ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
64/2005/QĐ-UBND
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO CÁN BỘ, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ
MIỀN NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM 2005
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ
về việc phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục Pháp luật từ năm 2003 - 2007;
Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chương trình hành động Quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức
chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến
năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 07/2005/QĐ-UB ngày 13 tháng 01 năm 2005 của UBND tỉnh
Nghệ An Về việc ban hành Đề án Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ
năm 2005 đến năm 2010;
Theo đề nghị của Sở Tư pháp và Sở Tài chính tại Tờ trình liên ngành số
415/TTLN-TP-TC ngày 16 tháng 5 năm 2005 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực
hiện Đề án Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển
khai thực hiện Đề án Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ,
đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2005.
Điều 2. Giao Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo
dục pháp luật của tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài chính; UBND các huyện miền núi và
UBND các huyện có xã miền núi; các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể có liên
quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu
quả phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày ký
Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
Giám đốc Sở Tư pháp, Sở Tài chính; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành cấp
tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện miền núi và UBND các huyện có xã miền núi chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
TM.
UBND TỈNH NGHỆ AN
Nguyễn Thế Trung
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CÔNG
TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO CÁN BỘ, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN
NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM 2005
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 64/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2005 của
UBND tỉnh Nghệ An).
Ngày 13 tháng 01 năm 2005, UBND
tỉnh đã ký Quyết định số 07/2005/QĐ-UB về việc ban hành Đề án tăng cường công
tác phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa
bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2005 đến năm 2010.
Để triển khai thực hiện tốt đề
án theo từng năm, từng giai đoạn, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện
trong năm 2005 như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU:
1. Mục đích.
- Nhằm trang bị kiến thức và từng
bước nâng cao hiểu biết pháp luật để cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi chấp hành đúng pháp luật, đồng thời sử dụng pháp luật để làm phương tiện bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong
bộ máy Nhà nước và trong xã hội; tạo được chuyển biến căn bản trong việc nâng
cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ, dân tộc
thiểu số và miền núi góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật.
- Để xây dựng được một đội ngũ
báo cáo viên, tuyên truyền viên ổn định ở địa phương, trong đó lực lượng nòng cốt
là cán bộ đoàn thể, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, đội ngũ giáo viên và cán
bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang đóng quân hoặc tăng cường công tác tại địa
phương.
- Tạo cơ chế phối hợp giữa các
Sở, Ban, Ngành, tổ chức đoàn thể và UBND các huyện trong công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp
trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến tận từng bản, làng
vùng sâu và dân tộc thiểu số để từ đó từng bước hình thành nếp thông tin, tuyên
truyền, tìm hiểu pháp luật... thành một hình thức thường xuyên ở cơ sở.
2. Yêu cầu.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần được
duy trì thường xuyên.
- Khai thác và lựa chọn hiệu quả
các hình thức, phương pháp và nội dung phù hợp với địa bàn, đối tượng để phổ biến
pháp luật.
- Lồng ghép công tác phổ biến
pháp luật với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở địa
phương.
- Gắn công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
II. NỘI DUNG
VÀ BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH :
1. Nội dung: Trong năm 2005 cần tập trung tuyên truyền phổ biến cho cán bộ, đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi nội dung các văn bản có liên quan trực tiếp đến
thẩm quyền quản lý Nhà nước, đời sống của cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi đó là: Luật Tổ chức HĐND - UBND; Luật Khiếu nại, Tố cáo; Luật Biên giới
Quốc gia; Luật Đất đai; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Hôn nhân Gia đình;
Pháp lệnh Dân số; Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
2. Biện pháp tiến hành:
- Tổ chức các Hội nghị tập huấn
để quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung đã nêu nhằm đảm bảo thực hiện
việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân.
- Phối hợp với các Sở, Ban,
Ngành, các tổ chức có liên quan để lồng ghép công tác PBGDPL theo từng nội dung
đối với từng đơn vị cụ thể.
- Tổ chức biên soạn, phát hành
các loại tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật và biên dịch sang các thứ tiếng dân tộc;
Nâng cao chất lượng và số lượng Tập san Pháp luật và Đời sống của Hội đồng phối
hợp công tác PBGDPL của tỉnh để cấp phát đến các làng, bản và từng hộ gia đình.
- Tăng cường công tác trợ giúp
pháp lý lưu động đến với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Tăng thời lượng phát sóng
phát thanh, truyền hình để tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản pháp luật
mới, các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước liên
quan trực tiếp đến đời sống của cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Tổ chức tuyên truyền pháp luật
thông qua hình thức thông tin cổ động, các cụm pa nô, áp phích.
- Xây dựng và nhân rộng các mô
hình sinh hoạt câu lạc bộ của các tổ chức như Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thành
niên...
III. PHÂN
CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Ở cấp tỉnh:
a) Sở Tư Pháp: Là cơ quan chủ
trì thực hiện và thường trực khâu nối hoạt động của các thành viên trong tổ chức
thực hiện đề án, định kỳ 6 tháng 1 lần tổ chức họp các ngành để kiểm điểm tình
hình công tác thời gian qua và rút kinh nghiệm, bàn kế hoạch phối hợp tiếp
trong thời gian tới để báo cáo UBND tỉnh. Sau khi có kế hoạch các Ban, ngành
tham gia có trách nhiệm hướng dẫn cho tổ chức mình ở cấp huyện và cơ sở tổ chức
thực hiện.
- Phối hợp với các Sở, Ban,
Ngành liên quan: Tài chính, Nông dân, Đoàn TN CSHCM, Phụ nữ, Dân tộc, Quân sự,
Biên phòng tổ chức tốt các hội nghị quán triệt văn bản quy phạm pháp luật mới
cho đội ngũ báo cáo viên là hội viên, lực lượng Bộ đội tăng cường cơ sở, Bộ đội
Biên phòng và chiến sỹ phục vụ cho việc PBGDPL ở các xã miền núi, vùng cao và
cán bộ cấp xã, cán bộ thôn, bản, già làng, trưởng bản các văn bản luật: Luật
Khiếu nại, Tố cáo; Luật Đất đai; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật phòng, chống
ma túy; Luật Biên giới Quốc gia, Pháp lệnh Dân số, các vấn đề về quản lý, đăng
ký hộ tịch... tại các huyện: Kỳ Sơn; Con Cuông; Tương Dương; Quế Phong; Quỳ
Châu; Quỳ Hợp.
Thời gian thực hiện: quý 2, 3,
4/2005.
- Phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh,
Ủy ban MTTQ, Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức trợ
giúp pháp lý lưu động đến các bản, làng. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ
phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Thời gian thực hiện: Quý 2, 3,
4/2005
- Phối hợp với Ban Dân tộc và Sở
Văn hóa - Thông tin biên soạn, biên dịch các loại tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp
luật dưới dạng hỏi đáp pháp luật sang các thứ tiếng dân tộc để phát tận tay cho
đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Xuất bản và
ra số chuyên đề Tập san Pháp luật và Đời sống liên quan đến các cơ chế chính
sách cho miền núi để phát đến khối, xóm, bản, làng.
Thời gian thực hiện: Quý 3,
4/2005
- Phối hợp với Đài Phát thanh
Truyền hình mở các chuyên mục hỏi đáp pháp luật, trả lời bạn nghe đài, sao băng
gửi về cơ sở miền núi, có kế hoạch dành thời lượng nhất định và tập trung cao
cho việc tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật, các cơ chế chính sách mới
của Trung ương và địa phương có liên quan đến dân tộc và miền núi, đảm bảo những
văn bản có liên quan đến miền núi đều được phát trên mạng truyền thanh cơ sở.
Xây dựng chương trình PBGDPL bằng tiếng dân tộc Thái, Mông để phát trên sóng
truyền thanh, truyền hình một tháng 2 lần.
Thời gian thực hiện: Quý 2, 3,
4/2005
- Phối hợp với Báo Nghệ An để mở
các chuyên trang, tăng nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước trên chuyên trang Miền núi - Dân tộc và trên báo Nghệ An
hàng ngày.
Thời gian thực hiện: Quý 2, 3,
4/2005
- Phối hợp với Sở Giáo dục -
Đào tạo và các ngành có liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật
cho đội ngũ giáo viên dạy môn chính trị và giáo dục công dân. Tổ chức tuyên
truyền pháp luật theo từng chuyên đề cụ thể cho đối tượng là học sinh, sinh
viên trên địa bàn miền núi.
Thời gian thực hiện: Quý 3/2005
- Phối hợp với Sở Nội vụ đánh
giá và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp cấp xã của các huyện miền
núi, từng bước chuẩn hóa đội ngũ này.
Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ
quý 3/2005
- Phối hợp với Sở Văn hóa -
Thông tin hướng dẫn các cơ quan báo, đài thông qua phương tiện thông tin đại
chúng để tuyên truyền các văn bản pháp luật; các cơ chế chính sách về miền núi.
Củng cố và phát triển mạng lưới loa truyền thanh cơ sở. Tổ chức tuyên truyền
pháp luật bằng hình thức thông tin, cổ động, các cụm panô, áp phích, phát triển
các bảng tin ở cụm dân cư.
Thời gian thực hiện: Quý 2, 3,
4/2005.
- Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ
nữ tỉnh, Hội Nông dân, Ban Dân tộc tổ chức tập huấn, tuyên truyền Luật Hôn nhân
Gia đình; Pháp lệnh Dân số... và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho hội viên là cán bộ
phụ nữ, người dân tộc thiểu số, miền núi. Phát triển các mô hình "Câu lạc
bộ Phụ nữ với Pháp luật", "Nông dân với pháp luật".
Thời gian thực hiện: Quý 3,
4/2005.
- Phối hợp với Tỉnh đoàn tuyên
truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng trong đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh
niên, sinh viên tình nguyện và sử dụng đội ngũ này làm báo cáo viên để tuyên
truyền pháp luật. Nhân rộng mô hình "Câu lạc bộ tuổi trẻ phòng, chống tội
phạm" đến các địa bàn miền núi.
Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ
quý 3, 4/2005
- Phối hợp với Công an tỉnh và
các sở, ban, ngành liên quan tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho
cán bộ, chiến sỹ công tác địa bàn miền núi; xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp
luật là cán bộ công an để làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và trợ
giúp pháp lý tại địa bàn miền núi.
Thời gian thực hiện: Quý 3,
4/2005
- Phối hợp với Sở Tài chính
tham mưu cho UBND tỉnh bảo đảm kinh phí thực hiện đề án năm 2005 và kinh phí
trong những năm tiếp theo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các xã,
huyện miền núi.
Thời gian thực hiện: Quý 2,
3/2005.
2. Ở cấp huyện:
UBND các huyện Miền núi và UBND
các huyện có xã Miền núi trên cơ sở kế hoạch thực hiện đề án của tỉnh chịu
trách nhiệm phối hợp với ban, ngành chức năng có liên quan xây dựng kế hoạch
triển khai thực hiện ở địa phương mình.
Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ
quý 2/2005 đến quý 4/2005.
IV - KINH
PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRONG NĂM 2005
Cấp tỉnh: Thực hiện theo đề nghị
tại Tờ trình số 415/TTLN.TP.TC ngày 16/5/2005 của liên ngành Tài chính - Tư
pháp.
Cấp huyện: Giao UBND các huyện,
xã tính toán cụ thể để cấp bổ sung bảo đảm các nội dung thực hiện ở cấp mình.