BỘ TÀI CHÍNH-UỶ
BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 1308/TC-KHKT
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 11 năm 1990
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC-BỘ TÀI CHÍNH SỐ 1308/TC-KHKT
NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU HỒI KINH PHÍ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Để khuyến khích các đơn vị thực
hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) sử dụng có hiệu quả kinh phí cấp
cho họat động KHCN, huy động lại một phần kinh phí thu hồi được để bổ xung nguồn
vốn đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, triển khai và ứng dụng tiến bộ kỹ
thuật; Liên bộ Uỷ ban Khoa học Nhà nước - Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu hồi
một phần kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho các hoạt động KHCN như sau:
I. NGUYÊN TẮC
CHUNG
1. Các cơ quan thực hiện các nhiệm
vụ KHCN có trách nhiệm thu hồi một phần kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp cho
các hoạt động KHCN khi bán các sản phẩm nghiên cứu, chế thử, các phế liệu phế
phẩm và vật tư thiết bị không cần dùng trong quá trình thực hiện hoặc khi kết
thúc toàn bộ công trình nghiên cứu chế thử.
2. Kinh phí thu hồi để lại một
phần cho cơ quan thực hiện các nhiệm vụ KHCN, số còn lại phải nộp cho Uỷ ban
Khoa học Nhà nước để lập quỹ hỗ trợ phát triển KHCN của Nhà nước.
II. NỘI DUNG
CÁC KHOẢN THU HỒI
Các khoản thu hồi từ nguồn kinh
phí hoạt động KHCN do ngân sách Nhà nước cấp phát bao gồm:
1. Các sản phẩm do các đề tài
nghiên cứu, chế thử KHCN tạo ra được tiêu thụ trên thị trường.
2. Tiền thu và bán phế liệu, phế
phẩm trong quá trình thực hiện các đề tài nói trên.
3. Tiêu thụ và bán vật tư còn thừa
sau khi thực hiện các đề tài nói trên.
4. Tài sản cố định, công cụ lao
động chuyên dùng được mua sắm bằng vốn ngân sách cấp cho cơ quan để thực hiện
các đề tài nói trên, sau khi kết thúc công trình nếu đơn vị không cần dùng thì
được nhượng bán nộp vào ngân sách Nhà nước.
Trường hợp đơn vị cần dùng số
tài sản này thì được bổ sung vốn cố định của đơn vị và quản lý theo chế độ hiện
hành.
Giá cả để tính giá trị sản phẩm
và giá trị thu hồi là giá thị trường tại thời điểm ký hợp đồng và được điều chỉnh
theo giá bán thực tế khi thanh lý và quyết toán hợp đồng.
III. PHÂN PHỐI
VÀ SỬ DỤNG TIỀN THU HỒI
Số tiền thu hồi trong hoạt động
KHCN nói trên được phân phối và sử dụng như sau:
1. Đối với đề tài nghiên cứu
KHCN thực hiện theo hợp đồng ký giữa cơ quan thực hiện với Uỷ ban Khoa học Nhà
nước.
a) Số tiền thu hồi nói ở điểm 1
và 2 phần II Thông tư này, cơ quan thực hiện phải nộp lại cho Uỷ ban Khoa học
Nhà nước 70% giá trị sản phẩm tạo ra và phế liệu, phế phẩm đã thu hồi, và ít nhất
tương ứng với 30% kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp cho hợp đồng. Số còn lại
cơ quan thực hiện được sử dụng để trích lập các quỹ theo quy định hiện hành.
b) Số tiền thu hồi nói ở điểm 1
và 2 phần II Thông tư này, cơ quan thực hiện phải nộp l00% giá trị vật tư còn
thừa và giá trị còn lại của tài sản cố định cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước để lập
quỹ hỗ trợ phát triển KHCN.
2. Đối với công trình nghiên cứu,
thử nghiệm của các Bộ, Tổng cục, các khoản thu hồi được phân phối theo quy định
tại điểm 2 mục B phần V Thông tư số 03/TC-KHKT ngày 28/1/1984 của Liên Bộ Tài
chính - Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, cụ thể:
- 20% nộp ngân sách Nhà nước
- 30% nộp quỹ phát triển KHKT tập
trung của Bộ
- 50% cho 3 quỹ theo tỷ lệ sau:
+ 40% cho quỹ phát triển KHKT của
cơ sở
+ 40% cho quỹ khen thưởng
+ 20% cho quỹ phúc lợi
3. Từ năm 1990 trở đi, ngân sách
Nhà nước sẽ dành một khoản kinh phí trong tổng mức đầu tư cho KHCN để hỗ trợ một
phần các nhiệm vụ sản xuất thử, thử nghiệm được thực hiện theo phương thức ký hợp
đồng trực tiếp giữa Uỷ ban Khoa học Nhà nước với cơ quan chủ trì thực hiện dự
án sản xuất thử, thử nghiệm. Số kinh phí hỗ trợ sản xuất thử và thử nghiệm nói
trên được Uỷ ban Khoa học Nhà nước thu hồi từ 80 đến 100% để lập quỹ hỗ trợ
phát triển KHCN của Nhà nước. Tỷ lệ thu hồi được xác định trong từng hợp đồng
KHCN. Việc miễn hoặc giảm tỷ lệ thu hồi kinh phí hỗ trợ chỉ xem xét trong trường
hợp gặp thiên tai hoặc rủi ro bất ngờ trong quá trình thực hiện dự án sản xuất
thử, thử nghiệm và được duyệt cụ thể khi nghiệm thu hợp đồng KHCN.
4. Các cơ quan quản lý và thực
hiện các nhiệm vụ KHCN phải mở sổ sách theo rõi chi tiết các khoản thu hồi nói
trên, cơ quan thực hiện phải nộp các khoản thu hồi cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước
theo tỷ lệ quy định nói trên và theo đúng các điều khoản ghi trong hợp đồng
KHCN đã ký kết.
IV. QUẢN LÝ
QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KHCN
1. Uỷ ban Khoa học Nhà nước được
dùng nguồn thu nói ở điểm 1 và 3 mục III Thông tư này để lập quỹ hỗ trợ phát
triển KHCN của Nhà nước.
Uỷ ban Khoa học Nhà nước phải mở
tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước để theo dõi, quản lý quỹ hỗ trợ phát triển
KHCN.
Số thu và chi của quỹ hỗ trợ
phát triển KHCN được ghi thu, ghi chi vào ngân sách Nhà nước theo chương, loại,
khoản, hạng của mục lục ngân sách Nhà nước như sau:
Ghi thu ngân sách vào chương 11,
loại 10, khoản 01 mục 14.
Ghi chi ngân sách vào chương 11,
loại 10, khoản 01 mục 75.
Quỹ này không trừ vào tổng mức
ngân sách Nhà nước đầu tư cho hoạt động KHCN hàng năm được Quốc hội và Hội đồng
Bộ trưởng phê duyệt.
2. Uỷ ban Khoa học Nhà nước có
trách nhiệm sử dụng có hiệu quả quỹ phát triển KHCN theo những nguyên tắc chung
sau đây:
a) Chi cho những nhiệm vụ KHCN đột
xuất chưa ghi trong kế hoạch đầu năm.
b) Tạm ứng để đảm bảo tiến độ thực
hiện công trình nghiên cứu KHCN đã ghi kế hoạch năm trong khi ngân sách Nhà nước
chưa cấp kinh phí kịp.
c) Bổ sung cho các dự án sản xuất
thử, thử nghiệm.
Quỹ này không dùng để chi bù trượt
giá và các chế độ mới ban hành khác của Nhà nước.
3. Uỷ ban Khoa học Nhà nước được
trích 0,5% tổng số tiền thu hồi thực nộp vào tài khoản tại kho bạc Nhà nước để
chi phí cho việc quản lý quỹ, bồi dưỡng cho những cá nhân làm nhiệm vụ thu hồi.
Cuối năm nếu không chi hết quỹ này sẽ được phép chuyển sang năm sau.
V. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề
nghị các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhà nước... các cơ quan hoạt động KHCN phản ánh
cho Liên bộ nghiên cứu giải quyết.
Căn cứ vào Thông tư này các Bộ,
Tổng cục... các địa phương có văn bản hướng dẫn cụ thể chế độ thu hồi kinh phí
đối với các nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp phát cho các nhiệm vụ KHCN
do mình quản lý.
Đặng
Hữu
(Đã
ký)
|
Hoàng
Quy
(Đã
ký)
|