HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 108-HĐBT
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 10 năm 1981
|
NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 108 - HĐBT NGÀY 8-10-1981 VỀ PHÁT
TRIỂN NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP Ở CÁC TỈNH MIỀN NÚI VÀ TRUNG DU BẮC-BỘ
Miền núi và trung du Bắc-bộ, với
truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc, với địa hình hiểm trở và nhiều
tài nguyên phong phú, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, dưới sự
lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, miền núi và trung du Bắc - bộ đã đạt được những
thành tích nhất định, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của cả nước.
Tuy nhiên, do các ngành, các cấp
chưa nhận thức đầy đủ, chưa đặc biệt quan tâm chỉ đạo và chưa có chính sách phù
hợp nên tình hình phát triển kinh tế ở miền núi và trung du Bắc - bộ còn nhiều
vấn đề lớn phải giải quyết, đặc biệt là cân đối lương thực tại chỗ còn rất khó
khăn, các thế mạnh về cây công nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp chưa được phát
huy...
Để sớm xây dựng miền núi và
trung du Bắc - bộ trở thành vùng giàu có về kinh tế, vững chắc về chính trị, tiến
bộ về văn hoá và khoa học kỹ thuật, mạnh mẽ về quốc phòng và an ninh trật tự, Hội
đồng bộ trưởng quyết định thực hiện những nhiệm vụ công tác quan trọng sau đây.
I. VỀ PHƯƠNG
HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HOÁ MIỀN NÚI VÀ TRUNG DU.
Về phương hướng lâu dài, phải dựa
trên nguyên tắc lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm trọng tâm để xây dựng toàn diện,
phấn đấu trong khoảng từ 5 đến 10 năm giải quyết được những vẫn đề cơ bản của
miền núi và trung du, bảo đảm được nhu cầu lương thực, phát huy được các thế mạnh
về rừng, cây công nghiệp, chăn nuôi, từng bước hình thành nền kinh tế có cơ cấu
nông lâm - công nghiệp, đẩy mạnh một cách vững chắc tốc độ phát triển kinh tế
và văn hoá, kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng.
Trước mắt trong 5 năm (1981 -
1985), phải ra sức phát huy tiềm năng đất đai, lao động, thiết bị sẵn có để đẩy
mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và hàng tiêu dùng, bước đầu xây dựng kinh
tế toàn diện, thực hiện 4 mục tiêu chủ yếu:
- Ổn định và cải thiện từng bước
đời sống nhân dân các dân tộc, giải quyết cao nhất khả năng hậu cần tại chỗ; đặc
biệt chú ý biên giới, vùng cao, khu công nghiệp...
- Củng cố quốc phòng và an ninh
chính trị sẵn sàng chiến đấu.
- Từng bước xây dựng có trọng điểm
cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết của chủ nghĩa xã hội.
- Từng bước hoàn thiện quan hệ sản
xuất xã hội chủ nghĩa.
Dựa vào phương hướng và mục tiêu
chung nói trên, cần ra sức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Về nông nghiệp.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp
toàn diện, tập trung giải quyết vấn đề lương thực, phát huy thế mạnh về cây
công nghiệp, chăn nuôi.
Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất
lương thực, thực phẩm, kết hợp cải tiến cơ cấu bữa ăn, phấn đấu tiến tới cân đối
được lương thực trong toàn vùng, trong từng tỉnh. Trừ các khu công nghiệp và
các huyện có chuyên canh cây công nghiệp, còn các nơi khác phải lấy địa bàn huyện
để cân đối lương thực. Biện pháp chủ yếu để đẩy mạnh sản xuất lương thực là thực
hiện thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích một cách thích đáng. Trên 50 vạn
hécta ruộng lúa có thuỷ lợi hiện nay, chú ý xây dựng các cánh đồng thâm canh
lúa. Trên diện tích 18 vạn hécta làm một vụ phải tăng lên 2 vụ. Đi đôi với đẩy
mạnh thâm canh, tăng vụ, phải tích cực mở thêm diện tích ở những nơi có điều kiện.
Tăng nhanh sản lượng màu, đưa tỷ
trọng màu trong lương thực lên khoảng 40% - 50%. Cần xác định cơ cấu cây lương
thực ở từng vùng phù hợp với điều kiện địa phương, chú ý các cây ngô, giong riềng,
khoai, sắn v.v... Trên diện tích mới khai hoang trồng màu, phải coi trọng thâm
canh ngay từ đầu. Phải giải quyết đồng bộ các vấn đề chế biến, thu mua, tiêu thụ
để đưa màu vào cơ cấu bữa ăn.
Đẩy mạnh sản xuất rau, đậu để tự
túc ở từng vùng và cung cấp cho các khu công nghiệp. Ở những nơi thích hợp,
phát triển lạc, đậu tương, mía, thuốc lá...
Tập trung đẩy mạnh thuốc lá,
chè, coi chè là cây công nghiệp chủ lực. Khôi phục cây sơn, cây dó, mở rộng trồng
trẩu, thầu dầu, cây ăn quả, cây dược liệu, đặc biệt chú ý sản xuất cây anh túc ở
một số vùng có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp.
Thực hiện tốt phương thức nông -
lâm kết hợp, coi đây là phương thức canh tác hợp lý nhất ở vùng đồi núi, vừa chống
được xói mòn, vừa thu hoạch được nhiều nông - lâm sản.
Phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn,
dê, ngựa, gia cầm, hết sức coi trọng các loại gia súc ăn cỏ, ăn lá; chú trọng
tăng nhanh đàn trâu, bò nhằm giải quyết sức kéo, thịt, sữa tại chỗ và cung cấp
sức kéo cho miền xuôi. Trong 5 năm tới, phải tự túc được thực phẩm trong vùng
và trong phạm vi từng tỉnh, bảo đảm phục vụ yêu cầu về thực phẩm của quân đội,
cán bộ, công nhân các khu công nghiệp.
Đẩy mạnh phong trào nuôi cá ruộng,
cá ao, tích cực đầu tư nuôi cá ở các mặt nước lớn, khuyến khích phong trào nuôi
ong.
2. Về lâm nghiệp.
Đặc biệt coi trọng công tác trồng
rừng, bảo vệ và quản lý rừng, nhằm phục hồi môi sinh và đáp ứng các nhu cầu kinh
tế, kể cả than, củi.
Trong vài kế hoạch 5 năm, hoàn
thành việc phủ xanh đồi núi trọc với các loại cây có tốc độ sinh trưởng nhanh,
có khả năng bồi dưỡng đất đai. Chú trọng trồng cây lấy gỗ cho công nghiệp, nhất
là công nghiệp giấy, sợi, gỗ trụ mỏ; hết sức bảo vệ các lâm sản quý có giá trị
kinh tế và xuất khẩu cao. Mở rộng ngay việc trồng cây phân xanh để bón cho rừng
trồng. Trong 5 năm phải trồng mới khoảng 50 vạn hécta, phát triển trồng rừng
trong cả 3 khu vực hợp tác xã, cá thể và quốc doanh nhưng dựa vào khuyến khích
nhân dân trồng là chính.
Phải có kế hoạch khoanh núi nuôi
rừng, giao chỉ tiêu trồng rừng cho từng địa phương, từng cơ sở, hợp tác xã, đơn
vị quân đội, trường học...
Ngăn chặn nạn phá rừng và nghiêm
cấm tệ phá rừng; có kỷ luật nghiêm đối với cá nhân và đơn vị vi phạm pháp chế bảo
vệ rừng.
3. Về các mặt
kinh tế khác.
a. Về công nghiệp, các ngành
công nghiệp phải giúp các tỉnh miền núi, trung du phát triển công nghiệp địa
phương và thủ công nghiệp để phục vụ thiết thực cho nông, lâm nghiệp. Hết sức
chú trọng công nghiệp chế biến nông, lâm sản, trước hết là chế biến màu; phát
triển cơ khí nhỏ, đẩy mạnh sản xuất công cụ lao động, công cụ cải tiến thích hợp
cho từng vùng; khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ như than đá,
than bùn, thuỷ điện nhỏ, khí sinh vật, v.v...
Các cơ sở nông nghiệp trung ương
đóng tại miền núi và trung du đều có trách nhiệm giúp đỡ các tỉnh, huyện sở tại
phát triển công nghiệp địa phương.
b. Về giao thông vận tải, Bộ
Giao thông vận tải phải phối hợp với Bộ Quốc phòng lập kế hoạch củng cố, mở rộng,
nâng cấp, mở mới các tuyến đường chính có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và quốc
phòng; phát triển rộng rãi mạng lưới giao thông nông thôn, bảo dưỡng tốt đường
sá, cầu cống.
Trong lúc khả năng về phương tiện
vận tải cơ giới còn hạn chế, cần phát triển rộng rãi các phương tiện vận tải
thô sơ như xe súc vật kéo, ngựa thồ, thuyền.
c. Tổng cục Bưu điện phải có kế
hoạch củng cố và cải tạo mạng lưới thông tin từ trung ương về tỉnh, huyện và từ
tỉnh, huyện về các xã trọng điểm; bảo đảm khối lượng dịch vụ bưu điện phục vụ
nhân dân, cán bộ, bộ đội, nhất là các điểm trọng yếu về kinh tế và quốc phòng.
d. Về đẩy mạnh xuất nhập khẩu, Bộ
Ngoại thương cùng các địa phương xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất các mặt
hàng xuất khẩu như chè, anh túc, đậu, lạc, thuốc lá, thầu dầu, quế, hồi, cánh
kiến, nhựa thông v.v... có chỉ tiêu cụ thể về các loại cây con ở từng vùng, phấn
đấu tăng nhanh giá trị xuất khẩu ở mỗi tỉnh, huyện.
Ngoài phẩn xuất khẩu theo kế hoạch
của Trung ương, các tỉnh phải có kế hoạch tăng nhanh giá trị xuất khẩu của địa
phương để có thêm ngoại tệ nhập khẩu phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương.
4. Về các mặt
văn hoá xã hội.
Các Bộ Y tế, Giáo dục, Văn hoá
phải có kế hoạch giúp các tỉnh miền núi, trung du phát triển sự nghiệp y tế,
giáo dục, văn hoá, xã hội.
Trong sự nghiệp y tế, phải chú ý
tăng cường công tác phòng bệnh, phòng dịch, hạn chế và thanh toán bệnh sốt rét,
bướu cổ; mở rộng mạng lưới phòng khám, bệnh xá và cơ sở điều trị, nâng cao chất
lượng các bệnh viện, phát triển sản xuất thuốc nam, thuốc gia truyền trong nhân
dân. Phấn đấu đến năm 1985, toàn vùng tự túc từ 40 đến 45 % nhu cầu thuốc tại địa
phương.
Về giáo dục, cần đẩy mạnh giáo dục
phổ thông, bổ túc văn hoá, thanh toán nạn mù chữ trong đồng bào các dân tộc, củng
cố và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chú trọng phát triển hệ thống trường
học theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Cải tiến nội dung giảng dạy
phù hợp với yêu cầu kinh tế, xã hội của từng vùng, chú trọng đào tạo cán bộ người
các dân tộc.
Về văn hoá, cần phát triển văn học,
nghệ thuật của các dân tộc, phong trào văn nghệ quần chúng, tăng thêm hệ thống
đài loa truyền thanh, các đội tuyên truyền, các đội chiếu bóng lưu động cho các
huyện, xã nhất là vùng biên giới, nâng cao chất lượng phát hành sách, báo, thiết
thực phục vụ tốt các mục tiêu về kinh tế, chính trị và xã hội.
5. Về ứng dụng
tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Phải có kế hoạch tích cực và vững
chắc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên các lĩnh vực, trước hết nhằm
phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, v.v... Chú ý trước hết các tiến bộ kỹ
thuật đòi hỏi ít vốn đầu tư, sớm đưa lại hiệu quả kinh tế. Đẩy mạnh công tác điều
tra cơ bản phục vụ xây dựng kinh tế miền núi, trung du. Mở rộng ứng dụng các kết
quả nghiên cứu về cơ cấu sản xuất, giống, bảo vệ đất, phân bón, chế biến nông,
lâm sản, sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ.
Chú ý phát huy khả năng nghiên cứu
của các trạm, trại nghiên cứu hiện có và xây dựng thêm một số trạm, trại nghiên
cứu về nông, lâm nghiệp cần thiết ở các tiểu vùng.
II. MỘT SỐ BIỆN
PHÁP CHỦ YẾU
1. Thuỷ lợi
và thuỷ điện:
Ngoài những công trình thuỷ lợi
và thuỷ điện lớn và vừa do trung ương xây dựng, cần dựa vào sự đóng góp lao động
và vốn của hợp tác xã, lợi dụng địa hình để xây dựng các hồ, đập chứa nước nhỏ,
xây dựng các mương, phai để chống xói mòn chỗng lũ, chống hạn, tiêu úng trong
phạm vi đội sản xuất, hợp tác xã, xã hoặc liên xã. Chú trọng xây dựng thuỷ lợi
cho các cánh đồng thâm canh cây lương thực. Kết hợp làm thuỷ lợi với thuỷ điện
nhỏ ở từng địa phương.
Tích cực giải quyết nước ăn cho
vùng cao và nước ăn cho bộ đội dọc tuyến biên giới.
2. Cải tiến
cơ cấu sản xuất và cung ứng giống:
Nghiên cứu bố trí cơ cấu giống
thích hợp với đất đai, khí hậu từng vùng nhỏ nhằm thâm canh, tăng vụ, đưa lại
hiệu quả kinh tế cao nhất trên đơn vị diện tích.
Trong chăn nuôi, tuỳ điều kiện cụ
thể mà bố trí cơ cấu hợp lý các loại gia súc; phát triển các trạm, trại giống để
sản xuất và cung ứng các loại giống tốt.
Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ
Thuỷ sản, các ngành, các tỉnh cần xây dựng nhanh hệ thống giống cây, con gia
súc ở các tỉnh.
3. Phân bón:
Tích cực khai thác mọi nguồn
phân: phân chuồng, phân xanh, phân lèn, phân trấp, bùn ao, v.v.... ở địa
phương.
Chú ý phân phối phân hoá học,
trước hết là phân đạm cho miền núi, trung du để tăng năng suất, xản lượng lương
thực tại chỗ, giảm dần việc chở lương thực lên miền núi, trung du.
4. Công cụ và
cơ khí:
Cần đáp ứng nhu cầu than, gang,
thép cho địa phương tự sản xuất các loại công cụ sản xuất.
Đối với số phương tiện cơ giới
hiện có, cần điều chỉnh việc sử dụng cho hợp lý, chú ý bảo đảm phụ tùng thay thế
và nhiên liệu để tận dụng hết công suất; đầu tư cơ giới vào các khâu sản xuất
có hiệu quả kinh tế rõ rệt.
5. Phân bố lại
lao động và khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới:
Trước hết, phải chú ý phân bố lại
lao động tại chỗ; đồng thời đối với những nơi có yêu cầu, phải phân bố lao động
từ miền xuôi lên, kết hợp sắp xếp lại khu dân cư ở miền núi.
Trong việc phân bố lao động miền
xuôi lên, chú ý tăng cường cho các nông, lâm trường, hợp tác xã những lao động
có kỹ thuật, những cán bộ quản lý để góp phần chuyển biến tập quán canh tác, thực
hiện thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng lương thực, phát triển cây công nghiệp,
chăn nuôi, nghề rừng. Hết sức chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần
của người lao động để duy trì được đội ngũ lao động hiện có, tạo thuận lợi cho
việc tuyển thêm lao động mới.
6. Định canh, định
cư:
Trong 5 năm tới, phải hoàn thành
về cơ bản công tác định canh, định cư, kiên quyết tạo mọi điều kiện nhằm ổn định
sản xuất và đời sống cho đồng bào các dân tộc. Trong việc định canh, định cư, cần
xác định rõ phương hướng sản xuất cho từng nơi, thực hiện sản xuất nông - lâm kết
hợp, xây dựng ruộng bậc thang, xây dựng vườn - rừng, đẩy mạnh sản xuất các cây
đặc sản, như các cây dược liệu, hạt giống rau, v.v... nhằm có nhiều hàng quý
trao đổi lấy lương thực và hàng tiêu dùng.
III. MỘT SỐ
CÔNG TÁC CƠ BẢN ĐỂ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Xây dựng
huyện:
Phải tập trung làm tốt công tác
xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện.
Trong việc xây dựng huyện miền
núi, phải xác định rõ hình thức, nội dung tổ chức quản lý sản xuất ở từng vùng,
nội dung xây dựng huyện nông - lâm - công nghiệp, lâm - nông - công nghiệp kết
hợp với xây dựng huyện thành pháo đài (theo chỉ thị số 112 - CT/TƯ ngày 29/6/1981).
Phải chỉ đạo điểm, tạo mô hình, sơ kết, rút kinh nghiệm. Hình thức tổ chức phải
thích hợp, tránh những xáo trộn không cần thiết, tránh dập khuôn, máy móc.
Cần phân loại huyện để định rõ mục
tiêu phấn đấu và phương hướng xây dựng cụ thể: loại huyện có các vùng trọng điểm
chuyên canh lương thực phải phấn đấu thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích, mở
rộng ngành nghề; loại huyện đã cân đối được lương thực phải phấn đấu tăng thêm
sản lượng lương thực và các nông, lâm sản khác; loại huyện thiếu lương thực nhưng
còn nhiều tiềm năng về thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích, phải phấn đấu
trong một thời nhất định tự giải quyết được lương thực; loại huyện rừng và đất
rừng chiếm phần lớn diện tích thì vừa đẩy mạnh sản xuất lương thực đến mức cao
nhất, vừa đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm khác để trao đổi lấy lương thực; tất cả
các huyện miền núi đều phải tập trung đẩy mạnh nghề rừng, phát triển chăn nuôi
và các đặc sản khác.
Trong 5 năm tới, cần tăng cường
bộ máy ở huyện để có đủ trình độ lãnh đạo và quản lý tốt các hợp tác xã, các
nông trường, lâm trường và xí nghiệp công nghiệp địa phương; cần điều động nhiều
hơn nữa cán bộ của tỉnh và trung ương cho huyện miền núi, chú trọng tăng cường
cho huyện cán bộ kỹ thuật và các bộ quản lý. Chú ý đào tạo cán bộ người các dân
tộc.
2. Ra sức củng
cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa:
Phải tập trung nghiên cứu, tạo
điển hình và mở rộng nhanh việc xây dựng hợp tác xã nông - lâm nghiệp, lâm -
nông nghiệp kết hợp với xây dựng bản làng, xã chiến đấu.
Quy mô hợp tác xã miền núi nói
chung phải gọn, nhỏ, thích hợp với điều kiện địa lý, xã hội, phân bố dân cư...;
ở những nơi xa xôi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, trình độ văn hoá thấp có thể tổ
chức tổ đổi công hoặc nhóm sản xuất.
Huyện phải nắm sát các hợp tác
xã, phải có kế hoạch củng cố, chỉ đạo tốt việc khoán sản phẩm đến người lao động.
3. Bổ sung
chính sách:
Các cơ quan quản lý ngành ở
trung ương phải phối hợp với Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu
bổ sung và sửa đổi các chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế, văn hoá
ở miền núi, trung du; trước mắt chú ý bổ sung các chính sách sau đây:
- Bổ sung chính sách giao đất,
giao rừng theo hướng tăng thêm phần lợi ích vật chất cho những người có công trồng
rừng, bảo vệ rừng.
- Chính sách đầu tư đối với việc
bảo vệ rừng đầu nguồn.
- Chính sách giao khoán cho các
hợp tác xã và nhân dân trồng rừng và bảo vệ rừng.
- Chính sách đầu tư cho các cơ sở
sản xuất tăng sản lượng cây công nghiệp và cây xuất khẩu.
- Hướng dẫn việc thực hiện chính
sách khoán sản phẩm trong sản xuất và khuyến khích chăn nuôi ở miền núi.
- Bổ sung chính sách khuyến
khích về vật chất và tinh thần đối với cán bộ miền núi, kể cả cán bộ xã.
- Bổ sung chính sách khuyến
khích tuyển dụng lao động địa phương vào các nông trường, lâm trường.
- Chính sách phân cấp quản lý
cho các tỉnh miền núi.
- Bổ sung chính sách giá cả và
thu mua ở miền núi.
4. Giúp đỡ
quân đội làm kinh tế:
Quân đội đã được Nhà nước giao một
số công tác kinh tế như làm đường, trồng rừng, trồng chè, xây dựng một số công
trình thuỷ lợi, thuỷ điện...
Các ngành, các cấp cần tiếp tục
giải quyết mọi điều kiện cho quân đội thực hiện các kế hoạch nói trên, nhất là
xúc tiến công tác quy hoạch, thiết kế, ký kết các hợp đồng cụ thể, thực hiện kịp
thời việc cấp phát vốn, vật tư, giống cây con, v.v... nhằm làm cho lực lượng
lao động của quân đội đưa lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Các ngành ở trung ương và các tỉnh
phải nhận rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng kinh tế, văn hoá ở
miền núi và trung du Bắc - bộ, thực hiện nghiêm chỉnh những chính sách đã ban
hành, những công việc thuộc chức năng của ngành phải phụ trách. Mỗi Bộ phải
phân công một thứ trưởng phụ trách chỉ đạo và phục vụ miền núi và trung du, có
bộ phận giúp việc chuyên trách.
Hội đồng Bộ trưởng phân công một
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo công tác miền núi và trung du.
Các ngành, các địa phương hàng
tháng gửi báo cáo về Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng; căn cứ tình hình cụ thể, Thường
vụ Hội đồng Bộ trưởng định kỳ tổ chức họp với các tỉnh hoặc các ngành để kiểm
điểm việc thi hành các chủ trương nghị quyết đã đề ra.
|
TM.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tố Hữu
|