BỘ
NỘI VỤ-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
06/TTLN
|
Hà
Nội , ngày 12 tháng 9 năm 1990
|
THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH
CỦA BỘ NỘI VỤ, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, TOÀ ÁN NHÂN
DÂN TỐI CAO SỐ 06-TTLN NGÀY 12 THÁNG 9 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN VIỆC GIẢI QUYẾT ÁN TRỌNG
ĐIỂM
Trong những năm qua, thực hiện
Thông tư liên ngành số 04 ngày 24-10-1985 của Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát nhân dân
tối cao, Toà án nhân dân tối cao, ba ngành Công an, Kiểm sát, Toà án các cấp đã
phối hợp tập trung giải quyết nhiều vụ án trọng điểm có tác dụng nâng cao hiệu
quả công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm, tăng cường pháp chế xã hội chủ
nghĩa trong các hoạt động quản lý kinh tế, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự
an toàn xã hội, phục vụ tốt yêu cầu chính trị chung và nhiệm vụ trọng tậm ở địa
phương. Tuy nhiên, do nhận thức về các vụ án trọng điểm ở một số nơi có biểu hiện
chưa thống nhất, nên việc phối hợp giữa ba ngành ở địa phương còn bị buông lỏng,
kém phát huy hiệu quả trong việc giải quyết các vụ án hình sự.
Để tăng cường phối hợp, trên cơ
sở chức năng của từng ngành trong việc chỉ đạo nâng cao chất lượng việc điều
tra, truy tố, xét xử các tội phạm phục vụ yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong
tình hình mới, đảm bảo tuân thủ các quy định của Bộ luật hình sự và Bộ Luật tố
tụng hình sự, Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối
cao thấy cần thiết phải có Thông tư mới của liên ngành thay thế Thông tư liên
ngành số 04 ngày 24-10-1985 nhằm thống nhất quy định những căn cứ, yêu cầu phải
đạt và những biện pháp phối hợp giữa ba ngành trong việc giải quyết các vụ án
trọng điểm như sau:
I- TIÊU CHUẨN
XÁC ĐỊNH CÁC VỤ ÁN TRỌNG ĐIỂM
Các vụ án trọng điểm là các vụ
án mà việc giải quyết các vụ án đó được xác định là quan trọng, có điều kiện
làm nhanh và lãnh đạo ba ngành có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo, ưu tiên sử dụng
lực lượng để điều tra, truy tố xét xử trong thời gian ngắn nhất bảo đảm xử lý
nghiêm minh, kịp thời, chính xác nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và
cả nước. Vì vậy khi xác định các vụ án trọng điểm phải dựa vào các căn cứ sau:
1. Các vụ án trọng điểm là các vụ
án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, kinh tế và gây trật tự an toàn xã hội
để cản trở việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước hoặc gây ảnh hưởng
chính trị xấu trong quần chúng nhân dân, dư luận xã hội đòi hỏi phải đưa ra xét
xử kịp thời, nghiêm minh nhằm đáp ứng yêu cầu chính trị, ngăn chặn xu hướng
phát triển, góp phần giải quyết một tình trạng tiêu cực nhất định trong xã hội,
giữ vững kỷ cương của xã hội. Vụ án trọng điểm không nhất thiết phải là vụ án về
tội phạm nghiêm trọng, nhưng nhất thiết phải là vụ án mà việc giải quyết nó có
tầm quan trọng nhất định.
Khi xác định các vụ án trọng điểm
phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị chung của cả nước được nêu trong các Nghị
quyết của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong thời điểm
phát hiện tội phạm. Trước mắt, phải căn cứ vào Chỉ thị số 60/TW của Bộ Tài
chính về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình hiện nay, căn cứ vào
Nghị quyết kỳ họp thứ 5 và 7 của Quốc hội khoá 8, Chỉ thị số 135-HĐBT ngày
14-5-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường công tác bảo vệ an ninh
chính trị và trật tự an toàn xã hội, Quyết định số 240-HĐBT ngày 26-6-1990 về đấu
tranh chống tham nhũng.
2. Việc giải quyết các vụ án trọng
điểm đòi hỏi phải nhanh chóng kịp thời, chính xác. Do đó, không đưa vào diện
các vụ án trọng điểm các vụ án đang có những ý kiến khác nhau, có nhiều vướng mắc,
cần được giải quyết theo thủ tục bình thường.
Căn cứ vào khả năng thực tế
trong việc giải quyết các vụ án hình sự của ba ngành để xác định số lượng các vụ
án trọng điểm cho phù hợp, tránh khuynh hướng chọn quá nhiều vụ án trọng điểm,
không đảm bảo được việc giải quyết các vụ án một cách khẩn trương, thận trọng
và chính xác; đồng thời cũng tránh khuynh hướng cầu toàn để không chọn hoặc chọn
ít các vụ án trọng điểm để giải quyết.
Việc chọn các vụ án trọng điểm
do ba ngành Trung ương chỉ đạo cũng phải đảm bảo theo đúng các tiêu chuẩn trên.
Vụ án trọng điểm do ba ngành Trung ương đã chọn phải được coi là vụ án trọng điểm
của địa phương. Việc chấp hành chế độ báo cáo của địa phương lên cấp trên phải
được chấp hành nghiêm túc, kịp thời.
Ba ngành ở các tỉnh, thành phố
và đặc khu trực thuộc Trung ương cũng như ở các quận, huyện, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh cần dựa vào các tiêu chuẩn đã nêu trên để xác định các vụ án trọng
điểm của cấp mình.
Về loại tội, thì trong thời điểm
hiện tại cần lưu ý chọn các vụ án trọng điểm ở các loại tội sau:
- Tội phản bội Tổ quốc, tội hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội bạo loạn, tội gián điệp, tội tuyên
truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa, tội phá rối an ninh, tội tổ chức, cưỡng
ép người khác trốn đi nước ngoài, tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng
về an ninh quốc gia, tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ
qua biên giới.
- Tội tham ô tài sản xã hội chủ
nghĩa, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả
nghiêm trọng, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành
công vụ, tội cố ý huỷ hoại tài sản xã hội chủ nghĩa, tội nhận hối lộ, tội đưa hối
lộ, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm
đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.
- Tội giết người, tội cướp tài sản
của công dân, tội chống người thi hành công vụ, tội gây rối trật tự công cộng,
các tội xâm phạm những quyền tự do dân chủ của công dân gây hậu quả nghiêm trọng.
II- YÊU CẦU
PHẢI ĐẠT TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN TRỌNG ĐIỂM
1. Khi vụ án được xác định là vụ
án trọng điểm thì phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử khẩn trương giải quyết
nhanh gọn bảo đảm chính xác, đánh trúng bọn tội phạm nguy hiểm, có tác dụng
giáo dục; thúc đẩy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ tài sản
xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự an toàn xã hội phục vụ kịp thời nhiệm vụ
chính trị chung và công tác trọng tâm của địa phương.
2. Việc giải quyết các vụ án trọng
điểm phải đạt được yêu cầu phòng ngừa cao. Cần phải làm rõ những sơ hở, thiếu
sót trong khâu quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội đã dẫn tới phát sinh tội phạm
như: Trách nhiệm của các ngành chủ quản trong quản lý kinh tế tài chính, giá cả,
quản lý thị trường... trong các khâu quản lý có liên quan đến trật tự xã hội,
quản lý vũ khí, quản lý giáo dục đối tượng hình sự... nhất là trách nhiệm của
chính quyền cơ sở. Cần phải vạch trần những âm mưu thủ đoạn của kẻ địch, nâng
cao ý thức cảnh giác cách mạng của cán bộ và nhân dân.
Trên cơ sở đó mà tuyên truyền,
giáo dục quần chúng nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ pháp luật, tích cực
tham gia đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, đẩy mạnh phong trào bảo vệ an
ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đề xuất phương hướng, biện pháp
khắc phục và kiến nghị với các ngành, các cơ quan, các tổ chức xã hội có trách
nhiệm để kịp thời sửa chữa những thiếu sót, sai lầm, vi phạm chính sách pháp luật.
III- VỀ QUAN
HỆ PHỐI HỢP GIỮA BA NGÀNH
Để đảm bảo các yêu cầu trên, ba
ngành phải có quan hệ phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu cho đến khi vụ án được xét
xử xong, cũng như trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Việc phối hợp
phải trên cơ sở phát huy chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành đã được Bộ luật tố tụng
hình sự quy định.
1. Trên cơ sở quản lý các vụ án
đã được khởi tố, cơ quan Công an hoặc Viện Kiểm sát khi phát hành được vụ án trọng
điểm cần phải thông tin kịp thời, trao đổi với nhau để thống nhất chọn vụ án trọng
điểm. Riêng đối với các vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, cơ quan
Công an có trách nhiệm chọn và đề xuất, lãnh đạo ba ngành trực tiếp trao đổi thống
nhất xác định, lên danh sách các vụ án trọng điểm, hàng tháng lãnh đạo ba ngành
họp kiểm điểm tiến độ giải quyết và bổ sung danh sách bằng những vụ án trọng điểm
mới.
2. Khi một vụ án được xác định
là vụ án trọng điểm, ba ngành Công an, Kiểm sát, Toà án phải có kế hoạch phối hợp
công tác với nhau ngay từ khâu điều tra để xác định phương hướng, kế hoạch điều
tra, chú ý phân công điều tra viên, kiểm sát viên thực hiện kiểm sát điều tra
có kinh nghiệm và năng lực công tác, có ý thức trách nhiệm, định thời gian hoàn
thành hồ sơ, trong quá trình giải quyết vụ án không thay đổi điều tra viên, kiểm
sát viên kiểm sát điều tra trừ khi có lý do đặc biệt.
3. Viện Kiểm sát nhân dân phải
tiến hành kiểm sát điều tra thường xuyên chặt chẽ, và tham gia ý kiến kịp thời
với cơ quan điều tra để nắm vững diễn biến của điều tra, nêu những yêu cầu điều
tra, thu thập chứng cứ để cơ quan điều tra tiến hành đúng hướng và nhanh chóng.
Tuỳ tính chất vụ án mà Viện Kiểm sát cần tham gia kiểm sát kịp thời trong những
hoạt động tố tụng có tính chất quan trọng như: Khám nghiệm hiện trường, khám
xét thu thập tang vật chứng, yêu cầu trưng cầu giám định tư pháp, sơ kết theo từng
giai đoạn điều tra, vạch kế hoạch thực hiện tiếp hướng điều tra đã được xác định.
4. Khi vụ án đã được sơ bộ kết
thúc điều tra thì Toà án nhân dân phải cử thẩm phán theo dõi để nắm vững nội
dung vụ án, khi cần thiết thì nêu ngay yêu cầu để Viện Kiểm sát nhân dân giải
quyết, điều tra bổ sung nhằm phục vụ công tác xét xử được thuận lợi.
Khi hồ sơ đã hoàn thành, Viện Kiểm
sát phải khẩn trương xây dựng cáo trạng và chuyển hồ sơ cho Toà án nhân dân để
chuẩn bị kịp thời cho công tác xét xử theo đúng thời hạn đã được Bộ luật tố tụng
hình sự quy định. Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân cử kiểm sát viên và
thẩm phán có năng lực, có kinh nghiệm xét xử tại phiên toà, tạo điều kiện để những
cán bộ này nắm vững nội dung, tính chất, đặc điểm yêu cầu của vụ án. Đối với những
vụ án đặc biệt quan trọng, Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng phải trực tiếp giữ
quyền công tố tại phiên toà, Chánh án hoặc Phó Chánh án phải trực tiếp làm chủ
toạ phiên toà.
5. Khi chuẩn bị đưa vụ án ra xét
xử, để thực hiện tốt hơn những công việc thuộc chức năng của mỗi ngành, Viện Kiểm
sát và Toà án cần tổ chức cuộc họp trao đổi theo đúng tinh thần của Thông tư
liên ngành số 01-TTLN ngày 8-12-1988 giữa Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm
sát nhân dân tối cao. Tuỳ trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan điều
tra tham dự. Toà án phải có kế hoạch tổ chức tốt phiên toà, công tác tuyên truyền,
giáo dục pháp luật trong và sau khi xét xử.
6. Khi có những trường hợp xét xử
các vụ án trọng điểm chưa được thoả đáng ba ngành cần báo cáo lên cấp trên theo
ngành dọc của mình và cần hội ý thống nhất để kịp thời kháng nghị nhằm xét xử lại
cho nghiêm minh, chính xác, đảm bảo yêu cầu chính trị. Sau khi bản án đã có hiệu
lực, việc thi hành án cần phải được tiến hành một cách khẩn trương, kiên quyết
kể cả hình phạt chính lẫn bổ sung.
7. Về công tác phòng ngừa: Trong
quá trình điều tra thu thập chứng cứ, chú ý làm rõ nguyên nhân và điều kiện
phát sinh tội phạm. Ba ngành cần trao đổi thống nhất rút ra những sơ hở thiếu
sót trong công tác quản lý, Viện Kiểm sát có trách nhiệm tập hợp làm kiến nghị
yêu cầu các cơ quan chủ quản củng cố các mặt quản lý để khắc phục vi phạm.
Sau khi vụ án được xét xử, Toà
án nhân dân có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan (như Tư pháp, các
cơ quan ngôn luận...) tuyên truyền phát huy kết quả của việc xét xử nhằm phục vụ
tốt công tác phòng ngừa chung.
IV- CHẾ ĐỘ QUẢN
LÝ VÀ CHỈ ĐẠO
1. Lãnh đạo ba ngành trực tiếp
trao đổi thống nhất lên danh sách các vụ án trọng điểm. Lãnh đạo từng ngành trực
tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ giải quyết. Viện Kiểm sát có trách nhiệm theo
dõi chung và chủ động triệu tập các cuộc họp ba ngành kiểm điểm việc giải quyết
các vụ án trọng điểm.
2. Các ngành Công an, Kiểm sát,
Toà án ở cấp dưới sau khi giải quyết các vụ án trọng điểm phải kịp thời báo cáo
lên cấp trên của ngành mình về họ và tên bị can, bị cáo, tội danh và tính chất
của tội phạm; hàng tháng báo cáo tiến độ giải quyết các vụ án trọng điểm.
3. Ba ngành cấp trên quản lý chặt
chẽ việc giải quyết các vụ án trọng điểm của cấp dưới và kịp thời chỉ đạo ngành
mình về nghiệp vụ, khi cần thiết thì cử cán bộ về hỗ trợ cho địa phương, giúp
cho địa phương khẩn trương giải quyết các vụ án trọng điểm đảm bảo thời gian, đảm
bảo chính xác, đúng chính sách và pháp luật. Từng thời gian (hàng tháng đối với
cấp tỉnh và hàng quý đối với cấp Trung ương) ba ngành đối chiếu, thống nhất
danh sách các vụ án trọng điểm của cấp dưới và chọn ra những vụ án có vấn đề vướng
mắc về nghiệp vụ hoặc có tính chất phục vụ nhiệm vụ chung của toàn tỉnh, thành
phố hoặc đặc khu trực thuộc Trung ương hoặc toàn quốc để có sự thống nhất hướng
dẫn chỉ đạo của ba ngành cấp trên.
Thông tư này thay thế Thông tư số
04 ngày 24-10-1985 và thi hành kể từ ngày ký. Mỗi ngành ở Trung ương có trách
nhiệm sao gửi Thông tư này cho cấp dưới và có kế hoạch hướng dẫn cho ngành mình
thực hiện đúng những quy định của Thông tư này.
Lê
Thanh Đạo
(Đã
ký)
|
Phạm
Tâm Long
(Đã
ký)
|
Phạm
Hưng
(Đã
ký)
|