TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ
TP. HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 7362/CTTPHCM-TTHT
V/v hóa đơn
điện tử
|
Thành phố Hồ Chí Minh,
ngày 27 tháng 6 năm 2022
|
Kính gửi: Công ty TNHH Archer Daniels
Midland Việt Nam
Địa chỉ: Phòng 5, tầng 7, Tòa nhà Saigon Centre, 65 Lê Lợi, Phường Bến Nghé, Quận
1, TP. Hồ Chí Minh
Mã số thuế: 0313654924
Trả lời văn bản số 03/2022/ADMVN ngày 06/06/2022 của
Công ty TNHH Archer Daniels Midland Việt Nam (sau đây gọi là Công ty) về việc
ngày lập và ký hóa đơn điện tử. Về vấn đề này, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh có ý kiến
như sau:
- Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020
của Chính phủ quy định:
+ Tại Điều 4 quy định về nguyên tắc lập hóa đơn:
“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải
lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ
dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng,
trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa
luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình
thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo
quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải
theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định
này”.
+ Tại Điều 9 quy định về thời điểm lập hóa đơn:
“….
2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là
thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay
chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc
trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền
(không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp
đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định
giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ
thể như sau:
g) Đối với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh
doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống cửa hàng bán trực tiếp đến người
tiêu dùng nhưng việc hạch toán toàn bộ hoạt động kinh doanh được thực hiện tại
trụ sở chính (trụ sở chính trực tiếp ký hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ;
hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ từng cửa hàng xuất cho khách hàng xuất qua hệ thống
máy tính tiền của từng cửa hàng đứng tên trụ sở chính), hệ thống máy tính tiền
kết nối với máy tính chưa đáp ứng điều kiện kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan
thuế, từng giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống có in Phiếu tính tiền
cho khách hàng, dữ liệu Phiếu tính tiền có lưu trên hệ thống và khách hàng
không có nhu cầu nhận hóa đơn điện từ thì cuối ngày cơ sở kinh doanh căn cứ
thông tin từ Phiếu tính tiền để tổng hợp lập hóa đơn, điện tử cho các giao dịch
bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống trong ngày, trường hợp khách hàng yêu cầu lập
hóa đơn điện tử thì cơ sở kinh doanh lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng.
…”
+ Tại Điều 10 quy định về nội dung của hóa đơn:
“8. Thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn tại
Điều 9 Nghị định này và được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm
dương lịch.
9. Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm
người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị
theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn điện tử
đã lập có thời điểm ký số tiền hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm
khai thuế là thời điểm lập hóa đơn”.
- Căn cứ Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày
31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về thời điểm xác định thuế GTGT:
“1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền
sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được
tiền hay chưa thu được tiền.
2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa
đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.
- Căn cứ Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày
19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa
đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ:
“1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau
đây:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến
chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ;
b) Lập hóa đơn liên tục từ số nhỏ đến số lớn nhưng
khác quyển (dùng quyển có số thứ tự lớn hơn và chưa dùng quyển có số thứ tự nhỏ
hơn) và tổ chức, cá nhân sau khi phát hiện ra đã hủy các quyển hóa đơn có số thứ
tự nhỏ hơn;
c) Lập sai loại hóa đơn theo quy định đã giao cho người
mua hoặc đã kê khai thuế, bên bán và bên mua phát hiện việc lập sai loại hóa
đơn và lập lại loại hóa đơn đúng theo quy định trước khi cơ quan có thẩm quyền
công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và không ảnh
hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với
một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp
luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
b) Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng
để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng,
trao đổi trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ,
tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối
với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện
nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối
với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của
pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại
điểm a khoản 1, khoản 3 Điều này;
b) Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn
theo quy định, trừ trường hợp phạt cảnh cáo theo điểm b khoản 1 Điều này;
c) Lập hóa đơn ghi ngày trên hóa đơn trước ngày mua
hóa đơn của cơ quan thuế;
d) Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về
hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai
thuế, trừ trường hợp phạt cảnh cáo theo điểm c khoản 1 Điều này;
đ) Lập hóa đơn điện tử khi chưa có thông báo chấp thuận
của cơ quan thuế hoặc trước ngày cơ quan thuế chấp nhận việc sử dụng hóa đơn điện
tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế;
e) Lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ trong thời gian
tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp lập hóa đơn giao cho khách hàng
để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày thông báo tạm ngừng kinh doanh;
g) Lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết
nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối
với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua
theo quy định, trừ hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập hóa đơn theo
quy định đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 4, khoản 5 Điều này khi người
mua có yêu cầu.
Căn cứ các quy định trên và theo trình bày của Công
ty, thời điểm lập hóa đơn điện tử là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc
quyền sử dụng hàng hóa, thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân
biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại Điều 9 Nghị định
số 123/2020/NĐ-CP. Hóa đơn điện tử được lập phải có đầy đủ nội dung theo quy định
tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP , nếu thời điểm lập hóa đơn khác thời điểm
ký số thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn, phù hợp với quy định tại
Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC .
Trường hợp Công ty lập hóa đơn không đúng thời điểm sẽ
bị xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ
theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP .
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thông báo Công ty được biết
và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Phòng NVDTPC;
- Phòng TTKT số 6;
- Lưu: VT, TTHT (tmsang, 3b)
1671/22
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Tiến Dũng
|