BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
47/2007/QĐ-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 08 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, TIẾP CÔNG DÂN CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998; Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và
các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về giải quyết khiếu
nại, tố cáo, tiếp công dân của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày,
kể từ ngày đăng Công báo. Quyết định này thay thế cho Quyết định số
03/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 13 tháng 01 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của cơ quan Bộ
và các đơn vị, trường học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Người đứng đầu
các tổ chức thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Người đứng đầu các đơn vị trực thuộc
Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Văn phòng CP (để báo cáo);
- Thanh tra Chính Phủ (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Website CP;
- Website Bộ;
- Lưu VT, TTr, PC.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thiện Nhân
|
QUY ĐỊNH
VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, TIẾP CÔNG DÂN CỦA BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
(Ban hành theo Quyết định số: 47/2007/QĐ-BGDĐTngày 24 tháng 8 năm 2007 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản
này quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của Bộ Giáo dục và
Đào tạo bao gồm: trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức thuộc
Bộ; trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị trực thuộc Bộ; công
tác tiếp công dân.
2. Văn bản
này áp dụng đối với các tổ chức thuộc Bộ bao gồm: các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng;
các đơn vị trực thuộc Bộ bao gồm: các tổ chức sự nghiệp, các cơ sở giáo dục trực
thuộc Bộ; Người đứng đầu các tổ chức thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ và tổ chức,
cá nhân có liên quan.
Điều 2. Việc xử lý đơn thư
Khi nhận được
đơn thư gửi đến Bộ, các tổ chức thuộc Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ, Người đứng
đầu tổ chức thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm xem xét xử lý như
sau:
1. Đối với
đơn khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định tại chương II hoặc chương III của
bản quy định này.
2. Đối với
đơn thư không có nội dung khiếu nại, tố cáo nhưng có liên quan đến chức năng,
nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị mình thì phải xem xét, giải quyết và trả lời công
dân.
3. Đối với
đơn thư không có nội dung khiếu nại, tố cáo, không liên quan đến chức năng, nhiệm
vụ của tổ chức, đơn vị mình, thì:
a) Đối với tổ
chức thuộc Bộ:
- Đơn thư có
nội dung thuộc chức năng xem xét của tổ chức khác thuộc Bộ thì chuyển tổ chức
đó xem xét.
- Đơn thư
không thuộc chức năng của các tổ chức thuộc Bộ thì chuyển đến cơ quan, đơn vị
có chức năng giải quyết và thông báo đến công dân.
b) Đối với
đơn vị trực thuộc Bộ thì chuyển đến cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết và
thông báo đến công dân.
Điều 3. Trách nhiệm của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào
tạo
1. Hướng dẫn,
đôn đốc các tổ chức thuộc Bộ; các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc tiếp công
dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành quyết
định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo theo đúng quy định của pháp
luật.
2. Kiểm tra, thanh
tra việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của
Người đứng đầu tổ chức thuộc Bộ và Người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ.
3. Kiến nghị
các biện pháp nhằm chấn chỉnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp
công dân thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng. Khi phát hiện có vi phạm pháp luật về
khiếu nại, tố cáo thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm
quyền xử lý.
4. Tổng hợp
tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi
trách nhiệm của Bộ trưởng, thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, quý, năm theo
quy định của Thanh tra Chính phủ.
Điều 4. Trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị
1. Người đứng
đầu tổ chức thuộc Bộ phải thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công
dân theo sự phân công của Bộ trưởng theo quy định tại văn bản này. Sau khi có kết
quả giải quyết phải báo cáo Bộ trưởng và thông báo cho Thanh tra Bộ.
2. Người đứng
đầu đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp
công dân theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và theo trách nhiệm cụ
thể được giao tại văn bản này.
Chương 2:
TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÁC TỔ CHỨC THUỘC BỘ
Điều 5. Giải quyết đơn khiếu nại
Khi nhận được
đơn có nội dung khiếu nại, các tổ chức thuộc Bộ chuyển cho Thanh tra Bộ xử lý,
tổng hợp, theo dõi. Việc giải quyết đơn khiếu nại được quy định như sau:
1. Đơn khiếu
nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng, nội dung liên quan đến trách nhiệm
của tổ chức nào, Thanh tra Bộ chuyển đến tổ chức đó để tổ chức đó xác minh, báo
cáo kết quả và kiến nghị, trình Bộ trưởng giải quyết.
Trình tự, thủ
tục, thời hạn giải quyết đơn khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật về
khiếu nại, tố cáo. Sau khi có kết quả giải quyết, Người đứng đầu tổ chức có
liên quan có trách nhiệm thông báo cho Thanh tra Bộ để tổng hợp, theo dõi.
2. Đơn khiếu
nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng hoặc không đủ điều kiện thụ
lý giải quyết, Thanh tra Bộ thông báo hoặc hướng dẫn cho người viết đơn theo quy
định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 6. Giải quyết tố cáo
1. Khi nhận
được đơn có nội dung tố cáo, các tổ chức thuộc Bộ chuyển cho Thanh tra Bộ xử
lý, tổng hợp, theo dõi. Việc giải quyết đơn tố cáo được quy định như sau:
a) Tố cáo hành
vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức
nào, Thanh tra Bộ chuyển đến Người đứng đầu tổ chức đó xác minh, báo cáo kết quả
và kiến nghị Bộ trưởng giải quyết. Sau khi có kết quả giải quyết, Người đứng đầu
tổ chức có liên quan có trách nhiệm thông báo cho Thanh tra Bộ để tổng hợp theo
dõi.
b) Tố cáo
hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc tổ chức nào,
Thanh tra Bộ chuyển đến Người đứng đầu tổ chức đó xác minh, kết luận và kiến
nghị Bộ trưởng giải quyết. Sau khi có kết quả giải quyết, Người đứng đầu tổ chức
có liên quan có trách nhiệm thông báo cho Thanh tra Bộ để tổng hợp, theo dõi.
c) Tố cáo
hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của Người đứng đầu, cấp phó của
Người đứng đầu tổ chức, Chánh Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng giải quyết.
d) Tố cáo
hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước
của Bộ thì Thanh tra Bộ chuyển cho tổ chức có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý
lĩnh vực đó xác minh, kết luận và kiến nghị để Bộ trưởng giải quyết. Sau khi có
kết quả giải quyết, Người đứng đầu tổ chức có liên quan có trách nhiệm thông
báo cho Thanh tra Bộ để tổng hợp, theo dõi.
e) Tố cáo mà
Người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ đã giải quyết nhưng việc giải quyết có vi
phạm pháp luật thì Chánh Thanh tra Bộ xác minh, kết luận và kiến nghị với người
đã giải quyết tố cáo đó xem xét, giải quyết lại.
2. Trình tự,
thủ tục, thời hạn giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về
khiếu nại, tố cáo.
3. Tố cáo
hành vi phạm tội thì chuyển cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo
quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
4. Tố cáo
không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng hoặc không đủ điều kiện thụ lý
giải quyết, Thanh tra Bộ xử lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố
cáo.
5. Không xem
xét, giải quyết những đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có
chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền
xem xét, kết luận nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới.
Trong những trường hợp tố cáo loại này, Thanh tra Bộ thông báo cho người tố cáo
lý do không xem xét đơn tố cáo lại.
Điều 7. Thành lập đoàn thanh tra xác minh khiếu nại, tố cáo
Đối với những
vụ việc khiếu nại, tố cáo cần phải thành lập đoàn thanh tra của Bộ để xác minh,
Chánh Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng để quyết định. Tuỳ theo tính chất vụ việc Bộ
trưởng hoặc Chánh Thanh tra Bộ ra quyết định thành lập đoàn thanh tra. Các tổ
chức thuộc Bộ và đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm cử cán bộ đúng thành phần
tham gia đoàn thanh tra.
Chương 3:
TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ
Điều 8. Giải quyết đơn khiếu nại
1. Đơn khiếu
nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Người đứng đầu đơn vị
hoặc của cán bộ, công chức do Người đứng đầu đơn vị trực tiếp quản lý thì Người
đứng đầu đơn vị tiến hành xác minh, kết luận và giải quyết. Đây là quyết định
giải quyết lần đầu.
2. Đơn khiếu
nại quyết định kỷ luật cán bộ công chức, viên chức của Người đứng đầu đơn vị
thì giao cho bộ phận tổ chức cán bộ phối hợp với thanh tra của đơn vị tiến hành
xác minh, kết luận, kiến nghị để Người đứng đầu giải quyết. Đây là quyết định
giải quyết lần đầu.
3. Đơn khiếu
nại do Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc các cơ quan báo chí chuyển
đến thì Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật
về khiếu nại, tố cáo.
4. Trình tự,
thủ tục, thời hạn giải quyết đơn khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật
về khiếu nại, tố cáo.
Điều 9. Giải quyết tố cáo
1. Tố cáo
hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của
cán bộ, công chức do Người đứng đầu đơn vị trực tiếp quản lý thì Người đứng đầu
đơn vị cử cán bộ tiến hành xác minh, kết luận và kiến nghị để Người đứng đầu
đơn vị giải quyết. Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết đơn tố cáo thực hiện
theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Tố cáo
hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của Người đứng đầu, cấp phó của
Người đứng đầu đơn vị, Kế toán trưởng của đơn vị do Bộ trưởng bổ nhiệm thì thuộc
thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng.
3. Tố cáo
hành vi phạm tội thì Người đứng đầu đơn vị chuyển cho các cơ quan tiến hành tố
tụng giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
4. Không xem
xét, giải quyết những đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có
chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền
xem xét, kết luận nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới.
Trong những trường hợp tố cáo loại này, Người đứng đầu đơn vị liên quan thông
báo cho người tố cáo lý do không xem xét đơn tố cáo lại.
Điều 10. Giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Bộ
chuyển đến
Đơn khiếu nại,
tố cáo do Thanh tra Bộ chuyển đến theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng thì Người đứng
đầu đơn vị có trách nhiệm giải quyết. Khi giải quyết xong hoặc hết thời hạn giải
quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Người đứng đầu đơn vị
phải báo cáo Thanh tra Bộ kết quả giải quyết để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.
Điều 11. Quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Người đứng
đầu các đơn vị có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các văn bản pháp luật
về khiếu nại, tố cáo và tổ chức việc thực hiện các quy định về khiếu nại, tố
cáo đối với đơn vị mình.
2. Người đứng
đầu đơn vị giao cho tổ chức thanh tra hoặc cử người theo dõi, tổng hợp, viết
báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân hàng quý, năm
gửi Thanh tra Bộ để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng và Thanh tra Chính phủ.
Điều 12. Trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân
Ban Thanh tra
nhân dân trong các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình
tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị để Người đứng đầu đơn vị giải quyết kịp
thời, đúng pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại,
tố cáo.
Chương 4:
CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN
Điều 13. Địa điểm tiếp công dân
Việc tiếp
công dân của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ được thực hiện tại nơi tiếp công
dân của cơ quan, đơn vị.
Nơi tiếp công
dân của cơ quan, đơn vị phải được bố trí tại địa điểm thuận tiện, bảo đảm các
điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến
nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.
Tại nơi tiếp
công dân và trên trang tin điện tử của Bộ và đơn vị phải niêm yết ngày, giờ tiếp,
nội quy tiếp công dân; đồng thời phải niêm yết quy trình, hướng dẫn công dân
khiếu nại, tố cáo theo thủ tục của pháp luật quy định.
Điều 14. Việc tiếp công dân của Bộ
1. Văn phòng
Bộ có trách nhiệm bố trí phòng tiếp công dân ở cơ quan Bộ đảm bảo các tiêu chuẩn
quy định của Nhà nước.
2. Thanh tra
Bộ có trách nhiệm phân công cán bộ thường trực tiếp công dân trong các ngày làm
việc tại phòng tiếp công dân của cơ quan Bộ.
3. Bộ trưởng
hoặc Thứ trưởng được ủy quyền mỗi tháng tiếp công dân ít nhất một ngày vào ngày
25 hàng tháng, nếu trùng ngày nghỉ thì bố trí tiếp công dân vào ngày làm việc
ngay sau đó.
4. Việc tiếp
công dân của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng do Thanh tra Bộ chuẩn bị nội dung, mời
cán bộ các tổ chức, đơn vị có liên quan tham gia cùng tiếp.
5. Các tổ chức,
đơn vị phải giải quyết kịp thời, đúng quy định những ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo
Bộ trong buổi tiếp công dân, có văn bản báo cáo kết quả giải quyết với Lãnh đạo
Bộ và thông báo cho Thanh tra Bộ.
Điều 15. Việc tiếp công dân của các đơn vị trực thuộc
Bộ
1. Các đơn vị
trực thuộc Bộ phải bố trí phòng tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Người
đứng đầu đơn vị có trách nhiệm cử cán bộ thường trực tiếp công dân.
2. Người đứng
đầu đơn vị trực thuộc Bộ mỗi tháng tiếp công dân ít nhất một ngày và phải niêm
yết công khai ngày, giờ tiếp công dân.
3. Việc tiếp
công dân phải được ghi chép vào sổ theo dõi, mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị,
phản ánh của công dân phải được xem xét giải quyết kịp thời, đúng quy định
Chương 5:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 16. Khen thưởng
Tổ chức, đơn
vị, cá nhân thực hiện tốt quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc có
thành tích trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thì được khen thưởng theo
quy định của pháp luật.
Điều 17. Xử lý vi phạm
Người có
trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm
trong việc giải quyết hoặc cố tình giải quyết trái pháp luật phải bị xử lý
nghiêm minh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.