BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
19-VT/TT/PC
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 1 năm 1995
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 19-TT/PC/VT NGÀY 20 THÁNG 1 NĂM
1995 HƯỚNG DẪN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KINH DOANH VẬN TẢI HÀNG HOÁ, HÀNH KHÁCH
CÔNG CỘNG BẰNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA CHO CÁ NHÂN VÀ NHÓM KINH DOANH QUY
ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH 66-HĐBT NGÀY 2 THÁNG 3 NĂM 1992
Căn cứ vào Điều 5 khoản 2 và
Điều 8 của Nghị định 66-HĐBT ngày 2-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính
phủ về cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định trong Nghị định
221-HĐBT ngày 23-7-1991. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề
vận tải hàng hoá, hành khách công cộng bằng đường bộ, đường thuỷ nội địa như
sau:
I- ĐỐI TƯỢNG
VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG
1- Thông tư này áp dụng cho cá
nhân và nhóm kinh doanh (sau đây gọi là người kinh doanh) hành nghề kinh doanh
vận tải hàng hoá, hành khách công cộng đường bộ, đường thuỷ nội địa bằng các loại
phương tiện:
- Đường bộ: ôtô, máy kéo, xe
lam, xe xích lô máy, xe lôi máy, xe môtô 2 bánh, 3 bánh.
- Đường thuỷ nội địa: thuyền máy
chạy trên sông, hồ, đầm, ven vịnh, ven biển cách bờ khi nước triều thấp nhất
không quá 12 hải lý và các loại đò dọc, đò ngang.
2- Không áp dụng quy định của
Thông tư này đối với các đơn vị kinh tế tập thể, những hộ làm kinh tế gia đình
quy định tại Nghị định 29-HĐBT ngày 9-3-1988.
II- ĐIỀU KIỆN
CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ VẬN TẢI HÀNG HOÁ, HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG
THUỶ NỘI ĐỊA (SAU ĐÂY GỌI LÀ "CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ" (CCHN)
"CCHN" là văn bản do
cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải cấp cho người kinh doanh, làm
căn cứ để Uỷ ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi
là huyện) xét cấp giấy phép kinh doanh (GPKD).
Điều kiện để được cấp CCHN:
1- Người kinh doanh phải là chủ
sở hữu phương tiện vận tải.
2- Phương tiện vận tải phải:
- Đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật
theo các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành đã được ban hành để hành nghề
kinh doanh vận tải.
- Có giấy chứng nhận đăng ký
hành chính phương tiện tại địa phương.
- Có giấy phép lưu hành (đối với
đường bộ), giấy phép được hoạt động trên đường thuỷ nội địa.
3- Cá nhân hoặc người đại diện
cho nhóm kinh doanh phải có chứng chỉ của Sở Giao thông vận tải (giao thông
công chính) cấp đã qua khoá học về thể lệ vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng
đường bộ (đối với người hành nghề vận tải đường bộ); thể lệ vận chuyển hàng
hoá, hành khách bằng đường thuỷ nội địa (đối với người hành nghề vận tải đường
thuỷ nội địa).
4- Người điều khiển phương tiện
và người làm việc trên phương tiện phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn tương
ứng theo quy định hiện hành.
5- Phạm vi hành nghề của người
kinh doanh quy định tại Thông tư này là nội huyện, nội tỉnh và hai huyện thuộc
hai tỉnh giáp liền kề nhau.
- Sở Giao thông vận tải (giao
thông công chính) thông qua việc cấp giấy phép vận tải có thể cho phép các
phương tiện vận tải có chất lượng tốt hoạt động liên tỉnh đối với những tuyến cần
khuyến khích trong từng thời điểm (nhưng không được quá 2 tỉnh kề liền nhau).
- Sở Giao thông vận tải (giao
thông công chính) phải quy định phạm vi hành nghề khi cấp CCHN.
III- THỦ TỤC
VÀ CƠ QUAN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ
1- Thủ tục
Người kinh doanh phải nộp đủ hồ
sơ khi xin cấp CCHN. Hồ sơ gồm:
+ Đơn xin cấp CCHN theo quy định
tại Điều 8 điểm 1 Nghị định 66-HĐBT ngày 2-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng.
+ Các giấy tờ hợp pháp có liên
quan như quy định tại mục II.
2- Cơ quan cấp CCHN
- Sở Giao thông vận tải (giao
thông công chính) là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, lưu giữ hồ sơ và cấp CCHN cho người
kinh doanh có hộ khẩu thường trú và phương tiện đăng ký hành chính tại địa
phương.
- Sở Giao thông vận tải (giao
thông công chính) thẩm tra hồ sơ để quyết định cấp hay không cấp CCHN trong thời
gian 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không cấp, phải trả lời
lý do bằng văn bản cho người xin cấp CCHN.
Người xin cấp CCHN có quyền khiếu
nại về việc từ chối cấp CCHN của Sở Giao thông vận tải (giao thông công chính)
lên Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xem xét.
- Tuỳ theo khả năng của cơ quan
quản lý giao thông vận tải ở huyện mà Sở Giao thông vận tải (giao thông công
chính) có thể uỷ nhiệm cho cơ quan này một số công việc như tiếp nhận hồ sơ, thẩm
tra hồ sơ... nhưng CCHN vẫn phải do Sở cấp và chịu trách nhiệm về việc cấp này.
- Mẫu CCHN do Bộ Giao thông vận
tải quy định thống nhất trong phạm vi cả nước, CCHN được làm thành 3 bản chính:
1 bản lưu ở Sở Giao thông vận tải (giao thông công chính) 1 bản người kinh
doanh nộp cho Uỷ ban nhân dân huyện khi giấy phép kinh doanh, 1 bản người kinh
doanh hoặc nhóm kinh doanh lưu giữ.
Sở Giao thông vận tải (giao
thông công chính) được thu lệ phí cấp CCHN theo quy định hiện hành.
3- Thời hạn hiệu lực của CCHN
Thời hạn hiệu lực của CCHN theo
thời hạn của người kinh doanh đề nghị, nhưng chỉ cho phép thời hạn tối đa là 3
(ba) năm kể từ ngày ký CCHN. Hàng năm Sở Giao thông vận tải (giao thông công
chính) tổ chức kiểm tra CCHN theo định kỳ.
IV- TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu
Giám đốc Sở Giao thông vận tải (giao thông công chính) tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương:
- Phổ biến Thông tư này cho mọi
người kinh doanh, muốn hành nghề vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa biết thực
hiện.
- Tổ chức kiểm tra những
"người kinh doanh" đã được cấp giấy phép kinh doanh hành nghề vận tải
đường bộ, đường thuỷ nội địa, nếu "người kinh doanh" nào không đảm bảo
các điều kiện cụ thể đã ban hành thì phối hợp với Uỷ ban nhân dân quận, huyện
có biện pháp xử lý (theo Điều 15 điểm 5 và Điều 23 của Nghị định 66-HĐBT).
- Thông tư này có hiệu lực sau 6
tháng kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
- Bộ Giao thông vận tải giao cho
Vụ Pháp chế - vận tải chủ trì phối hợp với Cục đường bộ Việt Nam, Cục đường
sông Việt Nam tổ chức đôn đốc thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện
nếu có vướng mắc, Sở Giao thông vận tải (giao thông công chính) báo cáo về Bộ để
giải quyết kịp thời.
- Chứng chỉ hành nghề không thay
thế các văn bản quy định quản lý kinh doanh hiện hành.