ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 56/KH-UBND
|
Lào Cai, ngày 09
tháng 02 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 63/QĐ-TTG NGÀY 12/01/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, VỀ
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI ĐẦU TƯ CÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN
NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Thực hiện Quyết định 63/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ
tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020
và định hướng đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch tổ
chức thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải
pháp để đạt được mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020
và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định
số 63/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 (sau đây gọi tắt là Đề án), góp phần sử dụng hiệu
quả các nguồn vốn đầu tư công vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh
Lào Cai.
- Xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực
hiện và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai
các giải pháp của Đề án.
2. Yêu cầu
- Bám sát các mục tiêu của Đề án, bảo đảm thực hiện
đầy đủ các nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Đề án.
- Kế hoạch phải bảo đảm tính khả thi, phát huy tối
đa nguồn lực hiện có của các cơ quan, tổ chức có liên quan và tình hình thực tiễn
tại địa phương trong việc triển khai Đề án.
- Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng
thời bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan chủ trì tham mưu triển khai
thực hiện (Sở Kế hoạch và Đầu tư) với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong
việc triển khai hiệu quả Đề án.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Quán triệt, tuyên truyền
việc triển khai Đề án
- Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu
tổ chức quán triệt, triển khai Đề án lồng ghép trong việc tổ chức tập huấn thực
hiện Luật Đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2018.
2. Các nội dung thực hiện
Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định
hướng đến năm 2025 tỉnh Lào Cai xác định huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực một cách toàn
diện theo hướng hiện đại góp phần xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế
của vùng và cả nước về công nghiệp khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản,
dịch vụ cửa khẩu, du lịch và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng
thời là địa bàn quan trọng về hợp tác quốc tế với các tỉnh phía Tây - Nam Trung
Quốc. Trong đó nguồn vốn đầu tư công tập trung xây dựng các công trình, dự án
trọng điểm, có sức lan tỏa rộng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo
hình thức đối tác công tư (PPP) và bảo đảm phát triển hài hòa giữa khu vực đô
thị và nông thôn. Cơ cấu đầu tư công theo nguồn vốn và theo vùng, ngành, lĩnh vực
như sau:
2.1. Cơ cấu đầu tư công theo nguồn vốn:
a) Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái
phiếu Chính phủ:
- Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh
tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh, có tính kết nối và lan tỏa giữa các địa phương. Tiếp tục ưu
tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng biên giới, miền
núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ
và các vùng khó khăn khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách
nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.
- Thực hiện nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn
ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các
thành phần kinh tế khác. Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và
ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ
tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng
và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng
dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục...
b) Đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các
nhà tài trợ nước ngoài: Đề nghị Trung ương ưu tiên đầu tư hỗ trợ thực hiện các
dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu;
phát triển nông nghiệp và nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo
nguồn nhân lực chất lượng; bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên
nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ thúc đẩy đầu tư thương mại cửa khẩu.
c) Đối với nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của
Nhà nước: Tập trung đầu tư cho các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp của
các thành phần kinh tế như: xây dựng cơ sở chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản;
sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là các dự án sản xuất sử dụng nhiều lao động;
trồng rừng nguyên liệu tập trung, trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả;
d) Nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và
ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP): Tập trung thu hút nguồn vốn
khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát
triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các
dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế và
các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục...
3. Cơ cấu đầu tư công theo vùng
Đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm,
chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã
hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng vùng cao, vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó
khăn, hàng năm tiếp tục dành 65-70% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đầu
tư cho vùng cao, vùng nông thôn (ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế, giao thông
nông thôn) để góp phần giảm nghèo đa chiều.
4. Cơ cấu đầu tư theo ngành,
lĩnh vực
4.1. Lĩnh vực du lịch, dịch vụ
- Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các
dịch vụ trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai như: hệ thống giao thông (kết nối
các cửa khẩu và đường cao tốc, đường sắt, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ), điện nước,
thông tin liên lạc, trung tâm thương mại, kho, bãi...
- Tập trung đầu tư hạ tầng du lịch tại các khu du lịch
quốc gia Sa Pa, điểm du lịch Thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Bát Xát. Đặc biệt tập
trung nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa. Khuyến khích, thu
hút đầu tư xây dựng khách sạn, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí đặc thù có
qui mô lớn và chất lượng cao: Dự án cáp treo tại Sa Pa gắn với du lịch tâm linh
tại Phansipan, sân golf…
4.2. Lĩnh vực công nghiệp
- Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp,
cụm TTCN. Trong đó hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý nước thải tại
khu vực KCN Tằng Loỏng, khẩn trương đầu tư hoàn thành tuyến đường giao thông
Quý Sa - Tằng Loỏng đảm bảo việc vận chuyển quặng từ mỏ Quý Sa và ngược lại.
- Kêu gọi thu hút các dự án công nghệ cao; sử dụng
công nghệ thân thiện với môi trường đầu tư và dự án chế biến sâu hơn nữa các loại
khoáng sản khai thác trên địa bàn.
- Cân đối các nguồn vốn ưu tiên đầu tư và hoàn thiện
cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là hệ thống lưới
điện, cấp nước đảm bảo hoạt động cho các nhà máy trong khu công nghiệp, cụm
TTCN.
4.3. Kết cấu hạ tầng
a. Lĩnh vực giao thông
Đề nghị Trung ương:
- Sớm triển khai xây dựng đường cao tốc Nội Bài -
Lào Cai giai đoạn 2 và kết nối đường cao tốc với Sa Pa, Tuyên Quang. Nâng cấp
toàn tuyến quốc lộ 70, quốc lộ 4D, quốc lộ 4E và toàn tuyến quốc lộ 4, quốc lộ
279.
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên
- Lào Cai. Trước năm 2020, nghiên cứu lập dự án và xây dựng mới tuyến đường sắt
tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội theo chuẩn quốc tế.
- Cải tạo, nâng cấp luồng tuyến đường thủy đoạn Yên
Bái - Lào Cai (dài 166km) thuộc tuyến đường thủy Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai đạt
cấp III, luồng 2 làn tàu.
- Hỗ trợ vốn từ ngân sách đầu tư xây dựng Cảng hàng
không Lào Cai với cấp sân bay đạt tiêu chuẩn 4C (đường băng hạ cánh và cất cánh
dài 3.100 mét, rộng 50 mét) trước năm 2020.
- Nâng cấp các tuyến đường liên xã, đầu tư nâng cấp
đường liên thôn tới tất cả các thôn bản.
b. Lĩnh vực hạ tầng cung cấp điện: Rà
soát các thôn bản chưa có điện lưới đưa vào kế hoạch đầu tư hàng năm. Đảm bảo đến
năm 2020 cơ bản các thôn bản trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia.
c. Lĩnh vực phát triển hạ tầng thủy lợi:
- Tiếp tục đầu tư kiên cố hóa các hồ, đập; công
trình cấp nước sinh hoạt vùng cao, vùng núi đá vôi có dân cư và địa bàn thiếu
nguồn nước về mùa khô như: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai.
- Đầu tư hệ thống thủy lợi, kè sông, suối biên giới
bảo đảm an toàn, an ninh biên giới và sản xuất, đời sống của nhân dân.
4.4. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
- Giáo dục đào tạo: Tiếp tục rà soát quy hoạch
mạng lưới trường lớp học, tập trung đầu tư xóa phòng học tạm, xây dựng hoàn thiện
nhà ở bán trú, nhà công vụ cùng các hạng mục phụ trợ phục vụ cho giáo viên và học
sinh.
- Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
+ Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa
khoa tỉnh, đảm bảo quy mô bệnh viện hạng II (bệnh viện vệ tinh của Trung ương).
+ Đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng: Bệnh viện Sản
nhi, Bệnh viện Nội tiết, Y học cổ truyền. Xây dựng mới Bệnh viện đa khoa huyện
Mường Khương; đầu tư mở rộng Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng...
- Văn hóa, thể thao: Đầu tư nâng cấp các thiết
chế văn hóa tại trung tâm tỉnh và các huyện, thành phố như: sân vận động, nhà
văn hóa tại các huyện, thành phố, trung tâm cụm xã...
5. Cơ cấu đầu tư các dự án trọng
điểm tạo động lực, thúc đẩy KTXH phát triển
5.1. Giai đoạn 2017-2020:
(1) Đầu tư, mở rộng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai
theo Quyết định số 40/2016/QĐ-TTg ngày 22/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trong
giai đoạn này tập trung đầu tư các hạng mục thiết yếu theo quy hoạch được duyệt.
(2) Đầu tư thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển
Khu Du lịch quốc gia Sa Pa theo Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 của Thủ
tướng Chính phủ.
(3) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện
đại với các dự án trọng điểm: Đường kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Sa
Pa; Xây dựng cảng hàng không Lào Cai (giai đoạn này tập trung hoàn thành công
tác GPMB, tái định cư); xây dựng đường sắt tiêu chuẩn quốc tế Hà Nội - Lào Cai.
(4) Đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp luyện
kim hóa chất tại Tằng Loỏng, Lào Cai để phục vụ hoạt động của các nhà máy chế
biến sâu các loại quặng đồng, sắt, hóa chất, phân bón...
5.2. Giai đoạn 2021-2025
(1) Tiếp tục đầu tư, mở rộng Khu Kinh tế cửa
khẩu Lào Cai
Đầu tư xây dựng khu dịch vụ kho bãi Logictis, dịch
vụ hậu cần lưu trữ hàng hóa xuất nhập khẩu của các cửa khẩu, lối mở, khu công nghiệp
thuộc khu kinh tế với đầy đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo quy trình bảo
quản hàng hóa trong thời gian phải chờ tại khu cửa khấu lối mở cửa khẩu quốc tế
và cửa khẩu quốc gia (Hệ thống kho, kho lạnh, Logisctis tại cửa khẩu Quốc tế và
cửa khẩu quốc gia Mường Khương, các lối mở, các điểm Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược
(Bát Xát), Bản Quẩn (Bảo Thắng)...).
Từ năm 2021 trở đi phấn đấu xây dựng khu kinh tế cửa
khẩu để có sự phát triển vượt bậc, trở thành một trong những khu kinh tế cửa khẩu
quan trọng, phát triển và đem lại nguồn thu ngân sách nhà nước đứng đầu trong
các khu kinh tế cửa khẩu ở phía bắc của đất nước.
(2) Hoàn thành việc xây dựng cảng hàng không
Lào Cai
Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ huy động nguồn lực xây
dựng Cảng hàng không Lào Cai theo quy hoạch được duyệt tại Quyết định số
455/QĐ-BGTVT ngày 04/02/2016 với quy mô tiêu chuẩn là sân bay dân dụng cấp 4C
và sân bay quân sự cấp II với công suất 1.585 nghìn hành khách/năm, 2.880 tấn
hàng hóa/năm; địa điểm xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.
(3) Giai đoạn 2021-2025 huy động nguồn lực đầu
tư tập trung để xây dựng Sa Pa thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế: Tập
trung vào các Dự án hạ tầng nội thị giao thông cấp nước, cấp điện, xử lý nước
thải, rác thải tại Sa Pa, các tuyến đường kết nối đến các Khu du lịch Thác Bạc,
Tả Van, Lao Chải, Tả Phìn, Cát Cát...; bãi đỗ xe, các điểm dừng, khu vọng cảnh...
(4) Giai đoạn 2021 -2025 huy động nguồn lực đầu
tư phát triển Thành phố Lào Cai đạt tiêu chuẩn đô thị loại I:
Trong đó tập trung vận động và thu hút vốn ODA, vốn
tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội về
giao thông, xử lý rác thải, các công trình dịch vụ tiện ích, công trình công cộng
cần thiết, xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời, được huy động vốn đầu tư
trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong nước; vay lại nguồn vốn vay nước ngoài
của Chính phủ để thực hiện các dự án xây dựng các khu vui chơi, giải trí,
casino...đẳng cấp quốc tế tại thành phố Lào Cai.
6. Các giải pháp thực hiện:
Các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện
các nhóm giải pháp sau:
6.1. Nhóm giải pháp thực hiện trong giai đoạn
2017-2020:
a) Khẩn trương rà soát, kiến nghị với Trung ương sửa
đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình
thực hiện, đặc biệt tại Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
b) Triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu
tư công. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc bố trí
vốn cho từng dự án cụ thể. Bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án theo tiến
độ đã được quy định.
c) Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn chặt chẽ với
cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, quyết liệt thực hiện chủ trương giảm
tỷ trọng đầu tư nhà nước, tăng tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế khác.
Đa dạng hóa các hình thức, kênh đầu tư và mô hình hợp tác nhằm huy động hiệu quả
các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Mở
rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân tham gia phát triển
hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển
và các vùng kinh tế động lực, một số ngành nghề trong lĩnh vực xã hội, xử lý
môi trường bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện chủ
trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công.
d) Tăng cường quản lý đầu tư công. Chú trọng nâng
cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư. Tăng cường rà soát, bảo đảm các chương
trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy
đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Tăng cường công tác
phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện.
Chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện
các chương trình, dự án đầu tư cụ thể. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình
hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo quy định. Theo
dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực
hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
đ) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin về quản
lý đầu tư công. Tham gia có hiệu quả Hệ thống thông tin dữ liệu dự án đầu tư
công tập trung, thống nhất trên toàn quốc.
6.2. Nhóm giải pháp định hướng đến năm 2025:
a) Tham gia đề xuất với Trung ương nâng cao chất lượng
thể chế quản lý đầu tư công trên các nội dung:
- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất với Trung
ương hoàn thiện cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật về đầu tư công, trong
đó tập trung rà soát và giải quyết triệt để những quy định của pháp luật về đầu
tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện trong tất cả các khâu của quy
trình quản lý đầu tư công.
- Rà soát, giảm thiểu các thủ tục đầu tư không cần
thiết, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi
để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà tài trợ triển khai nhanh các dự án đầu tư,
không để chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.
- Thực hiện nghiên cứu rà soát, hoàn thiện hệ thống
đơn giá xây dựng, suất đầu tư xây dựng công trình phục vụ các ngành kinh tế
trên địa bàn tỉnh.
b) Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn
vốn đầu tư của nền kinh tế theo cơ chế thị trường, tiếp tục hoàn thiện hệ thống
kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục
tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
c) Phân bổ vốn đầu tư công hợp lý, kết hợp hài hòa
giữa ngành, lĩnh vực đáp ứng định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội 5
năm của tỉnh. Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và
cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
d) Đẩy mạnh thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết
cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. Nâng
cao chất lượng dịch vụ giao thông đô thị. Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo
điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng. Nâng
cao hiệu quả và quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
đ) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng lãnh thổ, quy hoạch
phát triển đô thị.
e) Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường
giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư công; chống tham
nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Trong đó, đặc biệt đề cao vai
trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án,
nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư và các bên liên quan đến dự án.
Xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với
hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án đầu tư. Xử lý nghiêm những hành vi vi
phạm pháp luật, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
g) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn
nhà thầu, quản lý đấu thầu theo hướng công khai, minh bạch.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa
phương tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra việc thực
hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết, tham mưu tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện
theo yêu cầu của Trung ương.
- Chủ trì tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu
tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa
phương thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2016-2020 trong trường hợp cần thiết; tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đầu
tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ, Quốc hội và các Bộ ngành
Trung ương theo quy định.
- Chủ trì nghiên cứu, rà soát, đề xuất với Trung
ương sửa đổi các nội dung, quy định còn vướng mắc của pháp luật về đầu tư công,
về đấu thầu; hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP);
cử cán bộ tham gia ban soạn thảo nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Đầu tư công.
- Chủ trì công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn
Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và Nghị quyết của HĐND tỉnh
liên quan đến lĩnh vực đầu tư công và các Nghị quyết về cơ chế, chính sách của
tỉnh.
- Rà soát kỹ từng dự án ngay từ khi thẩm định chủ
trương đầu tư, chỉ lựa chọn, quyết định đầu tư các dự án có hiệu quả kinh tế -
xã hội cao.
2. Sở Tài chính
- Tham mưu công tác phân bổ, lồng ghép vốn ngân
sách tỉnh cho các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh để sớm hoàn thành, phát huy
hiệu quả.
- Yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư tăng cường công tác
quyết toán công trình bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành và hồ sơ được
duyệt; thực hiện nghiêm túc việc lập, nộp hồ sơ báo cáo quyết toán dự án hoàn
thành theo đúng quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ
Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
3. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan
nghiên cứu rà soát, hoàn thiện hệ thống đơn giá xây dựng, suất đầu tư xây dựng
công trình phục vụ việc lập dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu nâng cao công tác quản lý nhà nước về quản
lý các đồ án quy hoạch xây dựng các khu đô thị; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định
các quy hoạch, thiết kế đô thị; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật quan trọng của tỉnh.
Tổ chức kiểm tra, rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị,
nhất là tại thành phố Lào Cai và thị trấn Sa Pa; xây dựng hệ thống công khai
thông tin về quy hoạch, kiến trúc. Đồng thời, tập trung quản lý, kiểm soát chặt
chẽ các dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch.
4. Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố:
a) Căn cứ mục tiêu, nội dung giải pháp của kế hoạch,
cụ thể hóa thành các kế hoạch, nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương mình,
trong đó quy định lộ trình thực hiện từ nay đến hết năm 2025; tổ chức triển
khai thực hiện đến các đơn vị cơ sở thuộc cơ quan, đơn vị phụ trách. Trong đó tập
trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tăng cường nghiên cứu thực hiện Luật Đầu tư công,
các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và Nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến
lĩnh vực đầu tư công và các nghị quyết về cơ chế, chính sách của tỉnh.
- Thực hiện nghiêm túc các quy định về lập, thẩm định,
tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; lập, thẩm định, quyết định
chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các chương trình, dự án.
- Thực hiện nghiêm túc quy định các dự án được bố
trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm phải có đầy đủ các thủ tục
đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Chỉ tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với
các gói thầu được bố trí kế hoạch vốn; không yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn
để đầu tư khi các dự án chưa được bố trí kế hoạch vốn, làm phát sinh nợ đọng
xây dựng cơ bản.
- Các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư tập
trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để bàn giao đưa vào
sử dụng, tránh gây lãng phí hoặc thi công kéo dài để phải phê duyệt lại dự toán
công trình dẫn đến nâng tổng mức đầu tư; đồng thời tăng cường công tác kiểm
tra, giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của pháp luật.
- Các đơn vị chủ đầu tư, các cơ quan quản lý chuyên
ngành tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày
18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn
vốn nhà nước.
b) Báo cáo, cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu
cần thiết phục vụ công tác theo dõi, đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại đầu tư
công theo yêu cầu, bảo đảm tính chính xác và đúng thời gian quy định.
c) Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và các cơ quan
thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo
cáo thuộc sở, ngành và địa phương quản lý.
d) Cung cấp đầy đủ, kịp thời chủ trương, giải pháp
và tình hình triển khai thực hiện cơ cấu lại đầu tư công cho các phương tiện
thông tin truyền thông để quán triệt, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên
và toàn dân, bảo đảm thực hiện thành công và có hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại đầu
tư công.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở,
ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
nghiêm túc thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu
có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Các Bộ: KH&ĐT, TC (b/c);
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Các đơn vị TW trên địa bàn;
- BBT Cổng TTĐT tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu VT, TH1,2,3.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Đặng Xuân Phong
|