UỶ BAN DÂN TỘC
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 02/2007/TT-UBDT
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 06 năm 2007
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 32/2007/QĐ-TTg CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CHO VAY VỐN
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT ĐỐI VỚI HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN
Căn cứ
Nghị định số 51/2003/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc
Căn cứ Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg
ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển
sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (sau đây gọi tắt
là Quyết định 32);
Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện Quyết định như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Việc cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc
biệt khó khăn bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình. Hộ được thụ hưởng chính
sách trên phải trực tiếp quản lý, sử dụng vốn, có sự giúp đỡ của chính quyền và
các tổ chức chính trị – xã hội cấp cơ sở nhằm ổn định đời sồng, sản xuất xóa
đói giảm nghèo và nâng cao nhận thức về cách làm ăn mới.
2. Việc lựa chọn đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt
khó khăn được tiến hành bình xét từ cơ sở sở thôn, bản công khai, dân chủ, công
bằng; lập biên bản kèm theo danh sách theo từng xã, xếp loại thứ tự ưu tiên những
hộ khó khăn được vay vốn trước trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Hàng năm
có rà soát, phân loại (hoặc bổ sung) đối tượng.
3. Việc cho vay phải dựa trên phương hướng sản xuất và cam kết
cụ thể của từng hộ gắn với việc phân công giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn của
chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp.
4. Nguồn vốn thực hiện Quyết định 32:
- Ngân sách Trung ương bảo đảm cấp vốn theo Quyết định 32;
- Ngân sách địa phương: Đối với các địa phương tự cân đối được
ngân sách, hàng năm Ủy ban nhân dân các cấp bố trí kinh phí thực hiện Quyết định
32 trình Hội đồng nhân dân phê duyệt và chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội
thực hiện cho vay vốn.
- Khuyến khích các địa phương bổ sung thêm nguồn vốn bố trí
trong dự toán ngân sách hàng năm để tăng mức cho vay đối với hộ dân tộc thiểu số
đặc biệt khó khăn.
- Các nguồn khác: Lồng ghép các chính sách, các nguồn huy động
bổ sung.
5. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc cho vay theo
phương thức ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị – xã hội cấp cơ sở
tương tự như cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
6. Thời gian thực hiện giai đoạn I từ năm 2007 đến năm 2010:
Thời hạn giải ngân cho vay hoàn thành trước ngày 31/12/2010 để tổng kết đánh
giá kết quả thực hiện; điều chỉnh bổ sung chính sách thực hiện giai đoạn tiếp
theo.
II. NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ:
1. Đối tượng áp dụng
Đối tượng được xét thụ hưởng chính sách quy định tại Thông tư
này là các hộ dân tộc thiểu số, (kể cả có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu
số) đang cư trú hợp pháp tại các xã thuộc vùng khó khăn, quy định tại Quyết định
số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, có đủ các tiêu chí
sau:
a) Là hộ rất nghèo, đời sống còn hết sức khó khăn; có mức thu
nhập bình quân đầu người dưới 60.000đ/người/tháng;
b) Tổng giá trị tài sản của hộ không quá 3 triệu đồng (không
tính giá trị quyền sử dụng đất, giá trị các lán trại trên nương rẫy, nhà ở được
Nhà nước và các tổ chức hỗ trợ; giá trị các tài sản khác đang vay từ nguồn ngân
hàng, theo kết quả điều tra hộ nghèo năm trước liền kề, trước khi thực hiện vay
vốn;
c) Có phương hướng sản xuất nhưng thiếu hoặc không có vốn sản
xuất;
2. Điều kiện cho vay:
a) Các hộ đồngbào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn quy định
tại điểm 1, muc II của Thông tư này, phải được bình xét từ thôn bản công khai,
dân chủ có trong danh sách được Ủy ban nhân dân xã xác nhận và Ủy ban nhân dân
huyện phê duyệt;
b) Mục đích bắt buộc và duy nhất của đối tượng vay phải là:
phát triển sản xuất;
c) Hộ (hoặc nhóm hộ) phải có phương hướng sản xuất, kế hoạch
kinh doanh (tự lập) hoặc được chính quyền cùng các tổ chức chính trị – xã hội,
cá nhân ở cơ sở thôn, bản (xã) giúp lập, được Ủy ban nhân dân xã xác nhận.
d) Chính quyền cơ sở có kế hoạch phân công tổ chức (cá nhân)
giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn cụ thể cho từng hộ (hoặc từng nhóm hộ).
Hộ gia đình thuộc đối tượng trên không phải dùng tài sản bảo đảm
và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn.
3. Hình thức và mức cho vay:
a) Hình thức cho vay:
Cho vay bằng tiền mặt (hoặc bằng hiện vật qui đổi ra giá trị,
tùy theo đặc điểm tình hình, điều kiện từng địa phương và nguyện vọng người
dân).
b) Mức cho vay: Có thể cho vay một lần hoặc nhiều lần, tổng dư
nợ vay ở mọi thời điểm không quá 5 triệu đồng/hộ.
Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định mức cho vay cao hơn tùy thuộc
khả năng bổ sung ngân sách của địa phương.
- Đối với các hộ có nhu cầu vay vốn ngoài mức quy định của Quyết
định 32 đã nêu trên, thì Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng chính sách cho vay
hộ nghèo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4 tháng 10 năm 2002 của
Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (gọi
tắt là NĐ 78)
- Đối với các hộ đã được vay vốn theo NĐ 78 mà thuộc diện đối
tượng hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi áp dụng quy định tại
Thông tư này thì vẫn được vay thêm vốn theo Quyết định 32.
4. Thời hạn cho vay và gia hạn nợ
- Thời hạn cho vay được xác định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn
vay để phát triển sản xuất như thời vụ, chu kỳ sản xuất, khả năng quay vòng vốn
trong sản xuất kinh doanh; khả năng và nhu cầu trả nợ của hộ vay vốn và do Ngân
hàng Chính sách xã hội quy định thời gian không quá 5 năm.
- Trường hợp đến thời hạn trả nợ nhưng hộ vay vốn vẫn thuộc diện
đặc biệt khó khăn và có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn vay thì hộ gia đình đó đề
nghị với chính quyền xác nhận mức độ khó khăn của hộ; phải được Ủy ban nhân dân
xã lập danh sách, xác nhận và gửi Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn
nợ. Thời hạn cho gia hạn nợ mỗi lần tối đa bằng thời hạn cho vay.
5. Lãi suất cho vay: Theo đúng quy
định đã ghi trong Mục 4 Điều 2 của Quyết định 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/03/2007 của
Thủ tướng Chính phủ.
6. Xử lý rủi ro:
- Trường hợp các hộ gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh,
tai nạn, ốm đau kéo dài hoặc các khó khăn bất khả kháng khác không trả được nợ
thì các hộ phải báo với chính quyền thôn, bản cùng tổ chức chính trị xã hội được
phân c6ng giúp đỡ, lập biên bản chứng thực nợ vay bị rủi ro, trình Ủy ban nhân
dân xã xác nhận và gửi Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân huyện.
- Không chấp nhận rủi ro với các trường hợp đã dùng tiền vay
vào giải quyết những việc không trực tiếp phát triển sản xuất.
- Ủy ban nhân dân huyện phải tổ chức kiểm tra, xác minh sau đó
phê duyệt và gửi kết quả cho Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh tổng hợp
trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ra quyết định xóa nợ.
7. Lập kế hoạch
- Quy trình xây dựng, tổng hợp, giao kế hoạch hàng năm được tiến
hành đồng thời với quy trình lập kế hoạch chung theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch
& Đầu tư.
- Hàng năm Ủy ban nhân dân các cấp lập kế hoạch và nhu cầu thực
hiện chính sách gửi Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng
hợp trình Chính phủ (cùng thời gian lập dự toán ngân sách hàng năm).
- Căn cứ vào dự toán ngân sách được Chính phủ giao Bộ Tài
chính chuyển kinh phí cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện định kỳ 6 tháng
1 lần.
8. Kiểm tra, giám sát, báo cáo:
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị, các cấp chính quyền tổ
chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tại các địa phương; Đơn vị thường
trực (Ban Dân tộc) tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc
và đánh giá hiệu quả thực hiện việc cho vay vốn trên địa bàn tỉnh. Định kỳ 6
tháng và hàng năm (trước ngày 20 tháng 6 và 20 tháng 12) Ủy ban nhân dân các cấp,
Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo lên cấp trên (Ngân hàng Chính sách xã hội đồng
gửi Ủy ban nhân dân cùng cấp) Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo gửi Ủy ban
Dân tộc đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
9. Qui trình, thủ tục cho vay và xử lý nợ
rủi ro: Thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Ngân hàng Chính sách xã hội.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng
Chính sách xã hội thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 4 Quyết định 32.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả
việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với các hộ đồng báo dân tộc thiểu số đặc
biệt khó khăn. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định sát hợp với
tình hình của địa phương (nếu cần thiết).
- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan đơn vị (Sở, ban,
ngành, các tổ chức đoàn thể…) của tỉnh thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc
tổ chức thực hiện chính sách. Chỉ đạo xây dựng phương án lồng ghép các nguồn vốn
thực hiện các chính sách khác trên địa bàn (Chương trình 135, chính sách trợ
giá trợ cước, khuyến nông khuyến lâm, chính sách định canh định cư…) nhằm tăng
hiệu quả việc sử dụng vốn vay và hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện.
- Ban hành Quyết định xóa nợ theo đề nghị của Ủy ban nhân dân
các huyện, do Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trình.
3. Ủy ban nhân dân huyện:
- Phê duyệt đối tượng được vay vốn hàng năm của từng xã trên địa
bàn huyện và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện cho vay
vốn, gia hạn thời hạn thu hồi nợ và xử lý rủi ro.
- Thẩm định và báo cáo tình hình rủi ro trong sử dụng vốn vay
của các xã gửi Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để tổng hợp trình Ủy
ban nhân dân tỉnh.
4. Ủy ban nhân dân xã:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định, hướng dẫn
thực hiện cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn;
- Phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn hộ đồng
bào dân tộc thiểu số lập phương án sản xuất; hướng dẫn cách làm ăn
- Chỉ đạo Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo xã phối hợp với các tổ
chức chính xã hội giám sát việc bình xét đối tượng; xác nhận danh sách hộ vay;
xác nhận gia hạn nợ, xác nhận các hộ rủi ro; báo cáo Ủy ban nhân dân huyện và
Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc cho vay, kiểm
tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày
đăng công báo.
- Bãi bỏ Quyết định số 166/2001/QĐ-UBDTMN ngày 05 tháng 9 năm
2001 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi về Ban hành Quy định
tiêu chí hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số
912/2001/TTLT/UBDTMN/BTC/BKHĐT ngày 16 tháng 11 năm 2001 của Liên tịch Ủy ban
Dân tộc và Miền núi – Bộ Tài chính – Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện
chính sách Hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về
Ủy ban Dân tộc để xem xét giải quyết.
Nơi nhận:
-Ban bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng CP, các Phó thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- VP TW và các Ban của Đảng;
- Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ;
- VP Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của QUốc hội;
- VP Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- CQ TW của các đoàn thể;
- Học viện HC Quốc gia;
- Ngân hàng CSXH;
- VPCP, BTCN, các phó CN;
- Website Chính phủ;
- Công báo;
- Cục kiểm tra văn bản bộ Tư pháp;
- Các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc;
- Lưu VT UBDT, CSDT.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Ksor Phước
|