
vệ bằng hệ thống ống nhựa hoặc vật liệu làm cứng thành lỗ.
4. Sau khi khoan lỗ xong tiến
hành các bước DTXLBMVN theo thứ tự như DTXLBMVN trên cạn với phương pháp thả đầu
dò vào trong lỗ khoan, ghi và phân tích các số liệu đo (bao gồm cả số liệu của
các lỗ khoan lân cận) để phát hiện các tín hiệu. Việc đào và xử lý các tín
hiệu theo thứ tự các bước như Điều 16 của quy trình này.
5. Chỉ được phép dò và khoan lần
lượt từng lớp có độ sâu là 5m, với các độ sâu cần DTXLBMVN lớn hơn 10m cấm
không được khoan thẳng một lần đã đạt được độ sâu cần thiết.
Chương 4.
DÒ TÌM, XỬ LÝ BOM–MÌN–VẬT
NỔ DƯỚI NƯỚC
Điều 19. Thứ
tự các bước khi dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ dưới nước
1. Chuẩn bị mặt bằng
2. Dò tìm ở độ sâu đến 0,5m tính
từ đáy nước.
3. Đánh dấu tín hiệu ở độ sâu đến
0,5m tính từ đáy nước.
4. Lặn kiểm tra, đào xử lý tín
hiệu ở độ sâu đến 0,5m tính từ đáy nước.
5. Dò tìm ở độ sâu từ 0,5m đến
3m hoặc đến 5m tính từ đáy nước.
6. Đánh dấu tín hiệu ở độ sâu từ
0,5m đến 3m hoặc đến 5m tính từ đáy nước.
7. Lặn kiểm tra, đào xử lý tín
hiệu ở độ sâu từ lớn hơn 0,5m đến 1m tính từ đáy nước.
8. Lập phương án và tổ chức thi
công đào, xử lý tín hiệu dưới nước ở độ sâu từ lớn hơn 1m đến 3m hoặc đến 5m
tính từ đáy nước.
Điều 20.
Chuẩn bị mặt bằng
1. Việc dùng các loại phao, neo
để định vị và đánh dấu khu vực theo định mức dự toán chỉ dùng cho các khu vực
DTXLBMVN có độ sâu nước từ 3m trở lên và có chiều rộng > 50m.
2. Khoanh khu vực sẽ dò tìm, xử
lý bom-mìn-vật nổ: căn cứ vào các mốc đã đánh dấu khi khảo sát tiến hành khoanh
khu vực sẽ DTXLBMVN dưới nước bằng cách đóng các cọc BTCT đánh dấu trên bờ và
thả các phao quả nhót loại có 1m3 có neo loại 50kg để định vị, đánh
dấu dưới nước tại các vị trí cần thiết. Tổ chức vẽ sơ đồ khu vực.
3. Chuẩn bị mặt bằng: việc chuẩn
bị mặt bằng dưới nước chủ yếu tiến hành phát dọn bằng thủ công vì mặt bằng dưới
nước đa số gồm các loại cây như sú, vẹt, cỏ lăn, cỏ lác, rong, bèo hoặc các loại
cọc …. Riêng các chướng ngại vật quá lớn không có điều kiện trục vớt, xử lý
như: các loại dầm cầu, trụ cầu hỏng, tàu thuyền đắm thì đánh dấu để khi dò sẽ
có sự chú ý đặc biệt trong việc loại bỏ triệt để các vật gây tín hiệu nhiễu để
dò tìm hết bom-mìn-vật nổ.
Điều 21. Dò
tìm ở độ sâu đến 0,5m tính từ đáy nước
1. Phạm vi áp dụng: tất cả các
khu vực có bom-mìn-vật nổ nằm ở độ sâu đến 0,5m tính từ đáy nước.
2. Trang bị: máy dò bom, thuyền
Composit, thuyền cao su các loại, phao, neo (loại 50kg và 20kg làm bằng các
loại vật liệu không nhiễm từ), dây đánh dấu đường dò các loại, các trang bị
bảo đảm an toàn và bảo hộ lao động.
3. Thứ tự công việc:
a) Kiểm tra xác định độ nhiễm từ
của đất đáy nước để điều chỉnh máy dò cho phù hợp, máy dò được đặt làm việc ở nấc
độ nhậy thấp từ 1 đến 3 tùy theo độ nhiễm từ của lòng đất đáy nước.
b) Căng dây kết hợp với phao loại
1m3, neo loại 50kg và 20kg để chia nhỏ khu vực thành các ô dò có
kích thước (25 x 25)m hoặc (50 x 50)m tùy theo địa hình khu vực và phương án
thi công, căng dây đánh dấu đường dò chia ô dò thành các dải dò, mỗi dải rộng
0,5m (hướng đường dò nêu trùng với hướng dòng chảy).
c) Dùngmáy dò bom đặt trên xuồng
cao su hoặc thuyền Composit, đầu dò thả xuống gần sát mặt đất đáy nước, tiến
hành dò đúng yêu cầu kỹ thuật dọc theo dây đánh dấu dò (đầu dò luôn thẳng đứng
và cách mặt đất đáy nước từ 10cm đến 20cm). Dò xong từng dải tiếp tục chuyển
dây để dò trên dải tiếp theo.
4. Việc DTXLBMVN dưới nước chỉ
được tiến hành trong điều kiện lưu tốc dòng chảy ≤ 1m/s, nếu trường hợp bắt buộc
phải thi công trong điều kiện lưu tốc dòng chảy ≥ 1m/s thì phải tăng cường biện
pháp bảo đảm an toàn, bảo đảm kỹ thuật dò tìm và chất lượng công trình.
Điều 22.
Đánh dấu tín hiệu ở độ sâu đến 0,5m tính từ đáy nước
1. Phạm vi áp dụng: tất cả các
tín hiệu phát hiện được khi dò tìm dưới nước đến độ sâu 0,5m tính từ đáy nước.
2. Trang bị: máy dò bom, thuyền
Composit, thuyền cao su các loại; phao, neo (loại 20kg làm bằng các loại vật
liệu không nhiễm từ), cáp nilon và cờ đánh dấu tín hiệu; các trang thiết bị
bảo đảm an toàn và bảo hộ lao động.
3. Thứ tự công việc:
a) Khi máy dò bom phát tín hiệu
có vật thể gây nhiễm từ dưới đáy nước tại vị trí đang dò tìm (chỉ thị bằng
âm thanh hay độ lệch của kim đồng hồ …). Di chuyển máy dò theo dây dò để kiểm
tra xác định chính xác vị trí tâm của tín hiệu.
b) Thả neo loại 20kg (đối với
các khu vực có lưu tốc dòng chảy ≥ 1m/s và độ sâu nước lớn hơn 3m) và loại
10kg (đối với các khu vực khác) cạnh vị trí tâm tín hiệu vừa xác định,
neo được nối với các phao nhựa đường kính ≥ 30cm bằng các dây nilon Ø = 12mm,
trên phao có cắm cờ đỏ đánh dấu tín hiệu.
c) Khi độ sâu nước < 3m có thể
dùng sào tre cắm để đánh dấu vị trí tín hiệu.
Điều 23. Lặn
kiểm tra, đào xử lý tín hiệu ở độ sâu đến 0,5m tính từ đáy nước
1. Phạm vi áp dụng: tất cả các
tín hiệu đã đánh dấu ở độ sâu đến 0,5m tính từ đáy nước.
2. Trang bị: máy dò bom, bộ lặn
đồng bộ, thuyền Composit, thuyền cao su các loại, phao, neo, thuốn, xẻng, cáp
nilon, các trang bị bảo đảm an toàn và bảo hộ lao động.
3. Thứ tự công việc:
a) Chuẩn bị và thực hiện đầy đủ
các biện pháp an toàn, dùng thợ lặn mang thiết bị lặn và các dụng cụ làm tay cần
thiết: thuốn, xẻng nhỏ … lặn xuống vị trí tầm tín hiệu đã được đánh dấu, tiến
hành các động tác xăm tìm bằng thuốn thận trọng đào tìm theo đúng yêu cầu kỹ
thuật cho đến khi lộ hẳn vật gây tín hiệu ra.
b) Kiểm tra xác định vật gây tín
hiệu: nếu không phải là bom-mìn-vật nổ thì dùng dây cáp nilon trục vớt lên thuyền
để đưa về nơi quy định; nếu là bom-mìn-vật nổ thì xử lý an toàn dùng dây cáp
nilon trục vớt lên thuyền đưa về nơi quy định; nếu là bom-mìn-vật nổ không an toàn
cho thu gom, vận chuyển hoặc vật nổ lạ thì dùng phao, neo và cờ đỏ đánh dấu lại
chờ xử lý riêng.
c) Sau khi đã xử lý xong tín hiệu
cần phải dùng máy kiểm tra lại xung quanh và phía dưới tín hiệu vừa xử lý để đảm
bảo sạch hết tín hiệu. Nếu còn tín hiệu thì phải tiến hành xử lý như thứ tự đã
nêu trên.
Điều 24. Dò
tìm ở độ sâu từ 0,5m đến 3m hoặc đến 5m tính từ đáy nước
1. Phạm vi áp dụng: các khu vực
có bom-mìn-vật nổ nằm ở độ sâu từ 0,5m đến 3m hoặc đến 5m tính từ đáy nước sau
khi đã kết thúc việc DTXLBMVN ở độ sâu đến 0,5m tính từ đáy nước.
2. Trang bị: Máy dò bom, thuyền
Composit, thuyền cao su các loại, phao, neo (làm bằng các loại vật liệu
không nhiễm từ), dây đánh dấu đường dò các loại, các trang bị bảo đảm an
toàn và bảo hộ lao động.
3. Thứ tự công việc:
a) Kiểm tra xác định độ sâu nước,
độ nhiễm từ của đất đáy nước để điều chỉnh máy dò cho phù hợp, máy dò được đặt
làm việc ở nấc độ nhậy từ 4 đến 7 tùy theo độ nhiễm từ của lòng đất đáy nước và
yêu cầu về độ sâu cần dò tìm.
b) Căng dây kết hợp với phao loại
1m3, neo loại 50kg và 20kg để chia nhỏ khu vực thành các ô dò có
kích thước (25 x 25)m hoặc (50 x 50)m tùy theo địa hình khu vực và phương án
thi công, căng dây đánh dấu đường dò chia ô dò thành các dải dò rộng 1m (hướng
đường dò nên trùng với hướng dòng chảy).
c) Dùng máy dò bom đặt trên xuồng
cao su hoặc thuyền Composit, đầu dò thả xuống gần sát mặt đất đáy nước, tiến
hành dò đúng yêu cầu kỹ thuật dọc theo dây đánh dấu đường dò (đầu dò luôn thẳng
đứng và cách mặt đất đáy nước từ 10cm đến 20cm). Dò xong từng dải tiếp tục
chuyển dây để dò trên dải tiếp theo.
4. Việc DTXLBMVN dưới nước chỉ
được tiến hành trong điều kiện lưu tốc dòng chảy ≤ 1m/s, nếu điều kiện bắt buộc
phải thi công trong điều kiện lưu tốc dòng chảy ≥ 1m/s thì phải tăng cường biện
pháp bảo đảm an toàn, bảo đảm kỹ thuật dò tìm và chất lượng công trình…
Điều 25.
Đánh dấu tín hiệu ở độ sâu từ 0,5m đến 3m hoặc đến 5m tính từ đáy nước
1. Phạm vi áp dụng: tất cả các
tín hiệu phát hiện được khi dò tìm dưới nước ở độ sâu từ 0,5m đến 3m hoặc đến 5m
tính từ đáy nước.
2. Trang bị: máy dò bom, thuyền
Composit, thuyền cao su các loại: phao, neo (loại 20kg làm bằng các loại vật
liệu không nhiễm từ), cáp nilon và cờ đánh dấu tín hiệu; các trang bị bảo đảm
an toàn và bảo hộ lao động.
3. Thứ tự công việc:
a) Khi máy dò bom phát tín hiệu
có vật thể gây nhiễm từ dưới đáy nước tại vị trí đang dò tìm (chỉ thị bằng
âm thanh hay độ lệch của kim đồng hồ …). Di chuyển máy dò theo dây dò để kiểm
tra xác định chính xác vị trí tâm của tín hiệu (bằng kinh nghiệm có thể sơ bộ
ước đoán độ lớn và độ nằm sâu của tâm tín hiệu).
b) Thả neo loại 20kg (đối với
các khu vực có lưu tốc dòng chảy ≥ 1m/s và độ sâu lớn hơn 3m) và loại 10 kg
(đối với các khu vực khác) cạnh vị trí tâm tín hiệu vừa xác định, neo được
nối với các phao nhựa đường kính ≥ 30 cm bằng các dây nilon Ø =12mm, trên phao
có cắm cờ đỏ đánh dấu tín hiệu.
c) Khi độ sâu nước < 3m có thể
dùng sào tre cắm để đánh dấu vị trí tín hiệu.
Điều 26. Lặn
kiểm tra, đào xử lý tín hiệu ở độ sâu từ lớn hơn 0,5m đến 1m tính từ đáy nước
1. Phạm vi áp dụng: tất cả các
tín hiệu đã đánh dấu tới độ sâu từ 0,5m đến 1m tính từ đáy nước.
2. Trang bị: máy dò bom, bộ lặn
đồng bộ, thuyền Composit, thuyền cao su các loại, máy xói bùn cát, phao, neo,
thuốn, xẻng, cáp nilon, các trang bị bảo đảm an toàn và bảo hộ lao động.
3. Thứ tự công việc:
a) Chuẩn bị và thực hiện đầy đủ
các biện pháp an toàn, dùng thợ lặn có mang theo các dụng cụ làm tay cần thiết:
thuốn, xẻng nhỏ, vòi xói … lặn xuống vị trí tâm tín hiệu đã được đánh dấu, tiến
hành các động tác xăm tìm bằng thuốc, dùng vòi xói kết hợp với thận trọng đào bới
theo đúng yêu cầu kỹ thuật cho đến khi lộ hẳn vật gây tín hiệu ra.
b) Kiểm tra xác định vật gây tín
hiệu: nếu không phải là bom-mìn-vật nổ thì dùng dây cáp nilon trục vớt lên thuyền
để đưa về nơi quy định: nếu là bom-mìn-vật nổ thì xử lý an toàn dùng dây cáp
nilon trục vớt lên thuyền đưa về nơi quy định; nếu là bom-mìn-vật nổ không an
toàn cho thu gom, vận chuyển hoặc vật nổ lạ thì dùng phao, neo và cờ đỏ đánh dấu
lại chờ xử lý riêng.
c) Sau khi đã xử lý xong tín hiệu
cần phải dùng máy kiểm tra lại xung quanh và phía dưới tín hiệu vừa xử lý để đảm
bảo sạch hết tín hiệu. Nếu còn tín hiệu thì phải tiến hành xử lý như thứ tự đã
nêu trên.
Điều 27. Lập
phương án và tổ chức thi công đào, xử lý tín hiệu dưới nước ở độ sâu từ lớn hơn
1m đến 3m hoặc đến 5m tính từ đáy nước
1. Phạm vi áp dụng: tất cả các
tín hiệu đã đánh dấu tới độ sâu từ 1m đến 3m hoặc đến 5m tính từ đáy nước, sau
khi đã đào đến độ sâu 1m mà vẫn chưa thấy vật gây tín hiệu.
2. Trang bị: máy dò bom, bộ lặn
đồng bộ, thuyền Composit, thuyền cao su các loại, máy xói áp lực cao, máy hút
bùn, phao, neo, thuốn, xẻng, các loại khung vây được chế tạo theo đúng yêu cầu,
các trang bị bảo đảm an toàn và bảo hộ lao động, các thiết bị phục vụ việc lắp
đặt và tháo gỡ khung vây.
3. Thứ tự công việc:
a) Dùng thợ lặn có thiết bị đào
kết hợp với các loại máy khác như vòi xói áp lực cao, máy hút bùn vừa tiến hành
xăm tìm vừa đào hoặc xói đến cho đến khi lộ hẳn vật gây tín hiệu ra và tiến
hành xử lý như ghi tại Điều 26.
b) Với các khu vực có địa chất
phức tạp như: cát chảy, bùn thì phải làm các khung vây bằng sắt giống như các
khoang giếng. Dùng thợ lặn kết hợp với các loại vòi xói áp lực cao để xói cát,
bùn hạ dần các khoang vây xuống rồi đào cho đến khi lộ hẳn vật gây tín hiệu ra
sau đó tiến hành xử lý như thứ tự đã nêu tại Điều 26.
4. Trong quy trình này chỉ quy định
đối với việc dò tìm dưới nước ở các khu vực gần bờ. Việc tổ chức thi công ở
ngoài, biển (xa bờ) sẽ phải lập phương án thi công và dự toán chi phí
riêng tùy theo điều kiện cụ thể của từng khu vực.
Chương 5.
THU GOM, PHÂN LOẠI, QUẢN
LÝ, VẬN CHUYỂN VÀ HỦY BOM–MÌN–VẬT NỔ DÒ TÌM ĐƯỢC
Điều 28.
Thu gom, phân loại bom-mìn-vật nổ dò tìm được
1. Với các loại bom-mìn-vật nổ
an toàn khi thu gom, vận chuyển thì dùng các biện pháp kỹ thuật để xử lý an
toàn đầu nổ, tập trung về nơi cất giữ để cuối đợt đem đi hủy theo kế hoạch.
2. Khi tập trung bom-mìn-vật nổ
thu gom được vào khu vực cất giữ chờ hủy phải tổ chức phân loại và xếp riêng từng
chủng loại bom-mìn-vật nổ ra các khu khác nhau; không để lẫn các loại bom-mìn-vật
nổ với nhau. Đối với các loại bom-mìn-vật nổ nhạy nổ và bom-mìn-vật nổ chứa chất
cháy, chất hóa học … phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo quản phù hợp với từng
loại.
3. Số lượng các loại bom-mìn-vật
nổ đã thu gom hoặc đã xử lý xong trong từng ngày phải được ghi chép đầy đủ vào
sổ theo dõi và nhật ký thi công tránh nhầm lẫn hoặc bỏ sót. Bom-mìn-vật nổ dò
tìm được trong từng ngày phải được đưa về khu vực cất giữ để quản lý, không được
để lại hiện trường qua đêm.
4. Trường hợp bom-mìn-vật nổ
phát hiện được nhưng chưa thể đào, trục vớt và xử lý ngay trong ngày thì phải cắm
các loại biển báo theo quy định và tổ chức canh gác cho đến khi đào, trục vớt
và xử lý xong.
Điều 29. Vận
chuyển bom-mìn-vật nổ dò tìm được
1. Việc vận chuyển các loại
bom-mìn-vật nổ dò tìm được từ vị trí dò tìm về nơi cất giữ hoặc từ nơi cất giữ
ra bãi hủy phải được tổ chức chặt chẽ và thận trọng:
a) Với các loại bom-mìn-vật nổ
thông thường, an toàn cho thu gom vận chuyển thì tập trung vào vị trí quy định
để cuối mỗi ca làm việc tổ chức vận chuyển, phân loại và xếp vào nơi cất giữ bảo
quản.
b) Khi thu gom, vận chuyển từ
nơi tập trung về nơi cất giữ các loại bom-mìn-vật nổ phải được xếp vào các hòm
gỗ có lót cát hoặc rơm rạ … (theo đúng quy tắc an toàn khi vận chuyển đối với
từng loại bom-mìn-vật nổ nhất là các loại bom-mìn-vật nổ chứa chất độc, chất
cháy phải có sự chú ý đặc biệt), rồi mới được vận chuyển về để phân loại và
cất giữ bảo quản.
2. Việc vận chuyển bom-mìn-vật nổ
ra bãi hủy phải theo đúng quy tắc an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật
liệu nổ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4586-1997; Điều lệ công tác nổ do Bộ tư lệnh
Công binh quy định; các quy tắc an toàn khi vận chuyển bom-mìn-vật nổ dò tìm được
quy định trong Điều 37 của Quy trình này.
Điều 30. Cất
giữ, bảo quản bom-mìn-vật nổ dò tìm được
1. Kho cất giữ, bảo quản các loại
bom-mìn-vật nổ thu gom được trong quá trình dò tìm phải được bố trí ở nơi xa
dân, xa vị trí đóng quân, xa các kho tàng và các công trình khác. Tùy vào số lượng,
chủng loại bom-mìn-vật nổ thu gom được để bố trí kho cho hợp lý, bảo đảm an
toàn. Cự ly an toàn tối thiểu của kho với các công trình xung quanh theo quy định
trong tính toán về an toàn kho đạn dược.
2. Kho cất giữ, bảo quản các loại
bom-mìn-vật nổ thu gom được trong quá trình dò tìm phải nằm ngoài phạm vi ảnh
hưởng của các loại sóng nổ gây ra cho các công trình xung quanh được tính trên
tổng số các loại bom-mìn-vật nổ hiện được cất giữ tại kho gây ra nếu do một
nguyên nhân nào đó mà bị kích nổ.
3. Các kho cất giữ, bảo quản
bom-mìn-vật nổ thu gom được trong quá trình dò tìm phải được tổ chức canh gác
và bảo vệ chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng điều lệnh canh phòng do Bộ Tổng Tham
mưu quy định.
Điều 31. Hủy
bom-mìn-vật nổ dò tìm được
1. Các loại bom-mìn-vật nổ thu
gom được trong quá trình dò tìm phải được xử lý chủ yếu bằng các phương pháp: hủy
nổ, hủy đốt hoặc hủy chôn (chỉ được xử lý bằng phương pháp tháo khi được cơ
quan có thẩm quyền cho phép bằng văn bản).
2. Việc tổ chức hủy bom-mìn-vật
nổ thu gom được trong dò tìm phải được thống nhất trên toàn khu vực và do chỉ
huy trưởng công trường hoặc đội trưởng (tùy theo quy mô công trình) chịu
trách nhiệm lập kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức hủy.
3. Kế hoạch hủy phải thực hiện
theo đúng phương án đã được phê duyệt, phải phổ biến đến tất cả các bộ phận
tham gia thi công trong khu vực và phải thông báo cho các cơ quan có liên quan,
cho các cấp chính quyền, cho cơ quan Quân sự và nhân dân địa phương, cho các loại
phương tiện thường qua lại trong khu vực.
4. Việc hủy bom-mìn-vật nổ thu
gom được bằng các phương pháp hủy nổ, hủy đốt hoặc hủy chôn phải theo đúng các
quy trình kỹ thuật hủy nổ, hủy đốt và hủy chôn bom-mìn-vật nổ đã ban hành ứng với
từng loại khác nhau:
a) Đối với các loại có chứa chất
độc, chất cháy hủy theo:
- Quy trình công nghệ hủy chôn đạn
CS và chất độc do Tổng cục Kỹ thuật quy định.
- Quy trình công nghệ xử lý đạn
phốt pho trắng do Viện hóa học QS/Binh chủng Hóa học quy định.
b) Đối với các loại đạn hủy theo
các Quy trình công nghệ do Tổng cục Kỹ thuật quy định:
- Quy trình công nghệ hủy nổ đầu
đạn xuyên.
- Quy trình công nghệ hủy nổ đầu
đạn xuyên lõm.
- Quy trình công nghệ hủy đốt đạn
súng.
- Quy trình công nghệ hủy nổ đầu
đạn pháo, thân đạn cối và thân đạn DKZ sát thương, phá và phá sát thương.
- Quy trình công nghệ hủy đốt đầu
đạn pháo 105mm, 155mm, 175mm nổ mạnh.
- Quy trình công nghệ hủy nổ lựu
đạn sát thương.
c) Đối với các loại bom hủy theo
các Quy trình công nghệ do Tổng cục Kỹ thuật quy định:
- Quy trình công nghệ hủy nổ bom
CBU-24B/B, bom bi quả dứa CBU, bom cam CBU-46.
- Quy trình công nghệ hủy nổ bom
MK81, MK82.
d) Đối với các loại mìn hủy theo
quy trình công nghệ xử lý vũ khí Công binh do Binh chủng Công binh quy định.
Chương 6.
CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM
SÁT KỸ THUẬT, NGHIỆM THU, BÀN GIAO
Điều 32. Kiểm
tra chất lượng công trình
1. Việc kiểm tra chất lượng các
công trình thi công DTXLBMVN của các đơn vị phải được tiến hành thường xuyên và
liên tục. Công tác này được các nhân viên kỹ thuật của tất cả các cấp, trong đó
có các chuyên viên của Binh chủng Công binh thực hiện theo kế hoạch dưới sự chỉ
đạo trực tiếp của Hội đồng thẩm định trực thuộc Binh chủng Công binh.
2. Các cơ quan chức năng của Bộ
Quốc phòng được giao nhiệm vụ đều phải có trách nhiệm kiểm tra chất lượng công
trình DTXLBMVN do các đơn vị trong toàn quân thi công.
3. Việc kiểm tra được thực hiện
theo phương pháp xác suất trên tổng diện tích đã thi công DTXLBMVN, thông thường
diện tích kiểm tra không ít hơn 1% tổng số diện tích đã thi công DTXLBMVN. Khi
kiểm tra nếu ở độ sâu 0,3m phát hiện còn để sót ≥ 0,3% số lượng tín hiệu theo số
liệu khảo sát (dù không phải là bom-mìn-vật nổ nhưng có kích thước ≥ 3cm x
3cm), nếu ở độ sâu > 0,3m mà để sót bất cứ một tín hiệu nào có kích thước
≥ 3cm x 3cm thì đơn vị thi công phải tổ chức làm lại từ đầu.
4. Các Chủ đầu tư cũng phải có
trách nhiệm phối hợp tổ chức hoặc tự tổ chức việc giám sát kỹ thuật thi công
công trình DTXLBMVN theo phương án đã được duyệt.
Điều 33.
Giám sát kỹ thuật
1. Giám sát kỹ thuật nhằm giúp
cho công tác tổ chức chỉ huy thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và an
toàn tuyệt đối. Công ty giám sát kỹ thuật sẽ do một hoặc một số cán bộ kỹ thuật
(tùy theo quy mô của công trình) của đơn vị thi công đảm nhiệm. Công tác
giám sát kỹ thuật phải được tiến hành trong suốt quá trình thi công DTXLBMVN.
2. Nhiệm vụ của cán bộ giám sát
kỹ thuật gồm:
a) Giám sát việc tổ chức thi
công DTXLBMVN theo đúng phương án kỹ thuật thi công đã được phê duyệt.
b) Giám sát về phạm vi, diện
tích đã DTXLBMVN, số lượng tín hiệu các loại đã tiến hành xử lý, khối lượng
phát cây, khối lượng đất đào xử lý tín hiệu, số lượng bom-mìn-vật nổ các loại
dò tìm được trong ngày. Ký xác nhận vào nhật ký thi công DTXLBMVN và chịu trách
nhiệm về các xác nhận của mình cả về khối lượng và chất lượng của công việc mà
mình đã xác nhận.
3. Cán bộ giám sát kỹ thuật phải:
a) Thường xuyên có mặt tại hiện
trường, tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn thi công đúng phương
án, quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn; nghiêm khắc chấn chỉnh những sai phạm
trong quá trình thi công.
b) Nắm chắc phạm vi, khối lượng
diện tích đã DTXLBMVN của đơn vị, tránh bỏ sót diện tích do bất cứ nguyên nhân
nào; thường xuyên kiểm tra chất lượng công việc đã hoàn thành. Kiên quyết buộc
đơn vị thi công phải làm lại các diện tích không bảo đảm chất lượng.
c) Các cán bộ giám sát kỹ thuật
phải chịu trách nhiệm trước chỉ huy trưởng công trường về chất lượng công việc
đã hoàn thành của đơn vị mà mình giám sát. Ngoài trách nhiệm báo cáo thường
xuyên kết quả giám sát cho chỉ huy trưởng công trường, theo định kỳ còn phải
báo cáo kết quả giám sát về chỉ huy đơn vị.
Điều 34.
Nghiệm thu bàn giao
1. Việc nghiệm thu kỹ thuật được
tiến hành tại thực địa gồm:
a) Kiểm tra chất lượng công việc
được tiến hành theo phương pháp kiểm tra xác suất tại một số điểm (thường có
kích thước 20m x 20m) với số lượng diện tích kiểm tra chiếm khoảng 1% tổng
diện tích đã DTXLBMVN xong.
b) Kiểm tra các cọc mốc đánh dấu
khu vực, so sánh với bình đồ hoàn công khu vực đã DTXLBMVN, kiểm tra khối lượng
công việc đã thực hiện. Lập các biên bản cần thiết về nghiệm thu các hạng mục
công việc và tiến hành ký kết các biên bản tại thực địa.
2. Sau khi tổ chức nghiệm thu kỹ
thuật tiến hành tổ chức nghiệm thu bàn giao toàn bộ mặt bằng đã DTXLBMVN giữa đại
diện pháp nhân các bên có liên quan. Hồ sơ nghiệm thu bàn giao gồm:
a) Biên bản nghiệm thu để đưa hạng
mục công trình XD xong vào sử dụng.
b) Biên bản nghiệm thu khối lượng
thi công DTXLBMVN.
c) Biên bản nghiệm thu kỹ thuật
tại hiện trường.
d) Biên bản bàn giao mặt bằng đã
DTXLBMVN.
e) Sơ đồ hoàn công cho mặt bằng
đã DTXLBMVN.
f) Bản cam kết bảo đảm an toàn
cho mặt bằng đã DTXLBMVN.
g) Biên bản xác nhận số
bom-mìn-vật nổ dò tìm được để đưa đi hủy.
h) Biên bản hủy bom-mìn-vật nổ
dò tìm được.
Chương 7.
QUY TẮC AN TOÀN
Điều 35.
Quy tắc an toàn chung
1. Mọi hạng mục công việc trong
nhiệm vụ DTXLBMVN đều phải được tiến hành trên cơ sở phương án thi công đã được
duyệt, các bước triển khai phải được tổ chức chặt chẽ, chỉ huy thống nhất, theo
đúng trình tự, đúng quy trình. Nghiêm cấm tự động thay đổi quy trình kỹ thuật
DTXLBMVN trong quá trình tổ chức thực hiện, khi bắt buộc phải thay đổi một số
bước trong quy trình đã được duyệt thì phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền
bằng văn bản.
2. Chỉ huy trưởng công trường là
người chịu trách nhiệm trực tiếp trước cấp trên và trước pháp luật về việc tổ
chức thực hiện đúng phương án thi công, đúng quy trình kỹ thuật, quy tắc an
toàn, bảo đảm không sót bom-mìn-vật nổ; hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy
định, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và các phương tiện máy móc trang bị …
trong quá trình thi công DTXLBMVN, cũng như cho thi công xây dựng và sử dụng
lâu dài của công trình sau này.
3. Phải coi trọng công tác hiệp
đồng với chính quyền, cơ quan quân sự các cấp của địa phương sở tại khi tổ chức
thực hiện nhiệm vụ DTXLBMVN.
4. Khi làm nhiệm vụ DTXLBMVN phải
tổ chức kho cất giữ và bảo quản các loại bom-mìn-vật nổ thu gom được: các loại
bom-mìn-vật nổ thu gom được phải được phân loại và xếp riêng ra từng khu khác
nhau trong kho cất giữ. Phải có khu cất giữ riêng thuốc nổ và hỏa cụ. Kho cất
giữ bom-mìn-vật nổ vật nổ thu gom được không được bố trí gần khu dân cư, khu vực
đóng quân và phải được canh gác bảo vệ nghiêm ngặt theo đúng quy định về canh
gác kho vũ khí.
Điểm 36.
Quy tắc an toàn trong dò tìm, xử lý bom-mìn-vật nổ
1. Người chỉ huy đơn vị DTXLBMVN
phải luôn có mặt tại hiện trường, đi sâu đi sát, thường xuyên nhắc nhở và chấn
chỉnh việc chấp hành đúng quy trình kỹ thuật và quy tắc an toàn.
2. Khi tổ chức phát quang khu vực
bằng cách đốt thì phải tổ chức các trạm cảnh giới xung quanh khu vực thật chặt
chẽ, cấm những người không có nhiệm vụ vào khu vực đang thi công. Sau khi phát
quang bằng phương pháp đốt phải sau 4 giờ mới được vào khu vực vừa đốt để triển
khai các công việc tiếp theo.
3. Trước mỗi ca làm việc, các
nhân viên kỹ thuật phải làm công tác kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật của tất cả
các loại trang thiết bị theo đúng yêu cầu.
4. Mỗi ca DTXLBMVN làm việc liên
tục tổng cộng là 6 giờ, một người sử dụng máy dò không được làm việc 2 ca liên
tục trong một ngày.
5. Nghiêm cấm tùy tiện đi lại tự
do trong khu vực thi công DTXLBMVN.
6. Không được cắm cờ, thả phao
neo đánh dấu tín hiệu vào đúng vị trí tâm tín hiệu. Không được tự động di chuyển
các vật chướng ngại và các đồ vật khác trong khu vực nghi có mìn khi chưa được
kiểm tra kỹ.
7. Khi tiến hành xử lý tín hiệu
chỉ cho phép một người thực hiện. Khi phát hiện thấy loại bom-mìn-vật nổ lạ thì
phải giữ nguyên hiện trường kịp thời báo cáo người chỉ huy trực tiếp biết để
tìm biện pháp xử lý thích hợp.
8. Không được mang các loại
bom-mìn-vật nổ thu gom được trong khi dò tìm về nhà ở và nơi nghỉ ngơi sinh hoạt.
9. Cấm người, súc vật cũng như
các phương tiện xe cộ không có nhiệm vụ vào khu vực đang thi công DTXLBMVN.
Không được hút thuốc, uống các đồ uống có chất kích thích trong khi đang làm
nhiệm vụ DTXLBMVN.
10. Việc tổ chức thu gom và hủy
bom-mìn-vật nổ dò tìm chỉ được thực hiện vào cuối mỗi ca làm việc.
Điều 37.
Quy tắc an toàn khi thu gom, phân loại, vận chuyển và hủy bom-mìn-vật nổ dò tìm
được.
1. Chỉ thu gom, vận chuyển đi hủy
các loại bom-mìn-vật nổ bảo đảm được an toàn trong khi thu gom vận chuyển.
Trong trường hợp có các loại bom-mìn-vật nổ không bảo đảm an toàn trong vận
chuyển nhưng không thể tổ chức để phá hủy tại chỗ được thì phải xin chỉ thị và
được sự đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền mới được tổ chức vận chuyển
đi hủy sau khi đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt về bảo đảm an toàn.
2. Xe dùng để vận chuyển
bom-mìn-vật nổ mang đi hủy chỉ được phép dùng xe có thùng bằng gỗ, cấm không được
dùng xe tự đổ, xe phải luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt, lái xe phải là người có
tay nghề cao, đức tính cẩn thận, bình tĩnh và dũng cảm. Trên thùng xe phải được
lót một lớp cát dầy ≥ 25cm. Không được để lẫn các loại xăng dầu trên thùng xe
khi vận chuyển bom-mìn-vật nổ.
3. Khi xếp bom-mìn-vật nổ lên xe
phải xếp nằm ngang với hướng xe chạy, phải có các vật chèn không cho bom-mìn-vật
nổ va đập vào nhau. Phải chèn, buộc cố định các bộ phận an toàn của ngòi nổ để
chúng không thể hoạt động được.
4. Trên xe dùng vận chuyển
bom-mìn-vật nổ chỉ được phép ngồi nhiều nhất là 3 người gồm lái chính, lái phụ (khi
cần) và cán bộ áp tải.
5. Xe chở bom-mìn-vật nổ không
được đi qua thành phố nơi tập trung đông người, nếu bắt buộc phải đi qua thì phải
được sự đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền mới được đi qua và phải đi
vào ban đêm, vào lúc vắng người và phải hợp đồng chặt chẽ về tuyến đường đi với
các cơ quan có trách nhiệm. Xe không được phép đỗ dừng ở chỗ đông người hoặc gần
khu vực có kho tàng trong vòng bán kính nguy hiểm.
6. Khi tổ chức hủy bom-mìn-vật nổ
phải tuân thủ tuyệt đối các quy tắc an toàn về sử dụng thuốc nổ do Binh chủng
Công binh quy định.
7. Vị trí dùng để hủy bom-mìn-vật
nổ thu gom được phải được cấp phê duyệt phương án tổ chức thi công DTXLBMVN phê
chuẩn.
8. Khu vực bố trí bãi hủy
bom-mìn-vật nổ có các trạm cảnh giới an toàn ở các vị trí cần thiết. Phải có
các vị trí ẩn nấp bảo đảm an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ hủy nổ, cho chỉ
huy bãi hủy và các vị trí cảnh giới.
9. Mỗi lần gây nổ hố hủy xong phải
sau 15 phút mới được tiến hành kiểm tra an toàn, sau khi đã kiểm tra an toàn
xong mới được bắt tay vào các công việc tiếp theo.
10. Không được tổ chức hủy nổ
khi có trời mưa, sấm sét và dông bão. Trường hợp sau khi đã bố trí xong hố hủy
thời tiết mới trở lên xấu đi thì phải rút khỏi bãi hủy và tổ chức canh gác bảo
vệ an toàn toàn bộ khu vực bãi hủy.
11. Sau khi kết thúc mỗi đợt hủy
nổ phải tổ chức kiểm tra an toàn toàn bộ khu vực bãi hủy trước khi rút quân.
Khi thực hiện nhiệm vụ dò
tìm xử lý, thu gom, vận chuyển và tổ chức hủy bom-mìn-vật nổ, phải tổ chức ghi
nhật ký thi công hàng ngày thật tỷ mỷ, chuẩn xác, lưu số liệu theo chế độ bảo mật
và nhật ký chiến đấu.