BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số: 15/2009/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2009
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ GIẢI QUYẾT SỰ CỐ,
TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn
cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận
tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao
thông đường sắt như sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông
tư này quy định về nguyên tắc, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trình tự,
nội dung, biện pháp giải quyết, công tác phân tích, chế độ thống kê, báo cáo về
sự cố, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên hệ thống đường sắt quốc gia,
đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông
tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông
vận tải đường sắt trên hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có
nối ray với đường sắt quốc gia.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong
Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tai
nạn giao thông đường sắt là việc phương tiện giao thông đường sắt xảy ra
đâm nhau, trật bánh, đổ tàu, đâm, va vào người, phương tiện giao thông khác và
ngược lại hoặc phương tiện giao thông đường sắt đang hoạt động đâm, va vào
chướng ngại vật gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc gây
thiệt hại về tài sản.
2. Người
bị thương trong vụ tai nạn giao thông đường sắt là người bị tổn thương về
sức khỏe, bị ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường do ảnh hưởng trực tiếp của tai
nạn giao thông.
3. Người
bị chết trong vụ tai nạn giao thông đường sắt là người bị chết tại hiện
trường vụ tai nạn; người bị thương trong vụ tai nạn được cấp cứu nhưng chết tại
bệnh viện, tại nhà hoặc trên đường đi cấp cứu.
4. Sự
cố giao thông đường sắt là những vụ việc xảy ra trong hoạt động giao thông
vận tải đường sắt gây trở ngại đến chạy tàu nhưng chưa xảy ra tai nạn giao
thông đường sắt.
5. Trung
tâm điều hành vận tải đường sắt là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt
Việt Nam, có nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ hoạt động chạy tàu trên hệ thống đường
sắt quốc gia hoặc là đơn vị trực thuộc doanh nghiệp quản lý, khai thác đường
sắt chuyên dùng, có nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ hoạt động chạy tàu trên đoạn đường
sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.
Điều 4. Nguyên tắc giải quyết tai nạn giao thông đường
sắt
1.
Việc giải quyết tai nạn giao thông đường sắt phải bảo đảm tuyệt đối an toàn,
nhanh chóng và kịp thời.
2.
Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động đường sắt phải có trách nhiệm phối hợp giải quyết.
3.
Tổ chức cứu chữa ngay đối với người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản
của Nhà nước, doanh nghiệp và người bị nạn.
4. Thông tin, báo cáo kịp thời về vụ tai nạn cho các
tổ chức, cá nhân có liên quan.
5.
Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông
đường sắt phải đến ngay hiện trường để giải quyết; không được gây trở ngại cho
việc khôi phục đường sắt và hoạt động giao thông vận tải đường sắt sau khi xảy
ra tai nạn giao thông đường sắt.
6.
Chủ tịch Hội đồng giải quyết tai nạn giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là
Chủ tịch Hội đồng) hoặc người chủ trì giải quyết tai nạn được quyền huy động mọi
nguồn lực tại chỗ, kể cả các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt khác để phục vụ
cho công tác cứu chữa tai nạn giao thông đường sắt.
7.
Tổ chức khôi phục hoạt động giao thông đường sắt nhanh nhất và không gây khó
khăn cho công tác điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Điều 5. Nguyên tắc giải quyết sự cố giao thông đường
sắt
1.
Các sự cố giao thông đường sắt phải được lập biên bản.
2.
Khi sự cố giao thông đường sắt xảy ra ở khu gian, việc lập biên bản do trưởng
tàu hoặc lái tàu (nếu tàu không có trưởng tàu) thực hiện. Trường hợp sự cố giao
thông đường sắt xảy ra trong phạm vi ga, việc lập biên bản do trực ban chạy tàu
hoặc trưởng ga thực hiện.
3.
Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quy định cụ thể về việc giải
quyết, xử lý sự cố giao thông đường sắt trên đường sắt quốc gia; Tổng giám đốc
hoặc Giám đốc doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng có nối ray
với đường sắt quốc gia quy định cụ thể việc giải quyết, xử lý sự cố giao thông
đường sắt trên đường sắt chuyên dùng.
Chương 2.
PHÂN LOẠI VÀ TRÁCH NHIỆM
GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
Điều 6. Phân loại theo nguyên nhân
Tai
nạn giao thông đường sắt bao gồm tai nạn do nguyên nhân chủ quan và tai nạn do
nguyên nhân khách quan:
1.
Tai nạn do nguyên nhân chủ quan là tai nạn xảy ra do vi phạm các quy định của
pháp luật về giao thông vận tải đường sắt của tổ chức, cá nhân thuộc các doanh
nghiệp kinh doanh đường sắt.
2.
Tai nạn do nguyên nhân khách quan là tai nạn do nguyên nhân bất khả kháng
(thiên tai, địch họa) hoặc các nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân chủ quan của
doanh nghiệp kinh doanh đường sắt.
Điều 7. Phân loại theo tính chất của tai nạn giao
thông đường sắt
Tai
nạn giao thông đường sắt bao gồm tai nạn chạy tàu và tai nạn khác:
1.
Tai nạn chạy tàu là tai nạn xảy ra khi phương tiện giao thông đường sắt đâm
nhau, trật bánh, đổ; đâm, va chạm vào chướng ngại, phương tiện giao thông khác
và ngược lại, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc tài sản
của tổ chức, cá nhân.
2. Tai nạn khác là những tai nạn về người, xảy ra khi
phương tiện giao thông đường sắt va, cán người; người nhảy lên hay rơi từ trên
phương tiện giao thông đường sắt xuống; ném đất, đá hoặc các vật khác lên
phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại về tài sản, tính mạng và sức
khỏe của con người.
Điều 8. Phân loại theo mức độ thiệt hại do tai nạn
giao thông đường sắt gây ra
1.
Tai nạn giao thông đường sắt ít nghiêm trọng là tai nạn có từ 1 đến 5 người bị
thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới năm
mươi triệu đồng.
2.
Tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng là tai nạn có từ 1 đến 2 người chết
hoặc có từ 6 đến 10 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ
năm mươi triệu đồng đến dưới một tỷ đồng.
3.
Tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng là tai nạn có từ 3 người
chết trở lên hoặc từ 11 người bị thương trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản
có giá trị từ một tỷ đồng trở lên.
Điều 9. Trách nhiệm của trưởng tàu hoặc lái tàu (nếu
tàu không có trưởng tàu) khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt
1.
Tổ chức sơ cứu, cấp cứu ngay người bị nạn, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh
nghiệp, người bị nạn theo quy định tại Điều 16 của Thông tư này.
2.
Tổ chức phòng vệ địa điểm tai nạn theo quy định tại Điều 17 của Thông tư này.
3.
Thông tin, báo cáo ngay về vụ tai nạn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan
theo quy định tại Mục 2, Chương III của Thông tư này.
4.
Lập biên bản, báo cáo về vụ tai nạn theo Mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo
Thông tư này (nếu đã có trưởng ga hoặc cơ quan công an lập Hồ sơ tai nạn) hoặc
lập Hồ sơ ban đầu vụ tai nạn chuyển giao cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
và cử người thay mình ở lại làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo
quy định tại Mục 3, Chương III của Thông tư này.
Điều 10. Trách nhiệm của trưởng ga khi xảy ra tai nạn
giao thông đường sắt
1.
Trưởng ga khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường sắt phải trực tiếp
hoặc cử người đến ngay hiện trường để hỗ trợ cấp cứu người bị nạn và tham gia
các công việc khác để khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
2.
Trưởng ga phải lập Hồ sơ ban đầu vụ tai nạn (nếu tai nạn xảy ra trong phạm vi
ga do mình phụ trách) hoặc tiếp nhận Hồ sơ ban đầu do trưởng tàu, lái tàu lập
(khi tai nạn xảy ra trong khu trung gian) để chuyển giao cho các cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền.
3.
Trưởng ga là người chủ trì giải quyết hậu quả ban đầu của vụ tai nạn chạy tàu
nếu Chủ tịch Hội đồng hoặc người chủ trì giải quyết tai nạn chưa đến hiện
trường.
Điều 11. Trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt Việt
Nam và Doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng có nối ray với
đường sắt quốc gia
1.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các
doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, tổ chức giai quyết các vụ tai nạn giao thông
đường sắt; tổ chức thực hiện công tác cứu hộ trên đường sắt quốc gia, đường sắt
chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia khi có yêu cầu.
2.
Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt
Việt Nam, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt
chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia căn cứ theo nguyên nhân, tính
chất, mức độ thiệt hại để lập Hội đồng giải quyết tai nạn hoặc giao nhiệm vụ
cho cá nhân có thẩm quyền để chủ trì giải quyết tai nạn.
3.
Khi các phương tiện giao thông đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
xảy ra tai nạn giao thông đường sắt trên đường sắt chuyên dùng có nối ray với
đường sắt quốc gia thì Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách
nhiệm phối hợp với Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quản lý, khai thác
đường sắt chuyên dùng thành lập Hội đồng giải quyết tai nạn, nhưng trong Hội
đồng phải có đủ thành phần của hai bên để cùng nhau giải quyết.
4.
Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc
doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng quy định cụ thể việc
thành lập Hội đồng giải quyết tai nạn hoặc giao cho cá nhân chủ trì giải quyết
tai nạn; quy định nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Hội đồng và các đơn vị
thuộc quyền quản lý có liên quan; quy định cụ thể về công tác cứu hộ tai nạn
trên các khu vực đường sắt thuộc thẩm quyền quản lý của doanh nghiệp để đảm bảo
giải quyết hậu quả tai nạn được nhanh chóng, an toàn mọi mặt.
Điều 12. Trách nhiệm của các thành viên Hội đồng hoặc
người chủ trì giải quyết tai nạn
1. Chủ tịch Hội đồng hoặc người chủ trì giải quyết tai
nạn là người có quyền hạn và trách nhiệm cao nhất trong việc giải quyết tai nạn
tại hiện trường, được quyền huy động nhân lực, vật lực tại chỗ để cứu chữa
người bị nạn; ra các quyết định cần thiết, phối hợp với các cơ quan, chính
quyền địa phương để giải quyết tai nạn theo đúng quy định của pháp luật và phải
chỉ đạo hoàn thành các công việc sau:
a)
Tổ chức cứu chữa người bị nạn, bảo vệ hiện trường, tài sản;
b)
Tham gia điều tra, lập biên bản khám nghiệm hiện trường theo yêu cầu của cơ
quan công an;
c)
Phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương có liên quan hoàn thiện các
thủ tục pháp lý mai táng nạn nhân;
d)
Lập phương án cứu chữa và phân công nhân lực thực hiện chuyển tải hành khách,
hàng hóa; cứu hộ đầu máy, toa xe; sửa chữa cầu, đường và các phương tiện thiết
bị khác bị hư hỏng để nhanh chóng khôi phục chạy tàu qua vị trí tai nạn và
thông tuyến; đảm bảo an toàn mọi mặt trong quá trình cứu chữa;
đ)
Tập hợp biên bản, hồ sơ vụ tai nạn; xác định khối lượng công việc, nhân công
của các đơn vị tham gia cứu hộ, cứu nạn;
e)
Xây dựng báo cáo tổng hợp; đề xuất việc khen thưởng thành tích và xử lý kỷ luật
đối với tổ chức, cá nhân tham gia giải quyết tai nạn; đề xuất biện pháp với cơ
quan có thẩm quyền để khôi phục bình thường hoạt động đường sắt và giải quyết
các vấn đề phát sinh có liên quan.
2.
Các thành viên tham gia Hội đồng phải triệt để thi hành phần việc được phân
công và thực hiện tốt các công việc được giao; mọi tổ chức, cá nhân khác tham
gia giải quyết tai nạn đều chịu sự chỉ đạo và phải chấp hành mọi quyết định của
Chủ tịch Hội đồng hoặc người chủ trì giải quyết tai nạn.
Điều 13. Trách nhiệm của các đơn vị tham gia hoạt động
giao thông đường sắt
Khi
xảy ra tai nạn làm gián đoạn giao thông đường sắt thì Lãnh đạo các doanh nghiệp
kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, đơn vị quản
lý, sử dụng phương tiện giao thông đường sắt và các đơn vị khác liên quan đến
tai nạn phải cử ngay người có thẩm quyền nhanh chóng tới hiện trường nắm bắt
tình hình và tham gia giải quyết tai nạn, khôi phục giao thông.
Điều 14. Trách nhiệm của Thanh tra đường sắt
Khi
nhận được tin báo xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, Thanh tra đường sắt khu
vực phải kịp thời cử người đến tham gia điều tra, giải quyết tai nạn, giám sát
và thu thập tài liệu để phục vụ cho việc phân tích, xác định nguyên nhân và xử
lý vi phạm.
Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân nơi có đường
sắt đi qua
Khi
xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, Ủy ban nhân dân nơi xảy ra tai nạn giao
thông đường sắt có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an, doanh nghiệp kinh
doanh đường sắt cứu giúp người bị nạn, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh
nghiệp và người bị nạn. Trường hợp có người chết không rõ tung tích, không có
thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì Ủy ban nhân dân nơi xảy
ra tai nạn có trách nhiệm tổ chức chôn cất.
Chương 3.
TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TAI
NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
MỤC 1. CẤP CỨU NGƯỜI BỊ NẠN, PHÒNG VỆ ĐỊA ĐIỂM TAI NẠN
Điều 16. Tổ chức cấp cứu người bị nạn
1.
Trưởng tàu hoặc lái tàu (nếu tàu không có trưởng tàu) phải tổ chức sơ cứu ngay
người bị nạn. Căn cứ vào tình hình thực tế, thực hiện các quy định sau:
a)
Nếu vị trí xảy ra tai nạn thuận lợi cho việc đưa nạn nhân đi cấp cứu bằng các
phương tiện giao thông khác thì phải cử người hoặc huy động khẩn cấp người,
phương tiện đưa nạn nhân đến nơi gần nhất có cơ sở y tế để cấp cứu;
b)
Tổ chức đưa nạn nhân lên tàu hoặc đầu máy, đưa đến ga thuận lợi nhất để chuyển
đi cấp cứu;
c)
Trường hợp không thể tổ chức đưa đi cấp cứu theo quy định tại điểm a, b khoản
này thì đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan, cơ sở y tế tại nơi gần nhất
hỗ trợ phương tiện, thuốc men.
2.
Cùng với việc tổ chức cấp cứu người bị thương và cử người trông coi nạn nhân,
nếu trên các xe bị nạn có người phải chuyển sang các toa xe khác hoặc xuống
dưới đất thì phải cử người trông coi, bảo vệ tài sản (trường hợp là hàng nguy
hiểm thì phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn).
3.
Khi có người bị thương trong ga hoặc trên tàu giao xuống ga thì trưởng ga hoặc
trực ban chạy tàu tổ chức việc cấp cứu người bị nạn.
Điều 17. Tổ chức phòng vệ địa điểm tai nạn
1.
Trưởng tàu, lái tàu có trách nhiệm tổ chức phòng vệ địa điểm tai nạn theo quy
định hiện hành khi tai nạn xảy ra trong khu gian.
2.
Trực ban chạy tàu ga có trách nhiệm tổ chức phòng vệ địa điểm tai nạn theo quy
định hiện hành khi tai nạn xảy ra trong phạm vi ga.
MỤC 2. BÁO TIN VỀ TAI NẠN
Điều 18. Trình tự báo tin khi xảy ra tai nạn
1.
Trưởng tàu hoặc lái tàu (nếu tàu không có trưởng tàu) phải báo ngay cho trực
ban chạy tàu ga hoặc điều độ chạy tàu.
2.
Trực ban chạy tàu ga phải báo ngay cho những tổ chức, cá nhân sau đây:
a)
Điều độ chạy tàu;
b)
Trực ban chạy tàu ga bên;
c)
Trưởng ga.
3.
Trưởng ga phải báo ngay cho những tổ chức, cá nhân sau đây:
a)
Cơ quan công an nơi gần nhất;
b)
Ủy ban nhân dân nơi gần nhất (trong trường hợp xảy ra tai nạn chết người và
trong các trường hợp cần sự phối hợp của UBND các cấp);
c) Thanh tra Đường sắt khu vực (đối với tai nạn chạy
tàu);
d) Các đơn vị liên quan trong khu ga và Phân ban An
toàn giao thông đường sắt phụ trách khu vực (trong trường hợp xảy ra tai nạn
giao thông trên đường sắt quốc gia).
4.
Điều độ chạy tàu, Trực ban điều độ, phải báo ngay cho những tổ chức, cá nhân
sau đây:
a) Lãnh đạo Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt,
Lãnh đạo Ban An toàn giao thông thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
b)
Lãnh đạo doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng và các đơn vị có
liên quan khác, tổ chức lực lượng đến tham gia giải quyết tai nạn.
5. Lãnh đạo Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt phải
báo ngay cho Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để chỉ đạo, tổ chức giải
quyết tai nạn, cứu hộ theo quy định.
Điều 19. Biện pháp báo tin
1.
Khi xảy ra tai nạn, phải nhanh chóng tìm mọi biện pháp, thông qua các phương
tiện thông tin, liên lạc hoặc gặp gỡ trực tiếp để báo tin về tai nạn đến các tổ
chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điều 18 của Thông tư này.
2.
Trong trường hợp các cá nhân quy định tại Điều 18 của Thông tư này không thể
liên lạc được với một trong số các tổ chức, cá nhân có liên quan thì yêu cầu tổ
chức, cá nhân mình đã liên lạc được cùng phối hợp, hỗ trợ trong việc báo tin
cho tổ chức, cá nhân còn lại.
Điều 20. Nội dung thông tin phải báo tin
1.
Nội dung thông tin ban đầu về tai nạn phải kịp thời, chính xác và bao gồm một
số nội dung chính như sau:
a)
Địa điểm xảy ra tai nạn (km, khu gian, xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố);
b)
Thời gian xảy ra tai nạn;
c)
Số người chết, số người bị thương;
d)
Sơ bộ trạng thái hiện trường, phương tiện bị tai nạn, cơ sở hạ tầng bị ảnh
hưởng;
đ)
Các thông tin khác theo yêu cầu của người nhận tin báo.
2.
Ngoài việc báo tin ban đầu theo quy định tại khoản 1 Điều này, trưởng tàu hoặc
lái tàu (nếu tai nạn xảy ra ngoài khu gian); trưởng ga hoặc trực ban chạy tàu
(nếu tai nạn xảy ra trong ga) phải lập báo cáo tai nạn theo Mẫu quy định tại
Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này. Báo cáo tai nạn được gửi cùng Hồ sơ ban đầu
vụ tai nạn tới các cơ quan chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 22 của
Thông tư này.
Điều 21. Xử lý tin báo về tai nạn
Mọi
tổ chức, cá nhân khi nhận được tin báo về tai nạn hoặc yêu cầu phối hợp, hỗ trợ
trong việc báo tin phải tìm mọi biện pháp để thực hiện theo đề nghị và báo lại
cho người đề nghị (nếu được), đồng thời phải triển khai thực hiện ngay các công
việc, biện pháp nghiệp vụ theo quy định nếu vụ tai nạn thuộc phạm vi, trách
nhiệm của mình. Nếu vụ tai nạn không thuộc phạm vi, trách nhiệm giải quyết của
mình thì tiếp tục báo tin về vụ tai nạn cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
phải phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ khi có đề nghị của tổ chức, cá nhân có trách
nhiệm.
MỤC 3. LẬP HỒ SƠ BAN ĐẦU VỤ TAI NẠN
Điều 22. Lập hồ sơ ban đầu vụ tai nạn
1. Hồ sơ vụ tai nạn do cơ quan công an có thẩm quyền
lập. Trong trường hợp cơ quan công an chưa có mặt, cùng với việc cấp cứu người
bị nạn, báo tin tai nạn, trưởng tàu hoặc lái tàu (nếu tai nạn xảy ra ngoài khu
gian), trưởng ga hoặc trực ban chạy tàu (nếu tai nạn xảy ra trong ga) phải thực
hiện việc lập Hồ sơ ban đầu.
Hồ
sơ ban đầu do trưởng tàu hoặc lái tàu (nếu tàu không có trưởng tàu) lập được
giao lại cho trưởng ga hoặc trực ban chạy tàu ga gần nhất.
2. Hồ sơ ban đầu vụ tai nạn gồm có:
a)
Biên bản vụ tai nạn (nội dung của biên bản vụ tai nạn lập theo Mẫu số 1 Phụ lục
2 kèm theo Thông tư này);
b)
Bản ghi lời khai theo Mẫu số 2 Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này hoặc báo cáo của
nạn nhân (nếu nạn nhân còn nói được, viết được);
c)
Báo cáo của nhân viên đường sắt có liên quan;
d)
Báo cáo của ít nhất 02 người chứng kiến nhưng không liên quan đến tai nạn (nếu
có);
đ)
Biên bản bàn giao nạn nhân, tài sản và các giấy tờ có liên quan.
3. Hồ sơ ban đầu vụ tai nạn được lập thành 03 bộ và
phải gửi cho các cơ quan có thẩm quyền như sau:
a)
01 bộ gửi cho cơ quan công an cấp quận, huyện nơi xảy ra tai nạn giao thông
đường sắt trong vòng 48 giờ, kể từ khi tai nạn xảy ra;
b)
01 bộ gửi cho Ban Thanh tra đường sắt khu vực;
c)
01 bộ gửi cho Ban an toàn giao thông đường sắt (trong trường hợp tai nạn xảy ra
trên đường sắt quốc gia) hoặc doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên
dùng (trong trường hợp tai nạn xảy ra trên đường sắt chuyên dùng).
MỤC 4. GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ, KHÔI PHỤC GIAO THÔNG
Điều 23. Giải quyết hậu quả, khôi phục giao thông
trong trường hợp có người chết
1.
Khi có người chết thì trưởng tàu hoặc lái tàu (nếu tàu không có trưởng tàu)
phải cử người trông coi, bảo vệ nạn nhân cho đến khi bàn giao cho cơ quan có
thẩm quyền giải quyết. Trường hợp tàu có thể chạy tiếp được mà vị trí người
chết trở ngại tới chạy tàu thì đánh dấu vị trí người chết (phải ghi rõ trong
biên bản tai nạn) rồi đưa ra khỏi phạm vi trở ngại để cho tàu chạy tiếp. Trường
hợp chưa báo được tin vụ tai nạn theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư này
thì tới ga đầu tiên đỗ lại để báo tin theo quy định.
Nếu
chỉ có Trưởng tàu hàng và ban lái máy hoặc chỉ có ban lái máy thì cử phụ lái
tàu ở lại trông coi nạn nhân. Trường hợp xảy ra tai nạn mà trên tàu chỉ có một
lái tàu thì lái tàu có quyền giao nhiệm vụ cho một cán bộ công nhân viên đường
sắt đang làm nhiệm vụ tại nơi xảy ra tai nạn ở lại trông coi nạn nhân hoặc phải
trực tiếp ở lại trông coi nạn nhân và dùng mọi phương tiện thông tin nhanh nhất
để báo tin cho ga gần nhất. Sau khi nhận được báo tin vụ tai nạn, trưởng ga
hoặc trực ban chạy tàu ga phải nhanh chóng cử người ra trông coi nạn nhân để
lái tàu tiếp tục cho tàu chạy hoặc để phụ lái tàu về ga cùng lái tàu tiếp tục
cho tàu chạy.
2.
Trường hợp có người chết trên tàu, trưởng tàu đưa thi thể nạn nhân xuống ga gần
nhất giao cho trưởng ga hoặc trực ban chạy tàu ga giải quyết. Nạn nhân có thân
nhân đi cùng và nếu có yêu cầu, trưởng tàu có thể giải quyết cho xuống ga thuận
tiện nhưng không được đi quá 100km tính từ vị trí nạn nhân bị chết. Trong mọi
trường hợp đều không được giải quyết theo hướng đưa nạn nhân trở lại ga đi.
3.
Khi có người chết vì tai nạn giao thông đường sắt trong phạm vi ga hoặc trên
tàu giao xuống ga thì trưởng ga hoặc trực ban chạy tàu ga phải tổ chức trông
coi nạn nhân và phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan có chức năng khác
tiếp tục giải quyết.
4.
Mai táng nạn nhân:
a)
Trường hợp nạn nhân bị chết có thân nhân đi cùng hoặc là người địa phương hoặc
người của cơ quan, đơn vị ở gần ga, trưởng ga tham gia phối hợp với cơ quan
công an, chính quyền địa phương làm các thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc
mai táng nạn nhân do địa phương, thân nhân hoặc cơ quan nạn nhân chủ trì giải
quyết.
b)
Trường hợp nạn nhân bị chết chưa xác định được tung tích thì sau khi phối hợp
với công an, chính quyền địa phương làm xong các thủ tục lập Hồ sơ vụ tai nạn,
trưởng ga liên hệ với chính quyền địa phương để phối hợp mai táng nạn nhân.
c)
Trường hợp nạn nhân bị chết là người nước ngoài, trưởng ga phối hợp với công
an, chính quyền địa phương báo cáo về cơ quan công an cấp tỉnh để giải quyết.
5.
Hồ sơ mai táng nạn nhân phải có các giấy tờ, tài liệu sau đây:
a)
Biên bản khám nghiệm hiện trường do cơ quan công an lập hoặc Biên bản vụ tai
nạn;
b) Biên bản khám nghiệm tử thi;
c)
Giấy cho phép mai táng nạn nhân do cơ quan công an cấp;
d)
Biên bản bàn giao thi thể nạn nhân.
6. Khi
Chủ tịch Hội đồng hoặc người được giao nhiệm vụ chủ trì giải quyết tai nạn đến
hiện trường (trong trường hợp trưởng ga không được giao nhiệm vụ chủ trì giải
quyết tai nạn) thì trưởng ga báo cáo lại và thực hiện các công việc giải quyết
hậu quả đối với người bị chết theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng hoặc người
được giao nhiệm vụ chủ trì giải quyết tai nạn.
Điều 24. Việc khôi phục giao thông trong trường hợp
phải xin cứu hộ
1.
Khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt, hoặc các trường hợp bất thường
khác dẫn đến phải ngừng tàu mà những người có mặt tại hiện trường không có khả
năng giải quyết để bảo đảm an toàn cho tàu chạy tiếp thì trưởng tàu hoặc lái
tàu (nếu xảy ra ngoài khu gian), trưởng ga hoặc trực ban chạy tàu (nếu xảy ra
trong ga) phải yêu cầu cứu hộ.
2.
Người yêu cầu cứu hộ phải khẩn trương quan sát hiện trường, tổng hợp tình hình,
thông báo đủ, chính xác nội dung của yêu cầu cứu hộ và chịu trách nhiệm về nội
dung yêu cầu cứu hộ của mình. Sau khi yêu cầu cứu hộ, cùng nhân viên các đơn vị
liên quan có mặt tại hiện trường tiến hành kiểm tra xem xét hiện trường rồi lập
biên bản ban đầu đồng thời phân công người bảo vệ hiện trường cho đến khi cơ
quan chức năng đến giải quyết.
3.
Trong những trường hợp nhận được thông tin cứu hộ tai nạn chạy tàu xảy ra trong
khu gian do người không làm công tác chạy tàu trong khu gian báo tin thì trực
ban chạy tàu hoặc trưởng ga phải báo ngay về điều độ chạy tàu và ga bên cùng
thống nhất phương án nhanh nhất cử người đến hiện trường kiểm tra cụ thể để làm
thủ tục xin cứu hộ.
4.
Khi cơ quan chức năng đến giải quyết thì việc bàn giao hồ sơ, giấy tờ, trang
thiết bị, các vật chứng có liên quan khác thực hiện theo yêu cầu của cơ quan
chức năng.
5.
Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quy định cụ thể việc tổ chức cứu
hộ, khôi phục giao thông trên đường sắt quốc gia, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc
doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng quy định cụ thể việc tổ
chức cứu hộ, khôi phục giao thông trên đường sắt chuyên dùng.
Điều 25. Việc khôi phục giao thông trong trường hợp
không phải xin cứu hộ
1.
Khi sự cố, tai nạn xảy ra, trưởng tàu hoặc lái tàu (nếu xảy ra ngoài khu gian);
trưởng ga hoặc trực ban chạy tàu ga (nếu xảy ra trong ga) sau khi đã phối hợp
với các cá nhân có liên quan kiểm tra đầu máy, toa xe, thiết bị trên đường sắt,
nếu không có thiệt hại gì hoặc thiệt hại không đáng kể, mọi chướng ngại đã được
đưa ra ngoài khổ giới hạn đầu máy, toa xe và tàu có thể tiếp tục chạy được thì
cho tàu chạy tiếp sau khi đã lập xong Hồ sơ ban đầu.
2.
Trường hợp tàu đâm phải gia súc lớn như trâu, bò v.v.. hoặc có va quệt mà không
ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu thì không phải bắt tàu ngừng.
Điều 26. Kinh phí giải quyết hậu quả, khôi phục giao
thông
Các
Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chịu trách nhiệm về kinh phí để phục vụ việc
giải quyết hậu quả sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và khôi phục giao thông
theo quy định của pháp luật.
Chương 4.
PHÂN TÍCH, BỒI THƯỜNG VÀ
CHẾ ĐỘ THỐNG KÊ, BÁO CÁO SỰ CỐ, TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
Điều 27. Phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt
1. Sự cố, tai nạn giao thông đường sắt phải được tiến
hành phân tích nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục. Việc phân tích sự cố,
tai nạn giao thông đường sắt phải căn cứ vào các quy định hiện hành.
2. Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu
trách nhiệm tổ chức phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên
đường sắt quốc gia, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quản lý, khai thác
đường sắt chuyên dùng chịu trách nhiệm tổ chức phân tích sự cố, tai nạn giao
thông đường sắt trong phạm vi quản lý. Đối với các vụ tai nạn chạy tàu chưa rõ
nguyên nhân hoặc chưa phân định được trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân có
liên quan thì khi tổ chức phân tích phải có đại diện của Cục Đường sắt Việt Nam tham dự.
3.
Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ quyết định thành lập
Hội đồng phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt hoặc ủy quyền cho Cục
trưởng Cục Đường sắt Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng. Hội đồng phân tích
sự cố, tai nạn gồm: đại diện doanh nghiệp kinh doanh đường sắt; đại diện Cục
Đường sắt Việt Nam; đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan và các Chuyên gia về
lĩnh vực an toàn giao thông vận tải đường sắt.
Điều 28. Bồi thường thiệt hại
Mọi
tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đều phải bồi
thường thiệt hại (kể cả thiệt hại do chậm tàu), thanh toán các chi phí giải
quyết sự cố, tai nạn do hành vi vi phạm của mình gây ra theo quy định của pháp
luật.
Điều 29. Chế độ thống kê, báo cáo
1.
Tất cả các sự cố, tai nạn đều phải được lập Hồ sơ để làm cơ sở phân tích, kết
luận nguyên nhân, tổng hợp tình hình an toàn chung trong hoạt động đường sắt và
tham mưu cho Lãnh đạo các cấp trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
đường sắt.
2.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt
chuyên dùng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ, thống kê,
báo cáo, tổng hợp tình hình về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.
3.
Định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm, Tổng công ty Đường
sắt Việt Nam, doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng phải tổng
hợp tình hình sự cố, tai nạn giao thông đường sắt theo quy định và báo cáo về
Bộ Giao thông vận tải (qua Cục Đường sắt Việt Nam, Vụ An toàn giao thông) và
thông báo cho các đơn vị có liên quan. Báo cáo thực hiện theo các biểu Mẫu quy
định tại Phụ lục 3 của Thông tư này.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Hiệu lực thi hành
Thông
tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành; bãi bỏ Quyết
định số 191/QĐ-ĐS ngày 25/03/1994 của Tổng giám đốc Liên hiệp Đường sắt Việt
Nam ban hành Quy tắc giải quyết tai nạn giao thông đường sắt.
Điều 31. Tổ chức thực hiện
1.
Các Doanh nghiệp tham gia hoạt động đường sắt có trách nhiệm phổ biến, hướng
dẫn các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao thông
vận tải đường sắt thi hành Thông tư này.
2.
Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức
thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
3.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Cục Đường sắt
Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- UBND các Tỉnh, Thành phố trực thuộc TW;
- Chánh văn phòng Bộ, Chánh thanh tra Bộ;
- Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ;
- Cục Đường sắt Việt Nam;
- Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt;
- Các Tổng công ty: Đường sắt Việt Nam; Thép Việt Nam; Hóa chất Việt Nam;
TcTy Xi măng Việt Nam;
- Tập đoàn CN Than và Khoáng sản Việt Nam;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ, Website Bộ GTVT;
- Lưu: VT, ATGT (H).
|
BỘ TRƯỞNG
Hồ Nghĩa Dũng
|
PHỤ LỤC
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2009/TT-BGTVT ngày
tháng năm 2009)
PHỤ LỤC 1
BÁO CÁO TAI NẠN GIAO
THÔNG
(Phần nào không có thì không viết)
1.
Họ tên, chức vụ người báo cáo, đơn vị công tác:
2.
Vụ việc xảy ra giờ ………. ngày ……. tháng ……… năm:
3.
Tình hình thời tiết khi xảy ra sự cố, tai nạn:
4.
Địa điểm xảy ra sự cố, tai nạn:
5.
Số hiệu đoàn tàu, số hiệu đầu máy, thành phần đoàn tàu, trọng tải:
6.
Họ tên, chức danh của những người liên quan: trưởng tàu, lái tàu, phụ lái tàu,
trực ban chạy tàu, trưởng ga v.v….
7.
Khái quát tình hình, nguyên nhân của sự cố, tai nạn:
8.
Biện pháp đã giải quyết, xử lý:
9.
Sơ bộ đánh giá thiệt hại về vật chất:
10.
Thiệt hại về người:
a)
Họ, tên, tuổi, nam hay nữ, nghề nghiệp, địa chỉ, số chứng minh thư (hoặc hộ
chiếu) v.v… của nạn nhân.
b)
Số vé đi tàu của nạn nhân, ga đi, ga đến, số toa hành khách bị nạn.
c)
Tình trạng thương tích của nạn nhân.
d)
Tư trang hành lý của nạn nhân.
đ)
Thân nhân của nạn nhân.
e)
Cách giải quyết của người có trách nhiệm.
g)
Họ, tên, chức vụ người ở lại trông coi thi thể nạn nhân.
11.
Kết luận sơ bộ trách nhiệm thuộc ai:
12.
Ngày, tháng, năm báo cáo. Báo cáo có chữ ký của người có trách nhiệm lập và
những người tham gia.
PHỤ LỤC 2
MẪU SỐ 1. BIÊN BẢN VỤ
TAI NẠN
(Phần nào không có thì không viết)
1.
Tên vụ tai nạn:
2.
Thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn: (km, khu gian, xã, phường, quận, huyện,
tỉnh, thành phố).
3.
Thời gian bắt đầu lập biên bản:
4.
Thành phần tham gia gồm những ai tham gia (ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị) đã
đến tận nơi xảy ra tai nạn tiến hành xem xét hiện trường, ghi lại kết quả như
sau:
5.
Tình hình khái quát: (số hiệu đoàn tàu, số hiệu đầu máy, số lượng toa xe, họ và
tên những người có liên quan, tình hình thời tiết, kế hoạch, tác nghiệp chỉ huy
chạy tàu hoặc dồn tàu và nội dung sự việc khi xảy ra tai nạn, vẽ sơ đồ hiện
trường).
6.
Tang vật, dấu vết và số liệu đo đạc, di chuyển các thiết bị của đầu máy, toa
xe, đường, ghi, trang thiết bị, hàng hóa …
7.
Dấu vết liên quan đến con người, vị trí đã di chuyển, xe dịch ...
8.
Thống kê sơ bộ thiệt hại: (đầu máy, toa xe, cầu đường, ghi, giờ ách tắc giao
thông, số tàu chậm, số tàu chuyển tải hoặc bãi bỏ, số người chết, bị thương …).
9.
Kết luận sơ bộ (nguyên nhân và trách nhiệm):
Biên
bản lập xong lúc ……. giờ … phút, ngày … tháng … năm ………. đã đọc lại cho các
thành viên cùng nghe, công nhận đúng, cùng ký tên.
MẪU SỐ 2 – BIÊN BẢN GHI LỜI KHAI
Hôm
nay, ngày … tháng .... năm …… hồi ……. giờ. Gồm những ai tham gia lấy tờ khai
(ghi rõ họ tên, chức vụ công tác), ngồi tại đâu để ghi lời khai của ai: bao
nhiêu tuổi, sinh quán, số Chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu), hộ khẩu thường
trú, nơi ở hiện nay, nghề nghiệp, đơn vị công tác, chức vụ đang làm việc.
Nội
dung lời khai:
Bản
lời khai này đã đọc cho ông, bà ……… nghe, công nhận đúng và cùng ký tên dưới
đây.