BỘ CÔNG NGHIỆP
*******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số: 28/2006/QĐ-BCN
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 8 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KỸ THUẬT AN TOÀN VỀ GIAO NHẬN, VẬN CHUYỂN KHÍ DẦU MỎ HOÁ
LỎNG BẰNG BỒN CHỨA
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP
ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy
định danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành "Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn về giao nhận, vận chuyển khí dầu mỏ
hoá lỏng bằng bồn chứa".
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Giám đốc
các Sở Công nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hữu Hào
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ KỸ THUẬT AN TOÀN VỀ GIAO NHẬN, VẬN CHUYỂN KHÍ DẦU MỎ HOÁ LỎNG BẰNG BỒN CHỨA
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 28 /2006/QĐ-BCN ngày 16 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng
Bộ Công nghiệp)
Chương 1:
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Quy chế này quy định về kỹ thuật an toàn
trong các hoạt động giao nhận, vận chuyển khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) bằng bồn
chứa theo đường bộ hoặc đường sắt.
Quy chế này không áp dụng đối với trạm nạp
cho ô tô sử dụng LPG làm nhiên liệu - Autogas.
Điều 2. Đối tượng áp
dụng
Các tổ chức, cá nhân liên quan tới giao nhận,
vận chuyển LPG bằng bồn chứa theo đường bộ hoặc đường sắt.
Điều 3. Giải thích từ
ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được
hiểu như sau:
1. “LPG” là khí dầu mỏ hoá lỏng.
2. “Rò rỉ” là sự thoát khí hoá lỏng không chủ
định và không kiểm soát được của bồn chứa và các phụ kiện của bồn chứa.
3. “Xe bồn vận chuyển” là xe chuyên dùng được
thiết kế và lắp đặt bồn chứa, các phụ kiện để vận chuyển LPG bằng đường bộ.
4. “Toa xe bồn” là toa tàu hoả chuyên dùng
được thiết kế và lắp đặt bồn chứa, các phụ kiện để vận chuyển LPG bằng đường
sắt.
5. “Bên thuê vận chuyển (bên gửi hàng)” là tổ
chức, cá nhân đứng tên thuê vận chuyển LPG.
6. “Bên vận tải” là tổ chức, cá nhân nhận vận
chuyển LPG.
7. “Bên nhận hàng” là tổ chức, cá nhân đứng
tên nhận LPG.
Điều 4. Quy định về
các đối tượng liên quan đến vận chuyển, giao nhận LPG
1. Người điều khiển phương tiện, tham gia vận
chuyển, giao nhận LPG phải được đào tạo về chuyên môn, huấn luyện về an toàn,
kiểm tra và cấp thẻ an toàn lao động.
Người điều khiển phương tiện phải có đủ các
chứng chỉ về điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo quy định.
2. Nội dung huấn luyện đối với người tham gia
vận chuyển, giao nhận LPG phải tuân thủ theo quy định của Thông tư số 04/2004/TT-BCA
ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số
35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH
ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn công
tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động và quy định tại mục 1.5 của
TCVN 6485:1999, tập trung vào các vấn đề sau:
a) Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan
đến LPG;
b) Các dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy
hiểm của LPG;
c) Đặc tính nguy hiểm của LPG;
d) Các kiến thức cơ bản về xe bồn, toa xe
bồn: thiết kế cơ bản, chế tạo, vận hành xe và các thiết bị đi kèm;
đ) Các quy trình xuất và nhập LPG của xe bồn
hoặc toa xe bồn;
e) Các biện pháp cần thực hiện khi xảy ra sự
cố, tai nạn (cấp cứu, an toàn trên đường, các kiến thức cơ bản về sử dụng các dụng cụ bảo vệ).
Điều 5. Quy định về
tài liệu khi vận chuyển LPG
Khi vận chuyển LPG phải có các tài liệu sau
đây:
1. Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do Bộ
Công an cấp theo quy định tại Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm
2003 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm
bằng đường bộ.
2. Thẻ an toàn lao động của người điều khiển
phương tiện, người vận chuyển.
3. Giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận
kiểm định của hệ thống thiết bị chịu áp lực trên phương tiện vận chuyển.
4. Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị đo kiểm
và an toàn.
5. Tài liệu hướng dẫn các biện pháp cần thực
hiện khi xảy ra sự cố, tai nạn.
6. Tên, địa chỉ, số điện thoại của bên thuê
vận chuyển để liên hệ khi cần thiết.
7. Các giấy tờ cần thiết của người điều khiển
phương tiện vận tải theo quy định.
8. Giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận
đăng kiểm về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực cấp cho xe bồn, toa xe bồn.
Điều 6. Quy định về
bổ sung chất tạo mùi
Trước khi vận chuyển, LPG phải được bổ sung
chất tạo mùi để phát hiện chúng ngay khi nồng độ trong không khí bằng 20% giới
hạn cháy dưới.
Trường hợp LPG không có chất tạo
mùi, phải có ghi chú trên bồn chứa, xe bồn để dễ dàng nhận biết.
Điều 7. Trách nhiệm
của các bên
1. Trách nhiệm của bên thuê vận chuyển:
Ngoài việc thực hiện các quy định
pháp luật và các quy định tại Quy chế này, bên thuê vận chuyển LPG còn có các
trách nhiệm sau đây:
a) Giấy thuê vận chuyển ghi rõ tên hàng, mã
số, loại nhóm hàng, khối lượng tổng cộng, tên địa chỉ bên thuê vận chuyển, bên
nhận hàng;
b) Thông báo bằng văn bản cho bên vận chuyển
LPG về những yêu cầu cần phải thực hiện trong quá trình vận chuyển, hướng dẫn
xử lý sự cố. Chịu trách nhiệm về các tổn thất phát sinh do việc cung cấp chậm
trễ, thiếu chính xác hoặc không hợp lệ về các thông tin, tài liệu và chỉ dẫn.
2. Trách nhiệm của bên vận chuyển:
a) Bố trí phương tiện vận chuyển phù hợp với
tiêu chuẩn quy định để vận chuyển LPG theo quy định tại Quy chế này và các quy
phạm, tiêu chuẩn liên quan;
b) Kiểm tra lượng nạp LPG bảo đảm an toàn vận
chuyển theo quy định;
c) Chấp hành đầy đủ hướng dẫn của bên thuê
vận chuyển và những quy định ghi tại giấy phép vận chuyển LPG;
d) Chỉ tiến hành vận chuyển khi có đủ giấy
phép, biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm theo quy định;
đ) Có trách nhiệm huấn luyện, đào tạo, cấp
chứng chỉ và đảm bảo người điều khiển phương tiện hiểu biết, tuân thủ đúng các
quy định của pháp luật và kỹ thuật khi vận chuyển LPG;
e) Bên vận chuyển chỉ chấp nhận vận chuyển
khi có đầy đủ thủ tục, hồ sơ đảm bảo an toàn khi vận chuyển.
3. Tổ chức, cá nhân giao nhận và vận chuyển
LPG phải lập Quy trình xuất và nhập LPG, Quy trình xử lý sự cố, Quy trình an
toàn, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng liên quan, tổ chức cho các
đối tượng liên quan học, hiểu quy trình và kiểm tra đạt kết quả.
Điều 8. Yêu cầu đối
với xe bồn, toa xe bồn
1. Xe bồn được sử dụng để vận chuyển LPG, bao
gồm: xe, bồn chứa và các thiết bị phụ trợ trên xe phải được thiết kế, chế tạo,
sử dụng theo các yêu cầu tại TCVN 6484: 1999 - Khí đốt hoá lỏng (LPG) - xe bồn
vận chuyển - Yêu cầu an toàn về thiết kế, chế tạo và sử dụng.
2. Phía ngoài mỗi bồn chứa LPG tại 2 bên và
phía sau phải dán biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm như tại phụ lục B
của TCVN 6484:1999.
Tất cả các đấu nối bồn phải được ghi nhãn để
chỉ chức năng.
Trên ca bin xe và trên thành xe phải có số
điện thoại liên hệ khẩn cấp khi xảy ra sự cố. Độ cao chữ số không được nhỏ hơn
40 mm.
Chương 2:
YÊU CẦU
KỸ THUẬT AN TOÀN GIAO NHẬN LPG
Điều 9. Yêu cầu chung
giao nhận LPG của xe bồn, toa xe bồn
1. Cấm các phương tiện đi qua khu vực tồn
trữ, xuất và nhập LPG của xe bồn, toa xe bồn, trừ các phương tiện cần thiết cho
hoạt động của trạm.
2. Người không có trách nhiệm không được vào
khu vực giao nhận LPG.
3. Khi xe bồn và toa xe bồn vào trạm giao
nhận LPG, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định, nội quy an
toàn và hướng dẫn của trạm.
Trong khi giao nhận LPG, người điều khiển
không được rời khỏi phương tiện.
Ngay sau khi giao nhận xong, phải điều khiển
phương tiện ra khỏi khu vực trạm.
4. Các nguồn lửa phải được khống chế khi xuất
và nhập LPG, nối và tháo ống dẫn, cụ thể:
a) Tắt các động cơ ở trong vòng bán kính tối
thiểu 5 m quanh điểm xuất và nhập LPG, trừ động cơ chuyên dụng dẫn động bơm,
máy nén để xuất và nhập LPG;
b) Cấm: hút thuốc, ngọn lửa trần, hàn, cắt
kim loại, các dụng cụ điện cầm tay, điện thoại di động, máy nhắn tin và các
nguồn có thể bắt lửa LPG trong vòng bán kính 15 m.
5. Khi xuất LPG từ xe bồn cho các bồn chứa
trên công trường:
a) Phải tắt các thiết bị lưu chuyển không khí,
ví dụ như các quạt lớn, có đầu hút cách điểm xuất LPG trong vòng bán kính 15 m;
b) Phải tắt các máy, thiết bị có
ngọn lửa trần, nguồn nhiệt.
6. Khi đang đỗ để giao nhận LPG, phải đặt
biển cảnh báo “DỪNG LẠI”, “CẤM LỬA” tại đầu và đuôi xe bồn.
Toa xe bồn phải có các biện pháp rào chắn
tránh các toa, đầu máy khác va chạm.
7. Khi sử dụng ống mềm hoặc ống nối có dạng
khớp xoay để xuất và nhập LPG, phải sử dụng một van chặn khẩn cấp trước chỗ nối
với ống mềm hoặc ống nối có dạng khớp xoay.
8. Ống mềm dùng để xuất và nhập LPG có đường
kính trong lớn hơn 12 mm không được dùng để nối tới các bồn riêng lẻ được nạp
trong nhà.
9. Khi xuất LPG, phải kiểm tra xác nhận rằng
bồn nhận LPG và các phụ kiện của bồn đủ điều kiện an toàn quy định của bồn chịu
áp lực và phù hợp cho sử dụng với LPG.
Người thực hiện xuất LPG từ xe bồn hoặc toa
xe bồn phải kiểm tra chắc chắn khả năng chứa, lượng tồn, lượng nhận của bồn
nhận LPG.
10. Khi thực hiện giao nhận LPG, khu vực giao
nhận phải được chiếu sáng an toàn, đầy đủ.
11. Khi xuất và nhập LPG, đặc biệt cả khi
tháo, nối ống dẫn người vận hành phải sử dụng đầy đủ trang bị bảo hộ, tuân thủ
đúng quy trình và các hướng dẫn an toàn .
Điều 10. Kiểm tra xe
bồn, toa xe bồn trước khi sử dụng
Để đảm bảo xe bồn, toa xe bồn vận hành an
toàn, trước khi sử dụng phải kiểm tra:
1. Tình trạng xe bồn, toa xe bồn, đặc biệt là
hệ thống phanh, thiết bị điện, các lốp (đối với xe bồn).
2. Bồn được cố định chắc chắn, đúng cách vào
xe, toa xe. Cấm dùng các đai, xích để cố định bồn với xe, toa xe.
3. Bồn chứa LPG của xe, toa xe không có dấu
hiệu bất thường hoặc rò rỉ, bồn được gắn nhãn và biểu trưng hàng nguy hiểm phù
hợp.
4. Các bơm, đường ống, các chỗ nối ống, các
van, van xả áp suất, van kiểm tra và các thiết bị khác không bị rò rỉ, mòn hỏng
và lỏng các mối nối.
5. Ống mềm sử dụng để xuất và nhập LPG phải
là ống liền, không có mối nối ở giữa, không bị rò rỉ, mòn hỏng và đã được cuộn
xếp gọn gàng, chắc chắn.
6. Các trang bị an toàn như các bình dập lửa,
các biển báo, vật chèn lốp, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, ở tình trạng tốt
và sẵn sàng để sử dụng.
7. Trang bị thông tin liên lạc sử dụng tốt,
có các số điện thoại khẩn cấp.
8. Các giấy tờ, tài liệu chứng thực cho hành
trình phải đầy đủ.
9. Mọi hư hỏng phát hiện thấy
phải được khắc phục trước khi vận hành xe, toa xe bồn. Nghiêm cấm việc sử dụng
xe, toa xe bồn khi có các hư hỏng chưa được khắc phục triệt để.
10. Kết quả kiểm tra phải được ghi đầy đủ vào
nhật ký vận hành, có ký xác nhận của người kiểm tra.
Điều 11. Yêu cầu an
toàn khi xuất và nhập LPG cho xe bồn
1. Khi chờ giao nhận hàng, xe bồn phải đỗ tại
nơi an toàn có rào chắn phù hợp và phải cách nguồn lửa ít nhất 7m, đầu xe bồn
phải hướng về cửa thoát hiểm gần nhất. Xe bồn không được đỗ hoặc vận hành trong
nhà xây kín 3 mặt.
2. Khi giao nhận hàng tại trạm, xe bồn phải
đỗ ở vị trí quy định của trạm.
Khi xuất LPG, xe bồn phải đỗ cách bồn nhận
LPG ít nhất là 3 m, đối với các bồn nổi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu từ
xe bồn tới bồn chứa là:
a) 3 m đối với bồn chứa trên 16 m3 đến 25 m3;
b) 6 m đối với bồn chứa trên 25 m3 đến 125
m3;
c) 9 m đối với bồn chứa trên 125 m3.
Không được xuất LPG từ xe bồn khi xe đang đỗ
trên đường giao thông công cộng.
3. Vị trí đỗ xe bồn khi xuất và nhập LPG phải
thuận tiện để nối ống và thao tác các van, đầu xe quay về phía lối ra. Lối ra
của xe phải thông thoáng, không có vật ngăn cản trong suốt quá trình xuất và
nhập LPG.
4. Phanh xe (sử dụng phanh tay), nhả số và
tắt động cơ (trừ trường hợp động cơ phải dẫn động cho bơm lắp trên xe). Tắt
công tắc điện tổng. Khoá điện của xe để sẵn sàng trong ổ điện.
5. Các bánh xe phải được chèn chắc chắn.
6. Cáp nối chống tĩnh điện phải được nối
trước khi nối ống mềm, phải tháo sau khi đã tháo ống mềm và phải được nối chắc
chắn trong suốt thời gian xuất và nhập LPG.
7. Các đầu nối ống dùng để xuất và nhập LPG
phải được nối đúng cách, không bị vặn quá mức. Ống nối không bị vặn xoắn.
Khi bắt đầu và trong quá trình xuất và nhập
LPG phải lưu ý kiểm tra để phát hiện ngay nếu có dấu hiệu rò rỉ. Dừng ngay việc
xuất và nhập LPG nếu có rò rỉ để khắc phục.
8. Trong khi xuất và nhập LPG phải theo dõi
chặt chẽ đồng hồ chỉ mức của bồn được nạp LPG. Lượng LPG nạp vào bồn chứa phải
theo quy định của nhà chế tạo và không được vượt quá quy định tại phụ lục A của
TCVN 6484:1999.
9. Phải dừng xuất và nhập LPG ngay khi bồn
được nạp đạt mức nạp tối đa theo quy định.
Kiểm tra chắc chắn bồn không bị nạp quá mức
quy định, nếu bồn bị nạp quá, lượng LPG thừa phải được tháo ngay theo đúng quy
trình an toàn trước khi xe rời vị trí nạp.
10. Sau khi xuất và nhập LPG, đóng các van,
tháo ống nạp, cuộn, xếp ống mềm gọn gàng và bịt các đầu bảo vệ để tránh vật lạ
lọt vào đầu ống, tháo dây nối chống tĩnh điện, tháo vật chèn lốp xe, thu biển
cảnh báo, kiểm tra đảm bảo xe rời vị trí xuất và nhập LPG an toàn.
Điều 12. Yêu cầu an
toàn khi xuất và nhập LPG cho toa xe bồn
1. Khi giao nhận LPG cho các toa xe bồn:
a) Đoàn tàu có toa xe bồn đã được cố định
bằng phanh;
b) Các toa xe bồn phải được bố trí để các hộp
van của bồn chứa ở về cùng một phía của đoàn tàu.
2. Trong quá trình giao nhận LPG phải đảm bảo
không được có ngọn lửa trần hoặc nguồn gây cháy ở trong phạm vi bán kính 15 m
từ điểm giao nhận.
3. Áp dụng các quy định về an toàn tại các khoản
6, 7, 8, 9, 10 của Điều 11 thuộc Quy chế này.
Điều 13. Xả khẩn cấp
LPG từ xe bồn, toa xe bồn bị sự cố sang bồn chứa khác
1. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể chuyển
LPG từ xe bồn, toa xe bồn bị sự cố sang xe bồn khác hoặc sang bồn cố định, nếu
có thể thực hiện được an toàn.
2. Quy trình xả khẩn cấp từ xe bồn sang xe
bồn khác hoặc bồn cố định khác phải được biên soạn cụ thể trong quy trình của
đơn vị vận tải, có quy định cụ thể cho các trường hợp như khi xe bị đổ lật
ngược, đổ sang phải hoặc sang trái.
3. Ngoài các quy định chung khi
xuất và nhập LPG với bồn nhận được coi là bồn cố định, phải lưu ý:
a) Nếu có thể, cố gắng di chuyển tới nơi bằng
phẳng, có điều kiện thông gió tốt, cách xa nguồn lửa, các chất dễ cháy và khu
vực có người ở tối thiểu là 15 m;
b) Hai xe bồn phải đỗ hướng về lối thoát thuận
tiện, theo các hướng rời xa nhau;
c) Không thực hiện xả khẩn cấp LPG khi không
an toàn và không đủ ánh sáng.
Chương 3:
YÊU CẦU
KỸ THUẬT AN TOÀN VẬN CHUYỂN BỒN CHỨA LPG BẰNG ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG SẮT
Điều 14. Quy định an
toàn vận chuyển xe bồn chứa LPG bằng đường bộ
1. Người điều khiển xe bồn phải chấp hành đầy
đủ các quy định của ngành giao thông đường bộ về vận chuyển hàng nguy hiểm và
tuân thủ nghiêm ngặt lộ trình được quy định của xe bồn.
Lộ trình của xe bồn được tính toán để ngắn và
đảm bảo an toàn nhất, có quy định rõ tuyến đường, thời gian vận chuyển, các điểm
cho phép dừng đỗ.
2. Cấm hút thuốc hoặc mang các loại nguồn gây
cháy nổ, chất cháy tới gần xe trong vòng bán kính 15 m.
3. Người điều khiển xe bồn phải tuân theo sự
hướng dẫn của đơn vị trực tiếp quản lý hoặc đơn vị thi công khi qua các công
trình cầu, hầm hoặc các công trình khác đang được thi công trên đường giao
thông có nhiệt độ cao, lửa hàn, tia lửa điện.
4. Không được đỗ xe bồn đang chở hàng qua
đêm, đỗ ở nơi công cộng, ở lề đường trong khoảng thời gian trên 2 giờ, trừ
trường hợp xe bồn bị hư hỏng hoặc chờ vào điểm giao hàng.
Nếu việc đỗ dọc đường là không thể tránh
khỏi, phải đảm bảo:
a) Không đỗ xe dưới đường dây điện lực;
b) Đỗ cách xa khu vực dân cư tối thiểu 15 m;
c) Tránh xa các ngọn lửa trần;
d) Tránh xa nơi có các chất dễ cháy, nổ;
đ) Có người giám sát. Người giám
sát phải ở trong vòng bán kính tối đa là 50m, không bị vật cản che tầm nhìn tới
xe và sẵn sàng đến ngay xe.
Điều 15. Quy định an
toàn vận chuyển toa xe chở bồn chứa LPG bằng đường sắt
Các đoàn tàu có toa xe chở bồn chứa LPG phải
tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của ngành giao thông đường sắt trong vận tải
hàng nguy hiểm, ngoài ra phải áp dụng các quy định an toàn sau:
1. Dồn toa xe bồn
trong ga:
a) Không được điều
khiển các toa xe từ vị trí cố định hoặc chuyển ghi dồn toa. Các toa xe này phải
được lưu tâm điều khiển một cách thận trọng, với tốc độ chậm và tránh mọi va
chạm với các toa xe khác;
b) Không cho phép các
toa xe bồn đã được nạp LPG va chạm bởi các toa tầu, đầu máy xe lửa khác.
2. Vận chuyển trên
đường:
a) Các toa xe chở các
bồn rỗng hoặc chứa LPG phải vận chuyển với các van, vòi và các cửa đã được
đóng, các hộp van đã khoá;
b) Các toa xe chở các
bồn đã nạp không được sắp xếp ở đầu hoặc cuối đoàn tàu. Các toa này phải được
bố trí cách đầu kéo tàu ít nhất một toa đệm;
c) Các bồn chứa LPG
vận chuyển bằng đường sắt phải được trang bị các phương tiện phòng cháy chữa
cháy theo quy định;
d) Lịch trình chạy
tàu có bồn chứa LPG phải được bố trí chạy suốt, hạn chế dừng giữa các ga hoặc
dừng ở các ga trung gian. Tổ lái tàu bắt buộc phải thực hiện nghiêm ngặt lịch
trình chạy tàu;
đ) Tàu vận chuyển bồn
chứa LPG phải được giám sát chặt chẽ của bộ phận điều vận đường sắt trong suốt
quá trình vận chuyển cũng như khi dừng tại ga;
e) Trang bị thiết bị
thông tin liên lạc của đoàn tàu vận chuyển bồn chứa LPG phải luôn hoạt động
tốt, đảm bảo thông tin thông suốt trong cả hành trình.
Điều 16.
Quy định xử lý sự cố trong khi đang vận chuyển
1. Khi xe bồn, toa xe
bồn chứa LPG bị sự cố, không đảm bảo an toàn (sự cố giao thông, sự cố do thiên
tai, hư hỏng và các sự cố khác), người điều khiển phương tiện và những người
tham gia vận chuyển phải thực hiện ngay các biện pháp theo quy trình xử lý sự
cố của đơn vị.
2. Khi sự cố xảy ra
cố gắng di chuyển xe bồn, toa xe bồn tới nơi thích hợp (bằng phẳng, thoáng gió,
xa khu vực dân cư, công trường xây dựng, đường giao thông công cộng) để xả khẩn
cấp, hoặc để cố định xe nếu không thể xả an toàn.
Cấm người và các
nguồn gây cháy nổ quanh khu vực sự cố và vùng hơi LPG có thể lan tới.
Toa xe chở bồn chứa
LPG bị sự cố phải được tách rời các toa xe khác và di chuyển ra xa (nếu có
thể).
3. Cần đánh giá nhanh
bản chất sự cố để có biện pháp xử lý phù hợp:
a) Khi có
rò rỉ LPG, trước tiên phải ngăn chặn dòng LPG rò rỉ (nếu có thể), có biện pháp
tránh tích tụ và làm giảm mật độ đám hơi LPG (ví dụ bằng cách phun nước);
b) Trường hợp sự cố
rò rỉ lớn không ngăn chặn được và gây cháy, nếu quá trình cháy ổn định, để cháy
hết lượng LPG chứa trong bồn nếu đó là điều an toàn nhất có thể làm, khi đó cần
phun nước để bảo vệ các bộ phận tránh nhiệt độ tăng cao gây nổ;
c) Trường hợp sự cố
rò rỉ lớn, nguy cơ gây nổ cao cần quyết định rút ngay toàn bộ người (kể cả lực
lượng ứng cứu) khỏi hiện trường.
4. Trường hợp có thể
gây nguy hiểm nghiêm trọng (nguy cơ nổ, cháy), phải thông báo ngay cho các đơn
vị có trách nhiệm để được trợ giúp khẩn cấp:
a) Đơn vị phòng cháy
chữa cháy và đồn công an gần nhất;
b) Uỷ ban nhân dân
địa phương gần nhất;
c) Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông
khu vực;
d) Đơn vị vận tải.
Ngoài ra, trường hợp toa xe bồn bị sự cố,
người phụ trách tàu phải thông báo ngay cho các ga trước và sau trên tuyến
đường để người có thẩm quyền có biện pháp can thiệp.
Điều 17. Quy định về
báo cáo khi có sự cố trong vận chuyển bồn chứa LPG
Khi xe bồn, toa xe bồn bị sự cố, hư hỏng hoặc
rò rỉ LPG nghiêm trọng, bên vận tải phải:
1. Lập báo cáo, cung cấp những thông tin liên
quan đến sự cố gửi Thanh tra lao động địa phương nơi xảy ra sự cố và đơn vị
quản lý cấp trên (trong bất cứ trường hợp nào, không được chậm hơn ngày làm
việc hôm sau ngày xảy ra sự cố).
2. Trong vòng 15 ngày sau khi xảy ra sự cố,
phải gửi Thanh tra lao động địa phương nơi xảy ra sự cố và đơn vị quản lý cấp
trên bản báo cáo chi tiết về:
a) Nguyên nhân gây ra sự cố;
b) Các hành động đã áp dụng để giải quyết sự
cố, cũng như để tránh sự cố tương tự xảy ra.
3. Tiến hành kiểm định kỹ thuật an toàn xe,
toa xe, bồn và các thiết bị đo kiểm, bảo vệ.
Bên vận tải chỉ được cho xe bồn, toa xe bồn
bị sự cố vận hành trở lại khi đã kiểm định kỹ thuật an toàn xe, toa xe, bồn đạt
yêu cầu và được cơ quan cấp phép vận chuyển cho phép.
Chương 4:
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 18. Trách nhiệm
hướng dẫn và thi hành
1. Theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được
quy định, cơ quan kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ và đường sắt thực hiện
kiểm định và chứng nhận phương tiện cơ giới đủ điều kiện vận chuyển LPG.
2. Giấy phép được vận chuyển LPG do cơ quan
nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định tại Nghị định số 13/2003/NĐ-CP ngày 19
tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển
hàng nguy hiểm.
3. Bộ Công nghiệp giao Cục Kỹ thuật an toàn
công nghiệp chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra định
kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định tại Quy chế này và các quy định khác
có liên quan.
4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương hướng dẫn, thường xuyên
kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến vận chuyển, giao nhận LPG theo
những quy định tại Quy chế này và các quy định khác có liên quan.
Điều 19. Điều khoản
khác
Trong quá trình thực hiện, nếu vướng mắc hoặc
phát sinh những điểm chưa phù hợp, đề nghị các cơ quan, tổ chức, phản ánh về Bộ
Công nghiệp để kịp thời xem xét, bổ sung hoặc sửa đổi./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hữu Hào
|
PHỤ LỤC
BIỂU
TRƯNG NGUY HIỂM VÀ BÁO HIỆU NGUY HIỂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28 /2006/QĐ-BCN ngày 16 tháng 8 năm 2006
của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
BIỂU TRƯNG NGUY HIỂM
Kích thước biểu trưng:
Đối với xe bồn: 250 mm x 250 mm
Đối với toa xe bồn: 500 mm x 500 mm
BÁO HIỆU NGUY HIỂM
Kích thước báo hiệu nguy hiểm: 300 mm x 200
mm đối với xe bồn
Kích thước báo hiệu nguy hiểm: 500 mm x 300
mm đối với toa xe bồn