VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO – TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO – BỘ QUỐC PHÒNG- BỘ CÔNG
AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
01/2008/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP-BCA
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2008
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
VỀ QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA, TRUY TỐ,
XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ GIỮA CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG TRONG QUÂN ĐỘI VÀ NGOÀI
QUÂN ĐỘI
Để bảo đảm hoạt động điều
tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có hiệu quả, Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thống nhất hướng dẫn thực hiện
quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội, ngoài Quân
đội và các cơ quan, đơn vị có liên quan khác như sau:
I. NHỮNG VẤN
ĐỀ CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về quan hệ
phối hợp trong một số hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự giữa
các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân đội.
2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Thông tư
này là các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân
đội, cụ thể như sau:
a) Các cơ quan tiến hành tố tụng
trong Quân đội, bao gồm:
- Các Cơ quan điều tra:
+ Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc
phòng; các Cơ quan điều tra hình sự quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng,
binh đoàn, tổng cục, Bộ đội biên phòng, các tổ chức sự nghiệp Bộ Quốc phòng;
các Cơ quan điều tra hình sự khu vực;
+ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc
phòng; các Cơ quan An ninh điều tra quân khu, quân chủng, Bộ đội biên phòng;
+ Cơ quan điều tra của Viện kiểm
sát quân sự trung ương.
- Các Viện kiểm sát quân sự: Viện
kiểm sát quân sự trung ương; các Viện kiểm sát quân sự quân khu, quân chủng,
quân đoàn, cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng, các Viện kiểm sát quân sự
khu vực;
- Các Tòa án quân sự: Tòa án
quân sự trung ương; các Tòa án quân sự quân khu, quân chủng Hải quân; các Tòa
án quân sự khu vực.
b) Các cơ quan được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra trong Quân đội, bao gồm:
- Bộ đội biên phòng và lực lượng
Cảnh sát biển;
- Các cơ quan khác của Quân đội
nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: Giám thị trại
tạm giam, Giám thị trại giam, Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương
đương.
c) Các cơ quan tiến hành tố tụng
ngoài Quân đội, bao gồm:
- Các Cơ quan điều tra:
+ Các Cơ quan điều tra trong
Công an nhân dân: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều
tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan Cảnh sát điều tra
Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Cơ quan An ninh điều tra Bộ
Công an, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
+ Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát
nhân dân tối cao.
- Các Viện kiểm sát nhân dân: Viện
kiểm sát nhân dân tối cao; các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; các Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc
tỉnh;
- Các Tòa án nhân dân: Tòa án
nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
d) Các cơ quan khác của Công an
nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, bao gồm:
- Cục Cảnh sát giao thông đường
bộ - đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa
cháy, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát bảo vệ và
hỗ trợ tư pháp, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát
giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Phòng Cảnh sát
hành chính về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Trại tạm
giam, Trại giam;
- Các Cục An ninh; các Phòng An
ninh ở Công an cấp tỉnh trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm quy định tại Điều 12 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004.
3. Nguyên tắc phối hợp
Việc phối hợp trong một số hoạt
động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản
trong tố tụng hình sự, bảo đảm giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến thẩm
quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân đội nhanh
chóng, kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của mỗi cơ quan.
II. NHỮNG QUY
ĐỊNH CỤ THỂ
1. Phối hợp
trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
a) Cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân đội có trách nhiệm tiếp nhận, đăng ký
và trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc phải chuyển các tố giác, tin báo về
tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận nhưng không thuộc thẩm quyền giải
quyết của mình, kèm theo tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền
để giải quyết;
b) Cơ quan điều tra có thẩm quyền
khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố thuộc thẩm
quyền của mình phải khẩn trương tiến hành xác minh và thông báo cho Viện kiểm
sát có thẩm quyền cùng cấp biết để thực hiện chức năng kiểm sát;
c) Khi xác minh tố giác, tin báo
về tội phạm, nếu Cơ quan điều tra phát hiện sự việc đang xác minh không thuộc
thẩm quyền giải quyết của mình thì phải nhanh chóng làm rõ và trong thời hạn 5
ngày làm việc, kể từ khi có đủ căn cứ kết luận sự việc không thuộc thẩm quyền
giải quyết của mình thì phải chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan điều tra có thẩm
quyền để giải quyết tiếp;
d) Đối với sự việc phạm tội xảy
ra nhưng chưa rõ thẩm quyền giải quyết, thì căn cứ vào địa điểm xảy ra sự việc
phạm tội thuộc phạm vi quản lý của Quân đội hay ngoài Quân đội để xác định Cơ
quan điều tra trong Quân đội hay ngoài Quân đội thụ lý điều tra ban đầu và phối
hợp với Cơ quan điều tra có liên quan.
Ví dụ:
- Khi phát hiện vụ giết người xảy
ra trong khu vực quản lý, bảo vệ của đơn vị Quân đội, mặc dù chưa rõ người phạm
tội hoặc người bị hại có phải là người do Quân đội quản lý hay không, Cơ quan điều
tra trong Quân đội vẫn phải tiến hành các hoạt động ban đầu như: khám nghiệm hiện
trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai, thu giữ vật chứng, áp dụng các biện
pháp cần thiết ..., đồng thời thông báo cho Cơ quan điều tra ngoài Quân đội tại
địa phương biết để phối hợp giải quyết;
- Khi Cơ quan điều tra ngoài
Quân đội phát hiện vụ giết người hoặc cố ý gây thương tích xảy ra ngoài khu vực
quản lý, bảo vệ của đơn vị Quân đội, mặc dù có nghi vấn người phạm tội, bị hại
là người do Quân đội quản lý như có mặc quân phục, có giấy tờ tùy thân của quân
nhân; hay vụ vi phạm quy định về điều kiện phương tiện giao thông đường bộ mà
phương tiện liên quan đến tai nạn mang biển kiểm soát của Quân đội … thì Cơ
quan điều tra ngoài Quân đội vẫn phải tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu,
đồng thời thông báo cho Cơ quan điều tra trong Quân đội có thẩm quyền hoặc Cơ
quan điều tra trong Quân đội có trụ sở gần nhất biết, để phối hợp giải quyết.
đ) Đối với các vụ phạm tội xảy
ra đã rõ thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan điều tra ngoài Quân đội như: giết
người, cố ý gây thương tích, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản … xảy ra
trong khu vực quản lý, bảo vệ của đơn vị Quân đội, nhưng người phạm tội, người
bị hại là người ngoài Quân đội, không gây thiệt hại cho Quân đội; các vụ liên
quan đến quản lý, bảo vệ rừng xảy ra trong khu vực rừng mà đơn vị Quân đội được
giao bảo vệ, không phải rừng do Quân đội trồng và chăm sóc để khai thác, sử dụng
như rừng nguyên liệu, cao su, cà phê …; hay các vụ đã rõ thẩm quyền điều tra
thuộc Cơ quan điều tra trong Quân đội như: giết người, cố ý gây thương tích, vi
phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ … mà người phạm tội,
người bị hại là người do Quân đội quản lý hoặc gây thiệt hại cho Quân đội, thì
xử lý như sau:
- Cơ quan điều tra nào phát hiện
tội phạm trước phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền đến giải
quyết hoặc phối hợp giải quyết;
- Trường hợp Cơ quan điều tra có
thẩm quyền không đến kịp thì Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm phải tiến hành
các hoạt động điều tra ban đầu, sau đó chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan điều
tra có thẩm quyền giải quyết.
e) Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải trực tiếp chuyển tố giác, tin báo
về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền của mình cùng hồ sơ,
tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết. Sau khi
giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều
tra phải thông báo để cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm
hoặc kiến nghị khởi tố biết trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi ra quyết
định.
Trường hợp đã ra quyết định
không khởi tố vụ án hình sự, nhưng xác định sự việc đó có dấu hiệu vi phạm pháp
luật hành chính hoặc pháp luật khác, thì Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ, tài liệu,
vật chứng cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết;
g) Trường hợp người Chỉ huy đồn
biên phòng ở hải đảo và biên giới bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang
hoặc khẩn cấp; Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển bắt người trong trường hợp phạm
tội quả tang và đã ra quyết định tạm giữ theo quy định của pháp luật thì lệnh bắt
khẩn cấp, quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu liên quan phải được gửi ngay
đến Viện Kiểm sát quân sự (nếu rõ thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát quân
sự), hoặc Viện kiểm sát nhân dân nơi gần nhất để giải quyết theo quy định của
pháp luật.
Đối tượng bị tạm giữ trong trường
hợp này được gửi vào nhà tạm giữ hoặc trại tạm giam của Công an nơi gần nhất
theo quy định tại Thông tư liên tịch số 112/2002/TTLT-BQP-BCA ngày 16.8.2002 của
Bộ Quốc phòng và Bộ Công an “Hướng dẫn các Đồn biên phòng không có buồng tạm giữ
được gửi người bị tạm giữ tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam thuộc Bộ Công an
quản lý”;
h) Trong quá trình giải quyết tố
giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, nếu Cơ quan điều tra yêu cầu,
đề nghị trợ giúp thì các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan được giao nhiệm
vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các đơn vị thuộc Công an nhân dân, Quân
đội nhân dân có trách nhiệm phối hợp giúp đỡ.
2. Phối hợp
trong hoạt động điều tra
a) Khi điều tra vụ án, Cơ quan điều
tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nếu
phát hiện thấy vụ án có liên quan đến thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra
khác thì phải trao đổi thông tin cho Cơ quan điều tra có liên quan biết để
tránh tình trạng nhiều Cơ quan điều tra cùng khởi tố điều tra về một hành vi phạm
tội hoặc một người có hành vi phạm tội;
b) Nếu Cơ quan điều tra ngoài
Quân đội phát hiện vụ án đang điều tra còn có hành vi phạm tội của người khác
mà nghi vấn họ là người do Quân đội quản lý, thì phải nhanh chóng tổ chức xác
minh hoặc ủy thác cho Cơ quan điều tra trong Quân đội có thẩm quyền xác minh, kết
luận để quyết định việc khởi tố bị can hoặc tách, chuyển vụ án cho Cơ quan điều
tra có thẩm quyền;
c) Ngay sau khi nhận được quyết
định ủy thác điều tra, Cơ quan điều tra được ủy thác gửi bản sao quyết định này
hoặc thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền cùng cấp để thực hành quyền công
tố và kiểm sát điều tra theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra được ủy
thác phải thực hiện đầy đủ nội dung, kết luận rõ các yêu cầu và chuyển hồ sơ điều
tra ủy thác cho Cơ quan điều tra đã ủy thác trong thời hạn ghi trong quyết định
ủy thác điều tra;
d) Khi Cơ quan điều tra có căn cứ
xác định vụ án đang tiến hành điều tra không thuộc thẩm quyền điều tra của
mình, thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi phát hiện, phải đề nghị Viện
kiểm sát có thẩm quyền ra quyết định chuyển vụ án và trực tiếp bàn giao vụ án
cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp tục điều tra. Thủ tục đề nghị, thẩm quyền
quyết định chuyển vụ án thực hiện theo Mục 10, Thông tư liên tịch
số 05/2005/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối
cao – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng “Về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và
Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003”.
đ) Đối với vụ án vừa có bị can
hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội, vừa
có bị can hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra ngoài
Quân đội thì Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án chủ trì họp với Viện kiểm sát
cùng cấp và Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có liên quan để thống nhất về việc
Cơ quan điều tra trong Quân đội điều tra toàn bộ vụ án hay tách vụ án để điều
tra riêng. Việc chuyển toàn bộ hay tách, chuyển vụ án hình sự để giải quyết
theo thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Điều 117 Bộ luật
Tố tụng hình sự và điểm 4, Mục I, Thông tư liên tịch số
01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 của Tòa án nhân dân tối
cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Quốc phòng – Bộ Công an “Hướng dẫn về
thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự”. Thời hạn điều tra trong trường hợp tách,
chuyển vụ án được tính từ khi nhận được quyết định tách, chuyển và hồ sơ vụ án.
Sau khi kết thúc điều tra, trong thời hạn 5 ngày làm việc, Cơ quan điều tra
thông báo cho Cơ quan điều tra đã chuyển vụ án biết kết quả;
e) Đối với những vụ án mà người
thực hiện hành vi phạm tội trước khi họ vào công tác trong Quân đội, nếu không
liên quan đến bí mật quân sự hoặc không gây thiệt hại cho Quân đội thì Cơ quan điều
tra ngoài Quân đội có thẩm quyền điều tra. Để giải quyết trường hợp này, Cơ
quan điều tra trong Quân đội trao đổi thống nhất với Cơ quan điều tra ngoài
Quân đội và làm văn bản đề nghị Thủ trưởng đơn vị Quân đội có thẩm quyền ra quyết
định cho người có hành vi phạm tội ra quân hoặc thôi việc;
g) Cơ quan điều tra khi điều tra
vụ án mà phát hiện thấy có hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc thẩm
quyền giải quyết của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Cơ
quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương thì phải thông báo, sau đó làm
thủ tục chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến hành vi này cho Cơ quan điều tra
Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự
trung ương để giải quyết tiếp;
h) Đối với vụ án xâm phạm hoạt động
tư pháp trong đó có những người phạm tội là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp trong
Quân đội và ngoài Quân đội cùng thực hiện thì Cơ quan điều tra Viện kiểm sát
nhân dân tối cao thống nhất với Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung
ương, báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc Cơ
quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra một phần hay toàn bộ vụ
án;
i) Trong quá trình điều tra, nếu
có vướng mắc hoặc tranh chấp về thẩm quyền giữa Cơ quan điều tra trong Quân đội
và ngoài Quân đội, thì Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án phải chủ động trao
đổi với Viện kiểm sát cùng cấp và Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có liên quan,
để thống nhất biện pháp giải quyết. Trường hợp không thống nhất được, thì Viện
kiểm sát đang thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án làm báo cáo, đề
nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp của mình để có hướng giải quyết;
k) Cơ quan điều tra trong Quân đội
hoặc ngoài Quân đội khi thực hiện lệnh bắt, khám xét, áp giải, nếu cần sự trợ
giúp của Cơ quan điều tra, của các đơn vị Quân đội, Công an có liên quan thì trực
tiếp làm việc trước để thống nhất biện pháp phối hợp. Khi nhận được đề nghị, Cơ
quan điều tra và các đơn vị Quân đội, Công an có trách nhiệm nhanh chóng phối hợp,
hỗ trợ kịp thời;
l) Cơ quan điều tra và các cơ
quan, đơn vị liên quan của Quân đội và Công an phải phối hợp chặt chẽ trong thực
hiện việc bắt bị can, bị cáo theo quyết định truy nã. Trường hợp Cơ quan điều
tra trong Quân đội ra quyết định truy nã bị can, bị cáo, thì Cơ quan điều tra
hình sự Bộ Quốc phòng, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng hoặc Cơ quan điều
tra Viện kiểm sát quân sự trung ương phải trực tiếp làm việc với các cơ quan chức
năng của Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định để có biện
pháp truy nã, bắt giữ đối tượng. Khi đối tượng truy nã được bắt giữ, cơ quan
Công an thông báo, làm thủ tục bàn giao người bị bắt để Cơ quan điều tra đã quyết
định truy nã ra quyết định đình nã và tiếp tục giải quyết vụ án.
Định kỳ hàng tháng, 6 tháng, 1
năm, các Cơ quan điều tra trong Quân đội thông báo số lượng đối tượng có quyết
định truy nã chưa bắt được và đã đình nã cho Cơ quan Cảnh sát điều tra trong
Công an nhân dân để cơ quan chuyên trách về truy bắt đối tượng truy nã của Cơ
quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an biết và thực hiện thống kê hình sự.
3. Phối hợp
trong hoạt động truy tố
a) Trong giai đoạn quyết định việc
truy tố, khi nghiên cứu hồ sơ phát hiện thấy có thông tin về tội phạm hoặc người
phạm tội mới, không liên quan đến thẩm quyền giải quyết của mình thì Viện kiểm
sát làm văn bản nêu rõ lý do, gửi đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để xác
minh, giải quyết theo thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và thông
báo cho Viện kiểm sát có liên quan biết;
b) Khi Viện kiểm sát đang thụ lý
vụ án có căn cứ xác định vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thì
trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện, Viện kiểm sát phải trao đổi
thống nhất với Viện kiểm sát có thẩm quyền trước khi làm thủ tục ra quyết định
chuyển vụ án. Việc chuyển hồ sơ vụ án phải được giao nhận trực tiếp. Viện kiểm
sát nơi nhận vụ án phải tạo mọi điều kiện để việc chuyển vụ án được nhanh
chóng, thuận lợi;
c) Trường hợp có vướng mắc hoặc
không thống nhất về quan điểm chuyển, nhận vụ án giữa Viện kiểm sát nhân dân và
Viện kiểm sát quân sự thì Viện kiểm sát đang thụ lý vụ án làm báo cáo để Viện
kiểm sát cấp trên trực tiếp phối hợp với Viện kiểm sát có liên quan hướng dẫn
giải quyết;
d) Sau khi nhận hồ sơ vụ án do
Viện kiểm sát nơi khác chuyển đến, nếu cần phải yêu cầu điều tra bổ sung thì thực
hiện như sau:
- Trường hợp vụ án do Viện kiểm
sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra sau đó chuyển cho Viện
kiểm sát cấp dưới để quyết định việc truy tố (ví dụ: vụ án do Viện kiểm sát
nhân dân tối cao chuyển cho Viện kiểm sát quân sự quân khu …), thì Viện kiểm
sát cấp dưới báo cáo và ra quyết định chuyển vụ án, đề nghị Viện kiểm sát cấp
trên trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra đã điều tra vụ án để điều tra bổ sung;
- Trường hợp vụ án được chuyển đến
từ các Viện kiểm sát không có quan hệ cấp trên, cấp dưới; giữa Viện kiểm sát
nhân dân địa phương với Viện kiểm sát quân sự thì Viện kiểm sát đã nhận vụ án
trao đổi trước với Cơ quan điều tra cùng cấp rồi ra quyết định trả hồ sơ để điều
tra bổ sung. Nếu Cơ quan điều tra cùng cấp có khó khăn, vướng mắc trong việc điều
tra bổ sung thì có thể ủy thác điều tra cho Cơ quan điều tra đã điều tra vụ án;
đ) Những trường hợp tách vụ án để
truy tố theo thẩm quyền, thị Viện kiểm sát quân sự và Viện kiểm sát nhân dân có
liên quan thường xuyên thông báo cho nhau về tiến độ giải quyết, thời điểm truy
tố, quan điểm truy tố và hướng đề nghị giải quyết vụ án. Trong thời hạn 5 ngày
sau khi ra cáo trạng truy tố hoặc quyết định đình chỉ vụ án, Viện kiểm sát đã
ra các quyết định trên phải gửi bản sao cáo trạng hoặc quyết định đình chỉ vụ
án cho Viện kiểm sát có liên quan biết.
4. Phối hợp
trong hoạt động xét xử
a) Trong giai đoạn xét xử, khi
Tòa án nghiên cứu hồ sơ vụ án, mà phát hiện còn có dấu hiệu về tội phạm hoặc
người có hành vi phạm tội mới, không liên quan đến thẩm quyền xét xử của mình,
thì thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để chuyển cho Cơ quan điều tra có
thẩm quyền xác minh, giải quyết theo thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội
phạm;
b) Đối với những vụ án phức tạp,
có vướng mắc liên quan đến thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân và Tòa án
quân sự, thì Tòa án đang thụ lý vụ án chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát đã ra
cáo trạng truy tố và Viện kiểm sát có liên quan để cùng xem xét giải quyết. Trường
hợp không thống nhất được biện pháp giải quyết thì Tòa án đang thụ lý vụ án làm
báo cáo, đề nghị để Tòa án cấp trên trực tiếp phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp
có hướng giải quyết;
c) Khi có căn cứ xác định vụ án
không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ
khi phát hiện, Tòa án đang thụ lý vụ án phải trao đổi thống nhất với Tòa án có
thẩm quyền xét xử trước khi làm thủ tục quyết định chuyển vụ án. Việc chuyển hồ
sơ vụ án phải được giao nhận trực tiếp. Tòa án nơi nhận vụ án phải tạo mọi điều
kiện để việc chuyển vụ án được nhanh chóng, thuận lợi;
d) Tòa án ra quyết định chuyển vụ
án phải gửi một bản quyết định này cho Viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố.
Tòa án nơi nhận vụ án phải kiểm tra hồ sơ vụ án, thấy đúng thẩm quyền xét xử của
mình thì chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp làm lại cáo trạng, thực
hành quyền công tố và kiểm sát xét xử;
đ) Sau khi nghiên cứu vụ án do
Tòa án khác chuyển đến, nếu Tòa án có thẩm quyền xét xử thấy cần phải điều tra
bổ sung, thì ra quyết định trả hồ sơ để Viện kiểm sát cùng cấp yêu cầu Cơ quan điều
tra cùng cấp tiến hành điều tra bổ sung. Trường hợp Cơ quan điều tra cùng cấp gặp
khó khăn, vướng mắc trong việc điều tra bổ sung thì có thể ủy thác điều tra cho
Cơ quan điều tra đã điều tra vụ án;
Nếu thấy không cần thiết phải điều
tra bổ sung thì Viện kiểm sát làm văn bản chuyển lại vụ án cho Tòa án đã trả hồ
sơ và yêu cầu đưa vụ án ra xét xử;
Nếu thấy có một trong những căn
cứ quy định tại Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc căn cứ
để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo theo quy định tại Điều
19, 25 và khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự, thì trước khi mở phiên tòa, Tòa
án trao đổi để Viện kiểm sát rút quyết định truy tố và Tòa án ra quyết định
đình chỉ vụ án; nếu Viện kiểm sát không đồng ý thì Tòa án ra quyết định đưa vụ
án ra xét xử.
e) Những vụ án được tách ra để
Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự xét xử riêng theo thẩm quyền, thì Tòa án nhân
dân và Tòa án quân sự có liên quan thường xuyên trao đổi, thông báo cho nhau về
tiến độ giải quyết, thời điểm xét xử và quan điểm giải quyết vụ án. Trong thời
hạn 5 ngày làm việc sau khi xét xử sơ thẩm, Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có
văn bản thông báo cho Tòa án có liên quan biết kết quả;
g) Khi xét xử lưu động tại địa
phương, nếu cần sự trợ giúp thì Tòa án quân sự hoặc Viện kiểm sát quân sự liên
hệ trước để Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân địa phương có biện
pháp phối hợp kịp thời;
h) Việc giải quyết khiếu nại, tố
cáo trong tố tụng hình sự được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP, ngày
10/8/2005, của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ
Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tư pháp “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo”.
Trường hợp Tòa án đang giải quyết khiếu nại mà thấy nội dung khiếu nại liên
quan đến việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác,
thì Tòa án chủ động phối hợp với các cơ quan này để giải quyết.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau
15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những hướng dẫn trước đây của Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trái với Thông
tư này đều bãi bỏ.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc cần được giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung đề nghị các cơ quan,
đơn vị tổng hợp ý kiến gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối
cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để xem xét, giải quyết.
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG
Lê Thế Tiệm
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG
Phan Trung Kiên
|
KT.
CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
Trần Văn Độ
|
KT.
VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Dương Thanh Biểu
|