BỘ
Y TẾ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
10-BYT/TT
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 6 năm 1993
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 10-BYT/TT NGÀY 21 THÁNG 6 NĂM 1993
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 20/CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC
PHÒNG CHỐNG NHIỄM HIV/SIDA
Ngày 5-5-1993, Chính phủ đã ra
Nghị quyết số 20/CP về việc đẩy mạnh công tác phòng chống nhiếm HIV/SIDA, nay Bộ
Y tế - ủy ban Quốc gia phòng chống SIDA hướng dẫn triển khai một số nội dung cụ
thể dưới đây:
1. Thực trạng
tình hình nhiễm HIV/SIDA và một số vấn đề tồn tại:
Tình hình nhiễm HIV/SIDA hiện
nay ở Việt Nam là rất nghiêm trọng và rất khẩn trương. Nhiễm HIV/SIDA phát triển
với tốc độ rất nhanh trong các tháng đầu năm 1993, phát thành dịch ở thành phố
Hồ Chí Minh và 16 tỉnh, thành phố khác của Nam Bộ (Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc
Trăng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Minh Hải, Cần Thơ, Sông Bé, Trà Vinh, An Giang và
Lâm Đồng), Trung Bộ (Khánh Hòa, Quảng Nam - Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Phan Rang)
và đồng bằng Bắc Bộ (Nam Hà).
Tính đến ngày 31-5-1993, tổng số
người bị nhiễm HIV được phát hiện ở Việt Nam là 455, trong đó có 380 người Việt
Nam, 75 người nước ngoài, 9 trường hợp tử vong.
Phần lớn các trường hợp nhiễm
HIV/SIDA thuộc các đối tượng mắc tệ nạn xã hội như nghiện chích ma tuý, gái mại
dâm là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Trong số 380 người Việt Nam bị
nhiễm HIV, có 348 người nghiện ma túy (91,5%), 5 trường hợp là mại dâm (1,3%).
Thực tế trên đây cho thấy tình
hình nhiễm HIV/SIDA ở Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, nghiêm trọng
hơn, trong khi đó việc đầu tư nguồn lực (nhân lực, phương tiện và ngân sách)
chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu cáp bách hiện nay. Việc tổ chức các biện pháp
phòng chống SIDA trong thời gian vừa qua ở các Bộ, ngành, đoàn thể và các địa
phương đã bộc lộ một số nhược điểm như sau:
- Chính quyền các cấp ở địa
phương chưa trực tiếp chỉ đạo và đầu tư kinh phí thích hợp cho các hoạt động
phòng chống SIDA.
- Hoạt động thông tin, giáo dục
và truyền thông chưa được phổ cập rộng rãi, chưa đi sâu vào nội dụng cần thiết
và đối tượng cần được tập trung ưu tiên, do đó hiệu quả còn bị hạn chế.
- Việc đảm bảo an toàn trong
truyền máu còn khó khăn, một số Trung tâm truyền máu chưa có đủ điều kiện để kiểm
tra HIV trước khi truyền máu.
- Công tác quản lý, tư vấn, giúp
đỡ những người bị nhiễm HIV chưa được tổ chức và làm chu đáo ở hầu hết các địa
phương có người bị nhiễm HIV/SIDA.
- Thiếu sự phối hợp chặt chẽ các
hoạt động 3 chương trình phòng chống SIDA, ma tuý và mại dâm nên hiệu quả còn hạn
chế.
2. Những biện
pháp cụ thể:
2.1. Hoạt động thông tin, giáo dục
và truyền thông:
- Uỷ ban phồng chống SIDA các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương cần điều chỉnh lại kế hoạch hành động, đặc biệt
là chương trình giáo dục truyền thông, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa
phương. Trước mắt cần có kế hoạch tăng cường công tác giáo dục truyền thông từ
nay đến hết năm 1993.
- Ưu tiên tập trung làm ở các tỉnh
phía Nam, hướng các hoạt động giáo dục truyền thông nhằm vào đối tượng nghiện
chính ma tuý, mại dâm và thanh niên tại địa bàn xã phường. Huy động sự tham gia
của các tổ chức đoàn thể như thanh niên và phụ nữ.
Giáo dục phòng chống SIDA trong
nhà trường là một hoạt động rất cần thiết, Uỷ ban phòng chống SIDA các tỉnh,
thành phố theo kế hoạch của ngành giáo dục cần chỉ đạo triển khai việc đưa giáo
dục phòng chống HIV/SIDA, giáo dục giới tính vào hệ thống trường học (phổ thông
trung học, cao đẳng sư phạm, đại học) tại địa phương mình.
- Cần sử dụng nhiều loại hình,
phương tiện thông tin đại chúng, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị và địa
phương. Nên sử dụng rộng rãi các tranh gấp, sách nhỏ có nội dung khác nhau để
phân phối cho từng loại đối tượng khác nhau, đặc biệt là tiếp cận với thanh
niên, các đối tượng có nguy cơ (ma tuý, mại dâm) để giáo dục, giúp họ thay đổi
lối sống có nguy cơ nhiễm HIV/SIDA.
- Tại các trung tâm cai nghiện,
trung tâm xã hội, cán bộ y tế cần kết hợp việc điều trị với công tác giáo dục
tuyên truyền, tư vấn nhiễm HIV/SIDA cho các đối tượng nghiện chích ma tuý, mãi
dâm theo nội dung hướng dẫn của uỷ ban phòng chống SIDA tỉnh, thành phố.
2.2. Tổ chức giám sát, chăm sóc
và điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân SIDA:
a) Giám sát dịch tễ học:
- Tiếp tục tập trung giám sát
các đối tượng chính là nghiện chích ma tuý, mại dâm và những người cho máu nhằm
bảo đảm chất lượng giám sát, tiết kiệm kinh phí và sinh phẩm chẩn đoán. Nếu có
điều kiện, cần tổ chức kiểm tra huyết thanh cho vợ (hoặc chồng) của người bị
nhiễm HIV.
- Các trung tâm y tế dự phòng tỉnh,
thành phố phối hợp với ngành lao động - thương binh xã hội, công an địa phương
để tiến hành xét xét nghiệm huyết thanh học, điều tra dịch tễ học các đối tượng
nghiện chích ma tuý, mại dâm thông qua các đợt thu gom, hoặc làm thường xuyên,
có hệ thống ở các Trung tâm cai nghiện, Trung tâm xã hội.
- Phải làm tốt công tác tư vấn về
HIV/SIDA cho đối tượng trước và sau khi xét nghiệm, tổ chức điều tra, quản lý dịch
tễ học đối với từng trường hợp bị nhiễm HIV, để họ tự giác phòng lây lan cho
gia đình và xã hội, đồng thời có cơ sở để phân tích và đánh giá tình hình một
cách chính xác.
- Các trường hợp nhiễm HIV đã được
khẳng định, Sở Y tế tỉnh, thành phố phải thông báo cho Bộ Y tế và uỷ ban Quốc
gia phòng chống SIDA trong vòng 24 giờ bằng điện thoại hoặc điện tín, sau đó phải
báo cáo chính thức bằng văn bản.
b) Công tác tiệt trùng, vô khuẩn
trong hệ thống khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu:
- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh,
nhà hộ sinh phải chấp hành nghiêm quy chế vô trùng, tiệt khuẩn để phòng chống
lây nhiễm qua dụng cụ y tế trong khám chữa bệnh; người phụ trách các cơ sở này
phải bảo đảm phương tiện, điều kiện để thực hiện tốt quy chế và thường xuyên kiểm
tra việc thực hiện quy chế trong cơ sở mình.
- Việc vô trùng, tiệt khuẩn đối
với các dụng cụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/SIDA phải thực hiện theo
đúng quy định chuyên môn về xử lý nhiễm HIV/SIDA ban hành tại Quyết định số
265-BYT/QĐ ngày 5-3-1993.
Tại các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức
khỏe ban đầu (tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng văcxin dại, uốn ván, lấy máu để
xét nghiệm... ) ở những địa phương đã phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV/SIDA thì phải
dùng bơm, kim tiêm một lần, ở những địa phương khác thì có thể dùng bơm, kim
tiêm một lần hoặc xử lý bơm, kim tiêm bằng luộc sôi 20 phút; Sở Y tế, trung tâm
y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thường xuyên kiểm tra
việc thực hiện quy định này.
c) Bảo đảm an toàn trong truyền
máu:
- Các cơ sở khám, chữa bệnh phải
thực hiện nghiêm "Điều lệnh truyền máu" ban hành theo quyết định số
937-BYT/QĐ ngày 4-9-1992.
- Củng cố mạng lưới truyền máu từ
Trung ương đến địa phương, thực hiện nghiêm quy chế vô trùng, tiệt khuẩn trong
truyền máu để phòng chống lây nhiễm HIV/SIDA qua dụng cụ truyền máu.
- Các cơ sở được phép lấy máu,
trữ máu phải kiểm tra HIV đối với người cho máu, không được nhận máu của các đối
tượng ma tuý, mại dâm.
- Vận động người nhà bệnh nhân
có sức khỏe, sinh hoạt lành mạnh cho máu để sử dụng trong những trường hợp phẫu
thuật, cấp cứu.
d) Tổ chức chăm sóc và điều trị
bệnh nhân:
- Trước mắt tổ chức 3 cơ sở
chính để chăm sóc và điều trị bệnh nhân ở Trung tâm bệnh nhiệt đới thành phố Hồ
Chí Minh, Viện Y học lâm sàng nhiệt đới Hà Nội và bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Đồng
thời triển khai thu dụng bệnh nhân HIV/SIDA ở các khoa truyền nhiễm bệnh viện tỉnh,
thành phố và tư vấn, nâng đỡ tinh thần cho họ.
- Ở các tỉnh, thành phố có số lượng
bệnh nhân lớn, có thể cho bệnh nhân xuất viện, nhưng phải tổ chức tốt việc tư vấn
cho bệnh nhân, kết hợp gia đình và các tổ chức đoàn thể tại phường, xã tiếp tục
theo dõi, giúp đỡ bệnh nhân tại nhà.
2.3. Kinh phí hoạt động:
- Kinh phí cho các hoạt động
phòng chống SIDA cần phải được huy động từ nhiều nguồn: kinh phí hỗ trợ một phần
của Trung ương, kinh phí thường xuyên của địa phương và kinh phí viện trợ của
các tổ chức quốc tế.
- Trong khi chờ đợi kinh phí hỗ
trợ của Trung ương, đề nghị các Sở Y tế, các đơn vị xây dựng chương trình hành
động, lập dự trù kinh phí trình uỷ ban nhân dân trích ngân sách địa phương để
triển khai các việc cấp bách trước mắt.
3. Tổ chức thực
hiện:
- Mỗi cán bộ y tế thuộc các
chuyên khoa vệ sinh phòng bệnh, cũng như chuyên khoa điều trị đều phải có trách
nhiệm thực hiện quy chế vô trùng, tiệt khuẩn nhằm hạn chế lây truyền nhiễm HIV
trong hệ thống dịch vụ y tế.
- Giao cho Vụ Vệ sinh và Môi trường
chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các quy chế vô trùng trong hệ vệ
sinh phòng dịch.
- Giao cho Vụ Quản lý sức khỏe
chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các quy chế vô trùng trong các dịch
vụ khám chữa bệnh (kể cả y tế Nhà nước và y tế tư nhân), Vụ Quản lý sức khỏe
cùng Viện Huyết học truyền máu chỉ đạo kiểm tra các cơ sở truyền máu thực hiện
Điều lệnh truyền máu của Bộ.
- Giao cho các Viện Vệ sinh dịch
tễ khu vực, các bệnh viện đầu ngành hướng dẫn và chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật
trong tiệt trùng và vô trùng, bổ sung các trang thiết bị cần thiết có liên quan
đến từng hệ, nhằm bảo đảm cho các Trung tâm và các bệnh viện thực hiện được
công tác vô trùng, tránh lây lan nhiễm HIV cho cộng đồng.
- Các Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực,
các bệnh viện đầu ngành tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về vô trùng
cho các cán bộ y tế thuộc phạm vi mình phụ trách, có kế hoạch kiểm tra đôn đốc
việc thực hiện.
- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra thực hiện Thông tư này và báo cáo kết
quả thực hiện về Bộ theo định kỳ.
- Trong điều kiện ngân sách còn
hạn chế, đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo các khâu còn nhiều sơ
hở như vô trùng trong ngoại khoa, răng hàm mặt, truyền máu... có tính toán cụ
thể, tránh lãng phí không cần thiết.
- Định kỳ hàng tháng, tổ chức
trao đổi, kiểm điểm các việc đã làm, những việc còn tồn tại.
- Cuối tháng 6/1993, các Viện
VSDT khu vực, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành phải báo cáo cho Bộ Y tế (Vụ
VSDT đối với hệ VSPD; Vụ QLSK đối với hệ điều trị) về kết quả triển khai công
tác diệt trùng, khử khuẩn trong từng hệ cũng như phản ánh các mặt còn tồn tại
và các kiến nghị với Bộ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị các địa phương
và đơn vị phản ánh cho Bộ Y tế và ủy ban Quốc gia phòng chống SIDA biết để
nghiên cứu bổ sung.
|
Nguyễn
Trọng Nhân
(Đã
ký)
|