TỔNG CỤC HẢI QUAN
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 134/2004/QĐ-TCHQ-KTSTQ
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 2
năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 134/2004/QĐ-TCHQ-KTSTQ NGÀY 18
THÁNG 2 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THU NHẬP, XỬ LÝ VÀ QUẢN LÝ THÔNG TIN
PHỤC VỤ CÔNG TÁC KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số
29/2001-QH10 ngày 29 tháng 06 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 96/2002/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Nghị định số 102/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định
chi tiết về kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
Căn cứ Thông tư số 96/2003/TT-BTC ngày 10/10/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn
thi hành Nghị định 102/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết
về kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế thu thập, xử lý và quản lý thông
tin phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan".
Điều 2:
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3: Cục
trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ
quan Tổng cục Hải quan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan, Giám đốc Công ty
Nam Hải chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
THU THẬP, XỬ LÝ VÀ QUẢN LÝ THÔNG TIN PHỤC VỤ CÔNG TÁC KIỂM
TRA SAU THÔNG QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 134/TCHQ/QĐ-KTSTQ ngày 18 tháng 02 năm 2004
của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
I. QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1:
1.1. Thu
thập, xử lý và quản lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan là
quá trình sử dụng các biện pháp công tác để tổng hợp các nguồn thông tin, khai
thác, sử dụng có hiệu quả nhằm xác định việc chấp hành pháp luật của các tổ chức,
cá nhân trong việc thông quan hàng hoá, phương tiện vận tải.
1.2. Hệ thống thông tin phục vụ
công tác kiểm tra sau thông quan bao gồm:
- Số liệu trên tờ khai xuất khẩu,
nhập khẩu;
- Thông tin về doanh nghiệp;
- Thông tin vi phạm pháp luật về
Hải quan;
- Thông tin về cưỡng chế đối với
doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu;
- Thông tin phúc tập tờ khai;
- Các nguồn thông tin khác...
Điều 2:
2.1. Thông
tin phải được thu thập, cập nhật đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời và theo một hệ
thống thống nhất, từ Tổng cục Hải quan đến Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và
các Chi cục.
2.2. Thông tin phải được xử lý kịp
thời, nhằm phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan có hiệu quả nhất, dựa trên
nguyên tắc quản lý rủi ro.
2.3. Hệ thống thông tin phải được
quản lý chặt chẽ. Trong quá trình thu thập, xử lý và trao đổi thông tin phải được
thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về an toàn dữ liệu và bảo mật.
Điều 3:
3.1. Cục
Kiểm tra sau thông quan chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu, thu thập, xử lý và quản
lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan.
3.2. Các đơn vị nghiệp vụ thuộc
Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm cung cấp
thông tin và phối hợp với Cục kiểm tra sau thông quan khi có yêu cầu.
3.3. Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan tạo điều kiện, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ công
tác kiểm tra sau thông quan theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Hải quan.
II. NỘI DUNG
THU THẬP, XỬ LÝ VÀ QUẢN LÝ THÔNG TIN PHỤC VỤ CÔNG TÁC KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN
Điều 4:
4.1. Nguồn
thông tin phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan được thu thập trong ngành Hải
quan:
- Thông tin trong quá trình làm
thủ tục hải quan từ: bộ phận giám sát, bộ phận đăng ký tiếp nhận tờ khai, bộ phận
kiểm hoá, tính thuế, giá;
- Thông tin từ công tác phúc tập
hồ sơ tại các Chi cục Hải quan qua các báo cáo định kỳ, đột xuất và chuyên đề;
- Thông tin từ các đơn vị nghiệp
vụ thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố;
- Thông tin từ các đơn vị nghiệp
vụ thuộc cơ quan Tổng cục;
4.2. Nguồn thông tin phục vụ
công tác kiểm tra sau thông quan được thu thập từ các đơn vị khác trong ngành
Tài chính;
- Các đơn vị trong ngành Thuế;
- Các đơn vị thuộc hệ thống
thanh tra Tài chính các cấp;
- Cục Tài chính doanh nghiệp;
- Cục Quản lý giá, các Trung tâm
thẩm định giá;
- Các đơn vị thuộc hệ thống Kho
bạc Nhà nước;
- Các đơn vị khác thuộc và trực
thuộc ngành Tài chính.
4.3. Nguồn thông tin phục vụ
công tác kiểm tra sau thông quan được thu thập từ các đơn vị ngoài ngành Tài
chính;
- Thông tin từ các cơ quan chức
năng: các cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành, cơ quan Quản lý thị trường, cơ
quan Công an, Kiểm Lâm, Ngân hàng, Bộ đội Biên phòng, Kiểm dịch, cơ quan Bảo hiểm,
Giám định, cơ quan Cảng vụ, Đại lý Hàng hải, Tổng cục Thống kê...
- Thông tin từ các cá nhân, tổ
chức liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá: tên, địa chỉ, mã số, ngành
hàng kinh doanh, vốn đăng ký kinh doanh, tài khoản, nơi đăng ký tài khoản của
doanh nghiệp, các mặt hàng thường xuyên xuất, nhập khẩu, mối quan hệ với người
mua người bán nước ngoài, người vận tải...
- Thông tin từ cộng đồng doanh
nghiệp, từ các tổ chức đại diện quyền lợi của doanh nghiệp như các Hiệp hội
kinh doanh...
- Thông tin từ Phòng thương mại,
các cơ quan Thương vụ tại các nước...
- Thông tin thu thập qua các
phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh, truyền hình, Internet;
- Thông tin từ cộng tác viên của
các cơ quan Hải quan và đơn thư tố giác của quần chúng;
4.4. Nguồn thông tin phục vụ
công tác kiểm tra sau thông quan được thu thập qua hợp tác quốc tế: thông qua Bộ
Ngoại giao, Bộ Thương mại, Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Tổ chức
Hải quan thế giới (WCO), Hải quan các nước ASEAN; Tổ chức tình báo Hải quan
(RILO), Tổ chức Hải quan ASEAN và các tổ chức kinh tế quốc tế khác.
4.5. Thông tin từ các nguồn
khác...
Điều 5:
5.1. Trong
quá trình công tác, lực lượng kiểm tra sau thông quan được phép trao đổi thông
tin với các lực lượng và cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường,
biên phòng, thuế... để tăng cường hiệu quả phục vụ kiểm tra sau thông quan.
5.2. Việc trao đổi thông tin với
các lực lượng có liên quan phải đúng quy định của pháp luật và quy định của
ngành.
5.3. Nội dung trao đổi gồm:
- Những chủ trương, chính sách mới
của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế chính trị, xã hội trong nước và quốc tế;
chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi lực lượng liên quan đến công tác đấu
tranh phòng chống tội phạm, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
- Tình hình, phương thức, thủ đoạn
buôn lậu và gian lận thương mại trên phạm vi cả nước, các tuyến, địa bàn trọng
điểm; những khó khắn, vướng mắc và kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng
chống tội phạm, buôn lậu và gian lận thương mại.
- Những thông tin của các tổ chức
quốc tế có liên quan đến phòng chống tội phạm, chống buôn lậu và gian lận
thương mại.
- Các tài liệu, hồ sơ nghiệp vụ;
các thông tin phục vụ tuyên truyền pháp luật về công tác đấu tranh phòng chống
tội phạm, chống buôn lậu và gian lận thương mại; gương người tốt việc tốt của mỗi
lực lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 6:
6.1. Thông
tin sau khi thu thập phải được xử lý theo các tiêu chí sau:
6.1.1. Thông tin về tổ chức, cá
nhân xuất khẩu, nhập khẩu: Những thông tin chung về người xuất khẩu, nhập khẩu
(tên, mã số, địa chỉ, tài khoản, số hiệu tài khoản, ngành nghề kinh doanh, cơ cấu
tổ chức, các chi nhánh...), tình hình tài chính, tình hình nộp các khoản thuế
xuất, nhập khẩu hàng năm, các thông tin về quá trình chấp hành pháp luật Hải
quan (số lần vi phạm, mức độ xử lý, các doanh nghiệp có tiềm ẩn nguy cơ không
còn khả năng trả thuế xuất, nhập khẩu đã nợ cơ quan Hải quan...) để làm cơ sở
cho công tác kiểm tra dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro.
6.1.2. Thông tin về hàng hoá xuất
khẩu, nhập khẩu: mặt hàng, lượng hàng, trị giá, mã số, thuế xuất, xuất xứ, nhãn
hiệu, số lần xuất khẩu, nhập khẩu, chế độ chính sách của loại mặt hàng đó, các
ưu đãi nếu có, và các thông tin khác đánh giá về mức độ gian lận thương mại của
hàng hoá.
6.1.3. Một số thông tin khác:
tuyến đường vận chuyển, phương tiện vận chuyển, giá cả trên thị trường thế giới,
quan hệ giữa người mua và người bán...
6.2. Xử lý thông tin:
6.2.1. Đối với các thông tin về
dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan, gian lận thương mại của lô hàng xuất khẩu,
nhập khẩu thuộc tổ chức, cá nhân có trụ sở đóng trên phạm vị, địa bàn quản lý của
đơn vị thì tiến hàng nghiên cứu hồ sơ, xác minh các vấn đề có liên quan, lập kế
hoạch kiểm tra sau thông quan để có kết luận chính xác về hành vi vi phạm.
6.2.2. Đối với các thông tin về
dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan, gian lận thương mại của các lô hàng xuất
khẩu, nhập khẩu thuộc tổ chức, cá nhân có trụ sở đóng ngoài phạm vi địa bàn quản
lý của đơn vị thì lập báo cáo nêu rõ dấu hiệu vi phạm, cung cấp các thông tin về
lô hàng, về tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển Cục Hải quan tỉnh,
thành phố quản lý địa bàn của tổ chức, cá nhân đó xử lý.
6.2.3. Đối với các thông tin về
dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan, gia lận thương mại của các lô hàng xuất
khẩu, nhập khẩu thuộc tổ chức, cá nhân liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố khác
nhau và có nhiều tình tiết, nội dung phức tạp thì chuyển Cục Kiểm tra sau thông
quan xử lý.
Điều 7:
7.1. Quy
trình thu thập, xử lý thông tin tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
- Trên địa bàn quản lý hành
chính của mình, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các đơn
vị trực thuộc tổ chức thu thập thông tin, phân tích, xử lý và trao đổi thông
tin với các đơn vị có liên quan, thông báo đến các Chi cục các dấu hiệu vi phạm
pháp luật về hải quan, các phương thức, thủ đoạn gian lận thương mại; Và báo
cáo các quyết định, kết quả kiểm tra sau thông quan và kết quả phân tích thông
tin về Tổng cục Hải quan theo chế độ tháng một lần, (trừ các trường hợp báo cáo
đột xuất hoặc chuyên đề).
- Các Chi cục Hải quan cửa khẩu,
đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thu thập,
cung cấp thông tin cho Phòng Kiểm tra sau thông quan; phối hợp với Phòng kiểm
tra sau thông quan phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật, gian lận thương mại
để phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan.
7.2. Quy trình thu thập, xử lý
thông tin tại cơ quan Tổng cục Hải quan
- Tổng cục trưởng Tổng cục Hải
quan chỉ đạo các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố,
tổ chức thu thập, xử lý thông tin, để xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công
tác kiểm tra sau thông quan trong toàn ngành.
- Cục Kiểm tra sau thông quan là
đầu mối tiếp nhận, thu thập, xử lý, quản lý thông tin thống nhất và cung cấp
thông tin được cập nhật trên phạm vi toàn quốc, cho các cục Hải quan tỉnh,
thành phố.
- Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng
cục Hải quan như: Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Công nghệ thông tin và Thống
kê Hải quan, Vụ Giám sát quản lý về Hải quan, Vụ Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu,
Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Tổng cục, các Trung tâm phân tích
phân loại hàng hoá xuất nhập khẩu có trách nhiệm cung cấp các thông tin về dấu
hiệu vi phạm pháp luật, gian lận thương mại của các tổ chức, cá nhân xuất khẩu,
nhập khẩu cho Cục Kiểm tra sau thông quan; phối hợp với Cục Kiểm tra sau thông
quan khi có yêu cầu.
Điều 8:
8.1. Cục
trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống
kê Hải quan, Cục trưởng cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các
Vụ, Cục chức năng thuộc cơ quan Tổng cục chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị
thuộc quyền quản lý để đảm bảo an ninh, an toàn cho cơ sở dữ liệu thông tin tại
đơn vị mình.
8.2. Cục trưởng Cục Kiểm tra sau
thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các Vụ, Cục chức
năng thuộc cơ quan Tổng cục quy định phạm vi, thẩm quyền cho các đơn vị, cá
nhân thuộc quyền quản lý trong việc khai thác, sử dụng thông tin phục vụ công
tác kiểm tra sau thông quan.
III. XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 9: Nghiêm
cấm cố tình làm sai lệch các thông tin, làm lộ các thông tin ra ngoài, không
cung cấp thông tin kịp thời, sử dụng các thông tin vào mục đích cá nhân.
Điều 10: Đơn
vị, cá nhân vi phạm các quy định về thu thập, xử lý và quản lý thông tin phục vụ
công tác kiểm tra sau thông quan sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và của
ngành.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 11: Cục
Kiểm tra sau thông quan là đầu mối thu thập thông tin để khai thác và sử dụng
phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan trong toàn ngành; chịu trách nhiệm hướng
dẫn các đơn vị trong toàn ngành thu thập, xử lý và quản lý thông tin phục vụ
công tác kiểm tra sau thông quan. Thiết lập các tiêu chí để xây dựng cơ sở dữ
liệu chung phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan trong toàn ngành.
Điều 12: Cục
Công nghệ thông tin và thống kế Hải quan phối hợp với Cục Kiểm tra sau thông
quan tiến hành áp dụng công nghệ kỹ thuật vào công tác thu thập, xử lý và quản
lý thông tin. Sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu về tờ khai Hải quan, vi phạm,
cưỡng chế đã có của ngành, đồng thời triển khai xây dựng phần mềm chuyên dụng
phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan, tiến tới áp dụng hệ thống trao đổi dữ
liệu điện tử (EDI) và hệ thống dữ liệu Hải quan tự động hoá (ASYCUDA) phù hợp với
các chuẩn mực quốc tế.
Điều 13: Trong
phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, các Vụ, Cục chức năng thuộc cơ quan Tổng
cục có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan, thực hiện cung cấp, hướng
dẫn, khai thác, sử dụng thông tin phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan theo
đúng quy định của Quy chế này. Đồng thời các đơn vị có trách nhiệm thu thập và
gửi thông tin về Cục Kiểm tra sau thông quan theo các hình thức văn bản hoặc
trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), theo chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất hoặc
chuyên đề đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống thông tin.
Điều 14: Vụ
Kế hoạch - Tài chính chịu trách nhiệm đảm bảo kinh phí cho các đơn vị trong
ngành về trang bị máy vi tính và thiết bị kết nối, kinh phí hoạt động, xây dựng
phần mềm... phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan của ngành.
Điều 15: Cục
hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức, kiểm tra, đôn đốc
thực hiện việc thu thập và quản lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra sau
thông quan theo các nội dung quy định tại Quy chế này. Phối hợp với Cục Công
nghệ thông tin và thống kê Hải quan và các Vụ, Cục chức năng thuộc cơ quan Tổng
cục Hải quan xây dựng, khai thác và sử dụng hệ thông thông tin phục vụ công tác
kiểm tra sau thông quan tại đơn vị.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc gì các đơn vị báo cáo về Tổng cục để được hướng dẫn bổ sung kịp thời.