BỘ LAO ĐỘNG,
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
22/2003/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 10 năm 2003
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ
22/2003/TT-BLĐTBXH NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA
NGHỊ ĐỊNH SỐ 81/2003/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 7 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI
TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC
Ở NƯỚC NGOÀI
Thi hành Nghị định số
81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành Bộ luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
(sau đây gọi là Nghị định số 81/2003/NĐ-CP), sau khi có ý kiến tham gia của các
Bộ, Ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện
như sau:
I. THỦ TỤC CẤP
GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
hoạt động xuất khẩu lao động.
1.1. Hồ sơ đề nghị cấp mới giấy
phép hoạt động xuất khẩu lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định
81/2003/NĐ-CP bao gồm:
a. Đơn đề nghị cấp giấy phép
(theo mẫu số 1 kèm theo Thông tư này).
b. Văn bản đề nghị của cơ quan
quản lý doanh nghiệp:
- Văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình quy định
tại Quyết định số 91/TTg ngày 07/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ đối với doanh
nghiệp Nhà nước;
- Văn bản của người đứng đầu các
tổ chức nêu tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP đối với doanh nghiệp
do tổ chức đó quản lý;
- Văn bản của Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính đối với doanh nghiệp quy định
tại các Khoản 2, 4 Điều 8 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP .
c. Bản sao quyết định thành lập
doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp quy định
tại các Khoản 1, 3 Điều 8 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP); bản sao giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp quy định tại các Khoản 2, 4 Điều 8 Nghị
định số 81/2003/NĐ-CP).
d. Đề án về hoạt động xuất khẩu
lao động của doanh nghiệp (theo mẫu số 2 kèm theo Thông tư này) đã được cơ quan
quản lý doanh nghiệp phê duyệt.
đ. Bản xác nhận của cơ quan quản
lý doanh nghiệp về vốn điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm đề nghị cấp giấy
phép.
e. Tài liệu chứng minh về trụ sở
làm việc và cơ sở đào tạo - giáo dục định hướng của doanh nghiệp:
- Bản sao một trong các giấy tờ
sau: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, văn bản giao nhà cho doanh nghiệp sử dụng
của cơ quan có thẩm quyền hoặc hợp đồng thuê nhà với thời hạn trên 3 năm;
- Bản sao quyết định thành lập
và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở đào tạo - giáo dục định hướng
trực thuộc doanh nghiệp.
g. Sơ yếu lý lịch của Tổng giám
đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp, của người đứng đầu đơn vị xuất khẩu lao động và
người đứng đầu cơ sở đào tạo - giáo dục định hướng trực thuộc doanh nghiệp
(theo mẫu số 3 kèm theo Thông tư này); danh sách trích ngang của cán bộ thực hiện
nhiệm vụ xuất khẩu lao động (theo mẫu số 4 kèm theo Thông tư này).
h. Bản sao giấy chứng nhận ký quỹ
hoạt động xuất khẩu lao động tại Ngân hàng.
Các bản sao phải có công chứng hợp
pháp.
1.2. Hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy
phép theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP bao gồm:
a. Báo cáo kết quả hoạt động xuất
khẩu lao động của doanh nghiệp kèm theo bản chính giấy phép đã được cấp.
b. Tài liệu quy định tại Khoản
đ, e, g, h Điểm 1.1 Mục I Thông tư này.
c. Giấy xác nhận của Cục Quản lý
lao động ngoài nước về việc doanh nghiệp đã nộp đủ phí quản lý theo quy định tại
Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999 của Chính phủ, xác nhận về việc
doanh nghiệp đã đóng đủ Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động theo quy định của Nghị định
số 81/2003/NĐ-CP .
1.3. Hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy
phép theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP bao gồm:
a. Báo cáo kết quả hoạt động xuất
khẩu lao động kèm theo bản chính giấy phép đã được cấp.
b. Tài liệu quy định tại Điểm
1.1 và Khoản c Điều 1.2 Mục I Thông tư này; điều lệ tổ chức và hoạt động của
doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định số
81/2003/NĐ-CP).
2. Thời hạn cấp giấy phép hoạt động
xuất khẩu lao động theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP quy định như
sau:
2.1. Doanh nghiệp lập hồ sơ theo
quy định tại Điểm 1 Mục I nêu trên, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục
Quản lý lao động ngoài nước). Trong thời hạn 15 ngày làm việc đối với doanh
nghiệp đề nghị cấp mới giấy phép và 07 ngày làm việc đối với doanh nghiệp cấp đổi
giấy phép, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp (theo mẫu số 5 kèm
theo Thông tư này). Trường hợp chưa đủ điều kiện theo quy định, Cục quản lý lao
động ngoài nước thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp về nội dung cần bổ
sung; nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do để cơ quan quản lý doanh nghiệp và doanh nghiệp
biết.
Đối với doanh nghiệp quy định tại
Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
2.2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ
ngày cấp mới hoặc cấp đổi giấy phép, doanh nghiệp phải đăng ký ít nhất trên một
tờ báo của địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và một tờ báo của Trung
ương trong 3 số liên tiếp với các thông tin chủ yếu sau:
a. Tên đầy đủ, địa chỉ trụ sở
chính của doanh nghiệp, địa chỉ của đơn vị xuất khẩu lao động, cơ sở đào tạo -
giáo dục định hướng trực thuộc doanh nghiệp, số điện thoại, số fax; chức năng
hoạt động của doanh nghiệp.
b. Họ tên Chủ tịch Hội đồng Quản
trị (nếu có), Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp, người đứng đầu đơn vị
xuất khẩu lao động, cơ sở đào tạo - giáo dục định hướng trực thuộc doanh nghiệp.
c. Vốn điều lệ tại thời điểm cấp
giấy phép.
d. Số và ngày cấp giấy phép hoạt
động xuất khẩu lao động, thời điểm bắt đầu hoạt động theo giấy phép.
II. ĐƠN VỊ XUẤT
KHẨU LAO ĐỘNG TRỰC THUỘC DOANH NGHIỆP
Đơn vị trực thuộc theo Khoản 13
Điều 14 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP quy định như sau:
1. Doanh nghiệp có giấy phép chỉ
được giao nhiệm vụ xuất khẩu lao động cho không quá hai đơn vị trực thuộc có trụ
sở trên địa bàn tỉnh (thành phố) khác nhau. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hoạt
động xuất khẩu lao động của các đơn vị trực thuộc và chỉ doanh nghiệp mới thực
hiện giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động.
Doanh nghiệp quy định rõ phạm vi
trách nhiệm, chức năng, quyền hạn cho đơn vị xuất khẩu lao động; đồng thời báo
cáo bằng văn bản (theo mẫu số 6 kèm theo Thông tư này) cho cơ quan quản lý
doanh nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội nơi đặt trụ sở đơn vị trực thuộc, kèm theo bản sao hợp lệ giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh, tài liệu chứng minh về trụ sở làm việc và danh sách trích
ngang của cán bộ thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu lao động.
Đối với doanh nghiệp có quá hai
đơn vị xuất khẩu lao động trực thuộc thì phải sắp xếp lại trong thời hạn 60
ngày kể từ ngày Thông tư tư này có hiệu lực.
2. Khi doanh nghiệp, đơn vị trực
thuộc, cơ sở đào tạo - giáo dục định hướng thay đổi trụ sở và cán bộ thực hiện
nhiệm vụ xuất khẩu lao động thì báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý doanh nghiệp,
Cục quản lý lao động ngoài nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ
sở.
III. HỢP ĐỒNG
VÀ ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG
1. Hợp đồng ký với bên nước
ngoài theo Khoản 1 Điều 14 và Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP quy định
như sau:
1.1. Hợp đồng cung ứng lao động
ký giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài (không trực tiếp sử dụng
hoặc trực tiếp sử dụng lao động), hợp đồng nhận thầu, nhận khoán công trình hoặc
dự án đầu tư ở nước ngoài có sử dụng lao động Việt Nam và hợp đồng do người lao
động trực tiếp ký với người sử dụng lao động ở nước ngoài (hợp đồng cá nhân)
sau đây gọi chung là hợp đồng.
Hợp đồng phải đảm bảo các điều
kiện cơ bản về tiền lương, thu nhập; thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi,
thời gian làm thêm giờ; điều kiện ăn, ở, làm việc; bảo hiểm xã hội; bảo hộ lao
động; chi phí đi từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; trách nhiệm giải
quyết khi có tranh chấp lao động.
Nội dung về quyền lợi và nghĩa vụ
của người lao động phải thống nhất trong các hợp đồng: giữa người lao động và
người sử dụng lao động nước ngoài, giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp
nước ngoài, giữa người lao động và doanh nghiệp Việt Nam.
1.2. Đối với một số lĩnh vực sử
dụng nhiều lao động nữ và một số ngành nghề đặc thù; những nơi chưa có lao động
Việt Nam hoặc chưa có cơ quan đại diện Việt Nam; hợp đồng tiếp nhận số lượng lớn
lao động Việt Nam, doanh nghiệp báo cáo với Cục Quản lý lao động ngoài nước về
nội dung hợp đồng trước khi ký kết. Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước thông
báo bằng văn bản cho doanh nghiệp ý kiến của Cục về việc ký kết hợp đồng này.
1.3. Hợp đồng chỉ được ký để đưa
lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài các nghề, công việc, khu vực không thuộc
danh mục cấm quy định tại phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.
2. Thủ tục đăng ký hợp đồng đối
với doanh nghiệp theo Khoản 1 Điều 4, Điều 13 và Điều 16 Nghị định số
81/2003/NĐ-CP quy định như sau:
2.1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng gồm:
a. Một bản đăng ký hợp đồng
(theo mẫu số 7 kèm theo Thông tư này)
b. Một bản sao hợp đồng ký với
bên nước ngoài kèm theo bản dịch và các văn bản của nước nhận lao động liên
quan đến hợp đồng có xác nhận của Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp. Đối
với các hợp đồng đã được đăng ký và chấp thuận trước đó thì doanh nghiệp không
phải nộp bản sao hợp đồng.
Trường hợp doanh nghiệp nhận thầu,
nhận khoán công trình hoặc đầu tư ở nước ngoài có sử dụng lao động Việt Nam,
ngoài các tài liệu trên, nộp bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với
doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động) và phương án sử dụng
lao động Việt Nam để thực hiện hợp đồng có xác nhận của cơ quan quản lý doanh
nghiệp.
2.2. Thời hạn đăng ký hợp đồng:
a. Hồ sơ đăng ký hợp đồng được gửi
Cục Quản lý lao động ngoài nước. Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp cho doanh
nghiệp phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp đồng (theo mẫu số 9a kèm theo Thông tư
này) khi đã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
b. Sau 05 ngày làm việc đối với
hợp đồng cung ứng lao động và 07 ngày làm việc đối với hợp đồng nhận thầu, nhận
khoán công trình hoặc dự án đầu tư ở nước ngoài, kể từ ngày cấp phiếu tiếp nhận
hồ sơ đăng ký hợp đồng, nếu Cục Quản lý lao động ngoài nước không có ý kiến
khác bằng văn bản thì doanh nghiệp đương nhiên được tổ chức thực hiện hợp đồng.
Trường hợp chưa đủ điều kiện cần phải bổ sung hoặc không đủ điều kiện theo Quy
định thì Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp
biết.
3. Thủ tục đăng ký hợp đồng đối
với người lao động có hợp đồng cá nhân theo Khoản 2 Điều 4 và Điều 20 Nghị định
số 81/2003/NĐ-CP quy định như sau:
3.1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng
a. Giấy đăng ký đi làm việc ở nước
ngoài có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc đơn vị quản lý trực
tiếp (theo mẫu số 8 kèm theo Thông tư này).
b. Bản sao công chứng hợp đồng
hoặc văn bản tiếp nhận làm việc có nội dung cơ bản như hợp đồng, được cơ quan
có thẩm quyền của nước đến làm việc cho phép.
3.2. Thời hạn đăng ký hợp đồng:
Hồ sơ đăng ký hợp đồng gửi Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cư trú. Nếu hồ sơ đủ và hợp lệ, Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội cấp cho người lao động phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp
đồng (theo mẫu số 9b kèm theo Thông tư này).
Sau 05 ngày làm việc kể từ ngày
cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp đồng, nếu Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội không có ý kiến khác thì người lao động làm thủ tục xuất cảnh.
3.3. Người lao động đang ở nước
ngoài không do doanh nghiệp quản lý, nếu có hợp đồng lao động thì hợp đồng với
cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại, hồ sơ gồm: Giấy đăng ký làm việc theo
hợp đồng; bản chụp hộ chiếu; bản sao hợp đồng lao động. Trong thời hạn 05 ngày
làm việc, nếu cơ quan đại diện Việt Nam không có ý kiến khác thì người lao động
có quyền thực hiện hợp đồng.
4. Gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp
đồng lao động mới theo Điều 21 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP quy định như sau:
4.1. Người lao động do doanh
nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài, nếu được gia hạn hoặc ký hợp đồng mới thì
báo cáo với đại diện của doanh nghiệp tại nước đó (nếu có) hoặc với doanh nghiệp
đưa đi để theo dõi và quản lý.
4.2. Người lao động làm việc ở
nước ngoài quy định tại Điểm 3.3 Mục III Thông tư này, nếu được gia hạn hoặc ký
hợp đồng mới thì báo cáo với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để ghi chú
vào sổ đăng ký lao động.
IV. QUY ĐỊNH
VỀ TUYỂN CHỌN LAO ĐỘNG
1. Tuyển chọn lao động theo Khoản
3 và Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP quy định như sau:
1.1. Doanh nghiệp trực tiếp tuyển
chọn những người lao động phù hợp với yêu cầu của bên sử dụng lao động, không
được ủy quyền qua trung gian, môi giới; không được thu phí tuyển chọn của người
lao động.
1.2. Việc tuyển chọn lao động chỉ
được tiến hành khi hợp đồng đã đăng ký theo quy định tại Điểm 2.2 Mục III Thông
tư này.
1.3. Doanh nghiệp xuất trình giấy
phép hoạt động xuất khẩu lao động, kế hoạch và phương thức tuyển chọn với Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc đơn vị có nguồn lao động cung cấp; phối hợp
với chính quyền cấp huyện và xã, hoặc các cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất khác (đối
với lao động có nghề) để tuyển chọn người lao động có đạo đức tốt, có ý thức tổ
chức kỷ luật, gia đình chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước.
1.4. Trước khi tuyển chọn, doanh
nghiệp thông báo công khai tại trụ sở doanh nghiệp và địa bàn tuyển chọn các
yêu cầu về số lượng lao động cần tuyển; giới tính, độ tuổi; công việc mà người
lao động sẽ đảm nhiệm, nơi làm việc và thời hạn hợp đồng; điều kiện làm việc và
sinh hoạt; tiền lương, tiền công; các khoản chi phí phải đóng trước khi đi; các
khoản phải trích nộp từ tiền lương trong thời gian làm việc ở nước ngoài; quyền
lợi và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
1.5. Doanh nghiệp dành ít nhất
10% số lượng lao động theo hợp đồng đã ký để tuyển chọn những người đủ tiêu chuẩn
thuộc diện chính sách người có công, bộ đội, thanh niên xung phong, thanh niên
tình nguyện tham gia các công trình, dự án ở những nơi khó khăn (biên giới, hải
đảo, vùng sâu, vùng xa) đã hoàn thành nghĩa vụ và người lao động thuộc diện hộ
nghèo. Chính quyền cơ sở nơi tuyển chọn giới thiệu cho doanh nghiệp danh sách
những lao động thuộc diện nêu trên để doanh nghiệp tuyển chọn.
1.6. Chậm nhất sau 05 ngày làm
việc, kể từ ngày người lao động dự tuyển, doanh nghiệp thông báo công khai kết
quả tuyển chọn.
1.7. Doanh nghiệp thông báo thời
hạn đào tạo - giáo dục định hướng, thời gian dự kiến đưa đi cho người lao động
đã trúng tuyển. Nếu sau 6 tháng kể từ ngày trúng tuyển, doanh nghiệp chưa đưa
được người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thì thông báo rõ lý do cho người
lao động và chính quyền cơ sở hoặc đơn vị nơi cung cấp nguồn lao động biết; nếu
người lao động không có nhu cầu đi nữa hoặc doanh nghiệp không thể sắp xếp cho
người lao động đi theo nguyện vọng đã đăng ký thì hoàn trả hồ sơ (hộ chiếu, giấy
chứng nhận sức khỏe...) cho người lao động và thanh toán các khoản tiền mà người
lao động đã nộp cho doanh nghiệp theo hướng dẫn của Liên bộ Tài chính - Lao động
- Thương binh và Xã hội.
2. Hồ sơ của người lao động đi
làm việc ở nước ngoài theo Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP quy định
như sau:
2.1. Đơn vị tự nguyện đi làm việc
ở nước ngoài (có cam kết của bản thân và gia đình).
2.2. Sơ yếu lý lịch có xác nhận
của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc của đơn vị quản lý trực tiếp.
2.3. Hộ chiếu phổ thông. Đối với
thuyền viên tàu cá có thêm sổ thuyền viên; đối với sỹ quan và thủy thủ làm việc
trên tàu vận tải biển phải có hộ chiếu thuyền viên.
2.4. Giấy chứng nhận có đủ sức
khỏe đi làm việc ở nước ngoài của bệnh viện do Bộ Y tế quy định.
2.5. Chứng chỉ đào tạo - giáo dục
định hướng. Đối với sỹ quan và thủy thủ làm việc trên tàu vận tải biển có giấy
chứng nhận huấn luyện cơ bản và chứng chỉ chuyên môn theo chức danh. Đối với
chuyên gia có văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn, ngoại ngữ theo quy định của Bộ
quản lý chuyên ngành và nước tiếp nhận lao động.
2.6. Bảng kê chi phí của người
lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
2.7. Các giấy tờ cần thiết khác
theo yêu cầu của bên nước ngoài.
V. ĐÀO TẠO -
GIÁO DỤC ĐỊNH HƯỚNG
Đào tạo - giáo dục định hướng
theo Khoản 5 Điều 14, Khoản 2 Điều 18 và Khoản 5 Điều 25 Nghị định số
81/2003/NĐ-CP quy định như sau:
1. Nội dung:
1.1. Học ngoại ngữ: Người lao động
phải đạt yêu cầu về ngoại ngữ do Cục Quản lý lao động ngoài nước quy định; đối
với chuyên gia do nước tiếp nhận lao động quy định.
1.2. Đào tạo, bổ túc kiến thức
chuyên môn, kỹ năng nghề cho người lao động trong trường hợp cần thiết để có đủ
điều kiện thực hiện hợp đồng.
1.3. Giáo dục định hướng:
a. Nội dung hợp đồng doanh nghiệp
ký với doanh nghiệp nước ngoài, hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài doanh nghiệp
sẽ ký với người lao động, hợp đồng lao động người sử dụng lao động sẽ ký với
người lao động; quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động trong việc
thực hiện các điều khoản đã ghi trong hợp đồng.
b. Những hiểu biết cơ bản về
pháp luật lao động, hình sự, dân sự, xuất nhập cảnh của Việt Nam, pháp luật của
nước nhận lao động; nghĩa vụ chấp hành và tuân thủ pháp luật và các quy định hiện
hành của Nhà nước về lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
c. Phong tục, tập quán, tôn giáo
và sinh hoạt của nước nhận lao động; kinh nghiệm giao tiếp, quan hệ ứng xử với
người sử dụng lao động và những người lao động khác tại nơi làm việc.
d. Kỷ luật và tác phong lao động
công nghiệp, những quy định, quy phạm về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Chương trình và tài liệu:
2.1. Cục quản
lý lao động ngoài nước quy định chương trình và phát hành tài liệu giáo dục định
hướng đối với người lao động.
2.2. Chương trình và tài liệu đối
với chuyên gia theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.
2.3. Chương trình và tài liệu đối
với sỹ quan, thủy thủ làm việc trên tàu vận tải biển theo quy định của Bộ Giao
thông Vận tải.
3. Kiểm tra và cấp chứng chỉ:
Việc tổ chức kiểm tra đánh giá kết
quả và cấp chứng chỉ đào tạo - giáo dục định hướng cho những người đạt yêu cầu
do cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm.
4. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ
chức đào tạo - giáo dục định hướng cho người lao động đã được tuyển chọn tại cơ
sở đào tạo - giáo dục định hướng của doanh nghiệp theo quy chế của Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội.
VI. QUẢN LÝ
LAO ĐỘNG
Quản lý lao động theo Khoản 3, 4
Điều 11, Khoản 6, 7, 8, 12 Điều 14 Khoản 9 Điều 18, Khoản 4 Điều 27 Nghị định số
81/2003/NĐ-CP quy định như sau:
1. Quản lý ở trong nước:
1.1. Ký hợp đồng đi làm việc ở
nước ngoài và quản lý hồ sơ:
a. Doanh nghiệp ký hợp đồng đi
làm việc ở nước ngoài với người lao động (theo mẫu số 10 kèm theo Thông tư này)
ít nhất 07 ngày trước khi họ xuất cảnh và chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ của
người lao động.
b. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội quản lý hồ sơ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hợp đồng
cá nhân.
1.2. Bảo hiểm xã hội:
a. Đối với người lao động:
- Người lao động chưa tham gia bảo
hiểm xã hội bắt buộc ở trong nước hoặc đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội
nhưng đã được giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì tham gia bảo hiểm
xã hội tự nguyện theo quy định của Chính phủ.
- Người lao động đang tham gia bảo
hiểm xã hội bắt buộc ở trong nước mà chưa được giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội
1 lần thì được thực hiện như sau:
Nếu người lao động muốn tiếp tục
tham gia bảo hiểm xã hội thì đóng thông qua doanh nghiệp đưa đi, đối với người
lao động đi làm việc theo hợp đồng cá nhân thì đóng tại nơi đã tham gia bảo hiểm
xã hội trước khi đi; trường hợp không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì được
giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần hoặc bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm
xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
b. Đối với doanh nghiệp đưa lao
động đi làm việc ở nước ngoài:
Doanh nghiệp có trách nhiệm thu
tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (đối với những người tiếp tục tham
gia bảo hiểm xã hội), nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam nơi doanh nghiệp
đặt trụ sở và yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận vào sổ bảo hiểm xã hội của
người lao động.
1.3. Thanh lý hợp đồng:
a. Doanh nghiệp có trách nhiệm
thanh lý hợp đồng với người lao động. Nội dung thanh lý hợp đồng gồm: lập biên
bản thanh lý hợp đồng trong đó nêu rõ lý do về nước, các khoản thanh toán giữa
doanh nghiệp và người lao động; thực hiện các chính sách, chế độ theo quy định
của Nhà nước và các nội dung khác mà hai bên đã thỏa thuận; trả sổ bảo hiểm (nếu
có); làm thủ tục để người lao động về đơn vị cũ hoặc nơi cư trú trước khi đi.
Việc thanh toán tiền đặt cọc khi
thanh lý hợp đồng thực hiện theo hướng dẫn của Liên Bộ Tài chính - Lao động -
Thương binh và Xã hội.
b. Người lao động đi làm việc ở
nước ngoài theo hợp đồng cá nhân khi về nước có trách nhiệm báo cáo với Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội nơi đăng ký hợp đồng và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi
cư trú trước khi đi.
2. Quản lý ở ngoài nước:
Doanh nghiệp có trách nhiệm:
2.1. Lập danh sách lao động
(theo mẫu số 11 kèm theo Thông tư này) gửi cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở
tại, Cục Quản lý lao động ngoài nước chậm nhất 05 ngày làm việc sau mỗi chuyến
đưa lao động đi.
2.2. Quản lý và bảo vệ quyền lợi
hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc theo hợp đồng ở nước
ngoài. Những vấn đề về lao động vượt quá thẩm quyền thì doanh nghiệp báo cáo bằng
văn bản với cơ quan quản lý doanh nghiệp; đồng thời gửi cơ quan đại diện Việt
Nam ở nước sở tại, Cục Quản lý lao động ngoài nước.
2.3. Cử cán bộ quản lý có phẩm
chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và thông báo địa chỉ văn
phòng đại diện (nếu có); họ tên, địa chỉ, số điện thoại của cán bộ quản lý cho
cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại, Cục Quản lý lao động ngoài nước.
2.4. Trường hợp doanh nghiệp
không đủ điều kiện để cấp đổi giấy phép hoặc bị đình chỉ hoạt động xuất khẩu
lao động thì có trách nhiệm tiếp tục quản lý người lao động do doanh nghiệp đưa
đi cho đến khi thanh lý xong hợp đồng với người lao động.
2.5. Trường hợp doanh nghiệp thuộc
diện xem xét giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì bàn giao hồ sơ, tài
liệu có liên quan đến số lao động đang làm việc ở nước ngoài cho cơ quan quản
lý doanh nghiệp để xử lý các vấn đề liên quan đến người lao động theo quy định
tại Nghị định số 81/2003/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn kèm theo. Đối với những
người lao động đã được doanh nghiệp tuyển chọn và làm xong thủ tục hồ sơ thì
doanh nghiệp chủ động thỏa thuận để chuyển hợp đồng cho doanh nghiệp xuất khẩu
lao động khác thực hiện hoặc báo cáo cơ quan quản lý doanh nghiệp xem xét quyết
định.
3. Chế độ báo cáo:
3.1. Doanh nghiệp lập báo cáo về
lao động đi làm việc ở nước ngoài (theo mẫu số 12a kèm theo Thông tư này) gửi Cục
Quản lý lao động ngoài nước trước ngày 20 hàng tháng; lập báo cáo định kỳ 6
tháng và cả năm (theo mẫu số 12b kèm theo Thông tư này) gửi Cục Quản lý lao động
ngoài nước, cơ quan quản lý doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
nơi doanh nghiệp và đơn vị xuất khẩu lao động trực thuộc đặt trụ sở trước ngày
20/6 và 20/12 hàng năm.
3.2. Cơ quan quản lý doanh nghiệp
tổng hợp và báo cáo về lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp
thuộc phạm vi quản lý định kỳ 6 tháng và cả năm (theo mẫu số 12c kèm theo Thông
tư này) gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 25/6 và 25/12 hàng
năm để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
3.3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương tổng hợp và báo cáo về lao động của địa phương đi làm
việc ở nước ngoài (số lao động của các doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý và
số lao động của các doanh nghiệp khác) định kỳ 6 tháng và cả năm (theo mẫu số
12d kèm theo Thông tư này) gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày
25/6 và 25/12 hàng năm.
3.4. Trường hợp người lao động bỏ
hợp đồng, đình công, tai nạn, chết, mất tích doanh nghiệp có trách nhiệm báo
cáo kịp thời với cơ quan quản lý doanh nghiệp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
sở tại và Cục Quản lý lao động ngoài nước.
VII. KHEN THƯỞNG
VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
1. Khen thưởng theo Điều 34 Nghị
định số 81/2003/NĐ-CP quy định như sau:
Tập thể và cá nhân người Việt
Nam, tổ chức và cá nhân người nước ngoài có thành tích suất sắc trong hoạt động
xuất khẩu lao động và chuyên gia, được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đề
nghị thì được xét khen thưởng theo quy chế khen thưởng về xuất khẩu lao động và
chuyên gia.
2. Xử lý vi phạm theo Điều 35
Nghị định số 81/2003/NĐ-CP quy định như sau:
2.1. Đối với doanh nghiệp:
Doanh nghiệp vi phạm Nghị định số
81/2003/NĐ-CP thì bị xử phạt theo quy định của Nghị định xử phạt hành chính về
hành vi vi phạm pháp luật lao động. Trường hợp gây thiệt hại cho người lao động
thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tùy theo tính chất
và mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng một trong các biện pháp xử phạt bổ sung sau:
a. Các biện pháp xử phạt bổ sung
gồm:
- Tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng;
- Đình chỉ có thời hạn hoạt động
xuất khẩu lao động.
a.1. Tạm đình chỉ thực hiện hợp
đồng:
Doanh nghiệp bị tạm đình chỉ thực
hiện hợp đồng đối với một trong các trường hợp sau:
- Vi phạm việc tuyển chọn lao động
theo quy định tại Điểm 1.1, 1.2, 1.3 và 1.4 Mục IV Thông tư này;
- Không tổ chức đào tạo - giáo dục
định hướng cho người lao động trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài;
- Thu phí dịch vụ xuất khẩu lao
động, thu và quản lý tiền đặt cọc của người lao động không đúng quy định;
- Không thực hiện ký hợp đồng đi
làm việc ở nước ngoài với người lao động;
- Không xử lý kịp thời mâu thuẫn
phát sinh về việc làm, tiền lương, thu nhập, các khoản khấu trừ, điều kiện sinh
hoạt giữa người sử dụng lao động ở nước ngoài và tập thể người lao động.
a.2. Đình chỉ có thời hạn hoạt động
xuất khẩu lao động:
Doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động
xuất khẩu lao động từ 1 tháng đến 6 tháng đối với một trong các trường hợp sau:
- Đã bị xử phạt với hình thức tạm
đình chỉ thực hiện hợp đồng nhưng tái phạm hoặc có vi phạm tương tự trong quá
trình thực hiện các hợp đồng khác;
- Chưa thực hiện việc đăng ký hợp
đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP nhưng đã đưa
lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Không báo cáo trưóc khi ký kết
hợp đồng đối với các nghề đặc thù và một số lĩnh vực quy định tại Điểm 1.2 Mục
III Thông tư này nhưng đã tổ chức tuyển chọn lao động;
- Thiếu trách nhiệm trong việc
giải quyết tranh chấp gây thương hại đến quyền lợi hợp pháp của người lao động;
- Lợi dụng danh nghĩa hoạt động
xuất khẩu lao động để tuyển chọn, đào tạo - giáo dục định hướng nhằm thu lời bất
chính.
b. Thẩm quyền
xử lý vi phạm:
b.1. Cục trưởng Cục quản lý lao
động ngoài nước có quyền tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng; đình chỉ hoạt động xuất
khẩu lao động của doanh nghiệp từ 1 tháng đến 6 tháng.
b.2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động
theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP .
2.2. Đối với người lao động:
Người lao động vi phạm các điều
khoản của hợp đồng đã ký với doanh nghiệp Việt Nam, hợp đồng đã ký với người sử
dụng lao động ở nước ngoài, hoặc vi phạm pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở
tại, hoặc tự ý bỏ hợp đồng thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng
các hình thức xử lý theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 35 Nghị định số
81/2003/NĐ-CP .
VIII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các tổ chức nêu tại Khoản 3 Điều 8 Nghị
định số 81/2003/NĐ-CP , Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội
đồng quản trị tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình quy định tại Quyết định
số 91/TTg ngày 07/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm quán triệt,
tuyên truyền pháp luật về xuất khẩu lao động, chỉ đạo phát triển thị trường lao
động, xây dựng kế hoạch xuất khẩu lao động hàng năm và 5 năm; quản lý, chỉ đạo
và hàng năm đánh giá hoạt động xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp thuộc phạm
vi quản lý; phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan kịp thời giải quyết những vấn đề
phát sinh liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động thuộc phạm vi trách nhiệm.
2. Cục Quản lý lao động ngoài nước,
Thanh tra thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý doanh nghiệp
quy định tại Điều 27 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt
động xuất khẩu lao động, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo
quy định của pháp luật.
3. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước về hoạt
động xuất khẩu lao động tại địa phương, hướng dẫn các doanh nghiệp tuyển chọn
lao động đi làm việc ở nước ngoài theo đúng các khu vực được phân công; kiểm
tra, thanh tra công tác tuyển chọn, đào tạo - giáo dục định hướng cho người lao
động; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức,
cá nhân trong hoạt động xuất khẩu lao động.
4. Thông tư này có hiệu lực sau
15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, bãi bỏ Thông tư số 28/1999/TT-BLĐTBXH ngày
15/11/1999.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên
cứu giải quyết.