BỘ
Y TẾ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
2-BYT/TT
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 1 năm 1984
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ Y TẾ SỐ 2-BYT/TT NGÀY 21-1-1984 HƯỚNG DẪN THI HÀNH
QUYẾT ĐỊNH SỐ 7-HĐBT NGÀY 15-1-1983 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ CHẾ ĐỘ THAI SẢN ĐỐI
VỚI NỮ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC.
Thi hành Quyết định số 7-HĐBT
ngày 15-1-1983 của Hội đồng bộ trưởng với sửa đổi, bổ sung chế độ thai sản đối
với nữ công nhân viên, viên chức Nhà nước, sau khi thống nhất với Tổng công
đoàn Việt Nam, Bộ Y tế quy định về những trường hợp do bệnh tật, không nuôi con
bằng sữa mẹ được quy định tại Điều 3, gồm có các trường hợp sau đây.
I. NHỮNG TRƯỜNG
HỢP ĐƯỢC QUY ĐỊNH CHO NỮ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC KHÔNG NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ DO BỆNH
TẬT
A. BỆNH VỀ TIM GỒM CÓ CÁC BỆNH
NHƯ SAU:
1. Bệnh thấp tim đang tiến triển,
hoặc tái phát.
2. Các bệnh van tim do thấp, co
suy tim; hẹp 2 lá, hở 2 lá, hẹp hở hai lá, hở động mạch chủ, bệnh 2 lá động mạch
chủ, hẹp động mạch chủ.
3. Một số trường hợp rối loạn nhịp
tim như:
Blốc nhĩ thất cấp 2, Blốc nhĩ thất
cấp 3, có những cơn Adams Stokes.
Các ngoại tâm thu thực tổn.
Các trường hợp rung nhĩ, cuồng
nhĩ.
Có những cơn nhịp nhanh trên thất
nhịp nhanh thất.
4. Tăng huyết áp giai đoạn II trở
lên.
5. Các trường hợp tai biến mạch
máu não do nguyên nhân tim mạch.
6. Suy tim bất cứ nguyên nhân nào.
7. Viêm màng ngoài tim, dày dính
màng ngoài tim.
8. Suy mạch vành, nhồi máu cơ
tim.
9. Các bệnh tim bẩm sinh, có suy
tim.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP SAU ĐÂY VỀ BỆNH
LAO:
1. Bao gồm các thể lao đang tiến
triển và bệnh nhân lao đang được điều trị nội, ngoại trú tại một cơ sở y tế.
C. CÁC BỆNH VỀ DA LIỄU NHƯ SAU:
1. Pemphigus (Bệnh da có bọng nước)
2. Durhing
3. Toxidermie (nhiễm độc da do
thuốc).
4. Hansen (phong, cùi, hủi).
5. Tokélau (vẩy rồng)
6. Giang mai chưa điều trị khỏi.
7. Lao da.
8. Psoriasis (vẩy nến đang thời
kỳ vượng bệnh).
D. CÁC LOẠI BỆNH KHÁC.
1. Các bệnh thuộc về vú:
- Ung thư vú.
- áp xe vú (phải chích áp xe mất
hẳn sữa).
- Đứt núm vú không còn đầu vú,
không có núm vú bẩm sinh.
2. Các trường hợp ung thư đang
điều trị nội, ngoại trú tại một cơ sở y tế.
3. Bệnh viêm gan do siêu vi
trùng, bệnh thương hàn, đang điều trị, sơ gan cổ chướng.
4. Suy nhược cơ thể nặng kéo dài
đã qua điều trị tại bệnh viện huyện trở lên mà không hồi phục.
5. Các trường hợp mổ lấy thai,
nhiễm trùng huyết, viêm phúc mạc.
6. Sau các trường hợp phẫu thuật
lớn khác (con chưa đủ 6 tháng tuổi).
7. Bệnh Basedow đang điều trị (bằng
kháng giáp hoặc iode phóng xạ).
8. Bệnh viêm thận, nhiễm mỡ.
9. Các cháu bị hở hàm ếch, sứt
môi, không thể bú mẹ được.
10. Các bệnh tâm thần và thần
kinh đang điều trị như:
a) Các bệnh tâm thần:
- Bệnh loạn thần như tâm thần
phân liệt, loạn thần hưng trầm cảm (P.M. D) loạn thần phản ứng, loạn thần triệu
chứng. Loạn thần sau chấn thương sọ não và các bệnh loạn thần khác mà đang điều
trị tích cực hoặc điều trị ngoại trú có số theo dõi bằng các thuốc hướng thần
như Aminazine, Melipramine, Halopecidol.
- Các bệnh động kinh cơn lớn,
cơn nhỏ, cục bộ, động kinh có rối loạn tâm thần đang dùng các thuốc kháng động
kinh như Phénobacbital, gacdenal, séduxen, sodanton... (vì thuốc ngấm vào sữa mẹ).
b. Các bệnh thuộc thần kinh.
- Nhiễm trùng thần kinh: viêm
não, viêm màng não, viêm não - màng não, viêm tuỷ, viêm nhiều rễ và dây thần
kinh, áp xe não, áp xe ống sống.
- Các khối u não, u tuỷ, u thần
kinh.
- Tai biến mạch máu não, sau để
chảy mãu não và chảy máu màng não, não đang trong thời kỳ hồi phục, u mạch tuỷ.
- Bệnh suy nhược cơ, loạn dưỡng
cơ tiến triển.
- Hội chứng tăng áp lực sọ não
quá cao đang trong giai đoạn tiến triển.
- Tổn thương liệt vận động sau
chấn thương sọ não.
- Rối loạn vận động do tổn
thương hệ ngoại tháp như Parkinson.
II. THỦ TỤC
CHỨNG NHẬN
Chứng nhận bệnh tật nữ cán bộ,
công nhân, viên chức không nuôi con bằng sữa mẹ, thực hiện đối với các cháu
chưa đủ 6 tháng tuổi theo Quyết định tại Điều 5.
1. Các trường hợp đã được quy định
là bệnh lý người mẹ không được nuôi con bằng sữa mẹ ở trên (trừ trường hợp cấp
cứu) phải qua y tế cơ sở giới thiệu đến chuyên khoa khám và có quá trình điều
trị nội, ngoại trú, có sổ sức khoẻ hoặc y bạ, đơn thuốc, giấy ra viện.
2. Chứng nhận bệnh lý: phụ trách
chuyên khoa chịu trách nhiệm chứng nhận và đề nghị cấp, thông qua chánh, phó
giám đốc phụ trách chuyên môn duyệt và đóng dấu của viện hoặc bệnh viện đa khoa
hoặc chuyên khoa tuyến tỉnh, thành phố thuộc các sở y tế tỉnh và thành phố, hoặc
viện và bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của trung ương.
a) Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh,
thành phố không có chuyên khoa sâu thì gửi lên tuyến trung ương khám và điều trị
nội, ngoại trú (đối với những tỉnh, thành có bệnh viện trung ương đóng tại địa
phương). Những tỉnh, thành phố có bệnh viện không đủ chuyên khoa sâu, chánh hoặc
phó giám đốc phụ trách chuyên môn chủ trì tổ chức hội chẩn để xác định bệnh, và
có ít nhất hai bác sĩ tham gia hội chẩn cùng ký.
b) Đối với các bệnh viện tuyến
huyện có khả năng làm được phẫu thuật cấp cứu do bệnh viện điều trị được chứng
nhận bệnh lý thông qua bệnh viện trưởng ký chứng nhận.
III. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Các đối tượng ghi ở Điều 5, Điều
6 của Quyết định số 7-HĐBT ngày 15-1-1983 của Hội đồng Bộ trưởng được mua sữa để
nuôi trẻ mới đẻ như quy định tại Thông tư số 21-TT-TCĐ ngày 12-3-1983 của Tổng
công đoàn và Thông tư số 3-NT ngày 3-3-1983 của Bộ Nội thương.
Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ban hành. Những trường hợp quy định trước đây khám mất sữa trái
với quy định này đều bãi bỏ.