ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 286/KH-UBND
|
Đồng Tháp, ngày
26 tháng 12 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TÚY
Thực hiện Kế hoạch số 172-KH/TU
ngày 10/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày
16/8/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác
phòng, chống và kiểm soát ma túy, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng kế hoạch như sau:
I. MỤC TIÊU,
YÊU CẦU
1. Từng bước kiềm chế, đẩy
lùi tội phạm về ma túy, không để hình thành tụ điểm phức tạp về ma túy; không để
tái trồng cây có chứa chất ma túy và sản xuất trái phép chất ma túy; hạn chế
phát sinh người nghiện mới.
2. Kiên quyết triệt xóa
các điểm, tụ điểm về ma túy bị phát hiện; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm
lậu vào nội địa; kiểm soát và quản lý chặt các loại tiền chất ma túy, chất gây
nghiện, chất hướng thần; thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau
cai nghiện.
3. Nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của các ngành, các cấp trong thực hiện công tác phòng, chống và kiểm
soát ma túy, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của từng đơn vị; kết
hợp chặt chẽ giữa phòng và chống tội phạm ma túy, công tác cai nghiện tập trung
và hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng; đầu tư, tăng nguồn lực
cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; củng cố lực lượng chuyên trách
phòng, chống ma túy (PCMT) đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn PCMT; nâng hiệu
quả hợp tác quốc tế về PCMT và thực hiện nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa
chất ma túy.
II. NỘI DUNG
THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Nâng cao
vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống
và kiểm soát ma túy
- Thủ trưởng các sở, ngành Tỉnh
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nhận thức đầy đủ vai trò,
trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCMT, phải xem đây là một
trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục; hàng
năm phải có chương trình, kế hoạch cụ thể và hàng tháng phải nghe báo cáo, có
chỉ đạo cụ thể về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và kiểm soát ma túy; thường
xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những khó
khăn, vướng mắc và chịu trách nhiệm về tình hình ma túy ở địa phương và lĩnh vực
phụ trách; lấy hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong
những tiêu chí để nhận xét, đánh giá, xếp loại và xét thi đua hàng năm.
- Mỗi cán bộ, công chức, viên
chức phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện công tác PCMT; có
trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân nơi cư trú
thực hiện tốt pháp luật về PCMT.
Phân công thực hiện: Các
Sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.
2. Tổ chức
thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống
và kiểm soát ma túy
- Tăng công tác tuyên truyền bằng
nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, cảnh báo toàn xã hội về hiểm họa ma túy;
các cơ quan báo, đài tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự về tác hại của ma
túy; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục,
phòng ngừa tệ nạn xã hội.
Phân công thực hiện: Sở
Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Sở Giáo dục
và Đào tạo, Báo Đồng Tháp và các đơn vị có liên quan.
- Phát động phong trào toàn dân
bảo tham gia PCMT; phối hợp đưa nội dung PCMT vào các mô hình, hoạt động thi
đua của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo; gắn
phong trào “Toàn dân tham gia PCMT” với các phong trào thi đua khác để
xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy; phát huy hiệu quả mô hình “Tổ
nhân dân tự quản” trong PCMT.
Phân công thực hiện: Công
an Tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã, thành phố.
- Tăng các hoạt động văn hóa,
văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh (tổ chức các hoạt
động thể dục, thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền ở các xã, phường, thị trấn, điểm
sinh hoạt văn hóa…), bổ ích đối với từng lứa tuổi để thu hút các tầng lớp
Nhân dân tham gia, không bị lôi kéo, sa ngã vào tệ nạn ma túy.
Phân công thực hiện: Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.
3. Phát huy
vai trò nòng cốt của lực lượng chuyên trách về phòng, chống và kiểm soát ma túy
- Nắm chắc tình hình, kịp thời
phát hiện và đấu tranh triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận
chuyển trái phép chất ma túy, nhất là địa bàn biên giới, không để ma túy thẩm
thấu qua biên giới vào nội địa tiêu thụ; xây dựng Quy chế phối hợp giữa Công
an, Biên Phòng, Hải quan về phòng, chống và kiểm soát ma túy tuyến biên giới.
Phân công thực hiện: Công
an Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh, Cục Hải quan Tỉnh.
- Thực hiện các biện pháp chuyển
hóa địa bàn phức tạp về ma túy; triệt xóa các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng
trái phép chất ma túy, nhất là các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về
an ninh, trật tự (quán bar, quán karaoke, nhà nghỉ…); phối hợp điều tra,
truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm về ma túy, thu hồi triệt để tài sản do phạm
tội về ma túy mà có.
Phân công thực hiện: Công
an Tỉnh phối hợp Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh, Tòa án nhân dân Tỉnh.
- Phối hợp kiểm soát chặt chẽ
các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, không để tội phạm lợi dụng
sản xuất ma túy; kịp thời phát hiện, triệt phá cây chứa chất ma túy; thường
xuyên rà soát để kịp thời phát hiện, đề xuất cấp có thẩm quyền khắc phục những
sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, nhất là quản lý biên giới, nhập
khẩu, tiền chất ma túy, các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an
ninh, trật tự, người nước ngoài cư trú và hoạt động trên địa bàn… không để tội
phạm ma túy lợi dụng hoạt động.
Phân công thực hiện: Công
an Tỉnh, Sở Công Thương, Sở Y tế, Cục Hải quan Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng Tỉnh.
4. Thực hiện
tốt công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện
- Đảm bảo nhân lực, cơ sở vật
chất phục vụ tốt công tác điều trị nghiện ma túy tại Cơ sở điều trị nghiện; tổ
chức nhân rộng các mô hình PCMT có hiệu quả, nhất là mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ
người nghiện ma túy tại cộng đồng”; định kỳ tổng kết để đánh giá toàn diện
công tác cai nghiện ma túy và có sự điều chỉnh phù hợp, tập trung nguồn lực cho
những hình thức cai nghiện hiệu quả; rà soát, thống kê chính xác người nghiện
ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy để có biện pháp quản lý chặt chẽ, phòng
ngừa tái nghiện, hạn chế người nghiện mới và tội phạm; tăng cường vận động xã hội
hóa công tác cai nghiện, huy động nguồn lực các thành phần kinh tế tài trợ, đầu
tư cho các hoạt động PCMT.
Phân công thực hiện: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Công an Tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã, thành phố.
- Hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện,
tìm việc làm cho người sau cai nghiện và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ
em cơ nhỡ không nơi nương tựa, thanh niên chưa có việc làm ổn định, không để bị
mặc cảm, lôi kéo tham gia tội phạm về ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy.
Phân công thực hiện: Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.
5. Tăng cường
nguồn lực đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy
Củng cố, nâng cao năng lực của
lực lượng chuyên trách làm công tác PCMT toàn Tỉnh đảm bảo đủ khả năng, điều kiện
thực hiện nhiệm vụ PCMT; hàng năm tăng mức đầu tư ngân sách và huy động sự đóng
góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân, bảo đảm
kinh phí cho công tác PCMT; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thiết bị chuyên dùng cho
công tác PCMT; có chính sách để động viên, hỗ trợ người có công, bị thương, bị
phơi nhiễm HIV, thân nhân cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ
đấu tranh tội phạm ma túy.
Phân công thực hiện: Sở
Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an
Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.
6. Mở rộng,
nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và phối hợp với các tỉnh lân cận về phòng, chống
và kiểm soát ma túy
- Duy trì hợp tác quốc tế về
phòng, chống và kiểm soát ma túy với tỉnh Prâyveng và các tỉnh, thành thuộc
Vương quốc Campuchia, nhất là công tác trao đổi thông tin, tình hình tội phạm
ma túy và phối hợp tấn công tội phạm ma túy, không để chúng lợi dụng địa bàn
biên giới Đồng Tháp - Prâyveng để hoạt động.
- Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh,
thành lân cận thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình tội phạm ma túy để kịp
thời đấu tranh, ngăn chặn, triệt xóa hiệu quả loại tội phạm này.
Phân công thực hiện: Công
an Tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các sở, ngành Tỉnh, Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công
có chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều
kiện, tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương; thực hiện tốt công tác sơ
kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân, người cơ uy tín, chức sắc
tôn giáo, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia PCMT; định kỳ 6 tháng, năm báo
cáo tình hình, kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Tỉnh (qua Công an Tỉnh) để
tổng hợp.
2. Kinh phí thực hiện kế
hoạch được bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn huy động hợp
pháp khác. Các sở, ngành Tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chủ động
bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước được giao hàng năm để triển khai, thực
hiện.
3. Giao Công an Tỉnh chủ
trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc
việc thực hiện và báo cáo theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Các sở, ngành Tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể Tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP;
- Lưu VT, NC/NC(G).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Dương
|