ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 118/KH-UBND
|
Tiền
Giang, ngày 08 tháng 5 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THEO
DÕI THI HÀNH PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN
GIANG NĂM 2018
Thực hiện Quyết định số 48/QĐ-LĐTBXH
ngày 16/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban
hành Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của
ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2018. Quyết định số 3898/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của
Ủy ban nhân dân tỉnh việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác theo dõi
tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2018, Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực lao động,
việc làm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2018, với những nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai, thực hiện có hiệu
quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng
tâm trong năm 2018 về lao động, việc làm; nâng cao nhận thức của các cấp, các
ngành về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình
thi hành pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm. Qua đó đánh giá kịp thời,
đầy đủ và toàn diện về tình hình thi
hành pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm của các cơ quan, đơn vị sản
xuất kinh doanh, cá nhân trên địa bàn tỉnh; đồng thời góp
phần tích cực trong công tác quản lý, phòng ngừa và hạn chế hành vi vi phạm
pháp luật xảy ra.
- Kiến nghị các giải pháp hoặc
đề nghị giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quá trình thi
hành pháp luật về lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Đảm bảo các nguyên tắc theo dõi
tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ và Thông tư số
14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ Tư pháp.
- Công tác theo dõi thi hành pháp
luật trong lĩnh vực lao động, việc làm được thực hiện thường xuyên, toàn diện, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
- Các sở, ban, ngành và cấp huyện
được phân công theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm
phải chủ động thực hiện, phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình theo dõi
thi hành pháp luật.
II. NỘI DUNG THEO DÕI THI HÀNH
PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM
1. Nội dung tổng quát
- Xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và khả khi của các văn bản quy định chi tiết
thi hành: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An
toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm và Luật Người lao động Việt Nam đi làm
việc có thời hạn ở nước ngoài.
- Xem xét, đánh giá tính kịp thời,
đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, phổ biến
pháp luật lao động, việc làm cho cán bộ nguồn tại các cơ quan nhà nước, cho
người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên
địa bàn tỉnh; mức độ đáp ứng về kinh phí trong quá trình
thực hiện.
- Xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và mức độ tuân thủ
pháp luật của các cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh, cá nhân trên địa bàn
tỉnh.
2. Các hoạt động cụ thể
a) Tổng hợp, thu thập thông tin về
tình hình thi hành pháp luật từ văn bản, báo cáo của các cơ quan, đơn vị sản
xuất kinh doanh, cá nhân cung cấp hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện giúp Ủy
ban nhân dân tỉnh thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật.
b) Điều tra, khảo sát về tình hình
thi hành pháp luật.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao
trong công tác thi hành pháp luật về lao động, việc làm, các sở, ngành, địa
phương được giao nhiệm vụ ở mục IV lựa chọn và tổ chức thực hiện công tác điều
tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về lao động, việc làm bằng một trong
các hình thức sau: thông qua phiếu khảo sát, tọa đàm, phỏng vấn trực tiếp và
các hình thức phù hợp khác.
c) Xử lý kết quả theo dõi tình hình
thi hành pháp luật
Trong quá trình thu thập thông tin,
điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, nếu phát hiện những hạn chế,
bất cập, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp phối hợp với các sở,
ban, ngành có liên quan xem xét, tổng hợp báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo
quy định của pháp luật.
Thời gian thực hiện: Quý 3/2018.
III. KINH PHÍ
Kinh phí thực hiện theo dõi thi hành
pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm sử dụng từ kinh phí thường xuyên
được ngân sách nhà nước bố trí cho các cơ quan, đơn vị trong năm 2018.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội
- Chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, Ban
Quản lý các khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các sở, ban, ngành
liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp các sở, ban,
ngành liên quan xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho
người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên
địa bàn tỉnh năm 2018 theo Kế hoạch chung của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra tình
hình thực hiện pháp luật lao động, việc làm tại các đơn vị
sản xuất kinh doanh theo kế hoạch hàng năm của ngành, đồng thời kiến nghị xử lý
các vi phạm nhằm đảm bảo tính chính xác, thống nhất trong
hướng dẫn và áp dụng pháp luật.
- Phối hợp Sở Tư
pháp và các sở, ban, ngành có liên quan đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
Kế hoạch điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật
trong lĩnh vực lao động, việc làm và cử cán bộ tham gia đoàn điều tra, khảo sát.
- Thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh kết quả theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm theo thời hạn quy định và các yêu cầu báo cáo
đột xuất (nếu có).
2. Sở Tư pháp
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành Kế hoạch điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực
lao động, việc làm.
3. Sở Y tế
Tổ chức kiểm tra và theo dõi việc
thực hiện đo đạc môi trường lao động định kỳ, trang bị phương tiện kỹ thuật y
tế tại nơi làm việc, phương án cấp cứu tại chỗ, khám sức khỏe cho người lao
động của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
4. Công an tỉnh
Tổ chức kiểm tra và theo dõi tình
hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, công tác quản lý lưu trú
lao động là người nước ngoài.
5. Ban Quản lý các khu công nghiệp
Chủ động theo dõi thi hành pháp luật
đối với một số nhiệm vụ quản lý nhà
nước về lao động trong các khu/cụm công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền theo quy
định tại Thông tư số 32/2014/TT-BLĐTBXH ngày 01/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, việc làm tại các
đơn vị sản xuất kinh doanh trong các khu/cụm công nghiệp.
6. Các sở, ban, ngành tỉnh
Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; cử cán bộ tham gia đoàn điều tra, khảo sát tình hình
thi hành pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm khi có yêu cầu.
7. Ủy ban nhân dân cấp huyện
Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các
cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác theo dõi thi
hành pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm trên địa bàn quản lý; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra tình hình
thực hiện pháp luật lao động, việc làm tại các đơn vị sản xuất kinh doanh trên
địa bàn tỉnh.
Báo cáo kết quả theo dõi thi hành
pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm thuộc phạm vi quản lý về Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội theo mẫu tại Phụ lục số 2 - Mẫu đề cương Báo cáo và các
biểu mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu
kèm theo báo cáo trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, được ban
hành kèm theo Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31/8/2015 của Bộ Tư pháp và các văn
bản hướng dẫn có liên quan trên địa bàn quản lý gửi Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội trước ngày 30/9/2018 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh và báo cáo đột xuất (nếu có).
Trên đây là Kế hoạch theo dõi thi
hành pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
năm 2018. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở,
ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh
(thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- TT. UBMTTQ VN tỉnh;
- CT và các Phó CT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các H, TP, TX;
- VPUB: CVP, PVP N.P.Bình, P. Nội chính;
- Lưu: VT, KGVX (Hương).
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thanh Đức
|