ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 21/2005/CT-UBND |
Nghệ An, ngày 17 tháng 05 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ NỢ ĐỌNG VÀ CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong các năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả thu hàng năm đều vượt dự toán Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tạo điều kiện cho UBND tỉnh chủ động điều hành ngân sách, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh. Đạt được kết quả như trên ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, HĐND, UBND và các ngành, sự nỗ lực phấn đấu của ngành Thuế, cần nói đến việc đóng góp của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh. Thể hiện đa số doanh nghiệp, hộ kinh doanh kê khai thuế giá trị gia tăng hàng tháng, thuế thu nhập doanh nghiệp sát đúng với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị đã góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền hỗ trợ đối tượng nộp thuế đã có tác dụng rõ rệt, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã nâng cao ý thức trách nhiệm của mình về nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước.
Tuy vậy, tình hình thất thu thuế, phí, lệ phí, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (gọi chung là thuế) còn khá lớn, tình trạng nợ đọng thuế vẫn còn phổ biến. Nhiều đơn vị nợ thuế dây dưa kéo dài nhất là doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh cá thể.
Một số ngành chưa quan tâm đúng mức đối với các doanh nghiệp thuộc ngành trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách. Sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các ngành chức năng để thu thuế chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp.
Để tăng cường xử lý nợ đọng và chống thất thu ngân sách Nhà nước phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước giao, tạo nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2005, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, các cơ quan đơn vị và cá nhân có liên quan thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây :
1. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 112/2004/NQ.HĐND-XV khóa 15, kỳ họp thứ 3 về phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2005. Kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc của các cơ sở kinh doanh để thực hiện tốt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế HĐND tỉnh đề ra.
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần có giải pháp chỉ đạo các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh tăng doanh thu, tăng hiệu quả để có điều kiện hoàn thành nghĩa vụ thu ngân sách. Có biện pháp kiểm tra và đề xuất xử lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dây dưa nợ đọng thuế kéo dài.
2. Cục Thuế Nghệ An :
a) Đẩy mạnh công tác thu nợ thuế : Soát xét các doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn nợ đọng thuế, để phân tích rõ nguyên nhân nợ đọng kéo dài, phân loại nợ để có biện pháp thu nợ kịp thời vào ngân sách Nhà nước, chú ý đôn đốc các doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa, để thu nợ đúng quy định.
b) Chủ động phối hợp Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, các tổ chức tín dụng và các cơ quan có liên quan, xây dựng quy chế cưỡng chế, thu nợ thuế, trình UBND tỉnh duyệt. Tổ chức thu ngay vào ngân sách Nhà nước các khoản nợ đọng thuế có khả năng thu hồi qua kiểm tra, thanh tra quyết toán thuế tại cơ sở kinh doanh, hoặc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến lĩnh vực thuế.
c) Tổ chức một bộ phận để chuyên trách việc theo dõi, đôn đốc thu nợ thuế và phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế thu nợ thuế vào ngân sách Nhà nước...
d) Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan : Cục Thống kê, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Thương mại, UBND các huyện, thành, thị, các Ban quản lý dự án... để nắm bắt thông tin về doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có thu nhập cao, từ đó có biện pháp phối hợp để thu các khoản nợ đọng thuế và các khoản thuế phát sinh được kịp thời vào ngân sách Nhà nước.
đ) Tăng cường các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ doanh thu, chi phí của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh như :
- áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật; tổ chức khảo sát việc bán hàng tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để xác định ngưỡng doanh thu tối thiểu mà doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải kê khai. Trong đó tập trung vào các ngành hàng : kinh doanh xe hai bánh gắn máy; kinh doanh ăn uống; kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách đối với các doanh nghiệp; kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh xăng dầu, các trạm thu phí...
e) Cục Thuế phối hợp Chi cục quản lý Thị trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức kiểm tra nghiêm ngặt các doanh nghiệp, các hàng hóa vận chuyển trên đường, các đơn vị hưởng thụ ngân sách mua bán hàng hóa vật tư trong việc chấp hành chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định tại Nghị định số 89/2002/NĐCP ngày 07/11/2002 của Chính phủ và Thông tư 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính.
- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật thuế, vi phạm chế độ quản lý sử dụng hóa đơn chứng từ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
- Sở Tài chính quản lý chặt chẽ chi tiêu của các tổ chức, đơn vị hưởng thụ ngân sách, không duyệt chi và quyết toán đối với các khoản chi không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
3. Các Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước Quỹ hỗ trợ phát triển có trách nhiệm thực hiện trích tiền gửi của các tổ chức, cá nhân để nộp vào ngân sách theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
4. Sở Kế hoạch Đầu tư :
- Tăng cường kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp sau khi cấp giấy phép kinh doanh nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm về đăng ký kinh doanh.
- Chủ trì cùng với Cục Thuế để rà soát xét lại việc cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, chú ý việc miễn, giảm tiền thuế đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đúng với quy định tại Nghị định 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, Nghị định số 35/2002/NĐ-CP ngày 29/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (Sửa đổi), không được ưu đãi trái quy định.
5. Cục Thống kê : Cung cấp đầy đủ kịp thời các thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của Luật Thống kê cho cơ quan Thuế và Hải quan cùng cấp để phục vụ cho công tác quản lý thu thuế sát thực tế sản xuất kinh doanh của đơn vị.
6. UBND các huyện, thành, thị :
- Những huyện chưa xây dựng xong bảng giá đất, phải khẩn trương xây dựng bảng giá đất trình UBND tỉnh duyệt để làm cơ sở cho việc thu các khoản thuế, phí, lệ phí liên quan về đất kịp thời.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng ở huyện phối hợp với cơ quan thuế để tổ chức điều tra cưỡng chế thu nợ thuế, trong những trường hợp chây ỳ nợ thuế kéo dài không chấp hành các quyết định về thu thuế lập hồ sơ truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh theo luật định.
7. Các cơ quan Thông tấn, Báo chí :
- Phối hợp với cơ quan thuế đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thuế, Luật Hải quan làm cho mọi tổ chức và cá nhân, hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc nộp thuế cho Nhà nước. Kịp thời thông tin, đăng tải những doanh nghiệp, hộ kinh doanh trốn, nợ đọng thuế kéo dài, đồng thời biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế.
8. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc các Luật, Pháp lệnh, các quy định của Nhà nước về thuế và thực hiện nộp thuế đầy đủ, kịp thời đúng với kết quả sản xuất kinh doanh của mình, góp phần vào việc phát triển kinh tế tỉnh nhà.
9. Định kỳ 1 quý 1 lần Cục Thuế, Cục Hải quan tổng hợp tình hình thực hiện việc thu nợ đọng thuế của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và công tác chống thất thu thuế trên địa bàn báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh biết để xử lý.
Trên đây là những nội dung chủ yếu về xử lý nợ đọng thuế và chống thất thu Ngân sách Nhà nước, yêu cầu các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.
|
TM.UBND TỈNH NGHỆ AN CHỦ TỊCH
Nguyễn Thế Trung |