THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNG LÀM VIỆC VÀO BAN ĐÊM,
LÀM THÊM GIỜ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Thi hành Nghị định số
204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối
với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; sau khi trao đổi ý kiến
với các Bộ, ngành liên quan, liên tịch Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực
hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công
chức, viên chức như sau:
I. PHẠM VI VÀ
ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:
a) Cán bộ, công chức (kể cả công
chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc và
lao động hợp đồng đã được xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định làm việc
trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được cấp có thẩm
quyền quyết định thành lập.
b) Cán bộ chuyên trách và công
chức ở xã, phường, thị trấn.
c) Cán bộ, công chức, viên chức
thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được
cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ
quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.
2. Đối với cán bộ, công chức,
viên chức thực hiện chế độ trực 12 giờ/24 giờ hoặc 24 giờ/24 giờ có hướng dẫn
riêng.
3. Đối tượng không áp dụng:
a) Sĩ quan, quân nhân chuyên
nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân
và công an nhân dân.
b) Người làm công tác cơ yếu
trong tổ chức cơ yếu.
II. NGUYÊN TẮC
VÀ CĂN CỨ TÍNH CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNG LÀM VIỆC VÀO BAN ĐÊM, LÀM THÊM GIỜ
1. Nguyên tắc:
Tiền lương làm việc vào ban đêm,
làm thêm giờ được tính theo số giờ thực tế làm việc vào ban đêm và số giờ thực
tế làm thêm ngoài giờ tiêu chuẩn.
2. Căn cứ tính:
a) Tiền lương giờ dùng làm căn cứ
để tính trả tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ được xác định bằng tiền
lương của một tháng chia cho số giờ làm việc tiêu chuẩn trong một tháng.
Trong đó:
a1) Tiền lương của một tháng,
bao gồm: Mức lương hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo
lưu (nếu có). Cơ quan, đơn vị được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức
lương tối thiểu chung thì tiền lương của một tháng cũng được điều chỉnh tăng
thêm tương ứng.
a2) Số giờ làm việc tiêu chuẩn
trong một tháng được xác định bằng số giờ làm việc tiêu chuẩn trong một ngày
nhân với số ngày làm việc tiêu chuẩn trong một tháng.
Số giờ làm việc tiêu chuẩn trong
một ngày là 8 giờ. Riêng đối với những người làm công việc đặc biệt nặng nhọc,
độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban
hành được thực hiện rút ngắn thời giờ làm việc trong một ngày theo quy định.
Số ngày làm việc tiêu chuẩn
trong một tháng là 22 ngày.
b) Thời giờ làm việc vào ban đêm
được xác định từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau đối với các tỉnh,
thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc; từ 21 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ
ngày hôm sau đối với các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào phía Nam.
c) Thời giờ làm thêm thực hiện
theo quy định tại Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31 tháng 12
năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi thành một số điều của
Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
III. CHẾ ĐỘ
TRẢ LƯƠNG LÀM VIỆC VÀO BAN ĐÊM
1. Điều kiện hưởng:
Các đối tượng quy định tại điểm
1 mục I Thông tư này có thời giờ thực tế làm việc vào ban đêm theo quy định của
cơ quan có thẩm quyền.
2. Cách tính trả lương làm việc
vào ban đêm:
Tiền lương làm việc vào ban đêm
được tính theo công thức sau:
Tiền
lương làm việc vào ban đêm
|
=
|
Tiền
lương giờ
|
x
130% x
|
Số
giờ thực tế làm việc vào ban đêm
|
IV. CHẾ ĐỘ TRẢ
LƯƠNG LÀM VIỆC THÊM GIỜ
1. Điều kiện hưởng:
Các đối tượng quy định tại điểm
1 mục I Thông tư này đã có chế độ quy định số giờ làm việc tiêu chuẩn trong một
ngày và số giờ làm việc tiêu chuẩn trong một tháng của cơ quan có thẩm quyền mà
phải làm thêm giờ sau khi đã hoàn thành đủ số giờ tiêu chuẩn trong ngày theo
quy định.
2. Cách tính trả lương làm thêm
giờ:
a) Trường hợp làm thêm giờ vào
ban ngày, tiền lương làm thêm giờ được tính theo công thức sau:
Tiền
lương làm thêm giờ vào ban ngày
|
=
|
Tiền
lương giờ
|
x
|
150%
hoặc 200% hoặc 300%
|
x
|
Số
giờ thực tế làm thêm
|
Trong đó:
Mức 150% áp dụng đối với giờ làm
thêm vào ngày thường;
Mức 200% áp dụng đối với giờ làm
thêm vào ngày nghỉ hàng tuần;
Mức 300% áp dụng đối với giờ làm
thêm vào ngày lễ hoặc ngày được nghỉ bù nếu ngày lễ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần,
ngày nghỉ có hưởng lương (trong mức 300% này đã bao gồm cả tiền lương trả cho
thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương theo quy định tại các Điều
73, 74, 75 và 78 của Bộ luật Lao động).
b) Trường hợp làm thêm giờ vào
ban ngày, nếu được bố trí nghỉ bù những giờ làm thêm thì được hưởng tiền lương
làm thêm giờ vào ban ngày như sau:
Tiền
lương làm thêm giờ vào ban ngày
(nếu
được bố trí nghỉ bù)
|
=
|
Tiền
lương giờ
|
x
|
50%
hoặc 100% hoặc 200%
|
x
|
Số
giờ thực tế làm thêm
|
Trong đó:
Mức 50% áp dụng đối với giờ làm
thêm vào ngày thường;
Mức 100% áp dụng đối với giờ làm
thêm vào ngày nghỉ hàng tuần;
Mức 200% áp dụng đối với giờ làm
thêm vào ngày lễ hoặc ngày được nghỉ bù nếu ngày lễ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần,
ngày nghỉ có hưởng lương (trong mức 200% này đã bao gồm cả tiền lương trả cho
thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương theo quy định tại các Điều
73, 74, 75 và 78 của Bộ luật Lao động).
c) Trường hợp làm thêm giờ vào
ban đêm, tiền lương làm thêm giờ được tính theo công thức sau:
Tiền
lương làm thêm giờ vào ban đêm
|
=
|
Tiền
lương làm thêm 1 giờ vào ban ngày
|
x
130% x
|
Số
giờ thực tế làm thêm giờ vào ban đêm
|
Trong đó:
Tiền lương làm thêm 1 giờ vào
ban ngày (tuỳ từng trường hợp làm thêm vào ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần,
ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, được bố trí nghỉ bù hay không được bố trí
nghỉ bù những giờ làm thêm vào ban đêm) được tính theo công thức quy định tại
tiết a hoặc tiết b điểm 2 mục IV Thông tư này với số giờ thực tế làm thêm là 1
giờ.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Tiền lương làm việc vào ban
đêm, làm thêm giờ trong tháng được tính trả vào kỳ lương của tháng sau liền kề
căn cứ vào bảng kê chi tiết số giờ thực tế làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ
trong tháng có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức,
viên chức.
2. Nguồn
kinh phí chi trả tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ:
a) Đối với các cơ quan, đơn vị
được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, nguồn kinh phí chi trả tiền lương làm
việc vào ban đêm, làm thêm giờ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân
sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.
b) Đối với các cơ quan thực hiện
khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp thực hiện
tự chủ tài chính, nguồn kinh phí chi trả tiền lương làm việc vào ban đêm, làm
thêm giờ do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính
được giao tự chủ.
3. Căn cứ cách tính tiền lương
làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ quy định tại Thông tư này, các Bộ, cơ quan
ngang Bộ có thẩm quyền quản lý ngạch công chức, viên chức chuyên ngành hướng dẫn
cho phù hợp với đặc điểm tổ chức lao động của ngành, hạn chế việc phải làm thêm
giờ và ưu tiên bố trí nghỉ bù cho những giờ làm thêm.
VI. HIỆU LỰC
THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bãi bỏ các văn bản hướng dẫn thực
hiện Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về chế độ trả
lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức
làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
2. Chế độ trả lương làm việc vào
ban đêm, làm thêm giờ quy định tại Thông tư này được tính hưởng kể từ ngày 01
tháng 10 năm 2004.
3. Cán bộ, công chức, viên chức
làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể,
thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo hướng dẫn của
Ban Tổ chức Trung ương.
Trong quá trình thực hiện nếu có
vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về liên Bộ Nội vụ - Tài chính để
nghiên cứu, giải quyết.
BỘ
TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Đỗ Quang Trung
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Nguyễn Sinh Hùng
|