HỘI
ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
02-TANDTC/CT
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 4 năm 1963
|
CHỈ THỊ
HƯỚNG DẪN XỬ LÝ TỘI THIẾU TINH THẦN TRÁCH NHIỆM GÂY TAI NẠN
LÀM THIỆT HẠI ĐẾN TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC, ĐẾN SỨC KHỎE VÀ SINH MẠNG CỦA NHỮNG NGƯỜI
LAO ĐỘNG TẠI CÁC CÔNG TRƯỜNG, NHÀ MÁY, HẦM MỎ, KHO TÀNG...
Trong thời kỳ công nghiệp hóa xã
hội chủ nghĩa hiện nay, các cơ sở sản xuất và số lượng công nhân ngày càng phát
triển, máy móc thiết bị ngày thêm tinh vi và lao động ngày thêm phức tạp, nên vấn
đề bảo vệ an toàn lao động cần được đặc biệt coi trọng. Nhằm thực hiện khẩu hiệu
"sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất",Nhà nước đã ban hành những
luật lệ, quy tắc về an toàn lao động nhưng trong thực tế, tại các cơ sở sản xuất
vẫn còn những hiện tượng thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành nghiêm chỉnh
kỷ luật lao động, làm bừa, làm ẩu, gây tai nạn làm thiệt hại đến tài sản của
Nhà nước, đến sức khỏe và sinh mạng của người lao động, ảnh hưởng đến việc thực
hiện kế hoạch nhà nước.
Trong mấy năm gần đây, các tòa
án đã nhận thức được nhiệm vụ tích cực góp phần đấu tranh chống những hành vi
thiếu tinh thần trách nhiệm đó. Nhiều vụ án đã được xét xử kịp thời và thận trọng,
mức hình phạt được cân nhắc kỹ càng, nhiều phiên tòa được tổ chức ngay tại công
trường, xí nghiệp, cho nên việc xét xử đã có tác dụng giáo dục phòng ngừa tai nạn.
Tuy nhiên, trong việc định tội và
quyết định hình phạt, thực tiễn xét xử đã cho thấy một số lệch lạc cần được uốn
nắn để việc nhận thức luật pháp và áp dụng luật pháp được thống nhất hơn nữa.
1. Có tòa án vì không đi sâu vào
nội dung vụ án, nhất là không đi sâu vào thái độ tâm lý của bị can, cho nên đã
không phân biệt chính xác trường hợp cố ý gây tai nạn (phá hoại) với trường hợp
khinh suất gây tai nạn (thiếu tinh thần trách nhiệm).
2. Có tòa án đã coi hành vi
khinh suất gây tai nạn của người không có trách nhiệm công tác là tội thiếu tinh
thần trách nhiệm và áp dụng điều 10 Sắc lệnh 267 ngày 15-6-1956, đáng lẽ phải
áp dụng điều 4 Thông tư 442-TTg.
3. Có nơi còn chưa phân biệt được
hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng, phải coi là một
tội phạm, với hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại nhỏ, chỉ cần
thi hành kỷ luật hành chính, cho nên có trường hợp đáng lẽ phải xử lý bằng biện
pháp tòa án lại áp dụng biện pháp hành chính, hoặc ngược lại.
4. Một số tòa án chưa nhận định
được đúng đắn trách nhiệm hình sự của người cán bộ phụ trách không trực tiếp
gây tai nạn, cho nên có trường hợp có tội đáng trừng trị đã bỏ qua hoặc ngược lại
có trường hợp kết tội và xử phạt một cách gò ép, vô căn cứ.
5. Có tòa án còn lẫn lộn trường
hợp phạm tội với trường hợp không thể coi là phạm tội vì tai nạn xảy ra do sự
kiện bất ngờ mà bị can không thể nào lường trước được.
6. Một số tòa án, trong khi định
mức hình phạt, quá chú trọng đến lý lịch của bị can, do đó hoặc chiếu cố quá đảng
tới thành tích của bị can, mặc dù tác hại nghiêm trọng mà lại xử phạt quá nhẹ,
hoặc thành kiến với quá khứ xấu của bị can, mặc dù tác hại nhỏ, lại xử phạt quá
nặng.
Để xét xử đúng đắn loại tội phạm
này, cần nhận thức rằng, dưới chế độ ta, mọi hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm
gây tai nạn làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và sinh mạng của người lao động,
đều cần phải xử lý thích đáng. Mặt khác, cũng phải thấy rõ hoàn cảnh của ta hiện
nay là khả năng và trình độ kỹ thuật của cán bộ, công nhân viên còn non kém, điều
kiện bảo hộ lao động và những luật lệ, quy tắc an toàn lao động còn chưa đáp ứng
được yêu cầu của tình hình sản xuất, cho nên tai nạn lao động xảy ra nhiều và
có những nguyên nhân phức tạp.
Đường lối xử lý những hành vi
thiếu tinh thần trách nhiệm phải bảo đảm tác dụng đấu tranh chống phạm tội, đồng
thời phải chú ý tới những đặc điểm và những nguyên nhân phức tạp của loại tội
phạm này.
Căn cứ vào đường lối, chính sách
trên và luật pháp hiện hành, Tòa án nhân dân tối cao nêu những điểm chỉ dẫn dưới
đây để các tòa án địa phương chú ý:
I. VỀ ĐỊNH TỘI
1. Khi xét xử tội thiếu tinh thần
trách nhiệm gây tai nạn phải chứng minh đầy đủ ba dấu hiệu bắt buộc dưới đây:
- Tai nạn xảy ra do khinh suất;
- Bị can phải là người có trách
nhiệm công tác và đã gây tai nạn trong công tác;
- Sự thiệt hại phải nghiêm trọng.
a) Tai nạn xảy ra do khinh suất.
Một dấu hiệu bắt buộc để phân biệt
tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây tai nạn với tội phá hoại là: trong tội phá
hoại, bị can đã cố ý mong muốn tai nạn xảy ra, còn trong tội thiếu tinh thần
trách nhiệm, tai nạn xảy ra ngoài ý muốn của bị can và là hậu quả của hành vi
khinh suất.
Sẽ coi là khinh suất, nếu:
- Bị can đã thấy trước khả năng
xảy ra tai nạn nhưng vì chủ quan, thiếu thận trọng, quá tin vào những biện pháp
phòng ngừa của mình cho nên đã để xảy ra tai nạn. Ví dụ: Một công nhân đã được
giải thích về tính chất nguy hiểm của việc đào đất theo kiểu hàm ếch nhưng cứ
làm theo ý mình, cho rằng đất nơi đó rắn. Sau đó, hầm bị sập làm chết người.
(Hình thức lỗi ở đây là khinh suất vì quá tự tin).
- Bị can không thấy trước khả
năng xảy ra tai nạn nhưng đáng lẽ phải thấy và có thể thấy trước khả năng đó, để
có những biện pháp phòng ngừa thích đáng. Ví dụ: Hai công nhân Hồng và Vượng
cùng làm máy, vì không kiểm tra kỹ, Hồng không biết rằng Vượng còn đang ở dưới
gầm máy, đã cho máy chạy. Hậu quả của hành vi làm bừa, làm ẩu này là Vượng
không chạy kịp bị máy kẹp chết. (Hình thức lỗi ở đây là khinh suất vì cẩu thả).
Để nhận định thế nào là bị can phải thấy và có thể thấy trước khả năng xảy ra
tai nạn, các tòa án cần chú ý đi sâu vào cương vị công tác, trình độ hiểu biết
kỹ thuật, khả năng trí tuệ, kinh nghiệm lao động của bị can... và cần xét xem
trong trường hợp tương tự, một người bình thường, nếu có thái độ làm việc thận
trọng, có thể tránh được tai nạn hay là không.
Việc xác định đúng đắn hình thức
lỗi: cố ý hoặc khinh suất, đòi hỏi phải xem xét một cách toàn diện mọi tình tiết
của vụ án, kiểm tra, đánh giá các chứng cứ và khi cần thiết phải trưng cầu giám
định viên kỹ thuật để kết luận về nguyên nhân của tai nạn. Cần tránh khuynh hướng
chỉ dựa đơn thuần vào lý lịch của bị can hoặc vào lời khai để nhận định.
b) Bị can phải là người có trách
nhiệm công tác và đã gây tai nạn trong công tác. Đó là:
- Những cán bộ có trách nhiệm về
công tác bảo hộ lao động như giám đốc xí nghiệp, người điều khiển hoặc ra lệnh
công tác, cán bộ được uỷ nhiệm phụ trách bảo vệ an toàn lao động (điều 2 Nghị định
703-TTg ngày 29-2-1956).
- Những cán bộ, công nhân, viên
chức khác, do không làm tròn công tác mình phụ trách đã để xảy ra tai nạn (như
một công nhân không chấp hành nghiêm chỉnh nội quy an toàn).
Còn trường hợp bị can là công
dân hoặc cán bộ, công nhân viên phạm tội không phải trong công tác (Ví dụ: một
cán bộ khi đi tham quan nhà máy, vì nghịch ngợm, vì tò mò mà gây ra tai nạn)
thì không định tội danh là "thiếu tinh thần trách nhiệm..." mà phải
áp dụng điểm 4-Thông tư 442-TTg, ngày 19 tháng 1 năm 1955 theo nguyên tắc tương
tự về luật để xét xử dưới tội danh: khinh suất gây tai nạn.
c) Sự thiệt hại phải nghiêm trọng.
Theo tinh thần và lời văn của điều
10 Sắc lệnh 267 ngày 15-6-1956, thì chỉ coi là có trách nhiệm hình sự khi hành
vi thiếu tinh thần trách nhiệm đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Đó là những hành
vi đã gây ra những tổn thất lớn không thể sửa chữa được hoặc muốn sửa chữa phải
tốn rất nhiều công của, như: làm bị thương nặng, làm chết người, hoặc gây tổn
thất lớn cho tài sản nhà nước. Đối với những hành vi gây thiệt hại nhỏ như làm
người khác bị thương nhẹ phải nghỉ việc 10 ngày, không làm giảm sút sức lao động,
hoặc làm thiệt hại ít về tài sản thì không coi là tội phạm hình sự và chỉ cần
thi hành kỷ luật hành chính hoặc biện pháp tác động xã hội để giáo dục, phòng
ngừa tai nạn.
Đối với những hành vi vi phạm
nghiêm trọng nội quy an toàn có khả năng gây thiệt hại rất lớn về người và về của
như vi phạm nội quy an toàn ở hầm mỏ, ở kho chứa chất nổ, chứa nhiên liệu đặc
biệt..., thì dù tai nạn chưa xảy ra, cũng cần phải trừng phạt.
2. Để nhận định trách nhiệm hình
sự theo nguyên tắc chung về hình pháp cần phải chứng minh mối quan hệ nhân quả
giữa hành vi (tác vi hoặc bất tác vi) với tai nạn, nghĩa là chứng minh được rằng
chính hành vi đó, trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của vụ án, là
nguyên nhân tất nhiên đẻ ra tai nạn.
Đặc biệt trong những trường hợp
cán bộ phụ trách không phổ biến, không tổ chức hoặc không kiểm tra việc thực hiện
an toàn lao động, để xảy ra tai nạn, các tòa án cần chứng minh được hai điểm dưới
đây, mới có thể coi hành vi của người cán bộ phụ trách ấy là nguyên nhân của
tai nạn:
- Việc không phổ biến, không tổ
chức, không kiểm tra an toàn lao động thuộc nhiệm vụ công tác của người đó, người
đó có nghĩa vụ thực hiện mà không thực hiện.
- Nếu người đó thực hiện kịp thời
việc đó thì có thể ngăn ngừa được tai nạn.
3. Sẽ không coi là phạm tội thiếu
tinh thần trách nhiệm nếu người để xảy ra tai nạn không có khả năng thấy trước
được tai nạn và đã chấp hành đầy đủ và thận trọng quy tắc an toàn lao động.
Có những trường hợp do tai họa
thiên nhiên như, bão, lụt... chưa được cơ quan khí tượng dự báo, hoặc do thiếu
kinh nghiệm, thiếu trình độ chuyên môn, kỹ thuật kém, năng lực trí tuệ non yếu
hoặc do một hoàn cảnh cụ thể nào khác chi phối cho nên không thấy trước được
tai nạn, thì phải coi là sự kiện bất ngờ và không coi là phạm tội.
II. VỀ ĐỊNH
HÌNH PHẠT
1. Để định hình phạt được đúng,
cần nghiên cứu phân tích mọi tình tiết của vụ án, tránh khuynh hướng chỉ nặng về
con người của bị can. Phải phân biệt trường hợp đã có luật lệ quy tắc về an
toàn lao động, đã được nhắc nhở, giáo dục về phòng ngừa tai nạn với trường hợp
chưa có luật lệ quy tắc, chưa được nhắc nhở giáo dục; phân biệt trường hợp bị
can đã nhiều lần làm bừa, làm ẩu, với trường hợp nhất thời phạm pháp; phân biệt
trường hợp hành vi là nguyên nhân chính của tai nạn với trường hợp là nguyên
nhân thứ yếu; phân biệt trường hợp tai nạn hoàn toàn do lỗi của bị can với trường
hợp một phần do lỗi của nạn nhân...
Theo thực tiễn xét xử của các
tòa án địa phương, thì khi việc khinh suất gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng
về tài sản, mức hình phạt thường không quá 3 năm giam và nếu gây chết người, mức
hình phạt thường không quá 5 năm giam.
Căn cứ vào đường lối, chính sách
đã phân tích ở trên, Tòa án nhân dân tối cao nhận thấy định mức hình phạt như vậy,
trong tình hình hiện nay, nói chung là đúng.
Xét xử tốt những hành vi thiếu
tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đế tài sản của Nhà nước, đến sức
khỏe và sinh mạng của người lao động, các tòa án sẽ góp phần thiết thực vào việc
đấu tranh phòng ngừa tai nạn tại các công trường, nhà máy, hầm mỏ, kho tàng...
và thiết thực góp phần bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa nước nhà.
Để việc xét xử phát huy đầy đủ
tác dụng giáo dục, các phiên tòa xét xử loại án kiện này cần được tổ chức tại
công trường, xí nghiệp đã xảy ra tai nạn, và sau khi xét xử, các tòa án cần
phát hiện kịp thời với cán bộ lãnh đạo cơ sở sản xuất, những thiếu sót trong việc
chấp hành luật lệ về an toàn lao động của cơ sở sản xuất để những thiếu sót đó
sớm được bổ khuyết, tránh tái diễn những tai nạn đáng tiếc.
Các tòa án cần nghiên cứu và chấp
hành đúng chỉ thị này. Trong thực tiễn công tác, nếu còn gặp khó khăn, cần phản
ánh kịp thời để Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thêm.
Chú ý:
Chỉ thị này không đề cập tới việc
xét xử những vụ tai nạn về giao thông vận tải và vấn đề bồi thường trong các vụ
gây tai nạn. Nếu sau này thấy cần thiết, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tổng kết
kinh nghiệm xét xử và có chỉ thị hướng dẫn thêm.