NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5.
Tổ chức tín dụng cổ phần có thể được đặt vào tình trạng
kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một hoặc một số trường hợp sau đây:
1. Có nguy cơ mất khả năng chi
trả, được biểu hiện:
1.1. 03 lần liên tiếp trong một
tháng, không duy trì được giá trị tài sản động tương đương với các khoản phải
chi trả trong 3 ngày làm việc tiếp theo;
1.2. Không có khả năng huy động
để thanh toán những khoản nợ đến hạn;
2. Có nguy cơ mất khả năng thanh
toán, được biểu hiện:
2.1. Các khoản nợ khó đòi, nợ
cho vay quá hạn từ 12 tháng trở lên chiếm trên 10% tổng dư nợ cho vay;
2.2. Các khoản nợ khách hàng
không có khả năng thanh toán, không có tài sản thế chấp hợp pháp lớn hơn 100% vốn
tự có.
3. Số lỗ luỹ kế lớn hơn 50% tổng
số vốn điều lệ thực có và các quỹ.
Điều 6.
1. Khi có
nguy cơ lâm vào một trong những tình trạng nêu tại Điều 5, Tổ chức tín dụng cổ phần
phải báo cáo ngay Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi Tổ chức tín dụng đặt trụ sở
chính về thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng hoặc dự
kiến áp dụng để khắc phục.
2. Căn cứ báo cáo của Tổ chức
tín dụng cổ phần quy định tại khoản 5.1. điều này và khả năng tự chấn chỉnh hoặc
qua công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát phát hiện Tổ chức tín dụng cổ phần
lâm vào một trong những trường hợp nêu tại Điều 5, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng
Nhà nước nơi tổ chức tín dụng cổ phần đặt trụ sở chính hoặc Thanh tra Ngân hàng
Nhà nước phải báo cáo và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định đặt Tổ
chức tín dụng cổ phần vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Điều 7.
Quyết định kiểm soát đặc biệt gồm những nội dung sau:
1. Tên Tổ chức tín dụng cổ phần
được kiểm soát đặc biệt;
2. Lý do kiểm soát đặc biệt;
3. Họ, tên thành viên và nhiệm vụ
cụ thể của Ban kiểm soát đặc biệt;
4. Thời hạn kiểm soát đặc biệt.
Điều 8.
1. Ban kiểm
soát đặc biệt được thành lập theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng
ban do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
2. Trưởng ban kiểm soát đặc biệt
có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban theo phạm vi nhiệm
vụ, quyền hạn đã quy định; chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề có liên quan đến
quá trình kiểm soát đặc biệt Tổ chức tín dụng cổ phần; chịu trách nhiệm trước
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc điều
hành Ban kiểm soát đặc biệt và các quyết định liên quan đến việc kiểm soát đặc
biệt tổ chức tín dụng.
3. Ban kiểm soát đặc biệt phải
có tối thiểu 3 thành viên, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt phải có đủ các
tiêu chuẩn sau:
3.1. Là cán bộ của Chi nhánh
Ngân hàng Nhà nước, thuộc các phòng: quản lý các tổ chức tín dụng, tổng hợp
(nơi không có phòng quản lý các tổ chức tín dụng), Thanh tra, Quản lý ngoại hối,
Kế toán, Tín dụng;
3.2. Có trình độ, kinh nghiệm về
công tác nghiệp vụ chuyên môn và có thời gian công tác trong ngành ngân hàng ít
nhất là 03 năm;
3.3. Không phải là cổ đông, bố,
mẹ, vợ, chồng, con của một trong các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát
viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của Tổ chức tín dụng cổ phần được kiểm soát đặc
biệt.
4. Các thành viên Ban kiểm soát
đặc biệt thực hiện công việc theo sự phân công của Trưởng ban và chịu trách nhiệm
trước Trưởng ban, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố về việc
thực thi nhiệm vụ của mình. Việc thay thế thành viên Ban kiểm soát đặc biệt do
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định theo đề nghị của Giám đốc Chi nhánh
Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và Trưởng ban kiểm soát đặc biệt.
5. Trường hợp cần thiết, Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định một tổ chức tín dụng khác tham gia kiểm soát đặc
biệt Tổ chức tín dụng cổ phần và chỉ định cán bộ của Tổ chức tín dụng đó tham
gia vào Ban kiểm soát đặc biệt.
Điều 9.
Ban kiểm soát đặc biệt có các nhiệm vụ, quyền hạn và
trách nhiệm sau:
1. Nhiệm vụ:
1.1. Chỉ đạo Hội đồng quản trị,
Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) Tổ chức tín dụng cổ phần được đặt vào
tình trạng kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động.
Nội dung phương án phải thể hiện
rõ: thực trạng tổ chức và hoạt động, nguyên nhân, biện pháp, thời gian thực hiện
và hiệu quả của phương án;
1.2. Chỉ đạo và giám sát Tổ chức
tín dụng cổ phần triển khai các biện pháp được nêu trong phương án củng cố Tổ
chức tín dụng cổ phần đã được Ban kiểm soát đặc biệt thông qua;
Để chỉ đạo triển khai thực hiện
phương án, Ban kiểm soát đặc biệt được quyền yêu cầu Tổ chức tín dụng cổ phần:
1.2.1. Báo cáo, cung cấp tài liệu,
thông tin liên quan đến tổ chức nhân sự, tình hình hoạt động, thực trạng tài
chính;
1.2.2. Kiểm kê toàn bộ tài sản
hiện có hoặc thực hiện kiểm toán độc lập nhằm xác định tình hình hoạt động, tài
chính tại thời điểm Tổ chức tín dụng cổ phần được đặt trong tình trạng kiểm soát
đặc biệt để xác định đúng thực trạng tài chính;
12.3. Mời các khách nợ, chủ nợ đến
đối chiếu công khai để xác định khả năng thu nợ, trả nợ;
1.2.4. Lập hồ sơ đề nghị các cơ
quan luật pháp xử lý những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật hoặc cố tình
không trả nợ;
1.3. Thường xuyên báo cáo Giám đốc
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước về tình hình, diễn biến của Tổ chức tín dụng cổ phần;
Định kỳ hàng tháng báo cáo đánh giá kết quả thực hiện phương án củng cố Tổ chức
tín dụng cổ phần lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
2. Quyền hạn:
2.1. Được quyền đình chỉ những
hoạt động không phù hợp với phương án đã được thông qua, các quy định không đảm
bảo an toàn trong hoạt động có thể gây phương hại đến lợi ích của người gửi tiền.
Trong thời gian tối đa 3 ngày phải báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quyết
định xử lý việc đình chỉ;
2.2. Đề nghị
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đình chỉ quyền quản trị, điều hành, kiểm soát tổ
chức tín dụng của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc
(Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc).
2.3. Yêu cầu Hội đồng quản trị,
Tổng giám đốc (Giám đốc) miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với những người thừa
hành trong tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành
phương án củng cố tổ chức và hoạt động đã được thông qua;
2.4. Kiến nghị Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước gia hạn hoặc chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt;
2.5. Kiến nghị Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước về khoản cho vay đặc biệt để bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi của
khách hàng.
2.6. Đề nghị Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước quyết định những vấn đề phát sinh không nằm trong phương án củng cố,
chấn chỉnh tổ chức tín dụng cổ phần trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt.
3. Trách nhiệm:
Ban kiểm soát đặc biệt chịu
trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các quyết định của mình trong
quá trình thực hiện kiểm soát đặc biệt.
Điều 10.
1. Ban kiểm
soát đặc biệt làm việc tại tổ chức tín dụng cổ phần được kiểm soát đặc biệt;
2. Ban kiểm soát đặc biệt sử dụng
con dấu của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trong các văn bản, báo cáo do Trưởng
ban ký; giữ bí mật thực trạng của tổ chức tín dụng trừ khi có yêu cầu bằng văn
bản của cơ quan có thẩm quyền;
3. Ban kiểm soát đặc biệt kết
thúc nhiệm vụ khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyết định chấm dứt việc kiểm
soát đặc biệt đối với Tổ chức tín dụng cổ phần.
Điều 11.
Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc)
Tổ chức tín dụng cổ phần được kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm:
1. Xây dựng phương án củng cố tổ
chức và hoạt động trình Ban kiểm soát đặc biệt thông qua và tổ chức triển khai
thực hiện phương án đó;
2. Tiếp tục quản
trị, kiểm soát, điều hành hoạt động và bảo đảm an toàn tài sản của Tổ chức tín
dụng cổ phần theo đúng quy định của luật pháp, của Ngân hàng Nhà nước trừ trường
hợp bị đình chỉ quyền quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng;
3. Làm việc thường xuyên tại Tổ
chức tín dụng cổ phần để triển khai thực hiện phương án củng cố và giám sát hoạt
động của Ban điều hành. Các cá nhân cố tình trốn tránh thực thi nhiệm vụ sẽ bị
truy cứu trách nhiệm theo quy định của luật pháp hiện hành;
4. Chịu trách nhiệm về các vấn đề
liên quan đến tổ chức và hoạt động Tổ chức tín dụng cổ phần trước, trong và sau
giai đoạn kiểm soát đặc biệt.
5. Trong trường hợp phải thành lập
Ban quản trị lâm thời theo tiết 2.2 khoản 2 Điều 9, Ban quản trị lâm thời phải
xác định ngay trách nhiệm của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát
và Ban điều hành cũ và tiếp nhận ngay việc quản trị, kiểm soát, điều hành Tổ chức
tín dụng cổ phần.
6. Chấp hành nghiêm túc các yêu
cầu của Ban kiểm soát đặc biệt.
7. Báo cáo tình hình triển khai
và kết quả thực hiện các biện pháp kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ban kiểm
soát đặc biệt;
8. Thực hiện chế độ tiết giảm đến
mức thấp nhất chi tiêu tài chính nhằm giảm bớt tổn thất về tài chính;
9. Bố trí địa điểm, phương tiện
làm việc cho Ban kiểm soát đặc biệt.
Điều 12.
Nhằm bảo đảm an toàn tài sản của Tổ chức tín dụng cổ phần,
trong thời gian bị kiểm soát đặc biệt, nghiêm cấm Tổ chức tín dụng cổ phần thực
hiện các công việc sau, nếu chưa được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước:
1. Cho cổ đông chuyển nhượng cổ
phần;
2. Chia lợi tức cổ phần (nếu
có);
3. Cất dấu, tẩu tán, cầm cố, thế
chấp, chuyển nhượng tài sản và các tài liệu, hồ sơ liên quan;
4. Từ chối hoặc giảm bớt quyền,
nghĩa vụ và trách nhiệm đối với khách hàng.
Điều 13.
Để bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi của khách hàng, Tổ
chức tín dụng cổ phần được kiểm soát đặc biệt có thể được các tổ chức tín dụng
khác hoặc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt theo đề nghị của Hội đồng quản trị
Tổ chức tín dụng cổ phần và của Ban kiểm soát đặc biệt. Khoản vay đặc biệt này
sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác của Tổ chức tín dụng;
Thủ tục vay và việc sử dụng khoản cho vay này phải bảo đảm theo đúng quy định
hiện hành.
Điều 14.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thời hạn kiểm
soát đặc biệt cụ thể đối với từng Tổ chức tín dụng cổ phần.
Trong trường hợp cần thiết và Tổ
chức tín dụng cổ phần đề nghị, Ngân hàng Nhà nước có thể cho Tổ chức tín dụng cổ
phần được gia hạn thời gian kiểm soát đặc biệt. Thời gian kiểm soát đặc biệt (kể
cả thời gian được gia hạn) không vượt quá 2 năm.
Điều 15.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định chấm dứt việc kiểm
soát đặc biệt đối với Tổ chức tín dụng cổ phần trong các trường hợp sau:
1. Hết hạn kiểm soát đặc biệt mà
không được gia hạn hoặc Tổ chức tín dụng cổ phần không có khả năng giải quyết
được nguyên nhân dẫn đến tình trạng kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Nhà nước
quyết định thu hồi giấy phép hoạt động.
2. Tổ chức tín dụng cổ phần đã
khắc phục được các nguyên nhân gây nên tình trạng kiểm soát đặc biệt và trở lại
hoạt động bình thường.
3. Tổ chức tín dụng cổ phần được
sáp nhập hay hợp nhất với một Tổ chức tín dụng khác theo các quy định của pháp
luật hiện hành.
4. Tổ chức tín dụng cổ phần lâm
vào tình trạng phá sản và bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố phá sản
theo luật định.