TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 1550/HD-TLĐ
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 09 năm 2001
|
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TINH GIẢN BIÊN CHẾ TRONG TỔ CHỨC CÔNG
ĐOÀN VIỆT NAM
Để thực hiện Nghị quyết VII của BCH Trung ương Đảng
(khóa VIII ), Nghị quyết số 16/2000/NQ–CP ngày 18/10/2000 của Chính phủ về tinh
giản biên chế trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Thông tư Liên tịch số
73/2000/TTLT–BTCCBCP–BTC ngày 28/12/2000 của Ban Tổ chức–Cán bộ Chính phủ và Bộ
Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan
hành chính, đơn vị sự nghiệp và công văn số 276–CV/TCTW ngày 8/7/2001 của Ban Tổ
chức Trung ương Đảng hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan Đảng,
đoàn thể, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn thêm một số điểm về thực
hiện chính sách tinh giản biên chế trong tổ chức công đoàn như sau:
I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG TINH GIẢN
BIÊN CHẾ TRONG HỆ THỐNG CÔNG ĐOÀN
Ngoài những quy định tại phần II, Thông tư Liên
tịch số 73/2000/TTLT–BTCCBCP–BTC ngày 28/12/2000 của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính
phủ và Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn hướng dẫn thêm như sau:
1. Phạm vi tinh giản biên chế
Biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách các cơ
quan công đoàn (Tổng Liên đoàn, Công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ tỉnh, thành phố,
quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công đoàn ngành địa phương, Công
đoàn Tổng công ty và tương đương công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự
nghiệp), hưởng lương từ ngân sách công đoàn; biên chế gián tiếp trong các đơn vị
sự nghiệp do công đoàn các cấp quản lý (gồm các trường công đoàn, Trung tâm Dịch
vụ Việc làm, Nhà xuất bản, Nhà văn hóa Lao động, Cơ quan báo, Tạp chí, Viện
nghiên cứu KHKT – BHLĐ).
Biên chế gián tiếp trong các đơn vị sự nghiệp là
những cán bộ, công chức làm việc trong các phòng, ban, bộ phận phục vụ, không
trực tiếp làm nhiệm vụ chính của đơn vị như giảng dạy nghiên cứu khoa học, biên
tập... Những người thuộc các phòng ban nêu trên nếu thường xuyên có 50% thời
gian trực tiếp làm nhiệm vụ chính của đơn vị thì không tính là biên chế gián tiếp.
Biên chế trong các cơ quan công đoàn, đơn vị sự
nghiệp sau khi giảm phải thấp hơn số biên chế theo thông báo 740/TCTW ngày
30–7–1999 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng thì những người thuộc diện tinh giản
mới được thực hiện chính sách theo Nghị quyết 16/2000/NQ–CP.
2. Đối tượng tinh giản biên
chế.
2.1– Những người đo xác định lại chức năng, nhiệm
vụ, giảm đầu mối tổ chức mà không bố trí hết lao động theo các vị trí công việc
mới được cơ quan sắp xếp trong diện tinh giản biên chế.
2.2– Những người do năng lực lãnh đạo, quản lý,
chuyên môn yếu hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật kém,
thường xuyên không bảo đảm chất lượng và thời gian quy định đối với công việc
được giao trong hai năm gần đây.
2.3– Những người trong 2 năm trở lại đây, mỗi
năm có tổng số ngày nghỉ làm việc từ 60 ngày trở lên.
2.4– Những người đang làm công tác phục vụ trong
các cơ quan công đoàn, đơn vị sự nghiệp do công đoàn quản lý bao gồm cả những
người chuyển sang áp dụng chế độ hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định
số 68/2000–NĐ–CP ngày 17–11–2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một
số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
2.5. Những người đang làm việc trong các cơ quan
công đoàn, đơn vị sự nghiệp do công đoàn quản lý được cấp có thẩm quyền điều
chuyển sang làm việc trong các tổ chức không sử dụng biên chế và quỹ lương từ
ngân sách công đoàn, ngân sách nhà nước và những người trong diện tinh giản
biên chế nhưng xin chuyển công tác sang các tổ chức không sử dụng biên chế và
kinh phí từ ngân sách công đoàn, ngân sách Nhà nước.
II. KINH PHÍ, THỦ TỤC CẤP
PHÁT, HẠCH TOÁN, QUYẾT TOÁN
1. Căn cứ Nghị quyết
16/2000/NQ–CP của Chính phủ, Thông tư 73/2000/TTLT–BTCCBCP–BTC của Liên bộ Ban
Tổ chức – Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, kinh phí để giải quyết chế độ theo
chính sách tinh giản biên chế được xác định như sau:
1.1– Các cơ quan công đoàn, đơn vị sự nghiệp do
công đoàn quản lý được sử dụng kinh phí công đoàn và nguồn kinh phí của đơn vị
để chi cho các chế độ được quy định ở điểm 1.1, mục 1, phần IV của Thông tư 73.
1.2– Ngân sách Nhà nước sẽ cấp bổ sung kinh phí
để thực hiện các chế độ còn lại theo quy định sau:
– Đối với các cơ quan công đoàn, đơn vị sự nghiệp
hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí ngân sách công đoàn, ngân sách Nhà nước, sẽ
được ngân sách Nhà nước cấp toàn bộ số tiền để thực hiện chính sách.
– Đối với các đơn vị có nguồn thu thì sử dụng
nguồn thu để chi trả, phần còn thiếu được ngân sách Nhà nước cấp để thực hiện
chính sách. Trường hợp không có nguồn chi trả, sẽ được ngân sách Nhà nước cấp
như đối với cơ quan, đơn vị hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí ngân sách công
đoàn, ngân sách Nhà nước cấp.
2. Cấp phát và quản lý:
2.1– Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành
trung Trung ương (kề cả công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ), đơn vị sự nghiệp
trực thuộc TLĐ căn cứ số lượng biên chế đã được duyệt năm 1999 (tại công văn số
740/CV–TW ngày 30/7/1999 của Ban Tổ chức Trung ương) và Quyết định số
293/QĐ–TLĐ ngày 22/2/2001 của Đoàn Chủ tịch TLĐ về tổ chức bộ máy, biên chế cán
bộ cơ quan LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương một mặt tiến hành sắp
xếp, kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế và lập danh sách đối tượng tinh giản,
tính toán số tiền giải quyết chế độ (theo các biểu 1a, 1b, 1c kèm). Mặt khác,
căn cứ đối tượng sẽ giải quyết chế độ, lập dự toán (theo biểu 2 kèm), có công
văn gửi Tổng Liên đoàn để tổng hợp báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tài
chính, BHXH Việt nam làm cơ sở tạm cấp nguồn kinh phí.
2.2– Các LĐLĐ tỉnh thành phố, Công đoàn ngành
Trung ương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc TLĐ sau khi nhận được kinh phí từ TLĐ
thực hiện ngay việc chi trả cho các đối tượng theo danh sách đối tượng cụ thể
do cơ quan, đơn vị lập tại các biểu 1a, 1b, 1c trên và phải quản lý chặt chẽ
khoản kinh phí được cấp, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng được duyệt và
các chế độ quy định. Việc chi trả đến các đối tượng thực hiện theo chế độ quản
lý tài chính hiện hành.
3. Quyết toán:
Kết thúc đợt chi trả, các LĐLĐ tỉnh, thành phố,
Công đoàn ngành Trung ương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn phải thực
hiện việc báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế và báo cáo quyết toán
kinh phí đã chi trả (theo mục 1a, 1b, 1c, 3 kèm) gửi về Tổng Liên đoàn để tổng
hợp, quyết toán với Bộ Tài chính. Trường hợp thiếu so với số tạm cấp, được cấp
bổ sung. Kinh phí sử dụng không đúng mục đích, chi sai chế độ, sử dụng không hết
đều phải thu hồi, hoàn trả lại ngân sách Nhà nước.
III. CÁC CHÍNH SÁCH TINH GIẢN
BIÊN CHẾ
1. Cơ sở tính toán mức trợ cấp và phương pháp
tính toán các chính sách tinh giản biên chế cụ thể thực hiện như phần III của
Thông tư 73.
2. Chính sách đối với cán bộ công đoàn chuyên
trách thuộc diện tinh giản biên chế.
2.1– Ngoài chính sách Nhà nước quy định tại
Thông tư 73/2000/TTLT–BTCCBCP–BTC, đối với những người nghỉ hưu trước tuổi,
thôi việc thuộc diện tinh giản biên chế đang làm việc trong các cơ quan công
đoàn, đơn vị sự nghiệp do công đoàn quản lý, hưởng lương từ nguồn ngân sách
công đoàn, ngân sách Nhà nước hoặc từ nguồn kinh phí tự trang trải được hưởng
thêm khoản trợ cấp sau:
– Từ 1 năm đến 5 năm làm công tác chuyên trách
công đoàn được trợ cấp 1000.000 đồng (một triệu đồng). Sau đó, cứ có thêm 1 năm
công tác chuyên trách công đoàn thì được trợ cấp thêm 200.000 đồng (hai trăm
ngàn đồng), nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng (năm triệu đồng).
2.2– Khoản trợ cấp trên do cơ quan, đơn vị đang
trả lương cán bộ, công chức chi trả từ nguồn kinh phí của cơ quan đơn vị mình.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành
Trung ương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn có trách nhiệm:
1.1– Tổ chức việc học tập, tuyên truyền, vận động
cán bộ, công chức quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước theo
tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa
VIII), Nghị quyết 16/2000/NQ–CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn liên
quan.
1.2– Xây dựng đề án kiện toàn tổ chức, tinh giản
biên chế, biện pháp tổ chức thực hiện của địa phương, ngành, đơn vị mình báo
cáo với cấp ủy Đảng cùng cấp và trình Tổng Liên đoàn thông qua chậm nhất trước
30/10/2001.
2. Sau khi được TLĐ thông qua đề án, các LĐLĐ tỉnh,
thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc triển khai
thực hiện đề án tinh giản biên chế đợt 1 năm 2001 và báo cáo kết quả (kèm theo
các biểu 2, 3, 4) về Tổng Liên đoàn chậm nhất 15/12/2001.
3. Trong 6 tháng đầu năm 2002, các LĐLĐ tỉnh,
thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc tiếp tục thực
hiện tinh giản biên chế đợt 2 và báo cáo kết quả (kèm theo biểu 2, 3, 4) về Tổng
Liên đoàn chậm nhất 15/12/2002.
4. Sáu tháng cuối năm 2002, các LĐLĐ tỉnh, thành
phố, Công đoàn ngành Trung ương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện tinh giản
biên chế đợt cuối và báo cáo kết quả (kèm theo biểu 2, 3, 4) về Tổng Liên đoàn
chậm nhất 15/12/2002.
Tuy nhiên, ở những cơ quan, đơn vị có điều kiện
thực hiện tinh giản biên chế trong 1 đợt thì không nhất thiết phải chia thành
nhiều đợt như trên.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc,
đề nghị các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, đơn vị sự nghiệp
trực thuộc phản ánh về Tổng Liên đoàn để tổng hợp kiến nghị các Bộ, ngành liên
quan nghiên cứu giải quyết.
|
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nguyễn An Lương
|