BỘ
TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
12/2005/QĐ-BTNMT
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP PHÒNG, CHỐNG DỊCH
CÚM GIA CẦM VÀ ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số
91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính
phủ về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch
hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch
cúm ở người;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch
cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các
đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm;
- Ban Khoa giáo Trung ương Đảng;
- Uỷ ban KH,CN&MT của Quốc hội;
- HĐND các tỉnh thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ TP;
- Lưu: VT, BVMT, PC.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Khôi Nguyên
|
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM (H5N1) VÀ ĐẠI
DỊCH CÚM Ở NGƯỜI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTNMT ngày 09 tháng 11 năm 2005
của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Dịch cúm gia cầm ở nước ta xuất
hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 12 năm 2003, đến cuối tháng 4 năm 2004 về cơ bản
ở nước ta đã khống chế được dịch. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6 năm 2004 dịch lại
bắt đầu tái phát rải rác và tái phát trở lại vào cuối tháng 12 năm 2004 đến
nay.
Cùng với dịch cúm gia cầm đã xuất
hiện cúm A với phân týp H5N1 trên người. Cho đến nay đã có 3 đợt dịch với tổng
số người mắc bệnh là hơn 90 người, trong đó có hơn 40 trường hợp tử vong tại 32
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngay sau khi dịch cúm gia cầm bùng
phát, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các đoàn công tác khảo sát tình
hình thực tế ở một số địa phương như Hà Tây, Long An, Tiền Giang... và trực tiếp
chỉ đạo công tác chôn lấp, xử lý ô nhiễm môi trường do dịch cúm gia cầm gây ra.
Cùng với việc chỉ đạo trực tiếp ở một số địa phương, Bộ cũng đã khẩn trương ban
hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tiêu hủy gia cầm mắc bệnh, giám sát,
phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu vực chôn lấp gia cầm. Mặt
khác, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo
các đơn vị liên quan bảo tồn nguồn gen gia cầm quý hiếm.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài
nguyên và Môi trường, nhiều Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với
các đơn vị có liên quan tại địa phương hướng dẫn các biện pháp tiêu hủy gia cầm,
bảo đảm an toàn môi trường, khoanh vùng dịch và hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
Hiện nay, mầm bệnh lưu hành
trong gia cầm, thủy cầm khá phổ biến, nguy cơ trở thành đại dịch là rất cao. Mặt
khác, việc xử lý dịch cúm gia cầm chưa triệt để ở các ổ dịch nhỏ, lẻ làm cho
virus H5N1 phát tán rộng ra môi trường. Trong khi đó, tình hình dịch cúm A ở
người tiếp tục diễn biến phức tạp.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi
trường tại các vùng dịch bệnh và trong phạm vi cả nước, đồng thời góp phần ngăn
chặn có hiệu quả dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người, Bộ Tài nguyên
và Môi trường ban hành Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm
và đại dịch cúm ở người với các nội dung chủ yếu sau đây:
A. MỤC TIÊU CỦA
KẾ HOẠCH
1. Tổ chức thực hiện tốt các hoạt
động bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia và phối hợp với
các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc triển khai đồng bộ các hoạt động
phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện
các biện pháp giám sát, kiểm soát môi trường để cảnh báo và ngăn ngừa lan truyền
ô nhiễm do dịch bệnh.
3. Thực hiện hiệu quả các biện
pháp xử ýlý ô nhiễm, bảo vệ môi trường khi xảy
ra đại dịch.
4. Khống chế ô nhiễm, phục hồi
môi trường sau đại dịch.
B. NỘI DUNG CỦA
KẾ HOẠCH
I. Giai đoạn 1: Dịch cúm gia cầm
đã xảy ra và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người (tương ứng với pha 1, 2, 3 của
WHO – Phụ lục 1 kèm theo Kế hoạch này).
1. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng,
chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của Bộ Tài nguyên và Môi trường,
gồm Thủ trưởng các đơn vị có liên quan. Cục Bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tài
nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện
Kế hoạch. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm:
a) Thực hiện các nhiệm vụ theo sự
phân công của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm;
b) Xây dựng các phương án ứng
phó với đại dịch và kiểm soát, xử ýlý ô nhiễm
môi trường do dịch bệnh gây ra;
c) Phối hợp với UBND cấp tỉnh:
- Tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo quốc gia;
- Hướng dẫn quy trình, phương
pháp chôn lấp, tiêu hủy và mai táng, quy hoạch các địa điểm chôn lấp, tiêu huỷ
gia cầm và các khu vực mai táng bảo đảm các điều kiện an toàn vệ sinh môi trường;
- Huy động ngay các nguồn lực hiện
có, bảo đảm sẵn sàng các điều kiện về trang thiết bị kỹ thuật, các trang bị bảo
hộ lao động để giám sát và xử lý ô nhiễm môi trường;
- Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi
trường phối hợp cùng với các sở, ban, ngành liên quan có phương án bảo đảm điều
kiện cung cấp nước sạch cho nhân dân khi xảy ra dịch bệnh;
d) Phối hợp với các bộ, ngành và
địa phương tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác bảo tồn các nguồn gen,
các loài gia cầm đặc hữu, quý hiếm tránh nguy cơ bị tác động do đại dịch; thực
hiện các biện pháp ứng phó với chim di cư nhằm ngăn chặn phát tán dịch bệnh.
2. Cục Bảo vệ môi trường thuộc Bộ
Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo, có trách nhiệm
thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Chủ động phối hợp với các cơ
quan, tổ chức có liên quan xây dựng, hoàn thiện và phổ biến các quy trình, hướng
dẫn kỹ thuật giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường do dịch bệnh;
b) Chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp với
các Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức
kiểm tra, giám sát môi trường tại các khu chăn nuôi, giết mổ tập trung, các địa
điểm chôn lấp, tiêu huỷ gia cầm và khu vực mai táng người chết do nhiễm dịch;
kiểm soát ô nhiễm môi trường và tránh lây lan dịch bệnh;
c) Tổ chức mạng lưới chuyên gia
tư vấn để hỗ trợ kỹ thuật, giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường, phục vụ thực hiện
các hoạt động của Kế hoạch;
d) Làm đầu mối về cung cấp, trao
đổi thông tin với Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức
quốc tế về diễn biến dịch bệnh, tình hình ô nhiễm môi trường do dịch bệnh;
đ) Thường xuyên báo cáo Ban chỉ
đạo của Bộ về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
có trách nhiệm:
a) Làm đầu mối cập nhật, cung cấp
thông tin về tình hình dịch bệnh và ô nhiễm môi trường tại địa phương cho Ban
Chỉ đạo của Bộ;
b) Hướng dẫn chôn lấp, tiêu hủy
gia cầm theo đúng quy định và giám sát môi trường tại các khu chăn nuôi, giết mổ
tập trung, các địa điểm chôn lấp, tiêu huỷ gia cầm tại địa phương;
c) Xây dựng các phương án bảo vệ
môi trường địa phương, lập kế hoạch huy động nhân lực, đào tạo nâng cao năng lực
giám sát và xử lý môi trường sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh;
d) Thường xuyên báo cáo Ban Chỉ
đạo của Bộ và UBND cấp tỉnh về tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch.
II. Giai đoạn 2: Dịch cúm gia cầm
lây bệnh cho người và xác định được dịch lây lan từ người sang người (tương
đương với pha 4, 5 của WHO - Phụ lục 1 kèm theo Kế hoạch này).
1. Ban chỉ đạo của Bộ Tài nguyên
và Môi trường có trách nhiệm:
a) Huy động và điều phối lực lượng
tham gia thực hiện các phương án cụ thể để cô lập, xử ýlý
ô nhiễm môi trường tại các khu vực có dịch và các vùng phụ cận;
b) Chỉ đạo các đơn vị liên quan
của Bộ, các Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ
việc tuân thủ các quy định về tiêu hủy, chôn lấp gia cầm và mai táng người chết
do dịch bệnh;
c) Thiết lập đường dây nóng để kịp
thời thu thập, xử lý thông tin về đại dịch và chỉ đạo các họat động.
2. Cơ quan thường trực của Ban chỉ
đạo thực hiện các nhiệm vụ:
a) Thường xuyên cập nhật, báo
cáo và phổ biến thông tin về quy mô dịch bệnh, mức độ ô nhiễm và các sự cố môi
trường do dịch bệnh gây ra;
b) Điều phối nguồn lực để tham
gia, phối hợp thực hiện các hoạt động kiểm soát dịch bệnh theo sự chỉ đạo, phân
công của Ban chỉ đạo.
3. Các đơn vị phối hợp thuộc Bộ
Tài nguyên và Môi trường tham gia thực hiện các họat động giám sát môi trường
và hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các qui định bảo vệ môi trường tại các địa
phương theo sự phân công của Ban chỉ đạo.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
thực hiện các nhiệm vụ:
a) Làm đầu mối thông tin của đường
dây nóng tại địa phương, thường xuyên cập nhật, báo cáo và phổ biến thông tin về
quy mô, mức độ dịch bệnh, tình hình ô nhiễm và các sự cố môi trường do dịch bệnh
gây ra tại địa phương;
b) Kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt
việc tuân thủ quy trình, quy định tiêu huỷ, chôn lấp gia cầm và mai táng người
bị chết do dịch bệnh;
c) Phối hợp với các đơn vị liên
quan thực hiện giám sát môi trường và hỗ trợ kiểm soát ổ dịch theo đúng quy định
bao gồm khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại tại các khu chăn nuôi tập
trung, giết mổ, kinh doanh gia cầm, khu vực mai táng và ở hộ gia đình;
d) Cảnh báo về tình trạng ô nhiễm
và sự lan truyền ô nhiễm, đặc biệt là các nguồn nước. Phối hợp với các đơn vị
liên quan khoanh vùng và xử lý các khu vực ô nhiễm và bảo đảm cung cấp nước sạch
cho cộng đồng.
III. GIAI ĐOẠN 3: Giai đoạn đại
dịch (tương ứng với pha 6 của WHO - Phụ lục 1 kèm theo Kế hoạch này).
1. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo
và Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo:
a) Duy trì 24/24h đường dây nóng
kết nối thông tin với Ban chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành và các địa phương,
các nhóm tư vấn, các trạm quan trắc và cộng đồng. Tổ chức trực thường xuyên để
tiếp nhận và xử lý thông
tin về đại dịch, kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia và Thủ tướng Chính phủ
chỉ đạo giải quyết;
b) Huy động toàn bộ lực lượng của
Bộ, hệ thống cơ quan môi trường ở địa phương và mạng lưới chuyên gia hướng dẫn,
giám sát và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường;
c) Triển khai nhanh các biện
pháp xử lý ô nhiễm, giải quyết sự cố môi trường ở những địa phương đã có dịch bệnh;
d) Phối hợp với Ban chỉ đạo quốc
gia triển khai đồng bộ các hoạt động bảo vệ môi trường và sức khoẻ cho cộng đồng.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Huy động lực lượng tối đa để
hướng dẫn, giám sát và thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại các khu
chăn nuôi, tiêu huỷ, chôn lấp gia cầm, điều trị bệnh nhân và các khu vực mai
táng;
b) Nhanh chóng triển khai các họat
động xử lý, ứng cứu sự cố môi trường theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo và UBND cấp tỉnh.
IV. GIAI ĐOẠN 4: Sau đại dịch
1. Ban chỉ đạo của Bộ có trách
nhiệm:
a) Tổ chức đánh giá tổng thể về
ô nhiễm môi trường, tính toán thiệt hại và dự báo rủi ro môi trường do đại dịch;
b) Công bố tình trạng môi trường,
nguy cơ ô nhiễm môi trường lâu dài và các rủi ro đối với sức khoẻ cộng đồng có
thể xảy ra, phổ biến các biện pháp phòng tránh thông qua các phương tiện tuyên
truyền, thông tin đại chúng;
c) Chủ trì, phối hợp xây dựng kế
hoạch làm sạch môi trường tại các khu vực ô nhiễm sau đại dịch;
d) Tổ chức tổng kết, rút kinh
nghiệm các khâu chuẩn bị và thực hiện Kế hoạch. Bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch để
ứng phó áp dụng khi dịch tái phát.
2. Cơ quan thường trực của Ban
chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ:
a) Chỉ đạo các đơn vị quan trắc,
giám sát ô nhiễm tiếp tục duy trì ở mức hợp lý các hệ thống giám sát môi trường,
bảo đảm phát hiện và cảnh báo các nguy cơ ô nhiễm môi trường;
b) Phối hợp với các đơn vị liên
quan thống kê hoá chất, thiết bị đã sử dụng và còn lại, lập kế hoạch bảo quản,
bổ sung và sử dụng trong trường hợp cần thiết;
c) Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện
các hoạt động vệ sinh, làm sạch và phục hồi môi trường tại khu vực ô nhiễm.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
thực hiện các nhiệm vụ:
a) Đánh giá hiện trạng môi trường
địa phương sau đại dịch, lập kế hoạch vệ sinh, làm sạch và phục hồi môi trường
tại khu vực ô nhiễm.
b) Thực hiện các công tác chuẩn
bị, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh tái phát.
C. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
I. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện
Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường
thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người do
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là Trưởng ban, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi
trường là Phó Trưởng ban, thành viên Ban Chỉ đạo là Thủ trưởng các đơn vị liên
quan gồm: Vụ Môi trường, Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Cục Quản
lý ýTài
nguyên nước, Thanh tra Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế và Văn phòng Bộ.
Cục Bảo vệ môi trường là cơ quan
thường trực giúp Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động Kế hoạch hành động
khẩn cấp của Bộ.
II. Phân công thực hiện
1. Cục Bảo vệ môi trường
a) Kiểm tra, giám sát tình hình
thực hiện các nội dung của Kế hoạch trên địa bàn cả nước và kịp thời báo cáo
Ban chỉ đạo của Bộ;
b) Cập nhật và phổ biến thông
tin thường xuyên;
c) Xây dựng và phổ biến các quy
trình hướng dẫn kỹ thuật;
d) Tập hợp mạng lưới chuyên gia;
đ) Tăng cường năng lực cho mạng
lưới quan trắc, dự trù kinh phí và chuẩn bị sẵn sàng về thiết bị, hoá chất, bảo
hộ lao động.
2. Các đơn vị thuộc Bộ
a) Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Hợp
tác quốc tế có trách nhiệm cân đối các nguồn kinh phí và tìm kiếm hỗ trợ của quốc
tế để thực hiện các nội dung của Kế hoạch;
b) Các đơn vị liên quan là các
đơn vị phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch và theo sự phân công của
Ban chỉ đạo.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Phối hợp với Ban chỉ đạo của
Bộ và địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch;
b) Tham gia xây dựng các quy
trình, hướng dẫn kỹ thuật về tiêu hủy, chôn lấp gia cầm và mai táng người chết
phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội tại địa phương;
c) Tham gia lập quy hoạch các địa
điểm chôn lấp, tiêu huỷ gia cầm và khu vực mai táng, bảo đảm các điều kiện an
toàn vệ sinh môi trường;
d) Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo,
đôn đốc và thực hiện Kế hoạch của Bộ;
đ) Phối hợp với các sở, ban,
ngành liên quan ở địa phương có phương án cung cấp nước sạch cho nhân dân tại
các khu vực nguồn nước bị ô nhiễm;
e) Tổ chức thực hiện chỉ đạo của
Ban chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và cử người tham khi có yêu cầu;
g) Thường xuyên báo cáo cho cơ
quan thường trực Ban chỉ đạo của Bộ về tình hình dịch bệnh và các giải pháp khắc
phục ô nhiễm môi trường tại địa phương.
III. Tiến độ thực hiện
1. Các hoạt động triển khai thực
hiện Giai đoạn 1 cần được hoàn thành trước ngày 30 tháng 11 năm 2005.
2. Thực hiện các nhiệm vụ đúng
thời hạn của Ban chỉ đạo quốc gia và các nội dung đã nêu trong Kế hoạch.
D. KINH PHÍ
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao
trong Kế hoạch, Ban chỉ đạo của Bộ cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn chi ngân
sách sự nghiệp kinh tế của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường
Việt Nam, hỗ trợ của quốc tế và các nguồn khác để bảo đảm thực hiện Kế hoạch.
Đối với các nhiệm vụ do địa
phương thực hiện trong Kế hoạch, UNND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có
trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn chi ngân sách địa phương, hỗ trợ
hợp tác quốc tế và các nguồn khác. Trong trường kinh phí địa phương không đáp ứng
được nhu cầu thực hiện Kế hoạch tại địa phương thì kịp thời báo cáo cho Ban chỉ
đạo của Bộ.
PHỤ LỤC 1:
CÁC PHA CỦA ĐẠI DỊCH CÚM
(Theo định nghĩa của WHO)
Pha 1: Không có sub-type virut
cúm mới phát hiện trên người. Một chủng virut cúm gây bệnh trên người có thể xuất
hiện trên động vật. Nếu xuất hiện trên động vật, nguy cơ nhiễm bệnh trên người
được cho là thấp.
Pha 2: Không có sub-type virut
cúm mới phát hiện trên người. Tuy nhiên, sự lưu hành của virut cúm trên động vật
dẫn tới nguy cơ đáng kể khả năng nhiễm bệnh trên người.
Pha 3: Người nhiễm sub-type mới
trên người, nhưng không có sự truyền lây giữa người với người, hầu như không có
trường hợp lây lan do tiếp xúc gần.
Pha 4: Có sự lây lan từ người
sang người nhưng ở diện hẹp, mang tính địa phương, khả năng thích ứng và lây
lan của virut trên người còn thấp.
Pha 5: Có sự lây lan từ người
sang người nhưng ở diện rộng, nhưng vẫn mang tính địa phương, khả năng thích ứng
của virut trên người tăng lên, nhưng chưa có khả năng lây truyền thành đại dịch.
Pha 6: Là giai đoạn xảy ra đại dịch,
virut có khả năng lây lan trên diện rộng (cả nước).