BỘ CÔNG AN
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 08/1998/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày 03
tháng 12 năm 1998
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ CÔNG AN SỐ 08/1998/TT-BCA NGÀY 3 THÁNG 12 NĂM 1998HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA QUY CHẾ VỀ TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG BAN HÀNH KÈM
THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 33/CP NGÀY 14 THÁNG 4 NĂM 1997 CỦA CHÍNH PHỦ
Thi hành Nghị định số 33/CP ngày
14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế về Trường giáo dưỡng, Bộ
Công an hướng dẫn thực hiện một số quy định của Quy chế về Trường giáo dưỡng
như sau:
I- VỀ ĐỐI TƯỢNG
ĐƯA VÀO TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG
1. Đối tượng
đưa vào trường giáo dưỡng.
a) Đối với những đối tượng đưa
vào trường giáo dưỡng được quy định tại điểm a Điều 1 của Quy chế về Trường
giáo dưỡng phải có đủ các điều kiện sau:
- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới
14 tuổi;
- Thực hiện hành vi có các dấu
hiệu của một tội phạm nghiêm trọng quy định tại Bộ luật hình sự. Tội phạm
nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung
hình phạt đã được quy định trong Bộ luật hình sự đối với tội ấy là trên năm năm
tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với loại đối tượng này chỉ cần
lần đầu tiên thực hiện hành vi có các dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng,
đã đủ điều kiện để lập ngay hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng.
b) Đối với những đối tượng đưa
vào trường giáo dưỡng được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 của Quy chế về
Trường giáo dưỡng phải có đủ các điều kiện sau:
- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới
16 tuổi;
- Thực hiện hành vi có các dấu
hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng quy định tại Bộ luật hình sự. Tội phạm ít
nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy
là từ năm năm tù trở xuống.
- Đã được chính quyền và nhân
dân địa phương giáo dục nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa. Về điều kiện này
cần được thực hiện thống nhất như sau:
Đã được Uỷ ban nhân dân (sau đây
viết tắt là UBND), cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội, đơn vị dân
cư cơ sở hoặc nhà trường giáo dục bằng một trong các hình thức như họp để kiểm
điểm, phê bình, nhắc nhở (có biên bản), cảnh cáo, phạt tiền theo quy định của
pháp luật hoặc đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quy
chế Giáo dục tại xã, phường, thị trấn, ban hành kèm theo Nghị định số 19/CP
ngày 6/4/1996 của Chính phủ, nhưng vẫn không chịu sửa chữa, lại tiếp tục có
hành vi vi phạm pháp luật.
c) Đối với những đối tượng đưa
vào trường giáo dưỡng được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 của Quy chế về
Trường giáo dưỡng phải có đủ các điều kiện sau:
- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới
18 tuổi;
- Nhiều lần có hành vi vi phạm
hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội.
- Đã được chính quyền và nhân
dân địa phương giáo dục nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa.
"Nhiều lần có hành vi vi phạm
hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội và đã được chính quyền và
nhân dân địa phương giáo dục nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa" được thực
hiện thống nhất như sau: ít nhất đã 2 lần được UBND, cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền, tổ chức xã hội, đơn vị dân cư cơ sở hoặc nhà trường giáo dục bằng một
trong các hình thức như tổ chức họp để kiểm điểm, phê bình, nhắc nhở (có biên bản),
cảnh cáo, phạt tiền theo quy định của pháp luật hoặc đã bị áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Quy chế Giáo dục tại xã, phường, thị trấn
mà nay vẫn không chịu sửa chữa, lại tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật.
Thời hạn để tính số lần có hành
vi vi phạm của đối tượng phải căn cứ vào Điều 10 của Pháp lệnh xử lý vi phạm
hành chính.
Trường hợp người chưa thành niên
đang phải chấp hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn lại thực hiện
hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quy chế về Trường
giáo dưỡng, thì Công an cấp xã làm báo cáo đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã và lập
ngay hồ sơ đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.
2. Khi lập hồ
sơ đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng cần chú ý các vấn đề sau:
- Khi xác định đối tượng để lập
hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, những
tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, độ tuổi, nhân thân, số lần vi phạm, hoàn cảnh
gia đình của đối tượng.
- Không tiến hành lập hồ sơ những
người chưa đủ 12 tuổi và từ đủ 18 tuổi trở lên để đưa vào trường giáo dưỡng.
- Thời điểm để tính độ tuổi đưa
vào trường giáo dưỡng là ngày ký quyết định đưa vào trường giáo dưỡng. Trường hợp
thời điểm người chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gần sát với
thời điểm họ tròn 18 tuổi mà không kịp hoàn chỉnh thủ tục để ra quyết định đưa
vào trường giáo dưỡng trước khi họ tròn 18 tuổi, nếu các hành vi đó đủ điều kiện
đưa vào cơ sở giáo dục thì phải lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục theo đúng
trình tự, thủ tục đã được quy định tại Quy chế về Cơ sở giáo dục ban hành kèm
theo Nghị định số 32/CP ngày 14 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ.
- Người có quyết định đưa vào
trường giáo dưỡng bỏ trốn, nhưng khi bắt lại đã đủ 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi
thì cơ quan Công an cấp tỉnh nơi đã lập hồ sơ đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng
phải báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa vào
trường giáo dưỡng, nếu đối tượng đủ điều kiện đưa vào cơ sở giáo dục thì lập hồ
sơ theo đúng trình tự, thủ tục đã được quy định tại Quy chế về Cơ sở giáo dục để
trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục.
- Căn cứ để xác định độ tuổi của
đối tượng là giấy khai sinh. Nếu không có giấy khai sinh thì phải căn cứ vào sổ
hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, lý lịch hoặc các tài liệu khác có xác nhận của
UBND xã, phường, thị trấn.
- Không áp dụng biện pháp xử lý
hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người nước ngoài.
II - VỀ THỦ TỤC
LẬP HỒ SƠ ĐƯA VÀO TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG
1. Phân cấp
và phân công trách nhiệm cho các đơn vị Công an giúp Chủ tịch UBND các cấp
trong việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng.
a) Công an xã, phường, thị trấn
(sau đây viết tắt là Công an cấp xã):
- Thu thập tài liệu giúp Chủ tịch
UBND xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là UBND cấp xã) lập hồ sơ các đối
tượng có nơi cư trú (nơi đăng ký nhân khẩu thường trú, đăng ký tạm trú hoặc
sinh sống ở đó) gửi Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
(sau đây viết tắt là UBND cấp huyện).
- Đối với người không có nơi cư
trú nhất định thì công an cấp xã nơi người đó có hình vi vi phạm pháp luật giúp
Chủ tịch UBND cấp xã lập biên bản, hồ sơ gửi Chủ tịch UBND cấp huyện.
Công an cấp xã lập xong hồ sơ của
đối tượng nào thì phải báo cáo ngay Chủ tịch UBND cấp xã để Chủ tịch UBND cấp
xã làm văn bản trình Chủ tịch UBND cấp huyện, không được chờ tập hợp nhiều hồ
sơ để trình theo từng đợt.
b) Công an quận, huyện, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết tắt là Công an cấp huyện):
- Lực lượng Cảnh sát hình sự chủ
trì phối hợp với lực lượng cảnh sát điều tra và các đơn vị khác có liên quan thẩm
tra lại hồ sơ, làm báo cáo để Trưởng công an cấp huyện báo cáo Chủ tịch UBND cấp
huyện.
- Đối với người không có nơi cư
trú nhất định mà do các lực lượng nghiệp vụ của Công an cấp huyện phát hiện, lập
biên bản vi phạm pháp luật thì Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp với các đơn vị
có liên quan tiến hành xác minh, lập hồ sơ, làm báo cáo để Trưởng Công an cấp
huyện báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện.
- Đối với người đang bị Đội Cảnh
sát điều tra của Công an cấp huyện trực tiếp thụ lý trong các vụ án hình sự,
qua điều tra thấy chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng lại thuộc
diện đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quy chế về Trường giáo dưỡng thì
Đội Cảnh sát điều tra lập hồ sơ, làm báo cáo để Trưởng Công an cấp huyện báo
cáo Chủ tịch UBND cấp huyện.
c) Công an tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Công an cấp tỉnh):
- Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì
phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra và các đơn vị khác có liên quan giúp lãnh
đạo Công an cấp tỉnh xem xét, thẩm tra lại hồ sơ đối tượng và giúp thường trực
Hội đồng tư vấn chuẩn bị phiên họp Hội đồng; sao gửi các tài liệu cần thiết (bản
tóm tắt lý lịch của người vi phạm, bản tóm tắt hành vi vi phạm, bản đề nghị đưa
vào trường giáo dưỡng của Chủ tịch UBND cấp huyện) cho các thành viên của Hội đồng
Tư vấn và đại diện của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là bẩy ngày
trước khi họp Hội đồng; xem xét, đề xuất việc hoãn, miễn chấp hành quyết định
đưa vào trường giáo dưỡng; chủ trì việc tổ chức đưa người vào trường giáo dưỡng
và truy bắt đối tượng có lệnh truy bắt hành chính của Giám đốc Công an cấp tỉnh.
- Đối với người không có nơi cư
trú nhất định do các Phòng nghiệp vụ của Công an cấp tỉnh phát hiện, lập biên bản
vi phạm pháp luật, nếu thuộc diện đưa vào trường giáo dưỡng thì Phòng Cảnh sát hình
sự chủ trì phối hợp với các phòng liên quan tiến hành xác minh, lập hồ sơ, báo
cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh để trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
- Đối với người đang bị Phòng cảnh
sát điều tra của Công an cấp tỉnh trực tiếp thụ lý trong các vụ án hình sự, qua
điều tra thấy chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng lại thuộc
diện đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quy chế về Trường giáo dưỡng thì
Phòng Cảnh sát điều tra chủ trì lập hồ sơ, phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự
báo cáo trình Giám đóc Công an cấp tỉnh để báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
2. Về hồ sơ đề
nghị đưa vào trường giáo dưỡng
Hồ sơ đề nghị đưa vào trường
giáo dưỡng gồm có:
- Bản tóm tắt lý lịch của người
vi phạm;
- Tài liệu về các vi phạm pháp
luật của người đó:
+ Đơn tố giác (nếu có);
+ Bản tự khai về hành vi vi phạm;
+ Biên bản ghi lời khai;
+ Biên bản vi phạm hành chính hoặc
biên bản phạm pháp quả tang (nếu có);
+ Bản tóm tắt quá trình vi phạm
và hành vi vi phạm lần cuối;
+ Tài liệu xác minh của cơ quan
Công an;
+ Biên bản tạm giữ tang vật có
liên quan đến việc vi phạm (nếu có).
- Các biện pháp giáo dục đã áp dụng:
+ Quyết định áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn (nếu có);
+ Quyết định xử phạt vi phạm
hành chính (nếu có);
+ Biên bản các cuộc họp kiểm điểm,
giáo dục (nếu có).
Nhận xét của cơ quan Công an, ý
kiến của Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ, Ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở cơ sở;
của cha mẹ hoặc người giám hộ;
- Báo cáo, đề nghị của UBND cấp
xã, huyện;
- Lệnh tạm giữ (nếu có).
3. Về Hội đồng
tư vấn
Theo Điều 8 của Quy chế về Trường
giáo dưỡng thì Hội đồng Tư vấn chỉ được thành lập ở cấp tỉnh. Ở cấp huyện, cấp
xã không thành lập Hội đồng Tư vấn.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập
Hội đồng Tư vấn gồm 3 thành viên đại diện cho lãnh đạo Cơ quan Công an, Sở Tư
pháp và Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cấp tỉnh. Phó giám đốc Công an cấp tỉnh
phụ trách Cảnh sát là thường trực Hội đồng Tư vấn. Thường trực Hội đồng Tư vấn
phải chuẩn bị và chủ trì phiên họp. Phiên họp của Hội đồng Tư vấn có đại diện
Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp tham dự, phát biểu ý kiến, nhưng không tham gia
biểu quyết. Hội đồng Tư vấn họp xét duyệt và biểu quyết từng đối tượng đưa vào
trường giáo dưỡng. Căn cứ vào ý kiến và đa số phiếu của các thành viên trong Hội
đồng, thường trực Hội đồng Tư vấn kết luận về từng đối tượng. Phiên họp của Hội
đồng tư vấn phải lập biên bản; trong biên bản phải ghi rõ ý kiến phát biểu của
đại diện Viện Kiểm sát nhân dân. Phòng Cảnh sát hình sự có trách nhiệm giúp thường
trực Hội đồng Tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ, làm văn bản (có gửi kèm theo biên bản họp
Hội đồng tư vấn) để thường trực Hội đồng Tư vấn duyệt và trình Chủ tịch UBND cấp
tỉnh. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Hội đồng
Tư vấn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải xem xét và ra quyết định.
III - VỀ THI
HÀNH QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG
Trong thời hạn năm ngày kể từ
ngày nhận được quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh đưa vào trường giáo dưỡng,
Phòng Cảnh sát hình sự giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh tổ chức đưa người đó vào
trường giáo dưỡng. Công an cấp tỉnh chỉ đạo và phối hợp với Công an cấp huyện,
xã tổ chức đưa người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng đến nơi lưu giữ
của Công an cấp tỉnh. Thực chất của việc lưu giữ là lưu lại Công an cấp tỉnh để
làm các thủ tục cần thiết như lăn tay, chụp ảnh, lập danh chỉ bản và chờ đưa
vào trường giáo dưỡng. Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định lưu giữ người đã
có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng. Thời gian lưu giữ không được quá mười
lăm ngày và được tính vào thời hạn chấp hành quyết định. Quyết định này được gửi
kèm theo hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng để làm cơ sở tính thời hạn chấp hành
quyết định.
Chế độ ăn, ở của người bị lưu giữ
trong thời gian lưu giữ được hưởng như chế độ ăn, ở của học sinh trường giáo dưỡng.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cấp tiền ăn cho các đối tượng này. Để giải quyết
những khó khăn tạm thời, đối với những địa phương chưa có nơi lưu giữ, Công an
cấp tỉnh phải giành một số buồng trong trại tạm giam làm nơi lưu giữ những người
có quyết định vào trường giáo dưỡng. Trước cửa buồng phải có biển "buồng
lưu giữ hành chính" để phân biệt với tạm giữ, tạm giam theo thủ tục tố tụng
hình sự; không được lưu giữ nam, nữ trong cùng một buồng.
Công an cấp tỉnh phải lập ngay kế
hoạch, đề xuất với UBND cấp tỉnh cấp kinh phí, địa điểm để xây dựng nơi tạm giữ
và lưu giữ hành chính.
IV - VỀ KHIẾU
NẠI, TỐ CÁO
Theo quy định tại Điều 12 của
Quy chế về Trường giáo dưỡng, trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được
quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, người có quyết định đưa vào trường giáo
dưỡng hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại hoặc tố cáo về
hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ và ra quyết
định đưa vào trường giáo dưỡng với Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã ra quyết định. Giải
quyết việc khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo Điều 89, Điều 90 của Pháp lệnh
xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật về khiếu nại, tố
cáo.
Trong trường hợp không đồng ý với
quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, người khiếu nại có
quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Trong thời hạn bốn
mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Công an có trách
nhiệm giải quyết khiếu nại và trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại. Quyết định
giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Công an là quyết định cuối cùng về mặt
hành chính. Việc khiếu nại quyết định đưa vào trường giáo dưỡng không làm đình
chỉ việc thi hành quyết định. Người có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng vẫn
phải đến trường. Nếu sau này việc khiếu nại của họ được giải quyết, quyết định
đưa vào trường giáo dưỡng bị huỷ, thì người được đưa vào trường giáo dưỡng được
trở về gia đình, về với cuộc sống cộng đồng, được khôi phục lại các quyền hợp
pháp của họ.
Trường hợp người có quyết định
đưa vào trường giáo dưỡng hoặc người đại diện hợp pháp của họ vẫn không đồng ý
với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Công an thì có thể khởi kiện
tại Toà án hành chính.
V- VỀ VIỆC
HOÃN HOẶC MIỄN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG
1. Về việc
hoãn thi hành quyết định đưa vào Trường giáo dưỡng
Theo khoản 1 Điều 15 của Quy chế
về Trường giáo dưỡng, người có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng được hoãn
thi hành quyết định khi có một trong những lý do sau đây:
a) Đang ốm nặng có chứng nhận của
bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
"Người đang ốm nặng"
"là người đang bị bệnh nặng không còn khả năng lao động và sinh hoạt bình
thường hoặc đang nguy hiểm đến tính mạng, cần phải được đưa đến bệnh viện để điều
trị một thời gian nhất định mới có thể có khả năng bình phục hoặc kéo dài thêm
sự sống và người đang mắc "bệnh hiểm nghèo". "Bệnh hiểm
nghèo" là những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan
cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV/AIDS hoặc những bệnh khác theo quy định
của ngành y tế coi là bệnh hiểm nghèo.
b) Gia đình có khó khăn đặc biệt
như thân nhân trong gia đình bị ốm nặng mà ngoài người đó, gia đình không còn
ai để chăm sóc hoặc gia đình bị thiên tai hoặc hoả hoạn.
"Thân nhân trong gia
đình" là những người thân thích như ông bà nội, ông bà ngoại, bố, mẹ, anh,
chị, em ruột và những người trực tiếp nuôi dưỡng đang sống trong cùng một gia
đình. Nếu những người này bị ốm nặng mà ngoài người có quyết định đưa vào trường
giáo dưỡng, gia đình không còn ai để chăm sóc, thì được hoãn việc thi hành quyết
định.
Chỉ xét hoãn thi hành quyết định
đưa vào trường giáo dưỡng đối với trường hợp thiên tai, hoả hoạn gây cho gia
đình người có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng lâm vào hoàn cảnh khó khăn đặc
biệt. Sự có mặt của người đó ở nhà là cần thiết để giúp gia đình giải quyết hậu
quả do thiên tai, hoả hoạn gây ra, để chăm sóc giúp đỡ những người trong gia
đình bị tai nạn, mà ngoài người đó, gia đình không còn ai để chăm sóc hoặc người
đó là lao động duy nhất để bảo đảm cuộc sống gia đình.
Khi điều kiện hoãn thi hành quyết
định không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành (trừ trường hợp nêu ở mục
2 sau đây).
2. Về việc miễn
thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng
Theo khoản 2 Điều 15 của Quy chế
về Trường giáo dưỡng, người có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng có thể được
miễn chấp hành quyết định khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Thời gian hoãn đã quá nửa thời
hạn ghi trong quyết định;
- Trong thời gian hoãn, người có
quyết định đưa vào trường giáo dưỡng có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành
pháp luật hoặc lập công thì có thể được miễn chấp hành quyết định.
"Người có tiến bộ rõ rệt
trong việc chấp hành pháp luật" phải là người đã thành thật hối lỗi, chăm
chỉ lao động, học tập, tích cực tham gia các phong trào chung của địa phương,
nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
được UBND từ cấp xã trở lên xác nhận và đề nghị.
"Người lập công" là
người có một trong những thành tích như: đã phát hiện tố cáo tội phạm nghiêm trọng,
cứu được tính mạng người khác, cứu được tài sản có giá trị lớn của Nhà nước, của
tập thể hoặc của người khác hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong
trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc và được nhận giấy khen của UBND hoặc cơ
quan Công an từ cấp huyện trở lên; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị lớn
trong lao động, sản xuất và có thành tích nổi bật trong học tập được cơ quan chức
năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận.
Đối với người đang ốm nặng hoặc
mắc bệnh hiểm nghèo, nếu thời gian hoãn thi hành quyết định đã kéo dài hết thời
gian phải chấp hành quyết định mà vẫn chưa bình phục, thì có thể xét cho miễn
chấp hành quyết định.
3. Thủ tục
hoãn, miễn thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng
Thủ tục hoãn hoặc miễn chấp hành
quyết định đưa vào trường giáo dưỡng được quy định như sau: Trên cơ sở có đơn đề
nghị hoãn hoặc miễn việc chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, Chủ tịch
UBND cấp xã nơi người đó cư trú, làm văn bản báo cáo (kèm các tài liệu liên
quan) gửi Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được
báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định
việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định.
Cơ quan Công an cùng cấp có trách
nhiệm giúp Chủ tịch UBND trong việc xem xét, nghiên cứu hồ sơ các trường hợp đề
nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định để báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết
định.
VI- VỀ HỒ SƠ,
THỦ TỤC ĐƯA NGƯỜI ĐÃ CÓ QUYẾT ĐỊNH VÀO TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG
Theo Điều 16 của Quy chế về Trường
giáo dưỡng, khi đưa người vào trường giáo dưỡng phải có hồ sơ kèm theo bao gồm:
- Quyết định đưa người vào trường
giáo dưỡng;
- Bản tóm tắt lý lịch;
- Bản tóm tắt hành vi vi phạm
pháp luật, đề nghị đưa người vào trường giáo dưỡng;
- Danh chỉ bản;
- Những tài liệu khác liên quan
đến nhân thân người đó (nếu có).
"Những tài liệu khác liên
quan đến nhân thân" là những tài liệu cần thiết giúp trường giáo dưỡng hiểu
rõ nhân thân người đó để phục vụ cho việc quản lý, giáo dục họ; cụ thể như những
tài liệu phản ánh về tiền án, tiền sự (nếu có) hoặc những tài liệu phản ánh về
hành vi chống lại việc thi hành quyết định; lệnh truy bắt và biên bản bắt người
có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng bỏ trốn; giấy khai sinh; học bạ; bằng tốt
nghiệp các cấp (nếu có) v.v...
Hiệu trưởng trường giáo dưỡng chỉ
nhận người khi có đủ hồ sơ, thủ tục. Khi tiếp nhận phải kiểm tra hồ sơ, sức khoẻ
của người đó và lập biên bản giao nhận. Nếu sức khoẻ của người đó không bình thường
thì phải lập biên bản xác nhận tình trạng sức khoẻ của họ khi đến trường giáo
dưỡng với sự chứng kiến của bên giao và bên nhận. Biên bản giao nhận phải sao gửi
ngay về Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng để theo dõi.
VII - VỀ VIỆC
TRÍCH XUẤT HỌC SINH
Theo quy định tại Điều 23 của
Quy chế về Trường giáo dưỡng thì việc trích xuất học sinh ra khỏi trường giáo
dưỡng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc trong những trường
hợp đặc biệt khác chỉ được thực hiện theo lệnh trích xuất của cơ quan có thẩm
quyền. Vì vậy khi cơ quan có các yêu cầu trích xuất thì Thủ trưởng cơ quan đó
phải làm công văn nói rõ họ, tên, quê quán học sinh, lý do, thời gian trích xuất
đề nghị Cục trưởng Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng
ra lệnh trích xuất. Thời hạn trích xuất được tính vào thời hạn chấp hành quyết
định tại trường. Nếu học sinh phạm tội bị kết án tù giam thì Thủ trưởng cơ quan
đã đề nghị trích xuất phải thông báo bằng văn bản (kèm theo bản sao quyết định
thi hành án phạt tù của Toà án) cho Hiệu trưởng trường giáo dưỡng biết để báo
cáo Cục trưởng Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng trình
Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa vào
trường giáo dưỡng đối với người đó để họ chấp hành án phạt tù. Quyết định này
được sao gửi cho UBND cấp tỉnh nơi trước đây đã ra quyết định đưa vào trường
giáo dưỡng và gia đình họ biết. Trường hợp học sinh bị trích xuất không bị Toà
án tuyên phạt tù giam, thì cơ quan đã đề nghị trích xuất phải tổ chức đưa học
sinh trở lại trường giáo dưỡng để tiếp tục chấp hành quyết định.
VIII- VỀ VIỆC
TẠM ĐÌNH CHỈ CHẤP HÀNH QUYẾT ĐỊNH
Theo Điều 31 của Quy chế về Trường
giáo dưỡng thì điều kiện tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa vào trường
giáo dưỡng chỉ được thực hiện trong trường hợp học sinh đang chấp hành quyết định
tại trường giáo dưỡng bị "ốm nặng" hoặc "mắc các bệnh hiểm
nghèo" vượt quá khả năng điều trị tại cơ sở y tế của trường mà gia đình có
đơn bảo lãnh xin về điều trị, chăm sóc tại nhà hoặc phải chuyển đến bệnh viện
điều trị. Các trường hợp này Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo cáo, đề nghị
Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định. Hiệu trưởng
trường giáo dưỡng chỉ được giải quyết cho học sinh về gia đình hoặc đưa đến bệnh
viện điều trị khi đã có quyết định tạm đình chỉ của Bộ trưởng Bộ Công an (trừ
trường hợp học sinh bị bệnh phải đưa đến bệnh viện để cấp cứu). Nếu sau khi cấp
cứu mà phát hiện học sinh bị bệnh nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo phải ở lại bệnh
viện để điều trị lâu dài, thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo cáo, đề
nghị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định.
Đối với học sinh được tạm đình
chỉ chấp hành quyết định để đưa đi bệnh viện điều trị thì thân nhân người bệnh
có trách nhiệm phối hợp với trường giáo dưỡng quản lý, chăm sóc. Kinh phí khám
chữa bệnh do Nhà nước cấp. Trường giáo dưỡng trực tiếp thanh toán viện phí với
bệnh viện. Trường hợp gia đình bảo lãnh học sinh về nhà điều trị thì gia đình phải
chịu trách nhiệm quản lý và chịu toàn bộ kinh phí khám, chữa bệnh.
Khi học sinh đã khỏi bệnh, tức
là điều kiện tạm đình chỉ không còn thì học sinh phải trở lại trường giáo dưỡng
để tiếp tục chấp hành quyết định. Nếu học sinh không tự nguyện đến trường thì
Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết đưa học
sinh về trường tiếp tục chấp hành quyết định. Nếu học sinh bỏ trốn thì Hiệu trưởng
trường giáo dưỡng ra lệnh truy bắt và giải quyết theo Điều 22 của Quy chế về
Trường giáo dưỡng; đồng thời lập hồ sơ báo cáo Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở
giáo dục và Trường giáo dưỡng trình Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định huỷ quyết
định tạm đình chỉ (nếu thời gian chấp hành quyết định vẫn còn). Thời gian tạm
đình chỉ và thời gian học sinh bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành
quyết định.
Trường hợp học sinh bị mắc bệnh
hiểm nghèo không có khả năng phục hồi sức khoẻ để trở lại trường tiếp tục chấp
hành quyết định thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo cáo Cục Quản lý Trại
giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng để Cục trưởng làm công văn đề nghị Bộ
trưởng Bộ Công an ra quyết định miễn chấp hành thời gian còn lại. Quyết định
này phải gửi cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp xã nơi lập hồ sơ đưa vào trường
giáo dưỡng, đồng thời gửi cho Công an cấp tỉnh nơi học sinh cư trú biết.
Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ hoặc
miễn chấp hành quyết định gồm có:
- Bản sao bệnh án hoặc kết luận
của Bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
- Đơn xin bảo lãnh của thân nhân
học sinh có xác nhận của Chủ tịch UBND cấp xã (đối với trường hợp xin về nhà điều
trị);
- Bản đề nghị tạm đình chỉ hoặc
miễn chấp hành quyết định của trường giáo dưỡng.
Hồ sơ được gửi về Cục Quản lý Trại
giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng để nghiên cứu, xem xét. Nếu đủ điều
kiện tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành quyết định thì Cục Quản lý Trại giam, Cơ
sở giáo dục và Trường giáo dưỡng làm công văn (kèm theo hồ sơ đề nghị của trường
giáo dưỡng) báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xét ra quyết định.
Trường hợp học sinh bị chết
trong thời gian về gia đình chữa bệnh thì thân nhân của học sinh phải thông báo
cho trường giáo dưỡng.
Trường hợp học sinh chết tại trường
hoặc tại bệnh viện thì phải thực hiện theo các thủ tục được quy định tại Điều
32 khoản 1 của Quy chế về Trường giáo dưỡng. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có
thể giải quyết cho thân nhân đưa tử thi học sinh về mai táng tại nơi cư trú với
điều kiện họ có đơn đề nghị được UBND cấp xã xác nhận đồng ý và phải bảo đảm tốt
yêu cầu về giữ gìn an ninh, trật tự cũng như vệ sinh môi trường theo quy định của
pháp luật.
Tất cả các trường hợp học sinh
chết tại trường, bệnh viện hoặc tại gia đình trong thời gian tạm đình chỉ để chữa
bệnh, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải báo cáo Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở
giáo dục và Trường giáo dưỡng và thông báo cho UBND cấp tỉnh nơi đã ra quyết định
đưa vào trường giáo dưỡng, UBND cấp xã nơi học sinh cư trú biết và Cục trưởng
có trách nhiệm báo cáo lên Bộ trưởng.
IX- VỀ VIỆC
GIẢI QUYẾT CHO HỌC SINH VỀ NHÀ KHI CÓ VIỆC TANG CỦA THÂN NHÂN TRONG GIA ĐÌNH HOẶC
TRƯỜNG HỢP CẤP THIẾT KHÁC
Việc giải quyết cho học sinh về
gia đình khi có việc tang hoặc trong những trường hợp cấp thiết khác thực hiện
theo quy định tại Điều 34 của Quy chế về Trường giáo dưỡng.
"Việc tang của thân nhân học
sinh" là khi có ông, bà nội, ông, bà ngoại: bố, mẹ, người trực tiếp nuôi
dưỡng hoặc anh, chị, em ruột chết.
"Trường hợp cấp thiết
khác" là khi những thân nhân nêu trên của học sinh bị bệnh nặng đang chờ
chết hoặc bị tai nạn mà ngoài học sinh đó ra không còn ai để chăm sóc, giúp đỡ.
Trong trường hợp này, nếu thời hạn năm ngày đã hết mà thân nhân của học sinh vẫn
chưa bình phục để tự phục vụ mình, thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể xét
cho học sinh được gia hạn tiếp cho đến khi thân nhân của học sinh tự phục vụ
mình được.
Hiệu trưởng trường giáo dưỡng chỉ
xem xét giải quyết đối với những trường hợp nêu trên khi có đơn xin bảo lãnh của
gia đình, có xác nhận và đề nghị của UBND cấp xã. Nếu gia đình học sinh đó
không còn ai hoặc còn nhưng người đó đang trong tình trạng hiểm nghèo không có
khả năng để bảo lãnh thì phải có đơn của người cùng họ hàng hoặc Đoàn thanh
niên, Hội phụ nữ hoặc Ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở cơ sở bảo lãnh trong thời
gian ở nhà. Thời gian học sinh ở nhà để chăm sóc, giúp đỡ thân nhân bị bệnh nặng
hoặc tai nạn nặng không được tính vào thời gian chấp hành quyết định.
Hết thời hạn cho về nhà, học
sinh phải tự nguyện đến trường giáo dưỡng. Nếu học sinh không đến trường mà
không có lý do chính đáng thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải áp dụng biện
pháp cưỡng chế đưa đến trường để tiếp tục chấp hành quyết định. Trường hợp học
sinh bỏ trốn thì giải quyết theo Điều 22 của quy chế về Trường giáo dưỡng.
Thời gian học sinh bỏ trốn không
được tính vào thời gian chấp hành quyết định.
X- VỀ VIỆC
GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH QUYẾT ĐỊNH
1. Điều kiện được xét giảm
Theo quy định tại Điều 35 của
Quy chế về Trường giáo dưỡng thì những học sinh đã chấp hành được một nửa thời
hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm thời hạn chấp hành
quyết định.
Học sinh "có tiến bộ rõ rệt"
thể hiện ở các mặt sau đây:
+ Thành thật hối lỗi;
+ Tích cực lao động, học tập;
+ Nghiêm chỉnh chấp hành Quy chế,
Nội quy Trường giáo dưỡng.
Học sinh "lập công" là
học sinh có một trong những thành tích như: đã giúp trường giáo dưỡng hoặc cơ
quan điều tra phát hiện, ngăn ngừa tội phạm nghiêm trọng hoặc các hành vi trốn
trường, chống, phá trường giáo dưỡng hoặc vi phạm nghiêm trọng khác của các học
sinh khác, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị lớn trong sản xuất, có
thành tích xuất sắc trong học tập, cứu được tính mạng người khác, cứu được tài
sản có giá trị lớn của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác.
2. Mức giảm
Tuỳ theo thời gian phải chấp
hành quyết định và thành tích, mức độ tiến bộ của từng học sinh mà xem xét, đề
nghị mức giảm từ 1 tháng đến 6 tháng. Mỗi người chỉ được giảm một lần. Trường hợp
đặc biệt, người đã được giảm tiếp tục lập công hoặc có thành tích xuất sắc khác
thì có thể xem xét đề nghị giảm lần thứ 2. Trong mọi trường hợp, tổng số thời
gian được giảm không vượt quá một phần ba thời gian phải chấp hành đã ghi trong
quyết định.
3. Tổ chức Hội đồng xét giảm và
thủ tục, hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành quyết định
a) Các trường giáo dưỡng do Hiệu
trưởng thành lập Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành quyết định gồm có:
- Hiệu trưởng trường giáo dưỡng
làm Chủ tịch Hội đồng;
- Phó hiệu trưởng phụ trách công
tác giáo vụ làm Phó Chủ tịch Hội đồng;
- Đội trưởng giáo vụ, hồ sơ làm
uỷ viên thư ký;
- Đội trưởng giáo viên chủ nhiệm
làm uỷ viên;
- Đội trưởng giáo viên văn hoá
làm uỷ viên.
Căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện
và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh 3 tháng một lần (trừ trường hợp đột
xuất) Hội đồng xét giảm của trường giáo dưỡng họp xem xét từng trường hợp và đề
nghị giảm thời hạn chấp hành quyết định cho những học sinh đủ điều kiện. Khi Hội
đồng họp giáo viên chủ nhiệm phải trình bày cụ thể và đề xuất mức giảm cho từng
học sinh thuộc lớp mình phụ trách. Sau đó Hội đồng xem xét, quyết định và làm hồ
sơ đề nghị giảm thời hạn cho học sinh gửi về Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo
dục và Trường giáo dưỡng.
Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn gồm;
- Biên bản họp xét đề nghị giảm
thời hạn chấp hành quyết định;
- Báo cáo tóm tắt quá trình phấn
đấu, rèn luyện và điều kiện được giảm của từng học sinh trong thời gian ở trường
giáo dưỡng;
- Danh sách học sinh được đề nghị
xét giảm.
Các văn bản này phải lập thành 3
bản (theo mẫu thống nhất), 1 bản lưu lại Trường giáo dưỡng, 2 bản gửi về Cục Quản
lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng.
b) Cục trưởng Cục Quản lý Trại
giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng thành lập Hội đồng xét duyệt gồm:
- Cục trưởng hoặc phó cục trưởng
được Cục trưởng uỷ quyền làm Chủ tịch Hội đồng.
- Trưởng phòng theo dõi công tác
cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng làm uỷ viên thường trực.
- Phó trưởng phòng phụ trách tổ
theo dõi công tác trường giáo dưỡng làm uỷ viên.
- Cán bộ theo dõi công tác xét
giảm làm uỷ viên.
- Đại diện lãnh đạo trường giáo
dưỡng trực tiếp báo cáo trước Hội đồng xét giảm từng trường hợp.
Hội đồng xét giảm căn cứ vào hồ
sơ đề nghị của trường giáo dưỡng, đối chiếu với các tiêu chuẩn để xem xét đề
nghị mức giảm cho từng học sinh.
Trong thời hạn bẩy ngày, kể từ
ngày nhận được hồ sơ của trường giáo dưỡng, Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục
và Trường giáo dưỡng phải xem xét và làm đề nghị (kèm theo danh sách đã được
duyệt và hồ sơ đề nghị của trường giáo dưỡng) báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem
xét quyết định.
Ngay sau khi nhận được quyết định
giảm thời hạn, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải sao hoặc trích sao quyết định
đó gửi cho UBND cấp tỉnh nơi ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, UBND cấp
xã nơi người đó cư trú và gia đình của học sinh, đồng thời tổ chức công bố cho
học sinh biết và lưu vào hồ sơ học sinh để theo dõi.
XI - VỀ KHEN
THƯỞNG, KỶ LUẬT ĐỐI VỚI HỌC SINH
1. Khen thưởng
đối với học sinh
Việc khen thưởng học sinh được
thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Quy chế về Trường giáo dưỡng. Quyết định
khen thưởng phải bằng văn bản và lưu vào hồ sơ của học sinh để theo dõi.
Khi khen thưởng học sinh bằng
hình thức cho về phép thăm gia đình phải là những học sinh đã thực sự tiến bộ,
liên tục học tập, rèn luyện đạt từ loại khá trở lên, đang còn bố mẹ, người thân
(ông, bà, anh, chị em ruột hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng), những người này phải
có địa chỉ cụ thể.
Thời gian học sinh về phép được
tính vào thời hạn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng.
2. Kỷ luật đối
với học sinh
Việc kỷ luật học sinh thực hiện
theo quy định tại Điều 39 của Quy chế về Trường giáo dưỡng. Trong thời gian bị
đưa vào phòng kỷ luật học sinh phải thực hiện tốt các yêu cầu về học tập, tu dưỡng
hoặc làm một số công việc trong khu vực trường do Hiệu trưởng trường giáo dưỡng
đề ra.
Nếu học sinh đó có tiến bộ rõ rệt,
nhận rõ lỗi lầm của mình, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể xem xét, quyết định
giảm thời hạn giáo dục tại phòng kỷ luật.
3. Những nhận
xét, đề nghị áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục khi học sinh chấp hành xong thời
hạn quyết định đưa vào trường giáo dưỡng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều
36 của Quy chế về Trường giáo dưỡng, những học sinh đã chấp hành xong thời hạn
ghi trong quyết định mà vẫn chưa thực sự tiến bộ thì chậm nhất là 15 ngày trước
ngày học sinh chấp hành xong quyết định, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải có
bản nhận xét riêng và kiến nghị biện pháp giáo dục, quản lý tiếp theo gửi UBND
cấp tỉnh, cấp xã nơi cư trú và đồng gửi cơ quan Công an cùng cấp.
XII - TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau
15 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây của Bộ Nội vụ (nay là Bộ
Công an) trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp
tỉnh chỉ đạo các ngành và UBND cấp dưới thực hiện các quy định của pháp luật về
biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
3. Tổng cục trưởng các Tổng cục,
Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục trực thuộc Bộ trưởng, giám đốc Công an các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm
tổ chức thực hiện Thông tư này.
4. Trong quá trình tổ chức thực
hiện Thông tư, nếu có gì vướng mắc cần báo cáo kịp thời về Bộ Công an (qua Vụ
Pháp chế, Tổng cục Cảnh sát và Cục Quản lý Trại gian, Cơ sở giáo dục và Trường
giáo dưỡng) để có hướng dẫn kịp thời.
5. Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp
với Tổng cục Cảnh sát và Cục Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo
dưỡng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.